Ngọt Ngào Pha Mặn Chát Chương 12

Chương 12
Lộp bộp, lộp bộp!...

Nửa đêm, nghe tiếng lửa nổ, tiếp đến tiếng la thét: "Cháy! Cháy!". Mai Du tung cửa chạy ra. Lửa cháy ở dãy nhà trên! Dãy nhà bó nền cao đến gần một mét, có những cột lim to như cột đình, vừa được lợp lại mái lá mới, đang bắt lửa cháy phừng phừng! Cả xóm đổ xô ra. Những người đàn ông nhào đi chữa cháy. Lửa đã liếm gần hết cả mái nhà trên, sắp bắt xuống mái dãy dưới! Cũng như mọi người trong dãy nhà, Mai Du, cô Sinh và bà Thiệu vội vã chuyển mọi thứ ra ngoài sân. Mai Du lấy chiếu đậy lên đồ đạc rồi bồng con ra. Thằng bé chưa tỉnh ngủ cứ ú ớ hoảng hốt.

- Dỡ mái nhà anh Tiệp đi! Dỡ mái đi, kẻo lửa bắt


qua đấy!

Mọi người hô hoán ầm ĩ. Anh Tiệp hò mấy đứa con trai trèo lên dỡ mái nhà mình, rồi dỡ tiếp nữa, tiếp nữa, gần hết cả dãy. Vừa đến gian nhà của Mai Du thì có tiếng người hét to:

- Xe cứu hỏa vào rồi ! Đừng dỡ nữa!

Mai Du thở phào: thật là may. Xe cứu hỏa phun vòi rồng vào khu vực đang cháy, phun cả lên dãy nhà gần lửa. Nước xối xả như mưa rào. Đồ đạc, sân nhà ướt loét
choét hết!

Dập được lửa rồi, mọi người lại hối hả chuyển đồ vào nhà. Mai Du sắp đặt, kê dọn, lau chùi hùng hục cả đêm. Gần sáng, vừa đặt lưng xuống bên con đã thấy đau bụng dữ dội và mỏi ngang xương sống. Mai Du gọi hỏi một người hàng xóm thân thiết:

- Cô ơ i! Cháu... hình như sắp sinh?

- Ờ, ờ, có thể đấy! Hôm qua cháu vất vả quá. Có thể sinh sớm hơn đấy. Đi đi! Để cô đưa cháu đi!

Không dám làm thức giấc những người đàn ông vừa bận rộn qua cơn hỏa hoạn, người đàn bà đã đứng tuổi dắt xe đạp ra chở Mai Du đến bệnh viện. May thay, vừa kịp, Mai Du lại sinh con trai!

- Đặt tên cháu là gì? - Cô đỡ hỏi.

- Dạ, cháu là Lê Minh ạ. - Mai Du buột miệng đáp ngay, mặc dù chưa hề chuẩn bị trước. Có lẽ bởi mấy tháng nay trong lòng cô lúc nào cũng xót xa thương tiếc Bác Hồ.

Ngày hôm sau Mai Du ôm con về nhà. Thằng bé khát sữa cứ khóc ré lên. Bà nội nó phải lên tận Ô Chợ Dừa mua ít gạo ngon về nấu nước cháo. Mới sinh con được nửa tháng, Mai Du đã phải tự đạp xe đi khai sinh, nhập hộ khẩu, xin phiếu sữa cho con.

Thằng Quang từ ngày ốm dậy, "quên" biết đi, nay có em lại càng quanh quẩn trên giường, bám vào lưng mẹ. Những khi thấy mẹ cho em bú bình sữa thằng anh cũng dậm chân đòi ăn...

Hết hạn nghỉ đẻ, Mai Du năn nỉ mấy bà bảo mẫu ở nhà máy xe đạp Thống Nhất cho được gửi nhờ con. Mỗi buổi sáng cô bế từng đứa sang nhà trẻ, mang theo nào cháo, nào sữa, nào chăn gối áo quần và cả đồ chơi cho con, lỉnh kỉnh đến cả tiếng đồng hồ. Khi Phú đi công tác về thì thằng con thứ hai được 5 tháng. Phú muốn chia sẻ bớt nhọc nhằn của vợ, anh sang nhà trẻ đón con. Thằng cu Quang mếu máo nhất định không chịu theo Phú, khiến bà giữ trẻ cảnh giác:

- Anh thông cảm. Giá như anh đi với chị ấy một lần rồi, thì lần sau tha hồ...

Phú đành chờ vợ về. Khi hai vợ chồng vào nhà trẻ, thằng Quang chạy lại khoe với mẹ:

- Mẹ ơi! Ông này cho con kẹo!

Mọi người được một bữa cười.

 

Có một tin rất buồn đến với Mai Du: thư từ huyện H. gửi lên kể cho Mai Du biết bác Trần Kha đã mất! Mà lại mất trong một trường hợp thật quá đau đớn: Bác Kha tự tử! Mai Du quặn lòng xót xa! Cô đặt mọi giả định, tìm cách cắt nghĩa về cái chết vô lý của bác. Con người tốt như thế, con người đức độ như thế, con người nghiêm khắc, mẫu mực và giỏi giang, uy tín như thế, làm sao có thể tự tử? Mai Du không thể tin! Hay là có kẻ thù nào? Hay là bọn phản động đã hại bác rồi dựng lên hiện trường giả nọ? Cô muốn biết tất cả sự thật. Cô muốn có cơ hội để minh oan cho bác Trần Kha. Nhưng cơ hội ấy chưa tới được! Mai Du còn phải đi làm, vả lại Mai Du mới sinh! Cô viết hết thư này thư khác gửi về huyện H. cho các em con nhà bác Kha, cho các đồng chí đồng nghiệp, bạn bè của bác... Nhưng, nào có ai hồi âm! Chắc hẳn đây còn là một chuyện bí mật, chưa ai hiểu, chưa ai tường! Tất cả chìm trong im lặng! Mai Du càng thương xót, nhớ tiếc bác Trần Kha vô cùng!

Căn nhà lá của Mai Du bị ảnh hưởng của trận hỏa hoạn, mỗi ngày một dột nặng. Những khi mưa rào, Mai Du và bà Thiệu vội vã lấy xô, lấy chậu hứng phòng này, phòng kia! Nước mưa từ mái nhà dột chảy qua màn, rơi xuống đúng mặt thằng cu nhớn. Thằng Quang nửa tỉnh, nửa mê khóc ti tỉ gọi bố:

- Ba ơi! Em bé đái ướt cả mặt con rồi!

- À à! Ba xin lỗi! Ba xin lỗi! Nước mưa đấy. Không phải em bé đái đâu.

Mai Du đặt vào chỗ thằng Quang vừa nằm một cái bát tô hứng nước. Phú vừa dỗ vừa quay con ra đằng chân rồi anh lấy một tấm ni-lông trải lên trên đỉnh màn. Chiều hôm sau, Phú mua lại ở đâu được một cuộn giấy dầu, cả vợ chồng, anh em loay hoay dọi lại mái nhà. Nhưng dọi được đầu này thì đầu kia lại dột. Chỉ một trận bão, gần nửa mái nhà bay biến!

Cực với nhà quá rồi! Phú không chịu được.

Tài sản đáng giá duy nhất anh mang về sau một chuyến công tác dài ngày ở nước ngoài là cái xe máy "Dân chủ" xanh xanh hình con vịt. Anh quyết định bán đi để mua một căn nhà lắp ghép theo phương thức trả tiền dần, cho cả nhà đỡ phải lao đao.

Gia đình Mai Du lặng lẽ từ bỏ hai gian nhà ở Thái Hà Ấp để "chạy lấy người", về căn hộ mới, mà đứng ngoài nhìn vào người ta vẫn bảo: "như những cái chuồng chim". Đường đi làm càng xa. Vả lại lượng sức mình một nách hai con mọn, lại sắp sinh đứa thứ 3, không thể đi công tác các nơi được nữa, Mai Du xin đi dạy học. Được Sở Giáo dục Hà Nội ưu tiên cho lựa chọn, cô về một trường cấp 3 gần nhà nhất. Một tuần sau, Mai Du sinh con thứ ba, lại cũng đúng vào  lúc bố nó đang đi vắng!

Bấy giờ, chiến sự ở miền Bắc đã trở nên ác liệt. Nhà nước chủ trương sơ tán hết tất cả người già và trẻ em ra khỏi Thủ đô. Hà Nội lại sôi lên những dòng người ra đi. Phú không muốn gia đình chia ba sẻ bảy, vả lại còn phải tham gia trực chiến, anh chần chừ.

"Trẻ con nào có biết gì. Người lớn phải có trách nhiệm. Nếu để nhỡ ra chuyện gì sơ sẩy, có tội với các con! Vả lại, mình là Đảng viên, phải chấp hành chủ trương sơ tán của Thành ủy". Mai Du nói với chồng, rồi cô đưa các con cô sang Hưng Yên, ở tạm nhà cậu Bình.

Bốn mẹ con dắt díu nhau lên xích lô. Thằng cu út mới 20 ngày, đỏ hỏn ủ trong lòng mẹ. Chiếc xích lô ghé lại đầu một dãy phố nhỏ: Mai Du muốn được gặp chồng. Phú không thể đừng được, đạp xe theo, đưa mấy mẹ con ra Bến Nứa. Không đành lòng để mấy mẹ con với lỉnh kỉnh đồ đạc lên ô tô, Phú nhảy ào theo luôn. Ăn cơm trưa xong, anh vội nhảy xe quay trở về Hà Nội để làm việc.

Cậu Bình tập trung tất cả trẻ con trong nhà lại họp, dễ có đến mười đứa:

- Các cháu sơ tán về nhà ông có vui không?

- Có ạ.

- Các cháu có ngoan không?

- Có ạ.

- Đừng có chòng ghẹo nhau nhé.

- Vâng ạ.

- Phải ăn cơm cho nhiều để bố mẹ các cháu yên
tâm nhé.

- Vâng ạ.

Chợt, thằng cu Minh giơ tay:

- Cháu có ý kiến.

Ông Bình vui vẻ động viên:

- Ờ ờ! Cháu Minh phát biểu đi!

- Cháu có ý kiến: ăn cơm không được bỏ mứa.

- Hoan hô! Cháu Minh thêm ý kiến "ăn cơm không được bỏ mứa", các cháu có đồng ý không?

- Đồng ý ạ.

- Hoan hô!

Tất cả vỗ tay. Bọn trẻ cứ vui như tết.

Nhưng Mai Du thì lo lắng. Ở đây cách trở quá! Nhỡ cầu Long Biên bị đánh thì làm sao về Hà Nội? Không còn đường tiếp tế mất! Một tuần sau, Mai Du cám ơn ông bà Bình rồi quyết định đưa con lên Mía, thuộc tỉnh Hà Tây, tiện đường ô tô nhưng cách Hà Nội những hơn 50 cây số. Đó là nơi sơ tán của cơ quan ông ngoại - bố Mai Du. Về sau, ông cũng đưa cả gia đình lên thành thử mẹ con Mai Du may mắn có được cả một "hậu phương" lớn. Có lẽ đó là những ngày vui vẻ, thoải mái nhất và hiếm có trong chặng đời nuôi con mọn của Mai Du. Thỉnh thoảng Phú đạp xe lên thăm và tiếp tế cho vợ con. Một hôm, anh được chứng kiến cuộc tranh cãi của hai thằng con ngoài sân, khi thấy bà chủ nhà dắt trâu về:

- Anh Quang ơi! Con trâu cũng đi dép? - Cu Minh hỏi.

- Không phải, con trâu đi giày - Thằng anh nói.

- Con trâu đi dép chứ?

- Con trâu đi giày.

...

Cứ thế tranh cãi, không đứa nào chịu đứa nào. Thằng Minh nhanh trí muốn tìm một người trọng tài, tỉ tê hỏi bà chủ:

 

- Bà ơi! Cháu với anh Quang ai đúng hả bà? Con trâu đi dép hay là đi giày?

- Khi thì nó đi dép, khi thì nó đi giày. Cả hai cháu đều đúng.

Cả hai thằng cười đắc chí. Trong nhà, Phú cũng cười theo. Anh đang vui lây. Hình ảnh hồn nhiên thơ ngây đó của con trẻ khắc đậm trong lòng người cha đến cả cuộc đời. Phú vẫn thường đắc chí nhắc lại câu chuyện này và tấm tắc khen: "Bà chủ nhà thật khéo giải hòa hai đứa trẻ".

Căn nhà của ông bà Lục ở Mía được làm bằng gỗ lim theo kiểu kiến trúc cổ, nhưng khá rộng. Đằng trước là một cái sân gạch lớn được bó nền cao chung quanh. Trẻ con hàng xóm quý hai đứa trẻ sơ tán, sang chơi với các em, đuổi nhau chạy ầm ầm cả ngày giữa sân. Chẳng may thằng Quang bị ngã, trán dập vào thành sân, máu t úa ra như xối! Bà mẹ trẻ từ xa về ôm lấy con xót xa! Cô xin điếu thuốc lào đắp tạm vào vết thương rồi tính đưa con đi bệnh viện. Bà chủ nhà chợt nhớ ra, vội nhổ một nắm lông cu-li nhét cả vào cái lỗ thủng ở trán thằng cháu. Máu cầm ngay. May quá! Thằng Quang vừa tỉnh lại đã nói với mẹ: "Mẹ ơi! Mẹ đừng buồn! Chỉ mai là con khỏi thôi!". Nghe đứa con mới lên bốn tuổi nói một lời khôn ngoan, già dặn như vậy, Mai Du càng lo. Nước mắt cô lại giàn giụa.

Những ngày thư thái, vui vẻ của Mai Du đã hết rồi. Từ Hà Nội, Phú gửi cho Mai Du một bức thư. Anh bảo vợ: "Gửi dì Liên đưa thằng Minh về Hà Nội cho bà vui, không có thì bà đòi về quê!"

"Hà Nội bom rơi đạn lạc, nhà không có hầm hố. Nếu bà đi sơ tán ở Trạm Trôi với cơ quan anh thì em đồng ý cho ngay một đứa đi với bà". Mai Du trả lời chồng. Dì Mai Liên cầm cái thư của chị về, anh rể sừng sộ xé ngay trước mặt cô và bạn bè trong cơ quan. Phú bảo với em vợ: "Bà bảo bà có nhà cửa ở quê cho người ta ở. Bà không việc gì đi ở nhờ nhà người khác. Không cho thằng Minh về ở với bà, nếu bà về quê xảy ra chuyện gì, cô ấy phải chịu trách nhiệm!". Phú dằn dỗi bỏ đi, không tính đến chuyện gửi dì Liên lương thực, thực phẩm tiếp tế cho vợ con.

Nghe con gái kể lại chuyện, bà Trầm bực dọc quát:

- Thì cho thằng Minh về. Con nó trả cho nó! Tao bực lắm rồi đấy! Tao không chịu được nữa cái thái độ của hắn!

Mai Du vừa khóc vừa năn nỉ với mẹ đẻ:

- Mẹ ơi! Con anh ấy nhưng cũng là con của con. Con phải có trách nhiệm đưa chúng nó đi sơ tán, phải bảo vệ chúng nó. Vả lại, con phải thực hiện chủ trương...

Không nhất trí với cách giải quyết liều lĩnh của mẹ, lại cũng đã hết thời hạn nghỉ đẻ, Mai Du đưa các con về Yên Bệ - Sơn Đồng thuộc huyện Hoài Đức. Đó là địa điểm sơ tán mà trường cấp 3 của cô định lựa chọn.

Mai Du và một người nữa nhận việc đi tìm nhà sơ tán cho giáo viên. Căn nhà nào sạch sẽ, ngăn nắp, rộng rãi, cao ráo, Mai Du phân cho người khác ở hết. "Ai chịu được cảnh nhếch nhác của bốn mẹ con mình!". Nghĩ vậy, cô chỉ nhận phần cho mình ở một căn nhà lá tồi tàn, chật hẹp nhất. Đó là nhà của một bà già mù, độc thân. Nhà bà không có hầm. Mỗi khi máy bay đến, bà lần vào buồng, đóng cửa lại.

Mấy đứa con Mai Du lân la sang nhà hàng xóm, tít mắt xem họ làm hàng mã, thích mê đi, cả ngày không chịu về. Mỗi lần báo động, các anh chị con bà chủ bên đó lại mỗi người một đứa tha em xuống hầm. Mai Du bế thằng nhỏ chạy sang, bao giờ cũng đưa mắt điểm mặt các con, và ý tứ để cho tất cả mọi người xuống hầm trước, rồi cô bế con ghé ngồi ngoài miệng căn hầm chữ A, lưng chắn ngay cửa, cốt sao cho ba đứa con lọt được cả vào trong là yên tâm rồi.

Nhà bà già mù có một bể nước hứng dưới một cây cau. Quanh năm nước mưa chỉ lấp xấp vài mươi phân, với bao nhiêu lá rụng. Bà chỉ cần có vậy! Tắm táp thì bà sang ao hàng xóm. Mỗi bữa trưa, bà sờ soạng thổi một niêu cơm ăn cả ngày.

Mai Du dọn dẹp hết ngày này sang ngày khác, nào quét màng nhện trong nhà, nào quét lá rụng ngoài sân,
rồi thau bể, gánh nước, sắp đặt lại nhà cửa. Cô bảo với bà chủ nhà:

- Bà ơi! Bà có lon gạo mớ khoai nào cứ để đấy. Mỗi ngày cháu nhón một nắm, thổi cơm chung, bà cháu cùng ăn cho vui.

- Ờ ờ... nhưng cơ mà...

Bà già tỏ vẻ ái ngại. Mai Du lại thuyết phục:

- Khi bà đi đâu thì cháu ủ cơm phần bà. Bà khỏi phải ăn cơm nguội. Với lị, để bà mò mẫm, nấu thì nấu rạ, nói dại, nhỡ ra... cháu sợ lắm!

- Ờ ờ...

Bà già ưng thuận, và Mai Du yên tâm. Như một chủ nhà thật sự, mọi việc nước nôi, dọn dẹp trong nhà, cô lo liệu hết.

Thằng bé lên ba đang ăn đang chơi ngoan ngoãn, chạy ra chạy vào nhanh nhẹn, bỗng dưng lên cơn sốt mê man bất tỉnh, rồi miệng nôn trôn tháo! Mai Du lo lắng nghiền thuốc, pha nước bón cho con từng thìa. Nửa đêm, thấy con bị giật giật, cô hoảng hốt gọi với vào trong buồng:

- Bà ơi! Thằng cháu Minh cứ bị giật giật bà ạ.

- Ờ ờ... để bà ra.

Bà già mù quờ quạng lần vách buồng, đến bên giường mấy mẹ con Mai Du. Bà sờ sẫm tay thằng bé, rồi chậm rãi bật ra thành tiếng:

- Nó - bị - kinh - giật!

Như chợt tỉnh, bà gọi to:

- Thằng Quang đâu! Quang! Gọi thằng Quang dậy!

Mai Du hoảng hốt chưa hiểu gì, bà bảo:

- Bảo thằng Quang dậy đái cho em nó uống!

 

Mai Du một tay ôm thằng con đang bệnh nặng, một tay cố lay tỉnh thằng bé đang ngái ngủ. Người mẹ hứng được tí nước quý hóa của thằng anh, run rẩy đổ vào miệng thằng em từng thìa. Cơn kinh giật thưa dần, rồi mất hẳn. "May có bà bảo cho, thật là hiệu nghiệm". Mai Du nghĩ, và muốn nói một lời cảm ơn bà. Nhưng bà già mù lại đã chống gậy quờ quạng đi ra ngoài sân. Đứng giữa sân, đưa hết hơi sức già nua yếu ớt, bà gọi:

- Ới bà con làng nước ơi! Nhà ai có đàn ông thì sang đưa con cô giáo đi bệnh viện!

Từ nhà đằng trước, một người đàn ông xô cửa chạy sang, vừa mặc áo vừa nói:

- Để tôi chạy trước, gọi cho họ tỉnh, không nhỡ họ ngái ngủ thì... thì...

Người đàn ông chạy đi. Mai Du vội quơ cái áo mưa bọc kín người con, ôm chạy theo:

- Bác ơi! Chờ cháu với! Bác ơi! Xin bác đi chầm chậm! Chá u không biết đường!

Người đàn ông bấy giờ mới như chợt hiểu, ông đi chậm lại đợi Mai Du đuổi kịp. Ba người rẽ ngang rẽ dọc trong lối xóm, băng qua con đường cái rồi lội tắt
xuống cánh đồng. Ước chừng vài ba cây số thì đến bệnh viện Sơn Đồng.

 

Chật chội quá, nhiều bệnh nhân quá, Mai Du bế con ngồi ghé vào giường một bà mẹ đang cho đứa con trai ăn cháo đỗ xanh. Bà mẹ nông dân nhanh nhảu hỏi Mai Du:

- Có cho cháu ăn không?

- Dạ, cảm ơn bác. Con cháu đang mệt lắm, nó không ăn được ạ.

Cô y tá vào tiêm cho con Mai Du một mũi trợ sức theo chỉ định của bác sĩ. Thằng bé đang mệt lịm đi, không
biết đau!

Bà nông dân bế đứa con vừa ăn xong sang phòng bên "tiếp nước". Đoạn, Mai Du nghe bà khẩn khoản:

- Em lạy các cô, các cô mở trói cho cháu. Thằng bé sợ quá nó tím tái đi!

- Mở thế nào được! Bà muốn con bà chết à? - Một y
tá quát.

- Dạ, xin cô, cháu nó đỡ sợ, em lại xin nhờ các cô...

- Nói dễ nghe nhỉ! Chọc được mũi tiếp nước đâu phải là... là...

Mai Du nhớ đến trường hợp của con khi trước,
cô ghé vào cửa phòng bên, dè dặt nói với một người bận
áo trắng:

- Chị ơi! Hay là... cháu đó bị "sốc"!

- Bà thì biết cái gì? Bà có im đi không?

- Ngày trước con tôi cũng...

Mai Du đang định nói tiếp để thuyết phục người thầy thuốc thì cánh cửa đóng sập lại, đẩy cô ra ngoài.

Người mẹ bế con trở lại giường, Mai Du đứng lên nhường giường. Thằng bé mới ăn mới cười thế, mà bây giờ tím ngắt, gần như nằm bất động! Buổi chiều, một người đàn ông đến đón vợ và ôm cái xác con về, lòng uất nghẹn!

 

Nguồn: truyen8.mobi/t88926-ngot-ngao-pha-man-chat-chuong-12.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận