Nước Cho Voi Chương 5

Chương 5
Chỉ là tôi có nhiều việc phải nhớ hơn những người khác.

Tôi đang khóc um sùm như một lão già ngớ  ngẩn, vậy đấy.                     

Tôi đoán mình đã ngủ thiếp đi. Tôi có thể thề rằng mới vài giây trước tôi còn ở tuổi hai mươi ba, vậy mà giờ tôi lại ở đây, trong cơ thể khô quắt, khốn khổ này.

Tôi sụt sịt và lau những giọt nước mắt ngu ngốc của mình, cố gắng bình tĩnh vì cô nàng đó đã trở lại, cái cô gái người đẫy đà mặc bộ đồ hồng ấy. Hoặc là cô ta đã làm thâu đêm, hoặc là tôi đã mất cảm giác về ngày đêm. Tôi ghét cái cảm giác không biết đâu là đúng.

Tôi cũng ước mình có thể nhớ ra tên cô ta, nhưng tôi không thể. Người ta cứ như vậy khi đến tuổi chín mươi. Hay chín mươi ba gì đó.

“Chào buổi sáng, ông Jankowski,” cô y tá vừa nói vừa bật đèn. Cô ta bước tới cửa sổ và chỉnh lại những tấm mành để ánh sáng mặt trời chiếu vào. “Đến giờ dậy rồi.”

“Để làm gì chứ?” tôi càu nhàu.

“Vì Chúa lòng lành thấy đã đến lúc ban phúc cho ông bằng một ngày mới,” cô ta nói, tới bên cạnh tôi. Cô ta nhấn một cái nút trên thành giường. Chiếc giường bắt đầu rì rì chạy. Ít giây sau tôi đã ngồi thẳng dậy. “Hơn nữa, mai ông sẽ đến rạp xiếc mà.”

Rạp xiếc! Vậy là tôi chưa để lỡ một ngày.

Cô ta ấn cái phễu dùng một lần lên nhiệt kế và chọc vào tai tôi. Sáng nào tôi cũng bị chọc ngoáy như thế này. Tôi giống như một miếng thịt được tìm thấy phía sau tủ lạnh, nếu không kiểm tra sẽ không thấy yên tâm.

Sau khi nhiệt kế kêu bíp, cô y tá búng cái phễu vào thùng rác và ghi chép gì đó lên biểu đồ của tôi. Rồi cô ta giật lấy cái máy đo huyết áp trên tường.

“Vậy, sáng nay ông muốn dùng bữa trong phòng ăn, hay muốn tôi mang thứ gì đó lên đây?” cô ta hỏi, quấn băng to quanh cánh tay tôi và bơm phồng nó lên.

“Tôi không muốn ăn sáng.”

“Thôi nào, ông Jankowski,” cô ta nói, gí một cái ống nghe vào trong khuỷu tay tôi và quan sát máy đo. “Ông phải giữ sức chứ.”

Tôi cố nhìn bảng tên của cô ta. “Để làm gì? Để thi chạy marathon à?”

“Để không bị bệnh mà bỏ lỡ mất chương trình xiếc,” cô ta nói. Sau khi vòng bít được xả hơi, cô ta tháo bộ dụng cụ ra khỏi cánh tay tôi và treo lại lên tường.

Có thế chứ! Tôi đã thấy được tên cô ta.

“Vậy tôi sẽ ăn ở đây, Rosemary,” tôi nói như vậy để chứng tỏ mình vẫn nhớ tên cô ta. Việc lúc nào cũng phải giữ cái vẻ minh mẫn thật khó khăn nhưng cũng rất quan trọng. Dù sao, tôi cũng chưa thực sự lẫn. Chỉ là tôi có nhiều việc phải nhớ hơn những người khác.

“Tôi tuyên bố là ông khỏe như một chú ngựa vậy,” cô ta nói, viết một dòng cuối cùng trước khi đóng biểu đồ của tôi lại. “Nếu ông không sút cân, tôi cam đoan ông có thể sống thêm mười năm nữa.”Truyen8.mobi

“Tuyệt vời,” tôi đáp.

KHI ROSEMARY TỚI đưa tôi đi dạo trong hành lang, tôi yêu cầu cô đưa tôi đến bên cửa sổ để có thể nhìn ngắm những thứ đang diễn ra trong công viên.

Thật là một ngày đẹp, mặt trời trải nắng xuống qua những đụn mây bông xốp. Vậy cũng tốt - tôi nhớ rất rõ công việc trên khu đất của rạp xiếc diễn ra như thế nào khi thời tiết xấu. Nhưng công việc bây giờ chẳng giống ngày trước nữa. Tôi băn khoăn không biết người ta thậm chí có còn bị gọi là lao động tự do nữa hay không. Và khu ăn nghỉ chắc hẳn đã được cải thiện - cứ nhìn những cái nhà lưu động kia xem. Vài chiếc trong số đó thậm chí còn gắn chảo vệ tinh di động.

Không lâu sau bữa trưa, tôi thấy cư dân đầu tiên của viện dưỡng lão được người thân đẩy xe lên phố. Mười phút sau thì một đoàn xe lăn thực sự xuất hiện. Ruthie kìa - ồ, lại cả Nellie Compton nữa, nhưng thế thì sao chứ? Não bà ta chỉ còn là một củ cải, bà ta sẽ chẳng nhớ nổi một điều gì cả. Và Doris - đó hẳn phải là Randall mà bà ta luôn nhắc đến. Và cả lão McGuinty khốn kiếp đó nữa. Ồ phải, một kẻ vênh váo, với gia đìn h vây quanh và chiếc chăn len kẻ ô trải trên đầu gối. Chắc chắn lão lại đang phun ra những câu chuyện về lũ voi.

Sau lều chính là một hàng ngựa Percheron lộng lẫy, con nào con nấy trắng muốt. Chúng là để dành cho màn nhảy ngựa chăng? Những con ngựa trong tiết mục nhảy ngựa luôn có màu trắng để bột côlôphan dính bàn chân diễn viên vào lưng chúng không bị lộ.

Cho dù đó có là một tiết mục ngựa trò thì cũng chẳng có lý do nào để nghĩ nó có thể sánh được với tiết mục của Marlena. Chẳng có gì và chẳng ai có thể sánh được với Marlena.

Tôi tìm một con voi, với nỗi khiếp sợ và sự thất vọng ngang nhau.

ĐOÀN XE LĂN TRỞ VỀ vào buổi chiều, ghế buộc bóng bay, đầu đội những cái mũ ngu ngốc. Vài người thậm chí còn ôm hàng túi kẹo bông trong lòng - hàng túi! Vì theo những gì họ biết, kẹo bông có thể để được một tuần. Vào thời của tôi kẹo bông luôn được làm rồi ăn ngay, được xoay tròn từ một cái thùng hình ống lên chiếc phễu giấy.

Lúc năm giờ, một y tá gầy nhẳng với khuôn mặt dài như mặt ngựa bước tới cuối hành lang. “Ông đã sẵn sàng dùng bữa tối chưa, ông Jankowski?” cô ta hỏi, đá bật cái phanh và quay tôi đi.

Hừ,” tôi rên rỉ, nổi quạu vì cô ta chẳng thèm đợi một câu trả lời.

Khi chúng tôi tới phòng ăn, cô ta đẩy tôi tới chiếc bàn thường lệ.

“Không, đợi đã!” tôi kêu lên. “Tối nay tôi không muốn ngồi đó.”

“Đừng lo, ông Jankowski,” cô ta nói. “Tôi chắc rằng ông McGuinty đã bỏ qua lỗi lầm của ông tối qua rồi.”

“Phải, ờ, nhưng tôi chưa bỏ qua cho hắn đâu. Tôi muốn ngồi ở đằng kia,” tôi nói, chỉ vào một bàn khác.

“Nhưng bàn đó đâu có ai ngồi,” cô ta nói.

“Chính xác đấy.”

“Ôi, ông Jankowski. Sao ông không để tôi...”

“Cứ đẩy tôi vào chỗ tôi yêu cầu đi, khỉ thật.”

Chiếc xe lăn khựng lại và từ sau nó tỏa ra một sự im lặng chết chóc. Sau vài giây chúng tôi lại bắt đầu di chuyển. Y tá đẩy xe đến chiếc bàn tôi đã chọn rồi bỏ đi. Khi quay lại để đặt một chiếc đĩa cộp xuống trước mặt tôi, môi cô ta mím chặt đầy nghiêm khắc.Truyen8.mobi

Khó khăn chính của việc ngồi một mình một bàn là không gì có thể làm người ta lãng đi việc nghe ngóng những cuộc chuyện trò của người khác. Không phải là tôi đang nghe lỏm; chỉ là tôi không thể không nghe. Hầu hết mọi người đều đang thảo luận về rạp xiếc, và điều đó cũng ổn thôi. Điều không ổn chính là Lão già Lố bịch McGuinty đang ngồi tại chiếc bàn quen thuộc của tôi, với những bà bạn của tôi, và tổ chức một buổi chầu như thể Vua Arthur vậy. Mà đâu chỉ có thế - có vẻ như lão đã kể với người làm trong gánh xiếc rằng lão thường mang nước cho lũ voi, và họ đã nâng cấp vé của lão lên ghế ngồi sát sân khấu! Không thể tin được! Giờ lão đang ngồi đó, không ngừng kể lể về việc mình đã được người ta đối đãi đặc biệt trong khi Hazel, Doris, và Norma nhìn lão đầy trìu mến.

Tôi không thể chịu đựng thêm được nữa. Tôi nhìn xuống đĩa. Một món hầm gì đó, rưới nước xốt màu nhạt với một mặt thạch Jell-O rỗ lỗ chỗ.

“Y tá!” tôi quát. “Y tá!”

Một trong số họ nhìn lên và bắt gặp ánh mắt tôi. Vì rõ ràng là tôi không có vẻ gì là sắp chết, cô ta thong thả bình tĩnh bước đến bên tôi.

“Tôi có thể làm gì cho ông, ông Jankowski?”

“Lấy cho tôi chút thức ăn thật được chứ?”

“Sao cơ ạ?”

“Thức ăn thật. Cô biết đấy, cái thứ mà những người ở ngoài kia vẫn ăn ấy.”

“Ôi, ông Jankowski...”

“Đừng có ‘Ôi, ông Jankowski’ với tôi, cô gái trẻ. Đây là đồ ăn cho trẻ sơ sinh, và lần cuối tự ngắm mình tôi đã không còn là một đứa bé năm tuổi nữa. Tôi chín mươi tuổi rồi. Hay là chín mươi ba gì đó.”

“Đây không phải là đồ ăn cho trẻ sơ sinh.”

“Có đấy. Chẳng có tí chất gì cả. Nhìn này...” tôi nói, kéo nĩa qua cái đống phủ nước xốt. Nó bở ra thành những mẩu hỗn độn, để mặc tôi cầm cái nĩa dính đầy nước xốt. “Cô gọi cái thứ đó là đồ ăn à? Tôi muốn thứ gì có thể cắn ngập răng cơ. Thứ gì có thể nhai được. Và chính xác thì đây là cái thứ gì?” tôi hỏi, chọc chọc tảng Jell-O màu đỏ. Nó lắc lư dữ dội, như một bộ ngực tôi đã từng được biết tới.

“Đó là món rau trộn.”

Rau trộn? Cô có nhìn thấy rau không? Tôi chẳng thấy tí rau nào cả.”

“Đó là hoa quả trộn,” cô ta đáp, giọng điềm tĩnh nhưng gượng gạo.

“Cô có thấy hoa quả không?”

“Có. Thực tế là tôi có thấy,” cô ta nói, chỉ vào một vết rỗ. “Kia. Ở kia nữa. Đó là một miếng chuối, còn kia là một quả nho. Sao ông không thử đi?”

“Sao không thử đi?”

Cô ta khoanh tay trước ngực. Bà giáo đã mất hết kiên nhẫn. “Đồ ăn này là dành cho những người sống ở đây. Nó được thiết kế đặc biệt bởi một chuyên gia dinh dưỡng lão khoa...”

“Tôi không muốn. Tôi muốn thức ăn thật cơ.”

Một sự im lặng chết chóc dâng lên trong phòng. Tôi nhìn quanh. Tất cả các cặp mắt đều đổ dồn về tôi. “Sao?” tôi nói to. “Đòi hỏi như thế quá đáng lắm à? Không ai ở đây nhớ những món ăn thật sự sao? Chắc chắn các người chẳng thể hạnh phúc trọn vẹn với cái thứ... cái thứ... bột sền sệt này?” Tôi đặt tay lên mép đĩa và đẩy một cái.

Chỉ là một cú đẩy nhẹ thôi.

Thật đấy.

Chiếc đĩa của tôi lao qua mặt bàn rồi rơi xoảng xuống sàn.

BÁC SĨ RASHID ĐƯỢC mời tới. Bà ta ngồi xuống cạnh giường và hỏi những câu mà t ôi phải cố trả lời thật lịch sự, nhưng tôi mệt mỏi vì bị đối xử như thể mình đã quá vô lý đến mức tôi e mình có thể cư xử như một gã gàn dở.

Nửa tiếng sau bà ta yêu cầu y tá cùng ra hành lang với mình. Tôi căng tai ra nghe, nhưng đôi tai già cỗi của tôi, dù to khủng khiếp, chẳng bắt được gì ngoài những mẩu nhỏ: “trầm cảm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng” và “biểu hiện muốn gây gổ, không phải là hiếm thấy ở những bệnh nhân lão khoa”.

“Bà biết là tôi không điếc mà!” tôi hét lên từ giường bệnh. “Chỉ già thôi!”

Bác sĩ Rashid nhòm tôi rồi cầm lấy khuỷu tay cô y tá. Họ bước đi trên hành lang và ra khỏi tầm nghe.

TỐI HÔM ĐÓ, MỘT viên thuốc mới xuất hiện trong cốc giấy của tôi. Đống thuốc đã nằm gọn trong lòng bàn tay trước khi tôi kịp nhìn thấy viên thuốc kia.

“Cái gì đây?” tôi nói, đẩy nó vòng quanh. Tôi lật nó lại và kiểm tra mặt sau.

“Cái gì cơ?” y tá hỏi.

“Cái này,” tôi đáp, chọc vào viên thuốc khó ưa. “Cái viên ở ngay đây này. Nó mới.”

“Nó được gọi là Elavil.”

“Để làm gì?”

“Nó sẽ giúp ông cảm thấy khỏe hơn.”

“Để làm gì?” tôi nhắc lại.

Cô ta không trả lời. Tôi nhìn lên. Mắt hai chúng tôi chạm nhau.

“Trầm cảm,” cuối cùng cô ta cũng nói.

“Tôi sẽ không uống đâu.”

“Ông Jankowski...”

“Tôi đâu có bị suy nhược.”

“Bác sĩ Rashid đã kê loại thuốc đó. Nó sẽ...”

“Các người muốn đánh bả tôi. Các người muốn biến tôi thành một con cừu chuyên ăn Jell-O. Tôi không uống đâu, tôi nói rồi đấy.”

“Ông Jankowski. Tôi còn mười hai bệnh nhân khác phải chăm nom. Giờ thì làm ơn uống thuốc đi.”

“Tôi cứ nghĩ chúng tôi là những cư dân chứ.”

Từng đường nét trên khuôn mặt nhợt nhạt của cô ta đanh lại.

“Tôi sẽ uống những viên còn lại, nhưng viên này thì không,” tôi nói, búng viên thuốc một cái. Nó bay trong không khí rồi rơi xuống sàn. Tôi dốc đống còn lại vào mồm. “Nước của tôi đâu?” tôi nói, phát ra những âm méo mó vì tôi đang cố giữ những viên thuốc ở giữa lưỡi.Truyen8.mobi

Cô ta đưa tôi một chiếc cốc nhựa, nhặt viên thuốc dưới sàn lên, rồi đi vào phòng tắm của tôi. Tôi nghe thấy tiếng dội nước. Rồi cô ta quay trở ra.

“Ông Jankowski. Tôi sẽ đi lấy một viên Elavil khác, và nếu ông vẫn không chịu uống, tôi sẽ gọi bác sĩ Rashid, bà ấy sẽ cho ông một liều tiêm để thay thế. Kiểu gì thì ông cũng phải uống Elavil đấy. Uống thế nào thì tùy ông.”

Khi cô ta đem viên thuốc tới, tôi đành nuốt nó. Mười lăm phút sau, tôi vẫn bị tiêm - không phải Elavil, là một thứ khác, nhưng chuyện đó v n có vẻ không công bằng vì tôi đã phải nốc cái viên thuốc quái quỷ kia rồi.

Trong vài phút, tôi đã biến thành một con cừu chuyên ăn Jell-O. Phải, một con cừu về mọi phương diện. Nhưng vì vẫn tự nhắc nhở về sự việc đã đem bất hạnh này đến với mình, tôi nhận ra rằng nếu có ai đó mang thạch Jell-O rỗ tới ngay lúc này và bảo tôi ăn, tôi cũng sẽ ăn.

Những kẻ đó đã làm gì tôi vậy?

Tôi níu kéo cơn giận bằng mọi phần con người nhỏ nhất còn sót lại trong cơ thể tàn tạ của mình, nhưng chẳng ích gì. Nó trôi đi, như một ngọn sóng trôi xa dần bờ biển. Tôi đang suy nghĩ về sự thật đáng buồn này thì chợt nhận ra bóng đen của cơn buồn ngủ đã lượn quanh đầu. Nó ở đó một lúc, chờ cơ hội thuận lợi và cứ mỗi vòng quay lại tới gần hơn. Tôi từ bỏ cơn thịnh nộ, lúc này đã trở thành một thứ quá hình thức, và ghi nhớ thật kỹ là phải tức giận trở lại vào sáng hôm sau. Rồi tôi buông trôi bản thân, vì thực sự chẳng có cách nào chống lại việc đó.

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/t25484-nuoc-cho-voi-chuong-5.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận