Biên Thành Chương 4


Chương 4
Nhưng một tâm sự khác thuộc về em chứ không liên quan gì tới ông đã làm cho Thúy Thúy im lặng suốt cả đêm đó.

Đó là chuyện trước đây hai năm. Ngày mồng năm tháng Năm, ông ngoại tìm người thay mình đưa đò, dẫn theo con chó vàng và Thúy Thúy vào thành rồi ra bờ sông xem đua thuyền. Người đứng đầy bờ sông, bốn chiếc thuyền dài màu đỏ đang chèo trên sông. Nước cho thuyền rồng bơi(18) vừa mới lên, sông màu xanh như vỏ đỗ, tiết trời lại sáng sủa như vậy, trống thì tùng tùng đánh dồn, Thúy Thúy cứ mím môi không nói một câu, lòng tràn trề niềm vui không thể thổ lộ. Người đứng trên bờ sông quá đông, ai nấy đều mở to mắt mà xem, chẳng bao lâu con chó vàng vẫn ở bên Thúy Thúy nhưng ông ngoại đã bị chen bật đi, không thấy đâu nữa.

Thúy Thúy vừa xem đua thuyền, vừa nghĩ: “Chốc nữa hẳn ông ngoại cũng tìm được mình.” Nhưng lâu lắm cũng không thấy ông tìm đến, Thúy Thúy thấy lo lo. Hôm hai ông cháu cùng con chó vào thành, thì trước đó một ngày, ông đã hỏi Thúy Thúy:

- Ngày mai vào thành xem đua thuyền, nếu một mình đi xem giữa rất đông người khác, cháu có sợ không?

Thúy Thúy đáp:

- Người đông cháu chẳng sợ nhưng chỉ một mình cháu thì mất vui.

Ông nghĩ một lúc lâu mới nhớ ra có một người quen ở trong thành, ngay đêm ấy ông vào thành tìm bạn, nhờ ông cụ trông đò hộ một ngày, còn ông sẽ cùng cháu gái vào thành chơi một ngày. Vì ông cụ đó còn cô đơn hơn cả ông quản đò, không có người thân nào ở cùng, cả chó cũng không nốt, ông quản đò bèn hẹn bạn già sáng đến nhà ăn cơm, uống một chén rượu hùng hoàng. Ngày hôm sau, ông cụ kia đến; ăn cơm xong, ông quản đò giao nhiệm vụ cho ông bạn rồi cùng Thúy Thúy vào thành.

Trên đường đi, ông quản đò như nhớ ra điều gì, lại hỏi Thúy Thúy:

- Thúy Thúy, người đông vui lắm đấy, một mình cháu dám ra sông xem thuyền rồng không?

Thúy Thúy đáp:

- Sao cháu lại không dám? Nhưng một mình cháu thì lý thú gì?

Sau khi đến bờ sông, bốn con thuyền đỏ đua trên sông đã choán hết tâm trí của em, ông có đứng bên cạnh hay không cũng chẳng cần. Ông quản đò nghĩ bụng: “Bây giờ hãy còn sớm, đến lúc tan cũng phải ba giờ nữa. Ông bạn già nhờ trông đò cũng nên đến xem bọn trẻ vui chơi, mình hãy về, đổi chỗ cho ông ấy vẫn còn kịp chán!”. Vì thế ông bảo cháu:

- Người đông quá, cháu cứ đứng đây mà xem, đừng có đi đâu đấy. Ông ra chỗ khác có chút việc, thế nào cũng còn kịp trở lại đón cháu về.

Thúy Thúy đang mải mê xem hai cặp thuyền đua tranh, nên ông bảo thế là bằng lòng ngay, không hề nghĩ ngợi. Ông quản đò thấy con chó ở bên Thúy Thúy có lẽ còn chắc chắn hơn ông ở bên cháu nên về nhà trông đò.

Ông quản đò về đến bến đò thấy ông bạn già trông đò hộ ông đang đứng dưới ngọn tháp trắng chú ý nghe tiếng trống xa xa. Ông quản gọi bạn đưa đò sang bên này rồi hai người qua suối đến đứng dưới ngọn tháp. Ông bạn hỏi ông quản sao lại về, ông quản bảo ông về để cho bạn đi xem nên để Thúy Thúy ở lại bến sông. Ông quản còn nói thêm:

- Ông xem thấy vui thì không cần quay lại đây nữa. Chỉ cần thấy Thúy Thúy thì bảo cho cháu biết, tới lúc tan cháu tự về nhà. Nếu con bé không dám về thì ông đưa cháu về vậy.

Nhưng ông bạn già không hứng thú mấy với việc xem đua thuyền mà muốn cùng ông quản đò ngồi trên phiến đá bên bờ suối uống thêm hai chén rượu trắng nữa. Ông quản vui quá, xách bầu rượu đem ra, đưa cho ông bạn đến từ trong thành. Hai người vừa trò chuyện những tích ngày xưa về tết Đoan ngọ vừa uống rượu, chỉ một lúc sau, ông bạn đã bị rượu trắng chuốc cho say mềm trên phiến đá.

Đã say rồi thì ông bạn không thể trở vào thành. Ông quản vì trách nhiệm, không tiện bỏ lại con đò, vì thế làm Thúy Thúy bên bờ sông nóng  lòng sốt ruột.

Sau khi các thuyền đua đã phân chia thắng bại cuối cùng, quan trong thành cho người chở vịt bằng thuyền nhỏ đem thả giữa sông, Thúy Thúy vẫn không thấy ông ngoại đâu. Em ngờ ông cũng đang đợi em ở đâu đó nên cùng con chó len vào đám đông tìm ông, nhưng vẫn chẳng thấy bóng dáng ông đâu. Sau đó thấy trời sắp tối, những người lính mang ghế dài ra khỏi thành xem đua thuyền lúc này đã lục tục vác ghế trở về nhà. Vịt trên sông chỉ còn lại dăm ba con, người bắt vịt cũng thưa dần. Mặt trời lặn về phía thượng du nơi có nhà Thúy Thúy, hoàng hôn phủ một làn sương mỏng trên mặt sông. Nhìn quang cảnh đó, Thúy Thúy chợt nảy ra một ý nghĩ đáng sợ: “Nếu ông chết rồi thì sao?”.

Em vẫn nhớ một câu ông dặn em là không được bỏ khỏi chỗ cũ, lại cũng do cho ý nghĩ của mình vừa nãy là sai, em nghĩ ông không đến đón chắc hẳn là vào thành, hoặc đến chơi nhà người quen bị người ta lôi kéo uống rượu nên không thể đến với em. Chính vì đó là việc có thể xảy ra nên em không muốn cùng con chó vàng về nhà khi trời chưa thật tối, đành đứng trên bến đợi ông.

Đợi một lúc nữa, hai chiếc thuyền của người bờ bên kia sông đã đậu ở con suối bên bờ đó, không trông thấy đâu nữa, người xem đua thuyền hầu như đã về hết cả rồi. Lầu sàn ở những nhà có gái làm thêu đã lên đèn và đã có người gõ trống con, gảy đàn nguyệt, hát các khúc điệu. ở một số nhà khác có tiếng huyên náo vì chuốc rượu so quyền chơi thắng thua. Đồng thời một số thuyền neo dưới chân lầu sàn đã có người bày rượu, xào món ăn ở trên đó, tiếng xèo xèo của cải xanh và củ cải cho vào chảo mỡ đang sôi vang lên. Mặt sông đã mung lung, dường như chỉ còn một con vịt trắng đang bơi trên sông và cũng chỉ còn một người đang đuổi theo con vịt.

Thúy Thúy vẫn không dám rời khỏi bến thuyền. Em vẫn tin ông sẽ đến tìm em và đưa em về nhà.

Tiếng hát trên lầu sàn vui nhộn hơn trước, trên thuyền đậu dưới chân sàn có tiếng một thủy thủ nói:

- Kim Đình, cậu lắng tai mà nghe con bồ của cậu đang hát chuốc rượu cho khách Xuyên Đông. Tớ cuộc một ngón tay với cậu, đó chính là giọng hát của con nhỏ đấy!

Một thủy thủ khác nói:

- Cô ấy hát để mời rượu bọn họ nhưng trong lòng thì nghĩ đến tớ. Cô ấy biết tớ đang ở trên thuyền dưới sàn mà!

Thủy thủ kia lại nói:

- Thân xác đã cho người ta chơi mà lòng còn nghĩ tới cậu sao? Cậu lấy gì làm bằng?

Thủy thủ thứ hai nói:

- Tớ có bằng chứng đây!

Thế rồi anh ta thổi sáo theo một điệu rất kỳ quặc, chỉ lát sau tiếng hát trên lầu ngưng bặt. Hai người thấy trên lầu ngừng hát thì đều cười. Tiếp đó họ nói với nhau về mọi chuyện của cô gái, xen rất nhiều lời lẽ thô lỗ khiến Thúy Thúy thấy chướng tai nhưng em lại không thể bỏ đi nơi khác. Theo như hai thủy thủ này nói với nhau thì cha của người đàn bà trên lầu bị ai đó giết chết, đâm đến mười bảy nhát dao. ý nghĩ kỳ quặc “ông chết rồi sao?” trong lòng Thúy Thúy lại trỗi dậy.

Trong lúc hai người đó nói chuyện thì con vịt trắng ở giữa sông đang thong thả bơi về bến, chỗ Thúy Thúy đang ngồi. Em nghĩ: “Mày đến gần chút nữa thì tao bắt được mày!”. Em ngồi im chờ. Nhưng con vịt bơi cách bờ chừng ba trượng thì có người bỗng cười lên, gọi hai thủy thủ trên thuyền. Thì ra dưới nước còn một người nữa, người này đã bắt được vịt trong tay và từ từ lặn vào bờ. Người trên thuyền nghe tiếng gọi dưới nước, tuy không trông thấy rõ, nhưng cũng đáp lại:

- Cậu Hai ơi, cậu khá thật đấy, hôm nay bắt được đến năm con vịt ấy nhỉ?

Người bơi trên sông đáp:

- Con vịt này khôn ranh lắm, đến bây giờ mới bắt được!

- Bây giờ cậu bắt vịt, sau này cậu bắt vợ hẳn cũng giỏi như thế đấy nhỉ?

Người trên sông không nói gì nữa, chỉ đập tay quẫy chân bơi vào bến. Con chó ngồi bên cạnh Thúy Thuý dường như muốn cảnh cáo người bơi, sủa lên mấy tiếng. Người ấy chú ý đến Thúy Thúy. Thấy trên bến chẳng còn một ai, người ấy hỏi:

- Ai đấy?

- Em là Thúy Thúy?

- Thúy Thúy là ai?

- Là cháu ngoại ông già quản đò ở núi Bích Khê.

- Em làm gì ở đây?

- Em đợi ông em, ông em bảo sẽ đến.

- Có đợi nữa ông em cũng không đến đâu! Ông cụ chắc vào chỗ quân doanh trong thành uống rượu rồi. Chắc là say, được người ta khiêng về nhà rồi cũng nên.

- Ông em không thế đâu. Ông đã bảo đến đón em thì nhất định ông sẽ đến.

- Em đợi ở đây cũng không ổn. Đến nhà anh đi, cái nhà gác sáng đèn kia kìa. Đến đấy rồi đợi ông đến đón, được không?

Thúy Thúy hiểu lầm ý tốt của người mời em đến nhà. Em vừa mới nghe chuyện xấu xa về người phụ nữ do hai thủy thủ kể. Em tưởng chàng trai này cũng mời em lên nhà lầu có tiếng đàn bà hát. Vốn chưa bao giờ chửi người nhưng lúc này em đang nóng lòng sốt ruột vì đợi ông quá lâu, lại tưởng người kia mời em lên đó để chọc ghẹo em nên em chửi khẽ:

- Đồ đểu giả đáng chém đầu!

Tuy tiếng chửi rất khẽ nhưng chàng trai kia đã nghe thấy, và từ tiếng nói đó mà đoán ra tuổi của Thúy Thúy nên cười, bảo:

- Sao thế? Em chửi đấy à? Em không muốn tới nhà anh thì cứ việc đợi ở đây cho con cá lớn ở dưới sông lên đớp. Lúc ấy đừng có gào lên đấy nhé!

- Cá có đớp cũng chẳng việc gì đến anh!

Con chó vàng dường như hiểu ra cô chủ bị người ta bắt nạt nên lại sủa gâu gâu. Chàng trai giơ con vịt trắng trong tay lên dọa chó rồi đi vào phố. Con chó bị chọc giận toan đuổi theo thì Thúy Thúy gọi:

- Vàng, Vàng, mày sủa người cũng phải biết nhìn người chứ!

Thúy Thúy có ý bảo con chó “đồ đểu giả đó không đáng sủa”, nhưng chàng trai lại hiểu là em có ý tốt nên cười phá lên rồi đi thẳng.

Một lúc sau, có người từ trong phố mang đuốc làm bằng dây chão bỏ đi tới gọi tên em. Khi người đó đến bên, Thúy Thúy không biết là ai. Người ấy nói, ông quản đò đã về nhà, không đến đón em được, nhờ người đi đò nhắn em về nhà ngay. Thúy Thúy nghe nói là người ông ngoại nhờ đến đón bèn cùng người đó về nhà. Người cầm đuốc đi trước, con chó lúc chạy trước, lúc chạy sau, cả ba men theo tường thành đi về bến đò. Thúy Thúy vừa đi vừa hỏi người cầm đuốc: ai bảo mà anh biết tên em. Người đó nói mình là người giúp việc cho nhà cậu Hai và chính cậu Hai bảo cho anh ta biết. Đưa Thúy Thúy về đến nhà, anh ta sẽ trở về phố. Thúy Thúy hỏi:

- Làm sao cậu Hai biết tôi ở bến sông?

Người ấy cười, bảo:

- Cậu ấy bắt vịt bơi trên sông đem về nhà thì gặp cháu ở bến thuyền. Cậu ấy có ý tốt mời cháu về nhà ngồi đợi ông ngoại, thế mà cháu còn chửi cậu ấy!

Thúy Thúy kinh ngạc khẽ hỏi:

- Cậu Hai là ai?

Người kia hơi ngạc nhiên hỏi lại:

- Cậu Hai là ai mà cháu không biết à? Chính đó là cậu Hai Na Tống, là Nhạc Vân đấy mà! Cậu Hai bảo tôi đưa cháu về nhà.

Thì ra cậu Hai Na Tống không phải là cái tên xa lạ ở Trà Đồng. Thúy Thúy nghĩ đến câu chửi người ta vừa nãy, vừa giật mình vừa xấu hổ. Không hỏi gì nữa, em lẳng lặng đi theo bó đuốc.

Leo qua quả núi nhỏ, khi trông thấy ánh đèn của nhà ở bờ bên kia suối thì người ở nhà cũng nhìn thấy ánh đuốc phía Thúy Thúy. Ông quản đò lập tức kéo thuyền sang, vừa kéo thuyền vừa khàn khàn gọi:

- Thúy Thúy, Thúy Thúy, có phải cháu đó không?

Thúy Thúy toan lờ đi nhưng mồm lại khẽ nói:

- Không phải Thúy Thúy, Thúy Thúy bị cá chép dưới sông rỉa thịt ăn rồi!

Đò sang tới bờ bên này, Thúy Thúy lên đò, còn người cầm đuốc cũng trở lại. Ông quản đò vừa kéo đò vừa hỏi:

- Thúy Thúy, sao cháu không trả lời ông? Cháu giận ông đấy à?

Thúy Thúy đứng ở đầu thuyền vẫn không lên tiếng. Em giận ông nhưng khi đò qua suối, lên nhà thấy một ông già khác đang say mèm thì em hiểu ra, không giận ông nữa. Nhưng một tâm sự khác thuộc về em chứ không liên quan gì tới ông đã làm cho Thúy Thúy im lặng suốt cả đêm đó.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật một cách nhanh nhất !

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/26192


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận