Chiều hôm sau tôi ngồi trên sàn chiếc Toyota bán tải chạy về hướng Tây Bắc, kéo theo một đám mây bụi đỏ mù trời. Bộ com lê đã được nhét vào ba lô, hiện đang vùi dưới một núi bao tải gạo và bị vô số bàn chân đất giẫm lên. Sreykeo ngồi trên buồng lái. Cô trùm khăn kín đầu chỉ hở đôi mắt và nhìn về phía chân trời, đầu lắc lư theo nhịp ổ gà. Chúng tôi đi đến Pailin, thành phố giáp biên giới Thái Lan, nơi tàn quân Khmer Đỏ rút về sau khi bị quân Việt Nam đánh bại. Ở đây chúng trụ lại được hơn hai thập kỷ cho đến khi nghe nói chiến tranh đã chấm dứt. Giờ đây chúng phải biến những cứ điểm tự vệ thành đất sống dân sự, và tôi phải viết một phóng sự về đề tài này cho báo ở nhà.
Hai bên đường cắm các biển nhỏ màu đỏ cách đều nhau, với hình đầu lâu và hàng chữ “Nguy hiểm! Mìn!“ Hai chục năm chiến sự giành giật thành phố đã biến vùng này thành một trong những mảnh đất gài nhiều mìn nhất thế giới. Có nhiều đoạn trông như cảnh trên mặt trăng với những gốc cây cháy đen nhô lên. Người ta đã đốt hết cây cỏ để chuẩn bị cho nhóm dò mìn đi vào. Lần này tôi không mua vé ngồi trong ca bin. Chúng tôi phải tiết kiệm.
Lần đầu tiên trong chuyến đi này chúng tôi ở với nhau một mình trong thời gian dài. Chúng tôi không nói nhiều về Tim. Không thể thay đổi chuyện đã qua. Cãi vã hay trách móc cũng chỉ làm mọi chuyện tệ đi hơn. Chính đó là điều hệ trọng nhất trong mắt tôi: không gây thêm tổn hại. Lòng tin bị phá hủy, ở cả hai bên. Tôi không muốn bỏ cô, đó là một quyết định cảm tính, nhưng tiếp đến là gì? Phải đạt được điều kiện gì để tôi quay lại tin tưởng cô? Và tôi phải đạt điều kiện gì để cô có thể tin tôi? Chỉ nói với nhau rằng mối quan hệ này quan trọng thì chưa đủ - chúng tôi phải củng cố bằng hành động. Sreykeo phải làm một việc gì đó, một việc không quá phức tạp nhưng thật rõ ràng, dễ hiểu và hiện hình cụ thể.
Đây là tình thế giằng co cân sức. Quan hệ giữa hai chúng tôi sẽ không có tương lai nếu không ai sẵn sàng từ bỏ cuộc sống quá khứ của mình. Nhưng đúng là không ai muốn thế, vì hai chúng tôi đều không rõ liệu người này có tin được người kia không. Tôi sẽ nói: Em rời quán bar đi, rồi anh sẽ suy nghĩ có nên cưới em. Cô sẽ nói: Nếu anh ấy cưới mình thì mình rời quán bar.
Biện pháp gây áp lực thường tình ở phương Tây là: “Nếu em làm chuyện bậy bạ thì anh bỏ em.” Không tranh đấu, mà buông tay. Lúc đó tôi sẽ khẳng định nỗi lo ngại của cô là bị tôi rời bỏ, và do đó chẳng bõ đặt hy vọng vào tôi.
Trước sau như một, tôi vẫn tin là cuộc hôn nhân với cô sẽ ổn. Đó là tất cả những gì cô mong đợi ở cuộc đời này. Một khi đã có gia đình, cô sẽ không dễ dàng chơi trò may rủi với nó, thà chết còn hơn. Và tôi không muốn mất cô.
Chúng tôi đã buông tay cho tất cả sụp đổ tan tành - trừ một tia hy vọng le lói. Trách móc thì dễ hiểu và dễ làm, nhưng chẳng ích gì. Làm cái dễ làm nhất, thường là sai. Chúng tôi phải viết ra các điều kiện khả dĩ duy trì tiếp quan hệ này. Tôi quyết định làm một thỏa ước, một hòa ước.
Chúng tôi viết nó ra giấy trong một quán cà phê internet, sau đó tôi in ra hai bản, một cho cô và một cho tôi. Tôi hứa sẽ cưới cô sau khi đã trả hết nợ. Cô phải cắt mọi quan hệ với môi trường cũ, thậm chí không được lại gần những nơi cô làm tiền ngày trước. Tôi sẽ gọi điện cho cô hằng ngày, kiểm tra cô ở đâu. Ngoài ra cô phải học tiếng Anh, tìm việc làm. Cô phải mua một thẻ sim mới, nộp cho tôi sim cũ với các dữ liệu nhớ trong đó. Thỏa thuận này cũng cho phép tôi được thi hành mọi thủ đoạn hèn hạ để kiểm tra xem cô có quay lại Walkabout không. Tôi sẽ gọi điện kiểm tra, sẽ cử bạn bè ghé qua thăm hỏi, vân vân.
Biện pháp đầu tiên là tôi đòi cô viết email đến các khách hàng cũ, báo là cô bị AIDS. Nếu họ biết cô có bệnh thì có lẽ họ sẽ không ham hố gì gặp lại cô. Cô viết:
“Chào tất cả, tôi là Sreykeo hay Rose gái bar ở walkabout và heart of darkniss ở phnom penh. Tôi muốn khuyên hãy đi xét nghiệm HIV vì tôi bị HIV dương tính. Bây giờ tôi không đi làm nữa. Hãy chấm dứt lừa dối bạn gái hay vợ mình, vì như thế có thể truyền HIV sang họ.”
Sau đó tôi đổi mật khẩu của cô. Cô không đọc được các thư trả lời nữa. Tôi sẽ đọc thay cô. Đa số không trả lời. Một người tên Brian viết, anh thấy đáng tiếc và tình cờ đang ở Bangkok. Nếu cô cần người bàn chuyện thì anh sẽ qua Phnom Penh. Ý nghĩ đầu tiên của anh ta không phải thuốc men, mà là “bàn chuyện”. Lại một chuyện hoang đường kiểu Tây nữa: mọi chuyện sẽ khá lên, nếu đem ra bàn bạc. “Lắng nghe” và “bàn bạc” là hình thái hỗ trợ cao nhất có thể được. Nhưng tất nhiên không đúng: nói suông thì không thể thay đổi được gì. Phải hành động.
Việc tiếp theo là tôi đăng ký Sreykeo vào một khóa Anh ngữ, mỗi sáng bốn tiết. Tôi cùng cô thảo một đơn xin việc để nộp cho một nhà hàng hay quán bar. Nhờ được điều trị, cô lại có thể đi làm, những bệnh lặt vặt dai dẳng đã chấm dứt. Tôi còn bảo cô, tôi sẽ cầm hết đi những đồ vật gì mà cô có thể đặt cọc vay tiền, tất cả đồ trang sức, kể cả chiếc nhẫn tôi đã tặng cô.
Cô lại tìm được việc ở một quán bar. Bar Butterfly. Tôi không hẳn hài lòng với công việc ở đây: bar này cũng ở khu đèn đỏ như Walkabout và do đó không xa môi trường cũ. Tuy nhiên cô phải mặc T-shirt riêng của nhà hàng, và chủ quán nói, cô sẽ bị tống cổ ra nếu dây dưa với khách hàng. Ngày ấy Butterfly đang ăn nên làm ra một thời gian ngắn vì Heart of Darkness tạm đóng cửa. Một chuyện mà ai cũng đoán trước đã xảy ra: có người bị bắn chết trên sàn nhảy. Hồi ấy tiệm nhảy thường được một nhóm giàu xổi đến thăm, đó là lũ lâu la của cháu ông thủ tướng thường được dân Tây gọi là “băng Dừa” sau khi chúng bắn chết hai người buôn dừa. Bọn này tới Heart of Darkness cùng vệ sĩ vũ trang, và cho đến khi có thêm một nạn nhân nữa chỉ còn là vấn đề thời gian. Đó là lý do để một số đại sứ quán cấm nhân viên của mình đến đây. Nhiều tờ báo Phnom Penh đã in lời cảnh báo.
Sự kiện ấy lại là dịp may cho Butterfly vì khách chuyển hết sang quán bar nơi Sreykeo phục vụ. Cô được nhiều tiền bo đến mức sau này hầu như tôi không phải gửi tiền cho cô nữa. Nói chung tôi cũng không phải gửi tiền. Tiền thuốc đã có bố mẹ tôi lo, tôi chỉ việc ngoan ngoãn thanh toán dần các món nợ nần. Sreykeo mua một cuốn sổ tay bìa đen để ghi mọi khoản thu chi của mình.
Tạp chí Neon
Tôi không có ý đem chuyện mình và Sreykeo ra mơi một tạp chí. Nhưng anh tôi nằng nặc dỗ dành từ khi tôi trở về Đức. “Còn ai có được những trải nghiệm như thế?“ anh nói. “Phải tay người khác thì họ đã viết thành sách rồi!” Anh nhắc đi nhắc lại chuyện ấy, còn tôi thì luôn đánh bài lờ. Tuy tôi khoái được nịnh, nhưng công khai hóa câu chuyện đồng nghĩa với việc đánh mất cuộc sống bình dị mà tôi đang cố theo đuổi. Tôi không ưa kể về Sreykeo và mình. Chúng tôi không sống một cuộc sống được người ta đem ra bàn luận trên tàu điện ngầm và cạnh máy pha cà phê ở phòng biên tập. Một thằng khùng nợ ngập cổ có bạn gái nhiễm HIV. Chẳng phải mỗi người đều có một nhu cầu cơ bản: được là một trong hàng triệu người bình thường khác?
Nhưng Tillmann giục tôi gửi bản đề cương cho Marc, bạn anh, vừa bắt đầu vị trí biên tập viên ở tạp chí Neon ở Munich. Anh đưa tôi số điện thoại và địa chỉ email của Marc, tôi bảo sẽ liên lạc với Marc nhưng kỳ thực chẳng làm gì. Ngày nào tôi cũng định làm, nhưng rồi lại hoãn đi hoãn lại hàng tháng trời.
Một buổi sáng, tự Marc gọi điện cho tôi. Tillmann đã kể cho anh hết mọi chuyện. Marc xin phép được đưa chuyện này ra trong cuộc giao ban tòa soạn. Tôi còn hơi lưỡng lự, nhưng món nhuận bút khá hấp dẫn - nó giúp tôi trả ngay được nửa khoản nợ. Và nếu bài báo này vừa lòng tổng biên tập thì tôi có thể bán thêm vài bài cho Neon. Nếu tôi trả nợ xong nhanh hơn thì Sreykeo cũng được sang Đức nhanh hơn - toàn là lý do chính đáng. Vậy là tôi đồng ý.
Từ đó trở đi tôi sốt ruột đợi ngày diễn ra cuộc họp tòa soạn. Tất nhiên tôi mong tổng biên tập chấp nhận bài báo của tôi, nhưng mặt khác tôi ngại câu chuyện lên mặt báo. Tôi gọi điện hỏi Sreykeo. Trước tiên tôi phải giải thích để cô biết tạp chí là gì. Cô hưởng ứng ngay. Đối với cô, cả thế giới nên biết chuyện chúng tôi. Chính cô cũng kể cho bất cứ người nào cô gặp và lấy đó làm hãnh diện.
Mấy hôm sau tôi thấy số điện thoại của Marc trên màn hình điện thoại và biết tổng biên tập đã chấp thuận - nếu từ chối thì Marc đã gửi email. Chuyện chúng tôi sẽ sớm được đăng trong ấn bản liên địa phương in giấy bóng. Tôi hít một hơi thật sâu. Tôi hiểu, sau khi chuyện lên lên báo, mọi người ở tòa soạn sẽ biết tôi chỉ có một đôi giày và luôn phải đi bộ đến tòa soạn để tiết kiệm tiền mua vé tàu điện. Họ sẽ nghĩ gì khi sáng sớm lật trang Neon ra và thấy ảnh tôi? Và không chỉ tất cả tòa soạn, mà cả nhà xuất bản, cả thành phố!
Tôi bắt đầu viết. Chẳng đơn giản chút nào. Thứ nhất vì trên laptop của tôi thiếu một phím và màn hình có hai vạch xanh chạy ngang, chốc chốc lại thở dài não nuột và tắt phụt. Thứ hai, không có bài báo nào mà tôi từng viết lại bướng bỉnh và khó lường như bài này. Viết về những người khác là một việc đơn giản. Tôi luôn ngạc nhiên về việc có động lực nào thúc đẩy một người giãi bày đời mình lên mặt báo. Đa số mọi người muốn quảng cáo cho mọi người biết về doanh nghiệp, hiệp hội hay thế giới quan của mình. Một số khác thì chỉ muốn kể về mình, muốn được hiểu và không bị mọi người phớt lờ, do đó họ tự bước ra trước hội đồng xét xử của công luận. Tôi gọi điện cho họ lấy lịch hẹn, đi taxi đến và dúi danh thiếp vào tay họ. Trên đó có tên tờ báo, và thế là đủ lý do khiến họ trả lời mọi câu hỏi về đời mình do tôi đặt ra. Họ đâu quen tôi, nhưng tôi khoác cái tên tờ báo lên như một bộ com lê đắt tiền, riêng chuyện ấy đã khiến họ tin cậy.
Hiếm khi tôi có quan hệ thực sự với những người mà tôi viết về họ. Là nhà báo, tôi chẳng mấy khi quan tâm xem những người ấy sẽ ra sao sau khi bài báo xuất hiện. Tôi nhét một tờ báo cho họ vào phong bì, ném vào khay thư từ cần gửi đi. Và khi bài báo được in ra thì tôi đang ngồi viết một bài khác. Sau khi đọc, một số người gọi tôi là bạn tốt nhất của họ, nhưng một số khác hối hận và ước gì vẫn được sống tiếp cuộc đời ẩn dật như xưa.
Nhưng giờ đây chính tôi là người muốn được hiểu. Tôi tự hỏi, liệu tôi có là một trong những người thích sống cuộc đời ẩn dật hơn? Bài báo phình ra và uốn lượn, và mặc cho các khó khăn của tôi, nó cứ thế tự trào ra. Tổng cộng tôi gửi Marc năm bài khác nhau, nhiều đoạn rời rạc lộn xộn như một công trường. Bài cuối cùng tôi viết ở Phnom Penh. Kết quả là một câu chuyện xù xì và trúc trắc kỳ khôi. Nhưng tôi nghĩ, chính vì thế mà nó đúng.
Các vì sao ở cách ta bao xa?
Mùa mưa lại đến. Và tôi lại đến Phnom Penh. Hai ngày đầu tiên Sreykeo và tôi nằm ườn xác trên đệm và hầu như chẳng làm gì ngoài việc nghe tiếng mưa quất ràn rạt trên mái tôn. Phụ nữ giặt quần áo hoặc rửa hàng chồng bát đĩa bẩn trong những thùng tôn hứng nước ngoài ngõ. Nhưng giọt nước rơi xuống bát đĩa nghe như tiếng nhạc vọng về từ một nền văn minh đã tàn lụi nào đó.
Sau mỗi đợt mưa lớn, đường phố ngập nước đến đầu gối, đôi chỗ đến eo Sreykeo. Chúng tôi lội trong nước ấm đi xem. Trong vài giờ, thành phố như bị đảo lộn. Các đại lộ trông như sông ở nông thôn, xích lô giống thuyền ở kênh đào Venice. Trẻ con tưng bừng lội nước và tận hưởng dịp may hiếm hoi. Phố duyệt binh trước Cung Vua biến thành một vũng nước khổng lồ lăn tăn sóng gợn.
Buổi chiều Sreykeo đạp xe đi học tiếng Anh. Cô đem về nhà hàng xấp bài tập khiến tôi nhớ hồi đi học - bài tập tiếng Anh khắp nơi trên thế giới này giống nhau kỳ lạ, đầy những hình hài vui nhộn nói những câu đại loại như “Hello. My name is Courtney. I’m from the USA. Where are you from?“ Tôi không bao giờ giúp Sreykeo làm bài tập, chỉ nhướng mày mỗi khi cô phạm lỗi và để tự cô sửa sai. Hôm sau giáo viên sẽ sửa bài bằng bút đỏ và phê xuống dưới “Pretty good” hoặc “Excellent, thanks.” Cả những băng cát xét cũng hệt như nhau. Tôi còn nhớ cảm giác ngượng nghịu khi thầy giáo tiếng Anh cặp máy thu âm dưới nách bước vào lớp. Phản xạ đầu tiên của tôi luôn là: “Lạy Chúa đừng bắt chúng con phải hát những bài ngớ ngẩn này.“
Trường Sreykeo học thuộc lại đắt ở Phnom Penh, trong số học sinh cùng lớp có một kỹ sư học ở Cộng hòa dân chủ Đức và nói trôi chảy tiếng Đức pha phương ngữ Saxony, và một đồn trưởng cảnh sát. Tôi không hình dung ra cảnh họ đứng hát “Hôm nay ta không học toán, hôm nay không học thể thao, vì hôm nay là thứ Bảy, là lá li, là lá la!”
Vì phải tiết kiệm, chúng tôi không bao giờ gọi xe ôm khi đi chợ. Sreykeo mua một chiếc xe đạp nữ gỉ sét. Tôi đạp xe, còn cô ngồi trên giá đèo hàng. Yên thấp đến nỗi không chú ý là tôi sợ thúc đầu gối phải cằm. Xe không phanh, mỗi lần muốn đi chậm lại là tôi phải ấn dép tông lên lốp trước.
Chúng tôi cũng không có tiền để đi chơi hay về quê, vì thế buổi tối chỉ quanh quẩn ở nhà. Cô có một đài bán dẫn nhỏ, thường bật trước khi đi ngủ. Cô thích nghe nhất đài BBC World Service. “BBC luôn nói sự thật,” cô nói. “Thỉnh thoảng cũng nói về HIV nữa.”
Cô cố nhận ra từng chữ của phát thanh viên. Nói chung cô không hiểu người ấy nói gì, nhưng cũng nhận ra vài từ và quay sang hỏi tôi: “Em hỏi anh có được không? Tàu con thoi là gì?” Tôi suy nghĩ nên giải thích kiểu gì mà không chạm đến những khái niệm như phi thuyền, khí quyển hay quỹ đạo.
“Giống như máy bay. Nhưng bay cao hơn nhiều. Nó bay đến tận nơi không còn không khí nữa, ở đấy trông quả đất như một quả bóng.”
“Nếu em bay sang Đức thì em sẽ thấy các vì sao to như thế này à?” cô hỏi và vung tay trong không khí vẽ một hình tròn to bằng quả bí ngô. Cô tin rằng máy bay ban đêm phải bay luồn giữa các vì sao to như quả bí ngô hay bóng đá.
“Không phải thế. Mỗi vì sao to bằng mặt trời, thậm chí còn hơn. Và cách chúng ta rất xa, không bao giờ đến được.” Trông cô hơi thất vọng. Cô kể, hồi nhỏ cô vẫn luôn nghĩ các vì sao là đèn lồng được thả trong lễ cúng bái, chúng bay cao đến nỗi không xuống đất được nữa.
“Các vì sao ở cách ta bao xa?”
Tôi thử giải thích một năm ánh sáng là gì.
Rồi cô lại nghe đài. “Em hỏi anh có được không? Vì sao Mỹ luôn gây ra chiến tranh?”
Hồi ấy tôi đang đọc High Fidelity bản tiếng Anh của Nick Hornby mua trong hiệu sách cũ cho Tây ba lô. Sreykeo thích được nghe tôi đọc. Cô nghe được các từ, nhưng không hiểu được nội dung. Cô cho rằng sách phải chứa những thứ quan trọng như truyền thuyết dân gian hay các điều thông thái của Phật. Thật vô nghĩa khi viết sách về một người không biết dùng thời gian làm gì!
“Chuyện kể gì vậy?“ cô hỏi.
“Về một người sưu tầm đĩa hát, ngoài việc đó ra không biết làm gì ra hồn trong cuộc đời mình nữa.” Cô nhìn tôi ngơ ngác. Tôi giải thích cho cô biết đĩa hát là gì. Cô nhướng mày chun mũi. Rồi hỏi: “Tại sao anh ấy không mua CD?” Những gì người Âu cho là quan trọng đến mức viết vào sách, quả là quá kỳ khôi đối với cô.
Hết chương 33. Mời các bạn đón đọc chương 34!