Không Lạc Loài Chương 3


Chương 3
Tôi không cố tình gây ra những tổn thất ấy

“Tôi có con trai rồi!” – Đó là câu nói của bố khi tôi cất tiếng khóc chào đời. Mẹ và những người hàng xóm sau này thỉnh thoảng vẫn kể lại chuyện đó đến mức nó trở thành một giai thoại. Tuy nhiên, có thể với nhiều người, câu chuyện này mang ý nghĩa khác. Thậm chí, có thể họ đem chuyện này ra để đùa, ác ý hoặc không? Dù sao, nó vẫn là một sự thật. Với tôi, nó là câu chuyện luôn xoáy vào tim óc. Tôi là con trai, là đàn ông. Hay không phải?! Tạo hóa khi sinh ra tôi, đã cài vào một mã phá hoại bí mật nào đó? Hay cuộc sống này, với những ngoắt ngoéo của nó, đã đưa tôi vào một khúc quanh kỳ lạ?

Năm 1970, bố tôi nằng nặc xin phép bà nội cho đi bộ đội khi chưa tròn 17 tuổi. Khi đó, bác tôi là con trai lớn trong gia đình đang được cử đi học tập ở nước ngoài, bố tôi sợ bác bị gọi về. Chiến trường phía Nam lúc đó cực kỳ khốc liệt, nhập ngũ, bố tôi được đưa ngay vào Nam. Bố mẹ tôi gặp nhau trong chiến trường và yêu nhau. Mẹ tôi khi đó là một y tá. Còn bố, chiến đấu một thời gian thì bị thương nhẹ vì bom và được đưa ra tuyến sau. Bố được đi học và sau này trở thành bác sĩ quân y.

Sau khi chiến tranh kết thúc, bố mẹ tôi làm đám cưới - một đám cưới giản dị của thời khó khăn. Lúc này, mẹ tôi đã được chuyển công tác về Hà Nội, nhưng bố vẫn tiếp tục đóng quân trên Lai Châu. Mỗi năm, bố chỉ được về phép ít ngày. Cuộc sống thời chiến dường như vẫn tiếp tục đối với gia đình nhỏ bé mới thành hình. Sau mỗi lần bố tôi về phép, mẹ mang thai nhưng hai lần đều không giữ được. Khi mang tôi trong bụng, đang khấp khởi mừng thì mẹ bất ngờ lên quai bị. Ông bà nội ngoại, rồi cả bố khi nhận được thư đều không muốn mẹ sinh tôi. Nếu như không có hai lần sẩy trước, có thể mẹ đã làm theo lời khuyên của mọi người. Nhưng đây là lần thứ ba… Quá tam ba bận, dân gian tin rằng lần thứ ba sẽ có kết quả tốt. Còn nếu không, sẽ phải bắt đầu lại từ số không, thậm chí số âm.

Bỏ đi một sinh linh bé nhỏ đang quẫy đạp trong bụng luôn là một quyết định quá khó khăn với một người đàn bà. Vì đã đứng trước nỗi băn khoăn đó, nên mẹ có phần chiều tôi hơn cả em gái - được sinh ra một cách bình thường. Sau này, mỗi lần kể lại chuyện này, mẹ lại ôm chặt lấy tôi như sợ tôi vụt biến mất.

Lúc đó, chỉ có bác gái chị của mẹ - cũng là một y tá – đã thuyết phục mọi người giữ tôi lại. Bác hứa chắc như đinh đóng cột: sẽ nuôi tôi suốt đời nếu như tôi bị khuyết tật về sức khỏe và trí tuệ. Sau này, bác là người mẹ thứ hai của tôi và con bác cũng rất yêu quý tôi ngay cả khi biết tôi là người đồng tính. Bác cũng là một trong những người phụ nữ mà tôi ngưỡng mộ.

Tính toán ngày giờ, bố xin đơn vị về phép. Thời đó, có câu chuyện vui rằng một anh bộ đội nhận được điện tín (không dấu) chỉ có mấy chữ: VO DE, VE NGAY và người lính ấy nhầm “vợ đẻ” thành “vỡ đê”! Bố về được vài ngày thì mẹ sinh tôi. Tôi sinh ngày 12-1-1980. Nếu tính lịch dương thì tôi thuộc thế hệ 8x như các bạn trẻ bây giờ vẫn nói. Nhưng nếu tính tuổi để lập gia đình, thì tôi lại sinh cuối năm 1979 âm lịch và cầm tinh con dê. Năm Kỷ Mùi.

Ngày đón vợ con từ bệnh viện về, bố tôi làm gà. Bỗng ông bật dậy chạy mấy vòng quanh bể nước khu tập thể, tay cầm con gà vừa cắt tiết hét toáng lên: “Tôi có con trai. Tôi có con trai rồi!”. Có con trai, đó là mong ước của tất cả các gia đình người Việt. Nói đúng hơn, là mong ước của mọi ông bố. Không biết có phải vì thế mà khi biết tôi đồng tính, bố đã rất thất vọng và ông trút tất cả những mất mát ấy vào tôi? Thật ra, tôi vẫn là một người đàn ông, chỉ khác một điều, tôi chỉ có cảm giác tình yêu với đàn ông. Nhiều lúc, tôi chỉ muốn gào lên: “Tại sao? Bố? Con vẫn là con trai của bố!...”

***

Tôi là đứa nhạy cảm từ nhỏ và đến giờ vẫn vậy. Nhạy cảm và suy tư, bên ngoài là một cái vỏ đầy biến động. Từ bé tôi đã lờ mờ nhận ra: Con người sinh ra trên đời là điều kỳ diệu. Có thể có tôi trên đời hoặc không. Chỉ cần mẹ nghe theo ý kiến của mọi người… vậy là không có tôi trên đời! Cũng có thể, dù thế nào tôi cũng xuất hiện, nhưng sẽ mang hình hài khác. Lớn hơn chút nữa, nghe chuyện mẹ mắc quai bị - một bệnh có thể ảnh hưởng đến thai nhi, tôi băn khoăn mãi với câu hỏi: Nếu mẹ không mắc căn bệnh ấy, liệu tôi có là người đàn ông bình thường? Và những câu hỏi này mãi mãi không bao giờ tôi trả lời được cho mình.

Hồi mới khoảng bốn tuổi, có những đêm tôi tỉnh giấc vì nghe tiếng bố mẹ cãi nhau trong đêm. Nhiều lần như vậy, tôi chập chờn trong những tiếng nói, câu hỏi đầy căng thẳng cố nén của bố, trong những tiếng khóc và giọng van vỉ của mẹ. Không biết gì về những mối quan hệ quá phức tạp của người lớn, nhưng có những câu nói mà tôi nghe thấy đứt đoạn trong đêm, trở đi trở lại: Con anh… không phải con anh… Rồi một hôm, nằm yên nghe, tôi thấy bố lục đục trong bóng tối tìm đốt hết những tấm hình chụp tôi trước đó, rồi tiếng mẹ khóc. Tôi vẫn nằm im để rồi sau đó lại thiếp đi trong giấc ngủ nặng nề. Và, một đứa trẻ mà mọi người đều nghĩ là ngây thơ không biết gì, là tôi khi đó, bắt đầu lờ mờ có những câu hỏi: Sao tôi lại không phải con của bố? Nếu không phải thì sao? Nếu là con bố sao bố lại đối xử với tôi như thế?

Thật ra, khi đó, tôi không hề quan tâm đến vấn đề “của”. Tôi có là con của bố hay không thật ra không quan trọng. Với một đứa bé, tình yêu và sự quan tâm của người lớn là quan trọng nhất. Nhưng bố đã đẩy tôi ra, bằng hành động đốt hết ảnh của tôi. Sao tôi lại phải chứng kiến chuyện đó? Đó là số phận của tôi. Một khoảng trống vô hình giữa bố và tôi đã thành hình, ngày qua ngày khoảng trống càng lớn lên với cách cư xử cứng rắn của bố, với tính nông nổi và ương bướng của tôi. Tôi không cởi mở với bố và sau này có những bí mật tôi không thể nói ra cùng bố, bố tôi không có cách nào để chia sẻ những kinh nghiệm cuộc đời, kinh nghiệm của một người đàn ông cho tôi. Và tôi cũng thiệt thòi không kém khi không được học những kinh nghiệm quý báu đó.

Mặc cho những nghi ngờ của bố, tôi lớn lên với những nét giống họ nội nhiều hơn. Ông bà, các cô, các chú luôn chiều thằng cháu bé bỏng, tôi nhận được sự cưng chiều của tất cả mọi người trừ bố, bố luôn luôn nghiêm khắc với tôi. Sau này, tôi được biết, bố nghi ngờ vì ngày trước mẹ có một người bạn đồng hương rất yêu quý mẹ. Tất nhiên, việc bố nghi ngờ chẳng có mảy may sự thật nào. Dù sao thì tôi vẫn yên tâm là con mẹ. Có một thời khi còn bé, tôi nghĩ tôi chỉ là con mẹ. Tôi nhận thấ đàn bà đa số là bao dung và sống đầy tình cảm. Tôi kính trọng họ, có phần hơn với đàn ông.

***

Dù có đi đến chân trời góc bể nào, tôi cũng không bao giờ quên khu nhà mà tôi sống thời nhỏ. Đó chính là một trong những khu tập thể dành cho y bác sĩ và những người phục vụ trong Bệnh viện Bạch Mai. Khu tập thể - đó là thứ mà ngày nay đang biến mất và có lẽ chỉ vài năm nữa là mất hẳn, nhưng hồi đó, nó là một kiểu “làng” đặc biệt giữa lòng thành phố. Những người cùng làm với nhau lại ở chung với nhau. Rất nhiều thứ dùng chung: từ chuyện cơ quan phân phối các vật dụng đến chuyện hòa bình thế giới, từ bể nước đến nhà vệ sinh công cộng.

Tôi vẫn nhớ như in cái nhà tập thể tường bằng vách nứa đan rồi trát bùn trộn rơm ra ngoài, 5 hộ gia đình giáp lưng vào nhau. Nhà nọ nói gì, các nhà còn lại đều nghe thấy. Giữa các căn hộ là những bức vách nhỏ bằng gỗ mỏng, khi tất cả người lớn đã đi làm, chúng tôi dỡ những miếng gỗ đó ra để đi sang nhà nhau chơi. Thời đó, các bậc cha mẹ đi làm hay khóa cửa nhốt con trong nhà và chúng tôi may mắn vì không bị biệt giam mà có khá nhiều đồng đảng. Chúng tôi còn khoét những lỗ nhỏ trên vách để nói chuyện và nhòm trộm lẫn nhau… Có lần, lũ nhóc còn bày trò nhảy vào phuy nước để tắm. Nước hồi đó là thứ không bao giờ có dư nên nhà nào cũng có những chiếc thùng phuy to – nguyên là thùng chứa nhựa đường hoặc xăng dầu - để tích nước ăn. Nếu tắm xong mà đổ hết nước đi thì sẽ phạm trọng tội nên chúng tôi để nguyên nước lại và bố mẹ không biết nên vẫn dùng nước đó nấu ăn. Hồi bé tôi chơi mọi trò mà lũ con trai hay bày ra như chơi đánh trận giả, đuổi bắt, trốn tìm, trò nhảy dây, chơi nấu cơm, đồ hàng của con gái tôi cũng chơi. Sau này, những dãy nhà xập xệ như thế nằm trong kế hoạch phải phá bỏ, những gia đình đều phải chuyển ra những ngôi nhà mới hơn ở khu đất khác.

Trung Thu năm tôi học lớp 4, lần đầu tiên tôi được mẹ chở lên Hàng Mã mua cho một chiếc tàu thủy bằng sắt tây, sơn xanh đỏ trông rất đẹp. Đây cũng là thứ đồ chơi nay đã tuyệt chủng. Nó có một bộ máy thô sơ đốt bằng dầu hỏa và tự chạy được trong một cái chậu to hoặc một cái ao nhỏ. Còn tôi thường cho tàu vào phuy nước ăn của gia đình để chơi. Trung thu đó, tôi có chiếc tàu thủy, mấy quả hồng ngâm và đó là Trung Thu tuyệt vời nhất. Lúc ra phố Hàng Mã, tôi thích đầu sư tử và nhiều thứ lấp lánh khác nhưng mẹ không có tiền mua.

Quả hồng ngâm có vào mùa thu là một trong những loại trái cây mà tôi và mẹ hay ăn chung. Tôi và mẹ còn thích ăn na và thanh long (mẹ thích vì trong đó có những hạt nhỏ như hạt kê vỡ tan khi nhai nhẹ, có vị rất lạ. Nên sau này, khi mẹ đã mất, tôi thường ứa nước mắt khi nhìn thấy thanh long, thật nhiều thanh long).

Năm 1983 tôi lên 4 tuổi, mẹ sinh cho tôi một cô em gái. Ba mẹ con trứng gà, trứng vịt nuôi nhau đợi bố. Khi em tôi chưa đầy tuổi, có một trận lụt khủng khiếp nước tràn vào đầy nhà. Tôi và em gái ôm nhau ngồi vắt vẻo trên mấy tấm ván bố kỳ công mang về từ Lai Châu, nhìn các đồ vật trong nhà nổi lềnh bềnh trên mặt nước. May mà khi đó, giữa những người hàng xóm cũng là đồng nghiệp rất tình nghĩa và gần gũi nên dù thiếu thốn đủ đường vẫn vui vẻ. Đường xá từ Lai Châu về Hà Nội không dễ dàng như bây giờ, nhiều đường đèo nguy hiểm nên mỗi lần nghe tin bố về Hà Nội hay khi bố từ nhà trở về đơn vị mẹ tôi đều đứng ngồi không yên.

Tôi và em gái hay đi tha thẩn chơi trong bệnh viện, nơi có những khu đất mọc đầy cỏ, em gái tôi rất sợ những con cừu mà bệnh viện nuôi làm thí nghiệm cũng tha thẩn ăn cỏ ở đó. Giờ đây bệnh viện Bạch Mai chật cứng những tòa nhà bê tông và chẳng còn khoảng sân cỏ nào. Ngày trước nơi này còn rất nhiều cây xanh và những hàng rào toàn bằng cây cúc tần hay dâm bụt, trên bụi cây dâm bụt có những con vật phát sáng vào buổi tối. Chúng không phải là đom đóm, bọn này bay chập chờn trên trời. Chúng cũng không phải là sâu đất. Chúng cứ la đà trong bụi cây, và cho đến nay tôi vẫn không biết chúng là gì.

Tôi và em gái cứ lớn lên như vậy. Chúng tôi chơi với nhau, khi hòa thuận, lúc đánh nhau nhưng vẫn đầy tình anh em ấm áp cho đến khi chuyện tôi đồng tính vỡ lở và chúng tôi xung đột, mất một thời gian khá dài cho đến gần đây…

***

Tôi sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác, trong tiếng thở phào nhẹ nhõm, xóa tan mọi lo lắng của gia đìnhh hai bên nội ngoại. Con đầu cháu sớm nên tôi được cưng chiều từ khi mới lọt lòng. Mẹ nhiều bữa phải nhịn ăn để dành cho tôi miếng ngon nhất. Ngày còn bé tôi rất béo, mẹ gọi tôi là Gấu Misa, theo tên con vật biểu tượng của Olimpic Mát-xcơ-va năm 1982. Ngày đó mẹ đã đan một chiếc áo len, có hình con gấu nổi tiếng đó cho tôi. Khi tôi lớn, vẫn còn nhìn thấy chiếc áo ấy. Mọi người kể lại, mẹ lúc đó rất gầy, bế tôi trông rất tương phản.

Năm tôi sinh, cũng là năm tình hình biên giới phía Bắc căng thẳng. Bố tiếp tục vác ba lô ra chiến trường miền núi, tôi bám mẹ không rời mọi lúc mọi nơi. Có khi mẹ bế tôi vẫn la khóc đòi mẹ: “Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi?”. Sau này mẹ vẫn thường kể lại chuyện này để trêu tôi. Theo mẹ, tôi rất gan lỳ!

Hồi bé, tôi mạnh khỏe, trừ một căn bệnh theo tôi đến tận bây giờ: hen. Mỗi lần tôi bị lên cơn, mẹ lại thức cả đêm xoa lưng cho tôi. Trong gia đình lớn của tôi có ba người bị căn bệnh này hành hạ. Tôi phải ngủ ngồi rất nhiều và mẹ cũng phải ngồi trông vì chỉ cần tôi mệt quá nằm xuống là có thể chết vì ngạt thở… Có loại thuốc có tác dụng rất cao mẹ định dùng để chữa cho tôi khỏi nhanh nhưng bố biết đã ngăn lại, bố biết dùng thuốc đó sẽ bị nghiện rất nguy hiểm.

So với em gái và nhiều người bạn cùng trang lứa, tôi thấy mình là đứa trẻ khiến bố mẹ mất thời gian hơn rất nhiều. Ngay cả khi tôi đã lớn. Không chỉ thời gian, còn là nước mắt, mồ hôi và hao gầy thể xác, mệt mỏi tinh thần. Có lẽ vì tôi luôn sống quá mạnh mẽ, luôn muốn phát hiện và luôn muốn làm tới cùng. Tôi yêu ghét rõ ràng, điều này tôi thừa hưởng từ cả bố lẫn mẹ, nhưng bố mẹ và những người thân của tôi lại phải chịu đựng tôi nhiều nhất.

 

TÔI KHÔNG CỐ TÌNH GÂY RA NHỮNG TỔN THẤT ẤY!

Khi tôi bắt đầu biết nghĩ thì mẹ đã đi xa. Nhưng không bao giờ tôi nghĩ mẹ đã mất vĩnh viễn. Mẹ chỉ đi đâu đó, mẹ vẫn theo sát tôi từng bước. Những kỷ niệm về tuổi ấu thơ vẫn luôn theo tôi đến tận bây giờ, đó là chuỗi ngày đẹp nhất trong cuộc đời của tôi, và tất cả gắn với MẸ. Mãi về sau khi tôi vĩnh viễn mất mẹ, tôi mới thấy khoảng trống bao phủ không gì lấp được khi không có mẹ hiện hữu bên đời, có lẽ cái cảm giác đó sẽ đi theo suốt cuộc đời tôi.

Mẹ ơi, mẹ đâu rồi?!

Những lúc cô đơn, mất mát, thất vọng trong công việc, thất tình tôi đều nghĩ ngay đến mẹ và đều được an ủi. Tôi sớm nghĩ về cái chết và không hiểu sao, tôi không sợ nó lắm. Mẹ và những người thân yêu đã mất của tôi vẫn sống với tôi, còn thân thiết hơn nhiều người đang sống khác.

***

Có một chuyện tôi không bao giờ quên, một kỷ niệm với bố. Chắc bố sẽ không nhớ chuyện này, nhưng với tôi nó lại là một dấu ấn sâu đậm. Năm đó, tôi chỉ khoảng 4-5 tuổi, hai bố con về quê Nam Định. Xe vừa dừng, tôi hấp tấp nhảy xuống ngã sấp mặt xuống đường. Một mảnh đá nhỏ đâm vào trán tôi, khi về đến quê mọi người phải lấy kim khêu các vụn đá ra, hiện vết sẹo trên trán tôi vẫn còn. Cũng trong lần về quê ấy, khi mệt mỏi tôi nhắm mắt lim dim tựa vào thành ghế, bố tưởng tôi đã ngủ thiếp đi, người ôm tôi vào lòng. Nằm trong lòng bố rất chắc chắn và ấm áp. Khi đó tôi thấy rất yêu bố. Nhưng khi tôi tỉnh giấc, bố lại quá nghiêm khắc và xa cách. Bố thường gọi các con là “mày” và xưng “tao”.

Bố là người có ảnh hưởng lớn thứ hai đối với tôi. Sau mẹ. Sức ảnh hưởng này rất lớn, nếu tính đến việc bố thường xuyên xa nhà khi tôi còn bé. Là con trai thứ trong gia đình, nhưng bố tôi rất quyết đoán, gia trưởng, khác hẳn tính bác tôi. Không chỉ trong gia đình nhỏ mà trong họ, bố cũng nổi tiếng là người cứng rắn. Đứa con đứa cháu nào nghe lời, bố tôi rất quý, ngược lại, bố rất ghét. Mọi chuyện trong nhà bố tôi là người quyết định hết. Mẹ tôi – theo lời bên ngoại kể, “đanh đá” nhất nhà – nhưng tôi thấy mẹ chỉ biết cam chịu, sẵn sàng nhận phần thiệt thòi về mình.

Khi tôi học những năm đầu cấp I, bố mới được phục viên chuyển về Hà Nội. Công tác ở bộ phận khám sức khỏe cho những người chuẩn bị đi xuất khẩu lao động sang Liên Xô và các nước Đông Âu, bố nổi tiếng là người khí khái. Chính vì vậy nhiều người không thích ông. Bù lại, bố có rất nhiều bạn trong Nam ngoài Bắc. Những người bạn thực sự. Làm ở Hà Nội ít lâu, cơ quan lại chuyển bố tôi về Hải Phòng. Thế là bố tôi lại cơm niêu nước lọ đi đi về về rất vất vả. Có lẽ thấy không ổn, bố đã xin về hưu non để được ở gần gia đình. Sau này, bố tôi lại đi làm nghề của ông: bác sĩ cho một cơ quan ở Thanh Xuân, Hà Nội.

Đây cũng là thời gian khoảng năm 1992, 1993, gia đình tôi rất khó khăn. Nhờ cậu tôi, em họ của mẹ, bố nhận đi làm bảo vệ cho một khách sạn. Ngoài giờ trực ở bệnh viện, mẹ phải đi bỏ mối thuốc lá cho các hàng nước. Mẹ đi lấy đá và bỏ mối cho các hàng quán trong ngoài bệnh viện Bạch Mai và các khu tập thể xung quanh bệnh viện rồi dần dần “điều khiển” hai anh em chúng tôi tham gia công việc này. Tôi nhớ những buổi đạp xe lên Thái Thịnh, cách nhà 3-4 cây số lấy đá. Cũng có lúc tôi cho cả em gái đi theo. Nắng mưa cũng đi, nắng thì lấy nhiều đá và ngày đó thu nhập được nhiều hơn. Mưa dầm và trời mát thì không phải đi, nhưng sẽ không có tiền và mẹ sẽ lo lắng hơn.

Nhà có cuốn sổ ghi tất cả những khoản thu kể cả những đồng kiếm thêm từ những giọt mồ hôi nhỏ bé. Ngày còn rất nhỏ, tôi đã biết đến những buổi trực triền miên của mẹ trong bệnh viện, mẹ nhận cả những buổi trực đêm thay cho người khác để có thêm vài đồng, thời đó thù lao trực một đêm đâu có nhiều nhặn gì. Hôm sau mẹ vẫn đi làm như thường. Trước khi đi vẫn chu đáo mua đồ ăn sáng cho mấy cha con nhưng chính mình lại không ăn gì cả. Năm 1997, khi tôi vào học đại học, tình cờ xem cuốn sổ mới biết lúc đó cả nhà chỉ có vài triệu đồng.

Gia đình tôi không bao giờ đói ăn hay quá khổ sở nhưng không bao giờ giàu có.

***

Hình ảnh đầu tiên trở đi trở lại về mẹ trong tôi là mẹ dạy cho trẻ tập nói, những đứa trẻ ngọng nghịu vì bị câm điếc bẩm sinh. Tôi ngoài giờ học mẫu giáo cùng với các bạn trong trường học bình thường thì còn được học chung với những trẻ như vậy ngay trong khoa nơi mẹ làm việc, nay là bệnh viện Tai – Mũi - Họng TW.

Lớn lên chút nữa, tôi trở thành đứa trẻ hiếu động nhất khu tập thể. Chẳng có trò chơi nào của lũ trẻ mà không có mặt tôi. Những trò của trẻ lớn hơn vài ba tuổi, tôi cũng không ngán. Trò con trai, con gái gì tôi cũng đều tham gia tuốt. Ngày đó, cuộc sống còn nhiều khó khăn, lũ trẻ trong khu tập thể chỉ chơi quay, thả diều, nhảy dây, trốn tìm, trò sôi động nhất là chia ra hai phe chơi “chiến tranh bùng nổ”. Không có những đồ chơi xanh đỏ các kiểu tràn ngập như bây giờ. Không có những đồ chơi điện tử đầy những hình ảnh, âm thanh hấp dẫn.

Có em gái, sự chăm sóc của mẹ với tôi không còn nhiều như trước. Tôi bắt đầu khám phá thế giới với những trò nghịch ngợm và bắt đầu bộc lộ bản tính bướng bỉnh, gan lỳ, hầu như chẳng biết sợ là gì. Có lần, tôi cùng hai anh lớn tuổi hơn trong xóm cưỡi lên những mảng bèo tây lớn bơi ra giữa ao nước sâu. Tôi tưởng tượng mình đang hiên ngang đứng trên mũi con tàu lớn vượt sóng gió đại dương. Ra giữa ao thì những tấm bèo tan dần ra và mấy thằng bé có nguy cơ rơi xuống nước, nhưng tôi vẫn không hề biết sợ, vẫn hào hứng nhảy loi choi mặc kệ mấy anh kia tái mét gọi người cứu.

“Hải quân”, được đưa vào bờ an toàn, hàng xóm mách mẹ. Bố về phép mẹ mách lại bố, bố treo tôi lên bờ rào nhà hàng xóm để phạt roi. Tôi gan lỳ chẳng xin lỗi, cũng chẳng khóc. Sau này bố cũng thường xung đột với tôi như vậy, có lúc bố mắng, đánh tôi ngay trong bữa ăn. Theo bố, lúc đó “mặt mày câng câng” và “tại sao mày nhếch mép cười, nhìn mặt ghét!”. Và dần dần tôi có phản ứng quen thuộc là luôn tìm cách đối phó. Cách đối phó dễ nhất: lảng tránh bố, cách thứ hai: tìm cách chối “tội”. Người lớn trong khu tập thể gọi tôi là “thầy cãi”.

Hồi bé tôi hát khá hay và đã đoạt giải nhì trong một cuộc liên hoan ca hát của học sinh thành phố. Tôi thích học hát, học múa nhưng bố không cho với một câu kết luận đanh thép “xướng ca vô loài”. Gia đình và cả họ hàng nhà tôi tất cả đều theo những nghề “nghiêm chỉnh”, đều làm trong các cơ quan nhà nước. Riêng tôi hình thành một con đường khác hẳn. Nhưng đó là chuyện sau này.

Sáng dạ và chăm học nên lên đến cấp II học lực của tôi vẫn thuộc loại khá giỏi. Cuộc sống của tôi, đã đảo lộn hoàn toàn với sự xuất hiện của một người, người đó nay đã chết, chỉ còn là một cái bóng, một cái bóng ám ảnh cuộc đời tôi.

Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/54055


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận