Cuộc Đời - Vở Kịch Chỉ Diễn Một Lần Chương 1

Chương 1
Có tình yêu mà không thể hiện thì tình yêu sẽ rất nhạt nhòa

 Không phải lần nào hành động cũng đều may mắn,  nhưng nếu ngồi đó mà không hành động thì chắc chắn sẽ không có bất kì sự may mắn nào.

    Isaac D 'Israeli (Anh)

Có động lực thì làm việc mới có hiệu quả;

Cần phải hiểu được điều này;

Nếu không, tài trí thông minh của nhân loại đều dùng vào những chuyện biếng nhác;

Trên chuyến tàu điện ngầm ở New York - Mỹ, một chàng trai khôi ngô đang ngồi và tập trung đọc một cuốn tiểu thuyết, tư thế ngồi của anh ta cứ như là ở chốn không người, gần như dựa hẳn vào cô gái ngồi bên cạnh.

Cô gái đã vài lần nhỏ nhẹ đề nghị anh ta ngồi thẳng người và đừng dựa mình, để cô cũng có thể được ngồi thoải mái một chút, nhưng chàng trai khôi ngô dường như không để ý, mà vẫn cứ ngồi dựa dẫm như cũ, sức nặng cơ thể của cậu ta gần như dồn hết vào cô gái.

Lúc đó, một người đàn ông trung niên dáng vẻ lịch sự ngồi ở ghế đối diện theo dõi sự việc và thấy quả thật khó coi, nên đã lớn tiếng với chàng trai: “Này chàng trai! Cậu hãy ngồi thẳng lên một chút, cậu đã làm phiền người khác rồi đấy!

Việc bị chỉ trích thẳng thắn ở chỗ đông người dường như đã làm chàng trai khôi ngô cảm thấy mất thể diện, anh ta trừng mắt nhìn người đàn ông, hung hăng như con nhím xù lông, giận dữ: “Việc gì đến ông! Tôi cứ thích ngồi như thế đấy, ông định làm gì nào? Muốn đánh nhau à?”

Người đàn ông trung niên kia giận dữ nghiến răng nói: “Tôi nói một lần cuối cùng, đề nghị cậu ngồi ngay ngắn, đừng làm phiền người khác nữa, nếu không tôi sẽ… ”

Chàng trai khôi ngô buông cuốn sách trên tay xuống, đứng dậy, xông tới: “Ông muốn gì? Nói đi!”

Người đàn ông trung niên cười nói: “Nếu cậu vẫn không ngồi một cách ngay ngắn, thì tôi sẽ lập tức cho cậu biết kết cục cuối cùng của cuốn tiểu thuyết đó!”

Câu trả lời ngoài dự kiến và cái mỉm cười bất ngờ đã làm cho chàng trai khôi ngô sững người. Cậu ta lập tức ngồi ngay ngắn ở đúng vị trí của mình và tiếp tục đọc cuốn tiểu thuyết đang làm cậu mê mẩn.

Sự hài hước quả thật là phương thuốc tốt để giải quyết vấn đề. Một số người đọc tiểu thuyết sẽ không thích người khác cho họ biết kết cục của câu chuyện. Nếu đã biết trước kết cục thì còn có hứng thú xem tiếp hay không? Đây là điều đáng để chúng ta xem xét.

Người đàn ông trung niên lịch sự đã biết được kết cục của cuốn tiểu thuyết đó, đã áp đảo được sự tức giận của đối phương. Nếu đánh nhau thì có lẽ ông sẽ thua cuộc, nhưng nếu “đấu văn” thì dường như ông đã chiếm được thế thượng phong.

Chúng ta ít nhiều đều cũng đã từng trải nghiệm những trường hợp tương tự, nhất là lúc gặp chuyện bất bình, ít nhiều đều có thể khơi dậy tinh thần chính nghĩa của chúng ta. Nhưng, trừ người nhà hoặc bạn bè thân thiết ra, rất ít người dám thẳng thắn trượng nghĩa vì người khác. Có lẽ, họ trong lòng cũng từng muốn giúp người khác một chút, nhưng cuối cùng vẫn cứ không ra tay!

Một người dẫu cho có “tình yêu thương” nhưng nếu không thể hiện, thì tình yêu đó cũng sẽ trở nên rất nhạt nhòa.

Chúng ta thường phán xét bản thân bằng “tài năng của chính mình”, nhưng người khác lại sẽ phán xét bạn bằng “biểu hiện của bạn”. Tình yêu cũng như vậy. Người có tình yêu mà không dũng cảm thể hiện thì cũng chỉ là hư danh.

Có một vị giáo sư cao tuổi, từ khi còn trẻ ông đã SƯU tập được rất nhiều đồ cổ có giá trị. Vợ ông mất sớm, để lại cho ông ba người con, các con ông lớn khôn đều ra nước ngoài sinh sống.

Không có con cái ở bên, ông luôn thấy rất cô quạnh, cũng may là còn có một sinh viên cũ thường qua lại thăm hỏi ông.

Rất nhiều người đều nói rằng: “Người học trò cũ này đã bỏ qua việc chính của mình, suốt ngày ở bên ông già ra vẻ hiếu thuận lắm. Có ai mà không biết anh ta chỉ vì tiền của ông già thôi!”

Các con của ông cũng thường gọi điện từ nước ngoài về thăm hỏi, nhắc nhở ông phải cẩn thận để đừng bị lừa.

“Tất nhiên là bố biết!” ông luôn trả lời như vậy: “Bố có phải là kẻ ngốc đâu!”

Vị giáo sư mất, khi luật sư tuyên đọc di chúc, cả ba người con đều trở về, người học trò kia cũng đến.

Sau khi đọc xong di chúc, khuôn mặt của cả ba người con đều biến sắc, bởi vì họ nghe thấy trong di chúc nói cha họ đã để lại quá nửa bộ sưu tập cho người học trò kia.

Trong di chúc, ông cũng đồng thời giải thích với các con: “Bố biết cậu ta có thể đã chú ý đến bộ sưu tập đồ cổ của bố. Nhưng trong những năm tháng cô quạnh cuối đời, chỉ có cậu ta mới là người ở bên cạnh bố! cho dù các con yêu quí bố, nhưng cũng chỉ là những lời nói ngoài miệng, là tình cảm cất giấu trong trái tim, chứ không hề giang tay chăm sóc bố, đó cũng là những việc nói suông mà thôi. Ngược lại, cứ cho rằng tấm lòng của cậu học trò này của bố là giả tạo đi, thế nhưng việc giả vờ chăm sóc cho bố suốt mười năm trời không hề có một cầu oán thán, thì cũng có thể coi là thật được rồi!”

Mọi người có thể quên đi những điều bạn nói, quên đi những việc bạn làm, nhưng họ sẽ không quên cảm giác mà bạn mang đến cho họ.

Lời của người già là những tiếng lòng chân thật. Schiereck nói rằng: “Người chỉ nghĩ mà không làm, chỉ có thể sinh ra những tư tưởng rác rưởi. Sự thành công là một chiếc thang, người đút hai tay vào túi thì sẽ không thể leo lên được”.

Do đó, đối với ai cũng vậy, chỉ có tấm lòng là chưa đủ. Nhất định phải thực hiện bằng hành động; nếu không sẽ chỉ là những lời nói sáo rỗng.

Tình yêu không thể hiện ra thì không phải là tình yêu thật sự!

Một người tiểu phu lên núi đốn củi, bỗng trông thấy một con thú chưa từng thấy bao giờ, thế là anh ta bước lên và hỏi: “Rốt cuộc ngươi là ai?”

Con thú kia trả lời: “Cứ gọi ta là “Lĩnh ngộ”.

Người tiều phu nghĩ: “Ta đang thiếu “Lĩnh ngộ” đây. Bắt nó về là xong!”

Lúc đó, “Lĩnh ngộ” liền nói: “Ông đang định bắt tôi sao?”

Người tiều phu giật nảy mình, nghĩ bụng: “Cái con thú này! Ta chỉ vừa mới nghĩ trong đầu mà nó đã biết rồi! Vậy thì ta sẽ giả vờ như không để ý đến nó, nhân lúc nó không chú ý sẽ bắt nó thật nhanh!”

Không ngờ “Lĩnh ngộ” lại nói: “Bây giờ ông lại định giả vờ như không có chuyện gì, rồi nhân lúc tôi không chú ý sẽ bắt tôi thật nhanh, đúng không?”

Người tiều phu nghĩ gì cũng đều bị “Lĩnh ngộ” nhìn thấu, nên bực tức nghĩ thầm: “Thật đáng ghét! Tại sao nó lại biết hết được ta đang nghĩ những gì?”

Ai ngờ suy nghĩ này cũng lập tức bị “Lĩnh ngộ” phát hiện. Nó lại hỏi: “ông bực mình vì không bắt được tôi sao!”

Thế là người tiều phu tự kiểm điểm lại mình: “Những việc mà ta nghĩ trong lòng như được phản chiếu, lại trong chiếc gương vậy, hoàn toàn bị con thú kia biết được! Ta cần phải quên nó đi, chuyên tâm đốn củi. Ta vốn lên núi để đốn củi, không nên nghĩ lung tung nữa”.

Nghĩ đến đây, người tiều phu liền vác rìu lên, chuyên cần đốn củi. Kết quả là, do không cẩn thận nên chiếc rìu rơi xuống, nhưng lại không ngờ rơi trúng mặt của “Lĩnh ngộ”, “Lĩnh ngộ” lập tức bị người tiều phu bắt được.

Chúng ta thường muốn nắm bắt được cảm giác hoặc hi vọng trở nên thông minh hơn, không ngờ cuối cùng chẳng nắm được bất kì thứ gì. Nhưng, chỉ cần chúng ta bắt tay vào hành động, đừng chỉ nói suông mà không rèn luyện, thì quá trình hành động rất có thể sẽ phát hiện ra chân lí, lĩnh ngộ được đạo lí.

Ở một vùng quê nọ, có một lão nông phu nuôi được một con lừa. Ông ta luôn xay lúa mạch bằng sức của con lừa này.

Lão nông phu sợ con lừa lười biếng, nên đã nghĩ ra một cách để đối phó. Ông ta đeo lên cổ con lừa một chiếc chuông, chỉ cần con lừa kéo chiếc cối xay lúa mạch thì sẽ nghe thấy những âm thanh trong trẻo “Coong! Coong! Coong!” như vậy, lão nông phu mới có thể yên tâm chợp mắt mà không lo con lừa lười biếng.

Một hôm, có một vị tú tài ghé qua nhà ông, phát hiện thấy con lừa đặc biệt của lão nông phu, thấy trên cổ nó đeo một chiếc chuông nên đã tò mò hỏi ông. Lão nông phu liền kể lại cho vị tú tài biết về tính toán của ông. Ông nói xong, còn đắc ý hỏi lại: “Thế nào? Chiêu này tuyệt chứ?”

Không ngờ, vị tú tài nghe cách nói của ông xong lại rất không đồng ý: “Không đúng, không đúng! Nếu con lừa này đứng yên không động đậy mà chỉ lắc lắc cái đầu của nó thì chiếc chuông cũng vẫn kêu như vậy, con lừa vẫn có thể lười được chứ!”

Lão nông phu nghe xong, cười lớn vài tiếng rồi nói: “Tôi nói thế này, anh tú ạ, anh là một con người, chắc chắn là rất thông minh, nhưng đáng tiếc là con lừa không phải là anh, nó không hiểu được cái thủ thuật này đâu!”

Nếu so sánh thì con người thông minh hơn con lừa rất nhiều, nhưng con lừa chăm chỉ làm việc thật sự hay nó làm việc vì động cơ riêng của nó? Phải có động lực thì làm việc mới có hiệu quả. Cần phải hiểu được điều này, nếu không, tài trí thông minh của nhân loại đều dùng vào những chuyện biếng nhác. Đó thường là nguyên nhân chính dẫn đến việc không thể tăng được hiệu suất làm việc.

Cảm nhận:

Đối với một người theo đuổi sự thành công, bắt tay vào hành động không những khiến ta có thể trải nghiệm để tìm ra chân lí, mà đó còn là con đường duy nhất đi đến đỉnh cao của sự thành công. Có nhà tư tưởng đã từng nói: "Thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm nghiệm chân lí.” Từ đó có thể thấy tầm quan trọng của hoạt động thực tiễn.

Trong giới mĩ phẩm có một câu quảng cáo nổi tiếng: “Trên thế giới không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp”. Chỉ thích đuợc xinh đẹp mà không chịu bắt tay vào “cải tổ nhan sắc” thì làm sao mà trở nên xinh đẹp được.

Lại có một câu quảng cáo khác: “Đã 800 năm rồi, tại sao tháp nghiêng Pisa vẫn chưa bị đổ” Câu trả lời là “Vì nó được bảo dưỡng!" Sự bảo dưỡng nói đến ở đây cũng là muốn nói đến hành động chăm chút trên thực tiễn. Chịu khó bảo dưỡng thì thấp nghiêng Pisa có thể không bị đổ, người phụ nữ chịu khó “bảo dưỡng nhan sắc” có thể trở nên đẹp hơn, còn gì vui bằng?

Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!

Nguồn: truyen8.mobi/t59755-cuoc-doi-vo-kich-chi-dien-mot-lan-chuong-1.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận