Nhật Ký Chim Én Chương 1


Chương 1
Cuộc sống là gì trong cái khoảnh khắc mà người ta có được đặc ân hiếm hoi là không nhận dạng nổi chính mình.

Ta tỉnh dậy trong bóng tối mà không biết gì hơn. Ta đang ở đâu? Chuyện gì đã xảy ra thế này? Nhoáng một cái, ta đã quên hết tất cả. Ta không biết ta là đứa trẻ hay người lớn, là đàn ông hay đàn bà, là kẻ có tội hay người vô tội. Bóng đen dày đặc này là bóng đen của đêm tối hay bóng đen của tù ngục?

Ta chỉ biết điều này, càng cay đắng hơn vì đó là hành trang duy nhất ta có: ta vẫn đang sống. Chưa khi nào ta nếm trải trạng thái này: ta chỉ vẫn đang sống mà thôi. Cuộc sống là gì trong cái khoảnh khắc mà người ta có được đặc ân hiếm hoi là không nhận dạng nổi chính mình?

Trong khoảnh khắc này: ta sợ.

Tuy nhiên, không lúc nào ta được tự do hơn lúc ta chìm đắm trong trạng thái lãng quên ngắn ngủi khi tỉnh giấc. Ta là một đứa trẻ biết ngôn ngữ. Ta có thể đặt một từ nào đó cho sự khám phá còn chưa được gọi tên vào lúc ta sinh ra: ta bị đẩy vào nỗi khiếp sợ của người sống.

Trong giây phút kinh hoàng thoáng qua ấy, thậm chí ta không nhớ được rằng ngay cả khi tỉnh giấc, những hiện tượng như thế vẫn luôn có thể xảy đến. Ta đứng dậy, ta tìm cửa ra vào, ta lạc lối như ở trong một khách sạn vậy.

Và rồi những kỷ niệm, trong thoáng chốc, đưa thân xác ta trở về với thực tại và trả lại linh hồn cho nó. Ta thấy yên tâm nhưng thất vọng: vậy ra ta là thế, vậy ra ta chỉ là thế mà thôi.

Ngay sau đó vị trí của nhà ngục giam thân xác ta lại hiển hiện. Căn phòng của ta thông với phòng rửa ráy nơi ta vẫn thường dìm mình trong nước lạnh. Ta mong muốn cọ rửa gì trên mặt mình với sự cuồng nhiệt và thứ nước lạnh giá này nhỉ?

Sau đó chu trình khép kín được khởi động. Người nào có công việc riêng của người nấy, cà phê-thuốc lá, trà-bánh mì nướng hay dắt chó-đi dạo, người ta đã thu xếp công việc sao cho ít sợ hãi nhất có thể.

Quả thực, người ta dùng thời gian để đấu tranh chống lại nỗi khiếp sợ của người sống. Người ta bịa ra với nhau những định nghĩa để thoát khỏi nỗi khiếp sợ ấy: tôi tên là thế này, tôi làm việc ở chỗ kia, nghề của tôi là làm cái này, cái kia.Truyen8.mobi

Mối lo sợ cứ ngấm ngầm tiếp tục công việc phá hoại của nó. Người ta không thể khiến nó im lặng hoàn toàn được. Anh tin rằng anh tên là thế này, rằng nghề nghiệp của anh là làm cái này, cái nọ, nhưng, lúc tỉnh dậy, không gì trong số những cái đó tồn tại cả. Có thể là những cái đó không tồn tại.

Mọi chuyện bắt đầu cách đây tám tháng. Tôi vừa trải qua nỗi đau tình ái tồi tệ đến mức tốt hơn hết là không nên đả động tới nữa. Thêm vào nỗi đau ấy là sự hổ thẹn mà tôi phải gánh chịu. Để tránh cho mình khỏi tình trạng đau khổ như thế, tôi vò xé trái tim mình. Làm việc này không khó nhưng chẳng mấy tác dụng. Nỗi đau vẫn còn đó, vẫn tồn tại khắp nơi trong cơ thể tôi, dưới da và trên da, trong mắt, trong tai. Các giác quan trở thành kẻ thù của tôi, chúng không ngừng gợi lại câu chuyện ngu ngốc này.

Thế là tôi quyết định tiêu diệt các cảm giác của mình. Tôi chỉ việc tìm thấy bộ chuyển mạch bên trong cơ thể và chỉ việc ngã vào thế giới không-nóng-không-lạnh là đủ. Đấy là hành động tự vẫn cảm giác, hành động bắt đầu một sự tồn tại mới.

Từ đó, tôi không còn đau đớn nữa. Tôi chẳng còn gì nữa. Lớp vỏ chì đè nặng lên tôi làm tôi nghẹt thở đã biến mất, những gì còn lại cũng biến mất. Tôi ở trong một trạng thái mông lung.

Sự giải tỏa qua đi, tôi bắt đầu cảm thấy buồn chán khôn nguôi. Tôi nghĩ đến việc lật lại bộ chuyển mạch bên trong cơ thể nhưng tôi nhận ra đó là điều bất khả. Tôi đâm ra bồn chồn lo lắng.

Những bản nhạc trước kia làm tôi xúc động nay không gợi lên trong tôi chút cảm xúc nào, ngay cả những cảm xúc cơ bản nhất, như ăn, uống, tắm rửa, tôi cũng không màng đến. Tôi đã bị cắt bỏ mọi cảm xúc.Truyen8.mobi

Sự biến mất của tình cảm không ảnh hưởng nhiều đến tôi. Giọng nói của mẹ tôi qua điện thoại chỉ khiến tôi bực mình và chỉ gợi lên tiếng nước xối mà thôi. Tôi thôi lo lắng cho bà. Như thế lại tốt hơn.

Đối với những điều còn lại, thật không ổn. Cuộc sống đã trở thành sự chết chóc.

Cú chuyển là một album của ban nhạc Radiohead(1) có tựa đề Chứng quên. Tiêu đề này phù hợp với số phận tôi, vốn là một dạng của chứng quên cảm giác. Tôi mua album ấy. Tôi nghe và chẳng cảm nhận được gì. Đó là hệ quả mà từ lúc ấy trở đi tất cả các loại nhạc tạo ra nơi tôi. Tôi nhún vai với ý nghĩ phải dành thêm sáu mươi phút vô nghĩa nữa khi chuyển qua bài hát thứ ba với cái tựa đề gợi lên hình ảnh một cánh cửa quay. Đó là một chuỗi những âm thanh xa lạ, phát ra với sự dè sẻn đáng ngờ. Điệu nhạc đã được đặt tên, nó khiến ta hồi tưởng lại sức hấp dẫn phi lý của những cánh cửa quay đối với một đứa bé, nếu đứa bé mạo hiểm bước vào đấy, nó sẽ không thể thoát ra khỏi vòng quay của cánh cửa được. Thoạt đầu, bản nhạc ấy chẳng có gì khiến tôi xúc động cả, nhưng rồi tôi phát hiện ra, ở khóe mắt mình, một giọt nước mắt.

Phải chăng vì từ mấy tuần nay rồi tôi không cảm nhận được gì? Đối với tôi phản ứng dường như thái quá. Nhưng bài tiếp theo của album không gợi cho tôi điều gì khác ngoài cảm giác ngơ ngác lơ mơ mà những lần nghe đầu tiên gây ra. Khi album kết thúc, tôi tua lại bài thứ ba: toàn thân tôi run rẩy. Ngây ngất vì biết ơn, cơ thể tôi căng ra, hướng tới bản nhạc nghèo âm điệu này như thể nó là một bản opera Ý vậy, lòng biết ơn ấy quá sâu đậm vì cuối cùng cơ thể tôi cũng thoát được khỏi trạng thái băng giá của máy ướp lạnh. Tôi ấn nút nghe lại để kiểm tra sự thần diệu ngẫu hứng này.

Như tù nhân vừa được phóng thích, tôi lao vào tận hưởng niềm vui sướng. Tôi là đứa trẻ bị giam giữ trong cơn say mê của nó đối với cánh cửa quay, tôi quay đi quay lại theo hành trình tròn khép kín ấy. Dường như những người trong trạng thái suy sụp thường tìm kiếm sự rối loạn của tất cả các giác quan: về phần mình, tôi chỉ có một giác quan còn hoạt động nhưng, với giác quan này, tôi có thể say đến tận đáy tâm hồn. Không bao giờ người ta sung sướng bằng khi người ta tìm được cách để siêu thoát như thế.Truyen8.mobi

Sau đó, tôi đã hiểu ra: từ đấy về sau điều làm tôi động lòng là điều không liên quan gì đến những cái mà ai cũng biết. Nếu một cảm xúc nào đó gợi lên niềm vui, nỗi buồn, tình yêu, sự luyến tiếc, nỗi tức giận, v.v... thì cảm xúc ấy vẫn không thể khiến lòng tôi hết giá băng. Sự nhạy cảm trong tôi chỉ để ngỏ cho những cảm giác chưa từng có, những cảm giác không thể bị xếp vào thể loại cảm giác tốt hay cảm giác xấu. Cũng như vậy đối với điều mà từ lúc ấy đã đến thế chỗ cho những tình cảm trong tôi: tôi chỉ còn cảm thấy những tình cảm gây rung động ngoài cái tốt và cái xấu thông thường.

Tai đưa tôi trở về giữa những người sống. Tôi quyết định mở một cửa sổ mới: mắt. Dường như nghệ thuật đương đại đã được thai nghén cho những người cùng hội cùng thuyền với tôi.

Người ta thấy tôi ở những nơi trước kia tôi không bao giờ lui tới, ở Beaubourg(1), ở FIAC(2). Tôi nhận ra ở đấy những đề xuất chẳng ăn khớp với bất cứ điều gì: nhưng đó là thứ cần thiết đối với tôi.

Còn xúc giác, đó là sự khởi đầu chẳng mấy suôn sẻ: vào lúc không hứng tình, tôi đã thử sinh hoạt đồng tính. Thế là tôi không còn mảnh đất mới nào cho hoạt động tình dục nữa và đành để việc giải quyết vấn đề này lại sau vậy.

Đối với vị giác cũng thế, mọi chuyện chẳng tiến triển dễ dàng gì. Người ta từng nói với tôi về những chủ cửa hàng ăn điên rồ, những người đã tạo ra các món ăn có ga với mùi vị lạ thường, nhưng thực đơn trung bình ở hiệu ăn của họ lại có giá năm trăm euro, tức là nửa tháng lương nhân viên chạy việc vặt của tôi. Không nên nghĩ đến chuyện tới ăn ở đó.Truyen8.mobi

Khứu giác có điều này thật kỳ diệu, đó là nó không đòi hỏi bất cứ sự sở hữu nào. Trên đường phố, ta có thể bị kích thích mãnh liệt trước mùi nước hoa tỏa ra từ một người vô danh tính nào đấy. Đó là một giác quan lý tưởng, hiệu quả khác hẳn so với đôi tai luôn bị nút chặt, kín đáo khác hẳn so với đôi mắt mang cung cách ông chủ, tinh tế khác hẳn so với vị giác chỉ thích thú khi có đồ ăn thức uống. Nếu chúng ta sống theo mệnh lệnh của các giác quan, thì mũi sẽ biến chúng ta thành những nhà quý tộc.

Tôi học cách rung cảm trước những mùi vẫn chưa được nhận thức rõ: nhựa đường nóng trên các mặt đường được làm lại, núm những quả cà chua, đá thô chưa đập, nhựa cây vừa mới chặt, bánh mì nguội mềm nhũn, giấy in loại cực xịn, những bông hồng đã khô héo từ lâu, nhựa vinyl(1), nhựa cây nguyên chất, tất cả đã trở thành nguồn khoái lạc vô bờ bến đối với tôi.

Khi thích đua đòi học làm sang, tôi đến gặp những người pha chế nước hoa ở quầy hàng của họ và theo yêu cầu của khách, họ tạo ra những thứ nước hoa chưa từng thấy bao giờ. Tôi ra khỏi nơi ấy, rất thích thú trước những màn trình diễn của họ và bị mấy người bán hàng ghét cay ghét đắng vì họ đã bỏ ra biết bao công sức để rồi tôi chẳng mua gì cả. Đó không phải là lỗi của tôi mà vì hàng của họ quá đắt.

Bất chấp những lạm dụng khứu giác thái quá này, hoặc chính vì những lạm dụng ấy mà cuối cùng bộ phận sinh dục của tôi cũng phải lên tiếng phàn nàn.

Từ mấy tháng nay, tôi chẳng còn cảm hứng gì, ngay cả khi sống cô độc. Tôi đã hoài công nặn óc suy nghĩ, hoài công tưởng tượng ra điều không ai có thể nghĩ đến, không, quả thật, không gì có thể lôi cuốn nổi tôi. Tôi hoàn toàn dửng dưng với những tác phẩm văn học kỳ cục nhất viết về những chuyện phía dưới thắt lưng quần. Tôi cười phá lên trước những bộ phim khiêu dâm.

Tôi nói điều đó với đồng nghiệp Mohamed, anh ta bảo tôi:

- Cậu biết đấy, thật tồi tệ, nhưng nếu yêu, cậu sẽ khá hơn.

Gã láu cá. Trong số tất cả những cảm nhận của tôi thì cảm nhận ấy, cái cảm nhận vốn thật kỳ diệu vì giúp người ta có khả năng tập hợp những gì tinh túy nhất quanh một con người ấy, lại là cảm nhận yếu kém nhất. Tôi giận Momo đã không hiểu nỗi khốn khổ của tôi và tôi lẩm bẩm:

- Chúng không còn bánh mì ư? Hãy cho chúng bánh xốp.

- Thế chuyện ấy diễn ra được bao lâu rồi? anh ta hỏi tôi.

- Ít nhất là năm tháng.

Anh ta nhìn tôi và tôi nhận thấy lòng thương hại của anh ta đang chuyển thành sự khinh miệt. Đáng ra tôi không nên nói cho anh ta biết rằng tôi đã từng thủ dâm. Điều này làm tôi nhớ lại một đoạn trong tác phẩm Cái bụng Paris trong đó kẻ tội nghiệp thú nhận với người đẹp bán thịt là anh ta đã không ăn gì từ ba ngày nay, điều này lập tức biến lòng thương hại của người đàn bà to béo thành sự khinh miệt ghét bỏ, vì tóm lại, để sống sót trong hoàn cảnh nhục nhã như thế, nhất thiết người ta phải thuộc về một thứ hạng thấp kém nào đó trong xã hội.Truyen8.mobi

Một linh mục từng nói với tôi rằng người ta có thể trinh bạch mãi mãi. Các thành viên của giới tăng lữ vốn thực sự tuân thủ lời thề nguyện đó là minh chứng tốt nhất cho việc thực hành bản năng giới tính dưới hình thức này hay hình thức khác: đó là những con người khiến ta nể sợ. Tôi sẵn sàng làm tất cả để không trở thành những người như họ.

Tai là một điểm yếu. Không có mí như mắt khiến sự yếu kém ấy tăng gấp đôi: ta luôn nghe thấy những điều ta không muốn nghe, nhưng ta lại không nghe được những điều mà ta cần nghe. Tất cả mọi người đều nặng tai, ngay cả những người có đôi tai hoàn hảo. Âm nhạc cũng có chức năng là tự tạo ra ảo tưởng chế ngự được giác quan tồi tệ nhất trong số các giác quan này.

Xúc giác và thính giác khiến tôi trở thành kẻ mù lòa và tê liệt: kỳ lạ thay, tôi bắt đầu bù đắp những hụt hẫng tình dục của mình bằng một thứ âm nhạc kéo dài không đổi. Nghề nghiệp của tôi phù hợp với loại nhạc ấy: từ nay, tôi có thể đi xuyên Paris với đôi tai nghe gắn trên vành tai, trên chiếc mô tô gầm rú điên loạn.

Thế rồi điều phải đến đã đến: tôi đâm ngã một cụ già. Chẳng có gì nghiêm trọng cả. Ông chủ tôi không đồng tình với nhận định này và đuổi việc tôi ngay tức khắc. Ông ta còn cảnh báo những chủ xưởng quen biết ông ta là đừng có mướn tôi làm việc và cho tôi là mối nguy hiểm nơi công cộng.

Tôi trở lại là kẻ không tình dục và không việc làm: thật quá nhiều sự cắt xén đối với duy nhất một con người.

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/25449


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận