Ngọt Ngào Pha Mặn Chát Chương 14

Chương 14
Hiệp định Pa-ri ký kết. Người Hà Nội lục tục kéo nhau trở về. Mẹ con Mai Du và mẹ con cô Sinh từ những nơi sơ tán cũng lục tục kéo nhau trở về.

Bà nội từ quê đã trở ra. Căn nhà lắp ghép "như cái chuồng chim" có hai phòng, chia đôi, bà và mẹ con cô Sinh ở phòng dưới. Mỗi tháng ba mẹ con góp cho bác Mai Du hai chục đồng, cả nhà lại ăn cơm chung. Mai Du gửi được hai thằng anh vào lớp mẫu giáo ở trường học, cô để thằng út nhờ bà nội trông giùm rồi vội vã đạp xe đi một vòng. Từ khu lắp ghép, cô đến bệnh viện Bạch Mai, dừng chân đứng lặng giây lâu trước dãy nhà đổ nát: "Những thầy thuốc và bệnh nhân nào đã phải chết vì bom Mỹ ném xuống nơi đây?". Mắt Mai Du cay sè, ươn ướt! Cô lại chậm rãi đạp xe đi ngược đường Nam Bộ. Chao ôi! Khâm Thiên! Bao nhiêu căn nhà bằng địa? Bao nhiêu người đã ngã xuống vì một trận bom B52 hôm ấy? Sự sống của Khâm Thiên đang bắt đầu trở lại nhưng lòng Mai Du vẫn tái tê! Cô đứng chết trân giây phút, đôi mắt nhòe đi, ngấn nước, thổn thức hình dung trong trí tưởng tất cả những gì đã xảy ra nơi đây...

Ít lâu sau, cô Sinh bảo: "Giờ giấc hai gia đình không hợp nhau" và cô rút ra ăn riêng. Mai Du những tưởng đó cũng là sự thường. Nhưng mỗi bận đi làm về, cô Sinh lại cáu kỉnh: "Ai đổ nước vào bếp dầu để người ta đốt không lên?"; "Ai ở nhà xúc bớt gạo?". Chỉ có ba người đàn bà trong nhà. Mấy cô hàng xóm hiểu: "ai" của cô Sinh chính là Mai Du đấy! Nhưng mà may thay, Mai Du đi dạy chưa về!

Gia đình Mai Du vẫn ăn cơm ở phòng dưới. Bữa đó, bà đi chơi xa. Trước mặt vợ chồng cô có thêm một con cá rán to, trông ngon lành lắm. Phú vừa đặt đũa vào đĩa cá, cô Sinh liếc sang buông một câu: "Ngồi đó mà ăn cho ngon mặc cho đẹp!". Phú tức tối cầm cả đĩa cá ném choang một cái vào chân cầu thang rồi bỏ đi. Chẳng biết anh có hiểu không, cô Sinh nói là nói chị dâu chứ đâu phải nói anh trai mình! Mai Du nghĩ bụng, rồi lúi húi lau chùi dọn dẹp. Mấy đứa con bưng bát chạy vào, không hiểu gì. Một bữa khác, thấy trên mâm nhà Mai Du có đĩa thịt gà luộc (sang quá chăng?) nên cô Sinh lại hậm hực: "Ngồi đấy mà ăn trắng mặc trơn để người ta khổ. Từ ngày về cướp hạnh phúc của nhà này để anh chẳng ra anh!..." Phú lại tức tối thọc đôi đũa chéo qua mâm, bỏ đi!... Anh bỏ một ngày, rồi hai ngày không ăn cơm nhà! Tối về ngủ, mặt anh sa sầm, lẩm bẩm: "Ba người đàn bà! Khổ với ba người đàn bà!".

Người chồng trẻ có hiểu chăng, sự lạnh lùng cáu kỉnh ấy rốt cục chỉ là tội nghiệp vợ con anh mà thôi.

Một chủ nhật, thấy cả mẹ và chồng ở nhà, Mai Du tính làm bữa bún chả "cải thiện". Cô đang loay hoay một mình, nghe anh Phú bảo thằng con: "Lấy cho ba quả chuối, đói quá rồi!". Bà mẹ đế luôn: "Nó để cho đói, không ăn được, để nó ăn một mình!". Bà nói rồi bỏ đi. Bữa "bún cải thiện" thành ra tẻ ngắt! Phú ngồi ăn uể oải.

Mỗi khi chuẩn bị lên lớp, Mai Du đứng trước gương - Cái gương treo ở phòng dưới. Bữa đó, cô Sinh đang ở nhà, khó chịu: "Ngắm với vuốt mãi, ngứa cả mắt!". Một hôm, Mai Du ra đi trước chồng, cô đứng dưới cầu thang chào vọng lên:

- Anh ơi! Em đi nhé!

- Đi thì đi cho khuất mắt! Anh anh, em em! Đau cả đầu, nhức cả tai!

Cô Sinh lại hậm hực lầu bầu. Mai Du không nén chịu được nữa, liền dựng xe đạp, đứng lại: "Cô Sinh! Cô đuổi ai?". Phú từ phòng trên nhảy cầu thang mấy bậc một xuống nói khẽ vào tai vợ: "Thôi, đi thì đi đi, không phải chào!". Hẳn rằng người anh biết em gái mình đang ghen tị mà không dám mắng nó. Tối, lên giường, Mai Du nhỏ nhẹ bảo chồng:

- Nhà mình có cái gì bán được thì bán đi, mua cho cô ấy một chỗ ở khác!

- Tôi đã nát ruột ra rồi! Để cho tôi yên! Nhà cửa không phải một lúc mà giải quyết được!

Phú to tiếng quát tháo. Bà mẹ từ dưới nhà nói


vọng lên:

- Nó đang xúi giục chồng đuổi mẹ con tao ra đường!

Cô Sinh lổm nhổm bò lên mấy bậc cầu thang,
mồm la hét:

- Nó giết tôi! Bây giờ nó giết anh tôi!

Phú lại bỏ nhà ra đi, cho khỏi phải nhìn thấy "ba người đàn bà!".

 

Mỗi buổi tối, Phú về. Như một người khách ngủ trọ, anh lặng lẽ leo lên giường, chẳng nói chẳng rằng! Mai Du cũng lặng lẽ như một cái bóng, suốt ngày lùi lũi với việc trường, việc nhà, không gọi được một tiếng thân thương với chồng, không dám thì thào chuyện trò, sợ lại bị ngờ rằng xúi giục! Không khí trong nhà thật nặng nề!

Những khi chồng con đã ngủ rồi, ở cái phòng trên gác, Mai Du vẫn thao thức hoài. Bà thì cũng dễ hiểu, ông mất sớm, bà ở vậy nuôi con một mình! Người ta nói các cụ bà ở góa sớm thường hay khắt khe nghiệt ngã với con dâu. Với lại các cụ người đời trước, "đặt đâu ngồi đấy", đã chắc gì được biết tới tình cảm vợ chồng? Bà thì có thể thông cảm được. Anh Phú có hiếu với mẹ, không cần biết phải trái, bảo: "Bà già rồi, chẳng còn sống được bao nhiêu. Bà muốn sao chiều bà!". Rồi anh im lặng, lạnh lùng với vợ con để cho bà hài lòng, để cho bà khỏi nghĩ rằng "nhất vợ nhì trời". Thôi thì cũng đành! Nhưng còn với cô Sinh? Anh Phú sợ mếch lòng mẹ đến nỗi không dám dạy bảo em, để cho cô em ngày một lăng loàn quá rồi! Mai Du miên man nghĩ. Rồi cô bỗng nảy ra sáng kiến: phải nói chuyện bằng giấy! Thế là năm ba ngày một lần, Mai Du viết thư cho chồng, mặc dầu ngày ngày vẫn nhìn thấy nhau, vẫn chung trong một phòng! Khi thì một bài thơ tâm tình, khi thì mấy lời nhắn gửi, tâm sự, Mai Du bỏ vào cặp, vào túi áo của chồng để cho anh ấy đọc mỗi khi ngồi một mình.

Mai Du thương chồng "khó xử" và tự cắt nghĩa về thái độ dửng dưng lạnh lùng của chồng để mà thông cảm cho anh. Rồi cô cũng chẳng để bụng mà buồn, hay nói đúng hơn, việc trường rồi việc nhà, cơm nước, giặt giũ, con cái... Mai Du cũng không còn thời gian để mà buồn. Ngồi
soạn bài, chấm bài là quên hết; ra khỏi nhà, tới trường là quên hết.

Như mọi người, Phú đi làm thông tầm. Mai Du treo lên ghi đông xe đạp một lồng cơm cho chồng, rồi cô gửi các con thông tầm để cũng mang cho chính mình một cặp lồng cơm đi đến trường. Nhưng Mai Du đến chiều mới có tiết dạy. Buổi sáng, cô gọi học sinh đến phụ đạo, bồi dưỡng, chấm bài tay đôi hoặc là tập văn nghệ. Thỉnh thoảng cô lại tổ chức cho trường, cho lớp nào "Hội văn học", nào thi "khéo tay hay làm". Rồi cô đóng sổ sách, lên thư mục, lập thư viện và xây dựng tủ "Sách giáo khoa dùng chung". Thầy Hiệu trưởng thấy Mai Du lao vào công việc thì vui vẻ ghi nhận: "Cô Mai Du ngày này sang ngày khác ngập trong những đống sách giáo khoa dùng chung!". Còn các cô giáo trong trường - những người đồng nghiệp của Mai Du - thì cắt nghĩa: "Có lẽ ở nhà Mai Du rỗi rãi mới có thể toàn tâm toàn ý lo công việc trường!".

Khi thằng Quang đến tuổi học vỡ lòng thì thằng Minh vẫn không chịu rời anh nửa bước, nó chạy sang lớp ngồi bên cạnh anh. Cô giáo vỡ lòng đưa cho Minh một tờ báo, nó đọc mấy cái tiêu đề khá nhanh. Cô Hiền hài lòng, vui vẻ nói với Mai Du:

- Sớm một ngày cũng không được. Chị làm sao hợp pháp thì em cho cháu vào.

- Hai đứa sinh đôi? Được không cô?

Mai Du khẩn khoản hỏi, chờ đợi một sự thông cảm. Cô giáo Hiền cười tế nhị.

Người mẹ trẻ phấn khởi mua một cân vải hoa tiết kiệm, chắp nối cho hai thằng bé hai bộ quần áo giống nhau, rồi thêu hai chữ "Lê Quang" và "Lê Minh" lên hai cái túi "dết" cũng giống hệt nhau, đeo chéo qua vai mỗi đứa, đưa hai thằng con đến trường. Các thầy cô giáo đều hỏi:

- Hai cháu sinh đôi?

- Vâng ạ.

- Đúng là hai anh em sinh đôi! Giống nhau thế!

Mọi người vui vẻ kháo nhau, trầm trồ! Mai Du xuất trình hai tờ giấy khai sinh như nhau. Chỉ có mình cô tự hiểu: mình đã nói dối - lần đầu tiên trong đời.

Mai Du cẩn thận dạy các con từ tay cầm bút đến tư thế ngồi, từ giọng đọc, nét viết, đến cách làm văn, làm toán... Hàng ngày đều đặn, cô xem bài vở của các con, kịp thời uốn nắn và động viên từng đứa. Hai thằng bé đều thông minh, học hành nghiêm túc và đều rất tấn tới, tháng nào, năm nào cũng thay nhau xếp nhất nhì. Mai Du mượn cây đàn ghi-ta ở trường về, dạy cho các con đàn hát, thử năng khiếu âm nhạc của các con. Thằng Minh cứ đến sờ vào dây đàn bật, bật, xướng âm từng nốt nhạc, ra chiều thích
thú lắm.

Nhưng làm sao có thể sắm nổi cho con một cây đàn? Cô lại thử mua bút và màu cho con tập vẽ. Cả hai đứa đều say sưa. Mai Du xin cho các con vào học vẽ ở Câu lạc bộ Thiếu nhi thành phố, xa nhà bốn, năm cây số. Thế là mỗi tuần mấy buổi, cô đặt cả hai đứa con lên poóc-ba-ga đèo đi. Đưa các con vào lớp rồi, Mai Du lót tờ giấy ngồi dưới bậc thềm đọc sách, chấm bài, chờ các con tan học, lại đặt cả hai đứa lên xe đạp, đèo về. Cứ như thế, như thế, năm này sang tháng khác. Các con cô say sưa vẽ, say sưa nặn tượng, cắt giấy, xếp hình...

Một buổi tối, đi dạy Bổ túc văn hóa về, ánh sáng ngoài đường hắt vào soi rọi chân dung một anh giải phóng quân to như người thật! Mai Du ngỡ ngàng! Bật đèn lên cô mới hiểu: các con cô đã dùng chân hương và bột nặn đính lên tường hình ảnh anh bộ đội! Người mẹ hởi lòng hởi dạ: mình cho các con đi học vẽ quả không uổng! Hôm trường cấp I lắp ghép tổ chức triển lãm "Khéo tay hay làm", lớp 4A có cả một "vườn bách thú", sản vật trên rừng dưới biển đủ cả: nào voi, ngựa, hươu nai, nào lợn, gà, tôm cá... Đó là những "con giống" anh em Quang, Minh đã tạo nên bằng giấy, đất sét và bột nặn. Các cô giáo vui vẻ giới thiệu: "Đây là những "tác phẩm mỹ thuật" của hai anh em sinh đôi!".

 

Nguồn: truyen8.mobi/t88947-ngot-ngao-pha-man-chat-chuong-14.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận