1
Trong số những người trẻ tuổi từng gặp nhau ở Altona chỉ còn một người hiện vẫn gần gũi với Struensee, Enevold Brandt.
Anh ta là người bạn cuối cùng của Struensee. Anh ta là người thổi sáo.
Sau khi bị đuổi, Élie Salomon Francois Reverdil- "gã Do Thái bé tí đáng nguyền rủa" như Rantzau gọi ông ta - đã được triệu hồi về từ Thụy Sỹ. Ông ta vẫn tiếp tục thư từ với bạn bè ở Đan Mạch trong những năm bị lưu đày trên chính đất nước quê hương mình. Ông ta cảm thấy rất buồn và bực tức về những điều đã xảy ra, ông không hiểu đứa bé đáng yêu của ông có ý định gì, ông chẳng hiểu gì cả. Nhưng khi lời mời tới, ông không hề do dự chút nào. Nhiệm vụ của ông sẽ là giải thích những kế hoạch, một thời bị ngưng lại, nhằm xóa bỏ chế độ nô lệ.
Tuy vậy, ông sẽ chấm dứt những việc khác. Không gì có thể đi khác với cách ông đã nghĩ.
Lý do khiến nhiệm vụ của ông lại kết thúc khác đi là do một sự kiện đặc biệt xảy ra, làm Enevold Brandt không còn là bạn đồng hành với Christian nữa. Huyền thoại này, sự kiện về ngón tay đeo nhẫn, cuối cùng đã cướp đi sinh mạng của ông ta.
Sau "sự kiện" ấy, Reverdil trở thành cận vệ của Nhà vua. Trước đó, ông ta đã là quan hướng đạo, người bạn của Nhà vua; giờ đây trở thành người gác cho vua. Đấy là một tình thế tuyệt vọng. Những con sói đã xé thành từng mảnh đứa trẻ thân yêu của ông. Christian giờ đây là một con người khác hẳn. Không có gì giống như trước kia. Chistian đón chào người thầy giáo cũ của mình, nhưng không phải với sự hồ hởi; ngài nói và lẩm bẩm như thể qua một cái màng lọc bằng đá. Ý tưởng đã kéo Reverdil trở lại, kế hoạch thực hiện một cuộc cải cách lớn liên quan đến chuyện gán nợ giờ đã phai nhạt.
Ảnh hưởng chính trị của Reverdil đã chấm dứt. Chế độ nô lệ không bị phá bỏ.
Với sự kiện đó, Nhà vua bị thương nhẹ.
Vào cái ngày sự việc đau buồn ấy diễn ra- sự kiện" ngón tay trỏ" như người ta vẫn nói- Struensee đã gửi qua người đưa tin văn bản tới những trạm giác hơi trong khu vực ở Copenhagen, Viện hỗ trợ tài chính, một thông tư chi tiết về tự do tôn giáo được ban bố cho những người Cải cách và Thiên chúa giáo, những bộ luật cho phép giáo phái Moravia được định cư tự do ở Slesvig và những thông tư về kế hoạch lập một cơ sở đối tác Đan Mạch với tổ chức Đức Real Schulen.
Những chuyện nhỏ xíu hòa lẫn với chuyện lớn theo một cách hoàn toàn tự nhiên. Những chuyện nhỏ là các cuộc cải cách. Còn chuyện lớn lại té ra là ngón tay trỏ.
Brandt là một tay thổi sáo.
Struensee đã biết anh ta trong những ngày ở Altona, và đặc biệt ở Ascheberg. Đó là thời gian người ta trèo lên túp lều của Rousseau và đọc to các bài văn chương, nói về thời gian sắp tới: khi những người tốt ra lệnh và nắm quyền lực, phần tử chống đối sẽ bị đánh bật, và chủ nghĩa không tưởng sẽ được thực hiện. Brandt đã hồ hởi thông qua những ý tưởng mới mặc dù hình như với anh ta chúng giống như những con bướm; chúng lấp lánh và bay lên rồi bay xuống vẻ như chẳng có ai chạm vào chúng cả. Họ yêu quý anh. Anh tìm thấy niềm vui của mình là những người phụ nữ quen biết rất hấp dẫn với họ, điều đó xem ra có ý nghĩa nhất. Về bản chất anh là một nghệ sĩ, hình như theo Struensee, không có xương sống nhưng lại đáng yêu.
Đối với anh, Chủ nghĩa Khai sáng như một thứ kích động về tình dục mang lại màu sắc cho cuộc sống; làm cho ban đêm hấp dẫn và đa dạng. Nhưng đối với Brandt, Chủ nghĩa Khai sáng lại giống như những diễn viên Italia và hơn tất cả lại giống như việc anh thổi sáo.
Đúng là cây sáo, Struensee đã nghĩ trong thời gian ở túp lều Rousseau, làm cho anh ta có thể chấp nhận được.
Có một điểm gì đó về việc anh ta thầm lặng đam mê với cây sáo đã làm cho Struensee bỏ qua và tha thứ cho sự nông cạn của anh ta. Tiếng sáo của anh ta đã nói lên một khía cạnh khác của Brandt. Điều Struensee nhớ từ những ngày ở Altona và những đêm nằm ở khu vườn Ascheberg, không phải là cuộc tình của Brandt với "chính trị" và "nghệ thuật" mà chính là sự cô đơn do cái tài thổi sáo của anh ta đã tạo ra xung quanh anh chàng trẻ tuổi theo Chủ nghĩa Khai sáng.
Điều đó vì bất cứ lý do nào cũng có dáng vẻ của nó.
Chỉ một chút loáng thoáng còn lại.
Có lẽ tiếng sáo của Brandt phần nào đã đặc trưng cho mùa hè rực rỡ năm 1771. Và âm thanh từ Hirschholm lan tỏa sang nơi khác. Những âm thanh của hạnh phúc, tự do và nhạc sáo ầm ĩ giống như những dòng chảy âm thầm ở ngay Copenhagen trong cái mùa hè ấm áp và cuồng nhiệt ấy. Những công viên hoàng gia rộng lớn, nhờ các chỉ dụ của Struensee, đã được mở ra cho công chúng. Các cuộc vui ngày càng nhiều hơn, có lẽ một phần nhờ vào quyền lực của cảnh sát hạn chế tái lập nhà thổ. Một đạo luật được ban hành làm cho cảnh sát không thể tiếp tục thói quen của họ" đi thăm" các nhà thổ và quán hàng từ sau 9 giờ tối và điều tra, thông qua việc xâm phạm, mặc dù sự tồi tệ vẫn diễn ra. Nguyên tắc của các cuộc thăm hỏi này đã được sử dụng thường xuyên như một phương thức để dọa dẫm tống tiền khách hàng. Nó ít có tác dụng đối với các tội ác nhưng lại tăng nguồn thu cho cảnh sát. Khách hàng được phép trả tiền ngay tại chỗ để tránh việc bắt bớ.
Nhưng đối với công chúng nhìn chung, việc mở cửa các công viên là điều quan trọng.
"Việc mạo phạm các công viên Nhà vua" - ám chỉ những hành động quan hệ tình dục vào ban đêm ở các công viên hoàng gia ở Copenhagen- đã bị trừng phạt bằng việc bị chặt mất một ngón tay nếu như người này không thể trả tiền ngay tại chỗ, mà thường cuối cùng thì cũng vẫn phải trả. Giờ đây công viên được mở cửa. Đặc biệt vườn Rosenborg đã trở thành một điểm chơi bời khét tiếng trong những đêm hè ấm áp ở Copenhagen. Trong bóng tối, trên các thảm cỏ và các bụi cây vốn được che khuất, đã trở thành nơi tụ tập tình tứ với những tiếng cười, tiếng thì thầm và chơi bời mặc dù chẳng bao lâu vườn Rosenborg đã bị vườn Frederiksberg vốn chỉ được chiếu sáng một phần trong đêm đã vượt lên trên.
Cứ ba đêm trong một tuần, công viên này được mở cửa đặc biệt cho các cặp tình nhân đeo mặt nạ. Quyền người dân được đeo mặt nạ được ban bố trong các công viên công cộng và vào ban đêm. Về thực tế, điều đó có nghĩa là quyền, với một sự kín đáo (đeo mặt nạ), được quan hệ tự do ngoài trời.
Những chiếc mặt nạ trên những khuôn mặt của họ, những cặp đùi hở hang và tiếng thì thầm. Trước đó, các công viên hoàng gia được dành cho những quý bà của triều đình, người thường đi dạo ngang qua chỗ họ với những bước đi rất chậm đằng sau những chiếc mặt nạ. Nhưng giờ đây, chúng được mở cho công chúng, và vào ban đêm! Ban đêm! Một cơn sóng ước muốn trào lên trên khắp các công viên vốn trước kia là thiêng liêng và đóng cửa. Thành phố Copenhagen vốn đông dân, nơi dân cư khu ổ chuột diễn bày sự ham muốn xác thịt chỉ đóng khung trong các căn phòng đông nghịt, nơi sự ham muốn đó được nghe thấy một cách rõ rệt và đụng chạm với những ham muốn và nỗi xấu hổ của những người khác... giờ đây số dân đông nghịt ấy ở Copenhagen có thể vào các công viên hoàng gia mới mở cửa để thoả mãn lòng ham muốn.
Những công viên, ban đêm, hạt giống, mùi vị xác thịt.
Thật là vô sỉ, khó chịu và phản cảm và mọi người đều biết đấy là sự lây nhiễm của những tội lỗi bắt nguồn từ thói quen chơi nhà thổ trong hoàng cung. Struensee và Hoàng hậu về cơ bản phải lãnh trách nhiệm.
Thật sốc! Thật cám dỗ! Nhưng điều này sẽ kéo dài bao lâu? Hình như đó là một đòn nặng nề, nhức nhối và đau đớn đối với Copenhagen: Những ngày như vậy sẽ sớm kết thúc thôi.
Nó phải trả giá bằng cách phải đề phòng. Không có sự trừng phạt, cấm đoán hoặc sự phẫn nộ kéo dài. Nó như một cuộc chạy đua với thời gian. Chẳng mấy chốc sự ô nhục sẽ bị dập tắt bởi một ngọn lửa trừng phạt.
