Ngọt Ngào Pha Mặn Chát Chương 11

Chương 11
Đứa con được một năm, bắt đầu bập bẹ biết nói và lẫm chẫm tập đi.

Mai Du cũng bắt đầu hết chế độ con mọn, phải đi xa. Cô cho con bỏ bú rồi đi công tác Nam Hà mấy ngày, trong lòng cứ như lửa đốt! Khi trở về, cô thấy thằng bé bị bệnh ỉa chảy, người ngót đi, xanh xao. Bao nhiêu chiếu chăn, tã lót vấy bẩn hết! Mai Du dọn, giặt giũ xong thì đã hai giờ sáng, Mai Du nói với chồng:

- Phải đưa con đi khám thôi anh!

- Để sáng mai, bây giờ khuya rồi.

- Khuya cũng phải đi. Nhỡ khi đến muộn, người ta còn mắng cho.

Hai vợ chồng đưa con vào bệnh viện Đống Đa. Chị bác sĩ mắng té tát: "Làm gì để con mất nước đến thế này mới cho đi bệnh viện?", rồi chị làm thủ tục cho thằng bé nhập viện ngay.

Mai Du vào phòng Y vụ, gọi nhờ điện tìm anh Kỳ.


Anh trai cô đến ngay, khi thằng cháu vừa được chỉ định "tiếp nước".

Chị y tá chọc xong mũi kim tiếp nước cho thằng bé rồi quay ra trò chuyện với anh Kỳ. Cả hai người cùng quen cô bác sĩ trực.

- Anh ơi! Làm sao thế này? - Mai Du hoảng hốt kêu lên khi thấy đứa con nằm bất động, người tọp dúm lại, tím tái và toàn thân run lên.

- Ôi! Nó bị sốc! - Bác sĩ Kỳ khẳng định, rồi anh khẩn khoản nài chị y tá ngừng tiếp nước cho cháu.

- Đ tôi tìm bác sĩ trực.

- Không biết chị Liên đang ở phòng nào? Muộn mất! Chị rút kim giúp cho, tôi xin...

Mai Du vội vã ôm con vào lòng, ủ ấm cho con, nước mắt đã giàn giụa. Chị Liên trở về, chỉ định tiếp một thứ nước khác. Chưa đầy nửa bình, thằng bé đã hồng trở lại dần như một bông hoa đang nở. Nó lại đã khóc và đủ sức giãy giụa cho cái kim trên trán bật ra ngoài.

Sự tỉnh táo và nhanh trí của người mẹ đã cứu được đứa con qua phút hiểm nghèo! Mai Du mừng ứa nước mắt.

Thằng bé khỏi bệnh nhưng chưa lại sức, ốm tong teo, lười nói và không biết đi nữa! Bố nó thì đi công tác xa. Mỗi bận đi làm về, cô em chồng đai giọng xót xa: "Khổ mẹ quá! Mẹ vất vả với thằng bé quá!". Rồi thì: "Khổ mẹ quá! Mẹ cứ phải hầu cả ngày!'.

Mặc dầu đã lo hết gạo nước, chợ búa cho cả nhà, trước khi đi làm, phải dậy sớm giặt giũ, chuẩn bị các thứ cho con, và mặc dầu đã cảm nhận rõ ràng sự hình thành dần dần của đứa con thứ hai, Mai Du vẫn thấy cần phải đưa con đi nhà trẻ. Cô bẻ dây thép, cắt ni-lông, mua ghế mây làm cho con một cái "kiệu" sau xe đạp. Trước kiệu có màn hoa che mặt, cậu cả ngồi như "công chúa", mưa nắng đi về chẳng sao. Cứ mờ đất thì mẹ con ra khỏi nhà, đến nhà trẻ cơ quan, trước ghi đông treo những túi to túi nhỏ đủ thứ áo quần, tã lót, cơm cháo và đồ chơi trẻ em. Chiều nào tan sở, bà bảo vệ cũng buộc ngang vào xe cho Mai Du một tải lá khô về làm cái thổi. Khi mẹ con Mai Du lắc lư về đến nhà thì hàng phố đã lên đèn từ lâu rồi.

Một sáng, Mai Du dựng xe vào tường nhà trẻ, đang bế con ra khỏi ghế mây thì cái bánh xe đạp đằng trước long ra. Cô hoảng hốt ôm chặt lấy con, thầm kêu lên trong lòng: "May quá con ơi!". Anh Trương Diễn vừa lúc đi ngang qua, thấy vậy, anh nựng yêu thằng bé: "May chưa cháu ơi! May mẹ mày chưa đánh ngã cháu của bác!". Rồi anh chạy đi mượn cờ-lê, mỏ lết chữa xe cho Mai Du. Vừa làm anh vừa ca cẩm: "Cái xe không có bàn tay đàn ông, thế đấy!". Cẩn thận siết lại tất cả các ốc lớn nhỏ, rồi như một người anh trai, anh Diễn nhìn Mai Du ái ngại:

- Mai Du ơi! Em ốm tong à. Anh hỏi thật em nhá: Em bị sẩy thai, rồi sinh nở, bây giờ lại có chửa nữa, chồng em đã cắt cho em mấy chục thang thuốc bắc rồi?

- Dạ có. Nhà em có cắt thuốc bắc cho em uống. Nhưng mà hiện nay nhà em đi công tác xa.

Mai Du trả lời lập lờ chống chế, lòng tự mủi lòng: "Chao ôi, đâu có một thang nào! Chồng mình nào có quan tâm những cái đó!".

- À vậy, hèn chi...!

Anh Diễn trao xe cho Mai Du, sẽ sàng dặn:

- Mấy cái ốc moay-ơ trước chờn "ren" hết rồi. Em tạm gửi xe đi, vào làm việc đã! Giờ nghỉ trưa, anh đưa ra hiệu chữa cho. Phải mua mấy cái ốc mới, không nhỡ té thằng bé, tội nghiệp.

Anh Diễn nói bằng một thứ giọng miền Nam nghe dìu dịu làm Mai Du thật sự cảm động. Mai Du nhớ lại lời căn dặn ân cần của anh ngày nào ở huyện H: "Phải vững vàng nghe Mai Du. Anh tin ở em!".

Người mẹ trẻ trao con cho bà bảo mẫu rồi lặng lẽ bước lên cầu thang, lòng xốn xang với một ý nghĩ ngại ngùng như con chiên bước vào phòng xưng tội: "Anh Diễn biết về mình nhiều quá...".

 

*

*       *

 

Mấy hôm nay, ở cơ quan mọi người cứ lo lắng bàn tán về tình trạng sức khỏe của Bác Hồ!

- Không biết Bác ốm thế nào?

- Không biết Bác có ăn uống được không?

- Bác bị ốm có nặng lắm không?

Bao nhiêu băn khoăn chẳng có ai giải đáp! Thôi thì hãy chú ý mà nghe đài!

Ngày mồng 3 tháng 9, Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin: Bác Hồ ốm nặng! Ai cũng lo lắng, bồn chồn, thầm cầu mong Bác chóng khỏe. Ai cũng hồi hộp theo dõi từng khắc, từng giờ, mong ngóng, chờ đợi trên đài sẽ báo những tin tốt lành hơn về tình hình sức khỏe của Bác. Nhưng, đau đớn thay, sáng mồng 4 tháng 9 năm 1969, đã thấy trên các công sở treo cờ rũ, kèm theo những dải băng tang và nghe trên đài thông báo: Bác Hồ đã qua đời! Mai Du đạp xe đi trong mưa, nước mắt giàn giụa!

Buổi tối về, Mai Du vội vàng chọn một chỗ trang trọng nhất để lập bàn thờ Bác Hồ. Cô kết một dải băng tang lên ảnh Bác, thắp hương rồi nắn nót kẻ một dòng khẩu hiệu bằng mực đỏ: "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ!".
Mai Du vừa làm vừa không cầm lòng được, nước mắt cứ ứa tràn ra!

Bà Thiệu bảo với mấy người hàng xóm: "Mẹ nó khóc Bác Hồ! Mẹ nó lập bàn thờ Bác Hồ!". Bà nói như chế diễu. Song, những người hàng xóm chẳng những chấp nhận cử chỉ đó của Mai Du, như một sự cảm thông mà còn bắt chước cô, cũng lập bàn thờ Bác Hồ.

Mai Du ngồi thâu đêm viết thư cho chồng, báo cái tin đau đớn này! Cô tỉ mỉ khâu một cái băng tang nửa đỏ nửa đen, đính vào bức thư gửi sang Hung-ga-ri cho Phú để tang Bác. Rồi cô ghi vào nhật ký một bài thơ viết vội:

"Sáng sớm mồng ba

Nghe đài thông báo

"Bác Hồ không khỏe"

Lòng con nao nao!

Mồng bốn bão dông

Đất trời nghiêng ngửa

Đau đớn tin loan

"Bác không còn nữa!".

Sửng sốt kinh hoàng

Tim se, máu ứ

Tai không muốn nghe

Mắt nhòa lệ ứa!

Nguồn: truyen8.mobi/t88914-ngot-ngao-pha-man-chat-chuong-11.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận