Lúc sắp đến hồ Lô Cô, bên đường quốc lộ có cái đài quan sát, từ chỗ này có thể nhìn được toàn cảnh hồ Lô Cô.
Thì ra hồ Lô Cô không to lắm, đưa mắt dõi nhìn là đã thu nhận được hết quang cảnh hồ, có điều nước hồ rất sâu, độ sâu bình quân những 45 mét, chỗ sâu nhất sâu tới 93 mét, tất nhiên là nhìn từ trên mặt nước thì không phát hiện được điều này.
“Lô” trong tiếng Moso_ có nghĩa là khe núi, “Cô” có nghĩa là hồ, “Lô Cô” có nghĩa là cái hồ bên cạnh khe núi. Thế nên trong mắt những người Moso, hồ Lô Cô chính là cái hồ bên cạnh khe núi, còn trong mắt những du khách chúng tôi, nó lại là một thắng cảnh, một vùng đất thần bí, lãng mạn hiếu kỳ muốn đến.
Nếu bạn nói nó đẹp, hồ Lô Cô chính xác rất đẹp, nói một cách đơn giản thì vừa đưa mắt nhìn, mặt nước hồ xanh biếc, hai bên bờ nhà cửa cổ kính, rồi thì núi, rồi mây trắng, và bầu trời. Là bầu trời xanh vợi bao la, cao tít tắp, cực đẹp, đẹp tới mức làm bạn lóa mắt, mắt không mở to được mà phải nheo lại, nói chung là chỉ cảm thấy rất đẹp thôi. Nhưng vẻ đẹp này có thể thấy được ở khắp nơi trên cao nguyên này, hồ Lô Cô cũng chẳng phải đẹp nổi bật gì hơn, sự nổi tiếng của địa điểm này không phải do quang cảnh, mà bởi các tộc người Moso sinh sống quanh hồ – tộc người cuối cùng theo chế độ mẫu hệ.
Lúc đứng ở đài quan sát nhìn về phía nhà dân sống ven hồ Lô Cô, những ngôi nhà đó trông có vẻ rất cổ quái.
Trên đài quan sát lúc đó đã có một nhóm khách du lịch đang rất hào hứng, người nào người nấy đều cười nói oang oang. Bọn họ phấn khích chụp ảnh, anh một kiểu, tôi một kiểu, rồi cả nhóm chụp chung, tấm chụp chung của bọn họ là do tôi chụp hộ.
Chúng tôi kẹp lẫn vào đám du khách đó, vợ chồng Tiểu Trương chạy qua một bên để chụp ảnh, còn tôi và DD bước xuống khỏi đài quan sát đi vào trong rừng cây để nghỉ.
DD cúi đầu nói: “Em nói với bọn họ là mình cũng đang đi nghỉ tuần trăng mật.”
“Hi hi.” Tôi chỉ cười.
“Thì tại bọn họ nói bọn họ đang đi hưởng tuần trăng mật mà.”
“Hi hi,” Tôi lại cười, rồi nói: “Anh hiểu mà.”
Bên con đường mòn trong rừng cây có hai phụ nữ Moso đang ngồi, bọn họ bày ra một sạp nhỏ trước mặt, bán đậu tằm, hạt dưa và lót giày.
Cả hai cô cùng đang đan lót giày, tôi ngồi xuống bên sạp hỏi lót giày bán thế nào.
“Không bán.” Một cô trả lời tôi.
“Không bán còn bày ra sạp làm gì?”
“Chưa làm xong.” Cô ta trả lời.
“Sao lại chưa làm xong?”
“Mới làm xong một cái, cái kia chưa thêu xong.”
“Không sao, tôi mua đôi chưa thêu xong này cho.”
“Không bán.” Cô ta vẫn nói: “Chưa thêu xong làm sao bán cho anh được? Anh mua đậu đi, đậu này ăn ngon lắm!”
“Không tôi chỉ mua lót giày thôi!”
“Thế thì lần sau nhé!” Cô ta trả lời.
“Lần sau? Lần sau là bao giờ? Tôi mua một chiếc thêu xong này cũng được.”
Cô gái bị tôi trêu thì cười ngặt ngẽo nói: “ Ai lại mua một chiếc lót giày bao giờ!”
Tôi vẫn nói: “Biết đâu đấy một ngày tôi bị đâm xe gẫy mất một chân, đến lúc đó chỉ cần một chiếc thôi.”
“Ai lại nói gở thế bao giờ!” Cô gái gắt lên.
“Thì tôi cứ nói gở thế đấy!” Tôi cũng gắt lên.
Cô gái không chịu được lý lẽ của tôi, cuối cùng bán cho tôi đôi lót giày với một chiếc chưa thêu xong, đặt vào tay tôi xong lại giằng lại, dùng kéo cắt cẩn thận các mối chỉ thêu chưa xong, bộ dạng ra chừng vẫn không vui.
Tôi trả tiền xong DD cầm lấy lót giày bỏ vào túi, vợ chồng Tiểu Trương vừa hay đang tiến lại phía chúng tôi, bọn họ đã chụp xong ảnh, thế là chúng tôi lên xe đi tiếp.
Lái xe hỏi chúng tôi đến thôn nào.
“Đến thôn Tiểu Lạc Thủy.” Vợ Tiểu Trương trả lời có vẻ như đã thuộc bài.
Thôn Tiểu Lạc Thủy_ nằm trước mặt đảo Thổ Tư_, đảo Thổ Tư còn gọi là đảo Lạc Khắc_, đảo Lạc Khắc lại còn được gọi là đảo Hy Ngõa Nga_, đảo Hy Ngõa Nga còn được gọi là đảo Rắn_, đảo Rắn lại được gọi là đảo Thổ Tư.
Đảo Thổ Tư còn gọi là đảo Lạc Khắc...
Cái đảo giữa hồ không to lắm nhưng có tới bốn cái tên.
Gọi nó là đảo Thổ Tư vì trước đây nó là nơi nghỉ ngơi của quan Thổ Tư Vĩnh Ninh.
Gọi nó là đảo Lạc Khắc vì trước đây có chú John Locke người Mỹ chuyên nghiên cứu văn hóa Nahsi hơn một trăm năm trước đã từng ở rất lâu trên đảo này.
Gọi nó là đảo Hy Ngõa Nga thì tôi cũng không hiểu nguyên nhân thế nào, tôi chưa nghiên cứu ba chữ Hy Ngõa Nga trong tiếng Moso có nghĩa là gì.
Gọi nó là đảo Rắn thì tôi cũng không biết nguyên nhân, bởi vì trên đảo chẳng thấy có con rắn nào cả.
Có lẽ trong tiếng Moso Hy Ngõa Nga có nghĩa là con rắn cũng không biết chừng.
“Những người đàn ông sống ven hồ Lô Cô thật thảm!” Anh chàng chèo thuyền cho chúng tôi dùng những lời này để mở đầu câu chuyện. Anh ta chừng ba mươi tuổi gì đó.
“He he, sao mà thảm?” DD hỏi lại.
Anh chèo thuyền vóc người không cao, tuổi tác còn trẻ, nhưng trên mặt hằn lên những nếp nhăn, nhìn rất khắc khổ.
Vợ Tiểu Trương xúm lấy hỏi anh chèo thuyền hết cái này đến cái khác: “Thế anh có lấy vợ không?”
“Trước đây cũng có giao ước, sau rồi người ta đi lấy người khác mất. Bây giờ tôi ngần này tuổi rồi, chẳng cô nào nhòm ngó cả.”
“Thế anh làm thế nào?” Vợ tiểu Trương lo lắng hỏi.
“Thế cô bảo làm thế nào?” Anh ta cười đáp lại.
Thuyền đã ra đến giữa hồ, bầu trời yên tĩnh trải trên đỉnh núi bốn bên, mây trắng dừng trôi, mặt hồ lung linh, chỉ còn tiếng mái chèo rẽ nước. Có một anh chàng ế ẩm tội nghiệp, xung quanh hồ này, trong phạm vi cả mấy chục cây số, không có cô gái nào muốn lấy anh làm chồng cả, nghĩ tới đây tôi lại thấy thương cho anh ta.
Tôi nghĩ bốn bề núi non quanh cái hồ này đâu đó nhất định có rất nhiều các cô gái, bọn họ trốn trong các lùm cây, nấp sau các thân cây. Từ xa tôi chỉ nhìn thấy các cô chớp chớp mắt, nhưng khi anh chèo thuyền cho chúng tôi quay đầu lại, những đôi mắt kia liền nhất tề nhắm lại.
Sau đó tôi cởi chiếc áo T-shirt ngoại tình ra tặng cho anh chàng tội nghiệp đó.
Thôi thì gọi là truyền lại cho nhau vậy.
Trên đảo có một ngôi chùa Tạng mới xây. Ngôi chùa cũ trước đây bị phá hủy mất rồi. Anh chèo thuyền chỉ cho chúng tôi xem một cây cổ thụ lớn cao ngất, gốc cây được bao quanh bởi hàng gạch ngay ngắn nhưng đã sứt vỡ. “Đây là vị trí của ngôi chùa cũ.” Anh ta giới thiệu.
Tượng phật trong tim tôi là thần.
Chúng tôi lăng lẽ vái một vái trước bức tượng phật.
Tượng phật lúc nào cũng cho con người ta cảm giác yên tĩnh, ngay cả vợ tiểu Trương cũng im lặng. Chúng tôi đi một vòng quanh gian thờ của ngôi chùa, trong chùa chỉ có tiếng loẹt xoẹt bước chân của bốn chúng tôi.
DD nắm tay tôi, hỏi khẽ ban nãy tôi khấn cầu điều gì.
“Này, ban nãy anh ước điều gì vậy?” Nàng khe khẽ nói.
“Anh cầu Phật tổ phù hộ đừng để người ngoài hành tinh phát động tấn công từ phía sau mặt trăng.”
“Ồ,” Nàng cười tít mắt hỏi, “ Còn gì nữa không?”
“Hết rồi.” Tôi đáp.
Kỳ thực vẫn còn, nhưng tôi không định kể cho nàng biết, tôi còn cầu mong Phật tổ phù hộ cho người con gái bên cạnh tôi đây cả cuộc đời được hạnh phúc bình an. Lúc cúi đầu lạy, tôi còn nói với Phật tổ: “Nếu như hai điều ước, Phật tổ chỉ thỏa mãn được một điều thì hãy thỏa mãn điều thứ hai vừa rồi, còn người ngoài hành tinh thì để con tự lo liệu.”
Không hiểu tôi cò kè với Phật tổ như thế có tác dụng gì không, tôi ngẩng đầu lên, nhìn vào mắt Phật tổ, nhưng mắt Phật tổ không nhìn tôi, nhưng tôi cá là Phật tổ biết, ngài không cần nhìn cũng biết tôi đang nghĩ gì, ngài biết hết mọi điều, nụ cười mỉm luôn nở trên môi ngài kia không hiểu có phải là một lời hứa không, không biết ngài đã đồng ý phù hộ cho người con gái bên cạnh tôi đây cả đời hạnh phúc bình an không nữa.
Để cho chắc ăn tôi đốt thêm hai nén hương, cúi lạy lia lịa.
Sau đó thì anh chèo thuyền đưa chúng tôi đi xem thắng cảnh thứ hai trên đảo, đó là nhà tưởng niệm John Locke, vốn là nơi ở trước đây của John Locke.
Nơi ở trước đây của John Locke chỉ là một căn nhà cấp bốn đã được trùng tu vài năm trước đây, bây giờ nó được dùng làm nhà khách của địa phương, nhưng đang khóa cửa. Chúng tôi nhìn qua cửa kính vào trong, có ghế sofa lớn, bàn trà lớn, tủ lạnh lớn, tivi lớn, nhìn một cái là đã biết chuyên để dành tiếp đón các quý khách tầm cỡ rồi.
Nói là nơi ở của John Locke chẳng bằng nói luôn là phần mộ của nhà cũ John Locke, nói là để tưởng nhớ John Locke chẳng bằng nói là đã giết chết John Locke.
Tôi thà nhìn thấy nơi tưởng niệm John Locke là nhà rách vách nát còn hơn, nhìn thấy những vết tích cũ kỹ ấy. Bạn biết tôi là người yêu thích những vết tích mà. Bên trong những vết tích đó chính là thời gian, là ký ức, nó dẫn dắt chúng tôi nhìn thấy John Locke, nhưng người ta lại không cho xem, người ta dọn sạch những vết tích đó, sau đó đổ lấp lên trên một đống gạch, rồi treo biển đề “Nhà tưởng niệm John Locke”, làm xong phủi đít đi luôn.
Tối đó chúng tôi ở lại thôn Lý Cách, khách sạn có tên gọi “Lý Cách đệ nhất gia”, bởi vì đó là khách sạn đầu tiên từ đường cái đi vào trong thôn, rất gần mặt hồ. Tôi lại chọn ngay phòng gần sát t hồ nhất, là một phòng kép, tám mươi tệ một đêm. Đêm đó, cả thôn chỉ tôi và DD ở gần mặt hồ nhất, tôi còn gần hồ hơn DD một chút, vì tôi ngủ ngay sát cửa sổ.
Đêm xuống, vợ chồng Tiểu Trương sang ban công bên ngoài phòng tôi nói chuyện. Bỗng nhiên trong thôn vang lên một tiếng “Ầm” rất to, đập vào các vách núi ngân vọng mãi. Sau tiếng nổ lớn ấy, cả thôn lại chìm vào yên tĩnh, chẳng thấy ai kêu thét, không hiểu đã xảy ra chuyện gì. Một lát sau, nhân viên phục vụ đi qua, tôi hỏi tiếng động ban nãy là thế nào, anh ta cho biết phía đó có nhà có người già mới mất hôm trước, nên cứ cách vài tiếng lại cho đốt một quả pháo to như thế.
Tôi nghĩ, lại có một linh hồn lên đường về quê cha đất tổ rồi, đốt pháo là để tiễn đưa, tôi thích cái nghi lễ mà những người sống ở đây dành cho người đã khuất, rất thích là đằng khác. Nghe tiếng pháo nổ, không biết linh hồn kia có ngoái đầu lại nhìn không nhỉ?
“Người đó chắc đã đi đến đầu dãy núi kia rồi!” Tôi chỉ về phía đầu núi xa xa nói.
Vợ Tiểu Trương nghe vậy thì nói ra vẻ trách cứ: “Ôi giời, anh cứ dọa bọn em!”
Sau khi vợ chồng Tiểu Trương về phòng họ, chúng tôi còn ngồi với nhau một lúc nữa ngoài ban công.
Trời có vẻ lạnh hơn, DD cuộn mình trong lòng tôi không nói câu nào.
Tay tôi lướt trên cơ thể nàng, nàng kéo tay tôi đi, đặt tay tôi dừng lại trước bầu ngực mềm ấm của mình, rồi như gọng kiềm khóa chặt lại.
May mà tôi có hai tay, tay này bị nàng khóa chặt thì tôi dùng tay kia tiếp tục dạo bước, lên xuống một lượt, vòng lại rồi dừng ở bờ mông nàng, vô vỗ và bắt đầu cất tiếng hát. Bài tôi hát là một khúc hát ru, hình như là của Ấn Độ hay Pakistan gì đó mà tôi học lúc nhỏ.
Chính là bài “Con yêu ơi, cha con đi làm du kích đánh giặc rồi, con yêu ơi!” Tôi dùng bài hát ru này, ru cho cô gái đang ngoan ngoãn ép trong lòng tôi, nhưng kỳ thực tôi chỉ biết có mỗi một câu, hát đi hát lại mãi một câu: “Con yêu ơi, cảnh vật núi non nơi xa đang thay đổi, hình như các ngọn núi đang tan chảy.”
DD cũng biết bài hát này, nàng bèn hát tiếp, tôi không hát nữa, chỉ nhẹ nhẹ vỗ vào người nàng.
Đó là một đêm tĩnh mịch, mặt hồ Lô Cô không xa lấp lánh ánh trăng, chỗ không có ánh trắng chiếu tới thì tối mịt mùng chẳng nhìn thấy gì cả. Đôi lúc lại nghe thấy oẵm một tiếng, theo kinh nghiệm của tôi, chắc là tiếng cá nhảy lên mặt nước. Nhìn theo tiếng động, tôi thấy những vòng sóng sáng lăn tăn gợn ra, con cá thì đã lặn đâu mất. Nơi cao kia là hình dáng uốn lớn nhấp nhô của các dãy núi; cao hơn nữa là bầu trời, một màu xanh sẫm, chỉ có sao và trăng.
Cô gái trong lòng tôi đang ngân nga khúc hát ru.
Nhìn lên mặt trăng, tôi hiểu tại sao nó lại là biểu tượng của nỗi nhớ nhung, đúng lúc ấy tôi hiểu ra được, điều này trước đây tôi chưa từng nghĩ đến.
Từ độ người đi,
Cảnh đẹp ngày xanh luống uổng xếp đặt#
Đình viện sâu sâu sâu xiết nỗi
Anh đào thắm hồng,
Tàu tiêu ngăn ngắt
Sắc hương vốn chẳng đổi
Cuối trời mờ khuất lối
Thu Nương thêm hờn dỗi
Đợi rượu đốt đi mảnh sầu xuân
Cười cũng thưa dần, lời im dần.
Tiếng tiêu hết
Tần Nga tỉnh mộng Tần lâu nguyệt
Tần lâu nguyệt
Mỗi năm liễu thắm
Bá Lăng tiễn biệt
Ngẩng trông sao nhạt ở trên đầu
Hỏi thược dược bên cầu
Mỗi năm vì ai hoa nở
Long lanh mắt nhìn nhau
Nghẹn ngào chẳng nên câu
Nghẹn ngào không nói tiếng lặng mau.
Thiên cổ đại hợp xướng_, đây là bài thơ của Nhất Thiểm trưởng môn phái thơ cắt dán. Tôn chỉ hành động của môn phái thơ cắt dán là: Tất cả các bài thơ từ xưa đến nay trên thế gian này đều là một bài thơ, bạn có thể tùy ý ghép lại, rồi tùy cơ mà nhét thêm các câu thơ của mình vào để thành hợp xướng.
Hai ngày nữa thôi, chúng tôi đời này sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa, điều duy nhất có thể khẳng định là chúng tôi có thể cùng ngắm nhìn một vầng trăng trên trời. Tỏ mờ tròn khuyết, chúng tôi sẽ cùng nhìn thấy như nhau, cùng một vầng trăng.
Gặp nhau sao ngắn ngủi,
Xa cách ngỡ ngàn thu,
Khiếp này sao gặp lại
Kiếp sau đến bao giờ
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Sinh tử chẳng ai ngờ.
Tôi nhìn đăm đăm vầng trăng trên trời còn nàng thì đang cắn tay tôi.
Mặt trăng hằn lên một vệt răng.
Còn có một vệt răng nữa hằn lên phía sau mặt trăng.
Từ nay về sau, chỉ cần nhìn thấy vết răng trên mặt trăng, tôi sẽ nhớ lại đêm nay, có một người con gái e ấp trong lòng tôi và đang nhè nhẹ cắn vào tay tôi, nước mắt nàng tự bao giờ đã tuôn xuống, chảy qua kẽ tay tôi.
Tôi đã tự đặt mình vào cái kết rằng đời này sẽ không gặp lại, để rồi đẩy chính chúng tôi sa lầy trong cái kết đó.
Chúng tôi trở về phòng, mở cửa sổ và làm tình ngay dưới ánh trăng, chúng tôi ra khỏi giường, đứng bên cửa sổ, vừa nhìn mặt nước hồ Lô Cô vừa làm tình; tôi ôm chặt nàng phía sau, nàng chống tay vào cửa sổ quay đầu lại hôn tôi, đôi mắt long lanh sáng lên trong bóng tôi, nước mắt nàng đang chảy. Đêm nay, nàng không phải là cây vĩ cầm, không phải kèn saxophone, đêm nay nàng là một cây nhị hồ ưu sầu nấc nghẹn, còn tôi là anh chàng mù đang kéo cây nhị hồ đó, những âm thanh buồn bã ngân dài trên mặt hồ Lô Cô. Nước hồ lạnh ngắt, thờ ơ, hắt lên ánh sáng xanh, những âm thanh ấy không tìm được nơi ẩn nấp, cứ lang thang như những u hồn trên mặt hồ.
U hồn cô đơn ơi, đừng mong chi gặp lại.
Đừng mong.
Đừng đợi.
Tôi không nghe thấy gì, tôi chẳng nhìn thấy gì, khoảnh khắc gặp gỡ như tia chớp lóe, dữ dội mà ngắn ngủi, đợi tôi giơ tay ra tìm kiếm lần nữa, mọi thứ xung quanh cơ thể đã đều là hư không vô tận.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc!