Cuộc Đời - Vở Kịch Chỉ Diễn Một Lần Chương 6

Chương 6
NGHIÊM KHẮC VỚI BẢN THÂN, KHOAN DUNG VỚI NGƯỜI KHÁC, HẠNH PHỨC TỰ NHIÊN SẼ ĐẾN

Mỗi người nên dùng hết sức lực của mình để tự sửa đổi bản thân, chứ không nên lãng phí sức lực vào bất kì việc nào khác.        

........................................................  Lev.Tolstoy (Nga)

Các vị Thiên thân treo trên cổ con người hai chiếc túi;

Một chiếc đựng khuyết điểm của người khác, treo ở thân trước; Chiếc còn lại đựng khuyết điểm của bản thân, treo ở thân sau; Vì vậy con người rất dễ nhìn thấy khuyết điểm của người khác; Nhưng lại không nhìn thấy khuyết điếm của bản thân.

Một hòa thượng già nuôi dưỡng một chú tiểu trong ngôi chùa trên núi.

Chú tiểu tuy đã mười hai, mười ba tuổi nhưng chưa từng tiếp xúc với thế giới bên ngoài ngôi chùa.

Một hôm, vị hòa thượng già đưa chú tiểu xuống núi để chú đưực biết đến thế giới bên ngoài.

Trông thấy một con trâu, vị hòa thượng già giải thích rằng, đây là con trâu, nó biết cày ruộng, kéo xe, rất có ích cho con người; nhìn thấy con gà trống, vị hòa thượng lại giới thiệu, gà trống biết báo sáng báo tối; khi tiếp tục trông thấy con gà mái thì được giải thích là nó biết đẻ trứng, và cũng rất giúp ích cho con người.

Không lầu sau, có một cô gái xinh đẹp đi tới, chú tiểu vì lớn lên trên núi, chưa từng trông thấy người khác giới nên rất tò mò hỏi: “Sư phụ! Sư phụ! Đây là thứ gì vậy? Nó có giúp ích gì cho con người không?”

Vị hòa thượng già lập tức nghiêm mặt nói: “Đây là con hổ, nó rất nguy hiểm, đừng bao giờ lại gần nó! Một khi tiếp cận nó sẽ bị tan xương nát thịt, phải cẩn thận! Phải cẩn thận!”

Chú tiểu gật đầu liên tục tỏ vẻ hiểu biết, rồi rất cẩn thận né tránh cô gái và đi đường vòng. '

Sau khi về núi, vị hòa thượng già hỏi chú tiểu: “Ta đưa ngươi xuống núi, ngươi đã thấy được rất nhiều sự vật, ngươi ấn tượng sâu sắc nhất với sự vật nào?” Chú tiểu nghĩ một lúc rồi trả lời: “Không hiểu tại sao, con chỉ nhớ được mỗi con hổ biết ăn thịt người thôi, còn những sự vật khác con không có ấn tượng gì cả”.

Sự giáo dục của vị hòa thượng già đối với chú tiểu là chưa đủ sự chân thành, bởi vì ông đã không cho chú biết chân tướng sự vật. Muốn dạy dỗ người khác thì phải dạy một cách chân thực, nếu không, không có sự trải nghiệm, thì sau khi biết được sự thật sẽ càng thấy tò mò, khó mà kiềm chế được. Khả năng miễn dịch trước những cám dỗ cũng không còn. Thị phi khó lường, cần phải rõ ràng; không nên bẻ cong sự việc, như vậy mới có thể dạy dỗ chú tiểu một cách đúng đắn.

Cách giáo dục như vậy của vị hòa thượng già là không đúng. Phải để tiểu hòa thượng học cách làm thế nào đối diện với bản thân một cách thành thật, thì khi gặp sự việc mới biết tự chịu trách nhiệm.

Đề bài quan trọng nhất của đời người, ngoài việc cần phải hiểu được làm thế nào để đối diện với bản thân một cách thành thật, còn phải học cách làm thế nào đối xử với người khác một cách khoan dung.

Có hai người phụ nữ cùng ngồi uống nước ở một chiếc bàn. Một người dựng chiếc ô bên cạnh bàn, người còn lại khi uống nước xong, liền đãng trí thuận tay cầm chiếc ô đi.

Chủ nhân của chiếc ô vội kêu lên: “Này! Chị cầm nhầm ô của tôi rồi”.

Người phụ nữ kia ngượng ngùng đỏ mặt xin lỗi, chị ta nói rằng quên mất là mình không mang theo ô nên đã vô ý cầm nhầm.

Việc này đã làm chị ta nhớ ra là cần phải mua một chiếc ô, và cũng phải mua cho con một chiếc, thế là chị đi mua hai chiếc ô.

Không ngờ, trên đường về nhà, chị ta lại gặp lại người phụ nữ mà mình đã cầm nhầm ô. Người phụ nữ đó chăm chú nhìn hai chiếc ô rồi nói: “Thành tích của chị hôm nay khá quá nhỉ!”

Câu nói đó có ý gì vậy? Đương nhiên là đối phương nói bóng gió về việc “Tiện tay dắt bò” rồi. Cư xử với người khác như vậy chính là thái độ “Nghiêm với người khác, buông lỏng bản thân”.

Muốn làm một người được người khác tôn trọng thì phải có thái độ ngược lại - khoan dung với người khác, nghiêm khắc với bản thân.

Đại biểu do công nhân bầu ra đứng lên nói với đốc công: “Có một số việc chúng tôi cho là không công bằng.

Tại sao công việc của chúng tôi vất vả hơn của ông nhưng ông lại được lĩnh tiền nhiều hơn chúng tôi?”

Vị đốc công trả lời không ngần ngại: “Bởi vì tôi có một cái đầu thông minh, còn các anh chỉ biết làm việc”.

Đại diện công nhân không phục: “Tôi cũng rất thông minh đấy chứ! Nếu không, họ sẽ không cử tôi làm đại diện lên nói chuyện với ông”.

Đốc công trả lời: “Ngoài việc thông minh ra, tôi còn có cả trí tuệ, vì vậy có thể lĩnh nhiều tiền hơn các anh”.

Đại diện công nhân hỏi lại một cách nghi ngờ: “Thế nào là trí tuệ?”

Vị đốc công cười rồi đặt tay lên chiếc dùi cui đeo bên hông: “Nào, hãy thử đánh vào bên tay này của tôi bằng tất cả sức lực của anh đi”.

Người công nhân không do dự lập tức lấy hết sức vung tay phải ra; khi nắm đấm của anh ta sắp đánh trúng thì vị đốc công nhanh nhẹn rụt tay lại, nắm đấm của người công nhân đấm thẳng vào chiếc dùi cui, chỉ nghe thấy người công nhân kêu lên một tiếng: “Ái” và nắm tay thì sưng phồng lên.

Vị đốc công mỉm cười hỏi: “Anh đã thấy chưa, đó chính là trí tuệ, anh đã hiểu chưa?”

Người công nhân gật đầu và trở về hầm mỏ, nói với các đồng nghiệp: “Không có cách nào khác đâu, ông ta có trí tuệ, còn chúng ta không có, vì vậy chỉ có cách tiếp tục làm công việc vất vả này thôi”.

Một người công nhân khác lại hỏi: “Thế nào là trí tuệ?”

Đại diện công nhân trả lời: “Ồ, việc này thì tôi học được rồi, nào, để tôi dạy các anh”.

Nói xong, anh ta liền giơ tay bên trái không bị thương lên, nhìn xung quanh, thấy trong hầm không có dùi cui, thế là anh ta bèn giơ tay trái lên trước mặt: “Nào, hãy đánh vào bàn tay này của tôi bằng tất cả sức lực của anh... ”

Không lượng được điều kiện của bản thân mà lại muốn so sánh với chủ quản, thì sẽ thường bị rơi vào những suy nghĩ sai lầm.

Một hôm, Lâm Ca ngồi trong phòng cùng với khá nhiều người, mọi người đều nhận thấy A Hùng là người có đức hạnh tốt, nhưng anh ta có hai khuyết điểm: thứ nhất là dễ nổi nóng, thứ hai là thô lỗ.

Lúc đó, vừa hay A Hùng đi ngang qua cửa, nghe thấy những lời bình luận của mọi người liền lập tức nổi nóng, xông thẳng vào phòng vung tay đánh Lâm Ca.

Mọi người vội kéo A Hùng ra và hỏi cậu ta: “Tại sao cậu lại đánh Lâm Ca?”

A Hùng đáp: “Tôi dễ nổi nóng lúc nào, thô lỗ lúc nào chứ?”

Mọi người liền nói với A Hùng: “Cá tính dễ nổi nóng và thô lỗ của cậu đã tự bộc lộ ra rồi, cậu còn phải giấu giếm làm gì nữa?”

Trong bộ phim “Mặt nạ của Zorro” có đoạn: Zorro già nghiêm khắc huấn luyện võ công cho đồ đệ, chỉ sai một chút là nắn chỉnh bằng roi da ngay. Anh chàng đồ dệ trẻ chẳng mấy chốc đã phát khùng và định đánh lại Zorro; nhưng Zorro già đã giơ tay nhẹ nhàng ngăn đồ đệ, lạnh lùng nói: “Hãy nhớ rằng, đừng bao giờ ra tay khi tức giận!”

Hóa ra, đây chính là một phần của bài huấn luyện các đồ đệ của Zorro. Ý nghĩa của việc huấn luyện đó là: “Đừng bao giờ ra tay khi tức giận!”

Con người dễ mất kiểm soát nhất là khi tức giận, khi đó, làm việc gì cũng sẽ trở nên vô nghĩa.

Cảm nhận: 

Khi vị thần Prometheus tạo ra con người như trong truyền thuyết của Hi Lạp, ông có đeo lên cổ của con người hai cái túi, một chiếc đựng khuyết điểm của người khác, treo ở thân trước, chiếc còn lại đựng khuyết điểm của bản thân, treo ở thân sau, vì vậy con người rất dễ nhìn thấy khuyết điểm của người khác, nhưng lại không nhìn thấy khuyết điểm của chính mình.

Biết được bản thân cần thứ gì, đó là một hạnh phúc; biết được bản thân không cần thứ gì thì đó lại là một sự lĩnh ngộ sâu sắc, nếu không cần ngó ngàng gì đến chiếc túi phía trước thì sẽ tự có được niềm vui - báu vật quí giá nhất trên thế gian; nếu có thể luôn bỏ sai lầm của người khác vào chiếc túi phía sau thì sẽ không bao giờ phải tìm đến phiền não, và nhất định có thể gỡ bỏ được cái gánh nặng nề nhất nhân gian.

Hết phần 4! Mời các bạn đón đọc phần 5!

Nguồn: truyen8.mobi/t58759-cuoc-doi-vo-kich-chi-dien-mot-lan-chuong-6.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận