Kẻ Dự Phần Truyện ngắn 9


Truyện ngắn 9
Thùng rác

 

- H. à, tôi, P. đây mà!

Hắn nhìn tôi lạ lẫm. Làm như thể lần đầu tiên tôi xuất hiện trước mặt hắn vậy. Thậm chí là một sự xuất hiện dự báo những phiền hà.

- P. ở Gốc Mít ấy, cậu không nhớ à?

- Gốc Mít... ừ, à...

Hắn nhíu mắt, cứ như là đang lục lại một ký ức nào xa xôi lắm. Trong lúc nhíu mày, hắn vẫn cảnh giác liếc nhìn tôi.

Thực ra, tôi với H. vừa gặp nhau hôm kia. Ngồi trong quán bia Tú béo, tay khoác tay, mồm không ngớt kể về những kỷ niệm ngày bé giữa hai đứa, hồi còn ở dãy nhà tập thể của công nhân nhà máy sợi, khu Gốc Mít. Khu nhà lúp xúp, lợp giấy dầu đen xỉn, hè nóng,


đông lạnh; nhà ở sau chuồng lợn hôi rình. Lũ trẻ con chúng tôi suốt ngày bị bố mẹ xua ra khu nghĩa địa gần nhà hái rau dền cơm, rau sam về nấu canh ăn. Công nhân

lương ba cọc ba đồng, không chịu khó nhặt nhạnh có mà chết đầu nước.

Rồi hai thằng còn nhắc cả đến chuyện dãy nhà mười mấy hộ chỉ có mỗi hai cái hố xí lộ thiên, rắc tro. Mùa hè dòi bò nhung nhúc lên tận miệng hố. Thằng H. thuộc dạng “rắn mặt” vừa ị vừa ngồi di những con dòi béo mầm, mãi không chịu ra, làm bọn đứng ngoài phải đợi lâu, la oai oái.

Ối dào, những chuyện ấy, nhắc lại mà nổi da gà. Thằng H. vừa cười sằng sặc, vừa nôn ọe chỗ thức ăn mới tống vào bao tử. “Mẹ kiếp, tự nhiên nhắc lại những chuyện này làm chó gì. Ăn mất cả ngon. Thằng chó này!” Nó vả bôm bốp vào mặt tôi, đoạn gọi bia tiếp. “Mày nhớ cái lần mày gọi tao vào kéo con giun ra khỏi đít cho mày không? Mẹ kiếp, thuốc tẩy giun ngày ấy kiểu chó gì tởm thế. Con giun ra nửa chừng vẫn còn ngoe nguẩy, lôi mãi mới ra được.” Lại cười sằng sặc, lại nôn ọe.

- Thế nào, nhớ ra chưa? P. Gốc Mít, khu tập thể công nhân nhà máy sợi ấy!

- Xin lỗi nhé! Đúng là ngày xưa tôi có ở đấy, nhưng P. thì tôi chịu, không nhớ ra nổi. Thành thật xin lỗi anh.

- Thằng chó này! - Tôi chửi thầm trong bụng.

- Thế anh có việc gì?

Một giọng đặc quan cách. “Thế anh có việc gì?” - Nghĩa là tôi tìm đến anh tức là tôi có việc, tức là tôi cần đến anh. Tao thì cần chó gì mày. Nhớ “tình xưa nghĩa cũ”, đến rủ đi ăn trưa chứ cần chó gì đến mày.

- Chả việc gì cả. Có lẽ tôi nhầm.

Tôi chụp mũ lưỡi trai lên đầu, bỏ đi, lòng vẫn chưa hết hậm hực.

Hết hứng rủ bạn đi uống bia, tôi ra quán Tú béo một mình. Trời nắng chang chang, vậy mà lão cứ trần trùng trục như con trâu mộng với cái khăn màu cháo lòng vắt trên vai.

- Anh đi một mình hay mấy người để các em nó
xếp bàn.

- Mẹ cha lão Tú béo! Mặt thằng này ở đây chưa đủ nhẵn à?

Đang sẵn cơn bực, tôi chửi vung lên. Tú béo nhệch mồm ra cười:

- Quán đông quá, ông anh thông cảm.

Kiểu nói thế, chứng tỏ Tú béo chưa nhận ra tôi. Khác hẳn khẩu khí mọi khi, nhìn thấy chiếc xe ghẻ của tôi tà tà lượn qua đèn xanh đèn đỏ là Tú béo đã tít mắt lại, giả lả:

- Chào đại ca P. Gớm, đại ca lúc nào cũng phong
độ nhỉ.

Không có nhẽ chỉ hôm qua đến hôm nay, tôi đã bị cho vào ngăn rác trong bộ nhớ của lão? Tôi nhấp ngụm bia lạnh mà miệng đắng ngắt.

Tự nhiên tôi thấy lạnh xương sống khi linh cảm có điều gì đó bất ổn đang xảy ra với mình. Bắt đầu là một buổi sáng rắc rối với ông bảo vệ khó tính. Ông ta hết nhìn tôi, đến nhìn chiếc xe máy tôi vừa hì hụi dắt ra khỏi khu nhà xe nóng hầm hập và ngột ngạt mùi xăng dầu. Ông ta nhìn tới nhìn lui chiếc xe, đoạn săm soi chiếc vé xe trên tay, cứ như tôi đang dắt nhầm cái xe của một ai đấy vậy. Hôm trước ông ta chẳng nhăn nhó mà bảo: “Xe cậu kêu như cái công nông ấy” - chẳng lẽ lại còn có cái “công nông” thứ hai mới mọc ra ở khu nhà xe này?

Đấy là chuyện thứ nhất.

Chuyện thứ hai là đám nhân viên trong công ty. Họ lạnh nhạt đi qua mặt tôi, gật đầu một cách khách sáo, thậm chí là hơi khó chịu khi tôi vồn vã hỏi han. Điều này thật khác hẳn mọi khi. Phòng uống trà cạnh hành lang sẽ tấp nập vào buổi sáng mỗi khi tôi xuất hiện. Tôi luôn có những tin nóng về chứng khoán cho mọi người (thực ra là tôi nhặt nhạnh từ chỗ ông anh họ). Thời buổi này, còn gì hấp dẫn hơn mấy cái vụ chứng khoán kia chứ? Nhưng sáng nay... Thật là khó hiểu.

Đấy là chuyện thứ hai. Chuyện tiếp theo là với cô bồ đỏng đảnh của tôi. Cô nàng làm ở phòng Kế toán cùng công ty. Hôm trước chúng tôi cùng hẹn hò sẽ đi ăn trưa với nhau, sau đó tranh thủ tạt vào nhà nàng. Nàng ba mươi ba tuổi, nồng nàn và nhất định không chịu lấy chồng. Tôi cố tình nện gót giày thật mạnh khi đi qua mặt nàng, vậy mà nàng chẳng thèm để ý. Đợi phòng Kế toán vắng người, tôi chạy thẳng vào chỗ nàng. Chưa kịp à ơi xôi chè gì, nàng đã tỏ ra khó chịu:

- Lấy lương thì để đến mai đi. Tôi còn phải đi lên cục Thuế.

Rồi nàng dửng dưng đi lướt qua mặt tôi như thể tôi là một kẻ xa lạ đang tìm cách quấy rối. Tự an ủi là nàng đang bận. Lại có đợt kiểm toán sổ sách thu chi của cơ quan, nàng bực dọc thế là còn nhẹ. Tôi bấm bụng bỏ đi, không một lời than vãn. Rồi tôi nhớ đến H.; nhớ đến thằng bạn cùng chung khu tập thể của công nhân nhà máy sợi ở Gốc Mít. “Trưa khi nào cậu rảnh qua mình rồi cùng đi ăn nhé. Bận với ai, chứ không thể bận với P. Gốc Mít được.” H. thề sống thề chết với tôi như vậy. Nhưng sự thể thì sao nào?

Sau đó là lão Tú béo, người nung núc và đỏ bầm như con trâu mộng: “Anh đi một mình hay mấy người để các em nó xếp bàn.” Anh em chó gì nhà lão kia chứ.

Rõ ràng tôi không bị sa thải khỏi công ty, không dính phốt nọ phốt kia; mọi thứ vẫn rất OK; thế thì tại sao tự nhiên vào một ngày đẹp trời thế này, tất cả đồng loạt khước từ tôi?

Bế tắc trong suy nghĩ khiến tôi muốn ốm. Tôi bỏ về nhà. Mặc mẹ nó cuộc họp buổi chiều.

Nhà cửa tanh bành. Vợ con dắt nhau về nhà ngoại từ đầu tuần, tôi đi tối ngày, cũng chẳng buồn dọn.

Tôi vào nhà tắm, xối nước vào người cho đỡ ngột ngạt. Nhưng tại sao lại thế này? Tôi hoảng hốt nhìn vào Thằng Người trong gương. Tại sao lại có nó ở đây? Một khuôn mặt bèn bẹt, vô cảm. Hai con mắt lờn lợt của nó trương lên nhìn tôi. Vốn không phải người yếu bóng vía, sợ run lên khi nghe mấy chuyện ma quỷ, tôi chỉ lấy làm lạ về sự xuất hiện của Thằng Người kia. Tôi giơ tay sờ vào mặt nó. Nó cũng giơ tay sờ vào mặt tôi. Tôi hỏi:

- Mày ở đâu ra vậy?

Nó cũng mấp máy mồm hỏi tôi ngần ấy từ.

- Mẹ kiếp! Tao là chủ cái nhà này!

Nó nhếch mép cười khinh thị, nhại lại:

- Tao là chủ cái nhà này!

Tôi và Thằng Người kia vờn nhau một hồi thì tôi
sực tỉnh: Chẳng có ai ngoài tôi trong cái nhà tắm ngổn ngang những chai lọ và một thùng rác đầy có ngọn, lổn nhổn giấy rác, đầu mẩu thuốc lá và bao cao su. Thằng Người-Tôi mọc lên từ đám ấy, giống một cái giẻ chùi đã quá date.

Nhưng tại sao lại có thể như thế được? Ngày nào tôi cũng soi gương, cạo râu, xức nước hoa trước khi đi làm. Tôi phong độ và bảnh bao; không phải một khuôn mặt vô cảm, thiếu sinh khí đến thế này. Nhất định tấm gương trong nhà tắm có vấn đề. Tôi hối hả chạy ra ngoài phòng khách. Thằng Người-Tôi đứng chễm chệ trong gương. Hai má chảy nhão, xanh bủng. Đôi mắt lờ nhờ, bé như hai hạt đỗ. Mũi tẹt rúm xuống hốc mồm thâm sì. Tôi nhìn hình ảnh của chính mình mà chỉ chực nôn ọe. Trời ơi, sao đấy có thể là tôi được?

Không tin vào những chiếc gương trong nhà, tôi chạy ra sảnh, đi vào cầu thang máy, với hy vọng “kiểm định” lại một thực tế tươi sáng khác. Một đứa trẻ khóc ré lên khi nhìn thấy tôi. Bà trông trẻ hốt hoảng cắp ngang người nó, vừa nhìn tôi vừa đi giật lùi vào trong nhà, mặt cắt không còn giọt máu. Cũng may cửa thang máy vừa kịp khép lại.

Chưa kịp thở phào, tôi đã phải chứng kiến một sự việc còn kinh khủng hơn nhiều. Bốn mặt thang máy sáng bóng cùng lúc xuất hiện bốn Thằng Người-Tôi. Bốn cặp mắt hạt đỗ, bốn cặp má chảy xệ, bốn quả mũi rúm ró hăm hở tiến đến, siết chặt tôi vào giữa vòng vây. Tôi không còn một chỗ nào để bám víu.

Cửa thang máy kịp mở đúng lúc tôi tưởng mình sắp chết đến nơi. Thằng cha hàng xóm đứng chặn lù lù ngay cửa ra vào. Tôi nhệu nhạo cười, ra điều biết ơn. Chẳng nói chẳng rằng, thằng cha nhổ nước bọt phì phì xuống đất, quay ra đi thang bộ.

Không còn đủ can đảm ở lại thang máy, tôi cũng nối gót theo gã hàng xóm, lê từng bước nặng nề.

Đầu tôi bị xâu xé bởi muôn ngàn câu hỏi. Tại sao? tại sao? tại sao? tại sao? tại sao? tại sao? tại sao? tại sao? tại sao? tại sao? tại sao? tại sao? tại sao? tại sao? tại sao? tại sao? tại sao? tại sao? tại sao... sao... sao...

Tôi là ai? Tôi không biết nữa. Một ký ức xa xăm gợi về. Tôi là P., sống ở khu tập thể công nhân nhà máy sợi, chỗ Gốc Mít. Nhưng lạ kỳ thay, những phần đời sau này tôi không thể đọc được tên nó lên. Tôi đi học, dựa vào đứa bạn ngồi bên cho chép bài. Lớn lên đi làm, dựa vào ông chú nhà vợ. Tiền tiêu xài, tôi dựa vào vợ, tiền lương của tôi đủ bao cô bồ nồng nàn nhưng nhất quyết không chịu lấy chồng.

Tôi là ai? Tôi không biết.

Thằng Người-Tôi chán chường ngồi xuống cạnh tôi. Nó đắn đo không biết có nên đi theo tôi nữa không. Đoạn nó trườn vào thùng rác và mất hút ở trong ấy.

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83214


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận