Bông Hồng Vàng Và Bình Minh Mưa Chương 20


Chương 20
EĐUA BAGRITXKI

Có thể báo trước cho những người nghiên cứu tiểu sử Eđua Bagritxki biết rằng họ sẽ phải chịu nhiều cay đắng, hoặc nói theo cách người ta thường nói “phải biết giá bao nhiêu pút(1) đắng cay” bởi vì tìm ra tiểu sử của Bagritxki không phải chuyện dễ dàng.

Bagritxki kể không biết bao nhiêu chuyện không có thực về mình, những chuyện ấy cuối cùng gắn chặt vào đời ông, đến nỗi có lúc không còn sao biết được đâu là thực đâu là chuyện truyền tụng nữa. Không thể nào khôi phục được sự thật, “chỉ một mình sự thật thôi và không có gì khác ngoài sự thật.”

Hơn nữa, tôi không tin là cần thiết phải làm cái việc uổng công ấy. Những chuyện bịa của Bagritxki là một phần đặc sắc trong tiểu sử của ông. Chính ông cũng thành thật tin những chuyện bịa của mình. Không thể hình dung nhà thơ có đôi mắt xám tươi cười và giọng nói hổn hển, nhưng lại như ca hát ấy nếu không có những chuyện bịa đặt đó.



Trên bờ biển Egây có một bộ lạc rất đẹp của những người “lêvăngti”. Họ là những người ham hoạt động vui vẻ. Bộ lạc ấy liên hợp những người đại diện của nhiều dân tộc khác nhau; người Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, người Ả Rập và Do Thái, Xyria và Ý.

Trong Liên bang Xô viết chúng ta có những “lêvăngti” của mình. Đó là “người Hắc Hải”. Họ cũng là những người thuộc các dân tộc khác nhau nhưng cùng là những người yêu đời, hay giễu cợt, quả cảm và yêu đến mê mẩn tâm thần Hắc Hải của

______________________________

1. Đơn vị đo lường Nga bằng 16,38 kilôgram

họ, yêu mặt trời khô khan, cuộc sống hải cảng, yêu “mẹ Ôđetxa”, yêu những quả mơ và những trái dưa hấu, yêu cuộc sống sục sôi muôn màu sắc bên bờ biển.

Eđua Bagritxki là người thuộc bộ lạc đó.

Ông lúc thì giống như gã thủy thủ lười biếng trên chiếc thuyền buồm tỉnh Khecxon, lúc thì giống như một lỏi” đánh bẫy chim ở cảng Ôđétxa, lúc thì giống anh bộ đội ngang tàng trong sư đoàn Kôtôpxki(1), lúc thì lại giống như Tin Ulenspighen.

Nếu thêm tình yêu thi ca tha thiết và tài thơ uyên bác cao rộng vào bên những tính chất tưởng như không thể hòa hợp với nhau thì tất cả những cái đó sẽ hợp thành tính cách toàn vẹn và duyên dáng của ông.

Lần đầu tiên, tôi gặp Bagritxki trên con đê chắn sóng ngoài hải cảng Ôđetxa. Ông vừa viết xong Bài trường ca dưa hấu - một bài thơ kì lạ vì chất tươi ngon của những cảm giác, tựa hồ nó được sóng bão Hắc hải tung bọt lên mình.

Chúng tôi ném những sợi dây câu thả dài ngoằng xuống biển, câu cá bống và cá phèn. Những con thuyền chất đầy đến ngọn toàn dưa hấu da sọc căng những cánh buồm vá víu đi ngang mặt chúng tôi. Mỗi lần gió mát nổi lên những con thuyền lại nghiêng ngả và chìm xuống đến tận sàn làm tung bọt chung quanh.

Bagritxki đưa lưỡi liếm đôi môi mặn và thở gấp, bắt đầu ngân nga đọc Bài trường ca dưa hấu.

Cô gái bắt gặp trên bờ biển quả dưa hấu có khắc hình trái tim do sóng vứt lên. Chắc là quả dưa đã trôi dạt từ một chiếc ghe bầu bị đắm.

______________________________

1. Kôtôpxki (1881-1925) anh hùng hồng quân Liên Xô, sư trưởng một sư đoàn kị binh nổi danh trong thời kì Nội chiến 1918 - 1920.

Chẳng ai bảo cho nàng biết

Rằng tim tôi nàng giữ nơi tay!...

Ông sẵn sàng ngâm thuộc lòng thơ của bất cứ thi sĩ nào. Trí nhớ của ông thực kì lạ. Trong lúc ông ngâm, cả đến những bài thơ quen thuộc cũng bỗng dưng nổi lên một âm điệu mới, ngân nga. Tôi chưa thấy ai có lối ngâm thơ như thế cả, trước và sau Bagritxki.

Những âm chất của từng từ, từng dòng bay bổng lên đến mức diễn đạt đầy đủ, mệt mỏi và làm người nghe đau nhói nơi tim. Bất kì thơ của ai, bài ca về Giôn Hạt Đại Mạch của Bớcxơ(1), Đôna Anna của Blốc hay là Vì bến bờ của Tổ quốc xa xôi của Puskin mà được Bagritxki ngâm, thì khi nghe ta không thể không nghẹn nơi cổ họng - điềm báo trước của những giọt nước mắt.

Từ hải cảng chúng tôi ra chợ Hylạp. Ở đấy có một phòng trà. Trong phòng trà này cùng với nước người ta bán đường hóa học, một mẩu bánh và pho mát cừu. Từ sáng sớm chúng tôi chưa ăn gì.

Hồi đó ở Ôđetxa có một lão ăn mày. Lão làm cho cả thành phố khiếp sợ vì lão không ăn xin theo cách của những người hành khất khác thường làm. Lão không hạ mình chìa bàn tay run rẩy ra và hát bằng giọng mũi: “Lạy các ông các bà giàu lòng thương kẻ khó! Xin các ông các bà hãy để mắt đến tấm thân tàn tạ của già!”

Không! Ông lão vóc cao, râu bạc như cước, đôi mắt đỏ kéo màng kia chỉ đi đến các phòng trà và chưa bước vào cửa lão đã lên giọng khàn khàn, ầm ầm trút những câu chửi rủa lên đầu khách.

Nhà tiên tri tàn bạo nhất là Iêrêmi trong Sấm truyền, người

______________________________

1. Robert Burns (1759 - 1796), nhà thơ lớn của Êcốt.

nổi tiếng là bậc thầy về môn nguyền rủa không người sánh kịp, cũng phải “ra không” trước lão ăn mày này, nói theo cách người Ôđetxa.

- Lương tâm của các người để đâu cả rồi, các người là người hay không còn là người nữa hả?! - Lão hét lên và lập tức tự trả lời câu hỏi hùng hồn của mình - Người gì các người khi các người điềm nhiên ngồi chén bánh mì với pho mát cừu béo ngậy, còn lão già này thì đi suốt từ sáng đến giờ lòng đói bụng rỗng như một cái thùng không! Giá mẹ các người biết các người trở thành những kẻ như thế nào thì chắc bà lão phải lấy làm sung sướng vì đã không phải sống đến lúc nhìn thấy cái cảnh càn rỡ này. Tại sao anh lại ngoảnh mặt đi thế, đồng chí? Anh không điếc đấy chứ? Tốt hơn hết là hãy dằn cái lương tâm đen tối của anh lại mà giúp đỡ lão già đói khát!

Mọi người đều bố thí cho lão. Không ai có thể chịu đựng nổi cuộc tấn công dồn dập của lão. Người ta nói rằng lão già lấy tiền góp nhặt được đi buôn muối lậu.

Trong phòng trà người ta đưa ra cho tôi một miếng pho mát cừu hăng xì bọc trong một mảnh giẻ ướt. Ăn loại pho mát cừu này thường bị đau lợi.

Lúc đó lão già ăn mày bước vào và ngay từ ngoài cửa lão đã chửi rủa ầm ầm.

- Được lắm! - Bagritxki nói một cách giận dữ - Hình như lão đã dấn thân vào tròng. Mặc cho lão đến gần chúng ta. Cứ để lão đến xem! Lão cứ cả gan đến gần chúng ta!

Tôi hỏi:

- Thì sao?

- Lão sẽ gặp sự chẳng lành đâu.- Bagritxki trả lời.

- Ờ, chẳng lành đâu mà ! Cứ để mặc cho lão đến bàn chúng ta.

Lão ăn mày lừ lừ tiến đến. Cuối cùng lão đứng lại bên chúng tôi, mắt long lanh nhìn miếng pho mát cừu trong vài giây và cổ họng lão sôi ầm ầm. Có lẽ lão giận lắm, đến nỗi lão thở hồng hộc và không tuôn cơn giận ra thành lời được. Nhưng rồi lão cũng hắng giọng và quát lên:

- Biết đến bao giờ lương tâm mới thức dậy trong lòng lũ trai trẻ này! Chúng nó đang vội vã ngốn hết miếng pho mát để khỏi phải cho lão già bất hạnh lấy một phần tư chứ đừng nói gì một nửa.

Bagritxki đứng dậy, lấy tay đặt nơi tim và bắt đầu nói một cách khe khẽ và xúc động, mắt không rời khỏi lão già bị xơ cứng động mạch nọ. Ông nói run run, trong nước mắt, bằng giọng nức nở thê thảm.

Bạn tôi, người anh em mệt mỏi và đau khổ của tôi.

Xin chớ ngả lòng, dù anh có là ai đi nữa.

Lão ăn mày câm bặt. Lão chăm chú nhìn Bagritxki. Mắt lão trắng lên. Rồi lão bắt đầu rút lui và khi nghe đến những chữ “Anh hãy tin, sẽ đến ngày cả Vaan cũng sẽ chết” thì lão quay ngoắt lại vấp đổ một chiếc ghế và lảo đảo chạy lết ra cửa phòng trà.

- Các ngài thấy chưa? - Bagritxki nói một cách nghiêm trang - Đến cả những tên ăn mày ở Ôđetxa cũng không chịu nổi thơ Natxôn(1).

Cả phòng trà cười phá lên.

Hết ngày này sang ngày khác Bagritxki mất hút trong cánh đồng cỏ đằng sau vịnh Xukhôi và bẫy chim ở đó.

Trong căn phòng quét vôi trắng của ông ở Mônđavanka có treo hàng chục chiếc lồng, trong đó có những con chim trụi lông. Ông rất hay đem chúng ra khoe, đặc biệt là những con giuốcbai dị thường nào đó. Đó là những con sơn ca thảo nguyên chẳng đẹp đẽ gì, cũng xơ xác y như những con chim khác của ông.

______________________________

1. Natxon X.Ia (1862-1887) nhà thơ Nga.

Từ lồng chim không ngớt rơi xuống đầu khách và chủ những mảnh trấu do chim nhè ra.

Bagritxki dốc những đồng xu cuối cùng của mình mua thức ăn cho chim.

Những tờ báo Ôđetxa trả ông rẻ mạt: một bài thơ tuyệt tác chỉ độ năm, mười rúp. Mấy năm sau thanh niên đã biết và đã thuộc lòng bài thơ đó.

Chắc Bagritxki cho rằng như thế là phải giá rồi. Ông không biết giá trị thực của mình và trong công việc thực tế ông là người nhút nhát. Lần đầu tới Matxcơva không khi nào ông đến nhà xuất bản một mình mà bao giờ cũng dẫn theo một người nào đó trong số bạn bè “cho nó vững dạ”. Người bạn đóng vai chính trong cuộc đàm phán, còn Bagritxki chỉ nín lặng và cười tủm tỉm.

Tại Matxcơva ông ở nhà tôi, trong một gian hầm tại ngõ Obưđen. Đến nơi, ông báo trước: “Tôi sẽ ở nhà anh lâu đấy”. Và quả nhiên suốt một tháng trời ông chỉ ra phố có hai lần, còn lúc nào cũng ngồi xếp bằng tròn trên chiếc đivăng, thở dốc vì suyễn.

Trên đivăng ông để đầy sách, bản thảo thơ của người khác và những hộp thuốc lá rỗng. Ông ghi thơ của mình lên trên mặt hộp. Thỉnh thoảng ông đánh mất những hộp thuốc lá nọ nhưng chỉ buồn bực ít lâu thôi.

Cứ thế ông ngồi hết tháng, khoái chá với Ulalaépsina của Xenvinxki(1)kể những chuyện chẳng đúng sự thực chút nào và tán gẫu với những “nhóc văn chương” - những người Ôđetxa. Những người này kéo đàn kéo lũ bấu lấy ông khi ông vừa mới ló mặt ra ở Matxcơva.

Ít lâu sau, ông dọn hẳn về Matxcơva và thay vào lũ chim, ông mua những bể cá rất lớn. Phòng của ông giống như một

______________________________

1. Xenvinxki I.L. Nhà thơ Xô Viết (1899-1968).

thế giới dưới nước. Ông có thể ngồi hàng giờ, nghĩ ngợi và ngắm những con cá đủ mọi màu sắc.

Ta có thể nhìn thấy cũng một thế giới dưới nước hệt như thế khi đứng trên con đê chắn sóng ở Ôđetxa: cũng những thân cỏ ngầm trắng bạc đung đưa, giống như những đám san hô và những con sứa chậm chạp bơi qua, dồn ép nước biển từng đợt mạnh mẽ.

Tôi nghĩ rằng việc ông đến ở Matxcơva là một sai lầm. Bagritxki không thể sống tách rời miền Nam, biển cả và Ôđetxa, tách rời những món ăn Ôđetxa quen thuộc của ông: cà, cà chua, pho mát cừu, cá thu tươi. Toàn thân ông được sưởi ấm bởi phương Nam, sức nóng của thứ đá vôi vàng lỗ chỗ đã dựng nên Ôđetxa, hương ngải cứu, muối, cây dạ hợp và biển cả.

Ông chết sớm, chưa kịp chín muồi, chưa chuẩn bị sẵn sàng để chiếm thêm vài đỉnh cao khó tới của thi ca như ông thường nói.

Một đại đội kỵ binh đi theo sau linh cữu của ông, móng ngựa đập giòn trên mặt đường lát đá. Và ta lại nhớ đến bài thơ Nghĩ về Opanaxơ, đến con chiến mã của Kôtốpxki “Con ngựa trắng lấp lánh như đường nguyên chất”, đến nền thi ca thảo nguyên rộng lớn vẫn cùng đi với Bagritxki, vịn tay vào tay ông mà đi, trên những con đường nóng bỏng đầy cát bụi. Thơ ấy là người thừa kế của Lời truyền về đạo quân Igo(1) và của Tarát Séptsencô(2) bền như hương cỏ xạ hương, rám nắng như cô gái nhỏ miền ven biển, vui như gió mát “lê-văng” trên Hắc hải thân yêu.

______________________________

1. Truyện lịch sử bằng thơ nói về hoàng thân Igô Xviatôxlavich dấy quân chống lại giặc Thổ Nhĩ Kì lúc ấy đang xâm chiếm nước Nga - Kiép. Người anh hùng này, không nhờ vả sự giúp đỡ của các hoàng thân khác cùng cát cứ trên đất Nga (Thế kỉ thứ 12)

2. Nhà thơ vĩ đại Ukraina.

 

 

 

nghệ thuật

nhìn thế giới



Hội họa dạy ta nhìn và nhìn thấy (đó là hai việc khác nhau và họa hoằn mới trùng nhau). Nhờ đó hội họa giữ được nguyên vẹn và sinh động cái tình cảm chỉ trẻ em mới có.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/87005


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận