LiLa K Hành Trình Tìm Lại Chương 4


Chương 4
Fernand

Fernand mất hàng tháng để bình phục sau sự ra đi của Lucienne. Vả lại “bình phục” là cách nói cường điệu. Thầy không còn là chính thầy nữa, ngay cả khi thầy làm ra vẻ như thế. Thầy thường xuyên lơ đễnh, bỏ lửng câu mà không giải thích. Thầy chẳng nói gì trong vài phút. Thầy nghĩ đến cô, em biết điều đó. Thuốc chống trầm cảm chẳng có tác dụng gì. Em là người hiểu điều đó nhất.

Fernand không phải là người duy nhất đau khổ. Pacha héo hắt. Nó bắt đầu rụng hết lông. Không phải lần thay lông bình thường để sau vài ngày nhường chỗ cho một bộ lông màu khác, mà là chứng trụi lông thực sự. Fernand kể với em rằng suốt ngày nó vừa bò lê vừa kêu meo meo, rắc từng túm lông to phát lân quang trên đường. Thật não lòng, nhưng tôi biết làm gì đây? Em không trả lời gì hết. Em chẳng biết nói gì. Pacha để tang bà chủ theo cách của mình.

 

Mặc dù đau buồn - hoặc có thể chính vì buồn đau, Fernand quyết định đầu tư công sức vào vai trò thầy giám hộ. Dường như có sự khẩn cấp. Em mười lăm tuổi. Còn ba năm nữa là đến kỳ kiểm tra để quyết định liệu em có sẵn sàng hòa nhập xã hội hay không. Theo Fernand nói, việc này không hề dễ dàng.

- Chuyện gì sẽ xảy ra nếu em thi trượt?

- Em sẽ bị tuyên bố là không đủ khả năng, và các nhà chức trách sẽ không cho em ra khỏi trung tâm. Em sẽ ở lại đây, hoặc sẽ đến những cơ sở giáo dục cải tạo cho những người mới trưởng thành.

- Nhưng... có thể trong bao lâu?

- Cho đến khi em được tuyên bố là đủ khả năng.

- Việc này có thể kéo dài lâu không?

- Có thể kéo dài mãi mãi.

Có lúc em tự hỏi liệu thầy có nói quá lên chỉ cốt để khiến em sợ hay không. Nhưng không, thầy có vẻ nghiêm túc không ai bằng. Nói chung, Fernand chưa bao giờ có óc hài hước thực sự. Mẹ kiếp!

- Em muốn rời khỏi đây phải không, Lila?

- Vâng, dĩ nhiên.

- Vậy thì phải hành động. Ngay từ bây giờ. Thời gian từ giờ đến kỳ thi sẽ nhanh chóng trôi qua. Em cần phải chuẩn bị. Còn tôi thì có thể giúp em.

- Thầy dự định làm gì?

- Giúp em bình phục - thực sự bình phục - để đến khi cần, em có tất cả cơ hội vượt qua kỳ sát hạch.

- Thầy cho rằng em sẽ không làm được phải không?

- Không phải là không được, nhưng có nhiều việc phải làm. Em quá... rốt cuộc... có một số điểm làm em... thực sự rất khác biệt.

- Em biết là em khác biệt mà. Ông Kauffmann vẫn thường nói như vậy. Chỉ có điều ông ấy không có vẻ thấy đó là vấn đề.

- Chính nét đặc biệt ở mỗi người khiến ông ấy quan tâm.

- Thế còn thầy, thầy Fernand, những nét đặc biệt ấy không làm thầy quan tâm sao?

- Vấn đề không phải ở chỗ đó. Tôi cố gắng thực tế và làm tất cả những gì cần thiết để tạo điều kiện giúp em tái hòa nhập. Ông Kauffmann cho rằng để các học sinh nội trú phát triển... những nét đặc thù của riêng mình... sẽ không gây ra trở ngại gì. Trong suốt một thời gian dài tôi đã nghĩ như ông. Bây giờ, tôi nhận ra rằng như thế là sai lầm. Một quan niệm thiếu thực tế.

- Tại Lucienne nên thầy nói như vậy ư?

Thầy không trả lời. Dù sao cũng không cần thiết. Em biết mình khía vào vết thương của thầy. Em thở dài:

- Chính xác thầy định biến em thành người thế nào?

- Làm cho em trở nên phù hợp hơn. Hay tầm thường hơn, nếu em muốn.

- Vâng, đúng rồi, thầy Fernand, tầm thường, em thích thế hơn: như thế hào hứng hơn nhiều.

Thầy giả vờ không nhận ra sự mỉa mai.

 

- Ông Kauffmann luôn tìm mọi cách nuôi dưỡng những khả năng đặc biệt mà ông đã phát hiện ở em, tất cả những tư chất ấy, tất cả những nét lạ thường làm em trở thành một người rất... quyến rũ. Nhưng khi lựa chọn con đường này, ông ấy đã khiến em trở nên kỳ cục thêm. Tôi không cho rằng làm như vậy là giúp em. Em có hiểu ý tôi muốn nói không?

- Vâng, thầy Fernand, em hiểu.

- Chẳng có gì là không thể quay trở lại. Chúng tôi còn có thể giúp em loại bỏ những tính kỳ quặc, làm cho em có đủ khả năng hòa nhập với những người khác mà em không hề nhận ra. Tôi hoàn toàn tin tưởng, em biết đấy: bằng cách bắt tay vào công việc ngay từ bây giờ, chúng ta sẽ thành công. Nhưng việc này chỉ có thể thực hiện được nếu em tích cực hợp tác. Em có đồng ý không?

Em trả lời là có - chẳng có gì khác để làm. Và đây là lần đầu tiên kể từ khi Lucienne ra đi, em thấy Fernand mỉm cười.

 

Kể từ ngày hôm ấy, em tuân theo chương trình của thầy. Em cố gắng trở thành - ít ra là ở vẻ bên ngoài - cô gái bình thường và tẻ nhạt như họ mong muốn. Việc này không đơn giản. Em xuất phát từ rất xa; cần phải có những nỗ lực đáng kể. Điều tồi tệ nhất, đó là cảm giác phản bội ông Kauffmann luôn ám ảnh em khi quay lưng lại với tất cả những gì ông đã mong muốn cho em. Nhưng Fernand rất dứt khoát: nếu em muốn có cơ hội ra khỏi trung tâm khi đến tuổi trưởng thành thì không có con đường nào khác. Vì vậy, em cố gắng không biểu lộ tâm trạng của mình.

Em phục tùng tất cả các yêu cầu bắt buộc của thầy, và chịu đựng những lời phê phán không ngừng của thầy mà không hề tỏ ý phản đối - Thẳng người lên, chải đầu đi, em chẳng ra thể thống gì, đừng nói những lời thô tục với tôi, và đừng có lúc nào cũng đeo cặp kính râm ấy nữa! Sau nhiều tháng, em học cách đi đứng, chải tóc, trau chuốt ngôn ngữ, và nhất là học cách bắt chước người khác. Bắt chước, theo Fernand, đó là chìa khóa, cơ sở sống còn trong xã hội. Để hỗ trợ, thầy cho em xem phim truyện và phim tư liệu, học thuộc lòng các cử chỉ, lời đối đáp, công thức, thậm chí đôi khi cả những bài đối thoại. Với những thứ này, chắc em sẽ có khả năng lừa phỉnh trong mọi hoàn cảnh. Bởi đúng là như vậy: lừa phỉnh. Bản chất em là người thế nào thì thực sự không quan trọng khi mà trông bề ngoài, mọi thứ đều phù hợp.

Có những ngày, khi chuyện này trở nên quá khó khăn, em trèo lên mái nhà để soi kính vạn hoa. Trong vài phút, em thấy tất cả đang dạo chơi, các tòa nhà phía trên những chiếc cối xay trong vòng xoáy sắc màu. Em tuyệt vọng, nhưng việc đó làm em nhẹ người. Sau đó, em bắt đầu ngâm thơ, hét lên những điều nghịch lý, như trước đây cùng ông Kauffmann. Tất cả những từ mẹ khỉkhốn kiếp giữa những câu thơ alexandrin(1) mang lại sự thoải mái vô cùng đến điên dại. Trở về phòng mình, em dành hàng giờ đọc cuốn từ điển, chọn những từ ngữ hiếm nhất và phức tạp nhất rồi học thuộc lòng định nghĩa. Tóm lại, em làm những gì có thể để thể hiện rằng dù sao mình cũng trung thành với ký ức về ông Kauffmann.

Em luôn tin tưởng vào ông, vào lời hứa của ông. Điều ấy giúp em chịu đựng tất cả: cuộc sống tại Trung tâm và cuộc sống sẽ chờ đợi em khi ra khỏi nơi đây. Khi em đứng sát bên mái nhà, nhìn thành phố chen chúc dưới chân mình, rộng và phức hợp, gần như vô tận, em hình dung cái thế giới này khiến em khiếp sợ quá, em thật xa lạ với thế giới này. Và em chóng mặt chỉ với mỗi ý nghĩ rằng một ngày em sẽ phải trở lại với cuộc sống không dành cho mình ấy. Em cho rằng có lẽ mình sẽ không bao giờ có lòng can đảm đương đầu nếu chưa từng cắm sâu trong lồng ngực chiếc rễ hy vọng mạnh sẽ tìm lại mẹ ở giữa tất cả những thứ đó như bông hoa dẻo dai.

 

Fernand trở thành thành viên của Ủy ban vào tháng Ba năm 2106. Chỉ mới ba mươi hai tuổi, thầy là thành viên trẻ tuổi nhất được bầu từ trước đến nay - sự thăng chức tuyệt vời mà em chắc rằng thầy đã phải trả giá bằng rất nhiều những cử chỉ lễ độ thái quá và sự thỏa hiệp. Lẽ ra em có lý do để giận thầy, sau tất cả những gì những tên đểu cáng ấy đã làm với ông Kauffmann. Nhưng em không thể. Em biết rằng thầy bất hạnh; em không muốn đổ thêm dầu vào lửa. Nhiều lần thầy thử liên hệ với Lucienne. Thầy muốn gặp lại cô, gặp con của họ, không để bị cắt đứt liên hệ. Nhưng không bao giờ cô trả lời. Cô liên hệ lại một lần, chỉ để nói: Xin anh hãy để cho mẹ con em được yên. Thầy vâng lời; thầy không viết nữa. Em đoán rằng để không nghĩ đến chuyện đó nên thầy lao vào công việc và có ý chinh phục vị trí trong Ủy ban. Công việc, tham vọng. Ngoài một con mèo đang đau khổ, đó là tất cả những gì còn lại với thầy.

 

Thầy vẫn quan tâm đến em nhiều như vậy, bằng những lời khích lệ và những lời nhắc nhở em tuân thủ quy định. Em tuân theo chỉ dẫn của thầy - rốt cuộc em rất giỏi làm việc ấy. Em tiến bộ vượt bậc. Khi gần mười bảy tuổi, em có khả năng thể hiện là một người hoàn toàn bình thường. Sáng nào em cũng chải đầu. Em không còn ngủ dưới ga trải giường. Em không nói bậy bạ nữa - trừ những khi chỉ có một mình. Em đã biết đồng hóa những gì được làmnhững gì không được làm. Tóm lại, em trở nên gần như ổn. Vẫn còn một vài điểm hạn chế - từ chối tiếp xúc và không hào hứng với thức ăn - nhưng về tổng thể, em có khả năng che đậy. Fernand vui mừng: Chúng ta xuất phát từ rất xa, thật quá mức mong đợi! Thầy nghĩ rằng từ nay em có tất cả cơ may để vượt qua kỳ sát hạch.

Em hình dung rằng lẽ ra cả mình cũng nên vui mừng nhưng vì mẹ mà em không thể. Chính vì mẹ mà em đã thực hiện tất cả những nỗ lực ấy. Để tìm lại mẹ. Đó là mục đích duy nhất của em, từ lâu đó là chân trời của em, nhưng từ nay dường như đối với em chân trời ấy bị bịt kín, chìm trong sương mù sâu đến nỗi em không thể nén nỗi lo lắng được nữa. Không một con đường nào, không một dấu hiệu nhỏ nhất nào. Chỉ có những mớ kỷ niệm, những mẩu ký ức quá nhỏ nên chẳng đưa đường chỉ lối đến đâu.

Dĩ nhiên có lời hứa của ông Kauffmann. Nhưng từ khi ông qua đời đến nay đã năm năm trời. Dù ông có nhắc đi nhắc lại mỗi lần đến giúp em giữ vững tinh thần: Dù chuyện gì xảy ra cháu vẫn có thể tin vào bác thì cũng vô ích, em bắt đầu ngờ vực. Những lời hứa của một người đã chết, hay của một bóng ma thì có giá trị gì? Càng nghĩ đến chuyện này em càng thấy mình bị lừa. Ông Kauffmann sẽ không thể giúp em được nữa, không bao giờ. Hy vọng đặt ở nơi ông chỉ còn là ảo tưởng mà em bám vào để tiếp tục sống sau sự ra đi của ông.

 

Việc em nghi ngờ ông không làm ông vui. Một hôm khi đang ở trên mái nhà, thất vọng, em cảm thấy có sự hiện diện của ông ở đâu đó trong gió.

- Bác có khỏe không?

- Chính cháu mới là người bác đặt câu hỏi ấy. Cháu làm sao thế, cháu gái?

- Cháu không còn hy vọng nữa, bác Kauffmann ạ.

- Không còn hy vọng nữa là thế nào?

- Bác đã hứa giúp cháu tìm lại mẹ, bác còn nhớ không? Thế mà bác chẳng làm gì sất...

- Bác đã nói là sẽ giúp cháu, chứ không phải để cháu


lười biếng!

- Ý bác là gì?

- Bác đã làm phần việc của bác. Bây giờ đến lượt cháu.

- Bác có thể nói rõ hơn được không?

- Thế cháu tưởng bác làm sẵn cho cháu sao! Hãy động não đi, mẹ kiếp!

Em nài nỉ nhưng vô ích, ông từ chối nói thêm. Gió thổi quá mạnh.

 

Em quay về phòng. Em cần tĩnh lặng để suy nghĩ. Hãy động não đi. Liệu có thể nào ông đã tiết lộ cho em những chỉ dẫn giúp tìm mẹ mà mình không nhận ra ư? Liệu có thể ông đã để những chỉ dẫn ấy ở đâu đó, ở một nơi mà mình phải khám phá ư? Nếu đúng như vậy, chắc chắn ông đã để chỉ dẫn cho mình. Trò chơi lần theo dấu vết. Hãy động não đi. Cứ làm như dễ lắm ấy!

Không còn cách nào khác, em bắt đầu lật giở cuốn từ điển. Lúc nào em cũng cảm thấy công việc này làm dịu lòng, bởi vì nó giúp em cảm thấy sự hiện diện của ông, gần như là linh hồn của ông được để nơi đây, và khi giở mỗi trang, một phần linh hồn của ông thoát ra. Em nhớ ngày ông tặng món quà này: Chúc mừng sinh nhật, cháu gái. Hôm đó không đúng ngày, dĩ nhiên rồi, ông biết điều đó. Nhưng ông cũng biết rằng ông không thể chờ đợi hơn được nữa. Chuyến viếng thăm cuối cùng của ông. Có tất cả ở đây. Tất cả những gì cháu cần. Đó là những gì ông nói với em khi tặng cuốn từ điển. Tất cả những gì em cần.

Em bàng hoàng, và tim đập mạnh: tiếng thổi tâm trương, tâm thu mạnh thình thịch khiến em gần như bị đau. Em bắt đầu cuống cuồng lật giở các trang. Có tất cả ở đây. Đó chính là lời chỉ dẫn. Tất cả những gì cháu cần. Các thông tin về mẹ chắc phải có ở đây. Dĩ nhiên là thế.

 

Chắc em đã tiếp tục lật giở trong vòng ít nhất ba giờ - anh biết hy vọng là thế nào rồi, người ta đâu có dễ dàng chấp nhận từ bỏ. Nhưng phải bỏ cuộc. Chẳng có gì, ở bất kỳ chỗ nào. Dù sao thì, nếu như cuốn từ điển này có chứa chút thông tin ít ỏi nhất về mẹ thì hẳn em đã nhận ra từ lâu
rồi. Đã bao nhiêu lần em lật giở và đọc cuốn sách theo
mọi hướng.

Em gập cuốn từ điển lại, và ngồi đó, nhìn nó ngây dại. Thậm chí em không thể nói rằng mình thất vọng. Còn trên cả thế, căn bản hơn thế. Em tuyệt vọng. Em bắt đầu chậm chạp lướt mắt lên chiếc bìa da cá láng bóng. Em thích vuốt ve bìa cuốn sách vì nó mềm mại và nhắc em nhớ lại sự quan tâm của ông dành cho mình. Bìa da cá nhé. Rất đẹp. Rất đắt. Bác đã cho bọc riêng để ghi dấu cuốn sách này... Em cảm thấy có luồng điện phóng trên múp ngón tay, một sự va chạm rất nhẹ và nhanh. Có tất cả ở đây. Đột nhiên, ánh sáng mở ra.

Em rất bình tĩnh. Em đến ngồi vào bàn làm việc, hơi quay người, để cho lưng quay vào ống kính, để hạn chế rủi ro. Em chiêm ngưỡng cuốn từ điển trong vài khoảnh khắc. Kho báu của em. Thế rồi, em tiến hành bóc lớp bìa đẹp ra. Ông Kauffmann có lý: chỉ cần động não. Nhớ lại những lời ông đã nói. Khám phá ý nghĩa ẩn sau vẻ tầm thường bề ngoài của các công thức.

Em nhanh chóng tìm thấy thông điệp, luồn dưới tấm bìa da cá. Chỉ một mẩu giấy được gấp cẩn thận, ngay lập tức em nhận ra nét chữ của ông, đẹp, mảnh mai và nghiêng:


Buc. 4,60 - parve puer risu

En. 4,186.188 - et magnas territat urbes tam ficti pravique tenax quam

124° est ex libris veritas

Một thông điệp được mã hóa. Một thông điệp di cảo ẩn náu chờ đợi ở đây từ gần năm năm nay. Em bắt đầu cảm thấy cay cay bờ mi, nước mắt chực trào ra.

- Thế nào, cháu tưởng bây giờ là lúc trào nước mắt ư?

- Cháu xin lỗi. Cháu xúc động quá.

- Tốt hơn hết là cháu bắt tay vào công việc đi.

- Bác không giúp cháu giải mã ư?

- Lại còn chuyện gì nữa thế!

- Vậy thì một chỉ dẫn...

- Bác còn phải nhắc lại với cháu bao nhiêu lần nữa? Hãy động não đi, mọi chuyện sẽ tốt đẹp.

 

Est ex libris veritas không là vấn đề với em. Ông Kauffmann đã thường xuyên nhắc với em rằng nhờ sách mà ta biết sự thật. Còn về chỉ dẫn Buc. 4,60 En. 4,186.188, em có đủ kiến thức kinh điển để biết rằng đó là trích dẫn thơ của Virgile(1): Thơ điền viên, quyển IV, câu thơ 60; Trường ca, quyển IV, các câu thơ từ 186 đến 188. Ông Kauffmann nói rằng Virgile là một thiên tài lớn. Ông đã bảo em học thuộc lòng tất cả các bài thơ của tác giả này. Năm năm sau em vẫn còn nhớ. Câu thơ trong Thơ điền viên là:

Incipe, parve puer, risu cognoscere matrem

(Bé con, hãy học cách nhận ra mẹ mình qua nụ cười.)

Còn đoạn trong Trường ca miêu tả nữ thần Pheme(1), một quái vật hung ác đi tố với toàn thế giới biết cuộc tình tai tiếng của nàng Didon và chàng Énée:

Luce sedet custos aut mummi culmine tecti

Aut turribus altis, et magnas territat urbes

Tam ficti pravique tenax quam nuntia veri.

(Ban ngày, bà ngồi rình trên đỉnh mái nhà hay trên những tòa tháp cao, và reo rắc nỗi khiếp sợ trong các thành phố lớn, không ngừng tuyên truyền những điều bịa đặt, vu khống nhiều như truyền đi sự thật.)

Bản thân ý nghĩa đoạn thơ rất rõ ràng nhưng em không thấy có mối liên hệ với mẹ. Em cũng không hiểu tại sao ông Kauffmann mất công chép lại một phần đoạn văn sau mỗi
lời dẫn:

- parve puer risu

- et magnas territat urbes tam ficti pravique tenax quam.

Các câu thơ cụt này chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Em hoàn toàn mù mịt.

Em phải mất nhiều ngày để hiểu rằng ký hiệu - đặt trước mỗi đoạn trích không phải là dấu gạch ngang, như em cứ tưởng ban đầu, mà là ký hiệu phép trừ trong đại số. Các câu trích cụt lủn không tương ứng với phần câu thơ cần phải lưu giữ, mà ngược lại, tương ứng với phần cần phải cắt đi để tìm ra thông điệp thực sự. Như vậy em đi đến kết quả như sau:

Incipe cognoscere matrem

(Bắt đầu nhận ra mẹ.)

Luce sedet custos aut mummi culmine tecti, aut turribus altis, nuntia veri.

(Ban ngày, bà ngồi rình trên đỉnh mái nhà hay trên những tòa tháp cao, sứ giả của sự thật.)

Nhưng em không cảm thấy tiến xa hơn mấy. Còn về chỉ dẫn 124°, em vẫn chưa hiểu đó là về vấn đề gì. Nhiệt độ ư? Đo góc ư? Chẳng có nghĩa gì.

 

Suốt nhiều tuần, em vật lộn với bí mật này. Các chữ
La tinh luẩn quẩn trong đầu, trở nên rắc rối khủng khiếp. Và nụ cười của mẹ phảng phất trên tất cả những điều ấy, không thể tiếp cận và êm dịu. Một nỗi dằn vặt đau khổ. Em gọi ông Kauffmann nhưng vô ích, ông im lặng đến kinh khủng.

 

Ánh sáng lóe lên một cách kỳ lạ - các con đường của sự thật đôi khi ngoắt ngoéo. Đó là một ngày thứ tư, ngày sử dụng Sensor. Em lôi chiếc máy ra khỏi ngăn kéo, rồi lần tìm tuýp thuốc bôi trơn trong bóng tối. Ngón tay em đột nhiên chạm vào một vật tròn nhỏ. Em chẳng hề hình dung được nó là cái gì. Em bật đèn lên để xem. Đó là chiếc la bàn mà ông Kauffmann đã tặng nhân dịp sinh nhật năm em mười tuổi. Một đồ vật đẹp, đúng vậy, nhưng em chưa từng cảm nhận được ích lợi của nó - cuộc sống của em tù túng và giới hạn trong Trung tâm nên em không có cơ hội bị lạc đường. Em đã cất chiếc la bàn ở đây, sâu trong ngăn kéo, không biết nên làm gì, và từ khi đó em chưa bao giờ lôi ra. Thực lòng mà nói, em gần như quên khuấy.

Em để lại Sensor vào trong ngăn kéo - đây là trường hợp ngoại lệ, em có thể vi phạm quy định hai lần trong tuần. Em tắt điện, rồi đi ngủ tiếp, chiếc la bàn ở giữa hai bàn tay siết chặt. Em xúc động khi thấy lại nó, cũng hơi xấu hổ vì đã để quên nó ở tận sâu trong ngăn kéo quá lâu như vậy. Nhưng theo một cách nào đó, chuyện này đâu có tệ: cứ như ông Kauffmann lại tặng em chiếc la bàn một lần nữa. Em nhớ lại lúc ông đặt chiếc la bàn vào lòng bàn tay em: Để giúp cháu tìm thấy con đường của mình trong cuộc sống. Em còn trêu ông vì sử dụng phép ẩn dụ lỗi thời, nhưng ông đã kiên định bảo vệ.

Em để đầu óc bập bềnh một hồi theo dòng kỷ niệm hạnh phúc này, sau đó lại bắt đầu nghĩ đến thông điệp: 124° est ex libris veritas. Nghĩ đến mỗi dấu hiệu. Nghĩ đến mỗi con chữ. Ex libris veritas. Đó là điều ông Kauffmann nói. Ex libris veritas. Từ est trong động từ Être(1) được hiểu ngầm, như thường dùng trong tiếng La tinh. Tại sao lần này ông Kauffmann lại chọn viết từ đó?

Chính lúc đó em cảm thấy nhoi nhói trong lòng bàn tay, cảm giác như chiếc kim la bàn hoảng hốt dưới gan bàn tay. Đột nhiên, mọi việc trở nên rất rõ ràng.

 

Em làm theo những gì nói trong thông điệp: sáng hôm sau, em trèo lên mái nhà. Một trăm ba tư tầng - điều này chắc có nghĩa là các thòa tháp cao Carthage. Chiếc la bàn trên tay, em đứng quay mặt về hướng Bắc, mắt dán xuống chiếc kim run rẩy. Em từ từ quay đúng góc 124° Đông. Sau đó em ngẩng đầu lên. Câu trả lời ở đó, trong cái triển vọng mà ánh mắt bao quát. Nhưng làm thế nào biết được? Làm thế nào lựa chọn đúng tòa nhà cần tìm trong số các tòa nhà trải dài đến vô tận? Em suýt hốt hoảng, mắt mờ đi trước hàng trăm tòa nhà ấy.

- Nào, cháu gái, can đảm lên.

- ...

- Cháu gần đến nơi rồi. Hãy nỗ lực lên.

Em nín thở. Một phút. Hai phút. Ba phút. Sau phút thứ tư, em đã cảm thấy khá hơn. Sau năm phút, cơn khủng hoảng trôi qua.

Em sắp xếp trật tự lại tất cả. 124° Đông. Em nhẩm vẽ một đường theo hướng này. Sau đó, em đi theo con đường ấy, hết tòa nhà này đến tòa nhà kia, hết khối nhà này đến khối nhà kia, mỗi lần đều cố gắng tìm kiếm mối quan hệ có thể với mẹ hoặc với nội dung bức thông điệp. Em để ánh mắt từ từ nhìn lên phía chân trời. Tất cả đột nhiên dừng lại - một phần giây, một khoảnh khắc tí tẹo, thời gian ngừng lại, máu và hơi thở đông lại - rồi lại hoạt động. Ex libris veritas. Thật đơn giản, thật hiển nhiên. Lẽ ra em phải đoán ra ngay từ đầu.

 

Tận phía đằng kia dựng lên, như những cuốn sách mở ra bầu trời rộng mở, ba tòa tháp rộng lớn của Thư viện Lớn(1).

 

Tháng Sáu năm 2107, em trải qua kỳ thi tốt nghiệp và đỗ một cách rạng rỡ. Em kể điều này chẳng chút khoe khoang đâu nhé - em học xong chương trình đã lâu mà không hề khó khăn. Nhưng điều quan trọng nhất là em thành công với bài thi sát hạch về khả năng. Fernand không tìm cách che giấu sự tự hào của mình - thành công này cũng là của thầy.

- Dĩ nhiên vẫn còn những vấn đề như em kịch liệt từ chối hòa đồng với những người khác. Tôi báo trước với em rằng em sẽ bị để ý rất kỹ ở khía cạnh này trong thời gian đầu em rời Trung tâm. Nhưng các phần còn lại đều biện hộ cho em: kết quả học tập, hạnh kiểm mẫu mực... Nói gọn trong một từ: chúc mừng!

Tuy nhiên vẫn còn vấn đề phải giải quyết: đó là việc học tập của em. Fernand đã từng hối thúc để xem em định làm gì. Cho đến lúc đó, em vẫn còn quanh co được: “Em không biết, em không thể lựa chọn, có bao nhiêu thứ làm em quan tâm, hãy cho em thêm một chút thời gian nữa...” Nhưng bây giờ, em không thể gian lận được nữa. Em sắp phải nói với thầy sự thật, và biết rằng thầy sẽ không thích.

- Thưa thầy Fernand, thực lòng mà nói, em không có ý định học cao lên.

Thầy nhìn em với vẻ phẫn nộ.

- Tôi hy vọng là em đùa thôi chứ!

- Em có vẻ đùa sao?

- Nhưng với khả năng của em thì như thế là điên rồ!

- Em cóc quan tâm đến khả năng của mình. Tất cả những gì em muốn là một công việc đơn giản. Dù đó là công việc không cần trình độ cũng chẳng sao, em không thấy phiền, ngược lại là đằng khác.

- Nhưng thật điên rồ!

- Thầy đã nói thế rồi. Chỉ có điều, đó là quyết định
của em.

- Rốt cuộc, Lila, em làm sao thế? Tôi không hiểu.

- Đây không phải là lần đầu mà.

Thầy không ngần ngại tiếp tục, không để ý đến lời bình của em:

- Thật vô ích khi nói với em rằng Ủy ban sẽ thực sự không hài lòng vì em thiếu tham vọng!

- Thế này thầy Fernand ạ, hãy hình dung xem chuyện gì sẽ xảy ra nếu em lao vào học đại học: với khả năng của em, như thầy nói, việc học tập có thể kéo dài cả mười hai năm. Tất cả chi phí ấy sẽ do Trung tâm tài trợ! Hãy tin em đi, khi các đồng nghiệp của thầy trong Ủy ban hiểu được số tiền tiết kiệm được từ sự thiếu tham vọng của em mang lại cho cơ sở này thì họ sẽ nhảy lên vui sướng cho mà xem!

- Thế là thế nào! Như tôi, họ cũng hy vọng thấy em lựa chọn những khả năng đảm bảo tốt nhất cho tương lai của mình. Và cũng như tôi, họ sẽ thất vọng.

- Dù sao thầy cũng không thể bắt buộc em được!

- Đúng vậy, tôi không thể bắt buộc em. Tuy nhiên tôi muốn hiểu lý do.

- Chẳng có gì phải hiểu thầy Fernand ạ. Em không muốn học. Em không quan tâm, chỉ thế thôi.

- Em muốn gì, Lila? Mẹ kiếp, em muốn gì?

- Em đã nói với thầy rồi: một công việc đơn giản và không trách nhiệm, ở một nơi mà em gặp ít người nhất
có thể.

- Chung chung quá. Chẳng giống em chút nào...Trừ phi em đã có chút ý tưởng nào rồi? - Thầy nói thêm, vẻ ngờ vực.

Em không trả lời gì nữa. Thầy xoáy nhìn em.

- Hãy nói đi Lila, em muốn làm công việc vô vị ấy trong lĩnh vực cụ thể nào vậy?

Em nín thở ba mươi giây. Đây là lúc tiến hành công việc dễ dàng.

- Thầy có cho rằng em có thể làm việc được ở một nơi chẳng hạn như Thư viện Quốc gia không? Những cuốn sách thật yên lặng...

- Các cuốn sách thì dĩ nhiên rồi, - thầy vừa than vãn vừa nhìn cuốn từ điển trên bàn làm việc. Lẽ ra tôi nên ngờ đến việc này.

- Liệu... liệu thầy có cho rằng chuyện này gặp rắc rối không?

- Những cuốn sách...Em biết rằng đó là lĩnh vực
nhạy cảm.

- Vâng, nhưng...

 

- Tôi phải trao đổi với các đồng nghiệp trong Ủy ban. Để rồi xem. Tôi không hứa gì trước với em.

 

Như dự kiến, những kẻ hẹp hòi nghiến răng kèn kẹt. Cũng như Fernand, họ không thể hiểu được. Em biết rằng như thế là không tốt lắm cho hình ảnh của mình, và việc này có thể gây hậu quả cho tương lai. Nhưng em bị mắc kẹt, dù thế nào em cũng phải thử vận may.

Cuối cùng, những kẻ hẹp hòi đã nhượng bộ. Mặc dù không tán thành, Fernand đã biện hộ cho lý do của em - Thực ra, chưa bao giờ thầy thực sự biết từ chối em. Chính thầy là người đến báo tin cho em:

- Trung tâm được hưởng một số chỉ tiêu việc làm tại tất cả các cơ quan lớn của nhà nước. Nhờ vậy, chúng tôi có thể sắp xếp công việc cho các học sinh nội trú... dễ tổn thương.

- Ý thầy là những kẻ ngu ngốc và không thích ứng được ở những chỗ khác phải không?

- E hèm...

Em phá lên cười, nhưng việc này có vẻ không làm thầy vui. Thầy thản nhiên tiếp tục:

- Ủy ban đã đồng ý cho em nhận một trong số những công việc tại Thư viện Lớn. Người ta đề xuất em làm ở vị trí kỹ thuật viên số hóa tài liệu giấy. Một công việc đơn độc. Không chút thú vị gì. Không chút sáng kiến nào. Tôi hình dung là em hài lòng.

- Thầy không thể biết được em hài lòng đến thế
nào đâu!

- Càng tốt, - thầy đáp lại với giọng khô khốc.

- Thầy Fernand, em xin thầy đấy, đừng trách em! Em xin đảm bảo với thầy rằng công việc này là điều tốt nhất có thể đến với em.

- Nếu em muốn thế. Dù sao em cũng cứ biết rằng tôi đã đề nghị Ủy ban thông qua điều khoản đặc biệt liên quan đến em: trong khoảng thời hạn ba năm, nếu em quyết định rằng công việc này không phù hợp với em vì bất kỳ lý do gì thì Trung tâm vẫn bố trí cho em tiếp tục đi học, và tài trợ toàn bộ chi phí. Như thế đấy. Tôi muốn em biết điều đó, trong trường hợp em muốn.

Thầy Fernand yêu quý. Một điều khoản đặc biệt. Một kiểu dự phòng vì thầy vẫn còn cho rằng đó là một điều quá ngốc nghếch. Em dành hồi lâu chiêm ngưỡng thân hình cao lớn của thầy, hơi còng, khuôn mặt ưu tư, đôi bàn tay nắm lại. Em chưa từng cảm thấy thầy cao lớn đến vậy.

- Thầy thật ngoan cố!

- Gần bằng em.

- Cảm ơn thầy Fernand.

Thầy giơ tay lên như để nói không có gì, rồi rời khỏi phòng.

 

Những tháng cuối cùng ở Trung tâm rất kỳ lạ. Đã hàng năm trời em sống hoàn toàn theo nếp cũ, với một thời gian biểu chính xác đến từng phút. Thế mà đột nhiên, mọi thứ vỡ tung thành từng mảnh, đi theo mọi hướng, cả tệ nhất lẫn tốt nhất. Hẳn đó là ấn tượng đầu về cuộc sống của em sau khi rời Trung tâm.

Đầu tiên là ngày em chọn họ tên. Việc này dường như có vẻ kỳ cục đối với anh, nhưng từ trước tới nay, mọi người chỉ gọi em là “Lila”. Chỉ Lila không thôi; em không có họ nữa. Họ của em đã mất ở đâu đó, giữa chuyện bắt giữ mẹ và cánh cửa Trung tâm. Cho đến giờ, việc này không gây vấn đề gì, nhưng bây giờ là lúc em gia nhập xã hội dân sự, em cần phải có căn cước đầy đủ. Một họ của gia đình. Mỉa mai thật.

- Em hình dung là trước đây em có họ chứ, - em nhận xét với Fernand. - Việc đơn giản nhất là trả lại họ cho em, thầy không thấy thế sao?

Thầy trở nên nhợt nhạt, đôi môi mím lại:

- Việc này không thể được, Lila. Các nhà chức trách chưa từng nói với chúng tôi mẹ em tên là gì... ý tôi là... mẹ đẻ của em. Vả lại, theo những gì được biết, bà ấy không còn là mẹ em theo góc độ pháp lý. Mối quan hệ ruột rà đã bị cắt đứt và... chuyện là như vậy, tôi chẳng làm gì được.

- Em biết, thầy Fernand, em biết: thầy chẳng làm gì được, và thầy rất lấy làm tiếc.

Em thấy thầy co rúm lại:

- Nếu tôi có thể làm gì để giúp em thì tôi sẽ làm, hãy tin tôi. Nhưng hồ sơ này đã khép lại từ lâu rồi. Tôi không chịu trách nhiệm.

 

Nói chung, Fernand là người như vậy: mong muốn làm việc tốt, buồn tiếc chân thành, chẳng chịu trách nhiệm gì hết.

- Như vậy nếu em hiểu đúng thì người ta đã lấy mất họ của em và bây giờ phải tìm cho em một cái họ khác?

- Đúng vậy, dĩ nhiên chúng tôi có thể mặc nhiên cấp cho em một cái họ nào đó - đó là cách làm cũ. Nhưng mọi việc nay đã thay đổi. Từ nay, chúng tôi thấy nên để cho các học sinh nội trú tự chọn họ cho mình thì đúng hơn. Các chuyên gia rất kiên quyết: việc này cho phép các học sinh ý thức tốt hơn về căn cước của mình.

- Các chuyên gia sáng suốt lạ thường.

Thầy không nhận ra lời châm chọc.

- Thế nào, em có ý tưởng gì không?

- Em phải chọn kiểu họ nào?

- Kiểu mà em thích: một cái họ đã tồn tại, tên một địa điểm, tên một đồ vật... Em hoàn toàn được thoải mái lựa chọn, vậy thì, hãy tranh thủ tiến hành đi!

Em nhìn thầy, bối rối. Hoàn toàn thoải mái, đâu có đơn giản như vậy. Từ khi sống giữa những điều bắt buộc, em không biết rõ làm thế nào với sự tự do. Lúng túng, em mở một trang bất kỳ trong cuốn từ điển. Tất cả những từ này diễu qua mắt em: không thể đánh bại, ngu xuẩn, chồng chéo, hỗn độn(1) mà chẳng có liên kết nào, áp kế, du cư, thiếu sót, lòng khoan dung(2), xếp một cách phi lí. Để dẫn đến cái gì? Lila Breloque, Lila Bruse trung hồ cầm, Lila Barbiturique... Vô lý. Em đột nhiên đóng cuốn từ điển lại.

- Em không thể. Làm sao mà em có thể lựa chọn hic et nunc(1) như vậy?

Thầy ngước mắt lên trời - thầy không thích nghe em sử dụng tiếng La tinh. Nhưng việc ấy không khiến em dừng lại.

- Dù sao cũng không thể bộp chộp lựa chọn họ cho mình được. Chọn họ cho cả đời. Lẽ ra thầy nên cho em biết sớm hơn!

- Nào, đừng hốt hoảng lên thế! Chúng ta còn thời
gian mà.

Em lục trong túi áo tìm bao kính. Thầy ra hiệu ngăn em lại. Em rút cánh tay thầy vừa sượt qua.

- Đừng hốt hoảng, - thầy bình tĩnh nhắc lại. Cứ suy nghĩ trong vài ngày, nếu cần trong vài tuần. Đừng lo, rồi đâu sẽ vào đó. Ngay khi em tìm được thì báo cho tôi biết.

Em gật đầu, với vẻ ngẫm nghĩ, đôi mắt vẫn nhìn chằm chằm vào cuốn từ điển. Em bắt đầu vuốt ve bìa sách, một cách máy móc.

- Em thấy chưa, bị rách rồi kìa.

- Vâng, em biết rồi.

- Thôi, tôi đi đây.

Em không hiểu chuyện gì đột nhiên xảy ra với mình. Em hét lên:

- Chờ đã!

- Có chuyện gì thế?

- Em tìm ra rồi.

- Em nói sao?

- Em đã tìm ra rồi. Rốt cuộc, gần như vậy. Thầy lại ngồi xuống đi, Fernand. Em chỉ cần một giây thôi.

- Em còn bày đặt gì nữa thế?

- Thầy có biết Jules César nói gì khi vượt qua sông Rubicon không?

- Jules César thì liên quan gì đến chuyện này?

- Jules César nói: Alea jacta est. Việc đã được quyết định. Vậy là thưa thầy Fernand, em quyết định vượt qua sông Rubicon của mình: em sẽ mở hú họa cuốn từ điển, và sẽ chọn từ đầu tiên trang bên phải làm họ. Thế là giải quyết xong việc, chúng ta sẽ không nói lại chuyện này nữa!

Thầy nhìn em, sững sờ.

- Có chuyện gì xảy ra vậy Lila? Em vừa mới nói rằng không thể bộp chộp lựa chọn mà!

- Vâng, nhưng vì tầm quan trọng của vấn đề, em đã quyết định thay đổi ý kiến và lựa chọn cách ngẫu nhiên.

- Em bị điên thật rồi!

- Đừng nói thế, thưa thầy Fernand. Việc sử dụng phép ngẫu nhiên có thể là một cách hợp lý để thực hiện một lựa chọn còn hồ nghi. Điều đó đã được chứng minh.

Không bận tâm lâu hơn đến vẻ mặt rụng rời của thầy, em nhắm mắt lại, hít một hơi thật sâu, rồi vừa mở cuốn từ điển vừa hét lên: Alea jacta est!

 

Sau đó, em nín thở vài giây, mắt nhắm, tim đập thình thịch - em thấy mình hết sức ngạc nhiên về sự táo bạo của bản thân. Em nghe thấy Fernand lắp bắp nói:

- Không thể như thế được! Không thể như thế được!

Em đợi thêm một lát rồi mở mắt ra.

- Không thể như thế được! - Fernand không ngừng nhắc đi nhắc lại.

Cuối cùng, em đã có quyết định. Và em đã thấy. Cuốn từ điển mở ra chữ K. Chữ K. màu đỏ trải rộng cả nửa trang giấy. K. Thế là minh bạch, rõ ràng, dứt khoát. Rồi em tuyên bố với nụ cười nở rộng trên môi:

- Thế là em đã có lựa chọn: họ và tên của em sẽ là Lila K.

Fernand có vẻ ngơ ngác trông thật nực cười.

- Không thể như thế được! - Fernand nhắc lại một
lần nữa.

- Được chứ, thầy Fernand! Cuốn từ điển có 3.729 trang. Lúc trước em đã tuyên bố rằng sự lựa chọn của em sẽ nằm ở trang bên phải. Như vậy cơ hội là 1/1865.

Thầy vẫn khăng khăng lắc đầu - rõ ràng là thầy khó quen với những quy luật thống kê và nguyên tắc thực tế.

- Cơ hội là 1/1865, - em nhấn mạnh. Việc này đâu có thể tranh cãi được.

- ...

- Thầy có nghe thấy em nói gì không, thầy Fernand? Họ và tên của em sẽ là Lila K. K, như trong các từ mũ kêpi, chim kiwi, xuồng kayak...

- Như Kauffmann.

- Đó là sự tình cờ, thầy thấy rõ đó thôi.

- Ủy ban sẽ cho việc này là một sự tưởng nhớ.

- Mặc xác họ! - Em ầm ấm như sấm vang, bắt chước giọng của ông Kauffmann - đó là một sự tưởng nhớ.

- Không tài nào chịu nổi em nữa, - thầy thở dài.

- Lila K. Em sẽ mang họ tên như thế hoặc không gì hết.

- Được rồi, tôi sẽ chuyển. Và tôi sẽ làm chứng rằng không hề có chủ định gì.

- Cảm ơn thầy Fernand. Lúc nào em cũng biết rằng bản chất thầy rất tốt.

 

Sau khi thầy đi, em ngồi đối diện với cuốn từ điển, chiêm ngưỡng chữ màu đỏ tươi. Lila K. Lila K. Lila K vang lên trong em như một điều hiển nhiên vui sướng. Em áp má xuống trang sách. Trang sách mềm mại và ấm áp như một làn da. Lila K, em nói to và rõ ràng. Thế rồi em nhắm mắt lại. Và khi đó, em nghe thấy âm vang tiếng cười giòn giã như đến từ
rất xa.

 

Ngược lại với những gì Fernand e sợ, những kẻ hẹp hòi trong Ủy ban ghi họ tên em chọn không chút phản ứng.

- Một lần nữa, tôi đã biện hộ cho lý do của em, và họ đã chấp nhận, vì hữu hảo với tôi. Tuy nhiên chắc chắn họ vẫn nghĩ như thế đấy!

Em nhún vai.

- Em còn biết phải làm gì một khi họ đã đồng ý rồi.

- Dù sao cũng phải cẩn thận.

- Có thầy làm đồng minh nên em có cảm giác rằng mình được bảo vệ rất tốt!

- Chúng ta không bao giờ được bảo vệ tốt đâu, Lila.

 

Họ triệu tập em vào đầu tháng Tám để trao hồ sơ. Quy định là thế: mỗi học sinh nội trú đều nhận hồ sơ của mình khi rời Trung tâm. Nhưng em không ngờ việc này diễn ra sớm như vậy - đến tận tháng Mười em mới rời Trung tâm.

- Đôi khi xảy ra như vậy, - thầy Fernand giải thích.

Em thấy thầy ngơ ngác; em không muốn hỏi thầy tại sao.

Thầy dẫn em đến một phòng lớn em chưa vào bao giờ. Ở đó chỉ có hai ghế bành và một chiếc bàn trên đó đặt grammabook.

- Chúng ta có đợi ai không?

- Không, sẽ chỉ có chúng ta thôi.

- Thế còn đằng sau kia, họ có bao nhiêu người? - Em vừa nói vừa chỉ những tấm gương lớn không mạ thiếc phủ
kín tường.

- E hèm... Chỉ có camêra thôi.

Em làm vẻ mặt tin thầy. Dù sao nếu họ có ba, một trăm hay một nghìn người thì đối với em cũng thế mà thôi. Tất cả những gì quan trọng đối với em, đó là em sẽ biết tất cả những thông tin liên quan đến quá khứ của mình. Em không trông chờ điều kỳ diệu. Theo những gì ông Kauffmann tiết lộ nhiều năm trước, em ngờ là sẽ chẳng có gì về mẹ. Mặc dù vậy, em vẫn hy vọng rằng những thông tin này sẽ giúp tìm lại một phần ký ức lãng quên. Những kỷ niệm. Những chỉ dẫn có thể định hướng em trong việc tìm kiếm.

- Hồ sơ của em ở đằng kia, Fernand vừa thì thầm vừa chỉ cho em một tập đặt ngay cạnh grammabook. Nhưng trước hết, tôi phải báo trước với em: đây có thể là khoảnh khắc khó khăn đối với em.

Em hơi co rúm người lại, nhưng giữ được bình tĩnh.

- Đối với em, chẳng có gì dễ dàng cả, thầy biết rõ mà.

Em đưa tay với tập hồ sơ.

- Em chắc chắn muốn xem chứ?

Em không chịu trả lời.

 

Các trang bắt đầu lướt qua trước mắt. Hơn hai nghìn: báo cáo của Ủy ban, nhận xét của giáo viên và hướng dẫn viên, bản tổng kết sức khỏe... Tất cả những năm em sống tại Trung tâm được thuật lại hết sức chi tiết. Đây không phải là những gì khiến em quan tâm ngay tức thì. Em muốn ngược lên trước nữa, từ thời ấu thơ. Nhưng kiếm tìm vô ích, em chẳng thấy gì. Không có mẩu tư liệu nào về thời kỳ đó.

- Thầy Fernand, có gì đó em không hiểu: ở đây chỉ có một phần hồ sơ. Phần còn lại ở đâu?

- Phần còn lại... ừ, phần còn lại... nằm ở chỗ khác.

- Em có thể xem được không?

- Có... nếu em muốn... Tôi sẽ tìm cho.

Thầy làm vài động tác điều khiển grammabook để mở khóa hồ sơ. Và tất cả hiện lên.

 

Các dấu gạch chéo. Đó là điều đầu tiên đập vào mắt em. Có những dấu gạch chéo ở khắp nơi. Ở tất cả những nơi mà tên của mẹ có thể hiện ra.

- Chuyện... chuyện là như vậy, - Fernand giải thích, khi mối quan hệ huyết thống bị cắt đứt thì người ta xóa khỏi hồ sơ họ của người sinh thành. Đó là quy định pháp luật.

Em đã biết điều này rồi. Ông Kauffmann đã nói với em. Em đã được chuẩn bị. Em đáp:

- Dĩ nhiên, luật là thế.

Em dịch grammabook một chút để hướng màn hình thẳng về phía em hơn, rồi em lại tiếp tục đọc.

Trên trang đầu có giấy khai sinh của em: 19 tháng Mười năm 89. Không có thông tin về cha. Họ của mẹ bị thay thế bằng một loạt dấu gạch chéo. Rồi đến nơi sinh: Trung tâm y tế Gigny, quận 5 phía ngoài bức tường.

- Vùng Tối!

Vùng Tối. Em không muốn tin rằng mình sinh ra ở đó, trên mảnh đất tối tăm và tàn tạ mà các bản tin thời sự quốc gia không ngừng nhắc lại rằng đó là nơi đầy bạo lực, suy tàn và ti tiện. Em chuyển sang những trang sau ngay lập tức. Đó là một loạt những bản báo cáo y tế khi em khám tại Trung tâm bảo vệ bà mẹ và trẻ em quận 5, rồi quận 13. Lại là Vùng Tối. Vùng Tối, luôn luôn như một mảnh đất xa lạ, nhớp nhúa và hoang tàn. Tôi run sợ.

- Thầy Fernand, thầy có chắc đây là hồ sơ của em không?

Thầy gật đầu với vẻ ngao ngán.

- Không còn nghi ngờ gì nữa.

Tài liệu cuối cùng ghi ngày 26 tháng Tư năm 92. Bác sĩ viết: Em bé tuyệt vời. Nói sõi. Hồ sơ kết thúc tại đây.

- Đây là tất cả hồ sơ phải không? Sau đó không còn gì nữa phải không ạ?

- Còn chứ. - Fernand trả lời. - Còn báo cáo tiếp nhận
em nữa.

- Nó ở đâu? Ở trong này ư?

- Em thực sự muốn xem sao?

- Thầy khi dễ em đấy à?

Trán thầy đột nhiên đẫm mồ hôi.

- OK, Lila, OK. Tôi sẽ mở khóa hồ sơ.

Thư mục hiện trên màn hình mang ghi chú: Tiếp nhận Lila, 16 tháng Mười một năm 2095.

- Em không hiểu, thưa thầy Fernand: tháng Tư năm 92 - tháng Mười một năm 95, là khoảng trống ba năm rưỡi kể từ khi tiếp nhận em so với tài liệu cuối cùng trong hồ sơ. Điều này có nghĩa là gì?

- Đôi khi chuyện này xảy ra. Hiếm thôi nhưng chuyện có thể xảy ra.

- Ý thầy là một phần hồ sơ đã bị mất ư?

- Không... ý tôi là có một giai đoạn chính quyền mất dấu của em.

Đó chính là lý do mà tiếng chuông báo động vang lên, lạnh lùng và inh ỏi. Em run rẩy, mắt dán vào màn hình.

- Lila, em không bắt buộc phải xem đâu.

 

- Thầy biết là có mà, - em vừa nói vừa nhấn chuột vào thư mục.

 

Mọi người trong Trung tâm đều cẩn thận. Báo cáo được xây dựng chu đáo. Không một chi tiết nào bị bỏ qua: bị mất nước, suy dinh dưỡng, ghẻ, chấy rận, giun kim, vết thương bị nhiễm trùng ở háng, viêm kết mạc, vết bỏng cũ ở hai tay, với vết sẹo khiến nhiều ngón tay bị dính, chỗ gãy cũ ở ngón tay và xương đòn được củng cố, teo cơ, không chịu được ánh sáng, và rất nhiều từ xa lạ khác nhưng dù sao em vẫn đoán được ý nghĩa vì đó là những từ gốc Hy Lạp.

C 8000 òn có cả những bức ảnh nữa. Hàng chục bức. Khi nhìn những bức ảnh lướt qua mắt, em không ngừng tự nhủ rằng đó không phải là mình, đó không phải là mình. Đó không thể là em. Tuy nhiên, em vẫn nhớ những cái chớp đèn đã khiến em gào lên. Em nhớ đến đôi kính người ta cho em để bảo vệ đôi mắt. Em nhớ rằng đó là em. Rằng đó là cuộc đời của em.

Khi xem hết các bức ảnh, em đưa tay về phía bàn phím để quay lại từ đầu. Và em bắt đầu lại. Fernand nhìn em làm, không nói gì. Xem xong, em lại muốn xem lại lần nữa.

- Thôi nào, - Fernand nói, đồng thời đặt tay lên bàn
tay em.

Đây là lần đầu tiên thầy dám chạm vào em. Em cho là thầy đã vô thức. Hoặc là thầy không cố tình làm việc đó, tự nhủ rằng đó là cách duy nhất khiến em dừng lại. Em lục trong túi, tìm đôi kính râm.

- Không, Lila, nên tránh thì hơn.

Em nhìn thầy không hiểu, và em thấy thầy hướng cái nhìn ngại ngần về phía những chiếc gương không mạ thiếc. Dĩ nhiên rồi. Tất cả họ đang ở đó, phía đằng kia, dò xét khuôn mặt em, cùng với những chiếc camêra chiếu trên màn ảnh rộng. Họ không muốn thiếu một chi tiết nào. Đôi kính râm hẳn sẽ phá hỏng cảnh tượng, làm sai dữ liệu. Nhưng họ chờ đợi điều gì? Khủng hoảng thần kinh, nước mắt, cuồng loạn ư? Trong khoảnh khắc, em toan tính làm thế này: cho họ những gì họ muốn. Đứng lên, liệng grammabook đi, ném xuống nền đá hoa, rồi quẳng ghế vào kính. Khạc nỗi đau của mình vào mặt họ, tống nó đi như tống thứ nước nhớt bẩn thỉu. Tự giải tỏa. Lũ bất nhân. Em suýt làm thế.

Nhưng em thông minh - hơn mức bình thường, như anh biết đấy - và sáng suốt. Em hoàn toàn hiểu rằng nếu phó mặc thì em có thể cấp cho họ lý do để giữ em lại Trung tâm. Em dễ dàng hình dung những từ họ sẽ ghi vào trong bản báo cáo: Chấn thương tinh thần sau khi đọc hồ sơ. Khuynh hướng trầm cảm. Tâm lý bấp bênh. Em bắt đầu hiểu biệt ngữ của họ, bắt đầu hiểu các việc diễn ra như thế nào. Không có chuyện để họ lùi ngày rời Trung tâm của mình. Vậy là em tự kiềm chế.

Em bắt tréo tay lên bụng, nhắm mắt lại, nghiến chặt răng, và nín thở, cài chốt cơ thể đến ba vòng. Đặc biệt không để lộ ra điều gì. Chôn chặt mọi thứ trong lòng. Họ sẽ chẳng thấy gì ở em ngoài khuôn mặt lặng thinh, sắt lại vì kiên định. Thậm chí không sợ hãi. Thậm chí không đau đớn. Sự cố hẳn sẽ không xảy ra.

Trong khi đang tập trung, em nghe thấy Fernand nói bằng giọng rất nhẹ nhàng:

- Nếu em muốn, tôi sẽ đề nghị nữ y tá đến tiêm cho em. Cô ấy ở ngay bên cạnh. Chúng tôi đã báo trước cho cô ấy trong trường hợp...

Em lắc đầu.

- Em biết đấy, làm thế có thể giúp em vượt qua lúc khó khăn này.

Em lắc đầu lần nữa. Thầy không cố nài.

Em mất một lúc lâu đấu tranh giáp lá cà với nỗi khiếp sợ ấy. Em phải chấp nhận, đối diện với nỗi khiếp sợ. Đương đầu với nó. Nó phải hiểu rằng em là chủ. Nó không thể vượt lên trên. Khi em mở mắt, Fernand hỏi:

- Em có chịu được không?

- Được ạ.

Em ngây dại nhìn bức ảnh hiện trên màn hình, ảnh cuối cùng, ở đầu gối, em cho là vậy, hay ở khuỷu tay, em không nhớ nữa, có vết bầm máu. Những vết bầm máu ở khắp nơi.

- Fernand, tại sao thầy đã chẳng nói gì hết với em?

- Đã nhiều lần chúng tôi đã định nói với em, Lila, nhưng... em đã quên tất cả rồi. QUÊN TẤT CẢ. Thế là, rốt cuộc, chúng tôi cho rằng không nên mạo hiểm để em đối đầu sớm với tất cả những điều đó.

- Thế bây giờ, em làm gì?

- Bây giờ, em tiếp tục, cứ như chuyện đó chưa từng
xảy ra.

 

Em vẫn nhìn chằm chằm vào màn hình, da trắng nổi vân. Cơ thể em. Tất cả đều tồn tại lúc này. Em thấy cơ thể ngay trước mắt.

- Em không nhớ gì hết, Lila. Không gì hết. Tất cả những bức ảnh và những tài liệu mà em thấy hôm nay, chỉ như một cơn ác mộng hẳn sẽ bị xóa đi. Đó không phải là cuộc đời của em nữa. Đó không phải là em nữa. Điều tốt nhất sẽ đến với em. Tất cả những gì phải làm lúc này là phải sống. Liên quan đến Vùng Tối, em đừng lo. Có những thủ tục. Điều này sẽ không được ghi ở đâu đó trong hồ sơ của em. Cũng không được ghi ngay cả trên thẻ căn cước của em. Không ai sẽ biết được. Vì vậy, nếu em cố gắng quên đi thì tất cả những chuyện đó cứ như chưa từng có.

Em nhìn thầy, vẻ nhớn nhác. Em thấy khó hiểu.

- Tôi... chúng ta biết rằng việc này đâu có dễ. Nhưng em cần biết rằng ở đây có rất nhiều người sẵn sàng giúp đỡ em. Trung tâm quen với kiểu tình huống như thế này. Nếu em cần hỗ trợ, chúng tôi đã dự liệu tất cả.

- Có thể nói rằng các thầy dự liệu tất cả.

- Chúng tôi ở đây là vì thế.

- Em nghĩ là sẽ ổn thôi.

- Tôi hy vọng... Tôi tin chắc như vậy. Em rất mạnh mẽ, Lila. Vô cùng quyết tâm.

- Fernand, em muốn nói với thầy, về mẹ em... Không phải mẹ em là người đã gây ra tất cả những chuyện đó với em. Em chắc chắn như vậy. Nếu là mẹ thì hẳn em sẽ nhớ đến chuyện ấy, phải vậy không?

 

Em trải qua đêm ấy dưới tấm ga trải giường. Đã lâu rồi em không quay lại ngủ như vậy, nhưng sau những chuyện vừa xảy ra, em cảm thấy như thế là cần thiết. Em không ngủ:
em cần suy nghĩ - người ta không thể làm mọi chuyện cùng một lúc.

- Hôm nay họ trao hồ sơ cho cháu.

- Bác biết rồi, cháu gái ạ.

- Thật khó khăn, bác biết đấy. Cháu không hình dung ra, đối với Vùng Tối, những bức ảnh...

- Bác cũng đoán vậy, cô bé.

- Cháu không biết liệu mình có chịu đựng nổi không.

- Dĩ nhiên là có chứ, cháu sẽ làm được!

- Giá như ít ra hồ sơ ấy cung cấp cho cháu hướng tìm mẹ. Nhưng cháu chẳng có gì. Không có gì hết.

- Bác không tin như vậy.

- Ý bác là gì?

- Hãy suy nghĩ đi.

- Bác làm ơn giúp cháu đi!

Nhưng ông đã ra đi.

 

Em không chịu bó tay. Em tiếp tục tìm kiếm. Nhiều lần em đọc lại phần đầu hồ sơ: giấy khai sinh, và tất cả các bản báo cáo khám sức khỏe. Em bé tuyệt vời, nói lưu loát. Những từ ấy làm em ấm lòng. Dù sao cũng có những lời ấy giữa sự ghê sợ của những bức ảnh. Em xem đi xem lại để cố gắng làm quen. Rốt cuộc, chúng trở thành như những bức tranh trừu tượng, những mảnh cơ thể người chết. Những mảnh trắng, nâu, hồng. Hẳn đó là những gì tốt hơn có thể xảy ra với em, khi em nghĩ đến. Rằng câu chuyện nhớp nhúa bị chôn vùi trong thời gian dài trở thành một tác phẩm nghệ thuật.

 

Ông Kauffmann có lý: hồ sơ không trống rỗng như ban đầu em tưởng. Bây giờ em biết được mình sẽ tiến hành như thế nào.

 

Có một phòng đơn trống vào cuối tháng Chín, trong tòa nhà Fernand đang ở. Thầy đã can thiệp ngay lập tức để em được cấp căn hộ đó. Thầy phấn khởi: Tầng 57 và là tầng trên cùng. Tầm nhìn tuyệt đẹp. Và nếu em cần đến tôi, tôi sẽ không lúc nào ở xa. Tôi hy vọng là em rất hài lòng! Em trả lời rằng có, dĩ nhiên rồi, nhưng thực ra, em không chắc chắn như vậy.

 

Chủ nhật sau đó, Fernand đưa em đi xem căn hộ. Bà gác cổng chờ em và thầy - chính bà là người dẫn đi xem. Bà còn xấu ghê gớm hơn cả trong ký ức em. Khi thấy bà đến, mang theo cơ thể dị dạng, em không thể ngăn mình rỉ tai Fernand:

- Làm thế nào người ta có thể sinh ra những con người như vậy?

- Nói nhỏ thôi! - Thầy thầm thì. - Tai bà ấy rất thính. Và làm ơn đừng quá chú ý nhìn bà ấy!

Em đeo kính râm ngay lập tức.

- Thầy đừng lo. Em biết tự làm chủ.

Nhìn gần bà ấy còn tệ hơn. Trong lúc chiếc thang máy đưa cả ba người lên tầng áp mái, em ép sát vào thành trong cùng để tránh chạm vào chiếc mông kếch xù của bà. Bên trong thang máy có tiếng tùm tũm. Em suýt oẹ.

 

Căn hộ không rộng nhưng được thiết kế rất khéo: một căn phòng có cửa kính trông ra ban công chiếu sáng, một khoang bếp nhỏ, một phòng tắm nhỏ, phòng vệ sinh.

- Nhà vệ sinh vừa được trang bị thiết bị mới hiện hành để phân tích nước tiểu, - bà gác cổng giải thích. Cô thấy đấy, tất cả được niêm yết ở đây, trên bảng: ECBU, beta-hCG, và thử các loại ma túy - rượu, nicotin, metadon, cocain... Sau đó kết quả được chuyển thẳng đến bác sĩ theo dõi.

Dường như bà cảm thấy vui thích về thiết bị thông minh này, cứ như thể chính bà là người sáng chế nó. Thế rồi, bà
nói thêm:

- Máy camêra được thay mẫu mới nhất, hiệu năng hơn rất nhiều. Cô sẽ còn được bảo vệ tốt hơn nữa.

Em nghĩ là bị theo dõi chặt hơn thì có, nhưng đây không phải lúc bướng bỉnh. Sau đó bà gác cổng chỉ cho em cách chỉnh chuông báo động, hệ thống sưởi, điều chỉnh ánh sáng, kéo rèm mành. Em vừa chú ý lắng nghe vừa nhìn ngón tay bà chạy trên bàn phím gắn trong tường.

- Để mở tủ, phải ấn vào đây.

Tấm panô bắt đầu trượt trên rãnh, để lộ chiếc tủ rộng mênh mông, giống với cái em đã chiêm ngưỡng trước đây trong phòng ngủ em bé ở nhà Lucienne và Fernand.

- Thật tuyệt đẹp!

Bà nhướn mày.

- Chà, cái này gây ấn tượng cho cô rồi. Hẳn là cô thích chiếc tủ này phải không?

- Vâng... vâng. Tôi thích thứ nào vào đúng chỗ của
thứ ấy.

Bà gật đầu.

- Thế là tốt. Tôi không chịu được những người bừa bãi. Nào, bây giờ chuyển sang phần phối cảnh. Cô được quyền chọn giữa “rừng rậm”, “hồ ven biển”, “thung lũng nhỏ” và “ngàn hoa”. Phần còn lại phải có sự lựa chọn.

Vừa nói, bà vừa uể oải gõ bàn phím, chiếu lên tường những hình ảnh với màu sắc đậm, mở ra những phối cảnh bao la: những đụn cát vô tận, những đống cỏ cao đung đưa trước gió, biển màu lam ngọc ở phía xa xa dựa vào chân trời màu xanh lục. Tất cả những màu sắc ấy, những ánh sáng ấy. Mặc dù đeo kính râm, em vẫn không thể chịu đựng được.

- Thế nào, cô lựa chọn gì?

- Tôi nghĩ mình sẽ giữ bức tường màu trắng.

Bà rướn người lên.

- Cô không muốn gì trên tường sao?!

Fernand khạc khạc trong cổ họng.

- Lila, chúng ta không thể để bức tường màu trắng được. Trong những căn hộ nhỏ, người ta chọn cách phối cảnh để làm không gian rộng hơn.

Em bình tĩnh lại ngay lập tức, nhận ra mình đã phạm một điều vụng về.

- Vâng... vâng, dĩ nhiên, để không gian rộng hơn. Hiển nhiên rồi.

- Màu trắng thật u buồn.

- Vâng, vâng, thật u buồn, - em ngoan ngoãn nhắc lại.

Giờ đây bà gác cổng nhìn em với vẻ ngờ vực. Chính lúc đó em nhận thấy lòng mắt bà màu ghi, đồng tử thẳng đứng giãn ra. Em nghĩ là có rắn ở trong đó, và em đã có thể kiềm chế không rùng mình.

- Thế nào, cô đã chọn cái gì rồi? - Bà hỏi với giọng trở nên băng giá.

- Thực ra tôi chưa thể quyết định. Tôi có thể suy nghĩ trong vài ngày không?

- Tôi ấy à, tôi hỏi thế là để giúp cô, giúp cô chỉnh trang. Nhưng tóm lại, cô có thể tự xoay xở một mình!

- Vâng, tôi sẽ làm việc này một mình.

Bà mím môi với vẻ khinh bỉ. Không còn cách nào khác, em nói thêm:

- Xin cảm ơn bà vì sự kiên nhẫn và lòng tốt của bà.

Một công thức sẵn có mà Fernand đã dạy. Nhưng việc đó không đủ làm bà vui tươi lên.

Thăm nhà xong, em và Fernand qua nhà thầy. Em không muốn lắm nhưng thầy cố nài. Kể từ khi em chưa gặp lại Pacha... Căn hộ tỏa mùi ảm đạm. Sau tất cả những năm tháng ấy, Fernand không hề thay đổi trang trí. Tất cả vẫn còn đượm sự vắng bóng của Lucienne.

Pacha ngủ trên chiếc tràng kỉ màu trắng, cuộn trong chiếc chăn.

- Không có cái này thì nó chết rét, - Fernand thì thầm.

Cổ họng em se lại.

- Em không nghĩ đến mức như vậy...

- Đã ba năm trôi qua. Nó hầu như không ăn uống gì nữa. Nó còn sống đã là điều kỳ diệu.

- Thực sự không thể làm gì được nữa để giúp nó ư?

- Các cơ quan về thú y nói rằng chẳng còn làm gì được nhiều. Họ khuyên tôi rút ngắn thời gian đau khổ của nó.

- Ý thầy là... chết không đau ư?

Thầy gật đầu.

- Các cơ sở thú y tư làm việc này rất tốt, cũng cẩn thận như các bệnh viện. Họ đảm bảo với tôi rằng Pacha sẽ ra đi mà không hề biết. Họ đã gửi mẫu khai cho tôi hàng tháng nay rồi. Tôi chỉ còn mỗi việc khai hồ sơ thôi.

Em lặng ngắm cái đầu hói nhỏ với đôi mắt nhắm hơi lộ ra ngoài cái chăn.

- Thế thầy sẽ làm gì?

- Tôi còn đợi thêm một thời gian nữa - ý tôi là để cho nó thêm chút thời gian. Đây là một quyết định khó khăn. Đó là con mèo của Lucienne, em hiểu không?

Dĩ nhiên em hiểu. Hết sức từ từ, em cúi xuống Pacha, đưa tay lại chiếc mõm lạnh giá của nó. Nó mở mắt ra ngay lập tức. Vẫn là ánh mắt màu xanh lục ngày xưa, vẫn ánh nhìn long lanh gây rung động.

- Pacha...

Nó ngẩng đầu lên. Cả người nó căng ra.

- Pacha, chị đây. Em có nhớ không, Pacha?

Nó kêu một tiếng meo yếu ớt và khàn khàn.

- Đừng động đậy, bé con.

Nhưng nó muốn nhúc nhích. Nó đứng lên hết sức khó nhọc, còn chiếc khăn tuột xuống để lộ thân hình trơ xương của nó.

- Ôi, Pacha!

Nó lê đến chỗ em, đến tận đầu chiếc tràng kỉ. Nỗ lực làm cho các tĩnh mạch ở cổ nó nổi lên.

- Em mèo xinh xắn của chị...

Em mở rộng vòng tay.

- Lại đây, Pacha.

Nó lại kêu meo meo nữa, mõm vểnh lên, mũi rung rinh. Nó run rẩy, quá yếu nên không nhảy được. Em ngồi xổm, rồi cẩn thận bế nó. Nó nhẹ bẫng. Em ấp cánh tay lại.

- Em mèo xinh xắn của chị, em mèo xinh xắn của chị.

Em đặt tay lên sườn nó, và cảm thấy dưới lòng bàn tay cuộc sống nó phập phồng cùng với trái tim vẫn đang đập một cách ngoan cố.

- Nào, nào, sẽ ổn thôi.

Nó nép đầu vào chỗ gấp ở khuỷu tay em, rồi nhắm
mắt lại.

- Thật không thể tin được, - Fernand nói. - Tôi chưa bao giờ bế được nó thành công như vậy, kể từ khi... rốt cuộc... em biết đấy. Nó không để cho ai chạm vào nó.

- Thầy không biết cách, chỉ thế thôi, - em vừa nói vừa siết chặt Pacha vào bụng hơn nữa.

Fernand mỉm cười buồn bã.

- Hẳn thế... Em có muốn uống gì không?

- Không. Em chỉ muốn ở bên nó như thế này một lúc.

Đến giờ ra về, em để lại Pacha xuống chiếc tràng kỉ, nó không bị tỉnh giấc. Em kéo chăn đắp lên người nó, trong lòng cảm thấy kỳ lạ như đang chuẩn bị giường đệm cho một đứa trẻ kiệt sức.

- Hãy đến thăm nó thường xuyên, - Fernand thì thầm.

Em nói:

- Nếu thầy muốn.

Thầy mỉm cười, sau đó thầy đi vào phòng để lấy áo khoác cho cả hai. Em tranh thủ lấy trộm một hộp trong
tủ bếp.

 

Ý tưởng đến với em vào đúng tối hôm đó, trong khi em chén bữa tiệc một mình - bữa đầu tiên kể từ ba năm nay. Chỉ còn phải tìm dịp để nói với Fernand.

 

Vài ngày sau, em và thầy quay lại căn hộ, để xem sắp xếp các đồ gỗ mà em sẽ đặt mua như thế nào. Ngay khi thăm nhà xong, Fernand hỏi:

- Lila, em có muốn quay lại nhà để vĩnh biệt Pacha không?

- Ý thầy là...

Thầy gật đầu:

- Tôi đã quyết định rồi. Tôi đã khai hồ sơ rồi.

- Thầy có chắc chắn không?

- Hoàn toàn! Để nó đau khổ thì không nên chút nào.

- Fernand, có thể có một giải pháp khác.

Thầy nắm chặt tay, lắc đầu.

- Thầy Fernand, hãy nghe em nói! Em đề nghị thế này: hãy giao nó cho em.

Thầy nhìn em không hiểu.

- Thầy thấy em gắn bó với con vật này thế nào, và chính thầy cũng nói rằng Pacha cảm thấy khá hơn khi ở với em. Tại sao không thử?

Thầy không trả lời.

- Ở trong hoàn cảnh này, thầy Fernand, hãy giao nó cho em. Nếu như vậy không ổn, nếu tình hình không khá hơn, thì vẫn còn có thể... làm những gì đã định.

Thầy vẫn còn có vẻ do dự. Thế là em bồi thêm để đóng chiếc đinh sâu hơn:

- Thầy biết đấy, em cho rằng việc chăm sóc một con vật cũng tốt cho em. Em sẽ có một người bạn ở bên. Em sẽ rất cần như vậy khi ở một mình trong căn hộ ấy.

Thầy tiếp tục suy nghĩ một lúc, rồi rốt cuộc buông:

- Em có lý. Chúng ta hãy thử xem.

 

Ngày em rời Trung tâm được ấn định là 31 tháng Mười. Nhưng Fernand làm em hiểu rõ rằng việc rời Trung tâm không đồng nghĩa với sự tự do hoàn toàn. Trong vòng hai năm, em sẽ ở trong giai đoạn thử thách, luôn luôn bị theo dõi và đánh giá - việc mà Fernand gọi một cách trong trắng là giám sát. Trung tâm không buông các học sinh nội trú cũ của mình dễ dàng như vậy.

Em không vui với ý tưởng gánh trên vai việc đó trong suốt thời gian ấy. Việc này có nguy cơ cản trở các dự tính của mình. Nhưng một mặt khác, em cảm thấy mình vẫn còn cần đến họ. Cần sự giám sát của họ. Cần lời khuyên của Fernand. Ngay cả khi em thấy khó chịu vì phải chấp nhận điều đó.

 

Các tuần cuối cùng đầy ngập việc. Các bác sĩ Trung tâm bắt em phải kiểm tra toàn diện và cấy que tránh thai - dĩ nhiên em tránh nói với họ rằng cái que ấy ít có khả năng sử dụng vào việc gì.

Fernand giúp em đặt đồ gỗ, bát đĩa và đồ khăn vải trong nhà qua internet. Tất cả đều do Trung tâm đài thọ thông qua ngân sách trợ cấp khi ra ở riêng. Em cũng cần một chiếc tủ quần áo nữa. Em chẳng có chút ý tưởng xem cái gì là phù hợp. Fernand chọn cho em quần áo gam sẫm màu, kiểu dáng đơn giản và chật.

- Ăn mặc như vậy ở đâu cũng ổn, tránh bị người khác để ý hay tránh phạm phải điều gì đó vụng về.

Em gật đầu. Hòa lẫn vào đám đông, đi qua mà không ai để ý, như vậy rất phù hợp với em. Em chỉ còn một chi tiết cần giải quyết.

- Thầy Fernand, em muốn để mấy cây xanh ở ngoài ban công. Theo thầy có được không?

- Bây giờ em quan tâm đến cây cối à?

- Tại sao lại không? Cây xanh rất đẹp. Rất vui...

Thầy nhìn em với vẻ muốn nói: Em ấy à, cô bé ơi, tôi hiểu em quá rõ nên không thể không nhận ra rằng em bí mật chuẩn bị chuyện gì đó. Em mỉm cười ngây thơ. Dù thầy có đánh hơi thấy có sự che đậy thì cũng vô ích, em biết rằng thầy sẽ không bao giờ ngờ được những gì mình nghĩ trong đầu.

- Thế nào, thầy có đồng ý không?

Thầy nhìn em chòng chọc một lúc nữa, đoán xem trên khuôn mặt có chìa khóa của điều bí ẩn đó không. Thế rồi thầy bĩu môi cam chịu.

- Tóm lại, tại sao không. Cây xanh không thể gây ra điều tồi tệ được.

Thế rồi thầy tiến hành tìm kiếm “cây xanh, cửa hàng
cây cảnh”.

 

Khi ngày rời Trung tâm cuối cùng đã đến, em không cảm thấy vui như đã nghĩ. Không chút khuây khỏa. Không chút phấn khích. Thay vào đó, em thấy khó chịu trong lồng ngực - em cho rằng đó là nỗi buồn. Mười hai năm Trung tâm làm ngôi nhà, nhà tù và tổ kén tằm cho em. Thói quen tạo nên những sợi dây liên hệ mà người ta không dễ gì tháo gỡ.

Em lau chùi căn phòng, gấp ga trải giường, chăn, thu dọn những đồ đạc cuối cùng của mình. Sau đó em đi chào các giám thị và các giáo viên đã chịu trách nhiệm về em trong tất cả những năm tháng qua. Việc này mang nhiều tính hình thức, tạm biệtcảm ơn - có lẽ em chẳng lưu luyến ai, trừ ông Takano. Với ông là việc khác hẳn: mười hai năm xoa bóp hàng ngày khiến hai người thân nhau.

- Tạm biệt, ông Takano.

- Tạm biệt, bé còm.

Ông húng hắng ho, hai ba lần, rồi hỏi em:

- Cháu có cho phép ông nói lại điều này nữa không?

Em mỉm cười, gật đầu.

- Tạm biệt, bé còm. Chúc may mắn nhé

- Ông Takano, cháu phải thú nhận với ông điều này: rốt cuộc, ông hầu như không còn khiến cháu chán ngấy nữa.

- Ồ, bé còm! Với ông, không lời khen nào tuyệt vời hơn!

Em biết rằng ông chân thành.

 

Sau đó, em trèo lên mái nhà lần cuối. Trên đó gió thổi mạnh đến choáng đầu. Em không biết có phải gió đã quét đi nỗi buồn, hay chỉ do việc nhìn ra chân trời. Em mười tám tuổi, rốt cuộc em có thể rời Trung tâm, và em biết chính xác hướng bước chân về đâu. 124° Đông. Ex libris veritas. Ở giữa những đám mây đang trôi ở đằng xa kia, trên những tòa tháp của Thư viện, hiện rõ nụ cười của mẹ.

 

Chiếc xe con thoi đến đón em vào cuối buổi chiều và đưa em đến chân tòa nhà. Trong căn hộ, em thấy các đồ gỗ và các vật dụng được sắp xếp theo yêu cầu của mình, các chậu cây cảnh để ngoài ban công - hai thùng dài và cao trồng cây dương xỉ có lá cây xanh quanh năm, mà em đã chính thức lựa chọn để trang trí.

Không thiếu gì trong tủ nhà tắm, thậm chí có cả chiếc Sensor mới em nhận được của Bộ Y tế nhân dịp tròn mười tán tuổi. Chiếc tủ lạnh chứa đủ thức ăn cho hai ngày, quần áo mới được gấp cẩn thận trong tủ, và ngày hôm sau em có hẹn gặp lần đầu tiên với ông Copland, giám đốc bộ phận số hóa của Thư viện Quốc gia. Tất cả đều sẵn sàng cho cuộc sống mới của em.

 

Em dành thời gian còn lại trong ngày để sắp xếp đồ đạc mà mình mang theo: grammabook, cuốn từ điển, kính vạn hoa, bút, la bàn, gam giấy và lọ mực vẫn còn chưa mở. Và chiếc khăn tơ tằm của ông Kauffmann, mà em bí mật xếp trong chiếc tủ, dưới chồng áo may ô.

Khoảng 19 giờ, Fernand mang Pacha và tất cả những gì cần thiết cho em: chứng nhận nuôi mèo, lồng, sổ y tế. Thầy đưa thêm ba hộp patê.

- Tôi gửi em. Bây giờ tôi biết làm gì với những thứ này.

Em cầm lấy những chiếc hộp. Hai bàn tay run run.

- Em có chắc chắn rằng mình sẽ biết cách xoay xở không?

- Thầy đừng lo cho em.

Em ra vẻ ta đây. Thực ra em cảm thấy lo lắng, nhưng sẽ không thú nhận điều đó bằng mọi giá.

- Thế nhé, tôi đi đây.

Trong khoảnh khắc, em nghĩ cách tìm cớ để giữ thầy lại thêm một chút. Thế rồi em tươi tỉnh lại ngay. Em nghe thấy Pacha cựa quậy trong lồng. Em ôm chặt các hộp thức ăn vào lòng. Đã đến lúc rồi.

- Tạm biệt thầy Fernand.

- Tạm biệt Lila.

- Hãy chúc em gặp nhiều may mắn đi.

Thầy mỉm cười.

- Chúc em may mắn, Lila K.

Đến lượt em mỉm cười, thế rồi em đóng cửa như người ta giở sang trang khác.



1. Thơ mười hai âm tiết.

1. Virgile, nhà thơ La tinh (70 TCN - 19 TCN).

1. Con gái của nữ thần đất Gaïa.

1. Tiếng Pháp: est chia ngôi thứ ba của động từ Être có nghĩa là ở, đồng thời est của có nghĩa là hướng Đông.

1. Thư viện Quốc gia.

1. Các từ trong tiếng Pháp đều bắt đầu bằng chữ i.

2. Các từ bắt đầu bằng chữ m.

1. Ngay lập tức.

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86289


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận