Hồ Điệp Truyện 4


Truyện 4
SÁU CÂY CẦU TRÊN ĐÊ MÙA XUÂN

Hiệu trưởng trường đại học Trường Hà là Lộc Trường Tư bỏ cơ hội trở về thành phố H. trên chuyến bay lúc sáng sớm cùng với nhân viên của trường đi dự hội nghị. ông đã nhường vé máy bay cho người khác, còn mình thì chuyển sang đi chuyến máy bay cuối cùng vào lúc bảy giờ năm mươi lăm phút tối. ông đã đến tuổi làm khóa hiệu trưởng cuối cùng trong đời. ông muốn đi dạo ở nơi phong cảnh hợp với lòng người này để được ở một mình nghĩ về một số việc. Đã sáu năm nay, từ khi lên làm hiệu trưởng, ông đều được sống trong cảnh “họp có người chờ, ăn có người đợi, về nhà có người đuổi theo, đi ngủ có người thúc giục”, người đi đến đâu, việc đi đến đấy. Nghĩ đến đoạn đời đó, cho dù mệt nhọc nhưng ông không khỏi không đắc ý, song trong lúc đắc ý cũng có chút buồn.

Các đồng nghiệp và nhân viên của ông đã bay lúc sáu giờ mười phút. Bảy giờ rưỡi ông đến phòng ăn, nhìn thấy phòng ăn vui vẻ, ồn ào mấy hôm qua đột nhiên vắng lặng, ông không khỏi cảm thán: trên đời này không có cuộc vui nào là không tàn. ông ăn bữa sáng ngày nào cũng như ngày nào gồm phù nhự, cháo và trứng luộc; nghĩ về cuộc sống từ nay về sau, có thể nói thật sự chỉ là cuộc sống của cuộc sống, cũng là cuộc sống cuộc sống hóa. ông nhớ tới lời một bạn cũ: mấu chốt là phải có nghề chuyên môn của mình và một hai người bạn tri kỷ.

Người phục vụ bước đến hỏi:

- ông là Lộc hiệu trưởng phải không ạ?

- Tôi đây!

Người phục vụ nói ông có điện thoại, gọi tới phòng ăn.

Việc gì thế nhỉ? ông hồ nghi. Thì ra một tin dữ: một người mà ông rất coi trọng - một người trẻ tuổi, một người ưu tú nhất trong lứa nghiên cứu sinh đầu tiên mà ông hướng dẫn, kém ông gần hai chục tuổi và tên là Tiều Cát đã tạ thế ngày hôm qua do một cơn đau tim đột phát giữa đêm.

ông cảm thấy buồn. Năm nay, rốt cuộc có chuyện gì thế nhỉ? Bao nhiêu người đã ra đi: giáo sư Lý hơn ông ba tuổi; phó hiệu trưởng Trương, nhỏ hơn ông hai tuổi; chủ nhiệm Triệu cùng tuổi với ông, sinh nhật chỉ muộn hơn ông mười sáu ngày. Họ đã nối nhau ra đi. Có người bảo đó là vì bức phù điêu theo trường phái hiện đại đặt ở trước thư viện không tốt lành, phá vỡ phong thủy, nên mới làm cho nhiều người chết như thế. Chẳng có cách nào khác: một nhà điêu khắc gốc Hoa phát tài ở nước ngoài, muốn tặng cho trường năm mươi ngàn đô với điều kiện trường phải dựng bức phù điêu của ông ta ở chỗ bắt mắt nhất. Địa điểm dựng bức phù điêu như yêu cầu ấy do chính nhà nghệ thuật chọn, còn việc xây mới và sửa chữa thư viện thì do nhà giàu nhất Hồng Kông là Thẩm Đại Tài bỏ tiền và bây giờ thư viện ấy đã đổi tên thành thư viện Đại Tài. Nếu như ông ta tặng thêm ít tiền nữa thì Đại học Trường Hà có đổi tên thành Đại học Đại Tài không nhỉ?

Ông nhớ đến hôm trò chuyện về sống chết với nông dân trong những ngày về nông thôn lao động thời kỳ ra sức sùng bái Mao Chủ tịch. Một bà già nông dân đã hỏi ông:

- Bác Lộc này, đời người sao mà qua nhanh thế!

Lộc Trường Tư nghĩ một lát rồi nói:

- Cũng chưa đến nỗi nào!

Có lẽ lúc đó ông tự thấy mình còn trẻ, cảm thấy chuyện chết hay không cách mình còn xa lắm; cũng có thể ông tự khống chế theo bản năng, không biểu lộ tình cảm thiếu lành mạnh trước mặt nông dân, vì mọi tiếng thở dài và lời than thở đều là không lành mạnh, mà chỉ cần không lành mạnh thì đã là phản động rồi. Bà già nông dân thấy lời ta thán về đời người nhiều bất trắc, về tuổi thọ quá ngắn của mình không được hưởng ứng bèn bảo ông:

- Chao, bác Lộc à, đã là người thì đều muốn sống mà còn muốn sống cho tốt đẹp nữa! - Nói xong bà buồn bã bỏ đi, khiến lúc nhớ lại, ông không khỏi buồn bã khôn nguôi.

Chớp mắt, đã hai mươi năm trôi qua. Hẳn bà cụ nông dân không còn ở thế gian lâu rồi. Bây giờ đến lượt ông cảm khái về đời người và quan tâm đến chung cực của đời người.

Lúc ấy mắt ông bỗng sáng lên. Một bóng dáng xuất hiện trước mắt ông. Chính là bà ấy, là Trịnh Mai Linh.

- ồ, chị chưa đi à? Chị đã ở đây một thời gian rồi còn gì?

Trịnh Mai Linh mặc bộ đồ màu xám nhạt, bên ngoài thêm chiếc áo khoác không tay màu sẫm, loại vải chủ yếu là bông và có pha thêm gai nên sợi vải nổi rất rõ, người mặc tỏ ra cực kỳ tinh tế trong vẻ chất phác đơn sơ. Tóc bà đã muối tiêu nhưng người thon thả. Đuôi mắt đầy những vết nhăn nho nhỏ nhưng con mắt thì sinh động và chứa chan tình cảm, làm cho Lộc Trường Tư kinh ngạc. Trên má trái bà có một nốt ruồi nổi, xinh đẹp đến mức khiến người tiếc nuối. Tiếng bà nói cũng rất dễ nghe, không vội vàng, không điệu bộ. Chỉ có điều sắc mặt bà không được tốt cho lắm. Bà nói mới biết thì ra bà cũng xin đổi từ chuyến bay buổi sáng sang chuyến bay buổi tối hôm nay.

Thật là ba tuổi thấy lớn, bảy tuổi thấy già! Nhìn thấy Trịnh Mai Linh, Lộc Trường Tư nhớ đến những chuyện hồi hai người cùng học đại học, hơn bốn mươi năm về trước. Họ là bạn học cùng lớp. Lúc ấy Mai Linh xinh đẹp, thon thả, phong thái khác hẳn các bạn gái. Cha bà là Phó chủ tịch tỉnh, cho nên khi ấy bà cách rất xa một dân nghèo, mặt mũi không có gì đáng chú ý là ông. Sau khi tốt nghiệp, mỗi người đi một nơi. Sau “Cách mạng văn hóa”, nghe nói bà cũng về thành phố H. Bà được phân công công tác ở Bộ Y tế, còn ông về ngành giáo dục. Hàng ngày họ chẳng có duyên gặp mặt. Thật đúng như câu nói: “Khác nghề như cách núi”. Trịnh Mai Linh bây giờ thì sao? Quả thật bà đã già rồi chăng? Nhưng dậy lên trong lòng ông vẫn là thời thanh xuân, thời đã qua, là những ký ức về nàng công chúa kiêu ngạo của hơn bốn mươi năm trước. Chuyện cũ bao giờ cũng đi đôi với cố nhân. Cứ tưởng rằng chuyện cũ đã quên rồi, nhưng gặp lại cố nhân thì thấy chuyện cũ vẫn sinh động như mới.

Ngẫm về số mệnh của con người mà xem! Bốn mươi năm trước, bà là con gái Phó chủ tịch tỉnh, tiếp sau đó là phu nhân của Thứ trưởng. Bây giờ bà là mẹ của Vụ trưởng. Ông còn biết con trai bà mới được thăng chức làm Cục trưởng Cục nhân sự. Chỉ có điều khi cùng ở thành phố H., ông không có duyên gặp lại bà. Ông không mượn cớ và cũng thấy không cần thiết phải gặp bà. Còn trong một số trường hợp ngẫu nhiên gặp Cục trưởng Cục nhân sự, ông cũng không thấy cần thiết phải hỏi thăm người khác về bà mẹ của Cục trưởng.

Lần này thật là khéo, họ lại gặp nhau ở khách sạn ven hồ. Họ cùng lựa chọn, hay cùng bị sắp đặt(?) đi chuyến bay tách hẳn với mọi người? Họ đều có ngày nghỉ ngoại lệ dường như trọn vẹn. Họ hẹn nhau sau bữa sáng sẽ cùng di dạo trên con đê ven hồ.

Hơn nữa, đây là một cơ hội, ông có chuyện muốn nói với bà.

Xuân Thủy

Bước trên cây cầu thứ nhất lên đê, cầu ấy tên là Xuân Thủy. Tên này lập tức gợi cho Lộc Trường Tư nhớ đến bài từ của Phùng Diên Kỷ, nhớ đến Trung Chủ và Hậu Chủ thời Nam Đường, nhớ đến bao nhiêu cuộc loạn ly và chém giết trong lịch sử Trung Quốc. Cây cầu này rất lớn, được xây mới và sửa chữa từ một cây cầu bê tông cốt sắt loại tồi; về mặt kiểu dáng thì cố gắng giữ lấy hương sắc cổ, nhất là lan can cầu thì làm cũng khá. Rặng thùy liễu bên cầu rậm rạp, tốt tươi, từng bụi từng bụi cỏ non mơn mởn, hoa đỗ quyên rơi rụng vương vãi, còn hoa thập tỉ muội thì tươi tắn rực rỡ. Nước dưới cầu xanh như dầu, nhưng có mùi thơm hơi nặng; lại có một số giấy gói thực phẩm và chai nhựa nổi trên mặt nước. Sáng ngày nào cũng có người chuyên quét dọn và vớt lên, nhưng sức phá hoại của rất đông du khách có tố chất thấp thì thật đáng sợ. Lộc Trường Tư hơi thất vọng. Ông đến muộn quá, ông đã mất đi mùa xuân manh động nhưng thuần khiết, e lệ. Tơ liễu ở đây vốn nổi tiếng là thướt tha mềm mại, nhưng bây giờ thì cành liễu mập mạp nặng nề, chẳng khác gì núi non, gấm đoạn và mây khói chồng lên nhau.

Trên cầu ồn ào đông đúc, dân buôn bán nhỏ và người dừng chân xem ngắm chen chúc nhau. Khăn quàng, khăn tay tơ lụa, ô vải, ô lụa, tiền đồng xu cổ, khung kính, con dấu bằng đá, bức chữ, bức tranh vụng về, quả cầu sắt, quả cầu ngọc để rèn luyện thân thể, đường bông, bánh vừng, thuốc lá, cau trầu, bật lửa, dây đeo khóa, cho đến cả người xem tướng, xem số, thứ gì cần có đều có đủ. Trịnh Mai Linh nhìn thấy gì cũng thích thú, bà đứng ở chỗ bán chữ xem rất lâu. Chữ như thế sao gọi được là thư pháp? Nét bút xiên xẹo, run rẩy, lại còn dùng màu đỏ và xanh chấm phá trên chữ, khiến cho mỗi nét vạch đều mọc lông vũ như cánh chim. Sau đó bà còn dừng chân trước cửa hàng vẽ chân dung bằng máy tính. Đó chẳng qua là chuyển hình phác thảo của khách lên máy tính, sau đó in ra. Bà xem đi xem lại, rồi quay đầu nhoẻn miệng cười với Lộc Trường Tư. Bà khâm phục và lấy làm thú vị, chẳng khác gì bà vừa được xem nghệ sĩ ba lê người Nga Ulanôva biểu diễn. Nụ cười thuần khiết ấy khiến ông như được tắm nước cam lồ, thậm chí sự ồn ào của đám đông và hoàn cảnh xung quanh cũng được lắng đi rất nhiều. Ông vừa mới nghĩ, cô tiểu thư quá lứa họ Trịnh này thật ngây thơ và nhẹ dạ. Nếu là ông, ông không bao giờ chịu chen chúc trong không khí hôi hám, bẩn thỉu với toàn hàng kém chất lượng và giả mạo này. Ông nghĩ, nhân cơ hội cùng đi tản bộ với nhau hôm nay, ông nhất định phải kể câu chuyện của Tiểu Chu cho bà biết và đề nghị bà nói lại cho con trai bà biết, không để cho một kẻ có nhiều dã tâm và không từ một thủ đoạn nào như Tiểu Chu luồn vào chỗ sơ hở của chúng ta...

Nhưng ông chưa kịp nói ra, ông không muốn làm tan biến nụ cười của một người đàn bà tuy tóc đã hoa râm nhưng hình dáng vẫn yểu điệu và để tâm ăn vận rất trang nhã này. ở ve áo của bà có gài một bông hoa, là hoa hạo cơ. Đó là một bông hoa thật, vào mùa hoa nở thì rót vàng lên, làm cho đóa hoa tươi tắn ngưng đọng thành một đồ trang sức bằng vàng, mãi mãi để lại cho ngày sau không bao giờ tàn úa. Ông biết loại trang sức đó được sản xuất từ Singapo và Malaixia. Có lẽ những buổi dạ yến mới thích hợp đeo đồ trang sức bé nhỏ này. Đủ biết bà coi trọng biết bao buổi tản bộ hôm nay.

- Người bây giờ thật đúng là hay!... Hai mươi năm trước tôi đến đây rồi. Hồi “đại cách mạng văn hóa”, tỉnh này làm dữ nhất, một đêm giết đến mấy chục người trong gia đình địa chủ và phú nông. Khi giở vũ lực ra đấu nhau, họ dùng đến cả pháo cao xạ và mìn tự tạo. - Bà nói và lè lưỡi, dường như không chịu nổi đau khổ.

Lộc Trường Tư im lặng. Đây là những nỗi đau ghi lòng tạc dạ. Ông nghĩ đến vợ, bà ra đi đúng vào những năm đó. Bà có đôi lông mày nhỏ mướt, lòng bàn tay bà thường nóng ấm. Bà thích ăn củ cải khô trộn với đỗ quả non, bà bảo bà cầm tinh con thỏ. Bà nói giọng hơi khàn, khi nói gấp thì có tiếng chíu chít, không giống thỏ mà giống con chim sẻ. Bà thích đọc thuộc lòng bài Hải yến của Gorki: “Gió bão hãy nổi lên dữ dội hơn đi!...”. Và bà đã bị gió bão không hiểu ra sao cuốn đi mất!

Bão tố, hòa bình, bão tố, hòa bình!

- Chị thích sống cuộc sống như thế nào? - Ông hàm hồ hỏi đánh độp.

- Rất tốt, trời hửng sau mưa là đẹp nhất. Mùa xuân càng đẹp hơn. Rất tốt! - Trịnh Mai Linh nói không cần nghĩ ngợi, nụ cười vẫn rực rỡ như bầu trời, niềm vui mừng bừng sáng như ánh sáng xuân.

Bà cảm thấy bây giờ vẫn còn gọi được là mùa xuân, còn Lộc Trường Tư cảm thấy đã sang đầu mùa hạ.

Ông nhớ tới buổi ngâm thơ trong cuộc liên hoan năm 1958. Họ ca tụng ánh đèn Matxcơva sáng hơn sao trên trời, còn ngôi sao đỏ trên điện Kremlin chiếu sáng toàn thế giới. Đó là buổi ca tụng và hướng về Liên Xô cuối cùng trong đời ông, sau đó thời thanh niên của ông rẽ sang đường khác với Liên Xô. Họ và Liên Xô biến bạn thành thù. Tất cả mọi chuyện đó xảy ra sau buổi ngâm thơ của họ. Trong buổi ngâm thơ ấy, cuối cùng hai người - ông và bà - đã “song ngâm” rất sôi nổi, hơn nữa hai người đều giơ tay phải lên chỉ về phía trước, chẳng khác gì những vị nguyên soái duyệt đội lục quân. Họ đều nhìn thấy ánh sáng thế kỷ mới do Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở đường.

Nhưng tại sao, tại sao Trịnh Mai Linh lại lấy một ông già? Ông không sao tin được một cô gái thon thả xinh đẹp, ngâm thơ rất hay như bà lại ham hố cấp bậc của một người lớn hơn bà đến mười bảy tuổi. Ông tin rằng bà phải là một người con được nuông chiều sinh hư, thích làm theo ý mình chứ không để cho mình bị khuất phục. Lần này ông mới biết “ông xã” của bà đã mất ba năm nay rồi. Người ấy là Bí thư đảng ủy ở một nhà máy quốc doanh lớn, ngang với cấp Thứ trưởng. Tiếc rằng trong cuộc “cáo giác, phê phán và kiểm tra” sau khi “cách mạng văn hóa” kết thúc, ông ta gặp chuyện phiền toái, nên ấm ức buồn rầu đến hơn mười năm. Có đến bảy năm trời, hoặc lâu hơn nữa, toàn bộ trọng tâm cuộc sống hàng ngày của bà là chăm sóc người chồng ốm liệt giường không dậy được. Trước ngày Tết hàng năm, bà đều dự buổi họp mặt các đồng chí lão thành do Vụ tổ chức và quân khu triệu tập. Bà nói trong buổi họp mặt thân mật ấy, bà đã trông thấy hiệu trưởng họ Lộc. Nhưng sao bà lại không hề gọi ông? Những buổi họp mặt ấy có rất đông người tham gia. Đúng vậy, những bậc khai quốc công thần của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đều đã già. Ông lẳng lặng liếc nhìn khuôn mặt nghiêng nghiêng của bà. Khuôn mặt ấy hơi xanh xao và ông thấy đau lòng.

Lãm Nguyệt

Chiếc cầu đá thứ hai tên gọi là Lãm Nguyệt. Đặc điểm của cầu là lên đến cầu thì tầm mắt không hề bị ngăn trở, có thể thả sức tha hồ ngắm sắc hồ và sắc núi. Bạn sẽ nhìn thấy một vùng sáng như trăng và lấp lánh, đó là hình thể của không khí ở giữa sương mù và ánh sáng. Không khí đó không hề hư ảo mà tràn trề sắc xuân, thai nghén một năng lượng chuẩn bị bột phát, một tinh linh hỗn độn - bạn không biết tinh linh ấy là cát hay hung, họa hay phúc. Bạn còn ngửi thấy hơi tanh nhưng tươi rói, vừa xa lạ lại vừa ấm áp, dường như là mùi tôm tép, mùi ngó sen, mùi cỏ cảo và mùi lá quế trộn với nhau. Sau đó hơi này càng hít thở, càng ngọt ngào, ngọt ngào như quả dại lên men, hít vào trong phổi thì lông mày bạn đang nhíu chặt cũng phải giãn ra, sau đó bạn nhìn thấy nước hồ phẳng lặng như không còn cách nào khác và nét gấp khúc của dãy núi xa xa, dãy núi u nhã tưởng chừng như sợ hãi co lại, khiêm nhường đến mức làm lòng người cuống quýt. Bạn cảm thấy dường như rất nhiều chuyện nhỏ nhặt, vướng mắt thường ngày bao vây và dồn nén bạn và những lời phỉ báng nói xấu như giương cung ngầm đã bị đạp đổ và xua tan, dường như mắt bạn được thứ thuốc nhỏ cho sáng bừng, trong một lúc trôi hết bụi bặm, khói xông và màng che. Tận hứng, vô ngại, thế là lại cảm thấy có chút trống vắng, hoặc gọi là tịch liêu gì đó.

Bước lên cây cầu này, Lộc Trường Tư lập tức nghĩ tới cuộc sống của mình sau khi thôi giữ chức Hiệu trưởng. Ông mong ngày ấy đã lâu rồi, ông mong sớm rời khỏi cương vị quản lý hành chính để chuyên tâm viết cho xong cuốn sách bàn về văn sĩ thời Ngụy Tấn mà ông viết phần đầu đã hơn mười năm về trước. Bây giờ ngày ấy đã gần đến rồi. Lần đi họp ở tỉnh khác này có lẽ là lần cuối cùng... Ông hoảng hốt và lại cảm thấy hơi trống vắng.

Hơn nữa, người đứng trong danh sách kế nhiệm cao nhất được bầu lại là Tiểu Chu. Còn bốn tháng trước, ông đã phát hiện - ông rất mong không phải mình phát hiện ra - Tiểu Chu đã lấy tên khác, lại mượn danh nghĩa của nhiều giáo sư cao tuổi, đức cao vọng trọng nhưng ốm đau và về cơ bản đã mất khả năng tự chủ, để không ngừng gửi thư lên cấp trên; một để tố cáo đối thủ cạnh tranh của anh ta là Tiểu Cát, rồi lên mạng, nói không thành có, té nước bẩn; một nữa để tự tô vẽ cho mình. Ông không có cách nào đi hỏi từng giáo sư “đã gửi thư  lên trên”, ông chỉ đối chứng được với hai vị thì hai giáo sư này đều nói tên của họ do Tiểu Chu ký thay, họ chỉ biết đại khái chứ không biết nội dung cụ thể lá thư gửi lên trên. Họ đều nói vì nể Hiệu trưởng Lộc nên họ mới tín nhiệm cậu Chu; họ biết Lộc Trường Tư là giáo sư hướng dẫn của Tiểu Chu, vì thế mới cho phép Tiểu Chu dùng danh nghĩa của họ để gửi thư lên trên.

... Mình thật đáng chết! Ông đau đớn rút lại lời ủng hộ Tiểu Chu và trở thành người phản đối, hay ít nhất cũng là người hoài nghi việc anh ta trở thành người kế nhiệm chức Hiệu trưởng.

- “Khả thướng cửu thiên lãm nguyệt, Khả há ngũ dương tróc miết...” Vừa bước lên cây cầu này là tôi đã nghĩ đến ông Cụ. Phải nhận rằng tinh thần, tinh khí ấy của ông Cụ thật là vượt người! - Bà Mai Linh nói.

- Nhưng khi cho đăng bài từ này, tinh thần, tinh khí của Mao Chủ tịch đã không được tốt như trước nữa rồi! - Lộc Trường Tư than thở.

Lúc ấy có tiếng sáo du dương vang đến, êm ái mà uyển chuyển, nhưng lại có phần tầm thường, có lẽ là điệu dân ca của vùng Tô Bắc. Điệu sáo khiến ông nhớ đến điệu hát của người Nùng ở đất Ngô. Ông nhớ năm xưa Trịnh Mai Linh nói có xen một chút khẩu âm miền Giang Nam. Bốn mươi năm không gặp nhau, chẳng hiểu sao tiếng phổ thông của bà lại đúng điệu đến thế? Những tiếng uốn lưỡi và rít răng làm duyên của bà đi đâu cả rồi?

Tiếng sáo vang lên từ dưới gốc một cây ngô đồng giống Pháp. Giống ngô đồng xanh rất muộn này bây giờ cành lá đã ngả nghiêng. Cảnh đẹp ở Giang Nam khiến mắt người nhòa lệ.

- Hay quá! - Bà Mai Linh khen.

- Lâu nay chị vẫn sống tốt chứ?

- Cảm ơn. Tôi... - Bà do dự một lát rồi nói tiếp. - Hồi ông ấy còn sống, hàng ngày tôi chăm sóc ông ấy là chính. Ông ấy mất rồi, tôi liền không biết làm gì cho tốt. Ngày tháng thực sự vui vẻ trong một đời người không có là bao. Ông Cụ nói: “Đời người khó được há miệng cười” là rất đúng, nghĩ lại tôi thấy số lần được há miệng cười trong đời cũng không ít, nhất là mười mấy năm gần đây. Những việc trước đây nằm mơ cũng không thấy thì nay tôi đã kịp được hưởng rồi. Chính sách sửa sai, bình bầu danh hiệu, ra nước ngoài khảo sát, được trao giải thưởng, lên lương, chia nhà, tôi còn được cử làm ủy viên chấp hành Hội liên hiệp phụ nữ toàn quốc nữa. Bao nhiêu việc ấy, kể cả hôm nay chúng ta được đi dạo ở đây nữa, đều làm cho tôi vui sướng. Tôi là người bình thường trong số những người bình thường, xưa nay tôi không nghĩ mình lại có ngày như hôm nay, đó là sự thực. Trong những ngày tới Rome ở Itali, uống một tách cà phê đặc ở đầu đường, tôi nhớ đến những lần tôi bị đấu trong “cách mạng văn hóa”. Nhà tôi có treo bức tranh phong cảnh của Leonardo da Vinci, thế là Hồng vệ binh bảo tôi có ý định trốn sang Itali... Được như ngày nay, tôi thật sự rất vui, rất vui.

Thấy bà nói với vẻ cảm động, Lộc Trường Tư không dám nhìn bà, sợ rằng nước mắt của bà sẽ làm ông thất thố. Bà vốn cũng chẳng có gì đáng ngại khi phàn nàn với ông, nào là mất việc, nào là tham nhũng, nào là an ninh trật tự, nào là giá cả, ít nhất cũng có thể nhớ lại cảnh ngộ của cha và chồng bà trong “đại cách mạng văn hóa”... Tại sao bà chẳng nói gì hết? Tại sao bà hễ mở miệng là chỉ biết nhắc đến ông Cụ? Tại sao bà có thể thỏa mãn với chức danh, nhà ở, với Ủy viên chấp hành gì gì đó? Bà mới ngây thơ, nhẹ dạ, tầm thường và dễ đối phó biết bao!

- Khi trở về, tôi cũng xin nghỉ thôi. Đã đến lúc dưỡng lão rồi! - Lộc Trường Tư nói - Tôi vốn cũng nên lấy làm thỏa mãn, dù sao thì cũng còn được hưởng hơn mười năm qua. Có lúc tôi tự hỏi, rốt cuộc mình còn muốn gì nữa? Mâu thuẫn trong xã hội, khó khăn trong cuộc sống, tôi biết đó là những việc không bao giờ giải quyết nổi. Năm trăm hay năm ngàn năm nữa cũng thế thôi... Nhưng tôi vẫn không sao cho qua được. Lý tưởng của chúng ta, những phấn đấu và hy sinh của chúng ta... lẽ nào chỉ tới được kết cục như thế? Tất cả đều còn kém quá xa!

Rốt cuộc ông cảm thấy nặng nề. Ông nghĩ tới hai bức thư tố cáo Tiểu Chu mà ông mới nhận được gần đây. Tiểu Chu đã lợi dụng chức quyền cho bạn gái “mượn” chiếc xe Santana, lại còn cho em trai của cô này mượn mấy vạn đồng tiền tài trợ của nhà nghệ thuật yêu ma kia để kinh doanh, đến nay thất thoát hết cả.

Bực nhất là người đàn bà lắm mồm đó không biết nghe ở đâu rằng Lộc Trường Tư không tín nhiệm Tiểu Chu, nên đã rêu rao khắp nơi những lời bịa đặt về ông. Mồm mép cô ta sắc bén như dao, còn lời bịa đặt độc như thứ nước thối tha chảy ra từ cái chum mẻ đổ nghiêng. Thế mà trước đây một tháng, gặp hiệu trưởng Lộc, cô ta còn ngoẹo đầu ngoẹo cổ như hoa hướng dương thấy mặt trời!

Trịnh Mai Linh ậm ừ hát một đoạn trong vở Điệu trúc tín của Hộ Kịch. Bà nghe hay không nghe thấy những lời bực bội của ông?

- Anh có nhớ lần bầu lại Chủ tịch Hội sinh viên không? Anh là người trong danh sách bầu cử. Tiểu Ngưu cổ động cho anh, cậu ấy cãi cho anh khi có người phê bình anh nóng tính. Cậu ấy nói: “Lộc Trường Tư ấy à? Quả thật cậu ấy có nóng tính, nhưng thế nào gọi là nóng tính? Nếu cậu ấy trúng Chủ tịch Hội sinh viên thì nhất định cậu ta sẽ làm cho kế hoạch năm năm hoàn thành chỉ trong ba năm!” - Bà vừa nói vừa cười khanh khách. Tiếng cười của bà mới trẻ trung làm sao!

Chỉ tiếc rằng cười xong, bà ho một trận.

Lộc Trường Tư chẳng nhớ gì về chuyện đó. Ai cũng bảo ông có trí nhớ tốt lắm. Đối với một số sách, nhất là sách kinh điển về văn sử, những đoạn nào ông đã đọc thì không bao giờ quên. Nhưng những việc mà bà kể, làm sao ông chẳng hề có ấn tượng gì? Hơn nữa, cổ động cho việc bỏ phiếu bầu thì làm sao có thể có ở hồi ấy? Đó chẳng phải là trò của giai cấp tư sản hay sao?

Tiếng sáo trở nên trong vắt, người thổi sáo hưng phấn lên rồi sao? Thật chẳng khác gì điệu Giá cô phi, một khúc nổi tiếng ở Giang Nam do Lục Xuân Lâm diễn tấu rất thành công. Nhưng vừa bước vào cảnh đẹp, tiếng sáo đột nhiên ngừng bặt, không hiểu có chuyện gì.

- Chúng ta chẳng cần phải bực mình. Kế hoạch năm năm nếu ba năm không hoàn thành được, kỳ hạn tăng lên gấp đôi thì đã sao nào? Thế nào cũng hoàn thành được, mà thậm chí mười năm mới hoàn thành được một số kế hoạch, đạt được một số mục tiêu... Nhìn kìa, người thổi sáo đang đi về phía chúng ta kìa! - Bà nói.

ánh mắt của hai người hướng về người thổi sáo dưới gốc cây ngô đồng. Thì ra đó là một người mù, bác ta chống gậy lần đường, đi ngoằn ngoèo về phía họ. Lộc Trường Tư khẽ vỗ tay mấy cái. Ông nhấm nháp lại tiếng sáo lúc cao vút, lúc trầm xuống mà ông vừa được nghe, cảm thấy người mù mà thổi khúc ấy thì thật là lãng mạn!

Bỗng người mù chửi toáng lên. Lộc Trường Tư không nghe rõ khẩu âm của người này, dường như đang chửi người nào đó keo kiệt, càng có tiền càng giữ chặt túi, chỉ cốt dành tiền sắm cho mình cái bình đựng xương tro. Người mù chửi rất thô tục và hung hãn.

Bác ta đang chửi ai? ít nhất có tới vài phút sau ông mới hiểu ra: người mù chửi ông và Trịnh Mai Linh. Thổi sáo cốt để ăn xin, hay nói chính xác hơn là để có “thu nhập”. Bác ta thổi một hồi hay như thế, lẽ ra hai người phải đến và móc túi tiền ra. Thế mà họ lại chỉ biết thưởng thức, vừa thưởng thức vừa nhớ lại quá khứ, rồi còn bình tĩnh trao đổi và suy nghĩ, dường như còn tỏ ra thương nước, thương dân nữa, thế thì họ phải được hưởng lòng thù hận của người thổi khúc âm nhạc mà họ tán thưởng đó.

Khi sự mong đợi không đạt được thì thù hận thay thế cho yêu thương. Đó cũng là “ái dục sinh phiền não, phiền não sinh sấn nộ, sấn nộ sinh oán hận, oán hận sinh khấu thù”, mà một loạt tình cảm đó nảy sinh thì hai người không hề ý thức được. Điều đáng buồn hơn nữa: chuyện đó vốn là thường tình của con người. Thế là ông lại liên tưởng tới việc của Tiểu Chu. Đúng thế, chính Hiệu trưởng Lộc là ông đây đã đề bạt Tiểu Chu làm trợ lý cho hiệu trưởng. Tiểu Chu đã ngửa bài với ông đến mức độ này: “Anh có phát hiện nhiều khuyết điểm hơn nữa ở em thì em vẫn là người của anh. Anh thôi giữ chức thì em lên thay, anh vẫn còn có thể chỉ huy được em, ít nhất thì em cũng dễ bảo hơn người lạ. Nếu anh lấy lý do em có khuyết điểm này, sai lầm nọ mà truất em đi, thì đổi sang người khác phải chăng nhất thiết tốt hơn em? Trời mới biết, dù tốt hay không tốt thì người ta cũng sẽ chẳng ngó ngàng gì đến một hiệu trưởng đã thôi chức như anh!”.

Lần nói chuyện đó, Tiểu Chu làm Lộc Trường Tư phẫn nộ mãi không thôi. Trần trụi, trơ trẽn, người bây giờ đều trần trụi, trơ trẽn đến thế hay sao? Cả đến chiếc quần lót cũng lột ra được! Chính sau lần nói chuyện đó mà Lộc Trường Tư quyết tâm chống lại Tiểu Chu. Ông đã giúp Tiểu Chu lọt vào hàng lãnh đạo của trường và bây giờ ông lại trở thành chướng ngại quan trọng ngăn không cho Tiểu Chu “lên thêm một tầng lầu”. Có thể ông còn là trở lực chủ yếu nữa. Như thế Tiểu Chu chỉ có cách thêm căm thù ông, căm thù gấp mười lần người mù không được tiền thù lao. Đó chính là vở bi hài đáng kiếp của ông: trồng hoa tươi mà thu hoạch toàn là gai góc.

Hai người bị chửi đến ngớ cả người ra. Lộc Trường Tư nhíu mày như nuốt phải một con nhặng, còn bà Mai Linh thì cười buồn như có như không. ý thù địch quá tồi tệ khiến họ không có cách nào đền bù “lỗi lầm” của họ  - thực ra họ có lỗi gì đâu! Họ đành ngượng ngùng rời khỏi cầu Lãm Nguyệt.

Nhưng sự việc chẳng ngờ đã xảy ra. Sau khi họ đã rời khỏi cầu Lãm Nguyệt, đột nhiên Trịnh Mai Linh quay trở lại đuổi theo người mù đang dò dẫm đi một mình. Lộc Trường Tư thong thả bước theo. Bước chân chạy của bà khiến người mù dừng lại. Người này cảnh giác quay người về phía bà, bà bèn bảo bác ta:

- Xin lỗi, lúc nãy chúng tôi không chú ý đến nhu cầu của bác...

Bà lấy trong túi xách tay tờ một trăm tệ và đưa cho người mù. Bác ta không quên sờ mó xem kỹ đồng tiền. Sau khi phán đoán không phải tiền giả, bác ta mới lẩm bẩm nói những câu đại loại “sống lâu trăm tuổi, tai qua nạn khỏi”..., rồi cúi lưng, gật đầu mãi với bà.

Lộc Trường Tư thậm chí cảm thấy khó xử, khó tiếp thu và cũng khó lý giải. Ông không thích Mai Linh tùy tiện và làm những điều không đúng mức như thế. Bà khoan dung mà không có lập trường, chỉ khích lệ cho thói dã man và ác độc.

Thính Hà

- Anh nhìn kìa, bên kia là vườn Phượng Đậu (Thê Phượng). Nghe nói mùa hè năm 1966, ông Cụ ở đây một thời gian khá dài. Cũng nghe nói “đại cách mạng văn hóa” được hoạch định tại đây... Tôi không sao hiểu được, ở tại một nơi phong cảnh đẹp như thế này, người ta làm sao có thể chỉ thích đấu tranh? Nói thực với anh, tôi đến đây thì không còn muốn đấu nữa, có lẽ tôi bị phong cảnh ở Giang Nam làm cho mềm lòng. - Bà cười khanh khách, cười đến mức hơi sặc - Nơi này quả thực là nơi khiến người ta trở thành “xét lại”, anh nói có đúng không? Đến đây nên là để nghe sen. Nghe sen phải chăng là nghe mưa rơi trên lá sen? Hai chữ ấy lấy từ ý thơ của Lý Thương ẩn, phải không nào?

Lộc Trường Tư nghĩ, đây là một câu hỏi khó giải đáp. Trung Quốc có hàng tỷ người, không đấu có được không? Chúng ta không phải là Tống Huy Tông, chúng ta không mê mẩn, mơ màng với “Tây Hồ ca múa lúc nào thôi”, chúng ta mãi mãi là “Ngựa sắt, sông băng vào cả mộng”. Chính là mộng như thế và mệnh như thế.

Nhưng ông không nói những ý nghĩ đó ra. Thậm chí ông cũng không còn muốn nói đến chuyện của Tiểu Chu nữa. Với một tiểu thư lớn tuổi khoan dung vô hạn, và phải nói là thích làm theo ý mình, thì ông còn có thể nói được gì? Ông nên về nhà, sau đó gặp Tỉnh ủy, gặp Cục trưởng nhân sự, chứ không nên ở trên cầu Thính Hà (nghe sen) trong một buổi chiều như thế này để nói với mẹ ông Cục trưởng nhân sự - mà tính cách khác thường, điều này ông vừa lãnh đủ xong - về việc bầu cử, đề bạt cán bộ.

Thính Hà là một cây cầu gỗ, trên cầu có đình mái lợp bằng cỏ mao, làm giả cổ và giả dân gian, ông nghĩ thế. Ông cảm thấy chỉ trích những thứ làm giả là một việc vẻ vang, mang ý chí của con người trẻ tuổi và ông bất giác bật cười. Thính Hà cái gì? Họ không hề thấy gần đó có sen, do mùa sen chưa tới hay là sen đã chuyển đi nơi khác?

Phía trong đê có bến đậu du thuyền và rất nhiều thuyền nhỏ tay chèo chân đạp, hoặc gắn máy nổ nhỏ kiểu dáng thô kệch. Có thuyền mũi thuyền làm thành hình con vịt, có thuyền đầu rồng thân rồng, có lắp giàn, trên căng một miếng vải bạt bẩn thỉu để che mưa; cũng có thuyền đáy ngập những nước, thật là vì “quê mùa nên giản dị”! Nhưng du khách xếp hàng thuê du thuyền thì trên đầu có một dãy ô che rất đẹp, ô che nắng rất mới và thanh nhã. Trên ô viết hai chữ M&M’s, đó là thương hiệu của một loại kẹo viên sôcôla xanh xanh đỏ đỏ cho trẻ con ăn. Đặc điểm đáng chú ý nhất của loại kẹo viên này là cầm không dính tay. Như thế có nghĩa là dãy ô che nắng này là do công ty M&M’s của Mỹ tặng cho. Đương nhiên mục đích tặng là quảng cáo cho thứ kẹo này. Mẹ kiếp, cả đến kẹo viên sôcôla cũng phải thứ của Mỹ, cả đậu phụ cũng phải nhập khẩu thứ đậu phụ sản xuất theo dây chuyền của Nhật!

Trước khi đi đến đây, quả thực ông muốn tâm sự với Trịnh Mai Linh một số điều nào đó, không chỉ là vấn đề kế nhiệm của Tiểu Chu. Sau khi vợ mất, ông thường cảm thấy không có ai chung hưởng với ông những hồi ức về việc cũ của một thế hệ. Ông từng thử nói chuyện với con về chuyện ngày xưa của cả hai cha con, nhưng thái độ của con ông, nếu không phải là khinh thường thì cũng là thờ ơ, dửng dưng. Còn những người đến tìm ông, chặn đường ông, bám riết lấy ông thì đều không phải hồi tưởng những gì đó với ông. Ông không phải là người mới ra khỏi lều tranh, ông hiểu hồi tưởng là việc xa xỉ biết bao đối với một nhân viên công chức. ở đây, ông và Trịnh Mai Linh gặp nhau tình cờ, họ lại cùng nhau làm một chuyến du ngoạn trong cảnh đẹp của mùa xuân. Ông muốn nói cho bà biết, họ là người của một thế hệ nhiệt tình và lý tưởng, đặc điểm thời trẻ của họ trái ngược hẳn với thế hệ sinh sau “Nói cho biết/Tôi không tin”. Họ thuộc thế hệ tin tưởng, thơ của họ nên là “Từ đó/Chúng tôi tin tất thảy”, nhưng họ cũng thuộc thế hệ chịu khổ nạn. Họ bị đem thử rèn luyện quá nhiều lần. Cuối cùng, đương nhiên bây giờ còn chưa phải là cuối cùng, sau đó cuối cùng họ cũng kịp nếm mùi hạnh phúc.

Hồi họ còn trẻ, những điều họ học được ở tiểu thuyết Liên Xô là tiểu thuyết nói quá nhiều, quá nhiều về hạnh phúc. Sự việc trên thế giới đều như thế, nếu anh nghĩ đến quá nhiều, nghĩ đến quá sâu, chờ đợi quá khổ thì không bao giờ có được. Sự việc bao giờ cũng là như thế này, khi anh không hỏi han đến nó, để cho nó nguội lạnh, thì khi nó bắt đầu thành công, nó cũng đã khác trước. Có được thì vui sướng, nhưng có càng nhiều nỗi nghi hoặc, sợ hãi hơn, thậm chí đến mức còn nhanh nữa là khác. Có lẽ đó là điều đáng buồn cười!

Khi ông nói đến chuyện lo nước thương đời thì con ông thường cười giễu ông là “tự cho là đa tình”. Vậy thì được rồi, họ chính là thế hệ tự cho là đa tình. Thế hệ tự cho là đa tình nên cảm thấy thỏa mãn. Họ đã sống, đã làm việc, đã đấu tranh, đã yêu và đã hận - tức là đã đa tình rồi, đã hy vọng và thất vọng, lại hy vọng và lại thất vọng, mà hy vọng thì vĩnh viễn cùng tồn tại với thất vọng, đa tình mãi mãi đi đôi với chai lì. Họ đã sống những ngày có ý nghĩa, họ vĩnh viễn không bao giờ trơ trẽn, trần trụi như Tiểu Chu, ông muốn nói là “xích lõa lõa” hoặc là “ngật quả quả”. Nghe nói trong thời kỳ “cách mạng văn hóa”, ông Tổng biên tập Nhân dân nhật báo đọc “xích lõa lõa” thành “ngật quả quả”(3). Ông mong ước được hài hước, ông mỉm cười từ biệt dã man và ngang ngược.

Đó là những điều ông nghĩ nhưng khi ông nói và biểu lộ với Mai Linh lại là những điều hoàn toàn trái ngược. Ông dường như có nhiều điều để phàn nàn, dường như có lắm nỗi bất bình, dường như muốn nói rồi lại thôi và lại dường như cố để không phải nói - xem chừng chứng mất tiếng nói là rất hợp mốt, rất cao sang. Lời ông nói không có tuyến chính, chẳng có lôgích, không có trọng tâm. Mỗi một lời khi sắp nói ra thì bỗng nhiên chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Ngay cả những lời quan trọng nhất hoặc kín đáo nhất thì rốt cuộc không nói ra lại hơn.

Chung hưởng không có ý nghĩa là cứ nhất định phải nói. Gặp gỡ và sự có mặt của bạn bè, đó chính là sự chung hưởng.

Ông muốn yên lặng một lúc, ông cần phải chỉnh lý, sắp xếp lại những ý nghĩ của mình. Ông cần phải được cảm thụ, được hưởng sự thân ái của ngày xuân chỉ nháy mắt là biến mất nhưng lại là đếm được trên đầu ngón tay. Ông đã tỏ ý “thần phục” Mai Linh, thừa nhận “tính ngày xuân” hiện có. Tiểu Chu chính là dựa vào sự vận dụng một lô “tính” để có được học vị thạc sĩ. Ông cảm thấy cái thật và giả của mùa xuân đều thú vị, kể cả vần thơ cổ “nghe sen”, kể cả cây cầu gỗ và đình lợp tranh, những sản phẩm dành cho trẻ con, những viên kẹo sôcôla xanh xanh đỏ đỏ của chú Sam và người mù vô cớ độc mồm độc miệng chửi người khác, nhờ đó được một trăm tệ. Đấy là thật và giả của mùa xuân, ông có thể không tức giận người mù đó không?

Họ ngồi ở bên đình. Trịnh Mai Linh tiếp tục kể những câu chuyện về vườn Phượng Đậu cho ông nghe. Vườn Phượng Đậu ở bên ngoài đê. ở đó có những cây long não, ngô đồng, tùng la hán, đan quế và tạo giác, rừng trúc thành từng khóm một, những bức tường quanh co, đầu tường thì xám, thân tường thì trắng, những lớp ngói đen lợp rất ngay ngắn trên mái giải vũ cao to. ở đấy có thể thấp thoáng nhìn thấy bến đậu của những du thuyền nho nhỏ trườn ra tận hồ và ba chiếc thuyền máy kiểu vỏ dưa. Cảnh vật đẹp mà thần bí.

Mấy tiếng chim hoàng ly kêu vang như tiếng sáo gió từ hướng vườn Phượng Đậu vang tới, đáp lại là tiếng chim chích bé loắt choắt. Hai người đều lặng im lắng nghe tiếng sáo trời trong buổi tàn xuân ấy, tiếng nào cũng qua tai là lọt xuống tận lòng.

- Miền Bắc bây giờ mới chỉ có nòng nọc, còn ở đây bây giờ đã có ếch nhái kêu rồi! - Trịnh Mai Linh nói khẽ.

- Thế à? Tôi còn chưa nghe thấy kia! - Lộc Trường Tư oán trách đôi tai của mình. Sau đó ông cũng nghe thấy tiếng ếch nhái kêu, ông phải chịu Mai Linh nghe rất thính. Ông thoáng cảm thấy mình đã rất thích vườn Phượng Đậu, ông nói ở đấy thật tuyệt vời.

Mai Linh nói, ông Cụ nhiều lần đến đây ở cho qua mùa hè, ông Cụ thích nơi đây lắm. Năm 1966, ông Cụ đến đây sớm hơn mọi năm, sau đó Giang Thanh cho gọi một số người nữa đến, chẳng qua là bọn Trần Bá Đạt, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên chi đó. Nghe nói bài Phê bình vở kịch mới soạn Hải Thụy từ quan của Diêu Văn Nguyên(4) được hoàn thành ở đây, cả một bộ sậu “đại cách mạng văn hóa” cũng được quyết định hình thành ở đây.

Lộc Trường Tư tỏ ý hoài nghi cách nói đó, ông chờ đợi một cách nói chính quy về giai đoạn lịch sử này của Đảng. Nhưng Trịnh Mai Linh nói đang hăng, bà bất chấp ý nghi hoặc của ông mà chỉ muốn nói ý kiến của mình. Bà nói phong cách và cách bài trí ở vườn Phượng Đậu rất đẹp, trong nhà có hồ, giữa hồ có nhà, giữa cây có nhà mà giữa nhà lại có cây; giữa nước có cầu, giữa cầu lại có nước. Đó là khiến cho con người được hưởng hết phúc thanh cao dưới trần gian. Nhưng bây giờ ở đây đã mở cửa với người nước ngoài, cũng “làm sống dậy” rồi. Chủ tịch hội đồng quản trị công ty A của Hàn Quốc, ông chủ ông ty điện thoại B của Mỹ... mỗi lần đến thăm Trung Quốc đều nghỉ chân ở đây.

- Rất nhiều sự việc oanh liệt một thời nhưng về sau thì sao nào? Về sau cũng qua đi, một đi không trở lại. - Bà Mai Linh nói - Khi tôi nghĩ đến sự việc đó, tôi cảm thấy mình đã già thật rồi. Quá nhiều, quá nhiều, chúng ta đã nhìn thấy biết bao nhiêu là sự việc! Tôi không còn nhớ hết những sự việc đó rồi. Thế hệ này, rồi thế hệ khác cũng già đi, cũng có nghĩa là thế hệ này, rồi thế hệ khác mới trỗi dậy. Về nhà làm mấy món ăn, xoa mấy ván mạt chược, như thế chẳng vui hay sao? Đời người nấu được bao nhiêu món ăn? Tiếc rằng khi còn nhỏ, tôi không hiểu mình nên học đàn piano. Trẻ con bây giờ mới hạnh phúc làm sao! Hoàn cảnh của chúng nó từ nhỏ đến lớn mới tốt đẹp làm sao! Đến khi chúng nó già, ngày nào chúng nó cũng đàn khúc nhạc của Chopin hoặc Rakemanninov. Trước kia chúng ta thấy một số người già, chúng ta cảm thấy họ không khỏi luyến tiếc cái “ghế”, chẳng muốn buông tay một cái gì. Còn bây giờ, đến lượt người khác nhận xét về chúng mình.

- Nhưng cũng có một số kẻ xấu, kẻ đầu cơ, kẻ hại người, kẻ giả mạo, chúng kiếm chác rồi lại kiếm chác nữa... Xưa nay chúng chưa hề bao giờ nghĩ đến quốc gia, cũng chẳng nghĩ đến nhân dân. Không kiếm chác mới là đồ ngốc, chúng tham lam không biết chán. Lẽ nào chỉ có thế giới của bọn chúng mà thôi?

Trịnh Mai Linh cười nhẹ:

- ở Vụ chúng tôi có một cậu trẻ tuổi thường cười tôi, bảo tôi có hắt xì thì cũng bắn ra hơi của xã luận Nhân dân nhật báo! Bây giờ tôi không như thế nữa, nghĩ nhiều việc quá thì huyết áp sẽ tăng. Theo tư liệu thống kê của chúng tôi, bệnh thường thấy ở khoa Nội trước kia là viêm gan, thiếu máu, ngất xỉu, phù thũng và suy dinh dưỡng. Còn bây giờ thì gan có mỡ, tiểu đường, cao huyết áp, béo phì. Nói tóm lại, bệnh trước kia do đói mà sinh ra, còn bệnh bây giờ do ăn nhiều mà sinh ra.

- Nhưng chính phủ thừa nhận còn có trên sáu mươi triệu nhân khẩu - tương đương với một nước lớn ở châu Âu - sống dưới mức no đủ...

- Đương nhiên rồi. Nhưng tôi vẫn nên lấy làm thỏa mãn. Tôi đã quá may mắn rồi, chỉ có thể cảm tạ trời xanh quá ưu đãi. Nhìn lại tất cả mọi thứ, tôi thật sự không mấy phải oán trách - Bà nức nở - Thậm chí khi cha tôi bị đấu, tôi đã nghĩ thôi thì cứ để cho những người không có dịp nói, cũng không có dịp lên tỉnh vào ủy ban thành phố, làm náo loạn một phen, để cho những đứa trẻ không được ăn, được uống và chẳng hiểu biết gì cả được đeo băng “Hồng vệ binh” và tự cho mình là trụ cột của quốc gia! Những người đó thấy nhà chúng tôi lắp điện thoại thì lập tức đỏ mắt lên. Hồi ấy mấy ai có điện thoại trong nhà? Điện thoại chỉ có thể là biểu hiện của đặc quyền cao cấp. Thôi hãy để cho quan chức suốt ngày quen dạy bảo người khác cũng nếm mùi bị người ta dạy bảo, không chừng như thế lại hay cho họ cũng nên.

 Ngừng một lát, bà lại nói tiếp:

- Trước đây thường phê phán tư tưởng thích hưởng xe đến bến, thuyền đến bờ, còn bây giờ tôi có cảm giác chính mình đang được hưởng như thế. ít nhất tôi cũng có căn cứ, đó là rất nhiều người đều có điện thoại trong nhà, kể cả nông dân. Tôi tầm thường và nông cạn như thế đấy! - Bà vung tay với vẻ tự giễu.

Bỗng bà lại ho, ho sặc sụa, ông bất giác giơ một tay ra đỡ bà. Bà không từ chối, chỉ ho, ho và ho miết.

- Chị sao thế? - Lộc Trường Tư sợ hãi hỏi.

Bà trả lời ông bằng một nét cười đau khổ nhưng dịu dàng như của thiên sứ. Bà nhịn ho tới mức mặt xám lại.

Lộc Trường Tư muốn chuyển sang một đầu đề nghiêm túc:

- Chị đến đây bao nhiêu lần rồi?

- Nhiều lần lắm. Mùa thu ở đây rất đẹp. Lá sen khô tàn khiến người ta lưu luyến thế giới, nước hồ mùa thu giã từ chúng ta như bạn bè. Còn mùa xuân, mọi vẻ đẹp đều ùa đến với bạn khiến bạn chịu không nổi.

- Thì ra chị là một nhà thơ...

- Anh thật chẳng hiểu biết gì về tôi, tôi đã từng sáng tác rất nhiều thơ... - Bà toan nói rồi lại thôi, hơi có phần u oán, sau đó bà nói sang chuyện khác - Tôi từng tới vườn Phượng Đậu, cầu đá quanh co như hình chữ chi. Các cánh cửa sổ cũng được tỉa tót cầu kỳ, chạm nổi hoa cỏ bốn mùa; mái nhà trong các phòng vẽ đầy phượng hoàng và hạc trắng. Mở cửa sổ ra là nhìn thấy nước hồ, ngoài đó có ánh trăng và hoa sen. Tôi luôn cảm thấy ngồi ở đấy có thể thưởng thức trà, có thể ngâm thơ, có thể viết chữ, vẽ tranh, có thể câu cá, có thể ngắm hoa, trúc và trăng. Còn có thể hát, kể cả các điệu trong kịch cổ, có thể luyện khí công, đá cầu, có thể đan áo, thêu thùa; cũng có thể chẳng làm gì cả, suốt ngày nằm dài trên ghế mây đếm hoa, đếm lá cây, đếm sao, nếu không thì đếm tóc trên đầu... Gì thì gì cũng không thể phát động “đại cách mạng văn hóa” ở đây được!

Thế là hai người bất giác thở dài. Ôi vĩ nhân, vĩ nhân như thế bây giờ ít đi rồi chăng? Thế là người ta ghét cái tầm thường, phải chăng là mong mỏi các vĩ nhân lúc nào và nơi nào cũng có thể trù hoạch những trận huyết chiến sấm sét trở về? Phải chăng cần phải sợ hãi run rẩy dưới chân anh hùng thì mới biết cách sống tiếp như thế nào?

Lộc Trường Tư ngẫm nghĩ về câu Mai Linh bảo ông không hiểu bà và cảm thấy ấm áp. Thậm chí ông còn thấy cảm động vì người ta, nhất là phụ nữ, chỉ khi nào thích ai đó mới đòi hỏi người ấy hiểu mình; còn như bèo nước gặp nhau, gặp nhau cười một cái, sau đó không nghĩ ngợi gì nữa, thì cần gì phải hiểu với chẳng hiểu nhau? Lòng thấy ấm áp, ông bèn bảo:

- Chị đọc cho tôi nghe một bài thơ sáng tác trước kia của chị đi!

Mai Linh không chịu đọc, ông yêu cầu lần nữa và lại một lần nữa, chẳng khác gì một đứa trẻ vòi vĩnh.

Bà liền đọc:

Tôi lớn lên trong nhớ nhung và do dự...

Mặt bà bỗng đỏ bừng, người như chợt trở nên mạnh khỏe. Bà ngoảnh mặt đi. Hai người thong thả rời khỏi cầu Lãm Nguyệt, bước lên trên đê có con đường nhỏ len qua cỏ và bóng râm cây cối chạy vòng quanh hồ.

Thác Ngọc

Chỉ một câu thơ ngắn ngủi chưa có gì tỏ ra là hay cũng khiến Lộc Trường Tư xúc động. Tại sao hồi học đại học, ông lại không gần gũi bà? Chỉ vì bà là con gái Chủ tịch tỉnh mà ông phải tránh xa? Thật là tầm thường biết bao, xa cách và lạnh nhạt biết bao! Bây giờ chẳng phải ông cũng là cán bộ cấp Cục rồi sao? Chẳng phải đã có biết bao người né tránh, đối phó, đối địch, làm hại và ghen tức với ông, và tốt nhất là phỉnh nịnh ông đó sao? Người ta đã bỏ lỡ biết bao cơ hội để làm cho nhau sống được thân thiện hơn đó sao?

Thế còn Tiểu Chu? Phải chăng ông nên bình tâm suy nghĩ về việc Tiểu Chu? Phải chăng nên đứng từ góc độ của Tiểu Chu để suy nghĩ hộ cậu ta? Tiểu Cát thì đã không còn nữa. Hễ nghĩ tới Tiểu Chu và bè cánh của cậu ta đã té nước bẩn vào Tiểu Cát như thế nào là ông lại bừng bừng xúc động.

Trước đạo lý thì không nên lùi bước, ông chợt nghĩ tới câu đó. Ông cảm thấy hơi buồn. Cuộc sống mà không cần ngoảnh lại cân nhắc thì chẳng qua chỉ là cuộc sống vội vàng lướt qua. Đã không cần ngoảnh lại cân nhắc thì còn có vị gì nữa? Chợt Mai Linh nói:

- Thôi được rồi, tôi đọc một bài gọi là thơ của tôi vậy:

Tôi mơ thấy bầu trời bát ngát,

Tôi mơ thấy rất nhiều ngôi sao.

Tự nhắc nhở đó chỉ là mộng ảo,

Tỉnh giấc rồi vẫn nuối tiếc khôn cùng.

 

Tôi mơ trên sân cỏ trở thành anh hùng,

Bóng không ném trượt, trăm quả trúng cả trăm.

Tỉnh giấc rồi vẫn thấy người bay lâng lâng,

Dù tự nhắc đó chỉ là mộng ảo.

 

Tôi...

Trịnh Mai Linh bỗng xúc động, mắt bà tràn đầy nước mắt:

- Thôi, tôi đọc bài khác! - Bà nhíu mày, thái độ nghiêm túc hơn:

Em đã nói rất nhiều,

Nhưng không có lời nào quan trọng nhất.

Em đã nghe rất nhiều,

Nhưng không có câu nào em muốn nghe nhất!

 

Em đã hát rất nhiều,

Nhưng bài hát dành cho mình

đến nay chưa hề có.

Em đã mơ rất nhiều,

Nhưng chẳng lần nào mộng thấy

điều muốn mơ.

 

Tại sao, tại sao, em để lỡ mất anh?

 

Lộc Trường Tư chợt thấy lòng rung động, tim nóng ran. Ông nhớ tới thời còn là sinh viên, một lần ông cùng các bạn đi cắm trại, họ dựng lều để ở. Trong đêm hè mát mẻ, họ mở nắp lều lên và nhìn thấy một góc trời đầy sao, sao gần tới mức giơ tay là có thể với tới... Họ chơi bóng rổ, ông là cầu thủ trong đội bóng của lớp. Trong cuộc thi giữa các đội, ông là người nổi bật, liên tiếp ném bóng thật nhanh và ném bóng vào rổ từ xa. Trong số những người bạn gái ra sức hò reo khen ngợi, phải chăng cũng có Trịnh Mai Linh? Tại sao từ bấy đến nay ông không hề nghĩ tới bà? Họ còn tham gia những buổi thi hát, ông luôn luôn là người lĩnh xướng. Ông thoáng nhớ lại những tiếng vỗ tay và hò hét nhiệt tình, niềm vui ấy mới thơ ngây làm sao. Ông dường như còn muốn nói có lúc đó là niềm vui vô cớ và tầm thường nhưng lại là những niềm vui quý giá vô song và không bao giờ còn xuất hiện. Phải chăng lúc đó Trịnh Mai Linh đối với ông cũng... Chà chà, từ trước tới nay ông chưa bao giờ dám nghĩ tới điều đó... Thế rồi, mấy chục năm trôi qua, chúng ta đã bỏ lỡ mất điều đó trong cuộc sống.

Ông toan khen “Thơ chị sáng tác hay!” song lại cảm thấy nói như thế quá tầm thường, không tỏ được hết ý mà còn có vẻ tàn nhẫn. Một tiếng thở dài thay thế cho mọi lời của ông. Ông muốn nhắc lại câu thơ của Trịnh Mai Linh:

Tại sao, tại sao, em để lỡ mất anh?

Hình như câu này mượn từ đầu đề một truyện của Trương Hân Tân thì phải?

Ông đã sống và đã để lỡ mất bao nhiêu cuộc sống khác!

Nhưng điều đó không tránh khỏi chỉ là chuyện nhỏ mọn. Ông đã đến tuổi bình tâm tĩnh trí bỏ lỡ tất cả, bỏ lỡ những gì tốt đẹp hơn nữa. Ông ngẩng lên và lần đầu tiên ngắm nghía thật kỹ Trịnh Mai Linh. Ông nhìn thấy đôi mắt ướt và những nếp nhăn lăn tăn nhưng dày đặc của bà. ánh mắt thì nặng nề còn nếp nhăn thì bướng bỉnh, chúng dường như không sinh ra trên mặt bà mà do cố ý: bà đã vẽ nên chúng bằng bút kẻ lông mày. Bà tình nguyện trở thành một bà già trước mặt ông? Ông vô cùng sửng sốt, trong lòng ông dường như vừa có trận động đất cấp chín, khắp người như có lửa đốt.

Đúng rồi, bà đã trang điểm rất công phu, bà thoa phấn lên má và tô son lên môi. Nhưng dù đã trang điểm kỹ đến thế cũng vẫn không che giấu nổi vẻ tiều tụy của bà. Ôi cố nhân, trải hết mọi cuộc bể dâu, may mà được bình yên từ khi từ biệt đến nay!

Cầu hán bạch ngọc trước mặt là do hai thân cầu ghép liền lại với nhau. Nghe nói việc ghép cầu không phải ngay từ đầu đã liền khít mà trước sau hơi lệch một chút. Nào ai biết vì sao lại xây cầu này thành ra như thế? Nghe nói, năm giờ sáng giữa mùa hè, khi mặt trời nhô lên từ hướng đông bắc, bóng chiếc cầu đã liền hai thân làm một chiếu xuống mặt hồ ở cạnh ngoài đê và người ta sẽ trông thấy rõ ràng đó là hai chiếc cầu tách rời khỏi nhau.

Khi kể câu chuyện cây cầu này, giọng bà Mai Linh run run, Lộc Trường Tư chỉ ậm ừ.

Lần này họ không dừng lại lâu trên cầu vì trên cầu đang vô cùng náo nhiệt. Một đôi vợ chồng mới cưới đang chụp ảnh trên cầu, người xúm xít vây quanh bàn tán xôn xao rằng chụp hết các cảnh thì tốn đến hơn ba ngàn tệ. Cô dâu mặt đỏ như hoa hồng, tuy không khỏi xấu hổ nhưng vẫn răm rắ 8000 p nghe lời chỉ huy của ông phó nháy và người trợ thủ. Họ bày đủ mọi tư thế, lúc thì cô dâu ghé mặt vào mặt chú rể, lúc thì  đặt tay lên tay, lên vai, lên ngực, lên lưng chú rể. Với vẻ bất cần đời, cô dâu thậm chí ngồi lên lòng chú rể theo yêu cầu của phó nháy. Còn chú rể thì có vẻ mệt mỏi, dường như chưa ra trận thì đã muốn bại trận rồi. Chú rể tỏ ra non nớt, rõ ràng chưa từng lấy vợ và chưa từng nghĩ lấy vợ phải chịu khổ sở, vất vả như thế này. Cô dâu mặc áo voan trắng muốt dài quét đất, rõ ràng là bộ váy áo đi thuê. Trên chiếc hòm gỗ đựng dụng cụ chụp ảnh có đề mấy chữ “Văn thái nhiếp ảnh”, hẳn đó là “sản nghiệp thứ ba”(5) của Ty văn hóa hoặc thuộc Hội liên hiệp văn học nghệ thuật của tỉnh. Họ có cả một loạt thiết bị, kể cả bộ đồ cưới. Chú rể mặc comple màu hoa hồng, thắt cà vạt hoa màu tím, quần áo này phải chăng cũng đi thuê?

Họ cùng nhìn nhau mà cười. Họ nhớ đến lễ cưới của mình tổ chức trong phòng họp cơ quan, ăn rất nhiều kẹo hoa quả và hạt dưa.

Họ đi qua cầu Thác Ngọc, đi tới tận chỗ hơi hoang vắng của con đê dài. Họ ngồi luôn xuống một đám cỏ rối ở ven hồ, nhìn nước hồ, nhìn cỏ nước, nghe cá nhảy, nghe chim hót, nhìn chuồn chuồn lượn trên mặt nước. Một chiếc xuồng cao su nhỏ hẹp lướt trước mặt họ, xé toang mặt nước phẳng lặng, khiến mặt nước mãi cũng không lành lại được, nước bị xô giạt mãi đến phía xa rồi yếu và nhỏ dần, còn càng về xa thì càng lớn, mạnh. Lòng ông chấn động như sóng nước, tim ông run mãi không thôi. Nhìn xa hơn một chút là khách sạn cao tầng của thành phố mới được xây. Từng tòa nhà cao ngất rất không hòa hợp với cầu này, nước này, núi này, hồ này, nhưng... Lộc Trường Tư nghĩ, đó cũng là chuyện không có cách gì khác.

Ông lại nghĩ đến một việc không vừa ý nhất gần đây. Suy bụng ta ra bụng người, ông bắt mình phải đổi sang một góc độ khác để suy nghĩ về việc này. Những nỗi gập ghềnh mấy chục năm qua khiến ông đã quen với việc hễ gặp chuyện gì thì nghi ngờ mình trước rồi sau đó mới nghi ngờ người khác. Có lẽ ông làm hiệu trưởng đã quá lâu rồi. Ông vốn nói chỉ làm ba năm, kết quả là đã lên rồi không xuống được nữa, năm nay đã là năm thứ sáu. Nếu hai năm trước ông xin rút lui kiên quyết hơn chút nữa thì có lẽ hai năm trước hiệu trưởng đã là Tiểu Chu rồi, có nghĩa anh ta đã sớm là cán bộ ngang cấp với Vụ, Cục. Nếu như vậy, có lẽ Tiểu Chu đã được chia căn hộ gồm bốn phòng và một sảnh từ lâu... Anh ta có lẽ cũng nhận được chiếc thẻ khám bệnh màu xanh từ lâu, khi đi công tác đã được nằm giường mềm bao nhiêu lần rồi... Bây giờ Tiểu Chu coi ông là thù. Qua những chuyện bịa đặt không ngừng về ông do một bạn gái của Tiểu Chu nói ra thì ông cố tình giữ ghế, cản đường tiến lên của lớp trẻ, ông sợ lớp trẻ đã vượt trước ông từ lâu. Những điều bịa đặt đó có thể là nguyên nhân. Phải rồi, họ nóng vội vì họ đói khát; họ đói khát nên họ không từ một thủ đoạn nào. Đói đến cùng cực tất nhiên sẽ “ăn quả quả”, không giống những người ăn no xưa nay đều biết che đậy cái mồm to như chậu máu. Nhưng họ ít nhất cũng có năng lực, có hoài bão, có cách nghĩ, nếu họ không hoạt động, nếu họ ngoan ngoãn lặng yên chờ đợi thì sẽ ra sao? Biết bao nhiêu kẻ thông minh, tài trí không bằng Tiểu Chu, chỉ vì biết lấy lòng lãnh đạo mà từ lâu đã được làm cán bộ cấp nọ, cấp kia, vậy thì những kẻ đó nhất định giỏi hơn Tiểu Chu hay sao?

Nghĩ như thế, ông phát bực mình, không phải bực mình với Tiểu Chu mà là nổi giận với những kẻ tư chất không bằng Tiểu Chu nhưng đã leo lên được những chức vụ rất cao. Lộc Trường Tư đứng lên cầm một hòn đất quăng xuống hồ. Vì ném mạnh nên cánh tay ông phát đau, mà hòn đất cũng chẳng ném được bao xa. “Mình quả thật đã già rồi!”. Vì dùng sức quá mạnh nên ông cũng ho dữ dội. Trịnh Mai Linh bất giác cũng đứng lên. Thấy ông ho khổ ho sở, bà bèn kiễng chân lên đấm lưng cho ông. Ông cảm kích ngoảnh lại nắm lấy bàn tay bà. Bàn tay ấy lạnh ngắt, thô nhám và nhỏ nhắn. Tim ông nhói đau, ông cúi xuống và gần như hôn tới bàn tay lạnh giá và nhỏ nhắn đó. Ông chợt nhớ một câu than thở trong vở ca kịch Cô gái thêu hoa: “Ôi, bàn tay nhỏ nhắn lạnh giá của em!”. Ông chợt dừng lại. Bất kể như thế nào, hôn tay thì “tây” quá, đó là cử chỉ của lớp trẻ như Phương Lệ Chi. Còn ông thì xưa nay rất phản đối âu hóa toàn bộ và diễn biến hòa bình. Ông hối hận vì thái độ thất thường của mình. Lâu lắm ông không thốt nên lời, lâu lắm ông không dám nhìn vào mắt bà.

Lúc ấy bỗng có tiếng người huyên náo, hỗn loạn. Hai người thoáng thấy bóng rất nhiều cảnh sát xua đuổi những ai kéo đến xem. Đôi vợ chồng chụp ảnh cưới không thấy đâu nữa. Ông và bà thong thả bước đến, đứng xa xa quan sát. Chỉ thấy cảnh sát áp giải hai nam và một nữ đi qua, “phạm nhân” và cảnh sát đều còn rất trẻ, trẻ đến mức khiến không ai tin rằng họ là kẻ phạm tội và người chống tội phạm. Một phạm nhân nam đầu tóc rối bù, vừa nhìn đã biết ngay là nông thôn mù quáng theo người ta lên thành phố. Còn phạm nhân nam kia thì hai người không hiểu nổi vì cậu ta đeo kính gọng vàng, mặc bộ comple khá bảnh, thắt cà vạt rộng bản rất đúng mốt; vẻ ngoài của nữ phạm nhân thì có vẻ thuộc tầng lớp trung lưu, tai cô ta đeo lủng lẳng đôi hoa tai màu đỏ chót. Ba kẻ phạm tội đứng úp mặt vào xe cảnh sát để cho họ khám người, sau đó cảnh sát từ phía sau lưng khóa tay từng người một. Cảnh sát nam khóa tay phạm nhân nam, cảnh sát nữ khóa tay phạm nhân nữ, chắc là để tránh hiềm nghi quấy rối tình dục. Cảnh này giống hệt phim cảnh sát Hollywood, mà không biết ai đã bắt chước ai nữa! Hai người chưa kịp xem cho kỹ thì ba kẻ phạm tội đã lên xe cảnh sát rồi đuôi xe ấy bốc khói, vù một cái họ đã đi xa. Xe ô tô vốn không được chạy trên đê vì đấy là đường chỉ để đi bộ nhưng xe cảnh sát thì đi được. Điều đó khiến cho cả ông và bà đều lấy làm tiếc.

Khi xe cảnh sát đã đi rồi, hai người mới hiểu ra từ đâu đám người bàn tán xôn xao. Thoạt đầu họ hỏi: “Sao thế?”. Họ hỏi như những đứa trẻ kém thông minh xem không hiểu phim cảnh sát bắt kẻ xấu. Đám người bàn tán xôn xao không một ai trả lời họ. Cuối cùng một ông vai rộng ái ngại cho họ không hiểu biết gì, đặt ngón tay cái bên trái lên cạnh môi, sau đó giơ thẳng ngón tay út trên cùng bàn tay lên, hít một cái. Trịnh Mai Linh vẫn hỏi bám riết:

- Như thế là gì? Là gì? - Bà vừa hỏi vừa lặp lại tư thế chúm môi hít từ ngón tay cái sang ngón tay út trên cùng một bàn tay, dáng vẻ càng tỏ ra ngờ nghệch. Lộc Trường Tư nhanh ý ghé vào tai bà nói:

- Đó là hít và bán ma túy!

Hơi nóng từ trong miệng ông phả vào tai bà làm bà phát ngứa, môi ông hầu như hôn tới cổ bà. Ông nhìn thấy những sợi tóc tơ sau gáy bà, những sợi tóc tơ ấy mới đáng yêu làm sao! Ông ngửi thấy mùi thơm và hơi nóng từ dái tai bà, dường như còn có cả mùi aspirin hoặc một thứ thuốc gì đó nữa. Tim ông đập rộn lên, bà cũng đỏ mặt. Nhưng bà càng đỏ mặt thì mặt bà càng trắng xanh.

Tri Ngư và Vọng Mai

Hai cây cầu tiếp theo tên là Tri Ngư và Vọng Mai. Đi tới hai cây cầu cuối cùng này, Lộc Trường Tư không có điều gì lo ngại nữa. Sau khi ông đã hôn - ít nhất thì về mặt tinh thần đã hôn cổ Mai Linh, ông chẳng còn lời nào muốn nhờ bà nhân dịp đi tản bộ này để chuyển tới tai con trai của bà là Cục trưởng Cục nhân sự.

“Người ta không thể phút nào cũng nghĩ tới lo nước thương dân”. Ông tự nhủ.

- Đúng thế! Vốn dĩ là như vậy! - Trịnh Mai Linh nói.

Câu ứng đáp của bà khiến ông giật mình. Ông nhớ mình không nói câu vừa nghĩ thành tiếng, làm sao bà lại nghe thấy và đáp lời ông một cách khẳng định như vậy?

Phía ngoài cầu Tri Ngư là công viên Tri Ngư, ở đấy nuôi rất nhiều cá chép vây đỏ và vàng. Họ bỏ ra mười tệ để mua vé vào công viên. Họ vừa xem cá vừa nghĩ đến Trang Tử. Lộc Trường Tư nói:

- Trang Tử không tránh khỏi quá ngụy biện. Khi Huệ Thi hỏi: “Ông không phải là cá, sao biết cá vui?” là vì Trang Tử và Huệ Thi cùng thuộc loài người, còn Trang Tử và cá không cùng một loại. Đồng loại thì có thể hiểu được đồng loại, còn loại này hiểu được về loại khác thì rất đáng ngờ. Không thuộc loài người như cá phải chăng cũng có niềm vui, nỗi buồn, lòng phẫn nộ và những cảm tình hoặc cảm giác khác như thoải mái, tiêu dao chăng? Chúng cũng biết phân biệt “ăn quả quả” và “năm điều giữ, bốn vẻ đẹp”(6) chăng? Điều đó quả thật đáng ngờ lắm. Thế mà Trang Tử trả lời Huệ Thi bằng một câu hỏi lại: “Ông không phải là tôi sao biết tôi không biết cá vui?” là ngụy biện rồi! Nếu Trang Tử cho rằng giữa người và người còn không hiểu được nhau thì làm sao có thể tưởng tượng người hiểu cá hoặc cá hiểu người?

Trịnh Mai Linh gạt đi:

- Ôi, các đồng chí nam, mệt với các đồng chí quá! Xem cá mà cũng phải tranh luận! Xem cá, cá vui hay không tôi không biết đâu đấy? Tôi thấy vui là chẳng được rồi sao?

Mai Linh gọi Trang Tử và Huệ Thi là “các đồng chí nam” khiến Lộc Trường Tư thấy buồn cười. Ông chưa bao giờ nghĩ cùng đi chơi với bà lại vui đến thế! Xem cá cùng Mai Linh là điều cực vui vẻ và ông trong lúc không để tâm đã có được niềm vui ấy.

Mai Linh nói rất đúng. Hai người đi xem cá chứ không phải đến đây để tranh luận. Cả một đời họ đã tranh cãi quá nhiều rồi, bất cứ ai trong bọn họ cũng thành “nhà hùng biện” cả.

Có một đoàn lữ hành vào tham quan công viên, hướng dẫn viên du lịch cầm cờ đuôi nheo sặc sỡ. Một đoàn khác lại cầm cờ màu xanh lục của “Hội bảo vệ môi trường Đài Loan”. Đoàn này tuổi đã cao, ăn mặc rất lịch sự, nhất là các bà già, một số còn đeo đồ trang sức choáng lộn. Lại có một đoàn nói cười ầm ĩ “hô mi sa mi ta”. Bà Mai Linh ngờ vực hỏi:

- Nhật Bản à?

- Hàn Quốc đấy! - Lộc Trường Tư đáp, sau đó hai người nhìn nhau cười.

Tìm được một lán bán trà, họ vào ngồi, gọi hai tách trà xanh và hai bánh điểm tâm. Bà Mai Linh vừa uống, vừa nhấm nháp, vừa khen: “Ngon quá!”. Bà thật lòng khen, thật lòng cảm động và thật lòng thỏa mãn. Tâm tình ấy của bà truyền sang ông. Ông đang cắn nhẹ miếng bánh gatô, sau đó nhoẻn nụ cười ngọt ngào với bà. Đã lâu lắm, lâu lắm, ông chưa bao giờ cười như thế. Bà bỗng hỏi:

- Anh đã sang Pháp chưa?

Ông gật đầu.

- Đã leo lên tháp Effel chưa?

Ông lại gật đầu.

- Anh đã vào tiệm ăn Varna ở tầng bảy tháp Effel để ăn một loại sò sống chưa?

Ông lắc đầu.

- Tôi cũng chưa từng ăn thử! - Bà thở dài.

Ông cười đến mức làm bắn cả bánh gatô ra khỏi miệng. Nghe diễn viên tấu hài Hầu Bảo Lâm, ông cũng chưa từng khi nào cười khoái chá như vậy.

Một đôi thanh niên nam nữ thân mật kề vai dắt tay nhau. Họ mua hai gói kem trứng, đó là món kem hợp doanh với một hãng kem Đan Mạch, tám tệ một gói. Đầu tóc và quần áo đôi này đều rất ưa nhìn. Cô gái đã sớm mặc váy siêu ngắn để lộ đôi chân rất đẹp đi tất nilông mỏng màu da chân. Chàng trai mặc áo phông hiệu Cá sấu và quần bò, vai rất nở nang. Ông nhìn lại chiếc áo lông cừu trên người và chiếc áo khoác không tay trên người bà và nhoẻn miệng cười. Mùa này là mùa của đám trẻ. Chân đám trẻ đều dài và thẳng, không như thế hệ ông, mười người đến tám người chân cong vì thiếu canxi ở tuổi đang lớn. “Cho dù chỉ từ tầm cao và cân nặng bình quân mỗi người mà nói, tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội vẫn nổi bật”, Lộc Trường Tư nghĩ tới câu này khi ông giáo dục tư tưởng chính trị cho học trò. Mai Linh nhìn đôi thanh niên ấy mà vừa khen ngợi, vừa thán phục và lưu luyến. ánh mắt bà để lộ tình cảm nhu mì quyến luyến không dứt. Bà ngắm nghía họ như si như mê, tình cảm bà biểu lộ ra đó khiến ông thở dài.

“Thật đúng là!”, Lộc Trường Tư thầm nói. Ông cũng mềm lòng và còn cảm thấy hơi ngượng nữa.

Khi thanh toán tiền, Trịnh Mai Linh không hề tranh với ông. Bà chỉ nói “Cám ơn” với giọng rất dễ nghe.

Trong công viên có mấy cây cầu gỗ sơn đỏ. Hai người rất thích đi qua đi lại trên đó. Quành đi quành lại, họ tới bờ phía nam còn hoang vu của ao nuôi cá vàng. ở đây cỏ dại, hoa dại mọc rất nhiều, rõ ràng là người ta có ý thức giữ lại vẻ đẹp hoang dã. Họ bước tới gần mới thấy có một đôi nam nữ đang ôm hôn nhau dưới gốc cây dâu già và trong bụi cỏ rậm. Đôi này không những hôn chùn chụt như điên như cuồng mà người con gái còn kêu eo éo, nửa như nũng nịu nửa như khêu gợi. Thật không biết tại sao cô nàng phải kêu lớn tiếng như thế. Hai người tuổi gần sáu chục đi sát bên họ nhưng chính hai ông bà lại cảm thấy ngượng như mình mới là người làm điều gì đó không đúng mực.

Nhưng nụ cười vẫn nở trên môi Trịnh Mai Linh, cho dù khuôn mặt bà đã thoa má hồng nhưng vẫn không che nổi vẻ nhợt nhạt. Bà quay lại nhìn ông. Bà giẩu môi rồi lại chành mép, mắt bà dường như nói: “Bọn trẻ mới hạnh phúc làm sao!”.

ánh mắt của ông thì có vẻ trách và lấy làm tiếc. Câu ông muốn nói là: “Nhưng họ biểu lộ thật quá mức!”.

Mai Linh lại cười, nụ cười của bà muốn nói: “Anh nên hiểu họ hơn”.

Ông hơi bực mình. Sao mà bà quá khoan dung làm vậy? Mọi thứ xung quanh đây đã bẩn thỉu, đen tối và mục nát rồi, nếu còn cứ khoan dung mãi thì trời ơi! Ông nhíu mày thật sâu. Cuối cùng ông chỉ có thể cười buồn. Thôi thì mặc họ.

Hai người đi cách xa nhau, người trước, người sau mà đi. Có một sạp chụp ảnh, ông dừng chân định đề nghị hai người chụp chung một kiểu, khó khăn lắm mới có dịp này. Nhưng ông không tiện nói ra. Cứ nghĩ đến cô nàng kêu eo éo kia là ông lại không muốn “góp vui” nữa. Hai người loanh quanh một lúc rất lâu trước quầy chụp ảnh. Có lẽ cả hai người đều muốn chụp chung một kiểu để làm kỷ niệm nhưng cuối cùng vẫn không thành.

Cạnh quầy chụp ảnh tư nhân là kiốt bán đồ lưu niệm cho chuyến lữ hành. Bà đứng đó chọn rất lâu, cuối cùng mua một bức tượng Quan âm nhỏ bằng đá quý hết hơn hai trăm tệ. Mua xong, bà lấy làm sung sướng, ngắm đi ngắm lại mãi, vừa ngoẹo cổ vừa gật đầu, ngơ ngẩn nhìn mãi không biết chán. Ông không sao hiểu nổi, chỉ thấy bà thật đáng thương.

Lúc ấy có ba chiếc mô tô rú rít bên cạnh họ. Xe mang theo tiếng máy rú chói tai và để lại mùi dầu xăng khét lẹt. Họ kinh hãi thật sự, làm sao những kẻ đó lại dám ngang ngược chạy xe trên đường dành cho người đi bộ? Bọn họ có nhiệm vụ gì đặc biệt không? Hay là Trung Quốc đã xuất hiện “giống hung đồ bạo ngược” rồi? Thật quá tương phản với phong cảnh nơi đây. Cả hai người cùng buồn thay cho con đê, hồ nước và những cây cầu nơi đây.

Cuối cùng là một cây cầu nhỏ, chân ai dài chỉ đi ba bốn bước là qua khỏi cầu. Đầu cầu là một rừng mai. Mùa đông hoa mai nở rộ, hẳn nơi đây là nơi đẹp nhất. Bà nói bà quên mất ở đây có câu chuyện về ai, chỉ nhớ đó là chuyện ngày trước. Trước đây có một đôi tình nhân, nhưng mối tình của họ không thành công. Trước khi chia tay họ đến đây, chỉ trên chiếc cầu nhỏ này mà họ đi đi lại lại đến hai giờ đồng hồ.

- Điều đó có thể lắm chứ! - Trường Tư nói - Bởi người xưa sống thuần khiết hơn các đồng chí của chúng ta. - Ông cảm thấy chính mình nói gì cũng không hiểu.

- Tôi không thích cây cầu này. Vọng Mai ư? Chỉ khiến cho người ta nghĩ đến câu chuyện trông mai cho đỡ khát! Tôi cảm thấy cầu này không được tốt lành! - Trường Tư nói, nói xong ông cảm thấy mình trở nên tầm thường hết mức. Ông nghĩ: “Mình như thế là chiều theo thói tục chăng?”.

Hai người im lặng một lát, Mai Linh lấy tượng Quan âm ra xem.

... Họ đã đi hết con đê dài và ra đến đường cái.

- Nếu một cây mai không còn nở hoa được nữa, vì nó đã cho hoa nở hết mất rồi. Khi anh nhìn lại nó, anh có thể tưởng tượng ra hồi nó còn chi chít hoa nở không? Anh có thể vì tưởng tượng ra cảnh hoa của nó nở tưng bừng trước kia mà thích nó, ngắm nhìn nó lâu hơn không? - Mai Linh hỏi. Bà nhìn ông đăm đăm, bà chờ đợi câu trả lời vô cùng quan trọng. Vẻ mặt của bà bỗng trở nên rất lạ.

Là ngỏ lời tỏ tình chăng? Nhưng sao lại như là... Lộc Trường Tư bỗng cảm thấy ớn lạnh, ông ra sức gật đầu và kéo bàn tay nhỏ nhắn lạnh giá của bà về phía mình.

Mắt bà rưng rưng lệ. Bà thở hổn hển nói:

- Cảm ơn anh, đồng chí Lộc Trường Tư. Anh đã giúp tôi thực hiện được, mà bây giờ người ta thích nói là làm trọn vẹn, giấc mộng thời thiếu nữ của tôi. Khi học tới bậc trung học phổ thông, tôi làm một bài thơ trong đó có câu: “Em mơ thấy cùng anh đi hết cây cầu mùa xuân...” Đúng thế, từ lâu tôi đã mơ như thế, đúng như hôm nay vậy, được cùng người bạn cũ, chúng ta cùng đi trên cây cầu mùa xuân, chỉ một lần mà đi khắp sáu cây cầu để hồi tưởng lại đời người trong mấy kiếp! Tôi đã sống đến mấy kiếp rồi, sống trong xã hội cũ và xã hội mới, sống thời trước và sau “cách mạng văn hóa”, sống thời chiến tranh và thời hòa bình, lại còn sống thời làm vợ và thời đưa tang chồng nữa chứ. Người ta có được bao nhiêu mùa xuân? Đời người được qua bao nhiêu lần cầu? Tôi không còn nuối tiếc gì nữa, cảm ơn anh!

Bà trầm ngâm một lát rồi nói thêm:

- Xin lỗi anh, bây giờ tôi chỉ có một mình. Tôi phải tới một nơi, tôi có chút việc riêng, không đi cùng anh được nữa. Xin anh cứ tự nhiên, xin lỗi anh, xin anh mãi mãi tha thứ cho tôi! - Như một ánh chớp, bà ôm lấy ông và hôn nhẹ một cái. Khi ông định thần lại thì bà đã kịp vẫy taxi hiệu Santana. Bà vẫy tay chào ông rồi chui vào ngồi ghế trước của xe và đi luôn.

Lộc Trường Tư ngạc nhiên, ngơ ngẩn, hãi hùng và buồn bã. Ông chợt nhớ tới một đoạn trong vở Thiên tiên phối, nàng tiên thứ bảy đột nhiên bị buộc phải trở về trời, để lại chàng Đổng Vĩnh ngơ ngẩn mất hồn. Ông quay người lại nhìn hồ, mặt hồ trong vắt, mênh mông, không gì ngăn trở.

Buổi tối sau khi lên máy bay, hai người mới thấy chỗ ngồi của mình không liền nhau. Họ được hai đơn vị khác nhau của thành phố ở bên hồ xinh đẹp này đưa tiễn - do ủy ban giáo dục và Sở y tế với những cán bộ liên quan về công tác đưa tiễn. Đưa Lộc Trường Tư ra sân bay là chiếc Audic mới toanh màu đen, còn đưa Trịnh Mai Linh là chiếc Benz cũ kỹ màu xám bạc. Họ tự làm thủ tục lên máy bay, kiểm tra an toàn, còn người đưa tiễn thì giành phần trả lộ phí xây dựng sân bay cho họ. Đã đến giờ lên máy bay. Họ vẫy tay chào nhau trước cửa lên máy bay. Lộc Trường Tư ngồi hàng ghế thứ sáu F, Trịnh Mai Linh ngồi hàng ghế thế ba mươi mốt A. Cả hai đều ngồi cạnh cửa sổ, nhưng muốn ra tới đường đi giữa hai hàng ghế thì rất không thuận tiện. Máy bay không phải nơi cho hai người đi ra và bước tới, anh nhìn tôi và tôi nhìn anh. Sau khi lên máy bay thì hai người chẳng ai còn gặp ai nữa. Còn sau khi xuống khỏi máy bay, vì Mai Linh gửi hành lý, Trường Tư thì không, mà việc trả hành lý gửi ở sân bay của Trung Quốc thì vô cùng chậm trễ - sau hai mươi phút hành lý mới bắt đầu chuyển ra băng chuyền, ông không đủ kiên nhẫn để chờ lâu như thế, vả chăng họ không hề hẹn chờ đợi nhau. Họ đều phải nghĩ đến những đồng nghiệp đến đón họ và lái xe nữa, họ không có quyền nấn ná lâu ở sân bay. Cho nên đương nhiên là khi xuống máy bay, chẳng ai còn thấy ai nữa. Thực ra, sau khi lên máy bay, họ đã chia tay rồi. Ai về nhà người nấy, ai về phòng làm việc của cơ quan người ấy, từ đó khoảng cách giữa họ càng xa.

Ông vẫn muốn gọi điện thoại cho bà nhưng hễ nghĩ đến việc bà tự bỏ đi một mình ở cầu Vọng Mai thì ông lại cảm thấy như bị giội một gáo nước lạnh. Sau đó ông hạ quyết tâm và tra được số điện thoại ở nhà bà, nhưng ông gọi thì chẳng có ai nhận.

Một tháng sau ông thôi giữ chức Hiệu trưởng, Tiểu Chu được cử làm Hiệu trưởng mới. Trong cuộc họp tống cựu nghênh tân, cấp trên khẳng định đầy đủ những cống hiến quan trọng của Lộc Trường Tư trong thời gian nhậm chức, Tiểu Chu cũng phát biểu những lời tràn trề nhiệt tình. Anh ta nói xưng xưng trước kia, hiện tại và sau này Lộc Trường Tư mãi mãi là lãnh đạo, là thầy, là anh cả, là cây cột nâng đỡ về mặt tinh thần của anh ta, là mẫu mực cho anh ta noi theo nữa. Tiểu Chu còn xúc động nhắc lại những câu chuyện “Lộc Hiệu trưởng tay cầm tay tôi dạy bảo tôi làm việc” như thế nào, nói đến mức ông cảm thấy không có lỗ nẻ nào để chui xuống đất. Ông đành phải nói Đại học Trường Hà dưới sự lãnh đạo của Chu Hiệu trưởng nhất định sẽ đạt được thành tựu trước đây chưa từng có.

Tiểu Chu lên chức Hiệu trưởng rồi nhưng vẫn chưa đả động gì đến công việc thuộc chức vụ và lập tức đã đi tham quan một số nước ở châu Âu, mát mặt vô chừng. Ba tuần sau nghe nói Tiểu Chu đã về, anh ta có dính đến một việc nhỏ - không phải vấn đề quan hệ nam nữ thì cũng là thủ tục về mặt kinh tế. Những việc đó những năm này còn quản lý nữa hay sao? Mọi người cảm thấy đáng ngờ. Họ nghĩ tới bài vè mà ngôi sao hài kịch Triệu Bản Sơn biểu diễn trong một tiểu phẩm trên truyền hình:

Mạt chược xoa thành bạch bản

Đưa lễ đổi thành đưa tiền khoản.

Nam nữ lăng nhăng chẳng ai quản,

Còn nói chuyển biến tốt tác phong Đảng.

Năm này Chu Hiệu trưởng đã phạm vào việc gì mà làm sao vẫn chưa bật khỏi chức? Một tháng sau, cấp trên thông tri cho trường: điều Chu Hiệu trưởng về trường Đảng theo học lớp nghiên cứu, thời gian học tập là hai năm rưỡi, công tác của trường do Phó hiệu trưởng Lý chủ trì. Nghe nói lỗi của Tiểu Chu khiến cho cấp trên vừa mới đề bạt anh ta lấy làm khó xử vô cùng, nhưng không thể vừa mới cất nhắc đã lại cách chức ngay. Cho anh ta đi học là bảo vệ anh ta và cũng để giảm nhẹ hình thức xử lý. Thế là Tiểu Chu ngồi chưa vững trên ghế Hiệu trưởng thì đã bị bật đi. Trong trường lẻ tẻ từng người một đến kể, hoặc gọi điện thoại đến báo cáo với Lộc tiền hiệu trưởng tin tức về Tiểu Chu - vì tin chính thức không thông báo. Lộc tiền hiệu trưởng nghe nói là chuyện về Tiểu Chu thì ngăn lại ngay. Nhưng ngăn cũng không ngăn nổi. Người ta thà không nói về bóng đá, về cổ phiếu, về những tin giật gân và tình dục mà chỉ muốn nói những tin nội bộ về việc biến chuyển nhân sự. Có những Tiểu Thương, Tiểu Lý, Tiểu Vương, Tiểu Mễ vừa được giao công tác chưa lâu đã tới gặp Lộc Trường Tư phàn nàn về Tiểu Chu và thương cho Tiểu Cát chết trẻ, nhưng ông không hé răng nói một lời. Vì sao lại như thế? Cách mạng đương nhiên là con cách cái mạng của bố, sau đó con của con lập tức cảm thấy bố mình cản đường mình. Rồi đến con của con của con thậm chí nghĩ cách liên minh với ông nội mình để lật đổ người cha đã trực tiếp đè đầu cưỡi cổ mình. Người Trung Quốc quá ham đấu tranh, khắp nơi đấu thành một khối, đấu thành một nồi cháo cứng. Khi một số nhân vật có vai vế trong tỉnh, trong trường tỏ ý lo ngại việc chọn người làm hiệu trưởng với ông thì ông đáp:

- Được được, ai cũng được tuốt!

Khi người ta nói đến những ai, những ai chưa hề học đại học mà lại muốn lãnh đạo trường đại học thì ông nói:

- Không hề gì, không hề gì...

Những nhân vật vai vế ấy đều tỏ ý bất mãn với ông.

Qua đi hai tháng, một hôm Lộc Trường Tư nhận được một phong bì to màu trắng, phía dưới có dòng chữ: “Ban tang lễ đồng chí Trịnh Mai Linh”. Vừa nhìn thấy dòng chữ ấy, ông run rẩy cả người. Ông lập tức gọi điện cho Ban tang lễ, người ở đó báo cho ông biết đồng chí Trịnh Mai Linh bị bệnh máu trắng, chạy chữa vô hiệu nên không may đã từ trần. Bà được chẩn đoán mắc bệnh máu trắng trước đây hai năm, đã mấy lần vào viện, rồi mấy lần ra viện vì bệnh tình thuyên giảm, cuối cùng thì không qua khỏi. Giống như tất cả mấy người trong ban tang lễ khác, họ nói chuyện đau buồn ấy cứ như không. Đúng là họ tu luyện đến nơi đến chốn.

Ông đọc cáo phó và tiểu sử người chết, trong đó viết rằng đồng chí Trịnh Mai Linh là đảng viên ưu tú của Đảng ta, là một cán bộ y tế ưu tú, hết lòng ủng hộ đường lối cơ bản của Đảng và các phư 17f3 ng châm chính sách của Trung ương. Cáo phó còn cho biết, theo ý nguyện của người chết, tang lễ tổ chức đơn giản, không tổ chức lễ cáo biệt di thể và lễ truy điệu; còn nói gia quyến bà kính tạ mọi đồ phúng viếng như vòng hoa, hoa tươi, câu đối viếng, trướng viếng... Cuối cùng là câu: “Đồng chí Trịnh Mai Linh sống mãi trong lòng chúng ta!”.

Cục trưởng Cục nhân sự gọi điện cho Lộc Trường Tư, nói: “Mẹ cháu lúc bệnh nguy kịch có nhắc đến chú. Mẹ cháu bảo cháu nói cho chú biết rằng mẹ cháu ra đi không hối tiếc điều gì”. Cục trưởng khóc nức nở.

Lộc Trường Tư đứt từng khúc ruột, khóc không thành tiếng.

 

Lời cuối truyện


“Sáu cây cầu trên đê mùa xuân”

Đã rất lâu rồi tôi không viết truyện về đề tài hiện thực theo phong cách tả. Mấy năm nay, tôi chủ yếu dồn sức viết một loạt truyện dài về Mùa, mà Mùa thì viết về ngày hôm qua vừa mới qua đi. Cuốn mới nhất Mùa trù trừ viết câu chuyện từ năm 1962 đến trước ngày nổ ra “cách mạng văn hóa”. Mấy năm nay thỉnh thoảng tôi cũng viết một ít truyện dài,  truyện ngắn, thường dùng thể phi chân thực hoặc thể ngụ ngôn để tránh quá thực, quá nhằm vào điều gì đó và thêm ra một chút trừu tượng, một chút trò chơi, một chút hài hước và cũng để luyện trí tưởng tượng. Những tác phẩm này gồm: Câu chuyện trịnh trọng, áo trắng và áo đen, Đại sư hoa hồng và những điều khác v.v...

Tất cả những truyện nói trên đều không phải đã ở thế ổn định. Vẫn như những năm 80, tôi viết một truyện hài hước rồi lại muốn viết một truyện trữ tình; viết xong một truyện tả thực, tôi lại muốn phải viết một truyện trừu tượng, thậm chí là một truyện quái dị. Tôi không sao chịu đựng nổi sự lặp lại lâu dài một điệu nào đó, bất kể là người khác hay chính mình.

Cuối năm 1996, sau khi nộp bản thảo cuốn Mùa thứ ba, tôi cảm thấy viết liền mấy truyện dài quá mệt, tôi cần phải nghỉ ngơi. Xưa nay tôi luôn chú ý phải giữ tâm thái sáng tác tốt nhất, quyết không thể chỉ biết vùi đầu vào công việc hoặc cố rặn trước trang giấy. Thế là có một loạt tản văn sau chuyến du lịch châu Âu và có Đại sư hoa hồng..., sau đó lại có Sáu cây cầu trên đê mùa xuân.

Thật là có lỗi, thời trẻ thì nhân vật chính trong tác phẩm của tôi phần nhiều là thanh niên. Sau tuổi tôi cao dần, tuổi của nhân vật chính trong tác phẩm của tôi cũng dường như lớn lên. Năm 1994, tôi đã tròn sáu chục tuổi, biết rõ cái già sắp đến hoặc đã đến rồi. Sau đó, trong một số vụ kiện cáo về bút mực, tôi phát hiện ra mình đã có khoảng cách với một số các bạn trẻ. Bèn than rằng: “Vương Mông già rồi!”.

Già là thế nào? Là tâm tình chuyển sang phẳng lặng song cũng có nhiều nuối tiếc và không cân bằng; là trải rất nhiều bể dâu nhưng vẫn còn lỗ mãng và ngây thơ mà không biết hối; là rất nhiều gặm nhấm về hồi ức, nhấm nháp lại việc đã qua, là sự phản chiếu ánh sáng, là cảm thấy thú vị với hiện thực trước mắt nhưng lại tự biết mình đã có khoảng cách, khác nào “Buồn ngóng gió xuân nay lại đến, đổi khác nhân gian”(2); là rất nhiều điều trân trọng, rất muốn tiếp thu nhưng dần dần tách ra xa lẳng lặng đứng xem và ít nhiều né tránh; là khoan dung nhưng lại ưa canh cánh trong lòng và cố chấp; là niềm ấm áp khi được vuốt ve những việc đã qua song lại thận trọng và cẩn thận một cách thành thạo; là kinh nghiệm và dư vị về cuộc sống nhưng lại có hạn độ rất lớn và bóng đen vĩnh hằng, không cách nào tránh khỏi...

Những điều ấy tôi đều thử viết thành truyện. Hơn nữa trước đây, chưa có truyện nào tôi chú ý đến kết cấu như thế để thiết kế. Hư và thực, sáng và tối, giản dị và phồn, tuyến này với tuyến kia và hai tuyến khác, có lẽ bản thân hình thức ấy cũng chính là một mặt của sức đẩy từ bên trong để hoàn thành truyện này.

Cuối cùng tôi không ngại nhắc đến một mặt nữa là sức hấp dẫn của phong cảnh mùa xuân ở Giang Nam. Là một người miền Bắc, lẽ nào tôi có thể đứng trước phong cảnh Giang Nam tuyệt đẹp mà không lặng lẽ hay rơi lệ hay sao? Một người viết tiểu thuyết lẽ nào có thể đứng trước vẻ đẹp của Thần châu mà lòng không vương chút buồn không? Truyện này là tiểu thuyết và cũng là một thiên du ký đã được thay đổi mặt mũi.

(Tạp chí Tiểu thuyết tuyển chọn, số 11 năm 1997).

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

 

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/26689


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận