LiLa K Hành Trình Tìm Lại Chương 2


Chương 2
Ông Kauffmann

Chắc chắn anh đã nghe nói về ông Kauffmann rồi. Tất cả mọi người đều nhắc đến ông khi vụ việc xảy ra. Thông tin trên toàn quốc, các đài tiếng nói, hệ thống... Toàn những điều bậy bạ ấy. Rốt cuộc chẳng chứng minh được gì nhưng điều ác đã xảy ra rồi. Điều ác, luôn luôn là cái đọng lại, anh có nhận thấy không? Ngay cả khi không đúng như thế thì đó cũng là điều mà người ta nhớ rõ nhất. Em cảm thấy thật ghê tởm.

Ông Kauffmann đã nổi tiếng trước khi vụ tai tiếng thổi phồng tên tuổi ông - ý em là ông nổi tiếng thực sự - nổi tiếng là bác sĩ điều trị, là chuyên gia trứ danh về trẻ con hư hỏng. Ông biết giúp chúng sửa chữa, giúp chúng lấy lại sự khao khát của trẻ thơ, và đó là những phép mầu thực sự, bởi vì, đối với phần lớn mọi người, những đứa trẻ đó bị xem như không thể dạy dỗ được. Đó là lý do tại sao ông Kauffmann nổi tiếng và được nể trọng: bởi vì ông làm được những việc mà tất cả những người khác thất bại.

Mặc dù vậy, việc ông được bổ nhiệm làm người đứng đầu Trung tâm đã gây ra vài làn sóng. Một số người không đánh giá cao phong cách của ông. Chắc chắn ông là người đặc biệt rồi. Rất béo, rất lòe loẹt. Thực sự không phải như kiểu những kẻ tự cao tự đại ngồi trong Ủy ban. Cũng có thể nói rằng ông là người không ngại va chạm, cái đó thì đúng. Sớm muộn gì việc này hẳn cũng dẫn đến kết cục xấu.

 

Anh biết em rồi đấy, bản tính em đa nghi. Đó là do bản chất con người. Chúng ta luôn khó lường về bản chất con người mà em thấy vốn thường ác độc, vì vậy cần phải ngờ vực. Tuy nhiên riêng ông Kauffmann là một trường hợp ngoại lệ. Em đã tin tưởng ông ngay lập tức mà chẳng tự đặt ra câu hỏi gì. Ông khác hẳn, em cho rằng đó là điều khiến em thích. Các bộ quần áo lòe loẹt của ông, đôi mắt đầy nụ cười, vẻ vui vẻ kỳ quái của ông.

Khi ông nói với em: Chào Lila, bác là Kauffmann, giám đốc Trung tâm, em trả lời không e sợ:

- Cháu biết rồi. Cháu nhìn thấy ảnh của bác treo ở hành lang lớn tầng ba, bên cạnh ảnh của các giám đốc trước đây.

- À đúng đấy! Chân dung chính thức của bác đấy,


bác quên mất. Vả lại trông bác cũng không đến nỗi nào, phải vậy không?

- Vâng, trông bác được lắm. Chỉ có điều, trong ảnh bác không béo đến thế.

Ông phá lên cười.

 

- À cái đó hả, bác biết rồi! Lần nào kiểm tra, bác sĩ cũng nhắc lại bác điều đó, còn công ty bảo hiểm thì bắt bác đóng phí rất cao!

Ông lấy hai bàn tay to vỗ vỗ vào cái bụng tròn trĩnh của mình, bó sát dưới chiếc gilê dát bạc đầy ấn tượng. Em mỉm cười. Người đàn ông này khiến em thích thực sự. Khi ông hỏi em có chấp nhận nghe ông đọc chương trình đặc biệt - bài học ông đã soạn riêng cho em - không, em chấp nhận không chút do dự. Em tin chắc rằng em và ông ấy sẽ hợp nhau. Đôi khi, người ta có cái kiểu cảm nhận chắc chắn đó. Em không hối tiếc gì hết.

 

Sau đó, một số người cho rằng có lẽ không bao giờ nên trao em vào tay ông, rằng ông đã gây cho em rất nhiều điều xấu. Ngay cả Fernand cũng tham gia vào: Có trời biết rằng tôi yêu quý ông ấy nhường nào, nhưng thực sự em đâu cần như thế! Tất cả họ đều nghĩ như Fernand. Theo một chiều nào đó thì họ có lý. Có lẽ cuộc đời em sẽ đơn giản hơn, nếu không có ông Kauffmann. Có lẽ em sẽ được chuẩn bị tốt hơn trước những gì đang chờ em. Em biết điều đó, nhưng anh biết đấy, điều đó chẳng thay đổi được gì: chưa một lúc nào em hối tiếc những tháng năm tuyệt diệu được ông che chở. Và dù những người khác có nói gì đi nữa thì em vẫn một mực tin rằng ông thực sự là điều may mắn đối với em.

 

Sáng nào ông cũng đến gặp em, một giờ, đôi khi hai giờ. Em và ông tán gẫu lăng nhăng, nhất là ông. Riêng em chẳng nói mấy. Em thích lắng nghe ông kể chuyện của ông hơn. Ông có khả năng bịa chuyện theo yêu cầu, chỉ bắt đầu với ba từ mà em tình cờ đưa ra với ông, như một thử thách, và lúc nào nghe tiếng ông cũng thấy vui. Ông có cách nói riêng, đầy những từ xa lạ, những câu rủa khủng khiếp và những thành ngữ kỳ cục. Ông thường thích thú trộn lẫn các ngôn ngữ - ông nói thành thạo mười lăm ngôn ngữ và ông rất lấy làm tự hào. Dĩ nhiên em không hiểu tất cả. Ông nói không sao, và ông có lý, bởi rốt cuộc, ông là chủ yếu. Khi ông Kauffmann kể chuyện cho em nghe, em không cảm thấy nỗi đau, cũng chẳng cảm thấy sự thiếu thốn. Thậm chí em còn quên mình đang ở đâu - nói thế để anh thấy cảm giác dễ chịu đến thế nào.

Đôi khi ông mang cây trung hồ cầm theo rồi đánh đàn cho em nghe, đủ các đoạn nhạc khiến em vô cùng rung động. Thông thường, em không thích âm nhạc lắm. Em thấy chẳng có gì hơn sự im lặng. Nhưng với ông Kauffmann, mọi chuyện đều khác: tiếng đàn rót vào tai em, dịu êm và trầm, không bao giờ chối tai hết. Thế rồi tiếng đàn nhẹ nhàng luồn vào trong ngực em. Ấm áp. Rung động. Và ngay cả khi tiếng đàn buồn, đôi khi đến phát khóc, thì sâu thẳm trong tâm hồn, em vẫn cảm thấy rằng tiếng đàn đem lại điều tốt cho em.

Em tiến bộ. Em bớt sợ hơn rất nhiều, và nhìn chung em chịu đựng cuộc sống khá hơn. Thậm chí, đôi khi em cười đùa - cần phải nói rằng ông Kauffmann biết cách nên làm thế nào. Ông ấy rất tếu, thật vui vẻ và không thể hình dung trước. Em không bao giờ có thể đoán được ông sáng tác gì cho bài học hôm nay, ông sẽ nói tiếng gì, ông sẽ mặc áo quần như thế nào. Ông có một chiếc tủ quần áo không thể tưởng tượng được: hàng chục chiếc áo dài, áo gilê dệt hoa nổi, áo sơ mi phồng trước ngực, áo vét tông bằng nhung và những chiếc khăn lụa tơ đủ sắc màu. Mỗi giờ học với ông như một món quà, là bất ngờ ông tặng cho em để phá vỡ không gian trong một hai giờ, phá vỡ lề thói đã quen ám ảnh Trung tâm.

Nhưng điều mà em thích nhất, đó là lòng nhân từ nơi ông. Tất cả mọi người đều coi em như một đứa mất trí, một cỗ máy hỏng cần phải sửa chữa ngay lập tức. Ông Kauffmann là người duy nhất không phán xét em, không đòi hỏi gì hết. Trong ông có cái gì đó dịu dàng, nói thế nào nhỉ... âu yếm, đúng rồi, đó chính là sự âu yếm. Ông đối xử với em như một con người bình thường không có vấn đề gì hết, với tất cả sự quan tâm, và như thế giúp em vững tâm đến tuyệt vời. Nhưng điều đó cũng không bù đắp được nỗi trống rỗng trong
lòng em.

Lúc nào em cũng nghĩ đến mẹ. Em mang nỗi đau tang tóc ẩn trong lồng ngực, chỉ khoanh vùng ở đó nhưng còn nguyên vẹn. Em giữ trọn nỗi đau, không nói cho ai. Em không dám nói về điều đó, ngay cả với ông Kauffmann.

Hàng ngày, khi lặng ngắm thành phố từ trên mái nhà, em tự hỏi, mẹ ở đâu, họ giam mẹ ở đâu, trong tòa nhà nào, tại đường phố nào. Não lòng biết bao khi không biết được điều đó. Em dò xét mặt trước các tòa nhà, tìm kiếm một dấu hiệu mà chẳng bao giờ thấy. Em hy vọng rằng có thể vì cứ kiên trì miệt mài, rốt cuộc ánh mắt của em trở nên mãnh liệt hơn, và đạt tới khả năng xuyên thủng các bức tường mù mịt. Đá, kính, bê tông, không gì có thể chống lại. Cuối cùng, có lẽ em sẽ tìm thấy mẹ. Trong khi em đang nỗ lực hết sức tìm mẹ thì cô quản giáo hớn hở sát bên: “Em nhìn những ánh phản chiếu trên mái nhà kia, có đẹp không? Và hàng cây dọc theo đại lộ nữa? Và kia, những cánh đồng lúa mì? Thật tuyệt đẹp, phải không?” Cô ta nghĩ rằng cuối cùng đã có thể mở mắt cho em thấy vẻ đẹp của thế giới. Ngu ngốc thay! Em gật gật đầu để đánh lừa cô ta. Em trả lời: “Vâng, vâng, tuyệt đẹp”, để cô ta hài lòng không nói nữa, để cô ta im miệng lại. Rồi em lại quay trở lại với nỗi đau tang tóc trong lòng.

 

Em vẫn sống cách biệt. Ông Kauffmann quyết định không ép buộc em. “Bác hiểu cháu, cháu biết đấy. Sống với những người khác thực sự chẳng dễ dàng gì. Chúng ta sẽ bàn việc này sau, giờ nào việc nấy. Hiện tại, chúng ta hãy quan tâm đến việc học tập của cháu.” Ông Kauffmann có những tham vọng lớn đối với em, vì sự thông minh vượt trội của em. Vì không có chuyện em theo một chương trình tập thể nên ông để em tiếp cận toàn bộ bài giảng thông qua băng đĩa viđêô, thuộc tất cả các trình độ. “Đừng ngại, cháu gái, hãy chọn cái gì cháu thích ấy.” Em không chờ đợi thêm. Em bắt đầu học tập hăng say, tất cả các môn - lịch sử, địa lý, hóa học, toán, tử ngữ và sinh ngữ. Cần phải làm việc trong khoảng thời gian giữa hai giờ học phục hồi chức năng.

 

Em đánh giá rất cao các thầy giáo của em - những người ở xa thì dễ được yêu quí hơn rất nhiều, thoải mái hơn rất nhiều. Không có chuyện phải vô tình tiếp xúc hay phải chịu hơi thở hôi hám. Thiên đường!

 

Tháng Chín, khi ông Kauffmann trình bày bản tổng kết đầu tiên về kết quả giảng dạy của ông, Ủy ban đã rất tán thành. Thậm chí Ủy ban còn có tuyên bố đầy ấn tượng về các tiến bộ của em. Ông Kauffmann xoa tay: Hê, hê, cháu gái, bác đã khiến những kẻ hẹp hòi ấy phải ngưỡng mộ - đó là từ mà ông dùng để chỉ các thành viên Ủy ban, những kẻ hẹp hòi. Như thế là không thận trọng, nhưng ông Kauffmann không phải là người thận trọng - dù thế nào đi nữa thì cũng không phải kiểu người uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Nếu những kẻ hẹp hòi thấy hài lòng thì thật tuyệt vời! Chúng ta có thể tiếp tục yên lành làm những gì chúng ta thích. Em không đòi hỏi gì hơn thế.

 

Ngày em lên chín tuổi, ông Kauffmann tặng em một chiếc kính vạn hoa, để nhìn thấy mọi thứ đẹp đẽ, ngay cả khi mọi thứ đều rất xấu. Em xin thú nhận là mình thích ý tưởng đó - đôi khi ta cảm thấy được cởi bỏ gánh nặng khi có thể làm nổ tung khung cảnh mà không hề bị trừng phạt. Em cảm thấy sung sướng và đặc biệt vô cùng cảm động: đây là lần đầu tiên em được nhận quà. Em chưa từng có cái gì thực sự thuộc về mình. Hoặc có thể trước đây thì có, nhưng em không
biết chắc.

 

Em và ông Kauffmann tiếp tục làm việc theo nhịp điệu riêng, các câu chuyện, âm nhạc và những buổi trò chuyện. Theo thời gian, em bắt đầu biết chuyện trò đôi chút, bắt đầu đặt câu hỏi, bắt đầu tham gia vào câu chuyện. Việc này đến tự nhiên, em không biết tại sao. Hẳn là em đã lớn lên, và hoàn toàn quen với ông.

Ông Kauffmann rất quan tâm đến việc cảm nhận và suy nghĩ của em như thế nào. Ông luôn hỏi em: Hôm nay cháu có khỏe không? Cháu thấy bản nhạc này thế nào? Cháu có thích màu này không? Chẳng ai từng hỏi em kiểu như thế và em là người đầu tiên ngạc nhiên. Em cố trả lời, tàm tạm, nhưng đâu có dễ kể ra những suy nghĩ của mình hay biểu lộ tình cảm của mình. Cứ như đảo ngược tất cả, từ trong ra ngoài, như thế không mấy tự nhiên. Dù sao, em cũng thấy không bình thường. Hơn nữa, em không tìm ra từ; em ít từ bởi vì em học nói quá muộn và vốn từ của em còn hạn chế. Việc này không tha thứ được. Thường thường, em chẳng còn gì để nói trên đầu lưỡi nên im lặng, buộc phải cất tất cả bên trong, chôn chặt, tù túng mà không có cách nào thoát ra ngoài. Điều này khiến em uất ức, thậm chí có lúc trào nước mắt.

Ông Kauffmann nói: Đừng lo, cô bé, chúng ta sẽ xử lý việc này. Em không hiểu ông muốn nói gì, nhưng ông thì có vẻ biết rất rõ cái đích cần đi tới, và ông lấy mọi thứ trong tay mà không chờ đợi nữa.

Ông bắt đầu đọc thơ cho em nghe vào mỗi sáng. Đủ thể loại thơ, thơ tự do hay theo quy tắc - ông không phải là người theo khuynh hướng nào. Em phải nhắm mắt lại - ông Kauffmann bảo đảm rằng người ta nghe rõ hơn khi nhắm mắt lại. Khi ông đọc xong, em thường nói với ông:

- Cháu không hiểu hết.

- Nào cháu gái! Ít nhất thì cháu hãy học thuộc lòng cho bác nào.

Em không thấy lợi ích gì mấy, nhưng ông Kauffmann có vẻ tha thiết với việc này: Ai mà biết được, có lúc sẽ cần dùng đến. Vậy là em vâng lời: mỗi ngày em học một bài thơ, đôi khi hai bài. Em không phải gắng sức. Em học thuộc dễ dàng. Lúc nào em cũng tiếp thu tốt mà.

 

Trong suốt nhiều tháng, ông Kauffmann liên tục miệt mài bồi đắp vốn từ ngữ cho em. Em cứ để mình làm theo, nhưng không vì thế mà hiểu được việc này dẫn mình đến đâu. Em không có cảm tưởng mình tiến bộ - em vẫn diễn đạt rất khó khăn. Cần phải kiên trì, ông Kauffmann nói. Muốn diễn đạt tốt cần mất thời gian... nhưng chắc chắn sẽ làm được. Cháu tin bác, phải không? Em trả lời: Vâng ạ, dĩ nhiên rồi, nhưng thực ra, em không rõ lắm. Hãy tiếp tục học những bài thơ này đi, Lila. Bác hứa là cuối cùng cháu sẽ hiểu các bài thơ có ích gì. Cuối cùng, cháu sẽ cảm nhận được. Ông luôn luôn có lý.

 

Một hôm, khi em đang ở trên sân thượng, vừa nghĩ đến mẹ vừa nhìn mưa rơi trên thành phố thì đột nhiên một bài thơ lóe lên trong ký ức. Bài thơ nói về nỗi buồn, và bài thơ thật hoàn hảo - ý em là, bài thơ hoàn toàn phù hợp với khoảnh khắc ấy; mưa và nỗi buồn đau trong tim, thành phố dưới chân em. Đây là lần đầu tiên chuyện này đến với em.

Em tiến lên sát bờ sân thượng. Em nói: Hãy nghe con, mẹ ơi: trái tim con đang khóc như mưa trên phố. Cứ như các từ ngữ ấy thuộc về em. Cứ như bài thơ hoàn toàn thuộc về em. Cứ như em vừa sáng tác bài thơ. Em thì thầm bài thơ chậm rãi, nhiều lần, dành cho mẹ, dù mẹ đang ở nơi đâu. Một lúc sau em cảm thấy dễ chịu hơn nhiều.

Em nói điều này với ông Kauffmann:

- Bác biết đấy, cháu nghĩ là đối với những bài thơ thì cháu đã hiểu. Bác có lý.

Ông mỉm cười:

- Bác tin chắc mà, cháu gái. Bác biết chắc mà.

Và em lại bắt đầu học từ ngữ nhiều hơn. Bây giờ làm các việc mà hiểu rõ lý do, em học còn tốt hơn nữa, đủ thể loại, không thắc mắc. Thơ và văn xuôi tùy thích, những danh sách dài những từ ngữ cầu kỳ, tục ngữ, ngạn ngữ, những câu rủa và thô lậu. Một sự hồi sinh thực sự.

 

Đầu tháng Chín, ông Kauffmann trình bày trước Ủy ban bản tổng kết thứ hai về kết quả giảng dạy của ông. Ông làm việc cùng em đã mười tám tháng, và cả hai người rất tự hào về kết quả: càng ngày em càng bớt khó khăn trong diễn đạt. Từ ngữ đến đầu lưỡi mà em không cần phải suy nghĩ. Các bài thơ nở rộ trong đầu em cùng với cảm xúc, và thậm chí còn bằng nhiều ngôn ngữ, bởi lẽ ông Kauffmann kiên trì muốn rằng em biết nhiều thứ tiếng.

Lần này báo cáo của ông Kauffmann không được chào đón như trước. Mặc dù thừa nhận các tiến bộ không thể phủ nhận của em, những người hẹp hòi ấy cho rằng chương trình còn thiếu sự gắn kết nào đó, thậm chí đôi chỗ còn không phù hợp. Thực ra, những kẻ bị táo bón đó khó tiêu hóa những tiếng lóng, những lời rủa, chữ Hy Lạp cổ, chữ La Tinh, và các bài phóng tác dân gian mà ông Kauffmann thích thú điểm vào bài giảng của mình. Đó không phải là cách tạo điều kiện giúp em hòa nhập, họ nói. Em sắp lên mười tuổi. Thời gian càng trôi đi thì tình trạng biệt lập của em càng trở thành vấn đề. Họ ngạc nhiên khi thấy ông Kauffmann không nghiêm túc lo lắng về vấn đề này.

Ông Kauffmann không thích người ta xem xét lại chương trình giảng dạy của mình. Nhưng ông đã nhận trách nhiệm - đó là giai đoạn mà ông còn tỏ ra biết thỏa hiệp. Ông cho rằng mình đã để tình yêu ngôn ngữ kéo ông quá xa trong việc dạy từ vựng. Ông hứa từ nay sẽ chỉ sử dụng ngôn ngữ trong sáng và trau chuốt nhất với em. Tóm lại, ông có nhận lỗi. Em hình dung rằng bọn họ không dễ bị lừa, nhưng họ nhân nhượng ông về sự nhận lỗi này. Hơn nữa, để xoa dịu tình hình, ông Kauffmann đã có nhượng bộ cuối cùng với họ mà có lẽ em không cần.

 

Một buổi chiều, em thấy ông chờ ở lối ra sau giờ học phục hồi chức năng.

- Bác làm gì ở đây thế?

- Bác đến rủ cháu đi dạo.

- Đi dạo ư? Ý bác là... trong Trung tâm ư?

- Đương nhiên rồi, chỉ là thời gian đi cùng cháu về phòng thôi. Thế nào, cháu đồng ý chứ?

- Vâng, dĩ nhiên ạ!

Em đâu từ chối có thêm những khoảnh khắc bên ông Kauffmann.

Em nhanh chóng thất vọng khi nhận ra rằng lẽ ra đi lối hành lang bên trong thì ông Kauffmann lại chọn đi qua một cái sân nhỏ và tối tăm, ở gần sân chính. Nơi này không những u sầu, lại còn ầm ĩ kinh khủng, vì lũ trẻ vừa chơi vừa hét ở phía bên kia bức tường.

- Tại sao chúng ta đi lối này? Chỗ này thối khủng khiếp!

- Vội nói từ thô thiển thế ư! Bác thì rất thích thế. Nào,
đi thôi!

Em nhăn nhó vâng lời. Em chẳng mấy thích chuyến đi dạo này. Về đến phòng, em thốt lên:

- Chuyến đi dạo chẳng ra gì. Phải nói là cháu ngạc nhiên về cách hành xử của một Quý ngài như bác.

Ông mỉm cười:

- Bác thực sự lấy làm tiếc vì cháu đã không thích, cháu gái, hơn nữa theo kế hoạch ngày mai chúng ta lại đi dạo.

Em há hốc miệng phản đối nhưng ông khóa miệng em lại:

- Nổi đóa lên như thế đâu có ích gì! Bác báo cho cháu biết ngay đây: việc này không thể thương lượng được.

Khi cần, ông biết ra uy. Thời gian đầu, uy nghiêm của ông cũng không ngăn cản em chống đối. Ngay khi bước vào sân, em bắt đầu thở ran, hai bàn tay bịt tai lại. Ông Kauffmann ngước mắt lên trời.

- Này, cháu chẳng thấy rằng mình làm hơi quá à? Đừng rên rỉ nữa! Tiếp tục bước đi!

Em cáu giận vâng lời, đồng thời cố bước nhanh chân.

- Ê, từ từ thôi! Có vội vàng gì đâu!

Thế là em ném cho ông cái liếc mắt chết người, nhưng chẳng làm ông thay đổi thái độ. Em cáu tiết.

Một hôm, ông thổ lộ với em bằng giọng buồn phiền
giả tạo:

- Cháu biết đấy, bác tự ái vì cháu không thích mười lăm phút đi bộ cùng bác mỗi ngày.

- Hơn mười lăm phút chứ.

- Hai mươi phút.

- Hai mươi, nếu chúng ta đi nhanh. Nhưng vì bác bắt cháu đi chậm, nên mất hai mươi hai phút.

- Cháu còn đếm thời giờ nữa cơ đấy!

- Bác biết là cháu thích chính xác mà.

- Ừ thì hai mươi hai phút. Hai mươi hai phút đi bộ lãng mạn bên cạnh bác. Hãy nói với bác là việc này không vượt quá sức của cháu đấy chứ!

Em mím môi và không trả lời gì.

- Lila này, nghiêm túc mà nói, việc này không thể kéo dài lâu hơn được nữa. Ngồi trên chiếc ghế dài kia một lát với bác. Chúng ta cần trao đổi.

Chiếc ghế cũng hôi thối, gỉ đầy và sơn xanh tróc vảy xào xạo dưới mông.

- Nghe này, ông Kauffmann nói, chẳng giống như cháu có thể hình dung đâu, bác đâu áp đặt việc đi dạo này chỉ vì mỗi thú vui làm phiền lòng cháu.

- Sao ạ? Cháu cứ tưởng...

Ông thở dài.

- Như cháu biết đấy, bản báo cáo gần đây của bác bị Ủy ban lạnh nhạt đón nhận. Họ cho rằng bác không quan tâm đủ đến vấn đề hòa nhập của cháu. Cháu thì biết rõ quan điểm của bác về vấn đề này. Bác đã không quên nhắc lại với họ về quan điểm của bác... Nhưng thiển cận như họ thì không nên tính đến chuyện làm họ thay đổi ý kiến.

- Bác Kauffmann, bác không nên nói như vậy, em vừa thì thầm vừa chỉ chiếc máy camêra treo trên tường ngay phía trên đầu với vẻ sợ sệt.

Ông nhún vai rồi phủi tay muốn nói rằng không quan trọng. Thế rồi, ông tiếp tục:

- Vậy là bác đã quyết định chấp nhận một điều gì đó như là sự nhượng bộ với Ủy ban: bác đề nghị với lũ đần đó rằng hàng ngày đi bộ với cháu, ngay gần sân lớn, để thay vì hòa đồng với những đứa khác thì ít nhất cháu làm quen với sự hiện diện của chúng... ầm ĩ, bác công nhận, - ông thở dài đồng thời ném cái nhìn phiền lòng về hướng sân chính. - Ủy ban rất thích đề xuất này. Ủy ban cho rằng cuộc đi dạo đều đặn như vậy có thể giúp nảy sinh trong cháu nhiều tiến bộ. Cháu thấy đấy, bác đã không phản đối. Cuối cùng tất cả mọi người đều hài lòng và chúng ta có thể hy vọng thanh thản một thời gian. Chấp thuận một chút để đạt được nhiều, nguyên tắc là thế. Cháu hiểu không?

Em im lặng gật đầu. Chiến lược của ông Kauffmann thật lô gích, mặc dù em đau khổ khi thừa nhận điều đó.

- Vậy là chúng ta nhất trí nhé, cô bé: từ nay, mỗi ngày cháu sẽ đi bộ dọc theo bức tường khốn kiếp này, không phàn nàn, trong vòng hai mươi hai phút. Nhờ vậy, chúng ta có thể hy vọng tiếp tục nếp sống thường ngày của chúng ta mà không bị những kẻ hẹp hòi đến gây bực mình.

Em lại hãi hùng nhìn chiếc camêra. Em ngạc nhiên nghe thấy ông Kauffmann nói về các thành viên Ủy ban với lời lẽ như thế trong khi ông biết rằng ông đang bị ghi hình.

- Đừng lo vì cái đó, - ông nói. - Nào, đồng ý chứ?

- Vâng ạ.

- Tốt! Bây giờ, chúng ta đi thôi. Hơn nữa, đã đến lúc rồi: những tiếng gào thét ở đằng sau kia bắt đầu làm bác đinh tai nhức óc rồi!

 

Khi em lên mười tuổi, ông Kauffmann tặng em chiếc la bàn kiểu rất cổ và rất đẹp do cụ của ông để lại. Để giúp cháu tìm thấy con đường của mình trong cuộc sống, ông tuyên bố khi đặt chiếc la bàn vào lòng bàn tay em.

- Úi chà chà, phép ẩn dụ của bác hơi bị mòn rồi! Lẽ ra bác có thể nói cách khác chứ.

- Cách ẩn dụ của bác đã mòn vì đã được trải nghiệm, ông đáp lại với nụ cười lớn trên môi.

Đến lượt em mỉm cười và chính trong khoảnh khắc đó, em cảm thấy rằng chúng em thực sự hòa giải.

 

Sau sự việc đó, em không còn nhăn nhó khi đi bộ cùng ông trong sân nữa, không bước vội vàng nữa, mỗi ngày hai mươi hai phút. Còn lại thì không có gì thay đổi. Em nín thở khi ăn. Em tham gia lớp học qua video và làm bài tập. Em lắng nghe ông Kauffmann chơi trung hồ cầm và nói với em những lời em đã thuộc lòng. Em chạy trên đường vòng dành cho xe đạp ở tầng sáu dưới lòng đất. Em cẩn thận luyện các bài tập làm mềm dẻo các ngón tay. Em nghiến răng để người ta xoa bóp. Em bé nhỏ và gầy guộc, em là một đống xương, một con còm, như Takano nói. Nhưng em khỏe mạnh và rắn rỏi. Em luôn luôn tiến bộ. Để đi đến đâu thì em không rõ, mặc dù có chiếc la bàn do ông Kauffmann tặng cho em.

Buổi chiểu, em xem phim giáo dục và phim tư liệu, đôi mắt được bảo vệ tốt sau cặp kính màu nhạt. Màn hình trong phòng bật suốt cả ngày: cuộc sống động vật, các phát minh lớn, bí mật biển cả, các kỳ quan hệ thực vật, một trăm kiệt tác lớn nhất của nhân loại. Tất cả các tài liệu đó để thuyết phục em về sự hài hòa của mọi vật và vẻ đẹp của thế giới. Nhưng em đâu dễ bị lừa. Em biết rằng thế giới không đẹp như vậy. Rằng thế giới cũng không vui vẻ và thanh bình. Em biết điều đó vì những người đàn ông mặc bộ đồ đen đã đến phá cửa nhà em và mang mẹ đi. Em biết điều đó vì những chiếc máy bay trực thăng lượn trên đầu chúng ta, và vì những hình ảnh đôi khi hiện lại ở đầu em trong mơ. Những tia chớp ngắn và dữ dội. Em không biết những điều đó đến từ đâu. Chúng ở đó, tất cả ở đó, mãnh liệt, chính xác. Vì vậy, đừng kể cho em nghe những chuyện tầm bậy với những chú chó biển non, thần Vệ nữ Milo hay cánh rừng màu lục bảo. Em đánh hơi thấy sự hỗn độn trong đó.

 

Em thường xuyên nói với mẹ. Em đọc cho mẹ nghe những bài thơ về nỗi buồn và tình yêu đồng thời cố tự thuyết phục mình rằng mẹ có thể nghe thấy. Lúc nào em cũng da diết nhớ mẹ, thậm chí nỗi nhớ càng gia tăng theo thời gian. Đã bốn năm em chờ đợi họ quyết định cho em biết mẹ ở đâu, mẹ ra sao. Trong bốn năm ấy chẳng biết gì hết. Tất cả sự trống rỗng thông tin về mẹ bắt đầu trở nên không thể chịu đựng được. Em bắt đầu cảm thấy mỗi ngày niềm tin lại tuột dần đi giữa các ngón tay. Việc này khiến em quyết định phá tan sự im lặng vào một buổi chiều khi đi cùng ông Kauffmann dọc theo bức tường loang lổ sần sùi ở khu sân chơi nhỏ.

- Cháu muốn hỏi bác... một việc.

- Việc gì thế, cô bé?

- Bác có biết tình hình mẹ cháu ra sao không?

Ông sững sờ.

- Đây là lần đầu tiên cháu nói về mẹ, - ông thì thầm với giọng rất lạ.

- Cháu biết ... nhưng cháu... cháu cần...

- Lại đây, Lila. Chúng ta trò chuyện một lúc.

 

Chúng tôi đến ngồi trên chiếc ghế dài xập xệ. Em lén lút liếc nhìn chiếc camêra, ngay phía trên đầu. Ông Kauffmann nhỏ nhẹ cười:

- Bác đã nói với cháu đừng lo mà!

- Nhưng...

- Cháu có biết tại sao bác chọn cái sân thối rữa này cho các cuộc đi dạo của chúng ta không? Bởi nó hoàn toàn thối rữa, đúng nghĩa là vậy!

Em nhìn ông không hiểu.

- Cháu có thấy những chiếc máy camêra ở đằng kia không? Chúng cũ gỉ. Còn cái này ở đằng sau chúng ta nữa cũng chẳng kém phần: micro HS, ống kính cáu ghét. Có nghĩa là máy chẳng thu được gì mấy. Tóm lại, chúng ta một mình trên thế giới, thanh thản, yên ổn, được giải phóng khỏi lũ ngốc và lũ keo bẩn. Một sự xa xỉ thực sự trong thời đại
ngày nay.

Ông bắt tréo tay trước chiếc bụng to béo, vẻ hài lòng.

- Cháu thấy đấy, thực ra nơi này đâu có thiếu nét
quyến rũ!

Thế rồi ông trở lại nghiêm túc:

- Chúng ta quay lại với điều cháu tha thiết nhé, cô bé của bác. Cháu muốn biết gì về mẹ cháu?

- Cháu chỉ muốn biết mẹ ra sao và bao giờ cháu có thể gặp lại mẹ.

Ông khạc khạc hắng giọng với vẻ bối rối.

- Gặp lại mẹ... Thế cháu... Cháu có nhớ mẹ như thế
nào không?

- Cháu không thể nói được... Chỉ có những hình ảnh đôi khi tái hiện trong đầu cháu.

- Kiểu hình ảnh như thế nào?

Giọng của ông thay đổi khiến em luống cuống.

- Không có gì rõ ràng. Thực ra tất cả đều mờ mờ, lẫn lộn.

Ông hơi nhếch mép.

- Bác có biết gì về mẹ cháu không?

Ông không trả lời.

- Bác có biết gì không?

- Chuyện này phức tạp lắm, Lila...

- Chuyện gì phức tạp?

Ông há miệng, rồi thay đổi ý kiến, cứ như là ông cần thêm thời gian để chọn từ ngữ. Sau một lúc lâu im lặng, rốt cuộc ông nói:

- Khi cháu đến đây, bốn năm trước, người ta không cho biết bất kỳ thông tin gì về mẹ cháu. Chẳng có thông tin gì về tên, tuổi, thậm chí không có cả ảnh. Bác không biết mẹ cháu ra sao. Bác rất tiếc.

- Bác chẳng biết gì sất ư?

Ông lắc đầu với vẻ buồn rầu.

- Vài tuần sau khi cháu tới đây, người ta thông báo rằng mẹ cháu mới bị truất quyền làm mẹ. Đó là tất cả những gì bác và trung tâm biết.

- Truất quyền làm mẹ ư? Như thế nghĩa là sao?

Ông Kauffmann nhắm mắt lại giây lát.

 

- Như thế có nghĩa là tất cả mối quan hệ pháp lý đã bị xóa bỏ giữa cháu và mẹ. Mẹ cháu chính thức không được coi là mẹ của cháu nữa.

- Nhưng tại sao người ta có thể làm được một việc như vậy? Như thế... không thể như thế được!

- Đó là một thủ tục pháp lý.

- Tại sao?!

- Bác không biết, Lila. Bác không biết.

- Vậy thì, cháu sẽ có thể làm thế nào để gặp lại mẹ?

Ông Kauffmann lắc đầu với vẻ ngao ngán, để tỏ sự bất lực. Em không ngừng nhắc đi nhắc lại: Không thể như thế được, không thể như thế được, và đúng thế, em không thể tin vào điều đó được. Việc này khiến em quá đau khổ và thất vọng. Vượt quá giới hạn nào đó thì chúng ta không thể chấp nhận được, con người là thế, phải vậy không? Và trong khi nhắc đi nhắc lại câu không thể như thế được, em cảm thấy sự trống rỗng đào sâu trong mình, mở rộng và ăn dần dần lồng ngực, hút hết thể chất của em. Chẳng bao lâu tất cả sẽ bị ngấu nghiến, em chắc chắn như vậy nhưng chẳng quan tâm. Em không còn mong muốn tiếp tục nữa. Em muốn đứng lên.

- Ê, cô bé, không vội như vậy chứ! Chúng ta đã nói chuyện xong đâu. Em lắc đầu:

- Đối với cháu thì đã kết thúc rồi.

- Đừng để bị gục ngã.

- Tại sao bác đã không nói gì với cháu, vì mẹ cháu?

Ông không trả lời. Ông có vẻ day dứt. Em thấy ông đột nhiên lần sờ túi áo gilê, rút ra một cái lọ dẹt nhỏ, mở nắp rồi đưa lên môi. Ông rít hết một hơi. Sau khi đậy nắp, ông để lại chiếc lọ vào trong túi. Rồi ông im lặng một lúc, mắt nhìn vào trống không. Cuối cùng, ông quay về phía em, mỉm cười buồn bã.

- Bác cứ tưởng cháu đã hoàn toàn quên mẹ. Tất cả mọi người đều tưởng như vậy. Nhìn chung trẻ con đều sẽ quên - dù sao thì phần lớn lũ trẻ ở đây là như vậy. Nhưng cháu không giống những đứa khác. Lẽ ra bác phải nhớ ra điều này: cháu không giống những đứa khác.

- Bác Kauffmann, cháu không nghĩ rằng mình có thể can đảm tiếp tục sống. Nếu cháu không thể gặp lại mẹ thì chẳng cần sống làm gì.

- Lila, cháu không được nói như vậy.

- Nhưng đó là sự thật. Bác thích sự thật, phải vậy không? Vậy thì sự thật là thế này: cháu không thể.

Ông nhắm mắt một lúc.

- Có thể có giải pháp.

- Nhưng bác vừa khẳng định với cháu rằng chẳng làm được gì hết mà!

- Về lý thuyết thì đúng, nhưng về thực tế thì...

Ông bắt đầu vỗ vỗ chiếc lọ rỗng qua túi áo gilê.

- Nếu chịu khó tìm thì cuối cùng sẽ luôn thấy cách lách những điều cấm đoán.

- Ý bác... ý bác là mặc dù vậy vẫn có cơ may tìm thấy mẹ cháu, phải vậy không?

Ông gật đầu.

 

- Bác có những mối quen biết, cháu hiểu không. Những người có thể giúp đỡ chúng ta. Chỉ có điều... không phải bây giờ. Chừng nào cháu còn sống trong Trung tâm thì chúng ta không thể làm gì được; tất cả bị giám sát quá chặt. Nhưng Lila ạ, việc này sẽ chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian. Một ngày, cháu sẽ ra khỏi đây. Cháu sẽ rời Trung tâm và cháu sẽ có cuộc sống của cháu. Khi đó, nếu cháu vẫn tha thiết muốn biết mẹ cháu ra sao, nếu chuyện đó vẫn quan trọng đối với cháu như vậy, thì bác sẽ giúp cháu. Bác xin hứa với cháu. Bác sẽ giúp cháu.

Em không biết liệu mình có nên tin ông không. Có thể ông chỉ nói điều đó để cho em lấy lại niềm hy vọng và để ngăn em từ trên sân thượng nhảy xuống.

- Cháu tin bác, phải vậy không? Cháu biết rằng bác không bao giờ kể những điều dối trá.

Em nhìn vào đôi mắt ông, để cố gắng hiểu rõ ràng hơn nhưng không thể. Em không còn biết mình ra sao. Rốt cuộc, em trả lời: Vâng, cháu tin bác. Thưc ra, đúng là như vậy. Và bởi vì người ta luôn chọn giải pháp ít tuyệt vọng nhất.

 

Thời gian đầu em lo lắng rất nhiều về mẹ. Bị truất quyền làm mẹ. Em tự vấn mẹ đã có thể làm gì để ra nông nỗi này, và em hình dung đến những cuộc tấn công có vũ khí, những vụ giết người, những cuộc mưu sát. Nhưng tất cả những điều đó có vẻ không thực tế, vì vẻ đẹp và giọng nói dịu dàng của mẹ. Cuối cùng, em thôi đặt câu hỏi: thực ra, em cóc quan tâm; đó là mẹ, chấm hết, và em biết rằng một ngày, em sẽ gặp lại mẹ, ngay cả khi phải đợi lâu hơn dự định. Dĩ nhiên thật là khổ sở khi nghĩ đến tất cả sự cô đơn cần phải chịu đựng trước khi gặp lại mẹ. Nhưng em cảm thấy mình có đủ lòng can đảm để đợi đến ngày đó.

Em lại bắt tay vào công việc nhọc nhằn nào là bài học, đi dạo, bữa ăn, nín thở. Thỉnh thoảng ông Kauffmann hỏi em: Ổn chứ? Cháu chịu đựng được chứ? Em trả lời: Ổn ạ. Theo một chiều nào đó thì đúng là thế bởi vì ít ra em biết được mình kiên trì vì mục đích gì. Đừng quên lời hứa của bác nhé, ông nói. Đừng nao núng.

Ông Kauffmann yêu mến. Giờ đây em đã hiểu được rằng ông sẵn sàng mạo hiểm vì em đến thế nào, em còn yêu ông hơn trước nếu có thể. Từ nay em và ông trở thành gần như là tòng phạm và em cảm thấy thực sự dễ chịu khi chia sẻ với ông một điều bí mật quý giá đến vậy.

 

Có sự xáo trộn lớn vào dịp tổng kết chương trình năm thứ ba. Một buổi sáng, ông Kauffmann đột nhiên đến phòng em đồng thời đẩy một hòm to đùng có bánh xe.

- Cái gì thế, bác Kauffmann?

Ông ngồi xuống giường, vẻ bí hiểm rồi trịnh trọng mở nắp hòm.

- Lại đây xem này, cô bé!

Em lại gần.

- Những cái này được gọi là sách. Rồi cháu sẽ say mê đọc kho sách này.

 

Em nhíu mày hoài nghi. Ông có nói cũng vô ích, đống sách trông chẳng mấy hấp dẫn. Nhưng ông có vẻ rất
phấn khích. Ông cầm một cuốn rồi nâng cao lên ngang tầm mắt em.

- Lila, cháu hãy nhìn cho rõ này.

Đột nhiên em thấy cuốn sách mở ra trên tay ông, từng trang hiện ra, mỏng mảnh, mềm mại và linh động. Như bông hoa đột ngột nở tung, như con chim dang rộng đôi cánh.

- Cháu ngạc nhiên không nói nên lời phải không?

Em không trả lời. Em nhìn những ngón tay to của ông lật giở trang sách, đầy chữ màu đen và những mảng màu.

- Thế nào, cháu bị mất lưỡi rồi à?

- Bác gọi cái này là gì?

- Một cuốn sách. Chúng ta có sách trước khi có grammabook(1).

- Thế... trong đó viết cái gì ạ?

- Tùy vào mỗi cuốn sách.

Em tròn xoe mắt. Em chẳng hiểt gì sất.

- Để bác giải thích cho cháu nhé: cháu xem này, với grammabook, người ta chỉ có một màn hình trắng, trên đó xuất hiện văn bản mà cháu lựa chọn. Còn một cuốn sách thì bao gồm những trang giấy in. Một khi văn bản nằm trong sách rồi thì người ta không thể thay đổi gì được nữa. Các chữ được in trên bề mặt. Này, hãy chạm tay đi.

 

Em đặt tay lên trang sách. Em sờ sờ rồi lấy ngón trỏ cạo nhẹ các chữ. Ông Kauffmann nói đúng: các chữ quyện vào trong chất liệu.

- Cái này không thể bị tự xóa đi ư?

- Không, vĩnh viễn không. Không tẩy được. Tất cả ích lợi nằm ở đây: cùng với cuốn sách, cháu văn bản. Cháu có văn bản thực sự. Văn bản ở lại với cháu, mà không ai có thể vô ý sửa đổi. Qua thời gian trôi đi, đây không phải là lợi ích nhỏ đâu, hãy tin bác, ông nói nhỏ thêm. Ex libris veritas, bé gái. Nhờ sách ta biết được sự thật. Cháu hãy nhớ lấy điều này: Ex libris veritas.

Em không hiểu ông muốn nói đến chuyện gì, cũng không hiểu tại sao ông nói với giọng trịnh trọng như vậy. Nhưng dù thế nào em cũng gật đầu. Ex libris veritas. Đồng ý, nếu ông coi là quan trọng.

- Hãy xem này, - ông nói tiếp. - Khi ta đọc xong một trang, ta lật tờ giấy để đọc mặt bên kia. Khi đọc xong cả hai mặt thì phải có trang khác để tiếp tục văn bản.

- Chính vì thế mà có nhiều trang sách đến vậy ư?

- Đúng thế.

Bằng một động tác, ông chỉ các cuốn sách chất trong chiếc hòm.

- Bác đã chuẩn bị cho cháu một bộ sách nhỏ chắc sẽ khiến cháu quan tâm.

- Bác sẽ để lại tất cả cho cháu ư?

- Đúng vậy, cháu gái. Ít nhất là trong một thời gian. Cháu cần phải có gì để làm chứ.

- Chẳng phải đơn giản hơn là chuyển tất cả những văn bản này vào trong grammabook của cháu ư? Như thế sẽ mất ít chỗ hơn!

- Hê hê, cháu gái, cháu sẽ nhanh chóng nhận ra rằng đọc những cuốn sách thoải mái hơn grammabook nhiều. Chúng ta có thể đọc sách suốt hàng giờ mà không bị nhức mắt. Cả vấn đề này nữa, đây không phải là một lợi ích nhỏ đâu.

Em lục một cuốn bất kỳ ở phía trên thùng, rồi lật giở vài trang. Khi chuẩn bị gập cuốn sách lại em nhìn thấy tờ phụ đính ở mặt sau bìa sách: Giấy in có thể chứa những chất độc hại và những vi sinh vật có thể gây cho người yếu ớt những bệnh dị ứng nguy hiểm, dẫn đến tổn thương trên da và khó thở. Cần phải sử dụng sách cẩn thận và để xa tầm tay trẻ nhỏ.

Em tránh cho anh không phải đọc đoạn tiếp theo, anh biết rõ hơn em về cảnh báo của Bộ mà.

- Bác Kauffmann, cái này nghĩa là gì?

Mặt ông trở nên đỏ gay.

- Đúng lúc bác sắp nói với cháu về chuyện này đây. Cháu gái, không nên để tâm đến những điều vớ vẩn ấy! Tất cả những lời đó là bullshit(1), những chuyện nhảm chỉ để khiến mọi người sợ! Cháu thử nghĩ xem tại sao lại như vậy? Bởi vì người ta đã nêu ra vài trường hợp dị ứng gây chết người bị cho là tại giấy mực. Chỉ là những suy đoán. Chẳng có minh chứng gì. Thế nhưng họ vẫn làm to chuyện lên, làm hốt hoảng dư luận để sau đó khiến mọi người bỏ phiếu thông qua những đạo luật hạn chế khốn kiếp của họ. Đúng là lừa đảo! - Ông bắt đầu rống lên. - Sự kiểm duyệt phô trương nguyên tắc cẩn trọng!

Ông run lên phẫn nộ, và khuôn mặt ông chuyển sang màu tim tím. Em chưa từng thấy ông trong tình trạng này.

- Cháu không gặp nguy hiểm gì đâu, cháu gái ạ. Không nguy hiểm gì hết. Bác hy vọng là cháu tin bác chứ?

- Dĩ nhiên rồi, thưa bác Kauffmann, - em nói để giúp ông hạ hỏa.

Thực sự mà nói thì em không hoàn toàn yên tâm. Tờ phụ đính đóng khung màu đỏ với ký hiệu chữ đầu của Bộ ở phía trên bên phải thật là ấn tượng. Nhưng mặt khác, không một lúc nào em hình dung rằng ông Kauffmann lại mạo hiểm để em trong nguy hiểm. Thế là, em nhắc lại để tự thuyết phục mình hoàn toàn về điều đó.

- Dĩ nhiên rồi, cháu tin bác mà.

Thế là ông mỉm cười với em, tỏ lòng biết ơn.

 

Kể từ ngày hôm ấy, em không rời sách nửa bước. Lúc nào trong túi em cũng có một cuốn inquarto(1) được bọc trong tấm vải trong suốt theo quy định. Em say sưa đọc sách ngay khi có chút thời gian tự do. Em dành toàn bộ thời gian rảnh rỗi để đọc sách, những giờ phút cô đơn mà đôi khi em thấy thời gian dường như nặng nề đến mức chẳng biết làm gì khác ngoài việc cố kìm nước mắt, nếu không đọc sách.

 

Khi em đọc xong tất cả những cuốn sách đựng trong thùng - những câu chuyện, tiểu thuyết, bộ tranh truyện, nhiều tiểu luận lịch sử và xã hội học, những bài thơ bằng tiếng La tinh, và một cuốn sách về kiến trúc - ông Kauffmann lại mang đi rồi cho em mượn những cuốn sách khác. Em ngấu nghiến những cuốn sách mới vẫn với thú vui và niềm đam mê ấy. Em thấy tất cả những cuốn sách này không phải đều hay như nhau, nhưng thực ra, đâu có quan trọng. Em có chút giễu cợt nội dung sách. Điều mà em tìm kiếm trên hết đó là khả năng sách mang lại cho em. Nhờ vào sách, em có thể tách mình ra khỏi cuộc đời. Em quên Trung tâm, nếp đơn điệu hàng ngày và hàng loạt những điều bắt buộc khiến ta kiệt sức. Em quên rằng người ta đã cướp mẹ đi. Em đang ở nơi khác, xa thế giới, xa chính bản thân mình. Tự lánh xa đôi khi giúp chúng ta
thư thái.

Thật lạ khi nghĩ rằng vào lúc em bắt đầu cảm thấy thực sự khá hơn thì sự thất bại của ông Kauffmann sắp lặng lẽ
xảy ra.

Em cho rằng chính những cuốn sách đã khởi phát tất cả. Những kẻ hẹp hòi trong Ủy ban phản đối vì những nguy hiểm tiềm tàng cho sức khỏe của em. Đó là thời kỳ mà chính phủ vừa đưa ra chiến dịch thu gom sách lưu giữ tại các gia đình, anh chắc còn nhớ chứ. Bọn hãm này cho rằng sáng kiến của ông Kauffmann có nguy cơ bị Bộ xem như sự thách thức và họ yêu cầu ông thu hồi sách trong thời gian nhanh nhất. Đây là lần đầu tiên họ công khai phản đối ông.

Ông Kauffmann giận điên. Ông hét lên rằng ông không phải theo lời khuyên của ai hết: ông biết việc mình làm và không phải đến tuổi ông mà lại chấp nhận bị một lũ dốt nát đắm trong nếp cũ và sợ sệt, cúm rúm nép tay theo đường chỉ quần, bảo ban cách cư xử. Và để chế nhạo những gì họ có thể nghĩ, ông quyết định giáng một đòn lớn: nhân dịp sinh nhật lần thứ mười một của em, ông tặng cho em một chiếc bút cổ, bằng bạc, một lọ mực và một ram giấy mà ông tìm được ở nhà người bán đồ cổ trong Vùng Tối.

Những người khác tức giận. Như mọi người, họ có lòng tự ái. Ông Kauffmann lại hăng hái chà đạp lên; chuyện này rồi sẽ trở nên tồi tệ đây. Cho đến lúc này, họ đã chịu đựng và ngậm tăm.

Nhưng anh có cố sức bình tĩnh và lịch sự cũng vô ích, đến lúc anh không thể nuốt nhục được nữa.

Em chưa bao giờ thực sự hiểu chuyện gì đã xảy ra. Mỗi khi em tìm cách chất vấn Fernand, thầy đều tìm cách lảng đi. Em khuấy động tất cả chuyện này để làm gì? Chuyện gì xảy ra thì đã xảy ra rồi. Hãy chuyển sang việc khác đi Lila. Toàn những lời lẽ sáo rỗng đưa ra để không gợi lại những kỷ niệm phiền nhiễu. Tội nghiệp Fernand, có trời mà biết được thầy đã bị đe dọa thế nào nếu phá vỡ sự im lặng đè nặng lên vụ việc.

 

Em không hề ngờ đến chuyện xảy ra. Thỉnh thoảng, ông Kauffmann thốt ra một lời nhận xét chỉ rõ rằng mối quan hệ của ông với Ủy ban chẳng tốt đẹp gì, nhưng em quen nghe thấy ông nói về họ là lũ người u mê, những kẻ hẹp hòi đến mức em chẳng hề dè chừng. Ông đã che giấu sự việc rất kỹ. Cho đến cùng, ông đã bảo vệ em.

 

Năm thứ ba trong chương trình giảng dạy của ông kết thúc mà ông không một chút nhượng bộ về những cuốn sách. Ủy ban nhắc lại sự phản đối của mình. Ông cho họ biết rằng họ làm như thế là vô ích.

 

Một buổi sáng, ông đến cùng một thanh niên khá đẹp trai, người ấy nhìn em không mỉm cười. Sao ông lại dẫn gã này đến cho em?

Em nhíu mày và đeo đôi kính đen ngay lập tức. Ông Kauffmann làm ra vẻ chẳng có chuyện gì.

- Lila, bác giới thiệu với cháu thầy Fernand.

Sau đó quay về phía chàng trai trẻ.

- Fernand, giới thiệu với thầy đây là Lila.

Chàng trai mỉm cười.

- Rất hân hạnh, - vừa nói thầy vừa chìa tay ra phía em.

- Bác Kauffmann hẳn chưa báo với thầy rằng em khiếp sợ sự tiếp xúc về thể xác, - em chua chát đáp lại, đồng thời nhìn bàn tay Fernand chìa ra cứ như đó là phần ruột thừa xấu xa.

 

Nụ cười trên môi chàng trai lập tức biến mất. Bàn tay anh thõng xuống, buông sát đùi, sự việc là như vậy, chuyện này sẽ dạy anh ta cách làm thân với em.

- Đừng để ý, Fernand, - ông Kauffmann nói. - Lila chọc ghẹo thầy đấy, chắc chắn là như vậy. Nhưng sẽ qua thôi. Rất nhanh. Phải vậy không, Lila?

Em hắng giọng một lúc, cứ như có một con mèo to tướng phục kích ở đó, rồi em cáu kỉnh buông:

- Vâng vâng, sẽ qua thôi. Cháu chỉ muốn được giải thích rõ hơn.

- Thế thì thế này: thầy Fernand đang có mặt ở đây vừa được chỉ định để giúp đỡ bác trong nhiệm vụ.

- Những điều vớ vẩn này là gì thế?

- E hèm... đây không phải là những điều vớ 8000 vẩn đâu.
Ủy ban cho rằng bác và cháu đã nuôi dưỡng mối quan hệ
quá riêng.

- Vớ va vớ vẩn!

Ông Kauffmann lắc đầu.

- Cháu biết đấy, Lila, bác đã nghĩ kỹ về việc này, và bác cho rằng Ủy ban có lý: học cách gần những người khác như thế tốt hơn cho cháu.

- Cháu xin nhắc lại với bác rằng bác đâu phải là người duy nhất trong cuộc đời cháu! Còn có ông Takano ngày nào cũng đến xoa bóp cho cháu, một bà mang thức ăn đến cho cháu, con mụ trước kia giám sát cháu ở trên mái nhà và bây giờ vẫn còn thỉnh thoảng đến ca ngợi những kỳ quan thế giới cho cháu nghe, và cả...

- Nghe này, Lila, dù sao chúng ta cũng không có sự lựa chọn: Ủy ban đã ra quyết định, và buộc phải chấp hành.

- Từ khi nào bác để cho cả lũ đần độn ấy điều khiển vậy?

Ông Kauffmann bắt đầu húng hắng ho, còn Fernand nhìn em ngơ ngác. Em cau có.

- Lila, - ông Kauffmann dịu dàng nói, - trong trường hợp này bác nhất trí với Ủy ban bởi lẽ Ủy ban cho bác chọn người cùng chia sẻ công việc với bác. Đó là thầy Fernand, người bác hoàn toàn tin tưởng.

- Bác bỏ rơi cháu ư?

- Không hề, cháu bé ạ! Không hề!

Ông có thể khẳng định những gì ông muốn, nhưng em đâu có bị lừa.

- Cứ hai ngày chúng ta sẽ có thể gặp nhau một lần, Lila. Sẽ ổn thôi. Bác đảm bảo với cháu, sẽ như trước mà.

- Bác thực sự coi cháu là con ngốc!

Em giận ông vô cùng vì ông tỏ ra bình tĩnh như vậy, và thờ ơ như thế với chuyện xảy ra với mình. Ông nghiêng người về phía em.

- Hãy nhìn bác Lila. Hãy nhìn sâu vào đôi mắt bác.

Em làm như ông yêu cầu. Mặt đối mặt, em nhìn thẳng vào đôi mắt màu ghi của ông. Anh không thể hình dung được nỗi buồn đến thế nào ở trong đôi mắt ấy. Mặc dù với những lời lẽ và vẻ yêng hùng, nhưng cả ông cũng đau khổ. Cũng đau khổ như em. Chỉ có điều ông dồn nỗi đau ở trong đôi mắt.

- Cháu đã hiểu bác chưa?

Em gật đầu. Thế là ông mỉm cười.

 

Vậy là chúng em bắt đầu cuộc sống chỉ bên nhau nửa thời gian, cả hai đều cố biểu lộ vẻ mặt dễ thương. Ông Kauffmann cho rằng không nên buồn bã: Hãy tranh thủ những khoảnh khắc chúng ta ở bên nhau, cháu gái ạ, không nên tự chuốc phiền muộn làm gì. Cả hai đã làm những gì ông nói: em và ông đã nhâm nhi từng giây phút. Ông mang sách đến cho em, chơi trung hồ cầm cho em nghe. Đôi khi em và ông lên sân thượng để thỏa sức đọc thơ. Đúng là không còn hoàn toàn như trước, nhưng mặc dù vậy, em và ông đã trải qua một mùa xuân tươi đẹp.

 

Thời gian đầu, em có đôi chút khó khăn với thầy Fernand. Ngay cả khi biết rằng không phải lỗi của thầy nhưng em vẫn giận thầy chiếm chỗ của ông Kauffmann. Em tỏ ra khô khan và khó chịu với thầy - cần phải thể hiện rõ sự phản đối của em. Khi thầy đến gặp, em để cho thầy nói. Em chỉ mở miệng để ngáp to nhất có thể. Hoặc là em chúi mắt vào cuốn sách nâng lên rõ cao để che khuôn mặt mình. Thầy làm ra vẻ chẳng có chuyện gì: thầy nói với em về mưa, về thời tiết đẹp, rồi lại về mưa. Tóm lại, thầy lấp đầy sự im lặng. Đôi khi, thầy giả vờ quan tâm đến các cuốn sách của em, cẩn thận đeo găng tay bảo vệ lật giở vài trang. Em khinh khỉnh nhìn thầy vì đôi găng tay. Em cho rằng những sự bảo vệ này hoàn toàn nực cười, và em chẳng tội gì mà không để cho thầy hiểu điều đó. Tóm lại, em tệ lắm.

Thầy đã kiên nhẫn, thậm chí có thể nói là kiên cường. Không bao giờ có lời nói hay nhận xét sai lệch. Phải nói là thầy luôn tìm cách tỏ ra hài lòng khi gặp em. Cuối cùng em thấy thương hại thầy. Dù sao chăng nữa, nếu hành hạ thầy lâu hơn thì mình được gì nào? Em bắt đầu nhả ra vài lời từ đầu môi. Những từ cộc lốc. Cần phải từ từ, em cần thời gian để làm quen với ý nghĩ mình là người tử tế. Dần dần, em sôi nổi hơn. Em và thầy đã bắt đầu những cuộc trò chuyện thực sự. Trò chuyện như vậy có khó chịu gì đâu, em xin thừa nhận thế. Trong Fernand có cái gì đó hiền lành, kiên nhẫn và lạnh nhạt khiến tôi cảm thấy hoàn toàn thoải mái. Thầy tốt bụng, kín đáo, hơi tẻ nhạt - có lẽ so với ông Kauffmann thì ai cũng tẻ nhạt. Em chẳng thấy phiền, ngược lại là đằng khác. Em thích thầy Fernand vì thầy biết ở đúng vị trí của mình và thu mình. Thế là tốt. Nhưng phẩm chất tốt nhất của thầy - phẩm chất đã giúp em thực sự chấp nhận thầy - đó là sự ngưỡng mộ không giới hạn mà thầy dành cho ông Kauffmann.

 

Mùa hè vèo trôi qua. Em vẫn không nghi ngờ điều gì. Em sống trong bọng nước yên bình, chật hẹp, được bảo vệ với thế giới bên ngoài. Chưa bao giờ ông Kauffmann tỏ ra hài hước, vui vẻ và vô tư lự đến thế. Có thể nói ông là diễn viên hài tài ba thực sự.

Tuy nhiên, cuối tháng Tám, rốt cuộc em đã mở mắt ra. Cần phải chấp nhận điều hiển nhiên: có chuyện gì đó không ổn. Ông Kauffmann đã thay đổi rất nhiều, béo lên rất nhiều. Thậm chí ông không thể cài những chiếc áo gilê thêu bảnh bao của mình nữa. Nhưng đặc biệt là ông uống ngày càng nhiều, thậm chí chẳng cần che đậy. Lúc nào ông cũng có bên mình năm, sáu chai cognac, hay whisky mạch nha nguyên chất, cất trong những chiếc túi bên trong áo rơđanhgôt. Ông uống một hơi khi em ở bên cạnh ông, cứ như cuộc đời ông lệ thuộc vào rượu. Sau đó, ông lặng lẽ, mỉm cười với vẻ buồn. Tất cả thứ độc hại mà ông uống sau chiếc cà vạt này khiến em hoảng hốt.

- Bác Kauffmann, tại sao bác uống như vậy? Uống rượu là bị cấm mà, bác biết là nguy hiểm cho sức khỏe mà!

- Có thể như vậy lắm, cháu gái, có thể như vậy lắm...

- Có chuyện gì không ổn hả bác Kauffmann?

- Mọi chuyện đều ổn cả, cô bé ạ.

- Cháu không muốn bác coi cháu là đứa ngốc. Cháu thấy đau lòng, bác biết không.

- Ôi, cháu gái, không được nói thế! Bác bảo đảm với cháu rằng chẳng có chuyện gì trầm trọng đâu. Chỉ có vài kẻ xảo trá trong Ủy ban hành hạ thôi. Đừng lo, bác đã trải qua nhiều trục trặc kiểu này rồi! Chẳng bao lâu nữa, mọi chuyện sẽ đâu vào đấy. Cháu tin bác, phải vậy không?

Em muốn tin ông, dĩ nhiên rồi, có lẽ em cảm thấy thoải mái khi biết rằng không có bất kỳ lý do gì phải lo lắng. Tuy nhiên, khi thấy ông nhu nhược, loạng choạng vì rượu, đôi mắt húp và cái bụng tròn ủng ra phía trước, em không thể bỏ qua linh cảm về mối đe dọa sắp xảy ra, và em lo đến phát ốm. Em không thể chịu đựng được ý tưởng rằng ông có thể gặp nguy hiểm. Bởi vì em yêu ông. Bởi vì ông là hy vọng duy nhất gặp lại mẹ của em.

- Cháu tin bác, phải không? - Ông nhắc lại.

- Dĩ nhiên.

Em nói thế bởi vì, dù thế nào đi nữa, em cũng không có cách gì để nghi ngờ ông. Ông mỉm cười.

- Bác biết cháu nghĩ đến điều gì. Đừng lo lắng: dù chuyện gì xảy ra, cháu có thể tin cậy vào bác. Hãy ghi nhớ điều này vào đầu nhé, cháu gái: dù chuyện gì xảy ra, bác vẫn tìm được cách giữ lời hứa.

Lúc ấy là tháng Mười. Tình trạng của ông trầm trọng thêm: ông vẫn béo lên, ông còn uống nhiều hơn nữa, và không ngừng đùa cợt cứ như chẳng có chuyện gì, nhưng em không còn tin được nữa.

Một buổi sáng, ông thình lình đến phòng em, chìa cho em một chiếc hộp nặng quấn ruy băng.

- Chúc mừng sinh nhật, cháu gái!

- Nhưng bác Kauffmann ơi, hôm nay mới có mùng bốn thôi! Sinh nhật cháu là ngày 19 cơ mà.

- Bác biết rồi, cháu gái, bác biết, - ông đáp lại với giọng thư thái, - nhưng bác quyết định kể từ bây giờ bác sẽ không chúc mừng sinh nhật đúng ngày nữa. Đây là cách hay nhất để tạo bất ngờ thực sự hiệu quả.

- Đó là một quan điểm.

- Nào, mở hộp quà của cháu ra chứ? - Ông đề xuất, cứ như ông vội chuyển sang chuyện khác. Em đặt hộp quà lên bàn. Ông giúp em mở nắp. Đó là một cuốn từ điển cũ, to đùng, cuốn nặng nhất mà em từng cầm trên tay.

- Bác muốn tặng cháu một cuốn mới hơn, nhưng càng ngày càng khó kiếm từ điển giấy có chất lượng tốt. Cuốn này xuất bản vào đầu thế kỷ trước. Cuốn sách sẽ rất hữu ích đấy. Này cháu gái, cháu thấy chất lượng bìa sách chưa! Bìa da cá đấy. Rất đẹp. Rất đắt. Bác đã yêu cầu bọc riêng để ghi dấu ấn cho cuốn sách này.

Em lấy đầu ngón tay xoa nhẹ lên cuốn từ điển. Thật là mềm mại, nước mắt em trào lên khóe mi. Ngay lập tức em đeo kính râm - đây không phải lúc phó mặc cho tình cảm.

- Cảm ơn bác Kauffmann.

Giọng em hơi run run.

- Bác mới là người cảm ơn cháu, cô bé ạ. Thật vinh hạnh cho bác đã được gặp một người đặc biệt và thông minh
như cháu.

Một lời khen ngợi như vậy, chắc chắn đó là món quà đẹp nhất ông chưa từng tặng cho em. May thay, nhờ có kính nên em che giấu được đôi mắt.

- Hãy giữ gìn cuốn từ điển này nhé, Lila. Tất cả đều có ở trong này. Tất cả những gì cháu cần. Và không được quên điều này: cuốn sách là của cháu. Không ai có quyền tước đoạt nó. Không ai hết, cháu nhớ chưa?

Em chưa từng thấy ông nói một cách trang trọng như vậy, và đột nhiên việc này cảnh báo em.

- Có chuyện gì xảy ra vậy, bác Kauffmann?

- Có chuyện gì đâu, cháu gái! Chỉ vì năm nay bác tặng cháu một món quà thực sự đặc biệt nên bác muốn chắc chắn rằng cháu đánh giá đúng giá trị của nó.

- Dĩ nhiên là cháu đánh giá được giá trị mà!

 

- Thế cháu vẫn giữ chiếc la bàn bác tặng cháu cách đây hai năm chứ?

Em chau mày.

- Hôm nay bác lạ thế không biết.

- Cháu vẫn giữ chiếc la bàn chứ?

- Dĩ nhiên rồi, bác hỏi gì lạ thế! Chiếc la bàn ở trong ngăn kéo bàn trang điểm của cháu mà.

- Tốt rồi, tốt rồi.

Em nhìn ông, tò mò. Em không thể hiểu được chuyện gì xảy ra với ông. Ông không để cho em có đủ thời gian đặt câu hỏi. Ông đứng lên khỏi giường, khó nhọc.

- Bác phải đi rồi ư?

- Ừ, đến giờ rồi.

- Bác ở lại thêm một chút đi!

- Xin lỗi, cháu gái, bác thực sự không thể.

- Ngày kia chúng ta gặp nhau nhé?

- Bác sẽ cố gắng nhưng bác không chắc là có thể.

Ông ngập ngừng bước về phía cửa. Điệu bộ mỏi mệt. Hình bóng nặng nề của ông trông như một á thần già nua kiệt sức. Em thấy tim như thắt lại.

- Bác Kauffmann, mọi chuyện có ổn không?

- Thì dĩ nhiên, cháu gái, tại sao lại không ổn?

Em nhìn vào đôi mắt ông. Em biết rằng ông cất nỗi buồn ở chính nơi đó. Và em thấy rằng ông nói dối. Em không thể nói với anh chuyện gì xảy ra khi đó - cảm xúc đôi khi thật lộn xộn. Em muốn lao vào vòng tay ông, siết chặt lấy ông, giữ ông lại và nói: Cháu xin bác đừng đi, hãy nán lại thêm một chút. Thậm chí em không nghĩ đến nỗi sợ tiếp xúc hay đến sự ghê ghê khi chạm vào ông nữa. Em chỉ nghĩ đến việc giữ ông lại với em. Nhưng ông thì thầm:

- Tạm biệt, Lila - bằng một giọng rất bình tĩnh, rất dịu dàng, như là cam chịu.

Em như bị tê liệt.

- Tạm biệt bác Kauffmann.

Ông gật đầu, mỉm cười với em thêm một lần nữa, rồi ông rời xa. Câu chuyện của em và ông kết thúc như vậy.

 

Sau khi ông đi, em nhận thấy ông để quên chiếc khăn thêu trên giường. Em cẩn thận gấp lại rồi cất vào trong ngăn kéo bàn trang điểm, nghĩ rằng sẽ trả lại khi gặp ông vào
lần tới.

 

Ông Kauffmann đã không có thời gian quay lại gặp em. Ông bị cách chức ngày 15 tháng Mười, vài ngày trước sinh nhật lần thứ mười hai của em. Thầy Fernand là người thông báo điều đó với em, với dáng vẻ của con chó bị đánh thảm thương, đôi vai còng xuống như gánh tất cả sức nặng của thế giới. Thầy kể cho em nghe tất cả - rốt cuộc, nói chung đủ để em hiểu chuyện gì đã xảy ra: bản kiến nghị đáng ngờ do các thành viên Ủy ban bỏ phiếu thông qua vào cuối tháng Tám, việc bị triệu tập trước Đại Hội đồng vào đầu tháng Chín, rồi bị cách chức.

- Tại sao thầy không nói gì với em?

 

- Ông ấy không muốn cho em biết. Ông đã bắt thầy
phải hứa.

- Tất cả chuyện này là vì em ư? Vì những cuốn sách ư?

Thầy lắc đầu.

- Chuyện phức tạp hơn thế.

- Vậy hãy giải thích cho em hiểu đi.

- Khó lắm, Lila. Tôi không được...

- Dù sao em cũng có quyền được biết!

- Chẳng có gì để nói, Lila. Ông Kauffmann đã đi đến cùng những gì ông cho là cần phải làm trong Trung tâm. Ông có chút mạo hiểm và tự do... và đấy, bây giờ thì hết rồi.

- Em có thể gặp lại ông ấy không? Có thể được không, ngay cả khi ông không còn là giám đốc nữa?

- Tôi không biết, Lila. Thực sự tôi không biết.

Thầy có vẻ vô cùng buồn, vô cùng sầu thảm. Em cảm thấy một mũi tên lạnh xuyên qua lồng ngực, nhát bắn không thể làm dịu. Chính vào khoảnh khắc đó, em tin chắc một cách tàn nhẫn và tuyệt đối rằng thế là chấm hết.

 

Buổi tối, em lấy chiếc khăn quàng đẹp bằng lụa ra khỏi ngăn kéo, rồi giấu chiếc khăn vào trong vỏ gối, miết thật thẳng để không ai có thể nghi ngờ. Em không muốn người ta tìm thấy chiếc khăn rồi tước đi của em. Như thế hẳn không công bằng bởi lẽ chiếc khăn là của em. Ông đã tặng chiếc khăn cho em, rốt cuộc em hiểu điều này: cùng với cuốn từ điển, chiếc khăn là món quà vĩnh biệt của ông.

 

Họ đến bắt ông tại gia ngày 3 tháng Mười một. Fernand thậm chí không đủ dũng cảm để thông báo cho em điều đó. Em biết tin này khi nghe thông tin thời sự trong nước. Ông Kauffmann bị nghi ngờ buôn bán ma túy, và tiến hành những hoạt động gây rối. Người ta cũng nêu ra một vụ việc tai tiếng tình dục liên quan đến cựu học sinh nội trú của Trung tâm.

 

Vụ việc trở thành đề tài lớn suốt gần một tháng. Mỗi ngày lại thêm hàng loạt những lời tố cáo đê hèn, những chi tiết tai tiếng. Giờ đây người ta khẳng định rằng ông Kauffmann đã làm giả mạo các tài khoản của Trung tâm và biển thủ những khoản tiền khổng lồ. Người ta nói rằng ông nghiện ma túy và tiêu thụ nhiều hàng cấm. Người ta nêu chứng béo phì của ông như là bằng chứng rõ rệt nhất về hành động bừa bãi của ông. Người ta còn chỉ trích cả những bộ trang phục kỳ quặc của ông.

Tất cả lũ cặn bã hẹn hò nhau đến làm chứng buộc tội ông: đó là những nhân viên Trung tâm mà ông từng sa thải, đồng nghiệp ghen tị, kẻ xảo trá, kẻ bất đắc chí. Thậm chí họ còn mời bà giúp việc gia đình ông đến trường quay truyền hình, con mụ vô lại thảm hại với vẻ sợ sệt bị họ quấy rầy hơn mười lăm phút cho đến khi mụ than vãn với giọng ghê rợn: Vâng, đúng vậy, ông ấy uống rượu. Tôi đã nói với ông ấy mà vô ích: Thưa ông, không được đâu, nhưng ông ấy vẫn uống.

Rồi đột nhiên vụ việc Kauffmann không còn hot nữa. Người ta không có gì thêm để nuôi dưỡng vụ tai tiếng; mọi người chán rồi. Người ta không nói đến vụ này nữa; chỉ còn vài mẩu tin, hai ba câu để nói rằng vụ việc đang được điều tra.

- Như vậy có nghĩa là họ đã chẳng thể chứng minh được gì. - Fernand giải thích với em. - Nếu không, có lẽ họ đã kết tội ông từ lâu rồi.

- Thế thì họ sẽ thả ông ra!

- Có thể. Nhưng không vì thế mà ông hết dây dưa với pháp luật. Cuộc điều tra sẽ kéo dài hàng năm, và trong suốt thời gian đó, ông vẫn bị coi như là có tội. Mọi thứ đã chấm hết với ông ấy rồi, Lila. Mọi thứ đã chấm hết với ông ấy rồi.

 

Ông Kauffmann được trả tự do nhờ được bảo lãnh vào đầu tháng Mười hai, nhưng bị quản thúc tại gia trong căn hộ tại đảo Cité, cùng với lệnh cấm tiếp khách và giao tiếp với bên ngoài. Mặc dù Fernand cho biết những thông tin bi quan như vậy, em vẫn tiếp tục hy vọng.

 

Một buổi sáng, một gã bước vào phòng em mà không báo trước, đó là một nhân viên của Trung tâm. Hắn đẩy một chiếc hòm có bánh xe. Khi em nhìn thấy hắn đeo đôi găng tay bảo vệ, em lập tức hiểu người ta phái hắn đi làm công việc bẩn thỉu nào. Em không hề bối rối:

- Ông đến đây làm gì?

Hắn do dự một chút rồi cằn nhằn, hơi khó chịu:

- Tôi đến lấy lại sách của cựu giám đốc. Mệnh lệnh của Ủy ban.

 

Sau đó hắn tiến về phía giá sách rồi bắt đầu rút những cuốn sách được xếp thẳng hàng trên giá.

Có những lúc phải biết vượt qua sự ghê tởm của mình. Chấp nhận giáp lá cà, khi cần phải làm như vậy. Đánh, cắn, đập. Đó là những gì em đã làm: em lao vào hắn, dùng răng và móng tay để bảo vệ những cuốn sách của mình. Hắn quay lại định tóm lấy em, nhưng em đã giơ nanh vuốt cào vào mặt hắn. Tội nghiệp cho gã đó, em đã khiến hắn thật sự bị thương. Không có gì trầm trọng, nhưng dù sao hắn cũng bị vài vết bầm, môi vêu lên và đầu nhiều chỗ trầy xước. Tường trình của hắn trong hồ sơ thuật lại rằng hắn bị bất ngờ vì sức mạnh nội lực của em, hắn không ngờ một đứa trẻ nhỏ và mảnh khảnh lại khỏe đến vậy. Tuy nhiên, hắn đã nhanh chóng làm chủ tình thế, hắn gí sát em xuống sàn nhà, và vì em vẫn không thôi giãy giụa và gào thét nên hắn đã gọi nhân viên an ninh.

Những cánh tay to ào ào đổ bộ xuống. Ba người trong số họ cùng chế ngự em. Bàn tay của họ trên cánh tay trần của em, sức nặng của họ như mỏ quặp xung quanh mắt cá chân em, mồ hôi, hơi thở của họ khiến dạ dày em đảo lộn nhưng em chẳng có gì để nôn. Em đành nấc lên, khiến họ cười.

Trong lúc họ giữ em, gã kia bắt tay vào công việc, thậm chí không cả chùi máu lăn trên má. Dường như hắn vội vàng kết thúc công việc này. Trong lúc hắn chất đống sách vào trong hòm, em tha hồ gào to gọi hắn là đồ đểu, kẻ khốn nạn, thằng ẻo lả và còn nhiều từ như thế nữa. Chửi thế cũng chẳng giúp em dịu đi. Còn hắn thì tiếp tục chất sách. Em cảm thấy hắn hơi xấu hổ nhưng việc ấy chẳng khiến thay đổi chút gì thái độ của hắn. Khi lấy hết sách, hắn đậy nắp lại, rồi đẩy chiếc hòm ra cửa. Khi đó, một nhân viên an ninh chỉ cho hắn:

- Còn một cuốn đằng kia.

Tên này chỉ cho hắn cuốn từ điển để trên bàn trang điểm. Em gào lên và giãy giụa nhiều hơn nữa:

- Cuốn đó là của tôi! Các ông không có quyền lấy cuốn sách đó đi!

Lũ nhân viên an ninh phá lên cười.

- Cô gái nhỏ này lớn giọng gớm nhỉ!

- Đó là món quà tôi được tặng! Các ông không có quyền!

Gã nhân viên nhìn em không nói gì, tay để trên núm ngăn kéo.

- Nào, mày có nhúc nhích không đấy? - Đám nhân viên an ninh sủa lên. - Lấy cuốn sách rồi xéo đi, kết thúc với con ranh điên khùng này.

Gã kia vẫn không phản ứng. Má dính máu, môi sưng lên, hắn chòng chọc nhìn em.

- Mày làm quái gì thế? - Đám nhân viên an ninh gào lên.

Hắn không trả lời. Em van xin:

- Thưa ông, tôi xin ông đấy, hãy để lại cho tôi cuốn từ điển. Cuốn sách đó là của tôi. Đó là món quà mà ông Kauffmann tặng nhân dịp sinh nhật tôi.

Trong cơn hốt hoảng, em không lường được điều phi lý khi cầu xin người mà ít phút trước đó mình vừa cào cấu. Hắn ta có vẻ ngây ra. Em nhắc lại:

- Tôi xin ông đấy!

- Im mồm ngay! - Một tên lực lưỡng vừa nói vừa lấy tay bịt mồm em, mạnh đến nỗi những chiếc nhẫn của hắn làm rách môi em.

Gã nhân viên run rẩy một cách khó nhận thấy. Hắn vẫn còn nhìn em thêm vài giây. Sau đó hắn quay lưng và mở cửa.

- Thế còn quyển sách, mày không lấy à? - Những kẻ khác hét lên với hắn.

- Cô ấy nói cuốn sách là của cô ấy.

- Thế thì sao nào?

- Tôi chỉ được lệnh lấy những cuốn sách của cựu giám đốc về.

- Thế thì sao?

- Thì cô ấy nói rằng cuốn sách này thuộc về cô ấy. Thế nên tôi không lấy.

- Mày tin nó à!

Hắn quay lại phía em. Em rên lên, bàn tay của tên lực lưỡng vẫn bịt miệng em, máu đầy mồm. Gã nhân viên mỉm cười buồn rầu.

- Vâng, tôi tin cô ấy.

Em mấp máy môi để cảm ơn hắn. Hắn gật đầu. Thế rồi hắn rời căn phòng với bước đi nặng nề, khom lưng xuống chiếc hòm, mang theo kho báu của ông Kauffmann.

 

Hai ngày sau, Fernand đến gặp em. Thầy ngồi trên giường, không nói lời nào. Thầy có vẻ tuyệt vọng.

- Môi của em thế nào rồi?

 

- Như thấy thấy đấy..., - em nói đồng thời chỉ chỗ vảy kết trên miệng bầm tím. Nhưng em nghĩ thầy đâu có đến đây để nói chuyện này với em.

- Em nói đúng, Lila, còn có một chuyện khác. Tôi sẽ cho em biết hai tin. Một tốt, một xấu.

Em đeo lên mũi chiếc kính râm rồi đến ngồi ở đầu giường kia.

- Tin tốt lành đó là Ủy ban cho phép em giữ cuốn từ điển. Lúc đầu họ không muốn nghe nhắc đến chuyện này, nhưng tôi đã dọa yêu cầu điều tra về cách nhân viên an ninh xử sự với em. Vậy là họ yên. Thế đấ 6ed y. Em giữ lấy cuốn từ điển.

Thầy quay về phía em, chờ xem phản ứng của em. Em không biết chính xác thầy chờ đợi gì. Có thể là niềm vui, lời cảm ơn. Nhưng em không nói gì. Em không quan tâm đến chuyện đó. Em biết còn tin thứ hai là tin xấu, làm xông nỗi bất hạnh lên đầy mũi. Em nhìn chòng chọc vào mặt thầy vài giây, sau đó em quay đầu, nín thở, vừa chờ đợi vừa đếm.

Em đếm đến bốn trăm hai bảy thì rốt cuộc Fernand quyết định thông báo cho em với giọng hầu như không thể nghe được rằng ông Kauffmann đã qua đời tối hôm qua, vì nhồi máu cơ tim.

 

Chính bà giúp việc trông thấy ông, ngồi trong chiếc ghế bành, hai mắt mở to. Gần ông, trên chiếc bàn một chân, một hộp xì gà lậu, một cái gạt tàn đầy mẩu thuốc lá, một chiếc ly pha lê đẹp vơi nửa rượu, và một chai rượu Chasse-Spleen năm mươi tư đã cạn. Năm mươi tư, dường như là một niên hiệu đặc biệt. Niên hiệu cuối cùng trước khi phá hủy ruộng nho.



1. Máy tính bảng.

1. Điều vớ vẩn, ngu ngốc.

1. Sách trong đó mỗi tờ giấy in được gập làm bốn, khi mở ra, mỗi mặt có bốn trang, cả hai mặt sẽ có tám trang.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86287


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận