Vấn đề tiền bạc của gia đình đã chất chồng thành núi. Cho đến lúc đó tôi chỉ định hạn chế thảm họa: tôi nỗ lực tiết kiệm chứ không tích cực tìm giải pháp. Tôi cầm thẻ ATM và thẻ tín dụng lên tay. Chiếc thẻ tín dụng này ngày càng lôi tôi sâu hơn vào vũng bùn. Quả là hấp dẫn khi dùng nó để giải quyết chớp nhoáng các khó khăn tài chính, nhưng về lâu dài chỉ càng làm tồi tệ thêm. Tôi ngắm chúng một hồi lâu, xoay lật trên tay, nhưng rồi đột ngột nắm chặt tay lại và bẻ gãy chúng. Thẻ ATM thì dễ vứt đi hơn, vì nó chẳng còn công dụng gì: từ mấy tháng nay máy rút tiền không chịu cho ra đồng nào nữa.
Sau đó tôi in các số dư tài khoản ra giấy, sắp xếp các biên lai và báo nợ đã dồn thành một xấp. Rồi tôi bật computer, viết thư cho bố mẹ. Cho đến lúc ấy tôi chưa bao giờ xin tiền bố mẹ, vì sợ sẽ thành thói quen.
“Mẹ ơi, bố ơi,
bây giờ con muốn tích cực thanh toán nợ nần - thay vì cứ tìm đủ mọi cách tiết kiệm. Và bố mẹ có thể giúp con. Trước tiên con cần chút tiền, tất nhiên. Nhưng con không muốn vì thế mà bị phụ thuộc tài chính vào bố mẹ và về lâu dài không có trợ giúp của bố mẹ thì chẳng sống được. Con muốn nhờ bố mẹ càng ít càng tốt - nhưng con cần một chút đầu tư ban đầu để có thể có sức. Con cần tiền cho tàu điện, đồ ăn và quần áo không rách rưới quá.”
Phần lớn khó khăn tài chính của chúng tôi là do Sreykeo không biết sử dụng số tiền tôi gửi cho. Tôi hay nghi cô đưa hết tiền cho gia đình. Nhưng chuyện đó ít xảy ra. Cô chi nhiều tiền hơn để mua thẻ điện thoại gọi cho tôi. Gần nhà cô không có quán cà phê internet nào. Do lệch giờ, thường cô gọi tôi lúc đêm hôm và không thể một mình đi bộ nửa tiếng đến quán cà phê internet gần nhất - quá nguy hiểm. Vậy cô phải gọi từ điện thoại di động, tốn mỗi phút một đô la.
Cô vay tiền bên hàng xóm, tối đa đến 125 đô la. Chủ nợ đòi 25 phần trăm lãi. Khi cô gọi tôi hỏi tiền, tôi thường mắng cô. Các khoản nợ, lãi, lệ phí Western Union, lãi chi trội, lệ phí thẻ tín dụng cộng lại cao ngất ngưởng.
Tôi xin bố mẹ 400 euro để trả các biên lai đang nợ. Lời khuyên và sự kiểm tra của họ còn quan trọng hơn tiền. Khi mắc nợ, người ta thường tỏ vẻ với bên ngoài là không có vấn đề gì, tệ nhất là nợ thêm để cố tỏ ra còn kiểm soát được mọi chuyện. Tôi cho bố mẹ mật khẩu để tiếp cận tài khoản của tôi trên mạng, họ có thể kiểm tra bất cứ lúc nào và biết rõ tình cảnh thực tế của tôi.
Tôi cho rằng bức thư này làm bố mẹ tôi thở phào, vì nó đã giải tỏa nhiều vấn đề. Họ thấy đó là dấu hiệu chứng tỏ tôi đã dần dần chủ động được cuộc sống, biết đánh giá chính xác quan hệ với Sreykeo, và biết kêu cứu khi cần. Lập trường nghi ngại của họ đối với Sreykeo từ đó cũng nhanh chóng thay đổi.
Tôi gọi điện tới ngân hàng của mình. Họ đã liên tục gửi email và gọi vào điện thoại di động của tôi vì khoản tín dụng thấu chi đã cạn từ lâu. Thường là những thư ấy bắt đầu bằng “Thưa ông Prüfer, chuyện này không thể tiếp diễn...” Tôi cố nhắm mắt lờ đi, không nhấc điện thoại khi thấy số của ngân hàng hiện lên. Tôi xin lịch hẹn để chuyển hình thức tín dụng. Kết quả là tôi được phép trả dần khoản nợ thấu chi, và tôi cũng xin hạ mức thấu chi tối đa xuống 500 euro. Cô nhân viên ngân hàng cười khi tôi nói ngay từ đầu: “Tôi xin cắt thẻ tín dụng.” Đó là một khởi đầu.
Chị tôi, Annette, cũng đóng vai trò quan trọng. Thiếu cả thẻ ATM lẫn thẻ tín dụng, tôi chỉ còn mỗi một cách tiếp cận tài khoản: gửi tiền từ tài khoản qua mạng đến tài khoản của Annette rồi phóng xe đạp đến chỗ chị lấy tiền. Riêng ý thức là chị tôi luôn biết mình chi bao nhiêu tiền đã bảo đảm cho tôi chi tiêu hợp lý. Ngoài ra, từ giờ trở đi chị nhận việc gửi tiền cho Sreykeo. Tôi giao cho chị trách nhiệm này như lời thú nhận rằng tôi không kiểm tra được tình thế nữa. Annette cũng giúp tôi bằng cách nhờ tôi trông con gái hộ chị. Gần như một dạng tạo công ăn việc làm cho người thất nghiệp: trong khi con bé ngủ say, tôi ngồi ở xô pha, bật xem mọi kênh ti vi và vét sạch tủ lạnh. Nhiều tháng liền, tiền công trông trẻ là khoản tiền mặt duy nhất mà tôi được cầm vào tay. Sascha cũng góp một tay. Cậu làm trợ lý cho một nhà nhiếp ảnh quảng cáo ở Hamburg. Mỗi lần cần diễn viên quần chúng là cậu gọi tôi đầu tiên. Thế là tôi xuất hiện - rất nhỏ - trong chiến dịch quảng cáo thuốc mỡ trị trứng cá, rượu rum ngọt, điện thoại di động của Áo...
Eastern Oriental Express
Dạo ấy tình cờ tòa soạn được mời du lịch quảng cáo. Hầu như mỗi tờ báo có trang du lịch, nhưng chẳng báo nào có ngân quỹ để mua cho tác giả bài báo một vé vượt Đại Tây Dương trên du thuyền Queen Mary chẳng hạn. Giải pháp là các chuyến du lịch quảng cáo: một nhóm nhà báo được ban quan hệ khách hàng của một công ty du lịch mời tham quan khoang thương gia của một hãng hàng không, khách sạn mới trên quần đảo Maldives hay thứ gì tương tự; họ được miễn phí vé bay và phòng ở.
Lần này là giấy mời của chuỗi khách sạn Orient Express. Họ có một đoàn tàu xa xỉ tên là Eastern & Oriental Express đi lại giữa Bangkok và Singapore. Sau khi xuống tàu, nhóm nhà báo sẽ lên máy bay sang Campuchia tham quan phế tích Angkor Wat.
Tôi có sếp mới thay chỗ Tillmann đã được thăng cấp, ông hỏi tôi có muốn đi cùng. Tất nhiên tôi đồng ý tắp lự. Tôi sẽ được bay miễn phí sang Campuchia, gặp và nói chuyện với Sreykeo. Như một quà tặng của Thượng đế. Tôi chỉ lo không biết phải giải thích ra sao với các nhà báo khác khi Sreykeo xuất hiện, và nói chung.
Nhóm nhà báo gồm bốn người gặp nhau ở sân bay Düsseldorf. Một nữ phóng viên của tờ FAZ am Sonntag (Báo Frankfurt Chủ nhật) và một biên tập viên tờ Zeit (Thời báo) đã quen nhau từ các chuyến đi trước và giữ quan hệ lịch sự. Còn một nhà báo tự do, hay làm cho tờ Bild am Sonntag (Họa báo Chủ nhật) và Welt am Sonntag (Thế giới Chủ nhật). Và tôi. Tất nhiên chúng tôi ngồi hạng thương gia. Trước khi cất cánh được phục vụ vang nổ. Bà phóng viên từ chối, bảo là không bao giờ uống rượu khi làm việc.
Sreykeo đã sang Bangkok để xét nghiệm định lượng virus, lần cuối trước đó bốn tháng. Xét nghiệm này sẽ cho chúng tôi thấy mức thành công của trị liệu. Kết quả phải ở khoảng 50 virus mỗi phân khối huyết tương, nếu không thì coi là thất bại.
Chúng tôi bay trong đêm. Máy bay còn nhiều chỗ trống, tôi có thể nằm dài ra ba ghế. Nhưng tôi không chợp mắt được. Trước tiên vì sợ nhàu bộ com lê được bố mẹ mua riêng cho chuyến đi này. Và cũng vì lo không biết nên xử sự ở Bangkok ra sao. Dĩ nhiên chúng tôi gặp nhau ở đó. Tôi làm sao giải thích công việc của mình ở Bangkok cho cô hiểu? Những cuộc du lịch quảng cáo đòi hỏi tiêu chí đạo đức tối cao của nhà báo, vì họ được nhận mọi nồng hậu của một doanh nghiệp sau này được đưa lên mặt báo. Kéo bạn gái đi theo là một vi phạm trầm trọng. Tôi phải tìm cách giải thích tại sao cô phải qua đêm tại nhà trọ Vườn Sân Thượng, trong khi tôi cùng các nhà báo khác ở khách sạn Bangkok Oriental. Đó là hành vi nghiêm túc của nhà báo. Nhưng tôi làm thế nào?
Hai chiếc limousine đón chúng tôi ở phi trường và đưa về khách sạn. Tuy tôi vận một bộ com lê và có một xấp danh thiếp trong túi, nhưng mới vừa vào tuổi 25. Tôi luống cuống khi có người gập lưng chào. Không đủ tiền mua giày mới nên tôi vẫn đi đôi Adidas cũ. Và vẫn khoác ba lô bụi bặm chứ chẳng có va li.
Ở cửa khách sạn Bangkok Oriental có biển “Cấm ba lô và quần soóc.” Nghe xì xầm có một hoàng tử nào đó đang ở khách sạn. Hoặc có thể một lãnh tụ Hồi giáo?
Mấy tiếng đầu tiên không có chương trình, do đó tôi chuồn lên taxi đi Banglamphu. Tôi vào phòng và thấy cô đang ngủ. Trên cánh tay cô lấm tấm bong bóng mọng nước. Lại mụn rộp. Nhưng cũng có thể là một phần của “hiệu ứng khôi phục miễn dịch”: biểu hiện bệnh lý lâm thời khi hệ miễn dịch hồi phục và âm thầm kháng nhiễm hữu hiệu.
Tôi mắng cô mà không biết mình đang làm gì, cơn giận vẫn chưa tan. Sau đó chúng tôi đi mua Aciclovir cho cô. Tôi nói tối nay tôi phải đi ăn ở khách sạn với các nhà báo kia. Tất nhiên cô muốn đi cùng. Tôi biết, cô sẽ mất chút lòng tin mà tôi vừa gây dựng trong cô, nếu tôi không đưa cô đi ăn cùng. Báo chí là gì và các nguyên tắc hành nghề nhà báo cô đều không hề biết. Cô chỉ hiểu một điều: anh ấy không muốn ở cạnh mình khi có mặt người khác, anh ấy muốn gặp mình ở một nhà khách xập xệ nhưng không muốn cho đồng nghiệp thấy mặt mình.
Theo quan điểm một nhà báo thì đưa cô đi cùng là sai hoàn toàn, song lúc ấy tôi không muốn suy nghĩ dài dòng làm gì. Và giả sử có phải chọn giữa cô và đạo đức nhà báo thì tôi biết chắc phải quyết định ra sao.
Cô sẽ không hiểu vì sao tôi không có tiền mà lại ngủ tại Bangkok Oriental. Tôi giải thích cho cô biết, đây là một khách sạn rất đắt đỏ, nhưng tôi không phải trả tiền; người ta cho tôi ở đó miễn phí để tôi viết những lời tốt đẹp về khách sạn. Cô đáp: “Vâng, em hiểu.”
Bà nhân viên quan hệ công chúng (PR) há hốc mồm khi tôi cùng Sreykeo xuất hiện ở tiền sảnh. Chưa kịp suy nghĩ gì, bà đã mỉm cười hân hoan: “Chị ở lại cùng đi ăn tối nhé?” Có lẽ đó là một phản xạ rất chuyên nghiệp. Còn tôi thì thất vọng khi thấy Bangkok Oriental ít gây ấn tượng gì cho Sreykeo hơn cho tôi. Rõ ràng cô đã được vào nhiều khách sạn 5 sao hơn tôi.
Trước bữa tối mọi việc trôi chảy. Người ta đưa chúng tôi qua các phòng họp và phòng khánh tiết. Giữa nhà hàng là hình một con cá heo tạc từ băng. Bể cá nước mặn chạy dài dọc theo hành lang. Sreykeo nhìn thấy một con cá hề và nói: “Trông kìa! Nemo(1)! Trông con cá này như bạn gái của Nemo ấy nhỉ.” Tôi hơi ngượng. Giá cô nói: “Ồ, đây là loài Amphiprion percula_(2)” thì hay hơn.
Chúng tôi lên phòng. Cô mặc một chiếc áo dài đã đặt may để dự lễ cưới một cô em họ. Chúng tôi ăn tôm hùm ngoài sân thượng. Cô bày cho các biên tập viên cách bóp vỡ càng tôm. Tất nhiên họ hỏi chúng tôi quen nhau ở đâu, và tôi trả lời ngay bằng một câu nửa thật nửa dối đã tập trước: cô bắt chuyện với tôi ở sàn nhảy. Và tôi kể thêm, cô làm việc trong một dự án AIDS ở Phnom Penh.
Lát sau Sreykeo kéo tôi ra một góc và hỏi, có nên kể phứa ra là cô làm nội trợ và học tiếng Anh. Nhưng tôi nghĩ, đã nói dối thì phải nói dối cho thật cao tay, không thì chẳng ai tin. Những tên tuổi quanh tôi khiến tôi quá ngại, do đó tôi cho rằng phải thổi phồng quá mức hình ảnh của cô. Một bên là các nhà báo lão luyện, bên kia là tôi, một thằng khùng không xu dính túi và cuộc đời là một núi bê bối lộn xộn.
Chúng tôi muốn lên phòng đi ngủ, nhưng đột nhiên một nhân viên có nút bộ đàm trong tai xuất hiện, lịch sự mời tôi đi gặp một người khác cũng có nút bộ đàm trong tai, người này lại dẫn đến một người khác nữa. Nhân vật cuối cùng không có nút bộ đàm trong tai, ông ta đề nghị Sreykeo rời khách sạn với giọng không lịch sự lắm. Tôi đáp, chúng tôi là vợ chồng chưa cưới và cô có đem hộ chiếu theo người. Nhưng ông ta vẫn đề nghị cô ra khỏi khách sạn. Tôi dọa, thế thì tôi cũng đi. “Được thôi, ông đi đi.” Và chúng tôi đi.
Những người này sẽ xử sự khác, nếu bạn gái tôi là người Anh hay người Pháp. Nhưng họ đã nhận ra xuất thân nghèo khó của Sreykeo qua nước da, dáng người và kiểu đi đứng của cô như đang bước trên đường lầy, ngay cả khi xỏ giày cao gót. Họ đoán cô là gái mại dâm và làm xấu hình ảnh khách sạn.
Chúng tôi lấy ba lô trên phòng xuống. Vớ được gì là Sreykeo nhét cả vào đó: bàn chải răng, dép trong nhà, xà phòng, dầu gội đầu, hoa quả trên bàn. Có những thói quen không bỏ được. Hai mươi phút sau chúng tôi ngồi trên tấm đệm xác xơ trong phòng cô ở Vườn Sân Thượng. Tôi nhẹ người: rốt cuộc tôi đã đến nơi phù hợp với mình. Và thiếp đi với ảo tưởng là không ai biết vụ chúng tôi bị tống khỏi khách sạn. Tôi nghĩ, sáng hôm sau cứ thế thản nhiên lủi vào khách sạn, vui vẻ đi ăn sáng như không có gì xảy ra. Sự việc tất nhiên không thế, sau này sẽ rõ.
Theo đúng kế hoạch, hôm sau nhóm chúng tôi đi Singapore trên tàu Eastern & Orient Express. Sreykeo ở lại Bangkok đợi lấy kết quả xét nghiệm. Chúng tôi hẹn gặp lại sau này ở Siem Reap (Xiêm Riệp), thành phố Campuchia gần Angkor Wat.
Sàn tàu trải thảm, tường lát gỗ và các phụ kiện bằng đồng thau hoàn chỉnh bức tranh nội thất. Du lịch xa xỉ khá tẻ nhạt. Các hành khách chủ yếu là người thừa thì giờ và lo không tiêu hết tiền cho đến lúc chết. Ông trưởng tàu thông báo, gia đình có trẻ con được khuyên không nên đi tàu này. Đầu bếp bực mình vì mấy tay người Mỹ chê ông không biết chế biến món vịt Bắc Kinh, ăn không ngon như trong quán Tàu ở Los Angeles.
Nhưng có một nơi tôi ưa tìm đến: đoạn sàn không mái ở cuối toa chót. Ở đây rất thú. Gió thổi lồng lộng ù tai, những hình ảnh luôn luôn thay đổi trôi qua. Luôn cùng tôi ra đó là một người Mỹ da đen, trong tay thường có máy quay video và quay đường chân trời. Trông như gã thủy thủ trong phim Das Boot (Tàu ngầm)(1)_ luôn nhìn ống nhòm về phía chân trời để canh chừng tàu chiến Anh. Anh ta tết tóc thành đuôi sam và kể về công việc của mình trong công đoàn. Anh nhắc đi nhắc lại chi tiết đó, có lẽ ở Mỹ là một công việc tày đình. Anh tự gọi mình là người theo chủ nghĩa xã hội, không rõ theo nghĩa gì ở Mỹ, và hỏi tôi: “Anh là người theo chủ nghĩa tư bản hay xã hội?” Tôi nói tôi chẳng theo phe nào. Ai cũng phải ở một phe, không phe này thì phe kia, anh nói.
Thỉnh thoảng tàu chạy qua một khu ổ chuột toàn những lều lợp tôn sóng - khắp nơi trên thế giới có khu ổ chuột chạy dọc đường ray, vì đất ở đó không thể bán làm đất xây dựng. Tất cả trông hao hao như khu ổ chuột sau La Building: mái tôn gỉ sét, đường đi nhớp nháp bùn đất, ăng ten xiên xẹo, núi rác nylon bợt bạt vì phơi nắng. Chúng tôi vẫy bọn trẻ, và anh nói: “Nhìn bọn họ mà xem. Họ nghèo và sống đơn sơ, nhưng hạnh phúc hơn ta nhiều. Lúc nào cũng cười.” Có lẽ anh ta sang châu Á để thấy quan điểm của mình về sự phân chia thế giới được khẳng định. Tôi thì nghĩ những ý riêng của mình.
Nhóm nhà báo chúng tôi bay từ Singapore sang Campuchia và lấy phòng ở một khách sạn Siem Reap cao cấp. Tôi vô cùng sốt ruột và chỉ đợi gặp Sreykeo càng sớm càng tốt. Cô đã có trong tay kết quả đo lượng virus nhưng không biết con số đó có nghĩa gì. Mảnh giấy ghi “undetectable”, nghĩa là không thể phát hiện ra virus. Điều trị thành công! Tôi nói hổn hển: “Họ không tìm thấy virus trong máu em,” và cô nhảy lên ôm cổ tôi. Tôi giải thích để cô biết, “undetectable” không có nghĩa là virus đã biến mất, nhưng lượng virus thấp đến nỗi các phương pháp xét nghiệm thông thường không phát hiện được.
Chúng tôi chia tay với nhóm nhà báo ở đây. Cây bút của báo Bild ôm hai chúng tôi và nói, chúng tôi vô cùng đẹp đôi, nên cưới nhau bằng được. Tôi mến ông. Ông làm phóng viên du lịch vì ưa ngủ ở khách sạn đắt tiền và uống vang hảo hạng, và cũng chẳng thèm giấu điều đó; ông không kiễng chân cho cao hơn chính mình. Bà nhân viên quan hệ công chúng kéo tôi ra một bên và cho biết, việc chúng tôi rời khách sạn Bangkok Oriental đã gây ra vài lời xì xầm ở Đức. Nhân viên PR ở Munich phát điên lên và gọi ngay đến tòa soạn Hamburg. Một cuộc chuyện trò không dễ chịu đang đợi tôi khi về đến Hamburg.
Hết chương 30. Mời các bạn đón đọc chương 31!