LiLa K Hành Trình Tìm Lại Chương 3


Chương 3
Lucienne

Sau đó em lả đi. Họ để em yên, chỉ lo việc thay thuốc truyền và thỉnh thoảng tắm cho em. Em thờ ơ để người ta cởi quần áo mình. Thuốc làm cho em trở nên ngoan ngoãn dễ bảo. Em coi thường tất cả.

Ngày nào Fernand cũng đến gặp em. Thầy ngồi ở đầu giường và nói năng thận trọng. Em không nghe thầy nói. Em muốn tập trung, tự khép mình lại với tất cả nỗi đau đập trong mạch máu của mình.

 

Cuối cùng, một đêm ông Kauffmann quay trở lại, em không chắc có phải thực sự là ông không. Em không biết sau này người ta trở thành gì - ý em là sau khi chết. Đây là một điểm siêu hình mà em không thể thẩm định. Em cho rằng về nguyên tắc người ta không thể bác bỏ bất kỳ điều gì. Có thể là ông. Thế thì em thích lắm. Nhưng nếu không phải là ông mà chỉ là sản phẩm do em tưởng tượng thì cũng chẳng sao. Điều quan trọng, đó là ông đã trò chuyện với em:

 

- Mẹ kiếp, cháu làm sao thế này, cháu gái! Cháu biết không, cháu làm bác thất vọng quá! Một người luôn đấu tranh như cháu mà thế ư! Thật đáng tiếc!

- Cháu đau khổ quá, bác biết đấy.

- Đó không phải là lý do.

- Không có bác, cháu không còn hy vọng nữa.

- Thế còn mẹ cháu, cháu có nghĩ đến không?

- Lúc nào cháu cũng nghĩ đến mẹ, nhưng để làm gì chứ? Từ nay, cháu không còn cách gì để gặp lại mẹ.

Không khí bắt đầu rung vang bên tai em.

- Bác đau buồn khi thấy cháu đã quên lời hứa của mình!

- Cháu đâu có quên, nhưng... làm thế nào, bây giờ bác đã chết rồi.

- Ôi, cháu gái, cháu gái! Cháu không hiểu bác rồi. Bác không hề bộp chộp khi nói với cháu rằng cháu có thể trông cậy vào bác cho dù chuyện gì xảy ra, hãy tin vào bác. Khi đó bác đã xem xét tất cả mọi khả năng.

Em đột ngột bật dậy, quay về phía hiện diện vô hình


của ông.

- Bác muốn nói rằng bác sẽ giữ lời vì mẹ cháu, phải không? Bác sẽ giúp cháu như thế nào mặc dù... mặc dù mọi chuyện đã xảy ra? Bác Kauffmann, hãy trả lời cháu đi! Có phải ý bác là như vậy không? Cháu còn có thể trông cậy vào bác việc gì?

Em cảm thấy một hơi ấm lướt qua má em, như một nụ hôn có lẽ không chạm vào em mà chỉ để làm em yên lòng. Thế là em mỉm cười đồng thời chụm hai bàn tay lại với nhau. Đây không phải là lời cầu nguyện, chỉ là lời cảm ơn.

 

Sáng hôm sau, em ngồi trên giường. Em rút ống truyền cắm ở chỗ gập khuỷu tay ra. Sau đó, em hất xoẹt đống chăn ra, rồi đứng lên - ít ra em cũng thử. Em đứng trên đôi chân nửa giây, rồi ngã vật xuống sàn nhà. Quay trở lại cuộc sống như thế chẳng vẻ vang gì, nhưng anh biết người ta vẫn nói đấy: bước đầu tiên là quan trọng. Em đã đi bước đầu tiên. Sáu tuần đã trôi qua kể từ ngày ông Kauffmann qua đời.

 

Cuộc sống lại tiếp tục, một cách bình thường nhất có thể: bài học, đi dạo, phục hồi chức năng. Em còn đau khổ hơn trước kia, khi mà em chỉ mang một nỗi tang tóc trong tim. Bây giờ tang tóc nhân đôi, em tự vấn liệu mình có thể cùng lúc mang cả hai nỗi tang tóc đó được không. Việc này lúc đầu thật nặng nề, với tất cả nước mắt nuốt vào trong em mà không hề gây ra tiếng động nhỏ nhất.

 

Khi phải chỉ định một người giám hộ mới, Ủy ban lựa chọn Fernand. Tuy nhiên không ai không biết rằng thầy là người được ông Kauffmann tiến cử. Nhưng thầy luôn tỏ ra tôn trọng mọi thủ tục, và thầy hoàn toàn hiểu rõ hồ sơ của em. Thế là Ủy ban lựa chọn cách đơn giản nhất: chọn Fernand làm người giám hộ, với điều kiện đảm bảo rằng đến lượt mình thầy sẽ không lặp lại những hành động kỳ quặc của giám đốc cũ, và từ nay đi theo đường lối giáo dục hoàn toàn chính thống. Fernand đã nói amen, và vụ việc kết thúc.

Fernand tỏ ra trung thực với mình: thận trọng, dè dặt, ý tứ. Chẳng có gì thật phấn khởi, nhưng nói chung, Fernand không phải là người khơi gợi niềm cảm hứng. Ngày nào thầy cũng đến tìm em để cùng đi dạo ở sân trường, như với ông Kauffmann trước kia. Việc này không khiến em thấy phiền nữa. Theo thời gian, em quen với tiếng thét của lũ trẻ. Sức mạnh mà thói quen có thể đem lại thật kinh khủng.

Những chiếc máy camêra cũ kỹ được thay bằng những mẫu mới hào nhoáng, tất cả khoảng một chục chiếc, đánh dấu từng quãng chặng đường, và việc này khiến em luyến tiếc hơn nữa cái thời mà em có thể đi dạo một mình trên thế giới với ông Kauffmann. May thay, chiếc ghế dài vẫn nguyên trạng. Fernand và em thỉnh thoảng ngồi ở đó, để nói với nhau những chuyện tầm phào. Đôi khi em và thầy bằng lòng ngồi lặng yên, và tranh thủ nghĩ tới ông Kauffmann, mà không ai thú nhận điều ấy với người kia. Chính điều đó làm chúng em gần nhau hơn: những khoảnh khắc im lặng và nỗi đau buồn chung ấy.

Vả lại, Fernand không làm phiền em quá, chỉ phụ trách kiểm tra xem em có tuân thủ đúng việc điều trị hàng ngày không - thuốc chống hixtamin và an thần nhẹ, như mọi người -  xem em có thực hiện nghiêm túc phần phục hồi chức năng và học đủ số giờ quy định không. Không phải thầy thiếu quan tâm mà thầy chỉ không muốn áp đặt, đột ngột đảo lộn tất cả. Thầy biết rằng người ta không dễ dàng bình phục sau một sự ra đi như của ông Kauffmann. Thầy tôn trọng nỗi đau khổ tang thương của em. “Nếu em cần đến tôi thì tôi luôn ở đây”. Cám ơn Fernand, cảm ơn. Thầy thật tử tế khi đề xuất như vậy, nhưng thành thực mà nói, em cần nhất là người ta để cho em được yên.

 

Em tưởng rằng nếp đơn điệu kiểu một cặp già nua sẽ kéo dài mãi mãi: Fernand ở đúng vị trí của mình, còn em lặng lẽ trong khoảnh riêng, cố mang trong lòng nỗi đau buồn trong chừng mực có thể. Nhưng Trung tâm đã dạy cho em một điều, đó là người ta luôn lầm tưởng.

 

Một sáng chủ nhật, Fernand đến với nụ cười lớn
trên môi.

- Đi cùng tôi nào, Lila, tôi đưa em đi một vòng.

Ngay lập tức em hiểu rằng mình nên nghi ngờ - bình thường Fernand có bao giờ cười đâu, việc này chắc chắn che giấu chuyện gì đó.

- Đi một vòng ư, thế là sao?

- Nào, riêng lần này thì không tranh cãi nhé. Hãy lấy áo khoác rồi đi theo tôi. Đồng ý không?

Em nhăn nhó làm theo. Dường như có bẫy, nhưng không cách gì biết được từ đâu ra. Chúng em đi thang máy xuống sảnh ra vào. Em càng lúc càng căng thẳng. Khi nhận ra rằng Fernand đang kéo em về phía lối ra, em đứng khựng lại:

- Chúng ta đi đâu thế?

- Thì em thấy đấy, chúng ta ra ngoài chơi!

- Thầy giễu cợt em đấy à?

- Nào, Lila, nghiêm túc một chút nào!

Em lắc đầu.

- Em không thể ra ngoài được.

- Ồ có chứ, xem nào, em có thể mà!

- Em không thể, xin thưa với thầy! Mọi người. Mọi người ở bên ngoài... Thật... thật không thể!

- Nghe này, Lila. Không có lý do gì phải hoảng sợ thế. Xe con thoi đã đợi chúng ta rồi, hãy nhìn xem, ngay đối diện cửa. Em chỉ phải đi vài bước chân là vào đến nơi yên ổn rồi. Hầu như chỉ vài giây đi trên vỉa hè thôi. Đừng nói với tôi rằng việc này vượt quá sức em nhé!

Em lắc đầu quầy quậy.

- Không, em không làm được

- Dĩ nhiên là được mà!

- Thầy bị điên rồi! Em muốn thuốc an thần!

- Em không cần thuốc. Hãy tin tôi đi.

- Em muốn một mũi tiêm!

- Nào, biết điều đi chứ!

Em nín thở rồi đeo kính râm. Sau đó em nhắm mắt, để xóa bỏ hình ảnh Fernand đang chờ, thẻ của chúng em ở trên tay, gần người máy đứng cạnh cửa ra vào. Em không biết mình nín thở đứng như trời trồng ở đó trong bao lâu. Ít nhất là bốn phút. Đầu em quay cuồng. Em bắt đầu cảm thấy khá hơn, khi gió thổi ngay gần tai em, như lần đầu tiên.

- Nào cháu gái, đi đi. Đi đi, mẹ kiếp!

- Dù sao bác cũng không xía vào chuyện này chứ, cả
bác nữa!

- Em nói gì thế? - Fernand hỏi.

- Bác báo trước cho cháu biết, nếu cháu không đi, thì bác sẽ đá đít cháu đấy, - giọng nói tiếp tục.

- Bác quấy rầy cháu.

- Lila, - Fernand hét lên, phẫn nộ.

- Được rồi, em đi.

- Thế thì vẫn còn chưa muộn đâu! - Cả hai đồng
thanh đáp.

 

Em xông ra - mười lăm bước trên vỉa hè, rồi ùa vào ghế sau xe. Fernand ngồi bên cạnh em, với khoảng cách kha khá. Em ngồi dồn xuống ghế quay lưng lại phía thầy, để thể hiện rõ sự không đồng tình của mình. Sau đó, chúng em xuất phát.

Chiếc xe nhẹ nhàng lăn bánh trên con đường rải nhựa. Hầu như không có tiếng động nào. Tuy nhiên, em cảm thấy sự hỗn độn ở rất gần, thành phố, ánh sáng và xen với tiếng gào thét. Em nghe thấy tiếng ầm ì dán sát cửa kính, sẵn sàng giáng vào em, và em thấy khiếp sợ.

- Bình tĩnh nào. Em chẳng có lý do gì phải sợ.

Kẻ phản bội bây giờ cố thể hiện mình là người nhân từ. Em xin thề là thầy xứng đáng nhận vài cái tát.

- Tôi xin em đấy, hãy nhìn tôi nào.

Em quay lại, mắt tối sầm hơn cả mắt kính râm. Thầy mỉm cười.

 

- Em chẳng bị nguy hiểm gì đâu, tôi đảm bảo đấy. Kính xe được bọc sắt. Tất cả đều an toàn. Không phải sợ.

- Tại sao thầy làm trò này với em?

- Thôi cái kiểu tự cho mình là nạn nhân đi!

- Thầy không trả lời câu hỏi của em. Tại sao thầy làm trò này với em?

- Nghe này, - thầy thở dài, - cách đây vài ngày Ủy ban cho tôi biết rằng họ muốn tiếp tục quá trình hòa nhập xã hội.

Em lập tức co rúm người lại. Thầy gật đầu.

- Đúng như tôi nghĩ... Tôi đã nói với họ rằng em sẽ không nhất trí đâu, nhưng đối với họ, miễn tranh luận: họ yêu cầu nhanh chóng cho em tiếp xúc với những người khác.

- Tại sao họ cứ cố làm khổ em vậy?

- Em cần phải hiểu điều này, Lila: chúng tôi không thể để em tiếp tục sống như thế này, gần như cách biệt. Như vậy có nguy cơ gây ra vấn đề trầm trọng sau này, khi em rời Trung tâm. Mọi người ở khắp nơi, trên đường phố, trong tàu điện ngầm, em buộc phải tiếp xúc với họ, em không có lựa chọn nào khác. Làm thế nào nếu em không chuẩn bị trước?

Em nhìn thầy, không trả lời.

- Nếu em không cố gắng, em sẽ không bao giờ sẵn sàng, - Fernand nhấn mạnh. - Và em có nguy cơ không được phép rời Trung tâm.

- Ý thầy là khi đến tuổi trưởng thành em vẫn có thể bị cấm rời Trung tâm ư?

- Chính xác, Lila. Làm thế nào khác, nếu em bộc lộ thiếu khả năng sống trong xã hội?

Đột nhiên em đờ ra vì sợ hãi trước một điều hiển nhiên em chưa từng nghĩ đến: Ủy ban không phải tùy tiện áp đặt ra các yêu cầu. Chính bản thân thế giới bắt em phải theo những đòi hỏi đó. Nếu em muốn có cơ hội một ngày nào đó rời Trung tâm để gặp lại mẹ thì phải đi qua con đường này: tiếp xúc dính dáp, hơi thở đáng ngờ, sự hờ hững không lành mạnh, tất cả sự ve vãn ghê tởm đó hiển nhiên có trong cuộc sống ngoài xã hội. Làm thế nào có thể tránh được?

Em than vãn với giọng lo sợ:

- Thầy Fernand, em không muốn quay lại với những kẻ điên ấy! Em xin thầy đấy, hãy làm gì đi.

- Không được hoảng sợ, Lila. Tôi đã tìm ra một giải pháp, hay đúng hơn là một giải pháp thay thế. Tôi đã trình Ủy ban và Ủy ban đã nhất trí.

- Là gì thế, thầy Fernand?

- Tôi đưa em về nhà ăn trưa. Vợ tôi, Lucienne, đang nóng lòng làm quen với em.

 

Cô đợi chúng em ở cổng vào, cô có mái tóc nâu, khá xinh xắn, nụ cười nồng nhiệt trên đôi môi nhợt nhạt, nhưng người cô gầy nhom, vẻ ốm yếu đến mức em không thể ngăn mình nói với cô ấy:

- Trông cô ốm yếu quá!

- Lila! - Fernand hét lên.

Nhưng Lucienne mỉm cười.

- Không sao, Fernand, xem này! Chính anh cũng thường xuyên nói với em như vậy!

Sau đó, cô mời em vào phòng khách, còn Fernand vào bếp để chuẩn bị tiếp bữa ăn trưa. Chúng em ngồi trên chiếc tràng kỷ lớn. Trên chiếc ghế bành đối diện, một con mèo Abyssinian tuyệt đẹp màu hoa cà đậm đang gà gật.

- Nó tên là Pacha(1), - Lucienne nói, đoán trước câu hỏi của em. - Và cái tên này rất phù hợp với nó.

Em nhắc lại:

- Pacha...

Chú mèo ngóc cổ lên, nhìn em với đôi mắt xanh lam.

- Hình như nó quan tâm đến em đấy! - Lucienne
nhận xét.

Ngay lập tức Pacha quay miệng rồi lại cuộn mình vào hõm ghế bành.

Lucienne cười.

- Đôi khi tôi có cảm giác rằng nó hiểu tất cả và nó thích thú tinh nghịch làm trái lời tôi.

- Không phải là không thể. Có một số xu hướng nghiên cứu chứng minh rằng các con vật sinh sản vô tính thông minh hơn. Em đã đọc điều này ở đâu đó mới đây.

- Sao, - Lucienne than vãn, - thật không thể tin được.

Từ trong bếp, Fernand hét to: “Xong rồi!”, trong khi đó mùi thịt nướng đậm đặc tỏa ra đến tận chúng tôi. Lucienne thì thầm:

- Anh ấy nướng thịt xiên...

Em thấy buồn nôn.

- Em mở cửa sổ có được không?

- Được, đừng ngại. Cả cô cũng thấy nóng quá.

Khi gió mát ùa vào trong căn phòng, làm tan mùi nấu nướng, em cảm thấy cô ấy cũng nhẹ người như em.

 

Em nín thở ăn, theo thói quen của mình. Về phần mình, Lucienne nhìn xiên thịt để trong đĩa của cô với vẻ thất vọng. Ba con châu chấu to đùng bóng nhẫy nước ướp xếp hàng
trên ngọn giáo dường như đang khinh thường cô. Fernand nhún vai.

- Em yêu, cố gắng lên, em biết là...

Cô gật đầu, và bắt đầu ăn, nhai rất chậm, như bò nhai trấu. Cô chịu đựng, cố làm tốt, và thật đáng thương khi thấy cô chiến đấu với từng miếng ăn.

Mặc dù vậy, bữa trưa diễn ra không trở ngại gì. Lucienne đặt cho em biết bao câu hỏi: em có cảm thấy dễ chịu ở trong Trung tâm không, em học những môn gì, phòng ở của em như thế nào... Có lúc, em tự hỏi có phải cô tìm cách nghi binh để không phải ăn hết suất của mình. Nhưng không, dường như cô chân thành quan tâm đến em.

Em vui lòng trả lời, cẩn trọng không nói ra những gì khó chịu về Trung tâm. Tốt hơn hết là nên thận trọng, phòng trường hợp Ủy ban yêu cầu xem băng ghi hình. Với lại, dù thế nào đi chăng nữa, em cũng không thể cho phép mình nói bất kỳ chuyện gì với Fernand. Vậy là em tỏ ra hài lòng về số phận của mình, theo hướng tích cực, như họ nói. Đến lượt em đặt câu hỏi, để thể hiện sự quan tâm. Em thêm vào hai ba lời khen - khen ngợi bao giờ cũng làm vui lòng và nuôi dưỡng sự thân tình.

- Thầy cô có căn hộ đẹp tuyệt, thực sự rất dễ chịu.

- Đúng vậy, - Fernand nói, - chúng tôi gặp may vì danh sách đợi phân nhà còn dài lắm.

- Đó là nhờ ông Kauffmann, - Lucienne nói thêm.

Em rùng mình còn Fernand khạc đờm. Nhưng Lucienne không chú ý, và cô nói tiếp với vẻ u buồn:

- Ông đích thân can thiệp với Cơ quan Quản lý Nhà, anh còn nhớ không, Fernand? Ông ấy thật là tốt bụng...

Sau đó cô bắt đầu nháy mắt, vẻ hơi lạc lối. Em hỏi,
hốt hoảng:

- Cả cô cũng biết ông Kauffmann ư?

- Có, có, tôi biết ông ấy rất rõ...

Fernand đột ngột đứng lên.

- Tôi đi lấy tiếp đồ ăn. Lila, em có muốn đi cùng tôi không? Tôi cần người hỗ trợ.

Em đi theo thầy vào bếp, trong lúc đó Lucienne ngồi ngắm con châu chấu thứ ba chưa hề động đến.

 

Fernand có một chiếc bánh kem pho mát phủ đầy kem hoa quả trên một chiếc khay. Em nhìn thầy chẳng nói gì, đợi thầy giải thích.

- Em có thể lấy hộ tôi mấy chiếc thìa nhỏ ở ngăn tủ thứ hai được không?

Em lấy ba chiếc thìa rồi chìa cho thầy.

- Cảm ơn.

- Thầy ơi, chỉ vì lấy ba chiếc thìa mà thầy bảo em vào bếp với thầy ư?

Thầy không trả lời.

- Tại sao thầy giấu em việc Lucienne biết ông Kauffmann?

Thầy xếp thẳng hàng ba chiếc thìa lên khay, với khoảng cách hoàn toàn đều nhau.

- Cô ấy đã quen ông Kauffmann như thế nào?

- ...

- Thầy không muốn nói với em điều gì sao?

- Dĩ nhiên là có, Lila. Việc này đâu có gì bí mật, cũng chẳng xấu hổ. Chỉ có điều, tôi không muốn chúng ta nói đến chuyện đó trong khi Lucienne ở ngay phòng bên cạnh. Cô ấy... cô ấy đã rất buồn vì cái chết của ông Kauffmann. Những tháng qua thật khó khăn. Tôi không muốn cô ấy nhắc đi nhắc lại mãi chuyện này. Em hiểu không?

- Dù sao lẽ ra thầy cũng nên báo cho em biết trước.

- Tôi biết, Lila, tôi biết. Chúng ta sẽ nói chuyện này sau nhé, nếu em muốn.

- Vâng thưa thầy Fernand. Để sau nếu thầy muốn.

 

Cả ba người trò chuyện suốt buổi chiều như chẳng có chuyện gì xảy ra. Em kiềm chế để không đặt cho Lucienne những câu hỏi cháy bỏng trong tim - nếu không Fernand hẳn sẽ xử lý em. Lucienne có vẻ kiệt sức nhưng sung sướng. Thỉnh thoảng em nói một điều khiến cô ấy phá lên cười. Tiếng cười đột nhiên phát ra từ cổ họng cô thật lạ, niềm vui làm cho cô ấy khác hẳn trong giây lát. Em chẳng thấy có gì đáng cười trong những điều mình có thể nói, và em cảm thấy hơi mất phương hướng. Fernand có vẻ rất vui.

Khoảng 17 giờ, khi thầy đề nghị đưa em về, em thấy nhẹ cả người. Tất cả những nỗ lực hòa nhập khiến em quá mệt; em cần tĩnh lặng một mình. Ngay trước khi ra về, em hỏi Lucienne:

- Cô ơi nhà xí ở đâu?

Cô ấy lại phá lên cười. Một lần nữa em lại thấy cô ấy kỳ cục, nhưng em không muốn nói gì nữa, em quá mệt mỏi. Cô ấy cười nhiều đến mức Fernand phải trả lời thay:

- Cửa cuối cùng bên trái, phía cuối hành lang.

Cửa cuối cùng bên trái, đâu có phức tạp gì. Em chẳng hiểu mình bị sao, hẳn do mệt mỏi: khi đến cuối hành lang, em mở cửa bên phải.

Đó là một căn phòng nhỏ màu vàng nhạt với một cái nôi màu trắng phủ vải trong suốt, một chiếc ghế thấp bằng gỗ sáng, cũng được phủ vải, một chiếc bàn quấn tã, một chiếc giá đầy đồ dùng cho trẻ - lược, bình sữa, cân trẻ con, nhiệt kế đo ở trán, được bọc bảo vệ vô khuẩn. Những khăn phủ trên các đồ đạc ấy, sự bảo vệ xung quanh mỗi đồ vật, và chiếc camêra theo dõi sự trống rỗng ấy thật là lạ, gần như đáng sợ.

Em chuẩn bị đóng cửa thì thấy chiếc trung hồ cầm, đặt dựa vào tường ở một góc phòng. Đúng lúc đó, em cảm thấy có người. Em quay lại. Đó là Fernand.

- Em... em nghĩ là mình nhầm.

- Bên này, - thầy dè dặt đáp lại, đồng thời chỉ cánh cửa đối diện.

 

Sau đó, may thay em và thầy không nấn ná lâu. Em tưởng mình không thể trụ lâu hơn được nữa. Khi Lucienne chìa bàn tay gầy guộc để tạm biệt thì em làm động tác giật lùi.

- Em muốn không chạm vào cô, nếu cô thấy không phiền.

- À đúng rồi. Fernand đã nói chuyện này với tôi rồi. Xin lỗi em nhé.

- Không sao.

Cô mỉm cười với em.

- Hy vọng sớm gặp lại em.

Cô vừa dứt lời thì Pacha đến, uể oải phô trương chiếc đuôi được tô điểm bằng túm lông. Chú mèo ngước đôi mắt xanh lam nhìn em, rồi, từ từ lại gần và cọ cọ vào chân em. Thật mềm mại và mượt mà trên làn da trần vô cùng bối rối của em.

- Có lẽ chú mèo lựa chọn em đấy! - Fernand bình luận.

Như để khẳng định điều đó, Pacha kêu meo meo, ngắn gọn, rồi chui qua hai chân em, để lại trên da em những chùm lông làm sởn da gà. Đó là một dấu hiệu, nhưng em còn chưa biết là dấu hiệu gì.

 

Trên đường trở về, Fernand hỏi em:

- Ổn không? Em có hài lòng không?

 

- Ổn ạ, cảm ơn thầy. Vợ thầy thật tốt bụng, nhưng thực sự kỳ cục.

Thầy mỉm cười.

- Tôi cho là cô ấy phấn khởi được gặp em.

Em tưởng thầy tiếp tục giải thích như thầy đã hứa, nhưng thầy lại im lặng, giả vờ ngắm nhìn quang cảnh. Em đợi lúc thầy quyết định, cố chịu đựng, rồi, chẳng thấy gì hết:

- Vậy, thưa thầy Fernand, thầy còn định vòng vo lâu không? Có vài chuyện chúng ta phải nói, thầy nhớ không?

- Có Lila, tôi nhớ. Và chuyện chỉ thế này thôi: Lucienne từng là học sinh nội trú của Trung tâm, như em vậy. Tôi đã gặp cô ấy chính ở nơi này, vào thời kỳ cô ấy được ông Kauffmann hướng dẫn.

- Lucienne từng là học sinh của ông ấy ư?

- Lẽ ra tôi nên báo trước cho em biết. Tôi thật ngốc đã không làm việc đó.

Em quá bàng hoàng nên không đáp lại được bất kỳ
điều gì.

- Lucienne đã gặp những vấn đề lớn. Ông Kauffmann đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Ông đã khuấy động trời đất để người ta cho cô ấy rời Trung tâm. Nếu không có sự can thiệp của ông ấy thì có lẽ Lucienne sẽ không bao giờ được rời
khỏi đó.

- Ý thầy là cô ấy sẽ ở lại Trung tâm ư?

- Không... Ủy ban nói đến việc định hướng cô ấy đến một đơn vị tâm thần học.

 

Giọng thầy run rẩy, và em cảm thấy rõ rằng thầy xúc động quá khả năng kiềm chế của mình.

- Họ đã để cho cô ấy rời Trung tâm, nhưng cô ấy gặp khó khăn, phải vậy không? Sống khó khăn ư?

- Đúng, Lila. Rất khó khăn.

- Bởi vì em giống Lucienne nên ông Kauffmann đề nghị thầy hướng dẫn?

Fernand lắc đầu.

- Tôi nghĩ rằng ông ấy đã chọn tôi vì ông đánh giá tôi có khả năng. Tôi không cho rằng Lucienne có vai trò lớn trong chuyện này.

Em và thầy đến nơi. Fernand xuống đầu tiên, rồi thầy đến mở cửa xe cho em.

- Con đường trống. Không có ai trên vỉa hè. Chúng ta có thể đi thôi.

Em lao về phía cửa ra vào - mười lăm bước, như lúc đi - rồi em vội vàng xông vào trong sảnh, để Fernand làm các thủ tục với chiếc xe tự động. Khi trở lại chỗ em, thầy hỏi:

- Em có muốn tôi đưa em về đến tận phòng không?

- Không, em sẽ tự xoay xở.

- Vậy thì, hẹn gặp lại em ngày mai nhé.

- Hẹn gặp lại thầy ngày mai. Và cảm ơn thầy Ferrnand về chuyến đi hôm nay.

- Không có gì.

Khi em chuẩn bị tiến về chiếc thang máy thì thầy
hỏi thêm:

 

- Em đã thấy căn phòng đó rồi phải không?

- Em không cố tình.

- Tôi biết, Lila, tôi biết mà. Tôi không trách em. Nhưng vì em đã trông thấy căn phòng nên tôi có thể nói điều này với em: Lucienne và tôi muốn có con từ lâu rồi nhưng chưa được. Chính vì thế mà cô ấy buồn. Tôi muốn em biết chuyện này, để em hiểu, và để em bỏ qua cho cô ấy nếu cô ấy có vẻ như em nói là... không bình thường.

Em im lặng gật đầu. Em lại nghĩ đến căn phòng. Tất cả những tấm phủ ấy trông như vải liệm.

- Em rất lấy làm tiếc vì chuyện của thầy.

- Không phải đã mất tất cả. Chúng tôi vẫn còn hy vọng

- Ôi, thế thì càng tốt... Fernand, em muốn hỏi thầy: chiếc trung hồ cầm ấy...

- Đó là chiếc đàn của Lucienne. Một món quà của ông Kauffmann.

 

Em đã bị xáo trộn nhiều khi biết rằng cô từng là học trò của ông, và em đã ghét cô suốt buổi tối hôm đó. Dĩ nhiên, em hiểu rằng mình không thể là học sinh duy nhất trong đời ông Kauffmann. Còn có rất nhiều người khác trước em. Nhưng em luôn hình dung mình là người ông yêu quý nhất, bởi vì em thực sự đặc biệt. Đột nhiên em khám phá ra rằng ông cũng yêu mến những người khác nhiều như em - ít nhất là một người, người mà ông đã dạy nhạc, tặng chiếc trung hồ cầm - như thế thật khó chấp nhận.

 

Tối hôm đó, tôi đi ngủ, đầu nặng trĩu nỗi buồn và những ý nghĩ đen tối, tôi quyết định dứt khoát từ nay không bao giờ quay trở lại nhà thầy Ferrnand nữa.

Suốt đêm, em đã nằm mơ về ông Kauffmann, về Lucienne. Cả ba ở trên mái nhà. Ông Kauffmann chơi trung hồ cầm. Mặt đất phủ đầy sách vở, các trang sách bay lên cùng âm nhạc. Và Lucienne cười. Em cũng cười. Buổi sáng, em không còn tức giận nữa.

Thay vì ghét cô, em lựa chọn chấp nhận cô như mình có thể, như em đã chấp nhận Fernand, vì ông Kauffmann. Em biết rằng họ sẽ giúp em lưu giữ ký ức nguyên vẹn và hạnh phúc. Em chẳng để mất thời gian ghen tuông làm gì.

 

Những tháng tiếp theo, em đến lại nhà Lucienne và Fernand nhiều lần. Cô luôn mở rộng vòng tay đón em, đồng thời chú ý không chạm vào người em. Fernand thường để em và Lucienne một mình, để hai người cảm thấy tự do hơn. Em đâu có bị lừa, và em đồ rằng người ta sẽ xem lại băng quay sau đó. Lucienne bảo em kể về cuộc sống ở Trung tâm, về những cuốn sách em đọc, về các bài em học. Em đề nghị cô chơi trung hồ cầm. Âm nhạc của cô thường buồn, nhưng với một nỗi buồn không khiến người ta bất hạnh.

Không bao giờ em và cô nói về ông Kauffmann. Tuy nhiên ông luôn ở đó. Cả hai đều cảm thấy có ông ở giữa, và sự hiển nhiên này gắn bó chứ không chia rẽ em và cô.

 

Em bắt đầu đến nhà họ càng ngày càng thường xuyên hơn: mỗi tháng hai lần, rồi ba lần, rồi tuần nào cũng đến. Em không còn sợ đi trên vỉa hè nữa. Em không còn sợ chặng đường đi nữa. Thậm chí, qua lớp kính cửa sau, em đã có thể ngắm nhìn thành phố, các công trình, các con phố, người khác và cây cối. Đây là một tiến bộ lớn. Đôi lúc, khi ra khỏi xe, Fernand dẫn em đi một vòng. Vài chục mét, chưa bao giờ nhiều hơn. Việc đó khiến em toát mồ hôi và đánh trống ngực, nhưng em quen dần.

Bà gác cổng tòa nhà trông như một quái vật đầu sư tử với vẻ dễ sợ, xấu tệ hại. Ngay khi em và Fernand bước vào sảnh, bà lập tức bước đến, cứ như bà đang rình, hoặc là bà có khả năng ngửi thấy sự hiện diện của em và thầy - mọi việc đều có thể với tạo hóa. Cố gắng đừng nhìn thẳng vào mặt bà ta, Fernand nói. Bà ấy rất dễ tự ái. Ngay lập tức em đeo kính râm, và cả hai nhẹ nhàng bước nhanh đến thang máy, dưới con mắt soi mói của bà la sát kỳ lạ.

Ngay khi em bước qua cửa, Pacha hớn hở chào đón em, cọ chiếc đuôi bù xù nhiều lần vào bắp chân trần của em. Lucienne và Fernand ngưỡng mộ mê ly. Thường thường Pacha tỏ ra khá tự lập. Nó không phải loại đi tìm sự vuốt ve. Chỉ với em là nó khác như vậy. Em rất cảm động vì điều đó.

Lucienne có vẻ khỏe hơn. Cô ăn nhiều hơn, lên cân chút đỉnh. Fernand nói rằng đó là nhờ vào em. Em làm cho cô ấy cười rất nhiều, phần lớn là cười vô cớ, nhưng không sao, vì tiếng cười của cô ấy không bao giờ ác độc, và em cảm thấy tiếng cười đem lại điều tốt cho cô ấy.

 

Theo dòng tháng năm, Pacha chuyển từ màu hoa cà sang màu đỏ son, từ màu đỏ son sang màu cây văn anh, từ màu cây văn anh sang màu cam, từ màu cam sang màu lam ngọc, từ màu lam ngọc sang màu vàng chanh. Lucienne dần dần lại thấy ăn ngon miệng, nhìn béo lên. Thậm chí đôi khi cô ấy nói rằng cô thấy hạnh phúc. Sắc màu trở lại trong cuộc sống của Fernand.

 

Cả em cũng thay đổi. Ngực, mông nở nang, lông mọc lên mà em không nhận ra - em chưa từng chú ý đến cơ thể mình. Chính cơ thể nhắc em, trước khi em mười ba tuổi một chút. Chẳng dễ chịu gì khi trở thành phụ nữ, vì để vương vãi khắp nơi.

Vài tuần sau, em nhận được Sensor(1) đầu tiên, cùng với một tuýp kem chống dị ứng. Quà tặng của Bộ Y tế. Em hỏi Fernand:

- Em có thực sự bắt buộc phải sử dụng không?

- Dĩ nhiên là không, Lila. Chẳng có gì bắt buộc cả. Nhưng theo tôi thì nên sử dụng, để điều hòa bản thân. Em biết đấy, chẳng hay ho gì khi để cho nhu cầu tình dục chưa được thỏa mãn. Sensor có thể giúp ích.

Điều buồn phiền là em không hề cảm thấy chút xung năng nhỏ nhất nào, không chút ham muốn nào. Không gì hết. Có thể là do em quá gầy, hoặc là do em không hề thích người khác chạm vào mình, không thích ăn, không thích ngửi nước hoa. Chắc chắn đây không phải là mảnh đất thuận lợi cho sự nảy nở nhục dục. Dù thế nào thì một điều chắc chắn là: em không hề cần sử dụng đến công cụ rung cảm của họ, dù êm dịu và hợp lý thế nào. Nhưng em tránh nói ra điều này với Fernand. Thú nhận với thầy điều đó là chịu nguy cơ thầy báo cho tất cả các bác sĩ tâm thần và bác sĩ phụ khoa, tất cả đều sẵn sàng người thì quan tâm đến quá khứ của em, người thì quan tâm đến âm đạo của em. Chỉ nghĩ đến chuyện đó thôi, em đã thấy đau nửa đầu rồi. Đơn giản hơn hết là khi tỏ ra bình thường. Em nhìn Sensor với vẻ ngẫm nghĩ, rồi gật đầu.

- Vâng, thưa thầy Fernand, thầy có lý. Vì em may mắn có Sensor nên em sẽ thử dùng. Bỏ qua nó thật là ngốc.

Để điều hòa tốt, Bộ Y Tế khuyên mỗi tuần nên đạt hai lần cực khoái. Em cẩn thận làm theo hướng dẫn - tóm lại, em vờ làm theo: ngoài cảm giác buồn buồn khó chịu, Sensor không làm em nóng cũng chẳng làm em lạnh. Có thể là do em không đủ chú tâm vào việc đó, em cũng chẳng biết nữa. Dù thế nào, nếu họ không nhận ra thì sẽ tốt cho em hơn. Từ việc này, em hình dung ra những phức tạp nếu họ nghi ngờ sự lãnh đạm tình dục của mình. Vậy là em giả vờ. Chẳng khó khăn gì: chỉ cần bắt chước những gì em đã thấy trong các giờ học về giáo dục giới tính. Mỗi tuần hai lần, em nằm dài trên giường, trong bóng tối. Em chú ý đắp chăn lên người cho đỡ thẹn. Em bôi gen lên Sensor. Em ấn nút tốc độ tối đa, rồi lên dây cót để bắt đầu: mười phút, mười lăm phút rên rỉ, hổn hển, với kết cục là đạt được cực khoái tuyệt vời hoàn toàn giả tạo, được chiếc camêra hồng ngoại gắn khít trong tường ghi lại một cách hợp lệ. Rốt cuộc, tránh phiền toái thì đâu có phức tạp lắm.

 

Năm ấy một mạch trôi qua. Em sung sướng đến thăm Lucienne và Fernand vào mỗi chủ nhật, sung sướng nhất là bởi sự nồng nhiệt Lucienne dành cho em. Cô không còn cái vẻ ốm yếu như thời gian đầu mới quen. Cô đã hồi phục, và mặc dù vẫn còn mảnh khảnh và yếu ớt, trông cô khá hơn rất nhiều. Chưa bao giờ nụ cười của cô tươi tắn đến vậy.

 

Một chủ nhật, sau bữa ăn trưa, Fernand tuyên bố:

- Lila, chúng tôi muốn thông báo với em một tin quan trọng. Lucienne, em nói cho Lila nhé?

Lucienne hơi đỏ mặt, rồi vừa thì thầm vừa nháy mắt:

- Lila, chúng tôi sắp có con.

Fernand tiếp lời:

- Các bác sĩ tâm thần cuối cùng đã đồng ý cho thụ thai! Thứ năm tuần sau, Lucienne sẽ cho rút miếng cấy.

Họ cười, đồng thời trao cho nhau những cái nhìn đầy yêu thương. Một đứa trẻ, sau tất cả sự chờ đợi ấy, là một tin vui. Lẽ ra em nên vui với những gì đến với họ. Thế mà ngược lại: em cảm thấy buồn khủng khiếp. Xin đừng hỏi em tại sao, em chẳng thể giải thích được đâu. Có thể là do niềm vui quá lộ của họ, hay do cái cách thầy ân cần bao bọc bờ vai cô, cách cô chạm vào cánh tay thầy thầm thì Anh yêu, có thể, em không biết - liệu người ta có biết được chuyện kiểu như thế không?

Bây giờ, cả hai người nhìn em, chờ xem phản ứng của em. Đây đâu phải lúc phá hỏng niềm vui của họ. Vậy là em tự kiềm chế, dõng dạc nói:

- Thật là tin tuyệt vời quá! Em rất lấy làm vui cho
thầy cô!

Khi thấy nụ cười rạng rỡ đến lượt họ dành cho mình, em biết rằng mình đã xử sự đúng.

 

Sau đó, Lucienne muốn cho em xem phòng của em bé: cái nôi, các vật dụng trên giá, chiếc chăn nhỏ do chính tay cô thêu một vòng những hoa và chim. Mặc dù cô hào hứng miêu tả từng đồ vật, mặc dù căn phòng sáng sủa và cách bài trí lịch lãm, em vẫn có cảm giác bất ổn như lần đầu tiên. Mọi thứ đều sạch sẽ, ngăn nắp, được bao bọc đến nỗi dường như không có thật, và có phần bệnh hoạn.

Một chiếc camêra thứ hai mới được lắp bên cạnh
chiếc nôi.

- Một hệ thống giám sát nội bộ, - Lucienne giải thích với em. - Để đảm bảo thêm an toàn cho em bé.

Em gật đầu.

- Em bé sẽ không thiếu thần hộ mệnh đâu.

Cô cười, rồi đi về góc đối diện.

- Hãy xem này, - cô nói, tay sờ nhè lên bàn phím
trên tường.

Và em thấy một tấm cửa trượt sang một bên, để lộ chiếc tủ tường kếch xù. Em lại gần, xúc động.

- Chà chà, trông có vẻ tiện nghi nhỉ!

- Tiện nghi ư?

Em hơi đỏ mặt.

- Ý em là chiếc tủ rất lớn.

- À, ừ...chiếc tủ lớn.

Em dành thời gian chiêm ngưỡng. Đó thực sự là một chiếc tủ tường dài rộng và đẹp, thoải mái đựng đồ. Từ đó tỏa ra mùi hấp hơi thơm thơm. Lớp phủ dưới đất có vẻ mềm mại. Và bóng tối ở đó chắc sẽ thật êm dịu một khi đóng cửa tủ lại!

Đột nhiên, nỗi nhớ trong em trào lên mãnh liệt, khiến nước mắt trào ra. Em lập tức luồn cặp kính râm lên trên mũi. Lucienne không nhận thấy chuyện gì, còn đang bận bịu chỉ cho em xem những chiếc tã và quần yếm xếp chồng trong những chiếc túi trong suốt để trên giá. Em không lắng nghe cô, bị thôi miên khi thấy chiếc tủ, cố cưỡng lại ham muốn quỳ gối xuống để lấy tay cảm nhận sự êm ái dưới đất, cưỡng lại ham muốn nằm dài lên đó trong khoảnh khắc, chỉ một khoảnh khắc thôi, để mơ đến khuôn mặt của mẹ trong
yên lặng.

Rồi em cảm thấy có sự ve vuốt quen thuộc lên bắp chân. Pacha vừa luồn qua hai chân em đến nằm cuộn tròn dưới đáy tủ. Lucienne hét lên:

- Pacha! Nào, Pacha! Ra khỏi đây!

Con mèo không nhúc nhích, đôi mắt nhìn em, đầy ánh nhìn khiến em bối rối.

- Tôi không biết con mèo này bị làm sao nữa: khi vừa mở tủ là nó đến chui vào đó. Nào Pacha, ra ngay!

- Tại sao cô không cho nó ở đó?

- Trong tủ của em bé ư? Với tất cả những cái lông mà nó gieo rắc thì chắc chắn là không được! Pacha, ra ngoài!

Pacha thản nhiên như không.

- Được, chỉ còn một cách, - Lucienne lẩm bẩm.

Quay lại phía cửa, cô hét to:

- Fernand, anh mở giúp em một hộp cho Pacha được không? Nó lại chui vào trong tủ rồi.

- Được, - Fernand trả lời.

- Một hộp ư? Một hộp để làm gì?

- Thức ăn, đó là cái duy nhất có thể làm con vật này rời chiếc tủ! - Cô giải thích đồng thời ném cái nhìn khó chịu về phía Pacha.

Từ bếp vang lên tiếng leng keng của chiếc thìa gõ vào chiếc hộp sắt. Đôi tai con mèo rung rinh.

- Mày có nghe thấy không, Pacha? Tín hiệu đấy! Nào! Ra khỏi đây đi! - Lucienne giả vờ hào hứng nói.

Pacha đủng đỉnh: nó đứng lên, với thái độ kiêu căng, rồi nâng chiếc mõm nhọn nhỏ lên rất cao, bộ lông phồng lên vẻ quan trọng, từ từ rời khỏi chiếc tủ. Trong khi nó rời xa về phía bếp, Lucienne vừa bấm lệnh đóng cửa, vừa càu nhàu: Con vật này sẽ khiến mình phát điên lên mất! Giờ đây cô sắp có em bé, dường như cô bớt muốn nuôi mèo.

 

Trong khi Lucienne đến nằm một lúc trên chiếc tràng kỷ ngoài phòng khách thì em vào bếp lấy cho cô cốc nước. Ngay khi bước vào bếp, mùi hương choán lấy em. Điều này kích thích và đột ngột đến nỗi em phải dựa vào tường.

Đôi mắt nhắm lại, em hít đầy lồng ngực. Chính cái mùi đó, không còn chút nghi ngờ nào nữa, chính cái mùi không thể quên được ấy khiến cánh mũi bối rối, khiến trái tim xúc động, khiến nước mắt trào ra bờ mi. Trong khi em cứ ngỡ rằng cái mùi đó mãi mãi mất đi thì giờ đây nó trở lại với em sau bao năm tháng. Mạnh mẽ. Nguyên vẹn.

- Không ổn à, Lila? - Fernand hỏi.

- Không phải, rất ổn ạ, - em lúng búng nói, cố gắng nhất có thể để thầy không thấy sự bối rối của em.

Rồi em mở mắt ra.

Em nhìn thấy nó ngay lập tức, trong một chiếc đĩa trên mặt bếp: một hình trụ nhỏ mềm, tỏa mùi. Đúng là cái đó. Em nhận ra hình dạng, màu sắc. Và cái mùi khiến lồng ngực đập thình thịch ấy nữa - chứng tim đập nhanh vào những dịp trọng đại. Em lại gần cái đĩa, để hít rõ hơn, rồi nói với Fernand:

- Thầy quên cho nó ăn trưa à?

Fernand sững người một lát, rồi phá lên cười.

- Lila, rõ ràng là em sẽ luôn làm tôi ngạc nghiên!

Thầy cầm lấy chiếc đĩa, rồi đặt xuống sàn bếp. Pacha xông vào ngay lập tức

- Nhưng... nhưng... tại sao thầy lại cho mèo ăn thứ patê ngon thế này?

Fernand lại cười, hai nắm tay dọc theo hông.

- Thầy thích những khi em hóm hỉnh. Điều này có nghĩa là em cảm thấy thoải mái!

 

Đến đây, em hiểu rằng có điều gì đó mình không hiểu. Em cười một chút để đáp lại, nhưng quá căng thẳng nên không trung thực. Thầy không có vẻ nhận ra điều đó, càng tốt! Em nhanh chóng lướt mắt khắp căn phòng, để tìm dấu hiệu. Và khi đó, em thấy chiếc hộp. May thay, Fernand đang xếp những chiếc đĩa bẩn vào trong máy rửa bát. Thầy đã không trông thấy đầu em. Em cầm chiếc hộp giữa hai bàn tay run rẩy. Không còn chút nghi ngờ gì nữa. Hình ảnh quay trở lại đầu em, quen thuộc: đôi mắt xanh lục, mõm hồng và bộ lông màu xám. Chính là thứ mà mẹ thường cho em ăn.

 

Chiếc hộp rỗng. Chỉ còn lại chút gelatin trên miệng hộp cùng với những mẩu thịt nhỏ xíu tuột khỏi tảng mà Fernand đã đổ ra đĩa. Em nhẹ nhàng miết ngón tay lên thành hộp; sau đó, liếc về phía Fernand để đảm bảo rằng thầy đang quay lưng lại, em đưa tay lên miệng. Em không thể diễn tả được cảm xúc xâm chiếm em lúc đó. Em suýt lịm đi.

 

Kể từ đó, em chỉ nghĩ đến việc này: tìm lại hương vị không thể diễn tả và ngon lành mà em nhớ biết bao để thưởng thức lần nữa. Việc này ở trong tầm tay: chỉ cần ăn trộm một hộp ở nhà Lucienne và Fernand. Nhưng em không dám. Em cảm thấy không có khả năng làm một việc mạo hiểm như vậy. Vậy là, em cứ ở trong nỗi ám ảnh, mỗi lần đến thăm nhà, em đành lòng đi một vòng trong bếp để hít chiếc đĩa của Pacha, hay lượm lặt vài miếng vụn còn sót lại dính trên thành hộp lăn đến cạnh bồn rửa bát khi có thể. Em tái diễn theo cách riêng phiên bản khác thường các cực hình của vua Tăngtan(1).

 

Lucienne có thai vào đầu mùa xuân. Họ thông báo cho em hay ngay lập tức. Như thế là không chín chắn lắm, nhưng họ nói rằng họ vô cùng hạnh phúc và đã chờ đợi chuyện này từ lâu lắm rồi. Em làm những gì được cho là phải làm trong hoàn cảnh tương tự. Em nói:

- Xin chúc mừng!

Rồi em nói thêm ngay lập tức:

- Chẳng có gì đẹp đẽ hơn việc cho ra đời một sinh linh.

Em đã giữ câu nói này từ lâu trong lòng, đợi đến dịp
phù hợp.

Chỉ đến khi vào bàn ăn em mới thấy rõ Lucienne đã thay đổi đến mức nào. Cô không còn là người thiếu phụ mảnh khảnh nhấm nháp chân châu chấu với vẻ buồn bã nữa. Bây giờ cô ăn bằng bốn người, như một yêu tinh cái, ngấu nghiến món ăn trên đĩa, rồi vừa xin thêm vừa nói: Như thế là tốt cho em bé. Fernand lại phục vụ mà không bao giờ ngăn cản cô, hạnh phúc xiết bao khi nhồi cô ăn, hạnh phúc đến phát ghê.

Sau bữa ăn trưa, theo thói quen, Fernand để em và Lucienne lại trong phòng khách một lúc.

- Em có thấy tôi ăn ngon miệng không? - Lucienne hỏi, ánh mắt hân hoan.

- Có chứ, cô Lucienne, em thấy rồi.

- Là để cho em bé lớn lên ở trong này!

Em gật đầu đồng thời cố giữ vẻ nhân hậu, trong khi em cảm thấy sự chán ghét nhói lên trong lòng. Em và cô ngồi đối diện nhau, em ngồi trên chiếc ghế bành, còn cô trên chiếc ghế tràng kỷ, rạng rỡ và thanh thản, hai tay để lên bụng. Trông cô tươi tắn, thỏa mãn và cách xa em quá. Đột nhiên, em nhận thấy rằng mình bớt yêu cô, khi mà giờ đây cô hạnh phúc, và nỗi hổ thẹn vì cái suy nghĩ tồi tệ này khiến em còn buồn bã hơn nữa, và cô đơn hơn nữa.

Đến chiều, Lucienne muốn ăn đậu phụ rán. Từ khi cô mang bầu, cô có những ham muốn.

- Em tưởng là trong ba tháng đầu người ta luôn buồn nôn, - em nhận xét.

- Lucienne thì không! - Fernand trả lời, cứ như bản thân chuyện này là một phát minh lớn.

Họ cười. Những ham muốn của Lucienne khiến họ hoan hỉ đến thế, họ bắt đầu liệt kê danh sách cho em: dâu tây và táo, cháo, gan bê, em ngỡ mình sắp phát nôn. Họ làm em khó chịu vô cùng, cả hai người cùng niềm hạnh phúc và những câu chuyện ăn pín bò với ớt vào lúc ba giờ sáng! Đến mức khiến em hết cả ngại ngùng lẫn sợ hãi. Em quyết định đến lúc chuyển sang hành động. Rốt cuộc, tại sao phải tự kiềm chế? Liệu họ có kiềm chế khi bắt em phải chịu tất cả những điều đó không? Khi Fernand đứng lên để chuẩn bị cho Lucienne món đậu phụ chiên, em đi cùng thầy vào bếp.

Đồ hộp chất đống ở phía dưới chiếc tủ. Chẳng khó khăn gì khi lấy một hộp rồi kín đáo luồn dưới áo. Sau đó, em giả vờ đi tìm chiếc khăn mùi soa trong túi áo mưa, rồi tranh thủ tuồn chiếc hộp vào trong đó.

Khi quay lại phòng khách, trán em đỏ ửng và em có vẻ hơi căng thẳng. Họ không nhận ra điều gì hết, Lucienne đang quá bận tâm nhấm nháp những miếng đậu phụ hình lập phương, Fernand quá bận tâm chiêm ngưỡng Lucienne. Chỉ mỗi Pacha nhìn em chằm chằm với ánh mặt kỳ lạ. Trong khoảnh khắc, em có cảm giác rằng chú mèo biết ch 8000 uyện, nhưng dĩ nhiên là nó chẳng biết gì hết, chính em tưởng tượng ra thôi. Em đợi thêm vài phút, đủ thời gian để Lucienne ăn xong đĩa đậu phụ, rồi nói:

- Em xin lỗi nhưng em cảm thấy hơi mệt. Thầy Fernand, thầy không thấy phiền khi đưa em về chứ ạ?

 

Trở về phòng mình, em cưỡng lại ham muốn lao vào chiếc hộp. Em không còn bị giám sát chặt chẽ như trước nữa, em biết điều này thông qua Fernand. Em không còn bị xem như một đối tượng dễ gặp nguy hiểm. Mặc dù thế, bất kỳ lúc nào cũng có thể bị kiểm tra bất ngờ. Vì vậy, em chờ đợi.

Khi tắt hết ánh sáng, em luồn xuống dưới ga trải giường, chiếc hộp tròn nhỏ ép chặt dưới các nếp gấp chiếc áo ngủ. Em kéo ga trải giường và chăn phủ trên đầu, rồi nhẹ nhàng giật nắp hộp.

Mùi vị lập tức tỏa ra, xúc động và mạnh mẽ. Em không tìm cách cưỡng lại nữa. Em thọc các ngón tay vào trong hộp - thật ấm áp và mềm mại - sau đó em rút những ngón tay phết đầy patê ra rồi ấn vào miệng. Em cảm thấy như có sự bùng nổ trên đầu lưỡi, ngất ngây, sướng đến run rẩy. Lúc nuốt, em ấn ngực xuống. Bên trong tim đập loạn xạ, ít nhất 130 nhịp/phút không suy xét. Trong khoảnh khắc, em ngỡ mình ngất đi, nhưng chẳng có chuyện gì xảy ra - trái tim em bám chắc chắn. Chứng hoảng loạn chiếm lấy em. Em muốn ăn nữa. Em cảm thấy đói và khao khát, như mới tìm lại được. Em lại thọc tay vào trong hộp rồi nghiến ngấu. Em lại trở thành cô bé ngày xưa, cuộn tròn trong chiếc ổ ấm áp của mình. Em nức nở vui sướng khi mút ngón tay, và muối trong nước mắt hòa trộn với vị dịu ngọt tan đầy trong miệng. Sau đó, em tan biến đi.

 

Em đói. Mẹ ngủ trên chiếc giường lớn. Mái tóc xõa khiến em không thấy khuôn mặt mẹ. Giá mà được thấy lại khuôn mặt mẹ sau bấy nhiêu năm thì tuyệt vời biết bao. Lẽ ra em có thể bước đến bên mẹ, gạt mái tóc ra, rồi chiêm ngưỡng các đường nét, nhanh chóng xóa đi sự quên lãng quá đáng này. Nhưng em đói, cái đó ám ảnh em. Em quá nhỏ nên không mở tủ tường được. Chẳng có chiếc ghế nào giúp em có thể trèo lên được. Em nhặt nhạnh những miếng vụn vương vãi trên bàn. Em nhặt ở dưới đất chiếc hộp ngày hôm qua rồi lấy ngón tay cào màng khô dính trên thành hộp. Việc này giúp em chịu đựng cơn đói.

Cuối cùng mẹ mở mắt. Em thận trọng chờ đợi một chút. Em để cho mẹ hiện ra. Em biết mẹ cần thời gian để thoát ra khỏi màn sương mù dày đặc. Bụng em quặn lại.

- Mẹ ơi, con đói.

Mẹ nhăn nhó.

- Con nói nhỏ thôi, mẹ đau đầu.

Khi mẹ làm khuôn mặt đó thì thật nguy hiểm, mọi chuyện có thể tiến triển rất nhanh. Em sợ mẹ nổi giận nếu cứ nài nỉ, nhưng em quá đói nên không để mẹ yên được. Em nhắc lại: Mẹ ơi, con đói. Con đói, mẹ ơi. Sau đó em co rúm lại chờ đợi chuyện gì xảy ra tiếp theo.

Em nghe thấy mẹ đứng dậy, nhưng em vẫn ngồi xổm, hai tay ôm lấy khuôn mặt. Mẹ không thích đôi mắt buồn rầu, cam chịu như chó cụp đuôi của em. Đôi mắt đó làm mẹ bực mình, khó chịu, cứ như em trách móc gì mẹ. Tuy nhiên, em có trách mẹ gì đâu. Em không biết chính xác đôi mắt như chó cụp đuôi là gì. Đó là đôi mắt của em, chỉ vậy thôi. Mẹ không thích đôi mắt em. Em muốn có đôi mắt khác, nhưng làm thế nào? Thế là em nhắm tịt mắt lại, khi mẹ đến gần em. Đặc biệt chú ý tránh cái nhìn của mẹ.

Khi mẹ đã đi qua, em hé nhìn qua ngón tay. Mẹ trần truồng, lảo đảo, chỉ có mỗi mái tóc dài che lưng. Mẹ mở tủ: Mẹ kiếp, mình chẳng còn gì, không thể như thế được! Mẹ vừa lục lọi vừa lẩm bẩm khốn kiếp thật, với giọng lúng búng, rồi cuối cùng tìm thấy. Em nghe thấy tiếng mẹ kéo vung, tiếng leng keng của kim loại va vào đồ sứ, khi mẹ vứt vung nồi vào bồn rửa bát. Mẹ cho vào trong hộp một chiếc thìa nhựa nhặt được ở trên bàn: Này, con, mẹ vuốt má em, đừng ăn nhanh quá nhé, nếu không, con sẽ bị đau bụng đấy. Sau đó mẹ lại đờ ra.

Những ngày đẹp đẽ, mẹ nói: Lại đây, con yêu. Lại đây với mẹ nào. Mẹ vỗ tay xuống giường. Em chạy lon ton về phía mẹ, chiếc hộp trong tay, ngồi bên mép giường. Mẹ vòng tay ôm lấy người em, áp má vào hông em, trong khi em thích thú ăn, vừa khóc trong im lặng, ngon tuyệt làm sao, em thật sung sướng, em ăn thỏa cơn đói.

Khi ăn xong, em nằm dài bên mẹ, và em nằm như thế hàng giờ, không nhúc nhích, chú ý không chạm vào mẹ. Không làm phiền mẹ, không bao giờ. Em lắng nghe tiếng thở đều đều của mẹ. Em thấy ấm lên ở ngay sát bên cơ thể mẹ. Thật tuyệt vời có mẹ ở đây, sát gần bên. Vẫn còn thêm chút thời gian nữa trước khi mẹ đứng lên đi làm.

 

Khi tỉnh dậy, em không nhớ khuôn mặt mẹ nữa, nhưng dù sao, em đã gặp lại mẹ; em đã mơ thấy mẹ, thế là đủ để khóc một trận ra trò. Em biết rằng đó là nhờ chiếc hộp mà em vẫn còn cầm trong tay, nhờ vào mùi vị ngon tuyệt trở lại với em từ tận đáy sâu quên lãng. Dĩ nhiên là thế. Thế là em liếm những miếng gelatin vụn dính trên nắp hộp để xem, nhưng như thế không đủ để làm mẹ quay về. Một vài miếng vụn, dù có tớp nghiến ngấu, cũng là quá ít ỏi.

Khi em chỉ còn thấy mỗi vị kim loại ở dưới đầu lưỡi, em nuốt nước mắt vào trong. Khăng khăng níu giữ là vô ích, chỉ phải đợi đến tuần sau, một chiếc hộp khác với hy vọng một giấc mơ mới. Lại một lần nữa chờ đợi. Việc này không khiến em sợ, em quen rồi, và cũng như đối với lời hứa của ông Kauffmann, việc này đáng để chờ đợi.

Em đè bẹp chiếc hộp xuống sàn. Chiếc hộp kim loại dễ dàng bị bẹp dưới gan bàn tay. Em che giấu tất cả phía dưới bìa cứng cuốn từ điển kếch xù. Đó là nơi cuối cùng mà có thể họ sẽ đến lục lọi. Họ quá sợ hãi những cuốn sách.

 

Em quay lại nơi ấy vào chủ nhật tiếp theo và các chủ nhật sau đó. Lucienne khỏe mạnh tuyệt vời. Cô vẫn ăn nhiều như thế, đã tròn lắm rồi, gần như quá to trong khi thai kỳ của cô mới ở giai đoạn đầu. Cô và Fernand vẫn chưa hết phô trương niềm hạnh phúc của mình, bởi lẽ họ thực sự thiết tha muốn em chia sẻ niềm hạnh phúc đó với họ, nhưng đâu có đơn giản như vậy. May thay, có Pacha, bộ lông vàng óng, như tia nắng rực rỡ sưởi ấm các ngón tay em.

Cuối tháng Năm, kết quả siêu âm lần đầu tiên không cho thấy vấn đề gì bất thường. Em bé phát triển tốt, vẫn còn như một con tôm, dài ba xăng-ti-mét nhưng đối với Lucienne, em bé như thế đã là hoàn hảo rồi. Cô không ngừng trò chuyện với bé, cứ như bé có thể nghe thấy, thậm chí cả hiểu, lý thuyết của cô là thế: em bé hiểu tất cả, cùng rung động với những gì cô cảm thấy. Ngày nào cô cũng chơi trung hồ cầm cho bé nghe, chiếc đàn ép sát vào chiếc bụng tròn của cô, suốt hàng giờ, bàn tay xinh đẹp của cô kéo dài theo vĩ đàn, chiếc cổ tay mềm mại của cô nhảy nhót dưới ánh sáng.
Khi nói về em bé, cô vừa cười vừa nói: Tôi sẽ giúp bé trở thành nhạc sĩ!

Nhiều tuần trôi qua, tháng Sáu, tháng Bảy. Em bắt đầu quen. Niềm hạnh phúc của họ bớt khiến em khó chịu. Thậm chí em còn nghĩ rằng mình chia sẻ niềm hạnh phúc đó.

 

Mỗi lần đến chơi, em mang chiếc hộp rỗng của bữa tiệc trước, giấu kỹ trong túi xách. Em thu xếp để kín đáo ném chiếc hộp vào trong chiếc thùng đựng đồ tái chế, rồi tranh thủ ngang qua lấy trộm một chiếc hộp mới ở tủ bếp. Buổi tối, em sung sướng một mình, đầy nước mắt và hạnh phúc tuyệt đỉnh. Và mẹ quay trở lại, lúc nào cũng là giấc mơ bên mép giường. Thời gian thực hiện lời hứa đang lại gần, em chắc chắn điều này; chẳng bao lâu nữa, mọi chuyện sẽ sáng tỏ
với em.

 

Một số truyền thuyết cổ cho rằng thần thánh không thể chịu đựng được niềm hạnh phúc của con người. Họ thấy như vậy là tục tĩu, ồn ã và quá nhạo báng đối với những ai đau khổ. Không, thần thánh không thích những người hạnh phúc. Để những người này im lặng, thần thánh tạo ra những nỗi đau khổ khủng khiếp để họ mãi mãi không thiết sống nữa. Dĩ nhiên đó là truyền thuyết, những câu chuyện kể của một thời đại khác. Thần thánh không tồn tại. Tuy nhiên, khi chứng kiến những gì xảy ra với Lucienne và Fernand, đôi khi em tự hỏi liệu có nên tin vào những truyền thuyết đó không.

 

Cuối tháng Bảy, kết quả siêu âm lần thứ hai cho thấy giới tính của em bé - một cậu con trai, đồng thời cũng phát hiện tật teo chi trên: hai cẳng tay không phát triển. Hai cánh tay chỉ được phác thảo thôi. Hai cục thịt chĩa ra những cái mầm nhỏ xíu - phôi những ngón tay.

 

Cuộc điều tra được tiến hành. Người ta kiểm tra nhiễm sắc thể của Lucienne, Fernand và ba thế hệ trước. Người ta tìm hiểu kỹ cuộc sống của họ, đều đặn lập danh sách những gì họ đã uống, đã ăn và hít thở, tìm kiếm những chất có thể gây quái thai. Người ta kiểm tra tất cả những nơi họ đã tới trong vòng mười năm qua, tỉ mỉ kiểm tra căn hộ, lấy mẫu thẩm định. Ngay cả Pacha cũng bị nghi ngờ. Nhưng người ta chẳng tìm ra được nguyên nhân gì. Đến giữa tháng Tám, cuộc điều tra đưa ra kết luận nguyên nhân không thuộc về Lucienne và Fernand. Không thể gán cho họ đã phạm bất kỳ một lỗi bất cẩn nào. Teo cánh tay: lỗi không thuộc về ai, chỉ là lỗi không gặp may. Bảo hiểm có thể được áp dụng.

Bảo hiểm của Fernand trang trải tất cả các chi phí: ghép, phục hồi chức năng, tất cả. Mặc dù bị cú sốc, họ vẫn giữ vững tinh thần. Bác sĩ khẳng định rằng với sự chăm sóc và quản lý thích đáng, hầu như sẽ không có di chứng gì. Đứa trẻ gần như có thể có một cuộc sống bình thường. Vì thế có thể lạc quan.

Nhưng thánh thần độc ác; họ không thừa nhận thất bại dễ dàng như vậy. Sau đó vài ngày, các xét nghiệm bổ sung do cơ quan bảo hiểm yêu cầu đã cho thấy trong thai nhi có sự đột biến của gien IT15 tại vị trí p16.3 của nhiễm sắc thể 4 - sự đột biến đó là sự lặp lại bất thường gen đơn bội 4. Nói cách khác, thai nhi mang gen của căn bệnh Huntington, căn bệnh khốn nạn không thể chữa khỏi, căn bệnh mà một khi bị phát hiện, sẽ khiến đầu bạn quay cuồng và sẽ giết chết bạn trước tuổi 60. Lúc đầu Lucienne và Fernand không muốn tin vào điều đó. Nhiễm sắc thể của cả hai người trước đó đã không cho thấy bất kỳ sự bất thường nào. Làm thế nào mà họ có thể truyền cho con của họ căn bệnh mà chính họ không nhiễm? Người ta giải thích với họ rằng đây là một trường hợp đột biến mới rất hi hữu - đột biến gen xảy ra ở tế bào sinh sản của họ, hoặc thậm chí có thể xảy ra sau khi thụ thai. Vì vậy bảo hiểm không thanh toán bất kỳ chi phí nào. Thực sự không còn cơ may nào. Cần phải phá thai.

 

Lucienne không thể chịu đựng nổi chuyện này. Cô nói với Fernand: Đừng yêu cầu em làm chuyện đó, như thế là vượt quá sức của em. Không làm thế, không làm thế. Cô đã quá chờ mong đứa trẻ này, không thể bỏ nó đi được. Fernand cố thuyết phục cô: Lucienne, em có nhận thấy không? Giải quyết thế nào đây khi bảo hiểm không nhận thanh toán bất kỳ khoản chi phí nào nữa? Cuộc sống của đứa trẻ này sẽ như thế nào hả Lucienne, không bảo hiểm và với mối đe dọa không ngừng trên đầu. Cuộc sống của chúng ta sẽ như thế nào? Cô đáp lại: Em cóc quan tâm, thế nào cũng mặc, đây là đứa con của em, anh sẽ không thể lấy nó đi được, chỉ thế thôi. Fernand năn nỉ: Lucienne, như thế là không thể được, chúng ta không thể, chúng ta không thể, nhưng chẳng ích gì, cô không muốn nghe gì nữa. Cô ấy như bị điên, hai tay để trên bụng, gào lên rằng bên trong này là của cô. Cô đã mong chờ nó và cô bất chấp hết mặc dù nó dị dạng, cô chấp nhận những gì sẽ xảy ra. Dù sao, cô đã yêu nó rồi. Không bao giờ cô lại để cho họ lấy nó đi. Cô thà tự tử còn hơn.

Fernand không nói gì với bác sĩ. Thầy muốn bảo vệ cô. Thầy biết rằng họ sẽ bắt cô trả giá nếu họ biết được rằng cô khóc lóc, gào thét và từ chối phá thai. Khi đó hẳn họ sẽ lại tiến hành kiểm tra tâm thần cô. Mọi chuyện có thể bị quy kết. Thậm chí người ta có thể rút lại sự chấp thuận và tước hy vọng có đứa con khác của họ.

 

Chương trình phá thai được lên kế hoạch vào ngày 2 tháng Chín. Fernand không cả dám thông báo tin đó cho Lucienne. Cô không ngừng nhắc đi nhắc lại: Em báo trước cho anh biết, nếu họ lấy em bé đi thì em sẽ tự tử. Thầy tin cô có khả năng thực hiện lời đe dọa, nhưng không thể nói điều đó với ai. Thầy sợ bác sĩ. Thầy sợ Lucienne. Với thầy, tình hình dường như không có lối thoát.

Trong khi chờ đợi, thầy nhồi nhét cho cô thuốc an thần khiến cô hoàn toàn mụ mẫm. Những lúc không ngủ, cô khóc. Cầu cho mọi chuyện kết thúc, thầy nói, tôi không thể chịu đựng được khi thấy cô đau khổ nữa. Thầy nói: “Cầu cho mọi chuyện kết thúc. Sau đó, chúng tôi sẽ có thể quên đi, bắt đầu từ con số không.” Em không dám nói với thầy rằng nếu thầy hình dung có thể bắt đầu lại sau chuyện này cứ như chẳng có gì xảy ra thì thầy nhầm to. Em cho rằng sâu thẳm trong lòng thì thầy cũng không thực sự tin như vậy.

 

Lucienne biến mất ngày 28 tháng Tám. Khi đi làm về, Fernand thấy căn nhà hoang vắng. Ngoài các giấy tờ, thẻ tín dụng và chiếc trung hồ cầm của mình, cô không mang theo thứ gì. Không có một chỉ dẫn nào về nơi cô đi - liệu bản thân cô có biết không? Chỉ một từ trên cuốn grammabook: Em đi cùng em bé. Đừng tìm em. Lucienne.

Fernand không muốn báo cảnh sát.

- Cảnh sát không có việc gì ở đây. Đó là sự ra đi tự nguyện. Một kiểu vợ bỏ nhà ra đi một cách tầm thường.

- Thầy có thể nêu các vấn đề của Lucienne trong thời gian gần đây, tình trạng tâm thần của cô ấy, các đe dọa tự tử. Như thế là đủ để ra một thông báo tìm kiếm. Với miếng cấy xương ức của cô ấy, hẳn người ta sẽ nhanh chóng tìm thấy cô.

Fernand lắc đầu với vẻ tuyệt vọng:

- Nhưng nếu họ tìm thấy Lucienne, thì theo em họ sẽ làm gì với cô ấy? Họ sẽ mặc nhiên giam giữ cô ấy và sẽ tiến hành phá thai dù cô ấy không chấp thuận. Không thể tưởng tượng được! Tôi thà không biết cô ấy đang ở đâu còn hơn.

 

Mặc dù tuyệt vọng, Fernand không chịu buông tay, và quyết định đi tìm Lucienne theo cách riêng của mình. Thực ra, chuyện cũng không phức tạp đến thế. Thầy chỉ cần tra cứu lại bộ nhớ trong grammabook của cô.

Khi tra ngược thời gian, lướt qua tất cả các trang web mà cô đã tra cứu, thầy nhanh chóng nhận ra rằng những ngày trước khi cô ra đi, Lucienne đã truy cập hàng giờ trang web Trung tâm của bác sĩ Vesalius. Thầy đã hiểu ngay lập tức.

Em nghĩ là anh biết bác sĩ Vesalius - tất cả mọi người đều biết hắn: bác sĩ, người từ tâm, tên ma cô, nhà sản xuất chương trình biểu diễn và giám đốc rạp xiếc, bạn của quái thai và những người xấu xí, như hắn thích tự mình nói thế trong các quảng cáo trên màn sân khấu. Đối với một số người, đó là con quỷ hiện hình, nhưng là con quỷ không thể động đến và hay được tiến cử. Từ khi cơ quan Thanh tra lao động và Cảnh sát theo dõi gái điếm tìm cách tóm cổ hắn, họ không phát hiện ra được bất kì sai phạm nào: con quỷ làm đúng quy định, ít nhất là vẻ bên ngoài - các bộ phận pháp lý của hắn rất thận trọng. Cơ sở làm ăn thịnh vượng và bác sĩ Vesalius trở thành tỉ phú nhờ vào những chương trình biểu diễn khắp Vùng Tối, trưng bày những đứa trẻ sinh đôi dính nhau và những người béo phì, dàn nhạc toàn những quái thai, nhà thổ toàn những quái vật đầu sư tử và những bộ phim đặc biệt
của hắn.

Nhưng đối với Lucienne, cũng như đối với rất nhiều người khác, bác sĩ Vesalius không hề có khuôn mặt của quỷ sứ. Hắn là Chúa cứu thế, người đón nhận tất cả những gì người khác không muốn, bảo vệ họ, chăm chữa, giáo dục họ. Người đem lại hy vọng và sự sống. Ít nhất là một kiểu sống nào đó.

 

Trụ sở của Trung tâm nằm tận cuối Vùng Tối, quận 25, nói cách khác là cái trôn của thế giới - cứt sắt, ma túy và bạo lực ở mỗi góc phố. Các cuộc vây ráp và tuần tra chẳng thay đổi gì mấy, anh biết rõ điều này hơn em. Vấn đề ấy không ngăn cản được Lucienne. Cần phải tin rằng cô ấy không yếu ớt như vẻ bề ngoài. Hoặc là sức mạnh đến với cô trong thử thách, như nghị lực nảy sinh từ nỗi tuyệt vọng.

 

Để đi gặp cô, Fernand đã quyết định xin nghỉ phép không lương. Thầy đã tổ chức chuyến đi đến Vùng Tối. Cuộc viễn chinh lớn. Đây là lần đầu tiên thầy qua biên giới. Dù thế nào, đây vẫn là một cú sốc. Nhưng thầy không sợ. Thầy sẵn sàng đối đầu với tất cả để tìm lại vợ mình.

Khi thầy có mặt tại trụ sở Trung tâm - một tòa nhà mới, đẹp được bức tường cao vây quanh bảo vệ, ở giữa đống đổ nát và đất bỏ hoang - bọn chúng bắt đầu phủ nhận sự hiện diện của Lucienne: Chắc ông nhầm rồi, chúng tôi không quen biết ai có tên như thế. Thầy không tin chúng, dĩ nhiên rồi. Chúng nói: Nài nỉ là vô ích, thưa ông, chúng tôi không có trách nhiệm tiết lộ danh tính của các khách tới đây. Thế là, thầy bắt đầu la lên: Đừng nói dối nữa, tôi tin chắc chắn rằng cô ấy đang ở đây, các ngươi phải trả vợ lại cho tôi, lũ khốn nạn, các ngươi sẽ phải trả cô ấy cho tôi. Chúng tống thầy ra ngoài.

Khi quay lại vào sáng hôm sau, thầy bị đuổi ra ngoài một cách hung bạo. Không ai chịu để cho thầy lại bắt đầu gây lộn. Thầy thử chống lại, nhưng chúng dọa gọi cảnh sát nếu thầy gây gổ. Chúng quen với những người cứng đầu rồi. Hơn nữa những người đến đây thường khăng khăng như vậy. Bọn chúng biết phải làm gì để tống khứ.

Cả ngày Fernand đi quanh tòa nhà. Buổi tối, thầy trở về căn phòng nghỉ có đồ đạc tìm được trong một khách sạn tồi tàn chỉ còn mỗi ba tầng dưới. Thầy không thể quyết định trở về nhà. Như thế khác gì thừa nhận thất bại.

Thầy quay lại đó vào ngày hôm sau, và ngày nào cũng làm như vậy trong suốt nhiều tuần. Thầy không đe dọa họ nữa. Thậm chí thầy không thử đi qua hàng rào nữa. Thầy chỉ ngồi trên sân trước nhà thờ, cách cổng chính vài mét. Thầy chờ đợi.

Dĩ nhiên thầy đã gặp những nỗi đắng cay, với tất cả những băng nhóm lang thang trong Vùng Tối đó, những cái nhìn gằm ghè, hau háu, răng nhe ra. Thầy để cho chúng lục soát mà không hề cưỡng lại, như tất cả các sách hướng dẫn khuyên nhủ - chỉ khi bị chống lại thì chúng mới có thể trở nên tồi tệ. Trong trường hợp của Fernand, thậm chí chẳng phải là do thầy thận trọng. Chỉ là thầy không thèm quan tâm. Đồng hồ đeo tay, áo khoác, thẻ tín dụng, và thậm chí cả đôi giày, thầy cho chúng tất cả. Những cái đó đâu có nghĩa lý gì. Duy nhất một điều quan trọng: Gặp lại cô. Đưa cô về.

Một hôm, một người phụ nữ đi qua cổng, bước xuống bậc thềm rồi đi về phía thầy khuôn mặt nghiêm trang và bình thản. Suýt nữa thầy không nhận ra. Lucienne, đẹp chưa từng có. Có thai được sáu tháng.

Cô nói với thầy: Đi vào trong đi, nhưng hãy hứa với em, Fernand, không nổi giận. Thầy hứa, rồi thầy đi theo cô trong yên lặng. Thầy không thể diễn tả nổi cảm xúc bằng lời.

Cô mời thầy ngồi trong một phòng khách nhỏ rất ấm cúng, cửa mở ra sảnh. Thoạt đầu, thầy không dám - thầy khá bẩn, với tất cả bụi bặm giữa đống gạch vữa. Thầy sợ làm bẩn ghế. Cô đưa tay ra hiệu rằng không sao, rằng thầy không phải ngại. Cô như ở nhà mình.

Thầy chiêm ngưỡng cô hồi lâu. Cô tránh cái nhìn của thầy. Rồi rốt cuộc thầy nói:

- Vậy là em ở đây ư? Anh đã không nhầm!

- Vâng, em ở đây.

- Tại sao không cho anh biết tin trong suốt thời
gian qua?

- Em không muốn nói chuyện với anh. Quá khó khăn, Fernand.

- Vậy thì tại sao là bây giờ?

- Bởi vì... ngày nào cũng nhìn thấy anh ngồi ở đó...

- Em nhìn thấy anh ư?

- Vâng, em nhìn thấy anh. Cuối cùng em hiểu rằng anh sẽ không bỏ đi. Không bỏ đi trước khi biết rõ tình hình. Đấy, anh thấy đấy.

- Chúng ta sẽ làm gì Lucienne?

Cô lắc đầu.

- Không còn chúng ta nữa.

- Em sẽ làm gì? - Thầy cố giữ bình tĩnh tiếp lời.

Trong đầu thầy vang lên đau nhói; không được nổi giận, mi đã hứa rồi, không nổi giận, nếu không, họ sẽ tống cổ mi ra ngoài.

- Em sẽ ở lại đây, cùng với đứa bé.

- Nhưng em sẽ sống như thế nào?

- Trung tâm sẽ chịu mọi phí tổn. Tất cả các chi phí ăn ở, sinh hoạt, chăm sóc và giáo dục đứa bé. Tất cả.

- Đổi lại là gì?

- Khi đứa bé lớn lên, bé sẽ làm việc cho bác sĩ Vesalius. Trong các xưởng hoặc trên sân khấu. Còn chưa biết.

 

- Hay trong nhà thổ của hắn ư? - Thầy hét lên, không thể giữ bình tĩnh lâu hơn. Tương lai mà em muốn cho con trai của chúng ta là như vậy ư?

Cô bình tĩnh nói:

- Không phải con trai của chúng ta, Fernand. Con trai của em. Em mang lại cho nó tương lai mà em có thể. Còn anh, anh không cho nó tương lai nào.

- Lucienne! Lucienne! - Thầy than vãn, hốt hoảng để mình bị cuốn đi.

Thầy cố nắm tay cô, nhưng cô nhanh nhẹn lùi lại.

- Fernand, anh cần hiểu điều này: hết rồi. Em sẽ không quay lại.

Cô đứng lên, để tỏ rõ rằng đã kết thúc, cả buổi nói chuyện cũng như các việc còn lại. Cô có vẻ rất bình tĩnh và rất quyết đoán. Và họ chia tay, không một lời hứa gặp lại - cô không muốn điều đó.

 

Việc ly hôn được tuyên bố vào tháng Mười một. Ưng thuận của cả hai bên. Không ai muốn làm rắc rối mọi chuyện. Một tháng sau, cô báo cho Fernand biết rằng đứa trẻ ra đời. Cô không cho biết tên, cô chỉ nói rõ rằng cô không muốn thầy biết nó, vì xem xét đến hoàn cảnh.

 

Em có thể kể gì với anh nữa đây? Lucienne đã ra đi, xa xôi, về một thế giới khác, và thật khó khăn hình dung rằng em sẽ không gặp lại cô nữa. Em nhớ cô, vẻ dịu dàng nơi cô, những nỗi đớn đau, những hy vọng, những bản nhạc của cô. Đột nhiên em nhận thức rõ rằng mình đã tỏ ra thật bất cẩn. Ông Kauffmann, Fernand, Lucienne, em đã bắt đầu yêu họ, yêu tất cả họ, không cố tình, thậm chí không cả nhận ra điều đó. Không yêu bằng mẹ, dĩ nhiên, nhưng cũng đủ để đau lòng. Em bị tình cảm đánh bẫy, không bao giờ nên như vậy. Hiện tại, em đang trả giá, và em đo lường rằng giá đó quá cao. Thứ hàng xa hoa, quá mạo hiểm đối với những trái tim bị hành hạ.

Thế là em quyết định từ nay sẽ lưu ý. Chú ý giữ khoảng cách. Nhất là không gắn bó. Giữ cho mình, khóa tất cả hai vòng - giữ gìn, yên ổn, an toàn. Đó là điều cần thiết, đó là điều sống còn. Em biết rằn 20f g thêm một nỗi đau khổ mới sẽ giết em.

 

 



1. Pacha: tiếng Ả Rập, chỉ người giữ chức tổng trưởng, được mọi người phục vụ.

1. Máy rung.

1. Con thần Dớt trong Thần thoại Hy Lạp.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86288


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận