Les, Vòng Tay Không Đàn Ông Chương 7


Chương 7
Phận con gái ở cùng cha mẹ Lòng phải chăm học khéo học khôn Mai mốt xuất giá hồi môn Phận bồ liễu trong như ngọc Khéo là khéo bánh trong như ngọc…

Út ơi…. Út… à…

Sáng ra soi mặt trong gương, Hoàng Yến la lên chói lói, hốt hoảng khi phát hiện trên má của mình xuất hiện mấy cái mụn đầu đen. Hàng tuần Yến vẫn cẩn thận làm mặt nạ cà chua ba ngày một lần, ngoài ra còn làm mặt nạ mật ong với chanh, chưa kể là hàng ngày dùng sữa rửa mặt của Châu đem sang, thế mà không hiểu sao mấy đầu mụn chết tiệt vẫn xuất hiện.. Cô bé lo quá.

Nghe tiếng cháu gái la choe chóe, cô Út đang ngồi ngoài quầy hàng lật đật đi vào, nhìn Yến đang dùng tay chè nhẹ cái mụn, từ phía sau quàng tay qua cổ cô cháu gái, cô Út cười nhẹ.

- Làm gì mà sợ dữ vậy, quay lại cô Út coi nào.

Chăm chú ngắm nghía mấy chân mụn ly ti, cô Út lắc đầu.

- Gì đâu mà con cuống lên vậy.

- Ngày nào con cũng vệ sinh cẩn thận, vậy mà sao….

- Mụn đầu đen (black head) này chỉ là trứng cá chưa nhiễm trùng, không để lại di hại gì đâu, con đừng lo. Chắc là tại mấy bữa con thức khuya học bài thi nên căng thẳng đầu óc, stress nên nó mọc thôi. Nào ngồi ngay ngắn để Út mát xa mặt cho con nào.

Từ từ đưa tay lên trán Hoàng Yến, nhắc Yến cắn thậtt chặc hai hàm răng lại, cô Út dùng tay day day rồi vuốt nhẹ ra sau thái dương và sau đó bóp hai cánh mũi theo vòng tròn từ giữa sóng mũi, sang chân mày rồi theo vòng cung chân mày.

Vừa làm cô Út vừa giảng giải.

Phương pháp này gồm hai loại động tác: bảy động tác mát xa mặt và bốn động tác thể dục. Ngoài việc làm sạch da bằng các loại kem dưỡng ban đêm, loại chiếc suất từ phôi, mô hoặc thảo dược… thì còn cần kèm theo các động tác thể dục để làm săn cơmặt. Tập thể dục cho mặt và cổ tức là các cơ này vận động , sẽ làm cho cơ mặt chắc, mạnh. Chịu chăm sóc da như vậy dứtkhoát sẽ ngừa hữu hiệu các nếp nhăn, mụn…

Hoàng Yến đưa tay che miệng ngáp dài, ngoẹo đầu dựa vào cô Út thì thầm.

- Con buồn ngủ quá à. Rồi như sực tỉnh, ngạc nhiên Yến nói to – Út nè sao Út rành ba cái vụ này quá vậy, con thấy Út có làm cho mình bao giờ đâu?

Ngày hôm đó cô Út lập tức điều chỉnh chế độ ăn uống của Hoàng Yến lại, cô tăng cường mua thêm trái cây cho Yến ăn, riêng táo cô mua hẳn 2 kg. Cô bảo, ăn táo nhiều vitamin E, giàu dinh dưỡng, kéo dài tuổi trẻ, làm căng da. Ngoài ra cô còn nghiên cứu chuyển chế độ làm mặt nạ cho Yến, thay bằng dưa leo xay nát trộn lẫn sữa chua, rồi phơi sương để thoa mặt… Không những với Yến, cả Châu khi lò mò qua nhà ngủ, cô bắt làm theo luôn. Cô hạn chế không cho hai đứa dùng mấy chai sữa rửa mặt, có vẻ như cô không tín nhiệm những mỹ phẩm hóa học của Châu vẫn đem đến xài chung cùng Yến “hóa phẩm thì hại nhiều hơn là lợi cho da, nhất là ở tuổi mới lớn như hai đứa” – cô khẳng định chắc nịch.

Sáng sớm hôm sau, chờ hai đứa vệ sinh xong đang lò dò ra sửa soạn chuẩn bị đi học thì cô đã dúi vào tay Yến lẫn Châu hai ly nước đen ngòm, mùi khó ngửi và ra lệnh.

- Hai đứa uống đi!

Nhìn ly nước đen, Yến la lên.

- Út ơi, nước gì vậy?

- Nước mát đó.

- Nhìn ghê quá!

Hoàng Châu gật đầu đồng tình cái rụp, vậy là nghe mắng.

- Hai đứa bây thiệt là… nước này là nước trái cây rất nhiều vitamin, Út là cho tụi bây uống để mát da đó.

- Trời …. ơi …. là …. trời!

Hai đứa nhăn như khỉ, lẻ lưỡi ráng uống cho bằng hết hai ly nước mát do cô Út chế và cũng chẳng hiểu nó được cô chế biến bằng những thứ trái cây rau quả gì. Khi lên lớp, Châu xoa bụng, thì thầm, lỡ “tào tháo rượt” thì chết, mau quá chẳng có gì cả, chỉ có điều từ đó đến trưa cứ thấy người ngai ngái làm sao. Trưa khi nghe Yến thông báo kết quả tác dụng thứ nước thần của cô, cô Út ngẩn người suy nghĩ rất lâu và khi Yến ngủ dậy chuẩn bị đi học thì vẫn còn thấy cô Út đeo kính, dò dẫm trên cuốn cẩm nang thuốc sức khỏe. Chắc cô đang dự tính tìm cách pha chế thứ nước mới cho hai đứa.

Nghe Yến kể lại, Châu le lưỡi, thì thầm, chết tụi mình rồi Yến ơi.

Nhà này có mình cô Út và hai đứa cháu gái cưng là Yến và Châu, nên cả hai trở thành đối tượng chăm sóc của cô Út. Cô quantâm đến hai đứa một cách chi ly cẩn thận, đôi lúc rất là cổ hủ, xét nét như một bà già lỗi thời. Nhiều lúc cô làm cho cả hai đứa thấy ngột ngạt, nhất là đang tuổi xuân phơi phới ham học mà cũng ham chơi. Nhưng rồi hai đứa cũng hiểu rằng tất cả chẳng qua là cô Út thương thật tình mong muốn cho chúng nên người chứ chẳng phải khó khăn quá để làm gì. Riết rồi đôi bên cũng chịu nhau, sống với nhau hơn năm năm trời. Giờ thì Yến trở nên quá thân thiết với cô Út, đi đâu xa cô mấy ngày là thấy nhớ và chỉ muốn bay vù về ngay với cô. Được vùi đầu vào mái tóc dày thơm ngát mùi hương như của cô, để nghe cô mắng yêu và gãi lưng,ầu ơ ru ngủ mỗi khi cô bé khó ngủ. Mà Châu cũng vậy, tuy chẳng phải là cháu ruột của cô Út nhưng lại là bạn thân của Yến nên cũng hưởng tình yêu thương của cô san sẻ đều cho hai đứa. Nhiều lúc Châu chẳng muốn về nhà, học xong là chạy ngay qua nhà cô Út để ăn cơm, ngủ nghỉ bên ấy cho dù nhà cha mẹ Châu cuộc sống vật chất có phần nhỉnh hơn bên này. Riết rồi cha mẹ Châu cũng quen, bữa nào không thấy con gái về, điện thoại là y như rằng biết Châu đang ở bên nhà cô Út với Yến. Biết cô là người đàn bà mực thước, đứng đắn đáng tin cậy nên cha mẹ Châu rất yên tâm.

Ăn mặc, ngủ nghỉ… sau này Yến phó thác hết cho cô Út đến nỗi má phải than, cô Út nhà mình thương con Yến quá, coi chừng nó sanh tật hư cho mà xem. Chẳng là có lần đến thì má phát hiện cô Út đang ngồi cặm cụi giặt bằng tay mấy cái áo mỏng cho Yến rồi có lần thì đang nấu ăn…, má gọi Yến về la quá trời. Đâu có phải là Yến lười tới cỡ đó, hành tội cô Út đâu, cô cứ giành làm đấy chứ, Út bảo, ở nhà một mình chỉ loay hoay quanh đi quẩn lại nhiều lúc cũng buồn chân buồn tay, nên kiếm việc làm cho đỡ buồn.

Quả thiệt là đến giờ thì trong nhà Yến cho đến các chú ai cũng nhận thấy rằng cô Út ngày càng đổi tính thật, ít nói và trở nênlặng lẽ, hiền hơn ngày xưa rất nhiều. Ngay cả những khi có đám giỗ hay có việc gì phải tập trung cả nhà, đám con cháu thoải mái la hét. Xem ra thì bây giờ chẳng đứa nào sợ bà cô già khó tính này nữa mà còn lại thương nhiều nữa là khác. Chẳng hiểu sao hồi xưa cô khó thế mà sao nay lại dễ thế, hau nhờ Yến có phép lại “cải tạo” gì chăng?

Sau khi cô Út xin nghỉ mất sức sớm vì sức khỏe không đảm bảo cho công việc, cô chỉ ở nhà, chẳng biết làm gì thêm, bệnh tật thìvẫn rề rề. Cũng cả mấy năm liền như vậy, cho đến khi khu chung cứ phía trước xây xong, người dân về ở rất đông. Các bà chị dâu cố vấn cô sử dụng khoảnh đất nhỏ phía trước mặt tiền nhà. cô Út đã quyết định mở một quầy tạp hóa, buôn bán gọi là cho vui. Căn nhà từ đường của dòng họ rộng lớn mà hai phần ba mặt tiền trên đường Trần Quang Khải được cho công ty Mắt kínhSài Gòn thuê mở cửa hàng, trả tháng hơn cả ngàn đô. Vì là nhà của ba Yến, hương hỏa của ông nội để lại, nên cô Út chỉ giữ lại một nửa tiền thuê nhà, còn một nửa đem qua đưa cho ba má Hoàng Yến phụ thêm để nuôi mấy anh em ăn học. Với số tiền cònlại ấy dư cho cô cô Út sống, chưa kể những thu nhập thêm của cô khi đi làm giành dụm được, nên khi Yến về ở chung, ba má có đặt vấn đề gửi tiền cho cô thì cô Út từ chối, thậm chí còn giận anh chị vì rằng sao khách sáo quá, Yến ăn uống có bao nhiêu đâu mà tiền bạc làm gì cho mệt.

Phận con gái ở cùng cha mẹ

Lòng phải chăm học khéo học khôn

Mai mốt xuất giá hồi môn

Phận bồ liễu trong như ngọc

Khéo là khéo bánh trong như ngọc…

- Đây là Gia huấn ca, mà trong đó đức hạnh của người con gái là tiêu chuẩn hàng đầu, cần thiết phải có đó con à.

- Út ơi xưa rồi.

- Nói vậy không hà. Công – dung – ngôn – hạnh, phụ nữ thời nào cũng cần phải có. Mai mốt lớn lấy chồng, con sẽ biết.

Cô Út vẫn thường thủ thỉ với Yến là cô đã để dành được một số tiền kha khá, mai mốt Yến lấy chồng thì sẽ cho riêng làm của hồi môn. Yến ré lên, con không lấy chồng đâu, con ở với Út suốt đời. Tầm bậy tầm bạ, con gái lớn phải lấy chồng chứ. Thế như Útthì sao? Cô bé lỡ lời, cô Út cười buồn, ờ chuyện của Út xưa rồi, bây giờ con phải khác, đừng như Út, khổ lắm à. Con xin lỗi Út nhe, Yến hối hận rơm rớm nước mắt. Ôm đứa cháu cưng vào lòng, cô Út cười hiền hậu, gì đâu mà xin lỗi, là Út nói vậy thôi chứ trách con hồi nào. Muốn cho Út vui, không giận thì phải học thiệt giỏi nè, ra trường đi làm kiếm tiền về nuôi Út nè, rồi lấy chồng có cháu cho Út bồng nè… thôi không nói chuyện với Út nữa, Yến cười hăng hắt chạy ra ngoài. Ánh mắt cô Út nhìn theo âu yếm. Cô lắc đầu, Yến bao giờ chẳng vậy. Mới khóc đó là cười được ngay, con bé thật là hồn nhiên.

Một cửa hàng tạp hóa bề bộn với vô thiên lủng lẳng hàng hóa và những đồng tiền nho nhỏ mua qua bán lại, lời lãi chẳng bao nhiêu nhưng lại làm cho cô Út tất bật suốt ngày. Công việc đã làm cho cô vui và bệnh tật ít hẳn, dạo này nhìn cô Út có vẻ tươi trẻhơn trước, khi nghe Yến nhận xét thì bị cô Út lườm cho một cái dài đến cả cây số. Thế nhưng nhìn gò má bỗng đỏ hây lên của cô Út thì Yến biết rằng cô Út mình đang vui. Hay Út bắt đầu yêu ai nhỉ, nhưng mà ngó quanh ngó quất có thấy ai đâu. Hay là ông già Tư tổ trưởng vợ mất mấy năm nay, hay là cái chú thợ sửa khóa hay qua nhà chơi, hay là… Ngộ thiệt đó, lần này thì Yến chả dại gì đem những thay đổi này về nói cho ba má biết. Lần trước bị cả nhà giễu một lần đến giờ vẫn còn tức. Nhưng mà không nói với ai được thì tức chết. Suy đi tính lại Yến quyết định sẽ tiết lộ bí mật động trời này cho cô bạn thân Hoàng Châu biết, chắc nó sẽ bị sốc, Yến thích chí khi tưởng tượng ra mắt chữa o mồm chữ a của nó khi biết tin. Hi … hi…

Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/57969


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận