Loài chim chuyền cũng nán lại tổ, không đi kiếm mồi vào buổi sớm như mọi khi nữa. Dường như lũ chim hiểu rõ hơn ai hết, rằng chúng phải bảo vệ chính mình trước khi có thể bảo vệ lũ con đỏ hỏn đang nằm ấm áp dưới bụng mẹ. Mặt nước hồ nhấp nhô những cuộn sóng trắng xóa, bởi gió thổi từ những khe núi, luồn qua thung lũng tạo nên không khí lạnh rợn người kèm theo những tiếng “ù, ù” như sáo diều. Những tia nắng đầu tiên uể oải tìm đến đồi Thạch Môn, nắng xuyên qua những lùm thông xanh vi vu, đang co rúm mình dưới tiết trời lạnh lẽo của xứ đại ngàn bồng lai tiên cảnh. Những đóa hoa trắng ngà, với sáu cánh tinh khôi vươn mình trong nắng sớm, dường như chẳng e ngại trước thời tiết khắc nghiệt. Hương Tiêu Hoa bao giờ cũng vậy, kín nhụy phong hương, lặng lẽ giữa đời người mộng ảo. Một cơn gió đến thổi qua vườn hoa ý nhị, mang chút hương trinh phản phất đi vào khe cửa sổ, phòng ngủ của Ngọc Lan bé nhỏ. Em chưa tỉnh giấc trước khi được mùi hương nhè nhẹ của chuối ướp vào cánh mũi. Ngọc Lan uể oải, trườn mình, tung chăn đứng phắt dậy. Nhanh chóng với lấy chiếc áo ấm treo ở đầu giường, khoác vội lên người để tránh cái lạnh cắt da, cắt thịt. Sáng nay, em phải đến trường học. Buổi trưa này rất quan trọng với Ngọc Lan. Hai mẹ con sẽ ra sân bay đón ba công tác trở về. Mới đó mà đã một tháng trôi qua, mỗi ngày em đều háo hức chờ đợi, mong cho qua ngày để đón ba trở về. Ba đã hứa sẽ mang về cho Ngọc Lan một giống hoa Hàm Tiếu lớn nhất từ trước đến nay. Khu vườn sẽ trở nên độc đáo biết mấy, nếu có thêm những bông hoa Hàm Tiếu thắm rộ, phương phi.
Ngọc Lan đang suy nghĩ vẩn vơ, thì giật mình. Loan Điệp ở tầng dưới nói vọng lên: “Ngọc Lan, mau mau vệ sinh, thay đồ, để mẹ chở đi học!” Ngọc Lan vui vẻ, nói lớn: “Dạ, con xuống ngay đây!”. Chưa đầy mười phút, Ngọc Lan đã chuẩn bị xong mọi thứ. Chiếc cặp màu đỏ gạch đeo sau lưng, một chiếc áo lông ấm áp khoác ngoài bộ đồ đồng phục xanh dương của trường tiểu học Phan Chu Trinh. Ngọc Lan lủi thủi bước ra phòng khách nơi mẹ em đang đợi. Loan Điệp nhìn con, lắc đầu: “Ây, hai bố con hệt nhau. Lại đây để mẹ chỉnh lại tóc cho nào!”. Ngọc Lan đến bên mẹ, để mẹ tết lại tóc con rết cho đẹp. Loan Điệp tết xong tóc cho con, nhìn con âu yếm. “Đấy, con xem có được hơn không. Con gái thì phải biết chăm lo cho diện mạo của mình chứ! Lần sau con phải tự làm lấy nhé!” Ngọc Lan nhăn nhúm chiếc cằm. “Dạ, lần sau con sẽ tự làm” “Ừm, phải vậy chứ, hôm nay hai mẹ con mình ra ngoài ăn sáng. Con chịu không?” Ngọc Lan trả lời mẹ như thể em chẳng quan tâm lắm việc ăn ở nhà hay ở ngoài. “Sao cũng được ạ!”.
Hai mẹ con ra quán phở Xuân Hà ngồi ăn, đây là quán phở bình dân phục vụ chủ yếu cho đối tượng lao động, làm công ăn lương. Nên giá cả khá rẻ, chỉ vào khoảng 20 đến 25 nghìn đồng một tô tái nạm, gầu, gân. Vì Ngọc Lan kị ăn mặn, nên Loan Điệp chỉ gọi phở nước cho cô con gái. Có ép mấy cô bé cũng không chịu ăn thịt. Ngọc Lan vừa ăn, mắt không ngừng nhìn qua quán phở đối diện. Thấy vậy Loan Điệp liền nói: “Con muốn qua bên đó ăn, thì chờ ba con làm chủ doanh nghiệp đã, chứ làm thuê thì đừng mơ tưởng vào đó.” Nghe mẹ nói, Ngọc Lan tò mò hỏi lại: “Tại sao vậy ạ?”. Loan Điệp lấy giấy lau miệng cho con rồi giải thích cho Ngọc Lan hiểu: “Con không biết à, đó là quán phở dành cho những người giàu, và những người có địa vị xã hội cao. Mà thôi, mẹ có nói con cũng chẳng hiểu đâu, khi nào lớn con sẽ biết…” Ngọc Lan không chịu, cứ bắt mẹ phải nói. “Mẹ nói đi, con muốn nghe” Loan Điệp thở dài nhìn đứa con, mới chục tuổi đầu đã thành bà cụ non từ lúc nào. “Thôi được rồi bà cụ non, con hãy nhìn xem, ở bãi giữ xe của quán phở đó, có phải con thấy toàn là “xe đẹp” đúng không nào?” Ngọc Lan trả lời mẹ. “Dạ! Đúng ạ, toàn là xe đẹp”. “Đấy! Đó là người giàu, họ vào đó ăn một tổ phở bằng ông Thọ (một người hàng xóm của gia đình Ngọc Lan, ông Thọ đang làm nghề xúc cát thuê) làm cả tháng trời đó con à. Một tô phở của chúng ta chỉ có 20 nghìn đồng thôi, còn bên đó một tô rẻ nhất cũng trên một triệu đồng”. “Trời ơi! sao nhiều vậy ạ?” Ngọc Lan thốt lên. “Vì thịt bò…” Nói đến đây Loan Điệp phải dừng lại nhìn điệu bộ ớn lạnh của Ngọc Lan khi nhắc đến việc ăn thịt. Cô giải thích tiếp cho con hiểu. “Thịt bò họ bán là thịt bò Cô bê, có xuất xứ từ Nhật Bản, bò Cô bê được nghe nhạc Mozart, Chopin. Hàng đêm chúng được tắm rửa mát xa. Thức ăn của chúng không phải cỏ mà là bắp non bào mịn, chúng không uống nước mà được uống bia hơi với chiếc xuất từ lúa mạch. Bò được xuất về nước ta bán với giá treo cổ, nên giá cả của tô phở rất cao. Với lại, một phần là do người thưởng thức, những người giàu họ muốn thể hiện đẳng cấp nên giá càng cao họ càng khoái. Ít ra họ cũng khác biệt với những kẻ nghèo hèn như chúng ta, không ít người xem chúng ta là loài hạ đẳng, kém cỏi, nên không xứng đáng được hưởng những thú vui xa xỉ…” Nói đến đó, Loan Điệp bỗng ngưng bặt. “Mẹ sao vậy?” Ngọc Lan chăm chú lắng nghe, thấy vậy liền hỏi. “À, mẹ không biết nữa. Tại sao mẹ lại nói với con điều này nhỉ, trong khi con chỉ mới là đứa trẻ học tiểu học… mẹ xin lỗi!”. Ngọc Lan mỉm cười: “Mẹ có lỗi gì đâu, con hiểu những gì mẹ nói mà.” Loan Điệp ngạc nhiên. “Có thật không đấy! Mẹ không tin đâu.” Ngọc Lan nhìn chăm chú sang quán phở bò Cô bê, buộc miệng thốt lên: “Nếu có nhiều tiền con sẽ không đi ăn ở quán bò Cô bê.” Loan Điệp thấy lạ, bèn hỏi: “Vậy con sẽ làm gì khi có nhiều tiền?” Ngọc Lan trả lời ngây thơ: “Con sẽ mua thật nhiều hoa Hàm Tiếu về trồng, và cho ông Thọ một ít tiền để ông xây nhà.” Loan Điệp mỉm cười, chỉnh lại cổ áo thật tươm tất cho con gái. “Xem ra mẹ đã lầm, con có những điểm khác ba con lắm!” Rồi đột nhiên Ngọc Lan hỏi mẹ: “Vậy mẹ đã ăn phở bò Cô bê chưa?” Loan Điệp trả lời nhanh chóng: “Rồi” “A, vậy mà mẹ nói nhà nghèo không ăn được, thế tiền đâu mà mẹ ăn?” Loan Điệp bị bất ngờ, bối rối trước câu hỏi của con gái. Không biết phải trả lời sao? Chẳng lẽ đi nói với đứa con nhỏ rằng: “Mẹ đi ăn với ‘người khác’”. Ngọc Lan như biết ý, không truy xét câu hỏi nữa. Liền nói với mẹ: “Đi thôi mẹ, con sắp vào học rồi” Loan Điệp mừng quýnh, như thể vừa thoát khỏi một tai họa động đất vậy. Loan Điệp thầm nghĩ: “Con bé thông minh quá! Không lẽ ba nó nói đúng, sau này nó sẽ rất thành công.” Nghĩ rồi cô mỉm cười sung sướng, dù sao đó cũng là con gái của mình, dẫu nhiều khi nó giữ khoảng cách với mình, nhưng vẫn là đứa con mình rứt ruột đẻ ra, nếu nó thành công thì cô cũng được thơm lây. Hai mẹ con tính tiền rời khỏi quán phở, Loan Điệp chở con đến trước cổng trường sau đó ra về, không quên căn dặn con phải chú ý trong giờ học.