Hai năm trôi qua.
Hai tết Trung thu của hai năm đó đều không có trăng để ngắm, nên dịp ngắm trăng hát thâu đêm của nam nữ ở toà thành biên khu này đã không thể tổ chức đúng ngày, vì vậy hai tết Trung thu ấy để lại ấn tượng rất mờ nhạt cho Thúy Thúy. Hai ngày Tết đầu năm tuy vậy theo lệ vẫn có sư tử và đèn rồng của doanh quân và các làng khác đến múa, lúc đón xuân ở bãi tập, chiêng trống đánh rất rộn ràng; tới tối ngày rằm tháng Giêng, binh sĩ trấn thủ múa rồng, múa sư tử trong thành, ai nấy còn cởi trần tới các nơi đón mừng đốt pháo. Trong quân doanh ở trong thành, trụ sở của Cục thuế quan, các cửa hiệu lớn một tí trên phố bờ sông không nơi nào không dự trữ sẵn ống tre, ống vầu hoặc gốc cây cọ đã đục rỗng, trộn diêm tiêu với than mỏ và mạt sắt, bỏ vào ống tre, gốc cọ, nện hàng trăm ngàn lượt búa cho thật chặt để làm pháo đùng; binh sĩ ưa vui cởi trần dũng cảm cầm đèn đánh trống đến đón, pháo nổ rơi xuống như mưa, từ đầu cây sào cao vươn lên giữa trời rơi xuống lưng, xuống vai người cầm đèn, chiêng trống lúc này thúc đánh dồn dập, mọi người đều được một mẻ vui cười thoả chí; sau khi đốt pháo một lúc, họ buộc chặt những pháo đùng bằng ống tre, gốc cọ vào một chiếc ghế dài đặt ở khoảng đất trống rồi đốt dây dẫn, dây dẫn cháy xì xì toé ra tia sáng trắng rồi dần dần tia sáng ấy gầm rú lên, tiếng nổ như hổ gầm, sét đánh thật kinh người. ánh sáng trắng đó bay vọt lên trời, cao đến hai mươi trượng, lúc rơi xuống thì thành mưa hoa khắp trời; binh sĩ rước đèn đi vòng quanh những hoa lửa đó, không hề để ý đến việc mình bị bỏng; Thúy Thúy cùng ông ngoại đi xem những cảnh náo nhiệt và có ấn tượng sâu về cảnh hân hoan đó nhưng ấn tượng này không hiểu sao không thể ngọt ngào, đẹp đẽ bằng sự việc mà cô bé trải qua trong ngày tết Đoan ngọ hai năm trước.
Vì không quên được sự việc này nên tết Đoan ngọ năm ngoái cô bé lại cùng ông vào phố bờ sông bên cạnh thành xem nửa ngày đua thuyền. Đang lúc xem vui, đua đang hay thì trời bỗng đổ mưa, không người nào không bị ướt. Để tránh mưa, hai ông cháu và con chó vàng lên lầu sàn của ông Thuận Thuận, chen chúc trong một góc hiên. Có người vác cái ghế dài đi qua, Thúy Thúy nhận ra đó là người năm ngoái cầm đuốc đưa em về nhà, bèn bảo ông:
- Ông ơi, người kia năm ngoái đưa cháu về nhà. Ông ấy cầm đuốc trên đường trông giống một tên lâu la quá!
Khi đó ông ngoại không nói gì, đợi lúc người này quay trở lại đi qua trước mặt, ông mới túm lấy người đó, cười hì hì:
- Này này, cái bác này! Muốn mời bác đến nhà uống một chén rượu cũng không được, bác sợ tôi bỏ thuốc độc vào rượu hại chết vì chân mệnh thiên tử là bác hay sao?
Người ấy nhận ra ông quản đò, lại nhìn thấy Thúy Thúy, liền cười:
- Thúy Thúy, cháu lớn nhanh nhỉ! Cậu Hai bảo cháu đứng trên bến sông thì cá lớn sẽ rỉa thịt cháu. Nhưng cá dưới sông năm nay không nuốt trôi được cháu nữa rồi!
Thúy Thúy không nói gì, chỉ mỉm miệng cười.
Hôm ấy tuy từ miệng của bác lâu la nghe thấy nhắc đến “cậu Hai” nhưng Thúy Thúy không thể gặp người này. Qua lời chuyện trò giữa ông ngoại và bác lâu la, em được biết cậu Hai ăn tết Đoan ngọ trên bến Thanh Lãng ngoài sáu trăm dặm phía hạ du. Nhưng lần này không gặp được cậu Hai thì em lại được biết cậu Cả và được biết cả ông Thuận Thuận nổi tiếng khắp vùng. Cậu Cả sau khi bắt được vịt mang về nhà, ông quản đò khen con vịt béo đến hai lần, nên ông Thuận Thuận bảo con tặng con vịt đó cho Thúy Thúy; lại biết ông cháu sống khá chật vật, ngày tết cũng không gói được bánh chưng nên ông cho thêm rất nhiều bánh chưng gói hình chóp.
Khi con người nổi tiếng trên sông nước đó nói chuyện cùng ông ngoại, Thúy Thúy tuy giả vờ ngắm cảnh vật ngoài sông nhưng tai em nghe rõ hết mỗi lời nói của họ. Chủ nhà bảo với ông ngoại rằng Thúy Thúy rất xinh đẹp, hỏi tuổi của em, lại còn hỏi đã có ai đánh tiếng hỏi xin hay chưa. Ông ngoại rất vui vẻ khen Thúy Thúy, nhưng dường như không muốn người khác để ý đến chuyện hôn nhân của cháu gái, nên được hỏi đến đây thì ông lão im re.
Khi về nhà, ông quản đò xách con vịt cùng những thứ khác, còn Thúy Thúy cầm đuốc dẫn đường. Hai ông cháu men theo tường thành mà đi, một bên là thành, một bên là sông. Ông ngoại nói:
- Ông Thuận Thuận là người tốt lại hào phóng, anh con trai cả cũng rất tốt. Cả nhà họ đều tốt!
Thúy Thúy lại hỏi lại:
- Ông bảo cả nhà họ đều tốt, vậy ông đã biết hết người trong nhà họ chưa?
Ông ngoại không hiểu ý tứ trong câu hỏi này. Ông đang rất vui bèn cười mà hỏi lại:
- Thúy Thúy, nếu cậu Cả hỏi cháu làm vợ, cử người đến làm mối thì cháu có nhận lời hay không?
Thúy Thúy hờn dỗi:
- Ông điên đấy à? Ông còn nói nữa thì cháu giận đấy!
Ông ngoại tuy không nói nữa nhưng rõ ràng là những ý nghĩ buồn cười và “không tốt” đó vẫn lởn vởn trong đầu. Thúy Thúy tức quá, vung đuốc về phía hai bên đường rồi bực bội đi dấn lên.
- Thúy Thúy, đừng có hờn dỗi, ông mà ngã xuống sông thì con vịt này chạy mất đấy!
- Ai mà thèm con vịt đó!
Người ông đã hiểu cháu vì sao không vui bèn cất tiếng hát bài chèo chống đò cho thuyền hạ thủy. Tiếng hát tuy khàn nhưng tiếng nào tiếng nấy tròn vành rõ chữ chứ không hàm hồ. Thúy Thúy vừa nghe, em dừng chân đứng lại, hỏi:
- Ông ơi ông, thuyền của ông phải chăng đã từng xuống đến bãi Thanh Lãng?
Ông già không nói gì, vẫn tiếp tục hát. Cả hai đều nhớ cậu Hai nhà Thuận Thuận đang ăn tết ở dưới bãi Thanh Lãng, nhưng chẳng ai hiểu người kia nhớ vì điều gì. Hai ông cháu đều im lặng cho mãi đến khi về bên suối. Tại bến đò, người trông đò thay đã đưa đò sang bờ bên này đón họ. Cả ba người qua suối về đến nhà, bóc bánh chưng ra ăn, sau đó người coi hộ đò muốn về thành. Thúy Thúy lập tức đốt đuốc để người ấy cầm soi đường mà về. Khi người ấy sang suối trèo lên núi, Thúy Thúy cùng ông ngoại đứng trên đò trông theo. Thúy Thúy nói:
- Ông ơi, ông nhìn “lâu la” đang lên núi kìa.
Ông già giơ tay kéo chão, mắt nhìn xoáy vào sương mù giăng trên sông, dường như ông nhìn thấy cái gì đó và khe khẽ thở phào. Khi đò đã sang tới bờ bên nhà, Thúy Thúy lên bờ trước còn ông già vẫn ở lại canh đò. Ông biết vì ăn tết nên thế nào cũng có người ở làng khác lên thành xem đua thuyền rồng, đến tối phải trở về nhà.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật một cách nhanh nhất !