Ngọt Ngào Pha Mặn Chát Chương 13

Chương 13
Bà Thiệu thấy Mai Du không chịu đưa thằng Minh về thì giận dỗi bỏ về quê.

Phú cũng giận vợ, không đoái hoài gì chuyện tiếp tế cho vợ con. Bà Trầm biết vậy, ái ngại thuyết phục Mai Liên:

- Liên ạ! Con tìm đến Yên Bệ, xem chị con xoay xở thế nào? Con giúp chị, chăm sóc các cháu một thời gian. Mấy mẹ con nó khổ quá thôi...

Mai Liên biết trách nhiệm của mình với gia đình rất nặng nề: hai chị Mai Hoa, Mai Ninh đi sơ tán theo trường cả rồi, việc tiếp tế cho ba, mẹ và em út là ở trong tay cô lo liệu cả. Cô nói cho mẹ yên tâm:

- Dạ. Con ở với chị, học thi tốt nghiệp phổ thông luôn cho tiện. Vài tuần một lần, con sẽ tranh thủ về Hà Nội mua các thứ, tiếp tế cho cả các cháu và ba, mẹ, được không ạ?

 

- Ừ! Cứ đi đi! Ở đây dẫu sao cũng còn có cơ quan. Con đừng lo.

Phú nhận được thư bà Thiệu báo đã về quê an toàn mới nguôi ngoai, bớt lo. Anh nhớ đến trách nhiệm của mình, chạy mua gạo mì, thực phẩm đi tiếp tế cho vợ con, và không quên mua chút quà biếu bà cụ chủ nhà. Bà già giương đôi mắt đục lờ như muốn nhìn tận mặt người đàn ông đối diện. Vừa thương vừa giận, bà chửi một câu cho hả:

- Mẹ cha cái thằng bố mày! Mày đi đâu mất mặt, mãi đến rày mới lên với mẹ con nó?

Rồi bà rủ rỉ kể cho Phú nghe nỗi cơ cực của M ai Du: "Bữa đó, thằng nhỡ bị kinh giật...". Phú cúi mặt ngượng ngùng.

Phú đi đi lại lại, thăm mẹ con được mấy lần. Một hôm, anh ngồi tỉ tê với vợ:

- Tình hình yên ổn rồi. Người ta về cả, mẹ con em thì cứ ở lì mãi sơ tán?

- Anh muốn về thì về.

Mai Du định liều đưa con về Hà Nội, chiều ý chồng một lần.

Mấy cha con, mẹ con, dì cháu, sáu người hai xe đạp, dắt díu nhau về. Mười giờ đêm, chưa đến nhà, đã nghe còi báo động rú lên và tiếng cao xạ phòng không nổ đì đùng!

 

Được nửa đêm yên ắng. Sáng dậy ra đi làm, Phú động viên vợ con:

- Mấy mẹ con, dì cháu cứ yên tâm ở nhà nhé, không sao đâu!

Nhưng khoảng 9 giờ sáng lại báo động.

Tiếng máy bay rít rất gần! Chị em, mẹ con Mai Du kéo nhau vào ngồi trong buồng tắm, đậy tấm cửa bằng ni-lông lại! Chỉ cốt "không nhìn thấy máy bay" thôi mà!

Đoàng! Đoàng! Đoàng!

Tiếng bom nổ. Tiếng cao xạ rền rát tai!

"Dù đỏ! Dù đỏ!".

Đâu đây có tiếng reo cười. Thì liền đó, nhiều chiếc máy bay quần rú! Nhiều tiếng đùng đoàng nhức óc hơn. Căn nhà lắp ghép và buồng tắm mấy mẹ con dì cháu ngồi rung lên bần bật. Các cửa kính rơi loảng xoảng.

"Bom gần quá! Lạy trời! Cho các con bình yên!".

Mai Du bất giác bật lên tiếng cầu khấn! Hai chị em giấu ba đứa trẻ vào lòng, đưa lưng ra che chắn cho con cháu...

Báo yên rồi, Mai Du mới dám ló đầu ra khỏi cửa nhìn.

Chao ôi! Bom bỏ bên khu K, chỉ cách nhà mình có một con đường! Những người công nhân xây dựng đang làm nhà bên ấy. Chính là họ vừa kêu: "Dù đỏ! Dù đỏ!". Bao nhiêu xe xích lô chở người bị thương ra! Và cả những chiếc quan tài đỏ đang được đưa vào!

Nghe tin bom bỏ Trương Định, Phú vội lao xe đạp về. Thấy lối vào lắp ghép bị chặn, anh vô cùng hoảng hốt. Không biết mẹ con dì cháu có làm sao không? Anh cố vượt qua những hàng rào chắn, bươn ào về nhà. Nhìn thấy vợ con yên lành, Phú vừa mừng vừa ân hận. Chưa kịp thổi cơm trưa, anh đã vội giục: "Đi thôi! Phải đi ngay thôi!".

Cả đoàn lại dắt díu nhau đi.

Vừa vào đến nơi sơ tán, Phú đã lại nghe bà chủ nhà mắng té tát: "Thằng bố mày! Làm khổ vợ con thế đã sướng chưa? May mà chúng nó không làm sao! Từ rày thì anh không lôi chúng nó về nữa chứ?". Rồi bà rờ rẫm sờ tay, sờ chân từng đứa trẻ, như để kiểm diện lại mấy thằng cháu.

Các cơ quan Trung ương và Hà Nội đổ ra Hoài Đức nhiều quá! Trường Mai Du không thể tìm nổi nhà dân để sơ tán những bảy, tám trăm học trò, thành thử đành phải kéo nhau đi mãi về phía tây, xa Hà Nội những hơn 40 cây số. Thầy trò dừng lại trên miền đất huyện Thanh Oai, sơ tán thành ba khu vực. Phân hiệu của Mai Du nằm ven trục đường giao thông quan trọng của thời chiến. Từng đoàn xe quân sự nối đuôi nhau chở đạn dược và lương thực vào chiến trường thường đi trên con đường này. Khi đã tìm đủ chỗ cho các giáo viên và học trò khu vực mình, bố trí bếp ăn tập thể và cắt đặt xong công việc cho mấy cô mẫu giáo đi theo trường, Mai Du về lại khu sơ tán cũ đón các con vào. Trời mưa lất phất. Mai Du cắm cúi đạp xe, bỗng nghe tiếng ô tô ngược chiều phanh đột ngột: Từ trên chiếc xe "din" cao to, một anh bộ đội mà cả quần áo và nước da nâu sạm nhuốm bụi đường trường đang dang hai tay hồ hởi tươi cười đi đến trước mặt cô. Mai Du ngỡ ngàng. Anh bộ đội reo lên:

- Cô!Cô giáo có nhận ra em không?

- Có chứ! Em là học sinh huyện H.?

- Cô có nhớ tên em không? Cô thử gọi tên em đi!

- Phan Trừng! Em là Phan Trừng?

- Vâng, em, Phan Trừng, đứa học trò đã từng gây nhiều rắc rối cho cô!

Phan Trừng hạ giọng nói mấy tiếng sau như đang nhớ về dĩ vãng, rồi anh lại nói rất nhanh và rất vui:

- Cô nhận ra tên em, em rất vui, em rất sung sướng. Cô vẫn như xưa. Chỉ có trông cô vất vả dầu dãi hơn! Bây giờ cô ở đâu?

- Cô dạy học ở Hà Nội, sơ tán trong Thanh Oai, đã có ba con rồi. Em đi bộ đội hồi nào? Đã có gia đình chưa?

- Tốt nghiệp phổ thông xong là em lên đường. Vợ em ở thành phố Nam Định. Bây giờ em đi B. Em là lính lái xe, đưa quân dụng vào chiến trường. Thôi, chào cô nhé. Em đi cô nhé. Chúc cô ở lại mạnh khỏe, bình yên. Được gặp cô, em rất mừng!

Người chiến sĩ lái xe nói nhanh rồi vội nhảy lên ca-bin. Tay đã cầm vô-lăng rồi, anh còn ngoái đầu ra nói với cô giáo thêm câu nữa:

- À, cô ơi! Cô còn nhớ thằng Hy không? Thằng Hy làm báo ấy. Nó cũng đi B rồi. Nghe đâu nó là nhà văn


quân đội!

- Có, có! Hy, cô có nhớ! Phan Trừng đi mạnh khỏe nhé. Gặp các bạn em, cho cô gửi lời thăm nhé.

Chiếc xe tải cao ngất nghểu rồ máy chạy đi. Mai Du nhìn theo xe mãi. Cuộc gặp gỡ tình cờ gợi cô nhớ lại những kỷ niệm ở huyện H. trong buổi đầu làm cô giáo. Chân đạp nhẹ và lòng như lâng lâng, Mai Du thấy con đường không đến nỗi xa nữa.

 

*

*       *

 

Ông chủ nhà và người con trai cao lớn, khỏe mạnh đang công tác ở Hà Nội.

- Chỉ có bà ngoại và mấy mẹ con đàn bà con gái
ở nhà.

Bà chủ nhà thấp nhỏ mà nhanh nhẹn, đón Mai Du rất xởi lởi. Vừa vui vẻ trò chuyện, bà vừa xếp dọn những cái giá khoai tây đang nẩy mầm ra ngoài thềm nhà:

- Những thứ này để làm giống. Mấy hôm nữa trồng hết thì nhà cũng gọn.

Rồi bà cùng các con khiêng đặt thế vào chỗ đó một bộ ván. Bà bảo:

- Có bộ ván trên hầm càng chắc. Mẹ con cô ngủ đây, máy bay xuống cho nhanh! Đất chật, tôi đào hầm trong nhà, bố con nó về cứ phản đối. Nhưng cơ mà... cô thấy... có tiện không?

- Dạ, tiện lắm ạ. Cháu cảm ơn bác, cháu cảm ơn bà ạ.

 

*

*      *

 

Thầy trò Mai Du bảo nhau dựng lán làm lớp học và đắp nổi những cái hầm chữ A quanh mỗi lớp để tránh bom bi sát thương. Bà con trong xóm, trong xã hết lòng hỗ trợ nhà trường, chặt quẳng giữa sân Hợp tác bao nhiêu là tre và gánh tới hàng mấy đụn rạ. Họ còn giúp các em học sinh vớt bùn ao nhào với rạ đắp thành tường thật to, thật dày cho lớp học chìm thấp hẳn xuống. Bên trên những bức tường đất chắc chắn đó là những vách tre thưa để cho ánh sáng lọt vào trong.

Những khi Mai Liên đi học và Mai Du có giờ dạy, mấy đứa con gái bà chủ lại thay nhau chăm bẵm các con của cô giáo. Chị Hà, chị Lan cho thằng út ăn bột rồi tha chạy chơi quanh xóm. Bà mẹ dặn: "Các con đừng đưa em đi chơi xa. Có báo động phải chạy ngay về, cho các em xuống hầm nhà, nhỡ khi cô giáo ù về, còn tranh thủ cho nó bú". Nhưng Mai Du đâu có sữa, cuộc sống vật lộn đã làm cô gầy yếu đi nhiều. Ngoài những giờ lên lớp, cô lại còn đến các lán theo dõi các tiết học và việc an toàn phòng không. Tối đến, cô vào tận từng nhà dân để xem tình hình học tập và ăn ở của học sinh như thế nào. Ngày chủ nhật, thường cô còn phải tiếp phụ huynh học sinh nhân dịp họ đi thăm con cái và tiếp tế cho chúng nó. Đến bữa ăn, Mai Du chưa về, "bà ngoại" kéo ghế đòn cho hai thằng anh bên mươn cơm, chan canh cua đồng hay tí nước cáy muối vào bát chúng nó, ngọt ngào dỗ dành: "Hai cháu bà ăn ngoan nào. Cứ ăn trước với bà, với các chị, rồi mẹ về! Nào, cháu Quang ăn ngoan, làm gương cho em theo nào!". Rồi bà ân cần bón cho hai đứa cháu, thằng Quang một thìa, lại thằng Minh một thìa. Thằng Huy đã ít sữa mẹ, lại cũng không được ăn sữa bò. Xin được một năm tem sữa nhưng bố nó chưa kịp mua hộp nào đã bị kẻ cắp móc mất. Chị Hà, chị Lan suốt ngày nậng thằng bé con: "Nào, anh Ba Hư ăn ngoan nào!" để bón cho em mấy thìa cháo, mấy thìa bột. Nhưng "anh Ba Hư" xấu nết không chịu ăn, cứ phun cho tung tóe ra! Cũng là bởi nó bị chàm, người ngứa ngáy khó chịu. Mai Du thương con, bôi lơ-mê-ti-len khắp người xanh lè mà mãi vẫn không khỏi. Áo dì Mai Liên và mấy chị cũng xanh lè cả.

"Bà ngoại" thương thằng cháu, lên chùa thắp mấy cây nhang rồi hái lá lạc tiên về giã nhỏ, xát lên người nó. Một tháng rồi hai tháng, thằng út khỏi chàm, ngoan ăn chóng lớn, da dẻ trắng hồng ra. Mai Du gặp ai cũng khoe: "Cháu Huy may nhờ có "cụ ngoại...".

Một bữa trưa hè, Mai Du đi họp ở xã bên về, tính rẽ xuống chỗ bác chủ nhà đang cắt rạ, gánh đỡ rạ về giúp bác. Chợt cô hoảng hốt, thấy bà nằm úp sấp bất tỉnh trên ruộng rạ! Chao ôi! Bà tham công tiếc việc quá, thui thủi ra đồng một mình, đúng là vừa kiệt sức vừa bị say nắng đây! Cô nhanh chóng xoa bóp cấp cứu cho bà tỉnh lại rồi dìu bà về nhà. "Cụ ngoại" thấy vậy vừa mừng vừa run lên. Càng thương con gái, bà càng quý Mai Du. Ai đến bà cũng tấm tắc: "Mẹ nó thật may, nhờ có cô giáo...". Mẹ con Mai Du và gia đình bà chủ ngày càng gắn bó thân thiết, đúng là "người trong một nhà". Bà chủ và "cụ ngoại" chân tình bảo với cô giáo: "Cô về thu xếp đưa các cụ vào cả trong này cho tiện. Bố mẹ một nơi, con một nẻo, rồi cứ người này lo cho người kia. Lại còn việc tiếp tế nữa!". Mai Du được lời như cởi tấm lòng, cô sung sướng cảm thấy không gì tốt hơn thế nữa. Vả lại bố mẹ cô cũng đã bắt đầu nghỉ hưu. "Đón được ba, mẹ vào thì yên tâm hơn", chị em Mai Du và Mai Liên bảo
nhau thế.

Từ sơ tán, gia đình Mai Du ngóng nhìn về Hà Nội, tối nào cũng rực trời lưới lửa phòng không! Thằng Mỹ càng leo thang chiến tranh phá hoại thì người Hà Nội càng chống trả kiên cường! Máy bay và giặc lái Mỹ rụng tới tấp trên bầu trời Hà Nội. Thế nhưng, những vệt B52 của chúng cũng rải ngày càng dày, càng nhiều! Mai Du hốt hoảng khi nhận được tin một vệt B52 đã rải xuống Yên Bệ - Sơn Đồng, cạnh cái hầm mà mẹ con cô ngày trước vẫn nấp nhờ, làm một người chết và một người bị tâm thần! Cô bươn bả về thăm gia đình người làm hàng mã, run rẩy thắp nén hương lên ban thờ thằng cháu Ngọ, thằng bé út chăn trâu khôi ngô mọi ngày vẫn nhanh nhẹn tha các con cô xuống hầm! Còn chú tân binh - con cả bà chủ nhà - vẫn thường kể chuyện rất có duyên trong những kỳ nghỉ phép, khiến mấy thằng con cô cứ tròn xoe mắt nghe thích thú thì nay nằm đó, đang mất trí vì bị sức ép B52. Chao ôi! Hai anh em chú Thân đã thế mạng cho mẹ con mình đây!

 

*

*        *

 

Phú lại vào Thanh Oai tiếp tế cho vợ con. Anh mượn được chiếc mô-tô ba bánh to kềnh vút đi trên đường Tàu Bay, qua Ngã Tư Sở đến Ba La - Bông Đỏ. Đang tính rẽ về tay trái để tiếp tục cuộc hành trình thì chạm ngay phải một chiếc xe đạp đi ngang đường. Phú phanh đột ngột! Chiếc "mô-tô-ba" đổ kềnh, và cả chiếc xe đạp cũng hoảng hốt đổ kềnh. "Một cô gái!", Phú thầm kêu lên lo lắng. Anh đang tính chạy trở lại xem cơ sự có hề hấn gì thì người đàn bà đã dựng xe lên và buông một câu chửi tục. Phú mừng rơn: "Chửi được là phúc mình rồi! Cô ấy mà nằm lăn ra thì mình mới chết!".

Khi Phú vào đến nơi sơ tán, mấy thứ mì, gạo, đậu phụ, cá kho... lộn tùng phèo cả, can dầu hỏa và chai nước chấm đổ tung tóe, chân tay Phú xước xát và một ống quần mòn bợt đi! Mai Du nhặt nhạnh các thứ, miệng cười cười mà trong lòng phân vân: "Bao giờ cho hết những cảnh tiếp tế cơ cực này! Bao giờ cho hết chiến tranh?".

Nguồn: truyen8.mobi/t88931-ngot-ngao-pha-man-chat-chuong-13.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận