Frankenstein Lời giới thiệu


Lời giới thiệu
“Mỗi người chúng ta sẽ viết một truyện ma,” Huân tước Byron bảo; đề nghị này được mọi người hưởng ứng.

Lời giới thiệu của tác giả

Những người ấn hành tủ Standard Novels(1), khi chọn in cuốn Frankenstein trong một tập sách của mình, có tỏ ý mong tôi viết đôi lời giải thích về nguồn gốc câu chuyện. Bản thân tôi cũng rất vui lòng làm điều đó để có cơ hội đưa ra câu trả lời chung cho câu hỏi vẫn thường được nghe: Làm sao mà tôi, khi còn là một cô gái trẻ như thế, có thể nghĩ tới và tô vẽ tỉ mỉ cho một ý tưởng gớm guốc đến vậy? Quả đúng là tôi luôn phản đối chuyện đem bản thân ra làm đề tài cho xuất bản, nhưng vì lời giải thích này sẽ chỉ là phụ lục thêm vào một cuốn sách đã in trước đó, và vì nó sẽ chỉ hạn chế trong những gì liên quan đến tư cách tác giả của tôi, tôi không thể tự buộc tội đang bắt độc giả chịu đựng mình được.

Là con gái của hai nhân vật nổi tiếng trên văn đàn, thiết tưởng không có gì lạ khi tôi đã có ý tưởng viết văn từ rất sớm. Ngày bé tôi đã nguệch ngoạc chữ nghĩa; và thú vui lớn nhất của tôi, trong những lúc được phép chơi đùa, là “viết truyện”. Thế nhưng tôi còn một thú vui lớn hơn thế nữa, đó là xây những lâu đài trên không – chìm đắm vào những giấc mơ ngày – buông theo những luồng suy nghĩ để tạo ra hàng chuỗi sự kiện tưởng tượng. Những giấc mơ đó vừa lạ lùng vừa thuyết phục hơn những gì tôi viết. Chuyện viết lách của tôi chỉ như sao lại trung thành người khác – làm sao để viết như người khác đã viết, chứ không viết ra những gì chính mình trí não đề xuất. Những thứ tôi viết có nhằm dành cho ít nhất một người khác đọc – người bạn chơi, bạn tâm tình hồi nhỏ của tôi; nhưng những giấc mơ là của riêng tôi; tôi không thuật lại chúng cho ai hết; đó là nơi tôi ẩn náu mỗi khi chán nản, là thú vui quý giá nhất những lúc tôi rỗi rãi.

Hồi còn nhỏ tôi sống chủ yếu ở vùng quê, và đã sống một thời gian khá dài ở Scotland. Đôi khi tôi có thăm thú những nơi phong cảnh đẹp hơn, nhưng nơi trú ngụ thường xuyên của tôi là bờ bắc sông Tay gần Dundee, một nơi đồng không mông quạnh. “Đồng không mông quạnh” là đối với bây giờ hồi tưởng lại, nhưng lúc ấy tôi không thấy vậy. Ấy là tổ đại bàng của đôi cánh tự do, là vùng đất sung sướng không người kiểm soát, nơi tôi gần gụi được với những sinh vật do tôi tưởng tượng. Thời kỳ ấy tôi đã viết – tuy bằng một phong cách rất ư thô thiển. Dưới những cây cao quanh vùng đất của nhà tôi hoặc bên rìa dãy núi non trơ trụi gần đó là nơi những sáng tác thực sự của tôi, những chuyến bay trên đôi cánh của trí tưởng tượng, được ra đời và ấp ủ. Tôi không dùng mình làm nhân vật chính của những câu chuyện đó. Cuộc đời đối với tôi là một sự kiện quá nhàm tẻ nếu chỉ khuôn trong chính mình. Tôi không hình dung được số phận mình sẽ có bao giờ gặp những nỗi phiền muộn lãng mạn hoặc những sự kiện diệu kỳ; nhưng tôi cũng không chỉ bó hẹp trong giống loài mình, và thời gian trôi qua với đầy ắp sinh vật mà ở tuổi ấy tôi thấy kỳ thú hơn nhiều so với những gì giác quan đưa lại.

Sau thời kỳ đó cuộc sống của tôi bận bịu hơn, thực tế đã thế chỗ tưởng tượng. Tuy nhiên, ngay từ đầu, chồng tôi đã rất quan tâm đến chuyện tôi cần tỏ ra xứng đáng với gia đình và ghi danh mình vào hàng ngũ những người nổi tiếng. Anh luôn thúc đẩy tôi tìm kiếm danh vị văn chương, mà bản thân tôi lúc đó cũng trọng thị điều này, dù từ đó đến nay tôi đã trở nên vô cùng ơ thờ với nó. Lúc này anh muốn tôi viết không phải vì cho rằng tôi có thể chế ra được cái gì đáng giá, mà cốt để anh đánh giá xem tôi có thể hứa hẹn đến đâu những thành tựu tương lai. Nhưng tôi vẫn chưa làm gì cả. Những chuyến đi liên miên, và việc chăm sóc một gia đình đã choán hết thời gian của tôi; và học tập, cụ thể là đọc sách và phát triển ý tưởng của mình nhờ trao đổi với trí tuệ được bồi đắp hơn tôi rất nhiều của anh, là tất cả công cuộc theo đòi văn học được tôi quan tâm lúc ấy.

Mùa hè năm 1816, chúng tôi thăm Thụy Sĩ, trở thành láng giềng của Huân tước Byron(2). Ban đầu chúng tôi cùng hưởng những giờ phút tuyệt diệu trên mặt hồ, hoặc lang thang quanh bờ hồ, và Byron, lúc này đang viết đoạn ba của Childe Harold, là người duy nhất trong số chúng tôi đã ghi lại cảm xúc của mình trên mặt giấy. Những cảm xúc này, mà ông đem cho chúng tôi xem liên tục, được tắm trong ánh sáng và nhịp điệu của thi ca, đã nâng cảnh sắc huy hoàng của trời và đất mà chúng tôi chia sẻ ấn tượng cùng ông lên tầm thần thánh.

Thế nhưng đó hóa ra lại là một mùa hè ướt át, trái tính trái nết, và chúng tôi thường bị giam chân trong nhà vì những trận mưa liên miên. Một bộ truyện ma Đức dịch sang tiếng Pháp_(3) vô tình rơi vào tay chúng tôi. Có một truyện thuật sự tích một người tình không chung thủy, khi định ôm siết cô vợ mới vừa thề nguyền trước Chúa lại thấy mình ở trong vòng tay hồn ma cô gái anh từng ruồng rẫy. Lại còn chuyện về người cha tội lỗi của cả một dòng tộc, chịu số phận khủng khiếp là phải ban chiếc hôn tử thần trên trán mọi đứa con trai trừ con trưởng của dòng họ giữa lúc chúng lớn lên đang độ đầy hứa hẹn. Bóng ma khổng lồ của ông ta, trang phục giống như hồn ma trong Hamlet, giáp trụ toàn thân, riêng mũ sắt lật lên, xuất hiện đúng nửa đêm dưới ánh trăng lúc mờ lúc tỏ, chầm chậm đi trên con đường tăm tối. Cái bóng biến mất sau những bức tường lâu đài mờ tối; nhưng bỗng cánh cổng bật tung ra, có tiếng bước chân, cửa phòng ngủ mở, và ông ta tiến đến giường nằm của những đứa trẻ đang độ lớn khôn, đang được vỗ về trong giấc ngủ. Nỗi đau đớn vĩnh hằng hiện rõ trên khuôn mặt khi ông cúi xuống hôn vào trán những cậu bé, từ phút đó trở đi tàn úa như cánh hoa lìa cành. Suốt từ bấy đến nay tôi chưa đọc lại những truyện này, nhưng nó vẫn hiện rõ mồn một trong tâm trí tôi như vừa mới đọc hôm qua.

“Mỗi người chúng ta sẽ viết một truyện ma,” Huân tước Byron bảo; đề nghị này được mọi người hưởng ứng. Chúng tôi có cả thảy bốn người. Nhà thơ quý tộc bắt đầu một truyện mà một phần của nó in ở cuối bài thơ Mazeppa. Shelley, vốn quen thể hiện ý tưởng và tình cảm trong tưởng tượng chói lòa và âm điệu du dương của thi ca chứ không phải thiết kế một cơ cấu phức tạp cho truyện kể, khởi đầu một câu chuyện dựa trên chuyện đã trải qua hồi bé. Polidori(4)_ tội nghiệp nghĩ ra một ý tưởng kinh khủng về một phu nhân có cái đầu chỉ là hộp sọ do bị trừng phạt vì nhòm qua lỗ khóa, để xem trộm cái gì tôi không nhớ – một điều khá gây sốc và sai trái, dĩ nhiên; nhưng đến lúc bà ta rơi vào tình trạng khốn khổ hơn cả anh chàng Tom trứ danh ở Coventry_(5) thì anh ta không biết xử lý thế nào nữa, và đành phải đưa bà ta vào nhà mồ gia đình Capulet(6)_, nơi duy nhất thích hợp với bà ta. Hai nhà thơ nổi danh cũng nhanh chóng từ bỏ công việc không quen thuộc này; tính chất nhạt nhẽo của văn xuôi làm họ khó chịu.

Tôi vắt óc nghĩ một câu chuyện, một chuyện khả dĩ địch được với những câu chuyện đã kích thích chúng tôi lao vào công việc này. Một câu chuyện nói lên được những nỗi sợ hãi bí ẩn nằm sẵn trong con người chúng ta, làm dấy lên sự kinh hoàng thảng thốt, một chuyện khiến độc giả không dám cất mắt nhìn quanh, khiến máu đông lại, tim đập thình thịch. Nếu không đạt được những điều này, truyện ma mà tôi viết sẽ không còn xứng đáng với danh hiệu đó. Tôi suy nghĩ và cân nhắc – đều vô hiệu. Tôi đã cảm thấy tình trạng bất lực không thể sáng tạo nổi ấy, nỗi khổ lớn nhất của người viết, khi đáp lại ta khẩn cầu khắc khoải chỉ là Số không ảm đạm. Mỗi sáng tôi đều phải nghe câu hỏi “Đã nghĩ ra cái gì chưa?” để rồi ngượng ngùng trả lời là chưa.

Như Sancho(7)_ có nói, cái gì cũng có khởi đầu của nó, và sự khởi đầu này phải gắn với một điều đi trước nó. Người Ấn Độ cho thế giới con voi để nâng đỡ thế giới, nhưng lại để nó đứng trên một con rùa. Phải khiêm nhường mà thừa nhận rằng, sáng tạo không bao giờ là từ khoảng không, mà từ cõi hỗn mang; trước nhất cần có nguyên liệu đã: sáng tạo có thể đem lại hình thể cho vật chất tối tăm và hỗn độn, nhưng không thể tự mình tạo ra vật chất. Trong mọi lĩnh vực của khám phá và sáng chế, kể cả những khám phá chỉ thuần về trí tưởng tượng, chúng ta luôn thấy lặp lại mô hình chuyện Columbus và quả trứng(8)_. Sáng tạo cần có khả năng nắm bắt năng lực tiềm tàng của sự vật, và nhào nặn tạo hình các ý tưởng hiện ra với nó.

Huân tước Byron và Shelley chuyện trò với nhau rất nhiều và rất lâu, tôi thường ngồi nghe một cách ngưỡng mộ nhưng im lặng. Một trong những lần đó họ thảo luận về các học thuyết triết học khác nhau, trong đó có bản chất của nguyên lý tạo ra sự sống, liệu người ta có bao giờ tìm ra và truyền đạt lại nó không. Họ nói tới thí nghiệm của tiến sĩ Darwin(9) (tôi không muốn nói về những gì tiến sĩ thực tế đã làm hoặc khẳng định mình đã làm, mà trong trường hợp này, về những thí nghiệm người ta đồn thổi về ông): bảo quản một sợi miến trong ống thủy tinh, để rồi bằng cách phi thường nào đó nó bắt đầu chuyển động có ý thức_. Nhưng đây cũng chưa phải là cách tạo ra sự sống. Một tử thi có thể hồi sinh lại; sinh điện học galvanism(10)_ đã chứng tỏ những điều tương tự; những bộ phận khác nhau của một sinh vật có thể được chế tạo, đem gắn vào nhau, và thổi vào hơi thở của sự sống.

Đêm lụi đi cùng câu chuyện, và khi chúng tôi đi ngủ thì giờ khắc ma quỷ hiện hình cũng đã qua. Đặt đầu trên gối tôi không ngủ, cũng không phải là suy nghĩ. Trí tưởng tượng, hoàn toàn tự động, chiếm lấy và dắt dẫn tôi, làm hiển hiện trong óc tôi những hình ảnh liên tiếp, sống động hơn rất nhiều so với những mường tượng thông thường. Tôi trông thấy – mắt nhắm nhưng hình ảnh đưa đến trong đầu vô cùng rõ nét – khuôn mặt nhợt nhạt của người thuật sĩ đang cúi mình trên vật thể mình vừa tạo ra. Tôi trông thấy cái bóng gớm guốc của một người đang nằm dài, và tiếp đó, chẳng hiểu do phương tiện hùng mạnh nào, bỗng có dấu hiệu của sự sống, nó nhúc nhích một cách khó khăn, không hẳn như đang sống. Nó hẳn là đáng sợ; bởi còn gì đáng sợ hơn những nỗ lực của con người muốn bắt chước cơ chế kỳ diệu của Đấng đã sáng tạo ra thế giới. Thành công của mình hẳn khiến nhà nghiên cứu hết hồn, vội cao chạy xa bay khỏi tạo tác xấu xa do chính tay mình nhào nặn, lòng hãi hùng thảng thốt. Anh hy vọng nếu mặc nó nằm trơ đấy thì tia lửa sống yếu ớt anh đã truyền cho chẳng mấy chốc sẽ tàn, và cái vật thể đã nhận được sự sống trái ý Chúa sẽ trở thành vật chất lặng câm, để anh có thể ngủ yên, tin rằng sự yên lặng của nấm mồ sẽ dập tắt vĩnh viễn cuộc đời ngắn ngủi của cái thây ma gớm guốc mà anh từng hy vọng sẽ là cái nôi của sự sống. Anh ngủ, nhưng rồi bị đánh thức, anh mở mắt ra; nhìn thấy vật khủng khiếp đó đứng bên giường, vén màn ngó vào anh với đôi mắt vàng khè, ướt nhoèn, nhưng tò mò chăm chú.

Tôi mở bừng mắt ra kinh sợ. Ý tưởng này ám ảnh tâm trí tôi đến nỗi cơn sợ chạy dọc suốt người tôi run rẩy, và tôi muốn át những tưởng tượng ma quái này đi nhờ thực tại chung quanh. Chúng vẫn ở đó: vẫn căn buồng ấy, tấm thảm sẫm màu, cửa chớp đóng kín có ánh trăng lọt qua, và vẫn cảm giác về mặt hồ lấp lánh và dãy Alps tuyết phủ bên kia tấm rèm. Tôi không rũ bỏ được bóng ma kinh khủng của mình dễ dàng đến thế; nó vẫn tiếp tục ám ảnh tôi. Phải cố nghĩ đến một điều gì khác. Tôi tập trung vào truyện ma của tôi, cái truyện ma tẻ nhạt đáng thương ấy! ôi! giá như tôi viết được một câu chuyện sẽ truyền sang độc giả nỗi sợ hãi hùng mà tôi trải qua đêm nay!

Ý tưởng bừng đến trong tôi như ánh sáng và cũng hân hoan như thế. “Ta đã tìm ra rồi! Những gì làm ta sợ hẳn cũng sẽ làm người khác kinh sợ; và ta chỉ việc tả lại bóng ma đã ám ảnh bên gối ta lúc nửa đêm.” Sáng hôm sau tôi tuyên bố đã nghĩ ra một truyện. Ngay hôm đó tôi viết câu đầu tiên “Vào một đêm tháng Mười một ảm đạm,” mới ghi lại ngắn gọn nỗi kinh hoàng tôi trải nghiệm qua giấc mơ lúc tỉnh của mình.

Lúc đầu tôi chỉ định viết một truyện ngắn, độ vài trang, nhưng Shelley đã hối thúc tôi phát triển ý tưởng này lên quy mô hơn nữa. Dĩ nhiên tôi không chịu ảnh hưởng của chồng tôi dù chỉ là một gợi ý về cốt truyện, và hầu như không chút nào về cảm xúc, thế nhưng nếu không có sự khuyến khích của anh, nó sẽ không thể có dáng vóc như đã được giới thiệu đây. Riêng lời tựa cuốn sách nằm ngoài khẳng định này: theo như tôi nhớ được, toàn bộ lời tựa là do anh viết.

Và giờ đây, lại một lần nữa, tôi để cho tạo vật gớm guốc của mình tiến tới và phát triển. Tôi cũng có chút tình cảm dành cho nó; nó được kết trái trong những ngày hạnh phúc, khi chết chóc và đau thương mới chỉ là những khái niệm, chưa tạo ra âm vang nào trong trái tim tôi. Số trang ít ỏi của nó nói lên biết bao buổi đi bộ hoặc đi xe dạo chơi, biết bao buổi chuyện trò ngày tôi không cô đơn một mình một bóng; bạn đồng hành bên tôi những ngày đó, tôi không bao giờ còn gặp lại nữa ở kiếp này. Nhưng những liên tưởng này chỉ là của riêng tôi, không liên quan gì đến bạn đọc cả.

Tôi sẽ chỉ nói thêm một điều về những thay đổi trong cuốn sách. Chủ yếu đó là những thay đổi về văn phong. Tôi không thay đổi phần nào của câu chuyện hoặc đưa thêm bất kỳ ý tưởng, hoàn cảnh nào mới cả. Tôi có sửa lại lời văn ở một vài chỗ quá trần trụi đến nỗi có thể làm hại đến hứng thú của người đọc, chủ yếu trong nửa đầu cuốn sách. Nhìn chung chúng giới hạn trong những đoạn chỉ là thêm thắt cho câu chuyện, cốt lõi và thực chất vẫn hệt như cũ.

M.W.S

London, 15 tháng Mười năm 1831

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật một cách nhanh nhất !


Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/26150


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận