?
Nếu có vẻ như tôi đã vay mượn cái tựa đề của Paul Bourget và khi tôi đặt dấu chấm hỏi thay vì một câu trích dẫn nổi tiếng làm đề từ cho chương này, ngược với thói quen từ trước đến nay, thì xin bạn đọc nam nữ hãy tin rằng tôi không hề có ý đánh lừa bạn đọc và nhất là tôi không định tìm cảm hứng cho những trang tiếp theo đây từ nhà văn “lừng danh” nói trên. Không ai không biết - mà chính thầy giáo Octave Mirbeau tuyệt vời của tôi vẫn không ngớt nhắc nhở chúng tôi - rằng phải có niên kim từ một trăm nghìn quan trở lên thì may ra ta mới bằng được cỡ Paul Bourget. Thành ra, tôi xin nhắc lại, giữa các nhân vật của nhà viện sĩ lỗi lạc và nổi tiếng kia với bọn nhóc lành mạnh và rắn rỏi mà tôi biên chép thật thà và nghiêm túc ở đây hoàn toàn không liên quan gì đến nhau.
Khi Aztec về tới chỗ đám quân của nó thì nó không cần phải kể chuyện gì đã xảy ra. Thằng Méo đứng trên cái cây đã chứng kiến hết hay là gần hết mọi chuyện: trận đòn, phục kích, cắt cúc quần cúc áo, chạy trốn, bị bắt lần thứ hai rồi được thả. Có thể nói mọi chiến hữu của nó đều đã cùng sống với chủ tướng những giây phút đáng sợ của sự đau đớn, dằn vặt và căm phẫn.
“Bây giờ mình phải đi thôi!” thằng Mặt Bánh đúc nói. Nó vẫn chưa lấy lại được bình tĩnh và không dám thú nhận rằng chuyện chẳng may của chủ tướng đã khơi dậy những kỷ niệm đau buồn của chính nó.
“Mình phải lo chuyện ăn mặc cho Aztec đã chứ,” một vài đứa lên tiếng.
Chúng mở cái bọc ra. Khi tháo hai ống tay áo khoác thắt nút chúng tìm thấy đôi giày, đôi vớ, áo gi lê, áo len, áo sơ mi và cái mũ. Nhưng thiếu cái quần...
“Quần của tao đâu? Đứa nào giữ quần của tao?” thằng Aztec hỏi.
“Không có trong này,” thằng Méo đáp. “Có thể mày đánh rơi lúc chạy về đây chăng?”
“Phải tìm!”
“Ừ, bay xem thử coi nó ở đâu!”
Mọi cặp mắt chăm chú đảo khắp bãi chiến trường. Nhưng không thấy nơi nào có một mảnh vải.
“Mày leo lên cây, nhanh lên,” Aztec bảo thằng Méo. “Có thể mày thấy nó rơi ở đâu đó.”
Thằng Méo lặng lẽ leo lên cây đoạn nó vẫn dùng làm chỗ thám sát.
“Tao không thấy gì cả,” nó cho biết, sau khi tìm một lúc. “Không thấy gì cả... à không!, không gì cả... nhưng mày có chắc là khi cởi quần áo sau bụi cây mày đã nhét quần vào bọc không?”
“Dĩ nhiên là tao có!” Chủ tướng đáp, đầy âu lo.
“Vậy nó ở đâu mới được chứ?”
“Tiên sư! Lũ khốn kiếp ấy!” Thằng Méo bỗng kêu lên. “Nghe này, bọn ngu ngốc chúng bay dỏng tai mà nghe này!”
Bọn Velrans vểnh tai lắng nghe. Quả thực là chúng nghe rõ mồn một tiếng quân địch trên đường về nhà đang hát rống lên đoạn điệp khúc một bài đồng dao, có vẻ rất hợp tình hợp cảnh, và không mang tính cách mạng lắm như mọi khi:
Ôi, cái quần của tôi
Đâu nhỉ?
Tôi biết lấy gì
Che mông?
Ôi, khỉ ơi là... khỉ!
Thằng Méo nghiêng người, vặn vẹo, nhích lên cao qua đám lá cành để có thể nhìn xa hơn. Chợt nó kêu lên, đầy tức tối:
“Chúng nó lấy quần của mày rồi! Chúng nó lấy cắp quần của mày rồi, bọn khốn kiếp, quân ăn cắp! Tao thấy chúng buộc quần mày như cái cờ vào đầu một cây sào dài! Chúng sắp tới mỏ đá rồi!”
Cái điệp khúc nhạo báng kia vẫn t iếp tục vang đến tai thằng Aztec cùng đám lính của nó đang rất kinh hoảng:
Ôi, cái quần của tôi
Đâu nhỉ?
Tôi biết lấy gì
Che mông?
Ôi, khỉ ơi là... khỉ!
Đôi mắt chủ tướng mở to, chớp chớp, nhòe đi. Nó tái mặt.
“Chết cha, làm sao tao về nhà bây giờ? Tao biết phải nói sao? Tao phải làm gì đây?... Tao đâu dám cứ thế này đi qua làng được!”
“Có lẽ mình nên chờ đến khi thật tối,” một đứa đề nghị.
“Nhưng nếu về trễ quá thì ốm đòn cả lũ!” thằng Mặt Bánh đúc băn khoăn. “Mình phải nghĩ ra cách gì mới được.”
“Thế này nhé,” thằng Méo đề nghị, “nếu lấy kim băng gài áo khoác của mày thật kỹ thì có thể người ta không thấy được nhiều.”
Sau khi lấy dây xỏ vào giày và lấy kim băng cài vào cổ áo, chúng cố thử. Nhưng không được, không hy vọng gì được! Thằng Tatti nói áo khoác không dài quá gấu áo sơ mi khiến thằng Aztec trông cứ như khoác áo lễ_(1) màu đen bên ngoài chiếc áo lễ màu trắng.
“Hệt một ông cha xứ,” thằng Tatti nói, “chỉ ngược màu.”
“Ừ, với lại mấy ông cố đạo cũng đâu có để lòi bắp chân,” thằng Pissefroid nói. “Không được đâu mày ơi.”
“Mày quấn áo choàng như cái váy có được không?” thằng khác nói. “Quấn quanh thắt lưng thì người ta không trông thấy mông. Tụi mình mặc như thế cả đám thì người ta tưởng rằng tụi mình đùa nghịch. Bằng cách này thì ít ra mày cũng có thể về đến nhà được.”
“Ừ, nhưng khi về đến nhà, bố mẹ tao bảo tao phải ăn mặc cho nghiêm chỉnh thì lòi ra ngay. Lúc ấy có mà chết!”
“Mình cứ đi về phía làng cái đã,” thằng Mặt Bánh đúc lại nói. “Muộn rồi, nếu đến giờ đọc kinh chiều mà tụi mình không có mặt trong nhà thờ thì chết cả lũ.”
Lời khuyên này không dở nên chúng băng rừng về. Chúng bước đi chậm rãi và buồn bã, cố nghĩ cách để chủ tướng có thể về nhà trót lọt.
Sau khi đi xuống đường hào dẫn đến bìa rừng, chúng dừng lại bên cái hố bao quanh và suy tính.
… Chẳng có gì… không đứa nào nghĩ ra gì cả.
“Bây giờ tụi mình phải đi thôi!” Những đứa nhút nhát tỉ tê, chúng sợ cơn thịnh nộ của cha cố và trận đòn ở nhà.
“Nhưng mình đâu thể bỏ rơi chủ tướng một thân một mình ở đây được,” thằng Méo nổi khùng, tai họa của chủ tướng khiến nó trở nên cương quyết.
Thằng Aztec lúc hoảng hốt, lúc như mê.
“À! Giá mà có đứa nào chạy đến được nhà tao, từ cửa sau lẻn vào phòng cuối cùng. Sau cái hòm có cái quần cũ của tao. Nếu có được cái quần này thì cũng đỡ!”
“Mày tưởng dễ à! Đến đó rồi ngộ nhỡ bố hay mẹ mày bắt gặp thì biết nói sao? Bố mẹ mày nhất định sẽ hỏi vào đấy làm gì, biết đâu còn nghi cho tụi tao là ăn cắp! Không được đâu!”
“Chúa ơi là Chúa ơi! Tao biết làm gì bây giờ? Chúng mày định để tao ở lại đây một mình thật à?”
“Chớ có kêu Chúa ầm lên như thế!” thằng Mặt Bánh đúc đe. “Mày làm cho Đức Mẹ Đồng trinh đến phải khóc mất, mà như thế là xui lắm đấy.”
“Ối giời, Đức Mẹ Đồng trinh! Bà ấy làm phép lạ ở tận Lourdes_(1) cơ mà! Phải chi bây giờ bà ấy gửi xuống cho tao được lấy một cái quần cũ!”
Bính! Boong! Bính! Boong! Tiếng chuông đổ hồi.
“Tụi tao không thể ở lại đây lâu hơn nữa, chẳng được gì thêm! Tụi tao phải đi thôi!” nhiều đứa lên tiếng.
Rồi một nửa đám nhốn nháo chạy gằn tới nhà thờ để khỏi bị cha xứ trách phạt, bỏ lại chủ tướng.
“Làm gì đây, Chúa ơi? Làm gì?”
“Tụi mình chờ đến tối,” thằng Méo an ủi nó. “Tao ở lại đây với mày. Cả hai đứa mình cùng bị ăn đòn vậy. Nhưng không cần thiết để những đứa kia cũng bị đòn luôn.”
“Ừ, không cần thiết thật,” thằng Aztec xác nhận. “Thôi, tụi bay đi lễ đi! Thôi, chạy đi, và nhớ cầu nguyện Đức Mẹ Đồng trinh với thánh Nicolas để hai đứa tao bị đòn ít ít thôi!”
Các chiến hữu không chờ thúc giục thêm. Trong khi chúng chạy ào đi - thế cũng đã khá trễ rồi! - hai thằng bạn trầm ngâm nhìn nhau.
Chợt thằng Méo vỗ tay lên trán.
“Sao mình ngu thế! Tao nghĩ ra rồi!”
“Sao? Nói nhanh lên, sao!” Thằng Aztec căng thẳng nhìn đôi môi bạn.
“Thế này nhé: tao không tới nhà mày được, nhưng mày sẽ đi về nhà mày.”
“?”
“Dĩ nhiên! Bây giờ tao cởi đồ ra, đưa mày quần và áo khoác. Mày chạy về, lẻn lối sau vào nhà, giấu quần áo rách này đi, mặc quần áo lành vào rồi mang đồ của tao lại đây cho tao. Sau đó hai chúng mình cùng đi về. Mình sẽ nói rằng mình đi tìm nấm, tới tận Chasalans, quá xa nên không nghe thấy tiếng chuông.”
“Tuyệt!”
Thằng Aztec thấy sáng kiến này thật thần tình. Nói xong, chúng thực hiện ngay. Thằng Méo - lớn hơn bạn một chút - cởi quần ra rồi xắn gấu ngược vào trong một ít. Nó dùng kẹp, kẹp nẹp sau lại. Rồi nó lấy dây thắt quanh lưng chủ tướng, dặn đi dặn lại phải nhanh lên và nhất là đừng để ai bắt gặp.
Trong khi thằng Aztec, như con dê men theo các bờ tường và bờ giậu, hối hả chạy về nhà lấy quần khác thì thằng Méo ngồi nép mình trong đường hào, căng mắt nhìn mọi phía xem mạo hiểm có cơ may thành công không.
Về đến nhà, thằng Aztec leo qua cửa sổ, tìm được một cái quần hao hao giống cái quần vừa mất, một cái dây đeo quần đã thải ra, một cái áo khoác cũ và rút dây giày từ đôi giày dành cho ngày Chủ nhật. Nó không mất thì giờ khoác vào người những thứ kia mà nhảy ngay ra vườn rồi theo đường cũ chạy như gió cuốn tới với người bạn chiến đấu anh hùng đang co ro run rẩy sau một bờ tường, ra sức kéo cái áo mỏng vải thôi quanh hai cái đùi đỏ vì lạnh.
Gặp lại nhau, hai đứa toét miệng cười không thành tiếng, hệt như những nhân vật da đỏ trong các truyện của Fenimore Cooper(1)_. Rồi hai đứa đổi quần đổi áo ngay tức thì.
Sau khi cả hai đứa ăn mặc xong xuôi, thằng Aztec đã có đủ áo sơ mi với cúc, áo khoác sạch sẽ trên người và giày có dây rồi thì nó lo lắng và buồn bã nhìn những áo quần rách.
Nó nghĩ tới ngày nào đó mẹ nó phát giác ra thì chắc chắn nó sẽ bị đòn phải biết. Có thể bà sẽ cấm nó rời khỏi phòng.
Điều này buộc nó phải đưa ra ngay một quyết định kiên quyết.
“Mày có diêm không?” nó hỏi thằng Méo.
“Có. Tại sao?” thằng Méo hỏi lại
“Cho tao một que.” Aztec đáp.
Nó liền gom áo choàng và áo sơ mi lại thành một kiểu giàn thiêu nhỏ, vật chứng sự thua trận và nỗi nhục của nó, lý do khiến nó cực kỳ lo sợ cho tương lai. Nó quẹt diêm vào một tảng đá rồi không ngần ngại châm lửa để xóa đi vĩnh viễn những kỷ niệm về cái ngày tai họa đáng nguyền rủa này.
“Tao sẽ sắp xếp để khỏi phải thay quần,” nó trả lời câu hỏi của thằng Méo về việc này. “Mẹ tao chắc chắn sẽ không bao giờ ngờ rằng mấy món ấy lại có thể mất. Cùng lắm là bà nghĩ rằng chắc cái quần cùng với áo khoác và áo sơ mi của tao nằm lăn lóc đâu đó sau một cái tủ.”
Khi vấn nạn khủng khiếp kia đã giải xong và bài toán khó khăn đã được thanh toán thì cả hai đứa bình tĩnh và yên tâm trở lại. Chúng đợi hồi chuông đầu tiên báo kinh truyền tin để lẫn vào đám bạn từ nhà thờ đi ra, sửng sốt thấy chủ tướng lại lành lặn quần áo. Rồi hai đứa đi về nhà như thể chúng cũng từ nhà thờ đi ra vậy.
Nếu cha xứ không để ý gì hết thì trò lừa này của chúng thành công. Mà chúng thành công thật.
Trong khi đó ở Longeverne lại diễn ra một màn khác.
Khi đoàn quân về tới cây đoạn cổ thụ, cách ngôi nhà đầu làng năm mươi bước thì Lebrac ra lệnh ngừng lại và im lặng.
“Mình không thể lôi theo tấm giẻ rách này trên đường phố được,” nó vừa nhìn cái quần của thằng Aztec vừa nói. “Nhỡ người ta hỏi tụi mình lấy ở đâu thì mình biết trả lời sao?”
“Mình phải ném nó vào hầm chứa nước phân thôi,” Gibus em bàn. “Tuy vậy không biết lúc này thằng Aztec phải kể lể với bố mẹ nó thế nào và mẹ nó sẽ làm gì với nó khi thấy nó về nhà với cái mông trần trụi?
Chuyện đánh mất khăn mùi soa, để quên mũ ở đâu đó, gãy giày gỗ hay đứt dây giày là chuyện cơm bữa, chẳng có gì lạ. Cù ng lắm bị vài cái tát, nếu là đồ cũ... Nhưng mất quần thì... khó biện bạch à nghe, đâu phải chuyện thường ngày.”
“Đúng thế! Tao thật không muốn phải ở vào hoàn cảnh của nó!”
“Ôi dào, rồi cũng xong thôi mà,” Tintin nói, hai túi căng phồng của nó là bằng chứng về chiến lợi phẩm dồi dào.
“Thêm hai hay ba lần thu hoạch như thế này,” nó vỗ đùi nói tiếp, “là mình không cần phải đóng thuế chiến tranh nữa. Lúc ấy mình có thể dùng tiền để liên hoan.”
“Ừ, nhưng mình làm gì với cái quần này mới được chứ?”
“Chuyện cái quần để tao lo,” Lebrac quyết định. “Trước mắt cứ để tạm trong bọng cây đoạn này. Sáng mai tụi bay sẽ thấy tao xử lý nó thế nào. Có điều là tụi bay không được hở môi với ai, hiểu chưa? Tụi bay không phải thứ đàn bà ngồi lê đôi mách, thành ra liệu mà kín mồm kín miệng! Ngày mai tụi bay sẽ có được một mẻ cười. Nhưng nếu cha xứ biết được tao là thủ phạm thì có thể ông sẽ lại không cho tao được dự lễ Ban thánh thể lần đầu, giống như năm ngoái, vì tội tao đã đem rửa lọ mực trong bồn nước thánh.”
Rồi bằng cái giọng anh hùng rơm, xứng đáng là con trai của một ông bố chuyên đọc những loại báo chống giáo quyền trong hạt như các tờ Le Réveil des Campagnes và Le Petit Brandon(1)_ nó nói thêm:
“Tao cần quái gì bánh thánh_(2)_, nhưng chỉ để giống mọi người thôi.”
“Mày định làm gì thế, hở Lebrac?” các chiến hữu của nó hỏi.
“Chẳng định gì hết! Hãy nhớ những gì tao vừa bảo tụi bay. Sáng sớm mai tụi bay sẽ biết mà. Bây giờ thì ai về nhà nấy.”
Sau khi giấu cái quần của thằng Aztec trong bọng cây đoạn cổ thụ, cả bọn lững thững ra về.
“Tám giờ tối nay mày trở lại đây nhé,” Lebrac bảo Camus. “Mày phải giúp tao một tay.”
Thằng kia đồng ý ngay, rồi hai đứa cũng đi về nhà ăn tối và học bài.
Ăn xong, khi bố Lebrac vừa ôm quyển sách lịch Grand Messager boiteux của Strasbourg tìm chỉ dẫn về thời tiết cho chợ phiên sắp tới ở Vercel vừa gà gật thì thằng con thấy thời cơ đã đến. Nó lỉnh ra cửa tỉnh bơ.
Nhưng mẹ nó còn thức.
“Mày đi đâu đấy?” bà hỏi.
“Con đi tiểu chút mà!” nó đáp bằng một giọng rất tự nhiên.
Không chờ mẹ phản ứng, nó đi ra ngoài rồi có thể nói là nó chạy như tên bắn tới cây đoạn cổ thụ. Camus đã chờ sẵn đó. Tuy trời tối nó vẫn thấy vạt trước áo khoác của Lebrac gắn đầy ghim.
“Mình định làm gì?” nó hỏi trong tư thế sẵn sàng.
“Theo tao!” Lebrac ra lệnh, sau khi lôi cái quần ra, xẻ toạc phía sau từ trên xuống dưới và hai ống quần.
Hai đứa đã tới quảng trường trước nhà thờ vắng hoe và im lìm.
“Mày đưa tấm giẻ lên cho tao,” Lebrac vừa nói vừa leo lên góc tường của bức hàng rào sắt bao quanh chốn linh thiêng này.
Nơi viên chủ tướng leo lên ấy có một pho tượng thánh (tượng thánh Joseph, nó nghĩ thế) hai bắp chân trần đứng trên một bệ đá nhỏ. Trong chớp mắt thằng nhóc liều lĩnh này đã leo lên bệ đá, cố đứng áp người bên đức ông chồng của Đức Mẹ Đồng trinh(1)_. Camus kiễng chân đưa nó cái quần của thằng Aztec. Bấy giờ Lebrac lẹ làng bắt tay vào việc cho pho tượng sắt nhỏ kia mặc quần. Nó lấy hai ống quần bao quanh hai bắp chân pho tượng rồi ghim lại phía sau, còn dải lưng quần quá rộng bị xẻ ra, như ta biết, thì nó cột chặt bằng một sợi dây cũ quấn quanh thắt lưng thánh Joseph hai lần.
Rồi nó leo xuống, cực kỳ thỏa mãn với tác phẩm của mình.
“Ban đêm lạnh lắm mà,” nó nói đầy ngụ ý. “Thế này thì thánh Joseph khỏi cóng hai bắp chân. Chúa Cha_(2) nhân từ hẳn sẽ rất hài lòng và ban cho chúng ta thêm vài ba tù binh nữa gọi là để cám ơn.”
“Thôi ta về ngủ, bồ tèo!”
Sáng hôm sau những bà xồn xồn trong làng - như bà Potte, bà Phémie Lớn, bà Griotte và nhiều người khác - đi lễ vào lúc bảy giờ như thường lệ. Khi tới quảng trường nhà thờ thì họ kinh hoàng làm dấu thánh giá, phẫn nộ trước sự phạm thánh nhường ấy:
“Ai đó đã mặc quần cho thánh Joseph!”
Ông bõ liền cởi quần cho pho tượng. Ông thấy đũng quần không mấy sạch sẽ nhưng hẳn là mới dùng, song không xác định được là của đứa trẻ nào trong họ đạo.
Tuy ông đã quyết tâm nhanh chóng mở cuộc điều tra nhưng cũng không kết quả. Bọn trẻ bị hỏi đều câm như hến hay sợ sệt như lũ bê non. Còn cha xứ tin chắc rằng phải có một hội kín độc ác nào đấy đứng sau hành động bỉ ổi này, nên Chủ nhật sau đó ông đứng trên bục giảng lớn tiếng thóa mạ bọn vô thần vô thánh và bọn giáo phái không những quấy rầy người dân đàng hoàng lương thiện mà còn làm những chuyện báng bổ bằng cách biến các vị thánh trở thành lố bịch ngay tại nơi thờ phụng họ.
Dân làng Longeverne cũng choáng váng như vị chủ chiên của họ. Không ai ngờ nổi thánh Joseph được mặc quần của thằng Aztec mà quân Longeverne đã tịch thu được trong một trận đánh đường hoàng với bọn chó chết Velrans.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !