Frankenstein Chương 2


Chương 2
Định mệnh quá quyền năng, những quy luật bất biến của nó đã ra sắc lệnh phải hủy diệt tôi thật khủng khiếp và hủy diệt tôi hoàn toàn.

Chúng tôi được nuôi dạy cùng nhau, chênh nhau chưa đầy một tuổi. Khỏi phải nói rằng chúng tôi không biết tới tranh cãi hay chia rẽ dù là về bất cứ chuyện gì. Sự đồng điệu là cốt lõi trong tình cảm của chúng tôi, và những khác biệt hay đối lập trong tính cách chỉ khiến chúng tôi xích lại gần nhau hơn. Elizabeth bản tính điềm tĩnh hơn, chuyên chú hơn; còn tôi, với tính khí cuồng nhiệt của mình, có khả năng chuyên tâm sôi nổi hơn, đắm đuối hơn nàng trong niềm khát khao hiểu biết. Nàng mải mê theo dõi những sáng tạo phiêu diêu của các nhà thơ, và trước những khung cảnh hùng vĩ kỳ diệu bao quanh ngôi nhà Thụy Sĩ của chúng tôi – núi non nguy nga, bốn mùa thay đổi, bão táp mưa sa hoặc êm đềm bình lặng, mùa đông yên tĩnh hoặc mùa hè sôi động và mãnh liệt trong dãy Alps – nàng thích thú và khâm phục hết mức. Trong khi cô bạn tôi thưởng ngoạn vẻ ngoài huy hoàng của sự vật một cách trân trọng và thỏa nguyện, tôi lại ưa tìm hiểu nguyên nhân của chúng. Thế giới đối với tôi là cả một bí ẩn để mà lý giải. Tính hiếu kỳ, sự hăm hở nghiên cứu để biết được những quy luật còn ẩn giấu của tự nhiên, niềm hân hoan tới mức xuất thần khi những quy luật đó lộ dần ra trước mắt tôi: những xúc động đầu tiên của tôi là như thế đó.

Sau khi sinh hạ thêm một đứa con trai, bảy năm sau khi tôi ra đời, cha mẹ tôi bỏ hẳn cuộc đời chu du đây đó, trở về sống ở quê hương. Chúng tôi có một ngôi nhà ở Geneva, một nhà nghỉ ở thôn quê tại vùng ngoại ô Belrive_ bờ Đông hồ, cách xa thành phố khoảng hơn bốn cây số. Chúng tôi chủ yếu sống tại đây, cha mẹ tôi rút vào cuộc đời khá ẩn dật. Tính tôi hay xa lánh đám đông, nhưng lại quấn quýt hết mực với một vài người. Do đó nhìn chung tôi bỏ lơ bạn bè cùng lớp, nhưng lại gắn bó vô cùng mật thiết với một trong số đó. Henry Clerval là con một thương nhân Geneva. Anh sở hữu một tài năng và trí tưởng tượng hiếm thấy. Anh ham thích những công tích lớn lao, gian khổ, thậm chí cả nguy khốn, chỉ đơn thuần vì vẻ đẹp của bản thân chúng. Anh say sưa đọc sách anh hùng thượng võ và tình ái. Anh sáng tác những bài hát anh hùng, và bắt đầu viết rất nhiều truyện thần tiên, truyện phiêu lưu của các hiệp sĩ. Anh đã từng thuyết phục chúng tôi đóng kịch, và tham dự các hội giả trang, nhân vật trong đó lấy mẫu từ các anh hùng trong trận Roncesvalles_ hoặc nhóm Bàn tròn của vua Arthur_, hoặc dòng hiệp sĩ xả thân cứu mộ Chúa khỏi rơi vào tay bọn vô đạo.

Phải nói không người nào có tuổi thơ trôi qua hạnh phúc hơn tôi. Cha mẹ tôi vốn tốt bụng và vô cùng chiều chuộng chúng tôi. Chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy họ là những kẻ chuyên quyền, cai trị số phận chúng tôi theo ngẫu hứng của họ, mà là người truyền đạt và sáng tạo mọi niềm vui chúng tôi hưởng thụ. Khi giao thiệp với những gia đình khác, tôi thấu hiểu sâu sắc số phận mình đặc biệt may mắn thế nào, và lòng biết ơn cứ theo tình kính yêu mà lớn.

Tính tình tôi đôi khi dữ dội, lòng say mê thì cuồng nhiệt; nhưng theo một quy luật nào đó trong khí chất tôi, chúng không được hướng về những đòi hỏi trẻ con, mà là về một khát khao hiểu biết, mà không phải là tất cả mọi loại hiểu biết không phân biệt. Tôi phải thừa nhận mình không thích thú gì cấu trúc các ngôn ngữ, quy tắc luật lệ của chính quyền, nền chính trị của các nước. Tôi chỉ muốn biết những bí mật của trời và đất; và cho dù bận tâm về những biểu hiện bề ngoài của sự vật hay tinh túy bên trong của thiên nhiên và tâm hồn bí ẩn của con người, thì cuối cùng mọi nghiên cứu của tôi đều tập trung về một thứ là siêu hình học – nói cách khác, trong ý nghĩa cao nhất của nó: những bí ẩn của thiên nhiên.

Trong khi đó Henry Clerval bận rộn với mối quan hệ có tính đạo đức giữa các sự vật. Giai đoạn cống hiến của cuộc đời, đức tính của các anh hùng, hành động của con người, đó là những mối quan tâm chính của anh; anh hy vọng và mơ ước được lưu danh trong lịch sử giữa các trang phong lưu mã thượng ân nhân của loài người. Tâm hồn thánh thiện của Elizabeth tỏa sáng như ngọn đèn trong đền thánh ở ngôi nhà yên bình của chúng tôi. Nàng thông cảm với tất cả chúng tôi; nụ cười của nàng, giọng nói nhỏ nhẹ của nàng, ánh nhìn dịu dàng từ đôi mắt thiên thần của nàng luôn ban phước và cổ vũ chúng tôi. Nàng là hiện thân của nữ thần tình yêu, vừa làm mềm lòng người lại vừa hấp dẫn cuốn hút: nhiều lúc tôi hẳn đã buồn nản ủ rũ trong học tập hoặc trở thành ác độc do bản chất cuồng nhiệt, nhưng đã có nàng ở đó, chế ngự tôi bằng sự dịu hiền. Còn Clerval – sự xấu xa nào có thể cố thủ trong tâm hồn cao thượng ấy? – chẳng thể trở thành con người nhân bản toàn thiện đến thế, rộng rãi một cách ân cần đến thế, và dịu dàng tế nhị khôn tả trong khi vẫn say sưa những chiến công mạo hiểm như anh hiện nay, nếu không phải nàng đã bộc lộ cho anh thấy vẻ đáng yêu thực sự của lòng từ tâm, khiến anh coi làm điều thiện như mục đích cuối cùng của những tham vọng cao xa của mình.

Tôi vô cùng sung sướng được chìm đắm trong những hồi ức thuở nhỏ, khi mà vận rủi chưa làm hoen ố trí óc tôi, biến mơ mộng tươi sáng về những hoạt động tích cực không cùng trở thành nghiền ngẫm ủ dột và quanh quẩn về số phận mình. Hơn nữa, trong khi vẽ lại bức tranh thời thơ ấu, tôi cũng ghi lại những sự kiện đã bị bỏ qua từng bước dẫn đến câu chuyện khốn khổ của tôi sau này: bởi vì cứ mỗi lần định tự dò lại gốc rễ của niềm đam mê mà sau này đã chi phối vận mệnh của tôi ấy, tôi lại thấy nó khởi đầu, như dòng sông trên núi, từ những nguồn tưởng chừng vô nghĩa và gần như đã bị lãng quên; nhưng càng chảy càng phình ra để cuối cùng thành dòng lũ đổ xuống, quét đi của tôi mọi hy vọng, mọi niềm vui.

Triết học tự nhiên(7)_ là vị thần bản mệnh đã điều hành số phận tôi; vì vậy tôi muốn nhân câu chuyện kể cho anh nghe những sự việc đưa tôi đến chỗ say mê môn đó. Mười ba tuổi, cả nhà tôi cùng đi tắm suối nước nóng ở Thonon_: khí hậu khắc nghiệt buộc chúng tôi ở yên trong quán trọ suốt một ngày trời. Trong quán đó tôi vô tình tìm được một quyển sách của Cornelius Agrippa_(8). Tôi ghê tởm mà mở nó ra; nhưng lý thuyết mà ông tìm cách chứng minh, những dẫn chứng kỳ diệu mà ông nhắc đến, nhanh chóng biến tình cảm đó trở thành nhiệt huyết. Một luồng sáng mới như bừng lên trong tâm trí tôi; và, tràn đầy vui sướng, tôi kể cho cha tôi biết phát hiện của mình. Cha tôi liếc qua đầu đề cuốn sách, và nói: “Cornelius Agrippa à! Victor yêu quý của cha ơi, đừng mất thì giờ vì nó làm gì, rác rưởi cả thôi.”

Giá như cha tôi đừng nhận xét qua loa như vậy, mà chịu khó giải thích cho tôi rõ những nguyên tắc của Agrippa đã hoàn toàn bị đập tan rồi, ngày nay một hệ thống khoa học hiện đại đã được đưa ra, với sức mạnh vượt xa hệ thống cũ, bởi sức mạnh của khoa học cũ chỉ là ảo tưởng hão huyền trong khi của khoa học hiện đại vừa có thực vừa thực tiễn; được như vậy chắc chắn tôi đã vứt quyển sách của Agrippa sang một bên, và chịu ép trí tưởng tượng của mình, đã được hâm nóng lên như thế, vào khuôn khổ, trở lại các nghiên cứu trước kia với nhiệt tình hăng say hơn nữa. Mà thậm chí rất có thể, luồng suy nghĩ của tôi đã không bao giờ bị cái động lực định mệnh ấy lôi kéo đến chỗ hủy hoại. Đằng này cái nhìn hờ hững của ông trên cuốn sách chỉ khiến tôi tin chắc ông không biết gì về nó; tôi đọc nó càng thêm hăm hở.

Trở về nhà, việc đầu tiên tôi làm là lo tìm đủ bộ sách của tác giả này, sau đó tìm thêm sách của Paracelsus(9)_ và Albertus Magnus(10)_. Tôi đọc và theo dõi những tưởng tượng ngông cuồng của họ một cách thích thú; họ đối với tôi là kho tàng hiếm có chỉ hé lộ ra cho rất ít người ngoài bản thân tôi; mà như tôi đã miêu tả, mình là người luôn hăm hở thiết tha đào sâu vào những bí mật của tự nhiên. Cho dù các khoa học gia hiện đại đã tổn hao công sức đến đâu và tìm ra những điều tuyệt diệu đến thế nào, tôi luôn kết thúc những bài học của mình một cách bất mãn và phật ý. Ngài Isaac Newton nghe đâu đã tuyên bố mình chỉ như đứa trẻ nhặt vỏ sò bên bờ đại dương chân lý mênh mông chưa khám phá_. Học trò ông trong mỗi nhánh của triết học tự nhiên mà tôi đã biết, đối với trí óc cho dù còn non nớt của tôi lúc ấy, chẳng qua cũng chỉ là những cậu tập sự lao theo cùng một cái vỏ sò.

Người nông dân không được học hành quan sát các hiện tượng quanh mình, và biết cách sử dụng chúng trong thực tiễn. Nhà triết học thông thái nhất hiểu biết không hơn mấy tí. Ông ta đã vén lên một phần tấm mạng che ngang mặt Tự nhiên, nhưng khuôn mặt thần thánh của nàng vẫn là một kinh ngạc, một niềm bí ẩn. Tha hồ cho ông mổ xẻ, băm vụn rồi dán nhãn, ông ta cũng không chạm nổi tới nguyên nhân cấp hai cấp ba, đừng nói đến cái nguyên cớ tối hậu. Tôi đã trừng trừng nhìn các bức tường kiên cố, các chướng ngại vật ngăn cản con người bước vào trong thành trì của tự nhiên, và đã oán trách một cách hấp tấp và ngu ngốc.

Nhưng đây thực sự là sách, và đây là những người đã đào sâu hơn và hiểu nhiều hơn. Họ khẳng định thế nào, tôi nhất nhất tin từng lời thế ấy, tôi trở thành môn đồ của họ. Cũng lạ lùng là ở thế kỷ mười tám còn có sự tình như vậy; nhưng trong khi theo đúng lối học quy định tại các trường ở Geneva, tôi chủ yếu vẫn là tự học, chỉ giới hạn trong những ngành mình thích. Cha tôi không biết nhiều về khoa học, tôi phải tự vật lộn với sự ngu dốt của một đứa bé, lại còn thêm sự khao khát hiểu biết của một học sinh. Dưới sự hướng dẫn của các ông thầy mới, tôi nhập vào cuộc nghiên cứu hòn đá phù thủy và trường sinh dược(11)_ một cách cần mẫn nhất. Nhưng thuốc trường sinh chẳng mấy chốc thu hút toàn tâm toàn ý của tôi. Tiền của chỉ là vật hèn kém; nhưng khám phá của tôi sẽ được vinh diệu biết bao nếu như tôi trừ bỏ được bệnh tật khỏi cơ thể con người, làm con người miễn trừ với tất cả ngoài một cái chết dữ dội!

Những viễn ảnh của tôi không phải chỉ có thế. Các tác giả yêu quý của tôi mạnh miệng khẳng định rằng việc gọi hồn ma quỷ là điều khả thủ, và đây là điều tôi hăm hở theo đuổi nhất; và nếu những bùa ngải của tôi thất bại trăm lần như một, tôi đổ tại mình thiếu kinh nghiệm hoặc sai lầm, chứ không phải do các thầy giáo của tôi thiếu năng lực hay thành thực. Và cứ như vậy suốt một thời gian, tôi chuyên tâm vào những hệ thống lý thuyết đã bị đập tan, như mọi kẻ mù mờ đem xáo trộn vào nhau hàng ngàn thứ lý thuyết, mò mẫm giữa một đầm lầy kiến thức, chẳng ai hướng dẫn ngoài trí tưởng tượng nóng bỏng và lập luận con trẻ, cho đến khi một sự kiện xảy đến làm biến đổi luồng suy nghĩ của tôi lần nữa.

Lúc tôi khoảng mười lăm tuổi, cả nhà tôi về sống ở ngôi nhà gần Belrive, ở đó tôi được chứng kiến một cơn bão mạnh vô cùng khủng khiếp. Nó tới từ sau dãy núi Jura_; sấm sét cùng lúc bùng ra ầm ầm khủng khiếp khắp bốn tầng trời. Từ đầu đến cuối trận bão, tôi quan sát tiến triển của nó một cách tò mò và thích thú. Khi đang đứng trong ô cửa, đột nhiên tôi thấy một cột lửa bùng lên từ một cây sồi già rất đẹp, cách nhà tôi chừng hai mươi thước; và khi ánh chớp chói lòa tắt đi thì cây sồi cũng không còn thấy nữa, chỉ còn lại gốc cây tan hoang. Sáng hôm sau khi ra xem, chúng tôi thấy cái cây gãy nát một cách kỳ lạ. Nó không bị chẻ ra sau cú sét mà hoàn toàn bị cắt nhỏ thành những sợi gỗ mỏng dính. Tôi chưa thấy vật gì bị hủy hoại tuyệt đối như thế bao giờ.

Trước đó không phải tôi không biết tới các quy luật dễ nhận thấy hơn của điện học. Trong chuyến đó có một nhân vật chuyên sâu về triết học tự nhiên cùng ở với chúng tôi, và rất hứng khởi khi thấy thảm họa này, ông đã đi vào giải thích một lý thuyết do ông đề ra về điện và phép sốc điện, đối với tôi vừa mới lạ vừa rất đáng kinh ngạc. Những điều ông nói hạ bệ triệt để cả Cornelius Agrippa, Albertus Magnus lẫn Paracelus, các ông chúa trong trí tưởng tượng của tôi; tuy nhiên do định mệnh nào không biết sự hạ bệ này làm tôi nản lòng với cả những nghiên cứu mà tôi từng theo đuổi. Có vẻ như con người sẽ không bao giờ biết được cái gì, không có khả năng biết được cái gì. Những gì đã bấy lâu cuốn hút sự chú ý của tôi đều đột nhiên trở thành hèn hạ. Trong một cơn đồng bóng bất chợt, thứ tình trạng mà có lẽ ta hay gặp phải nhất khi còn trẻ, tôi từ bỏ trong nháy mắt những mối bận tâm trước đó; coi lịch sử tự nhiên và các môn học xuất phát từ đó đều méo mó, sinh non chết yểu; và mang lấy lòng khinh bỉ cùng cực cái môn gọi là khoa học đó, thứ không bao giờ bước vào ngưỡng cửa tri thức thực sự được. Trong tâm trạng đó, tôi lao vào toán học và các ngành thuộc môn này, coi chỉ có chúng mới được dựa trên những nền móng vững chắc, xứng đáng để mình quan tâm.

Tâm hồn chúng ta được cấu tạo kỳ lạ như thế đấy, và chỉ bằng những dải băng mỏng mảnh đến thế mà chúng ta bị buộc vào thịnh vượng hay suy đồi. Nhìn lại tôi có cảm giác sự thay đổi về khuynh hướng và ý chí hầu như kỳ diệu này chính là đề xuất tức thì của thần hộ mệnh của tôi – cố gắng cuối cùng của thần linh bảo hộ nhằm đẩy lùi cơn bão đã rình sẵn giữa các vì sao từ lúc đó, chỉ chờ cơ hội là chụp xuống. Thắng lợi của vị thần được báo hiệu nhờ một sự yên bình và phấn chấn bất thường trong tâm trí tôi, tiếp liền sau khi tôi vứt hết mọi nghiên cứu từ xưa mà gần đây đã trở thành không ngớt giày vò. Rồi tôi sẽ học được bằng cách ấy rằng đeo đuổi chúng nghĩa là tai họa, từ bỏ chúng thì sẽ hạnh phúc.

Đó là một nỗ lực lớn lao của vị thần thiện; nhưng vô hiệu. Định mệnh quá quyền năng, những quy luật bất biến của nó đã ra sắc lệnh phải hủy diệt tôi thật khủng khiếp và hủy diệt tôi hoàn toàn.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật một cách nhanh nhất !

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/26154


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận