Tặng Bình
Nhà mới.
Khách mới đến nhà. Thực ra chỉ là đứa bạn cũ.
Hai thằng héo hon tính đã đến hơn chục năm để bon chen chốn thị thành. Cuối cùng, một thằng khá hơn cũng mua được căn nhà xa tít tắp, ở cạnh sông, nước quanh năm đen quánh như mực. Trời hơi dậy nắng là mùi thum thủm từ sông dội lên. Rồi giống như tên kẻ trộm tinh ranh và lành nghề, cái mùi thum thủm ấy, thoắt cái đã chui tọt vào nhà rồi trốn vào một ngóc ngách nào đó mà gia chủ không hề hay biết. Chỉ đến khi nó ăn cắp hết bầu không khí trong lành ở khắp các gian phòng thì chủ nhà mới té ngửa. Nhưng chả làm sao khác được. Coi như cùng chung sống, có chăng cẩn thận hơn bằng việc ra vào khép cửa. Nước lau nhà Sunday hương nắng mới gì gì đó cũng chịu chết, chả tẩy uế được cái mùi thum thủm, nhức cả đầu ấy. “Tên kẻ trộm” đã quyết tâm bám riết lấy “nơi trú ngụ” mới.
Có nhà là tốt rồi.
Ừ, có nhà là tốt rồi.
Những thứ khác ít quan trọng hơn. Và thế nào rồi cũng phải quen.
Khách mới đến nhà. Nhà mới trống huếch trống hoác. Bếp lỏng chỏng mấy cái thùng các tông, không nồi không niêu. May là còn phích nước đun từ hồi sáng.
Hai thằng lạch xạch úp hai bát mì tôm. Nước hơi nguội, thành thử phải đợi lâu. Đến khi mở bát ra, mì tôm đã trương phềnh cả lên. Hai thằng nhìn nhau cười méo mó. Rồi cắm cúi mà ăn.
Chạnh nhớ…
Ngày nào cũng như ngày nào.
Bảy giờ tối mới giãy được ra khỏi cái bàn làm việc ở cơ quan. Tắt cầu dao điện. Cái điều hòa kêu như máy xát bị cắt điện đột ngột, khục cánh xuống, ủ rũ. Dắt xe ra khỏi cơ quan vắng, đứng trân trối nhìn vào dòng người lũ lượt ào qua trước mặt mà tự thấy mình lạc lõng. Rồi cũng cái tâm thế lạc lõng ấy, sẽ chạy về, rúc vào căn nhà trọ ở tầng ba một khu tập thể nọ. Để ẩn náu. Nhà bé bằng cái nắm tay. Một nửa cái nắm tay dùng để chứa sách. Nửa còn lại, chỗ làm “ổ”. Đi làm cả ngày, cơm hàng cháo chợ, về đến nhà, chui lên giường ngủ, thế là hết một đêm. Chẳng may cô bạn gái đến chơi không biết ngồi đâu. Cả một lố tất bẩn chưa giặt, nhét vội ở dưới chiếu, gắt mùi khăm khẳm. Cả chủ lẫn khách mặt đỏ bừng. Lần sau thì chừa, hẹn đâu thì hẹn, chớ có về nhà.
Giờ thì đã có “tổ” đàng hoàng rồi. Không còn sợ những ngày cuối tháng, bà Quýnh béo chống nạnh đứng chờ ở cửa ra vào. Đứng đến lúc nào tiền luồn vào tay. Rồi cũng không buồn đếm, chỉ gõ gõ vài cái vào tường là biết đưa đủ hay không, tiền thật hay tiền giả. Thế mới tài. Rồi ngoảy đít bỏ đi.
Giờ cái tổ là của mình rồi, mình sẽ đứng ở cửa ra vào, hít một hơi thật sâu, bắt chước điệu bộ của bà Quýnh béo. Cầm tập tiền lổn nhổn những năm trăm, một nghìn đồng, gõ phạch phạch vào tường, cất tiếng cười ha hả. Nghĩ tới đây, bát mì trương phềnh nguội ngắt biến ngay thành bát phở nóng giãy, thịt bò chín tới, tiêu hành chanh ớt chêm đủ cả, mời thực khách xơi. Sao mà ngon ngọt. Bụng đang đói, vớ được tô phở thế là hả lòng hả dạ. Bèn bê cả bát lên, húp cho nhanh. Ăn xong, quay nhìn thằng bạn, vẫn thấy ì ạch với bát mì tôm mới chợt giật mình. “Sao mình ăn phở để cho nó ngồi nhá mì tôm?” Đoạn phá lên cười. Thằng bạn trễ kính, ngước lên:
- Mày điên hả? Ăn nốt hộ tao cái. Ớn thấy mẹ.
Lòng chùng xuống:
- Thôi, dọn tới đây ở luôn với tao cho vui.
- Thôi đi cha. Cha còn lấy vợ. Tui ở đây tui phá
- Ừ, nhỉ… thì cứ đến ở đây tất đã sao.
- Cha huýnh nó vừa thôi. Thôi, cha có nhà, tui mừng cho cha. Thế là vui rồi. Mấy nữa tui kiếm cô bồ có nhà mặt phố cho cha coi.
Đến đoạn này thì hai thằng cười chảy cả nước mắt.
Lạc quan, cũng là một nghệ thuật sống mà.
ê
Nhà mới, sao mà khó ngủ. Hai thằng hết xây lưng vào nhau rồi lại co chân, gác cẳng. Giường chiếu cũng trở mình ọt à ọt ẹt hoài.
- Bữa nào mất nước, tới đây mà tắm.
- Ờ…
Nghe thằng bạn ừ hữ mà lòng chông chênh. Nói mãi chuyện nhà cửa, chẳng phải làm cho nó tủi thân đấy sao. Hai ông bà già nó, úp mặt cả đời vào mấy sào ruộng trũng, mơ bao giờ cho tới căn nhà ở thủ đô? Con bạn gái của nó, cũng hiền lành dễ thương, hai đứa yêu nhau dễ đến bốn, năm năm, vậy mà đùng cái, con bé bạn đành nói lời “chia tay hoàng hôn”. Lý do: vì bố mẹ cấm. Nhà không có, lấy nhau để mà chết à? Lương lại ba cọc ba đồng, có bao nhiêu đưa hết cho thiên hạ vụ thuê nhà thuê cửa, còn lấy gì mà sống nữa đây? Tình yêu cũng phải ăn cơm bụi, tránh đèn đỏ trên mặt đất, chứ chả lẽ cứ lãng đãng suốt ngày trên cung trăng? Đấy, toàn những lý luận không thể không nghe, không thể không hiểu.
Mà càng hiểu càng đau…
Ọt ẹt ọt ẹt…
Ọt ẹt ọt ẹt…
Ọt ẹt… ọt ẹt… ọ… t… ẹ… t…
- Hôm trước tao gặp K.
- Thằng ấy gặp làm gì…
- Thì… chẳng may gặp!
K. là bạn chung đại học của hai đứa. Ngày ấy, ba thằng rủ nhau đi làm thêm kiếm tiền trong mấy tháng hè. Cũng là mua hàng mua họ, mua đi bán lại kiếm dăm đồng tiêu xài, đỡ tiền học phí, xóa sổ “tư cách con nợ” ở hàng cơm bụi.
Ba thằng cũng họp bàn lên kế hoạch, vạch phương án, bám sát mục tiêu. Làm cứ như thật. Mà làm thật đấy chứ. Thậm chí làm ăn có bề ngon trớn, anh em mở cờ trong bụng. Đến một chuyến phải cất công sang tận “đất Tàu” thì có đôi chút phân vân. K. khoe có ông anh họ đang ở bên ấy, có gì cứ nhờ cậy, không phải ngại. Anh em sau một hồi suy tính, thống nhất giao cho K. nhiệm vụ ôm vốn đi mua hàng. Nhưng ắng đi cả chục ngày, đợi mãi không thấy tăm tích K. đâu. Hai thằng ở nhà đã thấy lo lo. Đợi thêm vài ba bữa nữa, quả nhiên K. đánh tiếng về, kêu bị “xù” mất cả tiền lẫn hàng rồi. Rồi K. cũng bặt tăm tích luôn. Hai thằng è ra giả nợ. May mà mấy lần làm ăn trước cũng dư dả được chút ít. Giả nợ gần xong mới có đứa cười khẩy, rỉ tai: Chúng mày bị thằng ấy lỡm đấy. Nó ôm tiền sang mở cửa hàng bên N. ấy. Ra dáng ông chủ lắm. Di động xịn gọi ời ời cả ngày. Nói chuyện toàn chỉ ngón tay vào mặt người ta. Kết thúc câu chuyện, thằng bạn than: Chúng mày ngu đ. chịu được.
Thì đã biết là mình ngu quá rồi.
Vào năm học, hai thằng đến gặp K., tính hỏi cho ra ngô ra khoai, nhưng nó chỉ tỉnh bơ: Tui biết gì làm ăn với hai ông. Tiền nong phải nói có sách, mách có chứng, ai chơi cái kiểu xưng xưng đến nói “Mày cầm tiền của tao. Trả tao đây”. Thế thì tao cũng đi đòi thiên hạ cả ngày chơi!
Tức đến ói máu. Điên quá thì lăn vào ẩu đả một trận đã đời. May mà nhà trường không đuổi học. Thôi thế là quá đủ để biết nhau, mà tránh nhau ra. Cũng là có thêm bài học: đừng có tin bố con nhà thằng nào. Đấy, càng học càng đau.
- Thôi ngủ đi mày!
- Ờ…
Lại xây lưng, duỗi chân, co cẳng, úp bụng xuống gối… Cái giường tiếp tục điệu khúc ọt ẹt ọt ẹt… Bát mì tôm trương từ chập tối đã hết veo từ lúc nào. Mà nhà cũng chẳng còn gì ăn ngoài mì tôm. Bao tử ọc ạch hết chịu nổi.
May quá, vớ được hàng bánh mì đi rong. Bà bán mì trông rõ quen. Thôi chết, chuyên bán bánh mì cho xóm trọ sinh viên ở làng M. đúng không? Ô, thì ra mấy chú hả. Nhà đẹp quá hả? - Nhà đẹp mua giùm chục tấm đi mấy chú. - Nhà nó chứ đâu phải nhà tôi. Mua chục tấm để mang lên bàn thờ, thắp hương ông bà ông vải hả bà? - Bánh mì để vô tư, không sợ nhiễm chì hay chất gì mờ mờ đê đê gây ung thư như cái vụ nước tương đâu mấy chú. - Bán bánh mì mà cũng cập nhật tin tức thời sự ghê quá nhỉ. Bánh mì này đích thị có formon mới để được lâu thế. Bà biết formon là cái gì không? - Là gì mấy chú? - Là cái chất chuyên để ướp xác người chết ấy. - Chú nói gì ghê thế. Tôi ăn suốt ngày có sao đâu. - Thế thì mấy nữa bà chết, không cần phải ướp xác nữa đâu.
Bà bán bánh mì cầm tiền, cười hi hi: “Mấy chú vui tính thật”, đoạn lạch xạch đạp xe đi và tiếp tục vóng vót: “Ai bánh mì nóng đê… ê… e…”
“Bánh mì điêu chết mẹ” - thằng bạn vừa gặm vào tấm bánh đã la oai oái: “Ruột rỗng tuếch rỗng toác. Thế này tao phải xơi được năm cái.”
“Thôi, dùng chính sách đắp bờ đi cha. Ăn một miếng bánh, một miếng nước. Đảm bảo dạ dày ổn ngay.”
Phích nước - giờ chỉ còn hơi âm ấm, tiếp tục được mang ra trưng dụng. Bốn cái bánh mì tắc lẻm cái là hết. Rồi lại đổ lưng xuống giường.
Ọt ẹt ọt ẹt…
Ọt ẹt ọt ẹt…
Ọt ẹt ọt ẹt…
Ọt ẹt ọt ẹt…
- Chỗ mày dạo này đã ổn chưa?
- Thì vẫn vầy vậy.
Thở dài. Cái chỗ làm việc dăm ngày ba chuyện. Người làm không hết việc, người thì đủng đỉnh chắp tay đến đọc vài ba tờ báo, tán dăm ba câu chuyện, cười lào phào rồi đi. Đến kỳ lĩnh lương, cái thằng làm hộc cả bơ ra vẫn là đứa chịu thiệt. Những sự tử tế, người tử tế cứ lần lượt ra đi…
- Còn gặp em không?
Đợi mãi. Chả thấy động tĩnh gì. Chỉ có cái giường ọt ẹt ọt ẹt mãi. Tự trách mình vô duyên. Động vào nỗi đau của nó làm chi. Tình yêu của nó ra đường kiếm chỗ có đèn xanh để đi rồi. Gặp nhau thì cũng thế mà thôi. Coi như là vô duyên mà.
- Thứ sáu tới tui đi Sài Gòn.
- Đi làm gì?
Thằng bạn trở mình, ngỏng cổ nhìn ra ngoài cửa sổ.
- Thì có cái hội chợ trong đó. Vào làm ba loong toong mà. Mưa hay sao ấy ông ạ.
- Chết mẹ, quần áo tui phơi trên sân thượng.
Ịch ịch chạy lên. Vơ quáo vơ quào đống quần áo. Nhìn quanh, chả biết phơi chỗ nào. Đành ném toẹt ra mấy cái ghế ngoài phòng khách.
- Nhà này phải thiết kế lại ông ạ.
- Ừ, tui cũng tính thế, nhưng đợi giả nợ xong đã.
- Thôi thế là tốt rồi.
- Ờ…
Lại nằm xuống giường.
Ọt ẹt ọt ẹt…
Ọt ẹt ọt ẹt…
- Ông nhớ cái đận bão tốc mái nhà không?
- Nhớ chứ. Kinh thật! Kể cho người khác nghe, không ai tin. Mấy thằng còn gác chân lên nhau ngủ, thế mà rộp cái, mái nhà tốc mất tiêu. Cứ như người ta lật quả trứng tráng lên, ném ra đĩa vậy vậy. Giờ thì ngon rồi.
- Ờ…
- Rồi còn cái lần ông ốm, thuốc không uống, cứ nước bò húc mà xực. Khiếp chết mẹ.
- Ờ… thì rệu rã quá, làm liều tăng lực chơi…
- Thế thì tui chất bò húc chật nhà mất.
Hai thằng khùng khục cười. Lăn lộn mà cười. Cười tới chừng mở mắt ra, thấy nắng chiếu vào cửa sổ, tưởng là mơ.
- Cha ơi cha, sáng gang mắt ra rồi.
- Thế là vừa hết một đêm.
- Ờ, vừa hết một đêm…
Bụng bảo dạ: Tới chừng nào hết phải đo đếm một đêm đây?