Nhưng phải cho tới khi đó! Những tuần lễ ngắn ngủi! Cho tới khi đó!
Chính là từ chuyện thổi sáo của Brandt đã khởi xướng. Qua đi sự cấm đoán nghiệt ngã của chế độ cũ đối với dạ hội khiêu vũ, diễn kịch và hòa nhạc vào các ngày thứ Bảy và Chủ nhật, những ngày lễ thánh. Đã có khi nào mà mọi thứ đều bị cấm đoán chưa? Như thể có một phép mầu, tất cả mọi sự cấm đoán đều biến mất.
Giờ thì trong các công viên, những bóng người, thân xác, mặt nạ, sự ham muốn, dưới tất cả là một tiếng sáo bí hiểm.
2
Brandt tới Hirschholm sau những người khác ba ngày, và anh ngạc nhiên khi thấy mình được cử làm trợ lý cho Nhà vua.
"Cô hầu" như cách người ta vẫn gọi. Anh thấy mình ở trong một lâu đài trên một hòn đảo, xa lánh hẳn những cuộc vũ hội hóa trang và sự rối rắm của nhà hát; vai trò của anh là chú tâm đến các trò chơi của Christian và thói quen hát xuớng điên loạn của ngài. Điều này thật vô lý và đã làm anh nổi giận. Xét cho cùng thì anh là ông thầy của mọi trò chơi cơ mà! Một vị quan văn hóa! Điều này thì có văn hóa gì cơ c hứ? Cái vườn trẻ hoàng gia này? Anh thấy cuộc du ngoạn vào thiên nhiên quả là mệt mỏi. Anh thấy mối tình giữa Struensee và Hoàng hậu thật đáng ghét, chả có điều gì hay ho cả. Anh bị lưu đày khỏi các nữ tài tử người Italia. Anh thấy trò chơi mà Caroline Mathilde với đứa con trai bé bỏng, thần tượng của họ, thật kỳ quặc.
Anh thấy nhớ triều đình, Copenhagen và nhà hát. Anh cảm thấy mình bất lực. Nhiệm vụ của anh là giải khuây cho Nhà vua người luôn có những biểu hiện kỳ quặc. Anh là một tên lính gác của một ông vua điên.
Anh còn có những tham vọng lớn hơn. Và điều này đã bắt nguồn tới sự tranh chấp.
*
So sánh với những hậu quả, sự kiện này chính là một sự rối rắm thật buồn cười.
Một hôm tại bàn ăn trưa của Hoàng hậu, Nhà vua vốn chẳng tham gia vào các cuộc trò chuyện trong bữa ăn mà chỉ lảm nhảm một mình, bỗng đứng phắt dậy rồi với một giọng rất kịch, như thể đang đứng trên sân khấu, chỉ vào Brandt hét lên:
- Bây giờ ta phải lấy roi đánh cho nhà ngươi một trận mới được bởi vì ngươi đáng phải như vậy! Chính là nhà ngươi, công tước Brandt, mà ta đang nói đến đó, ngươi có nghe ta nói không?
Có một sự im lặng. Sau một lúc, Struensee và Hoàng hậu kéo Nhà vua sang một bên rồi nói nghiêm khắc với ngài mặc dù những người khác ở đó không hiểu họ đang nói chuyện gì. Sau Nhà vua òa lên khóc. Bằng cử chỉ, dù vẫn còn tức tưởi khóc, ngài cho gọi thầy giáo cũ của mình Reverdil; cùng với nhau họ đi ra phòng chờ. Reverdil dỗ dành và an ủi Nhà vua. Có thể ông ta cũng bày tỏ sự ủng hộ và thậm chí khuyến khích Nhà vua vì Reverdil luôn luôn ghét Brandt, ông ta nghĩ rằng cơn cáu giận bùng phát của ngài về mặt nào đó cũng có lý.
Trong bất cứ trường hợp nào, ông ta cũng không chỉ trích Christian; chính vì điều này mà sau đấy ông ta đã bị quở trách.
Những người khác cùng ăn cho rằng Nhà vua cần phải nhận được một bài học để tránh xảy ra những phản ứng tương tự. Struensee nghiêm khắc nói với Nhà vua rằng Brandt cần phải nhận được lời xin lỗi và một hình thức nói lại gì đó vì anh ta đã bị công khai lăng nhục.
Nhà vua nghiến răng thật chặt, nắm chặt tay và từ chối.
Sau đó, sau bữa ăn tối, Brandt đi vào phòng Nhà vua. Anh ta ra lệnh cho Moranti và người hầu của Hoàng hậu là Phebe đang chơi ở đó với Christian ra ngoài. Anh ta khóa trái cửa lại và hỏi Nhà vua ngài thích dùng loại vũ khí nào trong trận quyết đấu nhất định sẽ phải xảy ra.
Nhà vua, quá sợ hãi chỉ kịp lắc đầu, vì vậy Brandt nói thế thì dùng bằng nắm đấm cũng được. Christian, người luôn ham thích những trò đấu vật, nghĩ rằng có lẽ ngài có thể thoát được chuyện này. Nhưng Brandt, lúc này đang trong cơn giận dữ đến ngạc nhiên và không thể giải thích được, đã hạ gục Christian chẳng hề thương tiếc rồi không ngớt lời thóa mạ Nhà vua đang khóc nức nở. Họ kết thúc bằng cách vật nhau trên sàn và khi Christian dùng tay để tự bảo vệ mình thì Brandt cắn vào ngón tay trỏ của ngài khiến máu trào ra.
Brandt bỏ mặc Nhà vua đang khóc lóc trên sàn nhà rồi tìm đến Struensee nói rằng anh ta đã giành được sự bồi thường. Những kẻ tùy tùng vội vã lao đến băng bó ngón tay cho Nhà vua.
Struensee cấm ngặt không ai được nói về sự việc này. Nếu như có ai hỏi thì phải trả lời rằng tính mạng của Nhà vua không hề bị đe dọa và rằng Brandt không hề tìm cách giết Nhà vua mà chỉ là do ngài thích luyện tập cơ bắp. Sự im lặng tuyệt đối vẫn được áp dụng đối với những gì xảy ra.
Tuy nhiên, Struensee lo lắng nói với Hoàng hậu:
- Tại Copenhagen, người ta đồn đoán rằng chúng ta muốn giết Nhà vua. Nếu chuyện này loang ra, chẳng hay ho gì cả. Anh chẳng hiểu cái cậu Brandt này chút nào.
Ngày hôm sau, Reverdil thay thế Brandt làm tổng quản, và thế là anh lại có nhiều thời gian để thổi sáo. Mặt khác, Reverdil cũng chẳng có thời gian để nghiên cứu tiếp chuyện bãi bỏ chế độ nô lệ. Nhiều thời gian chơi sáo sẽ có tác dụng trực tiếp đến chính trị.
Brandt nhanh chóng quên đi chuyện này.
Nhưng chẳng bao lâu anh ta lại có lý do để nhớ lại.
3
Năm đó, mùa thu đến muộn; những buổi chiều thật yên tĩnh, mọi người đi dạo, uống trà và chờ đợi.
Một năm trước đây, mùa hè năm ngoái, tại khu vườn Ascheberg, mọi thứ thật mới mẻ, hấp dẫn; giờ đây họ cố gắng khôi phục lại cảm giác đó. Như thể người ta cố gắng dựng lên một cái chuông bằng cỏ vào mùa hè ở Hirschholm. Ở đó trong bóng tối, trong hiện thực của Đan Mạch, người ta nghi ngại là kẻ thù đang tăng lên gấp bội. Không, họ biết điều ấy. Những kẻ thù của họ nhiều hơn hẳn so với mùa hè trước ở khu vườn Ascheberg, nơi vẫn có thể tìm thấy sự lương thiện. Giờ đây, người ta cảm nhận như đang đứng trên sân khấu, và ánh đèn màu đang chậm chạp lướt trên người họ; cái gia đình nhỏ trong ánh sáng và tất cả xung quanh là bóng tối mà họ chẳng muốn bước vào.
Điều quan trọng nhất vẫn là lũ trẻ. Đứa con trai giờ đây đã được ba tuổi và Struensee đưa vào thực tế tất cả những lý thuyết về nuôi dạy trẻ mà anh đã chuẩn bị rất kỹ từ trong quá khứ, liên quan đến sức khoẻ, ăn mặc tự nhiên, tắm, các thú vui và trò chơi ngoài trời. Đứa bé gái rồi cũng sẽ theo như vậy nhưng lúc này còn quá bé. Nó còn đang lớn, con bé thật đáng yêu. Nó được sự quan tâm của tất cả mọi người. Song, đứa trẻ đã trở thành, - và mọi người đều biết dù chả ai nói ra, - trung tâm của sự thù hận của Đa n Mạch đối với Struensee.
Của nợ của con điếm. Họ đã nhận được thông tin. Mọi người hình như đều biết.
Struensee và Hoàng hậu thường ngồi trong một dải vườn hẹp ở một bên cánh rừng nơi người ta dựng lên những đồ đạc trong vườn và màn che để tạo ra bóng râm. Họ có thể nhìn thấy một con đường dài dẫn đến công viên phía bên đối diện. Một tối, họ ngắm nhìn từ phía xa cảnh vua Christian, lúc nào cũng có Moranti và con chó theo bên, đang đi dạo bên bờ hồ đối diện, bận rộn với việc trèo lên các bức tượng.
Đó là khu vực trong vườn mà người ta dựng lên những bức tượng. Những bức tượng này luôn luôn là đối tượng cho sự cáu giận hoặc hài hước của ngài.
Họ cố gắng buộc chặt cho những bức tượng đứng vững bằng các sợi dây chão để khỏi bị đổ nhưng không được. Thật vô vọng. Chúng được dựng lại sau khi Nhà vua trong cơn buồn chán tìm mọi cách đập phá hoặc cắt gọt những phần của thân tượng.
Struensee và Hoàng hậu ngồi đó khá lâu, chẳng nói chẳng rằng nhìn trận chiến của ngài với những pho tượng.
Giờ tất cả đã trở nên quen thuộc. Caroline Mathilde nói:
- Chúng ta quá quen với chuyện này rồi. Nhưng không được để ai bên ngoài triều đình nhìn thấy ông ta.
- Dù thế nào thì mọi người cũng biết.
Caroline Mathilde nói:
- Mọi người đều biết song không nên đề cập đến. Nhà vua bị ốm. Họ nói tại Copenhagen rằng Thái hậu và Gudberg đang tìm cách đưa ngài vào nhà thương điên. Nếu vậy thì đối với hai chúng ta là chấm dứt.
- Chấm dứt ư?
- Một ngày nào đó, ông ta lật đổ những pho tượng do Chúa lựa chọn. Ngày hôm sau, ông ta sẽ lật đổ chúng ta.
Struensee nói:
- Không, ông ta sẽ không làm vậy. Nhưng anh sẽ chẳng là gì nếu không có Christian. Nếu điều loang ra tới người dân Đan Mạch rằng kẻ được Chúa lựa chọn không là gì khác mà chỉ là một thằng điên thì ông ta sẽ không còn có thể duỗi thẳng cánh tay chỉ vào anh và nói: Nhà ngươi! Nhà ngươi là cánh tay và bàn tay của ta, và chính nhà ngươi một mình đã ký các đạo luật cùng chỉ dụ. Ông ta sẽ chuyển giao sự lựa chọn của Chúa sang cho anh. Nếu ông ta không thể làm được điều đó thì chỉ còn một điều duy nhất còn lại là...
- Cái chết?
- Hoặc chạy trốn.
- Thà chết còn hơn là chạy trốn. - Hoàng hậu nói sau một hồi im lặng.
Tiếng cười lớn vang lên từ phía xa bên kia hồ nước. Moranti đang đuổi theo chú chó.
Nàng nói:
- Một đất nước tuyệt đẹp. Và những con người thật xấu xa. Liệu chúng ta còn có ai là bạn bè không?
- Chỉ có một hay hai người. Một hoặc hai. - Struensse nói.
- Thế liệu ông ta có phải là kẻ điên không? - Nàng hỏi.
- Không. Nhưng ông ta không phải là người trong một vở kịch.
- Điều này nghe thật ghê rợn làm sao. Một người trong một vở kịch. Giống như một bức tượng.
Anh không trả lời. Sau rồi anh cũng nói:
- Nhưng em là?
*
Nàng bắt đầu ngồi cùng với Struensee khi anh làm việc.
Đầu tiên, anh nghĩ do nàng muốn ở bên anh. Rồi sau đó, anh nhận ra rằng chính công việc đã thu hút nàng.
Anh sẽ phải giải thích mình đang viết gì. Đầu tiên, anh làm vậy với một nụ cười. Sau, anh nhận thấy thái độ của nàng rất nghiêm túc, nên anh phải cố nhiều hơn. Một hôm, nàng bước vào phòng anh với một danh sách những người nàng muốn đuổi, lúc đầu anh cười phá lên. Rồi nàng giải thích. Và anh hiểu ra. Đó không chỉ là sự căm thù hoặc ghen tức nằm ở phía sau bản danh sách. Nàng đã đánh giá cơ cấu của quyền lực.
Sự phân tích của nàng làm anh ngạc nhiên.
Anh nghĩ rằng quan điểm của nàng hết sức tỉnh táo và tàn bạo về bộ máy quyền lực đã sản sinh ra từ triều đình nước Anh. Không, nàng nói với anh, nàng đã sống trong một tu viện. Vậy thì nàng đã học ở đâu tất cả những điều này? Nàng không phải là một trong những người phụ nữ mà Brandt đã gọi một cách dè bỉu là" những người đàn bà đầy âm mưu". Struensee hiểu nàng nhìn với một góc cạnh khác với anh.
Giấc mơ về một xã hội tốt đẹp dựa trên công lý và lẽ phải là của anh. Quan niệm của nàng lại là một công cụ. Chính là công cụ đã sắp xếp mà nàng gọi là "cuộc chơi lớn".
Mỗi khi nàng nói về một cuộc chơi lớn là anh lại cảm thấy khó chịu. Anh hiểu lý do vì sao. Chính là giọng điệu trong các cuộc tranh luận từ thời gian giữa những con người sáng giá của Chủ nghĩa Khai sáng ở Altona, khi anh nhận ra mình chỉ là một bác sĩ, anh giữ im lặng.
Anh lắng nghe và một lần nữa giữ im lặng.
Một buổi tối, nàng đã cắt ngang anh khi anh đang đọc to cuốn Những tư tưởng đạo đức của Holberg và nói với anh rằng điều đó chẳng là gì khác ngoài sự mơ hồ.
Rằng tất cả các nguyên tắc là sự thật nhưng anh cần phải hiểu công cụ. Rằng anh phải thấy cỗ máy vận hành và rằng anh ngây thơ. Rằng trái tim anh quá trong sáng. Những kẻ có trái tim quá trong sáng sẽ đối mặt với hủy diệt. Anh đã không hiểu làm sao để khai thác được những quý tộc. Anh phải chia rẽ kẻ thù của mình ra. Tước bỏ đi sự độc lập về hành chính của thành phố Copenhagen là một sự điên rồ và nó sẽ tạo ra những k thù không cần thiết. Anh nhìn nàng trân trối, ngạc nhiên và im lặng. Theo quan điểm của nàng, những cuộc cải cách đã hướng tới chống lại cái này, cái nọ. Những chỉ thị của anh, thoát ra dưới ngòi bút của anh, nhưng chúng lại thiếu bất cứ kế hoạch nào.
Anh phải lựa chọn những kẻ thù của mình, nàng nói vậy.
Anh nhận ra câu ấy. Trước đó, anh đã từng nghe. Anh bắt đầu và hỏi nàng rằng nàng có nói chuyện với Rantzau chưa. Anh nói:
- Anh đã nhận ra câu nói đó, nó không ra khỏi làn không khí mỏng.
- Không, nhưng có lẽ anh đã nhìn thấy một điều tương tự em làm. - Nàng nói.
Struensee cảm thấy bối rối. Đại sứ Keith từ nước Anh đã nói với Brandt rằng "Hoàng hậu giờ đây đang trị vì hoàn toàn thông qua ngài Bộ trưởng đặc cách." Brandt đã truyền đạt lại lời nhận xét đó. Liệu có thật sự là anh đang bị dồn nén không? Một hôm anh ban bố một đạo luật về nhà thờ ở Amliegade cần phải sơ tán để nhường chỗ một bệnh viện dành cho phụ nữ, và anh cũng không hề để ý rằng đấy là gợi ý của nàng. Đó chính là gợi ý của nàng, anh viết lại và ký rồi tin rằng là của chính mình. Nhưng là gợi ý của nàng.
Hay là anh đã mất quyền kiểm soát tình hình? Anh cũng không chắc nữa. Anh đã dồn nén mọi thứ. Nàng ngồi đối diện trước mặt anh tại bàn làm việc, lắng nghe và bình luận.
- Em phải dạy anh về trò chơi lớn. - Thỉnh thoảng nàng nói với anh vậy bởi nàng biết anh ghét câu đó.
Một lần, rõ ràng không vui vẻ gì, anh đã nhắc nàng về động cơ của nàng:
- Ồ, hãy để anh trong sạch, hãy làm những kẻ khác trở nên vĩ đại.
- Đấy là từ thời xưa rồi. Đó là từ trước kia. Đã xảy ra từ lâu lắm rồi.
Nàng thường nói thế trong cách nói kỳ quặc của mình. Có rất nhiều điều là "từ trước kia".
4
Lâu đài trở nên yên tĩnh làm sao. Như thể sự im lặng của lâu đài, cái hồ và những vườn hoa đã trở thành một phần của sự im lặng bên trong của Struensee.
Anh thường ngồi bên cạnh giường ngủ của đứa bé gái khi nó ngủ, nhìn vào khuôn mặt con bé. Thật vô tư và đáng yêu. Liệu điều ấy có thể kéo dài được bao lâu?
Một buổi tối, Caroline Mathilde hỏi anh:
- Có vấn đề gì với anh vậy? Anh đã trở nên ít nói hơn.
- Anh không biết.
- Anh không biết ư?
Anh không giải thích. Anh đã mơ ước về tất cả những điều này, về có thể thay đổi mọi thứ, về việc có quyền lực; nhưng giờ đây cuộc sống lại bấp bênh. Có lẽ chuyện ấy giống như sắp chết. Hãy từ bỏ, ngủ gật đi.
Nàng nhắc lại:
- Có chuyện gì với anh vậy?
- Anh không biết. Thỉnh thoảng anh lại muốn được ngủ. Chỉ muốn được ngủ. Chết.
- Anh mơ về cái chết ư? Ồ, em thì không như vậy. Em còn quá trẻ. - Nàng nói với một giọng sắc sảo làm anh không nhận ra.
- Hãy tha thứ cho anh.
- Thực ra, em chỉ mới bắt đầu được sống! - Nàng nói bằng sự giận dữ kìm nén.
Anh không trả lời. Nàng nói:
- Em chả hiểu anh chút nào cả.
Ngày hôm đó có sự hiểu nhầm nho nhỏ giữa họ mặc dù nó qua đi rất nhanh khi họ lui về phòng ngủ của Hoàng hậu.
Họ làm tình.
Mỗi lần họ làm tình trong mùa hè muộn mằn ấy, sau đấy anh đều bị xâm lấn bởi một cảm giác lo lắng không thể giải thích được. Anh không biết nó là gì. Anh rời khỏi giường của nàng, kéo rèm cửa sổ và nhìn ra mặt nước. Anh nghe thấy tiếng sáo và biết rằng đó là từ Brandt. Vì sao anh luôn muốn nhìn ra ngoài, xa xa, sau mỗi lần làm tình? Anh không biết được. Mũi anh dán chặt vào khung cửa sổ, liệu anh có phải là một con chim mà ngoài kia đang cần không? Thật là không tưởng. Anh phải kết thúc những gì mình đã dự tính cần làm.
Một hay hai người bạn còn sót lại. Một hay hai. Chuồn đi hay là chết. Ngài Voltaire thực ngây thơ.
Nàng hỏi:
- Anh đang nghĩ gì vậy?
Anh không trả lời.
- Em biết. Anh tự hào về mình. Anh biết mình là một người tình tuyệt vời. Đấy là điều anh đang suy nghĩ.
- Có những người tốt về điều đó. Anh luôn luôn giỏi về chuyện đó. - Anh đáp lại một cách hờ hững.
Quá muộn khi anh nhận ra điều mình nói và cảm thấy hối tiếc. Nhưng nàng đã nghe thấy, hiểu được sự ám chỉ và lúc đầu không định trả lời, song rồi nàng nói:
- Anh là người duy nhất mà em có được. Vậy nên em chẳng có gì để so sánh với nó cả. Đấy là sự khác biệt.
- Anh biết.
- Trừ gã điên. Em đã quên. Về mặt nào đó, em cũng yêu ông ấy. Anh có biết điều này không?
Nàng nhìn vào anh từ phía sau như thể xem anh có bị thương tổn gì không nhưng nàng chẳng thấy gì. Nàng hy vọng điều ấy làm anh tổn thương. Thật thú vị nếu anh bị tổn thương.
Không có câu trả lời.
- Ông ấy không hoàn hảo được như anh. Không nói đến chuyện điên loạn. Song ông ấy không phải là một người tình tồi như anh nghĩ đâu. Bây giờ anh có thấy bị tổn thương không? Lúc ấy, ông ta như một đứa trẻ. Cũng gần như... kích thích. Anh có bị tổn thương không?
- Anh có thể rời đi nếu em muốn.
- Không.
- Thế thì anh sẽ rời đi.
- Khi nào em muốn thì anh có thể rời. Không trước. Không một giây nào trước đó. - Nàng nói bằng một giọng trầm ấm, nũng nịu.
- Em muốn gì nào? Qua giọng nói của em anh thấy em muốn một điều gì đấy.
- Em muốn anh tới gần đây.
Anh đứng đó, biết là mình không muốn rời nhưng cuối cùng anh chỉ có thể làm vậy.
- Em muốn biết anh đang nghĩ gì. - Nàng nói sau một hồi im lặng.
- Anh đang nghĩ. Trước đấy mình nắm được quyền kiểm soát. Giờ đây anh không còn tin vào điều này nữa. Thế nó đi đâu vậy? - Anh nói.
Nàng không trả lời.
- Ngài Voltaire với anh cũng có trao đổi thư. Ngài Voltaire nghĩ rằng anh có thể là mồi lửa, châm ngọn lửa đốt cháy thảo nguyên. Cái đó đi đâu rồi nhỉ? - Anh bắt đầu nói.
- Anh đã đốt ở trong em. Trong em. Và giờ chúng ta sẽ cháy cùng nhau. Tới đây. - Nàng nói.
- Em có biết rằng. Em có biết rằng mình mạnh không? Và thỉnh thoảng anh cũng thấy sợ em. - Anh nói với nàng.
5
Vào những thời điểm tốt nhất, Christian được phép chơi đùa mà không bị quấy rầy.
Những kẻ được phép chơi mà không bị quấy rầy là Christian, đứa trẻ da đen, đứa nhỏ Phebe và con chó. Chúng chơi đùa trong phòng ngủ của Nhà vua. Căn phòng rất rộng đủ cho bốn người. Christian đã bọc một tấm vải quanh Moranti; phủ kín nó hoàn toàn và họ đang chơi trò cung đình.
Moranti là vua. Nó được giả định đắp chăn ngồi ở đầu giường, che lấp cả khuôn mặt và trùm kín mít như một con tằm, còn ở cuối chân giường là Christian, Phebe và con chó. Họ giả vờ là các thành viên trong triều đình và Nhà vua sẽ phải nói, ra lệnh cho chúng.
Moranti ban hành các mệnh lệnh. Các thành viên trong triều đình cúi đầu.
Thật là thú vị. Chúng vứt tung toé tóc giả, quần áo, rồi ngồi đó chỉ mặc mỗi quần áo lót. Từ một góc chăn trùm kín phát ra những lời nói bị nghẹn lại và mệnh lệnh. Các thành viên trong triều cúi đầu một cách kỳ cục. Mọi thứ đều tức cười.
Đấy là mọi việc diễn ra vào thời điểm đẹp nhất.
Vào ngày 17 tháng 9 khi Christian và những người bạn của ngài đang chơi trò đóng vai vua và triều đình, một người đưa thư từ Copenhangen mang theo một thông cáo từ Paris tới Hirschholm.
Nó gồm một bài thơ từ ngài Voltaire gửi cho vua Christian VII. Sau này nó được xuất bản như Epistle 109, trở nên rất nổi tiếng và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Nhưng vào dịp đó, bài thơ được viết bằng tay, có một trăm ba mươi bảy khổ và có tựa đề" Về quyền tự do báo chí."
Nhưng nó lại hướng tới Christian, và được viết dành cho ngài. Xuất xứ của bài thơ là khi Voltaire nhận được tin Nhà vua Đan Mạch đã ban bố tự do ngôn luận ở Đan Mạch. Ngài không thể hiểu rằng Christian đã trượt vào một giấc mơ lớn mà chẳng có liên quan gì đến quyền tự do, chỉ là sự trốn chạy, và đứa trẻ đang chơi đùa với tước hiệu của mình, những con búp bê sống, chẳng hề nhận thức được cuộc cải cách mà Struensee đã thực thi và thực ra cái gọi là tự do ngôn luận chỉ dẫn đến sự ra đời nhiều truyền đơn hơn, vốn được hướng dẫn và phát kiến bởi những kẻ phản động, những kẻ giờ đây đamg làm việc một cách có phương pháp để bôi nhọ Struensee. Trong không khí tự do mới mẻ đó, những tờ truyền đơn tấn công sự đồi trụy của Struensee và đổ thêm dầu vào những tin đồn về những đêm hành lạc của anh ta với Hoàng hậu.
Và đấy đâu phải là thứ tự do hướng tới. Song Struensee lại từ chối để hành động lại. Và điều này chỉ mang lại làn sóng những lời thóa mạ chống lại chính con người anh ta. Nhưng ngài Voltaire lại không hiểu tất cả những điều này. Ngài đã viết một bài thơ ca ngợi Christian, và điều ấy đã mang lại danh dự cho nhà vua Đan Mạch.
Đó là một buổi tối tuyệt vời ở Hirschholm.
Họ liền tìm cách cho Christian ngừng không chơi nữa và mặc quần áo vào. Rồi họ cho tập họp lại một buổi tối để đọc thơ. Đầu tiên Struensee đọc bài thơ to lên cho tất cả mọi người. Và rồi sau đó, mọi người vỗ tay tán thưởng và nhìn Christian một cách nồng ấm trong khi Nhà vua tỏ ra bối rối nhưng rất hạnh phúc. Sau mọi người cùng đề nghị Christian tự mình đọc bài thơ. Đầu tiên, ngài từ chối. Song sau đó ngài cũng chịu và đọc bài thơ của Voltaire bằng giọng tiếng Pháp rất tuyệt vời của mình một cách chậm rãi, cùng những chỗ nhấn nhá điệu đà.
Vị Hoàng tử tuyệt vời, dù do một kẻ chuyên quyền sinh ra,
Liệu ngài có cai trị tôi từ ngai vàng trên vùng Ban-tích?
Liệu tôi có phải là cận dân của ngài, ngài đối xử với tôi như con dân của ngài,
Làm những ngày của tôi hạnh phúc, chăm lo nỗi lo lắng của tôi?
Bài thơ được viết thật tuyệt; Voltaire đã diễn tả nỗi vui mừng là từ đây Bắc Âu được viết tự do và nhân loại được nói lên lòng biết ơn của mình qua tiếng nói của chính mình.
Từ khu vực hoang vu trên Jura tuổi già yên tĩnh của tôi
hãy để nó học được ngai vàng khôn ngoan trẻ trung của ngài;
và cúi đầu với sự tôn trọng, mà vẫn chưa vô vọng.
Tôi ngã xuống dưới bàn chân ngài nhân danh tất cả mọi người...
Họ nói qua giọng nói của tôi.
Rồi bài thơ tuyệt vời cứ thế tiếp tục, nói về sự giảo quyệt của chế độ kiểm duyệt, về tầm quan trọng của văn học và việc nó đã đánh vào những kẻ cầm quyền ra sao, mặt khác, về sự bất lực của kiểm duyệt bởi vì nó không thể nào có được những ý tưởng chân chính. Và nó không thể nào diệt được một ý tưởng chiến thắng. Nếu một cuốn sách là tốt thì ngay cả Nhà vua cũng không thể bác bỏ được. Nếu một ý tưởng bị đàn áp ở một nơi thì nó sẽ xuất hiện ở một nơi khác như kẻ chiến thắng. Nếu nó bị nhạo báng ở một đất nước thì lại được chiêm ngưỡng ở nơi khác.
Ai là kẻ đã lôi ra sự thật từ trong sâu thẳm của nó,
có thể lấy ra từ đám đông hỗn tạp một linh hồn chung nhất?
Những cuốn sách đã làm điều đó.
Giọng của Christian run rẩy khi ngài đọc đến cuối bài thơ. Rồi tất cả họ lại vỗ tay hồi lâu.
Và Christian ngồi xuống giữa họ, ngài thật hạnh phúc và họ nhìn ngài một cách thân mật, hầu hết với tình thương, làm ngài rất hài lòng.
Vào hầu hết các buổi tối mùa hè ấy, tiếng sáo lại vang lên trên ban công của lâu đài.
Đó là Brandt, kẻ chơi sáo.
Đó là tiếng nói của tự do và hạnh phúc. Tiếng sáo tại lâu đài Hirschholm, lâu đài mùa hè huy hoàng đó chỉ sống đúng một mùa hè. Một điều gì đấy sắp xảy ra, nhưng chưa. Mọi thứ đều chờ đợi. Người thổi sáo, người cuối cùng trong số bạn bè, chơi cho tất cả bọn họ nhưng không hề gặp họ.
Nhà vua chơi đùa. Hoàng hậu tựa mình vào đứa bé trong một tư thế đáng yêu. Struensee, im lặng và xa lánh, một con chim với sải cánh gắn vào cửa sổ, một con chim đã gần như đầu hàng.