Mùng Ba âm lịch, Gia Tu bắt đầu đi làm. Sau khi anh rời nhà, Thư Lộ cũng tỉnh cả ngủ, cô liền bật dậy, mò sang thư phòng viết bản thảo.
Chiếc bàn làm việc Gia Tu mới mua cho cô có màu cà phê sậm, kiểu dáng châu Âu cổ điển đi liền với đồ nội thất trong thư phòng. Thoạt đầu, Thư Lộ còn chê nó già, nhưng sau rồi cũng dần thích nghi. Cô lục ngăn kéo, tìm gói cà phê hoà tan, uống vào, tinh thần sảng khoái hơn nhiều. Đứng trước kệ sách của Gia Tu, toan tìm mấy cuốn xem, kết quả chẳng gặt hái được gì, bởi sách của anh không viết bằng tiếng Anh thì cũng thuộc phàm trù chuyên ngành, không phù hợp với yêu cầu của cô.
Trên kệ bày cúp và bằng khen thời đi học của Gia Tu, từ giải văn học, giải Odyssey of the mind, cho đến diễn thuyết tiếng Anh, thi lắp ráp mô hình máy bay, thậm chí huy chương vàng giải bóng bàn. Thư Lộ không cầm được suy nghĩ, anh già thật đáng sợ, rốt cuộc có cái gì mà lão không biết?
Trên bàn làm việc của Gia Tu chất đầy tạp chí và báo, bên dưới chèn tập giấy vẽ nguệch ngoạc mà Thư Lộ từng thấy. Cô hớn hở mở ra xem, mấy chục trang giấy vẽ đã dùng hết nửa già.
Cô lật tới bức tranh bình mình Ubud, có cầu vồng bảy sắc vắt giữa thinh không, mà anh vẽ hồi đi Bali hưởng tuần trăng mật; lật trang sau, là hồ bơi phủ cánh hoa, sáng ngời trong đêm, khăn trài bàn trắng muốt làm nổi bật ly rượu toả sáng rực rỡ; sau nữa là sân trường rót nắng lấp lánh, Thư Lộ đoán, có lẽ là ngôi trường mà hai người đưa Nhã Văn tới.
Thế giới trong tranh của anh giống thế giới trong mắt mấy bé mầm non, cũng muôn màu muôn vẻ, tươi tắn đến chói mắt. Chỉ ngặt một điều, trong tranh không vẽ người bao giờ, hiển nhiên có chút trống trải.
Bỗng Thư Lộ nghĩ, anh già giống viên phi công trong “Hoàng tử bé”, sống giữa thế giới người lớn, nhưng luôn mang trong mình một trái tim trẻ thơ. Vậy, có khi nào nỗi cô đơn đeo bám anh trong lúc anh miệt mài theo đuổi chân lý?
Tiếng chuông cửa bất ngờ vang lên cắt ngang dòng suy nghĩ của cô, cô bèn khoác áo ra ngoài mở cửa.
- Chào em.
Điền Tâm Nghi mỉm cười xuất hiện sau cánh cửa.
Thư Lộ ngạc nhiên nhìn chị, ngây ngẩn mấy giây mới nhớ ra phải mời chị vào nhà.
- Ờm… hôm nay Gia Tu đi làm ạ. – Thư Lộ sắp xếp lại ghế sô pha, đoạn mời Tâm Nghi ngồi xuống.
- Không sao, chú ấy ở nhà hay em ở nhà thì cũng vậy.
- Vâng ạ… - Thư Lộ không dám nhìn thẳng vào mắt Tâm Nghi. Trước mặt chị ấy, lúc nào cô cũng thấy tự ti.
- Vốn không định quay về, nhưng vừa hay có lịch đi Thái tham gia huấn luyện, nên mùng Một chị quay về đây. – Nụ cười của Tâm Nghi luôn trong leo lẻo: - Thực ra chị cũng sợ đêm Giao thừa không ai đón năm mới cùng mình nên đành hoãn một hôm.
Thư Lộ không biết phải nói gì, đành gượng cười đáp lại.
- Hôm qua chị ăn cơm với Nhã Quân Nhã Văn, Nhã Văn luôn miệng kể chuyện “thím út”, đến nỗi chị cũng cảm thấy hơi ghen.
- Ấy… - Thư Lộ vội vã khoát tay: - Không có đâu, bình thường cháu nó cũng hay nhắc tới chị trước mặt mọi người…
Tâm Nghi bật cười, tiếng cười có sức cảm hoá cực mạnh:
- Lúc em nói dối nhìn rất dễ thương.
- Dạ… - Nụ cười bỗng cứng đờ trên mặt Thư Lộ.
- Chị đùa thôi. – Tâm Nghi nói: - Nghe Nhã Văn nói thế, dù có đôi chút buồn lòng nhưng chị không trách em đâu, còn cảm ơn em là đằng khắc.
- ?
- Chứng tỏ hằng ngày em rất để tâm chăm sóc hai đứa. – Vẻ thành khẩn hiện trong mắt chị.
- … Cũng không có gì đâu ạ. – Ánh mắt chị khiến Thư Lộ ngại ngùng.
- Chị biết mình là người mẹ tắc trách, nhưng đã chọn con đường hiện nay rồi thì chị cũng chuẩn bị sẵn tinh thần lúc về già, hai đứa con sẽ không ở bên chăm sóc bên mình. – Chị nói chuyện với dảng vẻ hết mực điềm đạm.
- …
- Chọn lựa của chị quá sức ích kỷ, nhưng quả thực chị không thể thuyết phục nổi lòng mình đừng chọn như thế. Nên lúc mẹ con gặp nhau, hai đứa nhỏ chịu gọi một tiếng “mẹ”, hoặc lúc chị không ở đây, thỉnh thoảng chúng vẫn nhớ chị, là chị đã mãn nguyện lắm rồi.
- …
- Chị lấy làm mừng vì ngoài ba chúng và chú út ra, hiện giờ đã có thêm một người yêu thương và chăm sóc chúng. Chị biết, mọi người đã làm rất nhiều thứ. Chị thực lòng cảm ơn.
Lần đầu tiên trong cuộc đời Thư Lộ thấy buồn thay Tâm Nghi. Giờ đây, ngồi trước mặt cô, không còn là một vị bác sĩ vĩ đại, không còn là một người phụ nữ dám yêu dám hận, không còn là một người vợ dám theo đuổi cái tôi đích thực, chị chỉ là một người mẹ day dứt khôn nguôi mà thôi. Hoặc giống như chị vừa nói, con đường này chị đã chọn, buộc lòng chị phải buông gia đình và con cái, nhưng không có nghĩa chị vất bỏ mọi thứ một cách dễ, một cách tuyệt tình. Nỗi khổ tâm của chị, người khác khó mà hiểu được, nhưng tình mẫu tử thì chẳng bao giờ thay đổi.
Vốn định hỏi Tâm Nghi về chuyện Nhã Quân nhưng sau rốt, ý nghĩ ấy bị cô xua ra khỏi đầu. Bởi cô chợt nghiệm ra một điều, trong lòng Tâm Nghi, Nhã Quân là con nuôi hay con đẻ - điều đó không quan trọng, không hề ngăn trở tình mẫu tử chị dành cho nó. Nhã Quân mãi mãi là “Hoàng tử bé” trong lòng mẹ.
Tiễn Tâm Nghi ra về, tận sâu đáy lòng cô bỗng trào dâng lòng ngưỡng đối với người mẹ và tình mẫu tử. Có lẽ Nhã Quân và Nhã Văn không bao giờ biết rằng, tuy mẹ chúng luôn đón hai đứa với nụ cười rạng rỡ trên môi, động viên chúng nhất định phải sống vui vẻ, nhưng lúc chia ly, lại buồn bã, bịn rịn hơn tất cả.
Tối đến, Thư Lộ đến ngân hàng đón Gia Tu tan làm. Hai người lại đến quán mì quen thuộc gần thư viện trước kia. Trong quán vẫn ồn áo náo nhiệt như mọi khi, tiếng nói chuyện rì rầm vang lên không dứt.
- Hôm nay, mình em ở nhà làm những gì rồi. – Gia Tu tháo kính xuống, cất vào hộp. Chỉ những lúc làm việc, anh mới đeo cặp kính có số độ cực nhẹ này.
- À… - Thư Lộ làm bộ đăm chiêu: - Nhiều việc lắm, anh không đoán được đâu.
Gia Tu nhìn cô:
- Trừ ăn uống ra, chắc sang thư phòng lục lọi đồ của anh, chán chê thì viết một đoạn bản thảo là cùng chứ gì.
Thư Lộ phật ý ra mặt:
- Còn chuyện nữa anh chưa đoán trúng đâu.
- Hở? Gì thế? – Anh già háo hức nhìn cô.
- Anh đoán đi.
- Anh không đoán được. – Anh rất thẳng thắn, và không thích người khác làm khó mình.
- … Chị Tâm Nghi đến chơi.
Tuồng như Gia Tu chẳng ngạc nhiên là mấy, anh chỉ nói bâng quơ:
- Anh nghe Gia Thần nói, cô ấy về ăn Tết.
- Chị ấy đến để cảm ơn em. – Nhớ tới Tâm Nghi, Thư Lộ bỗng cảm thấy mình thật không xứng với lời cảm ơn của chị.
- Hử? – Anh hờ hững đáp lại, dường như cũng đang mải suy nghĩ gì đó.
- Chị ấy nói, cảm ơn em đã săn sóc Nhã Quân và Nhã Văn.
- …
- Nhưng mà… em thấy mình đã làm được gì đâu. – Thư Lộ rầu rĩ nói. Mà chính ra, không ai xung quanh đủ sức làm gì cho bọn nhỏ, là tự bản thân hai đứa luôn kiên cường, mới có thể vượt qua tổn thương để mà vui sống.
- Em làm rất nhiều. – Gia Tu dịu dàng nhìn cô: - Em không biệt đãi bọn nhỏ vì chúng không có một gia đình hoàn chỉnh, đó là điều chúng cần nhất.
- Em… - Cô ngơ ngác, nói không ra lời.
- Là bởi em không tội nghiệp chúng, cũng không kì thị hai đứa nó, mà em giao lưu với chúng bằng trái tim thực lòng muốn giúp đỡ. Anh nghĩ đây là việc tốt nhất mà những người đứng ngoài như chúng ta có thể làm.
Thư Lộ bật cười, thì ra trong mắt cô, những chuyện vốn chỉ là lẽ thường tình, lại trở nên vĩ đại đến vậy trong mắt Gia Tu.
Còn trên thực tế, Gia Tu trong mắt cô cũng vĩ đại không kém. Những lúc lạc lõng, anh luôn động viên cô; những lúc kiêu ngạo, anh luôn nhắc nhở cô. Anh giúp cô nhìn nhận nhiều việc, dạy cô biết cách cân nhắc vấn đề.
Cô cũng nên cảm ơn anh, phải không nhỉ?
Ngày cuối cùng của tháng Hai, vừa từ phòng thu đi ra, Thư Lộ liền mở di động, tức thì một cuộc gọi ào đến.
- Thư Lộ! – Mẹ cô thở hổn hển ở đầu dây bên kia: - Thư Linh sinh non rồi!
Cô hẵng nhớ, hôm đó là một ngày rối ren chưa từng có. Liền sau cuộc điện thoại của mẹ là Gia Tu gọi tới, anh nói sẽ đến đón cô ngay lập tức.
Trên taxi, ruột ganThư Lộ nóng như lửa đốt. Thư Linh mang thai khi tuổi đã cao, lại thêm sinh non, có lẽ đây là đại hạn lớn nhất trong cuộc đời luôn thuận buồm xuôi gió đến tận bây giờ của chị.
Đứng ngoài phòn g phẫu thậu, lần đầu tiên Thư Lộ chứng kiến cảnh ba mẹ dìu nhau, tay trong tay siết chặt. Gia Tu cũng nắm tay cô, nhìn vào mắt anh mới khiến trái tim cô lấy lại nhịp đập bình tĩnh.
Gia Tu vỗ vai Kiến Thiết, tỏ ý chớ lo lắng, rồi mọi việc sẽ ổn.
Cả nhà đợi chờ trong nôn nóng, Kiến Thiết không ngừng gọi điện quốc tế. Gia đình anh cũng sốt ruột không kém. Thư Lộ thương chị, mấy lần vành mắt đỏ hoe nhưng vẫn gắng gỏi cầm dòng nước mắt.