Sống Từng Ngày Chương 34-35


Chương 34-35
Nick

Tôi đến quán cà phê internet chếch phía đối diện Walkabout để viết bài báo cho Neon. Đó chỉ là một căn phòng lát gạch men. Máy tính kê trong các vách ngăn bằng gỗ dán. Thỉnh thoảng mấy cô gái từ Walkabout qua đây viết email cho “bồ” mình. Ai không biết viết thì thuê một cô mũm mĩm đánh máy hộ thứ tiếng Anh bồi cho người tình.

Thực ra Marc hài lòng với bản thảo cuối cùng. Nhưng tôi nghĩ phải viết lại lần nữa - tựa như đó là 15.000 chữ quan trọng nhất trong đời mà tôi ghép lại với nhau thành bài văn. Tôi muốn làm hoàn hảo như có thể.

Gửi bản thảo cuối cùng qua email cho Marc xong, tôi thấy nhẹ cả người - cảm giác khi ta biết không thể làm gì được nữa, ngoài ngoan ngoãn chịu sự sắp xếp của số phận. Tôi thầm hy vọng ban biên tập đem đọc, gửi nhuận bút cho tôi rồi quên ngay câu chuyện sau khi lên khuôn như đã từng xảy ra với vô số bài khác.

Dĩ nhiên ban biên tập không chiều ý tôi. Thay vào đó, tôi nhận được cú điện thoại của một biên tập viên, báo tin sẽ cử Nick, một phóng viên nhiếp ảnh, từ Bangkok sang Campuchia. Tôi biết phóng viên này sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống chúng tôi, và quả thật như vậy. Nhưng việc ấy diễn ra khác với mong đợi của tôi.

Anh gọi điện vào một buổi trưa, giữa lúc chúng tôi đang ngồi húp mì trên nền nhà trải nhựa. “Cảm ơn đã cho phép tôi chụp ảnh câu chuyện của các bạn,” anh nói, “hiếm khi tôi được mời một dịp như thế này.” Tôi thấy mến lời anh, nhưng coi đó là một kiểu bóng bẩy lịch sự.

Khi anh xuất hiện, chúng tôi thấy khác hẳn với mong đợi. Xăng đan da, quần bò bạc thếch, sơ mi xanh lam. Do không khí trong phòng giữa trưa rất ngột ngạt, Nick vã mồ hôi và cởi sơ mi ra. Tay chân anh vằn vện hình xăm trổ, họa tiết cành cây, rồng, lửa. Thực sự làm tôi ngạc nhiên là một hình xăm ngôi sao trên lưng bằng tiếng Pali, thứ ngôn ngữ của các tăng lữ Phật giáo. Tôi biết những hình xăm huyền ảo này. Nông dân và lính Campuchia mang nó trên ngực và trên lưng để tránh đạn và mìn, chống ma thuật và xin làm ăn tấn tới. Những hình này không thể làm được ở một cửa hàng xăm tại khu du lịch Bangkok. Người ta phải nhờ một nhà sư hay thầy cúng xăm từng chấm với một với cây kim được sát trùng trên lửa.

Nick tự giới thiệu. Anh sống ở Bangkok với một cô gái Thái Lan. Khi anh nói chuyện điện thoại, nghe vẫn thấy pha âm hưởng Nam Đức. Hai người có một quá khứ khá giống chúng tôi. Xuất thân từ một gia đình khá giả, anh chàng Tây ba lô này qua châu Á khi còn trẻ và có ý định sống cả đời trên đường. Ở Bangkok anh sống trong một phòng tí xíu to đúng bằng cái đệm ở khu Banglamphu; ban ngày ngủ, còn ban đêm bị cuộc sống đêm của thành phố nuốt chửng. Rồi anh mê cô nấu bếp của nhà trọ, con gái một gia đình nông thôn nghèo. Một lúc nào đó anh hiểu ra rằng tình yêu ở châu Á tiến triển khác bên châu Âu. Nếu lên đường đi tiếp, anh sẽ làm hỏng cuộc đời cô mãi mãi. Anh gánh nhận một trách nhiệm chung thân mà không hề biết. Anh kể với chúng tôi, nhận thức ấy là một cú sốc nặng đến nỗi ba ngày liền anh nằm im trên đệm, mắt nhìn trần nhà, không động đậy. Tôi hiểu ý anh. Tuy không nằm dài ba ngày liền nhưng tôi biết cảm giác đó.

Anh cũng chụp ảnh gia đình Sreykeo ở La Building. Khi chúng tôi đến nhà, mẹ cô nằm trên võng và mê mải xem ti vi. Nick định tự giới thiệu với cả nhà, nhưng bà không thèm ngước mắt. Ở Đức không chào khách đã được coi là bất lịch sự, ở châu Á có lẽ không có cách nào thể hiện sự khinh bỉ rõ hơn.

Rõ ràng bà ta không còn muốn dây dưa gì đến Sreykeo và tôi. Cuộc đời bà chỉ còn là ti vi, rượu thốt nốt và thuốc lá. Dạo này Cheamny cũng đã rời gia đình đến sống cùng Sreykeo và tôi - sau khi bị mẹ liên tục khảo tiền. Nak đi tu. Chỉ còn Rottana và Djiat ở cùng bà. Có vẻ như bà mẹ muốn đoạn tuyệt với tất cả. Mới đây bà còn mất việc lao công ở Handicap International; bà báo ốm quá lâu, nhiều khi kéo dài hàng tháng, và ngay cả lòng kiên nhẫn của một tổ chức nhân đạo cũng có giới hạn.

Chúng tôi ra khỏi nhà. Nick chụp Sreykeo vài bức ở cầu thang. Rồi anh không nhịn được nữa: “Khiếp quá. Chưa bao giờ tôi chứng kiến một người kém thân thiện đến thế!” Tôi cầm hộ anh chân chống máy ảnh và nghĩ sẽ đối xử với gia đình này ra sao. Tôi cũng đã lâu không gặp họ, do đó càng sốc vì cuộc gặp gỡ này hơn.

Không có việc làm, suốt ngày trầm lặng nằm ở võng - bà mẹ đã mất vai trò chủ gia đình. Tuy cũng đã bất lực từ xưa, nhưng ít nhất bà cũng là sợi dây gắn bó mọi thành viên. Bây giờ gia đình tan đàn xẻ nghé. Cho đến nay tôi tránh đụng độ với họ, tôi không đủ sức gánh thêm một vấn đề nữa. Tôi không muốn dây vào họ, mà phó mặc họ cho số phận. Một kiểu phân tích tương quan giữa phí tổn và tác dụng theo kiểu tư duy phương Tây: gia đình có giúp đỡ Sreykeo không? Hoàn toàn không. Họ có cho Sreykeo tiền không? Không. Họ có chăm sóc Sreykeo khi cô ốm đau? Không. Họ có hại cho chúng tôi không? Có. Vậy thì quên luôn, đi khỏi nhà, cắt quan hệ. Dần dần tôi hiểu, bài toán phí tổn và tác dụng không phải lúc nào cũng hay.

Khi Nick về khách sạn, tôi nói hết với Sreykeo. Tôi muốn bắt tay vào chuyện này cũng vì một lý do thực dụng: ở Campuchia muốn cưới phải được gia đình đồng ý - không cưới thì không xin được thị thực cho Sreykeo. Bà mẹ sẽ đòi tiền thì mới ký vào giấy tờ. Đòi bao nhiêu? Tất nhiên tôi có thể nghiến răng dúi cho bà 1.000 đô la vào tay, xin thị thực và biến sang Đức. Thậm chí Sreykeo cũng ủng hộ cách đó nhất. Cô chỉ muốn một điều: đi khỏi gia đình, đi khỏi Campuchia, sang Đức làm cuộc đời mới và quên đi tất cả.

Giờ đây tôi có quan điểm khác. Cô sẽ không bao giờ quên được gia đình, không bao giờ cắt tuyệt đối được mọi quan hệ. Chẳng mấy chốc cô sẽ thấy nhớ chị em mình - nhất là con bé Rottana. Vậy thì cô sẽ tiếp tục gọi điện, bà mẹ sẽ nói chuyện với cô và kể mọi tin dữ: Djiat ốm, mẹ ốm, Rottana ốm, không có tiền bác sĩ, không trả được tiền nhà, con gái xấu xa không chăm sóc gia đình, sống ở nước Đức giàu có và thừa thãi tiền bạc mà không cho nhà mình một xu. Rồi Sreykeo sẽ gửi tiền về nhà qua Western Union, và chúng tôi sẽ cãi nhau. Không, đó không phải là tương lai. Quên gia đình đi là một ý nghĩ quyến rũ, nhưng bất khả thi.

Sreykeo hình dung khi sang Đức cô sẽ hội nhập ngay vào gia đình và môi trường của tôi, chỉ cần cô là vợ tôi - tương tự như ở Campuchia. Bất kể là người Trung Quốc, Việt Nam hay châu Âu: cưới một người Khmer xong là người ta thuộc về gia đình, với tất cả nghĩa vụ và quyền lợi. Tất nhiên Sreykeo tin ở Đức cũng vậy. Cô đâu có thể tưởng tượng ra rằng đối với đa số ở đây, có cưới chồng Đức hay không hoàn toàn vô nghĩa - cô sẽ mãi mãi là một người nước ngoài. Cô làm sao hạnh phúc được ở Đức sau khi cắt đứt nguồn gốc của mình, sau khi không còn gì có thể gọi là “quê hương” được nữa? Về lâu dài tôi không có lựa chọn nào khác ngoài lập lại hòa bình với gia đình.

Ở làng Sreykeo ngày ấy có người rao bán một khoảnh đất. Đó là một rẻo đất giữa ba gốc cây, hướng ra kênh thủy lợi. Cuối mùa mưa hằng năm là cả miếng đất ngập nửa mét nước, nhưng nó nằm giữa các nhà của cô chú Sreykeo. Sreykeo xin tôi mua đất. Giá 500 đô la khá căng đối với tôi, do đó tôi phải suy nghĩ rất lâu.

Hôm sau chúng tôi lại gặp Nick để đi chụp ảnh. Anh chụp chúng tôi trong phòng chờ của Viện Pasteur. Tất cả toàn màu xám và trắng. Chúng tôi đợi Sreykeo lấy máu, tôi ngán ngẩm đung đưa dép tông trong khi đọc lại kết quả xét nghiệm CD4 lần cuối và nhìn lên ti vi gắn dưới trần nhà.

Sau đó anh chụp chúng tôi ngoài đường. Chúng tôi phải đứng im dưới trời nắng chang chang, trong khi hàng đoàn xích lô và xe buýt phóng vun vút vây quanh.

Chụp xong, chúng tôi về nhà, ngồi dưới đất ăn cơm và xúp ngô do Sreykeo nấu. Tôi muốn nói chuyện ngay với Nick và hỏi anh đã xử trí ra sao với nhà vợ. Anh không hề có những vấn đề như tôi với gia đình Sreykeo. Nhà vợ anh không bao giờ hỏi anh tiền.

Nick mua đất cho họ làm một “nông trại sinh thái” để có tiếng vang tích cực cho người Âu. Nhưng về nguyên tắc thì đó vẫn là những việc mà nông dân làm từ hàng nghìn năm nay trước khi Thái Lan mở cửa ra thị trường thế giới: trồng lúa, nhưng không để bán cho thương nhân mà tự ăn. Nghĩa là không việc gì phải mua phân vô cơ, không bị vay nợ, và sống không phụ thuộc vào giá gạo thị trường.

Tôi lắng nghe anh nói. Rốt cuộc tôi đã tìm được người từng trải qua những chuyện tương tự. Cho đến lúc đó không ai cho tôi được một lời khuyên về cuộc sống với Sreykeo và gia đình cô. Mọi lời khuyên của bạn bè, anh chị và bố mẹ trở nên vô dụng ở Campuchia. Người thì thương hại, người thì ngạc nhiên, lúng túng hoặc phản ứng bất đồng cảm. Họ nói những câu lạ lùng như “hãy nghe trái tim nói” hoặc “hãy cố tìm ra mặt lợi từ quan hệ đó.“ Nhiều ý trong đó về nguyên tắc là đúng, nhưng chẳng có ích gì cho hoàn cảnh của tôi - đơn giản là trong thế giới của Sreykeo có những định luật khác hẳn. Mọi chuyện của chúng tôi bắt đầu ngay với sự sống còn.

Tôi không có ai để xin lời khuyên. Khi đọc một cuốn sách, người ta thấy ngay còn bao nhiêu trang nữa. Ai học y khoa sẽ biết còn bao nhiêu học kỳ nữa. Và sang đến châu Á ta tưởng là đã hiểu biết nhiều qua mấy điều thông thái cho du khách như “Người Á luôn muốn giữ thể diện” hoặc “ở châu Á gia đình quan trọng nhất.” Nhưng ta nhìn thấy nhiều đến nỗi không rõ nên tìm gì. Ví dụ như trong nhiều năm tôi không nhận ra Sreykeo hầu như mù chữ. Cô xấu hổ không cho tôi biết, còn tôi cho là đương nhiên ai cũng biết đọc.

Tôi phải tìm được cách cho cả nhà kiếm ăn mà không cần đến mại dâm. Và đó phải là một cách khả thi. Đó là bài học tôi nhận được từ Nick.

Phơi bày

Trước tiên tôi phải giành được sự tôn trọng của họ, không thì chẳng làm được gì. “Học tiếng đi,” Nick khuyên tôi. Anh nói đúng. Không nói chuyện trực tiếp được thì thành công làm sao? Ví dụ: bà mẹ bảo Sreykeo hỏi xin tiền tôi. Đôi khi cô đáp là sẽ không xin. Thường là cô vẫn hỏi tôi bằng giọng trung lập, và tôi lảng tránh bằng cách nào đó. Sau đó Sreykeo dịch cho mẹ là tôi không muốn cho cô tiền. Bà mẹ không hiểu tôi là người nói “không” mà cho rằng Sreykeo từ chối. Vậy bà tìm cách gây áp lực với cô. Có lẽ nhà này cho tôi là một dạng người ngoài hành tinh thụ động không mồm.

Ngược lại, tôi vô cùng thất vọng khi chẳng được cảm ơn cho tất cả những gì mình đã làm cho gia đình. Dần dần tôi ngộ ra lý do. Tôi đã mua thuốc, đã giới thiệu Djiat đến một tổ chức phi chính phủ, lo xin điều trị - đó là những chuyện gia đình không hiểu nổi. Họ không biết thế nào là vi trùng hay vi khuẩn. Bệnh tật sinh ra do tội nợ “tiền kiếp”, ma quỷ, hoặc do kẻ tị hiềm nguyền rủa, nói chung là một hành động làm xáo lộn cân bằng vũ trụ. Ví dụ như bà mẹ tin dịch truyền ở bệnh viện là nước dừa.

Ngoài ra bà không hiểu ra khoản tiền bà nhận được là từ tay tôi. Theo bà, đó là tiền của Sreykeo. Và bà cũng nghĩ rằng tôi dễ dàng chi tiền vì tôi có thừa. Người ta đâu có biết ơn người tặng tiền. Người ta chỉ biết ơn người nào đó hao tổn sức lực vì mình, chỉ lúc đó người ta mới công nhận và tôn trọng. Người Tây thì chẳng khó nhọc gì khi chi tiền: họ đến nước này, sống trong khách sạn long lanh như phi thuyền hạ cánh khẩn cấp, ăn uống ở nhà hàng, đi taxi. Tất nhiên người Campuchia tin rằng người Tây ở quê nhà cũng sống như thế. Thậm chí họ còn không biết sự khác biệt giữa ngày thường và ngày nghỉ phép.

Tôi phải giành được sự tôn trọng của họ, phải quan tâm đến những gì họ cho là quan trọng. Chừng nào còn phớt lờ thế giới của họ, tôi sẽ không chung sống với họ được.

Tôi kể cho Nick biết miếng đất ở quê. “Mua đi, cậu sẽ làm được một việc cho gia đình,” anh khuyên tôi ngay. Từ đó trở đi họ sẽ có một chốn mà không ai đuổi họ đi được, nơi họ luôn quay về để tiếp sức. Từ đó trở đi, vị thế của tôi trong gia đình sẽ được nâng cao, và trước tiên tôi sẽ có thì giờ lấy hơi. Cũng có nghĩa là khi tôi cưới một người vợ Campuchia, tôi không trốn tránh vai trò người chồng, vậy thì tôi phải chiếm lĩnh vị trí này trong gia đình.

“Nếu cậu không chiếm được vị trí chỉ huy trong gia đình, mọi việc sẽ không trôi chảy đâu,” Nick nói. Vị trí chỉ huy. Tôi không có năng khiếu bẩm sinh ấy. Có những người mà vừa thấy là ta đã kính nể. Tôi không phải dạng đó. Người ta hay coi tôi là thằng ngố. Tuy nhiên, khi ta thoạt tiên bị coi thường thì cũng có lợi.

Nick còn khuyên tôi không bao giờ được trách Sreykeo đã làm nghề mại dâm. Một lời trách cứ như thế sẽ hủy hoại toàn bộ lòng tự tin mà cô đã dựng nên. Và tôi cũng đừng nên giục cô kể hết mọi chuyện, một ngày nào đó tự nó sẽ xảy ra. Anh bảo tôi rằng có một típ người đặc biệt có thể sống được với gái mại dâm. Tôi không bao giờ hỏi anh đó là típ người như thế nào.

Hôm sau Nick bay trở về Bangkok. Anh đã thành một người bạn tốt của chúng tôi. Anh có lý: nếu tôi không có một vị trí mạnh hơn trong gia đình thì họ sẽ mãi mãi là một vấn đề cho chúng tôi.

Mấy tuần trước khi số Neon ra đến sạp, Marc gửi qua email cho tôi xem bản lên khuôn của bài báo. Tôi mở tệp tin này khi ngồi cạnh Sreykeo trong quán cà phê internet.

Tấm ảnh mở trang chụp hai chúng tôi ngồi trên đệm, Sreykeo ngả đầu vào vai tôi. Ban biên tập đã lấy tít “Cho đến khi Thần Chết cướp em đi” theo một câu trong bài. Cô hỏi tôi: “Họ nói gì?” và tôi dịch cho cô: “Until death tears us apart - Cho đến khi cái chết chia lìa lứa đôi,” không hẳn chính xác, vì câu này không có ẩn ý là cô sẽ chết trước tôi. Tôi không dám nói sự thật - vì cô sẽ nghĩ là tôi dự tính đến cái chết sắp xảy ra với cô? Tôi đã viết bài này trước đây bảy tháng, từ đó đến nay đã có nhiều thay đổi.

Hôm nay tôi biết: tôi viết bài này vào thời điểm cuối cùng có thể được, nếu để chậm hơn thì tôi sẽ không thể nào viết nổi một bài buồn thảm và ghê rợn như vậy nữa, vì quan hệ của chúng tôi đã mất nhiều kịch tính. HIV vẫn còn đó, nhưng nó đã bớt vẻ kinh sợ và bức xúc nhờ trị liệu pháp kháng retrovirus. Tôi vẫn còn nợ, nhưng ngoan ngoãn trả dần hằng tháng. Ngoài công việc ở báo mình, thỉnh thoảng tôi vẫn làm tự do cho một số báo khác, và tiền nhuận bút giúp tôi giảm ngay được một khoản nợ kha khá.

Trên hết là quan hệ giữa chúng tôi đã cởi mở hơn. Hồi tôi còn ở Đức, mỗi ngày chúng tôi gọi điện ít nhất một lần. Lần nào cũng bàn chuyện tiền. Mỗi ngày cô kiếm được bao nhiêu, còn bao nhiêu để chi đến cuối tháng, dành bao nhiêu để mua thuốc, đưa gia đình bao nhiêu. Ngoài ra tôi bắt đầu kể cho cô nghe về mức thu nhập của tôi, trả bao nhiêu tiền thuế và tiền nhà, còn nợ bao nhiêu, mỗi ngày mua đồ ăn mất bao nhiêu, mỗi tháng trả dần nợ thế nào. Tất nhiên cô không hình dung được phí tổn sinh hoạt ở Đức, cô cho rằng Tây kiếm mỗi tháng vài nghìn đô la và chi cho tiền nhà, tiền ăn ít như ở Campuchia. Và cũng chẳng biết thế nào là bảo hiểm y tế và thuế lương. Cô không thể tưởng tượng là tôi nhịn đói để gửi tiền cho cô và gia đình. Nhờ sự cởi mở mới có, chúng tôi lấy lại được nhiều lòng tin vào nhau.

Hôm nay, khi xem lướt qua bài viết từ một khoảng cách thời gian nhất định, có vẻ như nó muốn gây ấn tượng rằng mọi vấn đề chỉ từ phía Sreykeo đột ngột ập vào cuộc sống thanh bình và vô ưu của tôi. Tất nhiên, về khía cạnh nào đó thì đúng. Tôi chỉ biết nói thế này: tự tôi chọn bước này. Nếu cứ định tách bạch giữa vấn đề “của cô” và vấn đề “của tôi” thì có lẽ quan hệ giữa hai chúng tôi - và bất kỳ quan hệ nào khác - sẽ chấm dứt trong một thảm họa hoặc chết mòn.

Trong điện thoại Marc hỏi tôi có thể giao lưu trực tuyến với độc giả của tạp chí trong vài ngày sau khi bài báo ra mắt. Tôi đồng ý mà không suy nghĩ sâu xa; vả lại tôi cũng được thù lao 100 euro, mà tiền thì lúc nào tôi cũng cần. Mãi đến khi nhận được của Marc mấy dòng phi lộ cho cuộc tranh luận tôi mới ý thức được rằng mình bập vào một chuyện lớn hơn là chỉ tán gẫu qua mạng. Bài ấy chấm dứt với câu hỏi: “Các bạn có hiểu Benjamin không?“ kỳ thực chỉ là cách thể hiện khác đi của câu hỏi “Các bạn nghĩ gì về mối quan hệ này?“ Nhưng nếu nói trắng ra như vậy thì chẳng khác gì kêu gọi mọi người ra một phán quyết về chúng tôi, và tôi không muốn thế. Tôi cùng Marc sửa lại bài đó thành “Ai muốn trò chuyện cùng chúng tôi thì hãy vào internet.” Dĩ nhiên, phương thức tranh luận không vì thế mà khác đi nhiều.

Tôi phát ngợp bởi số lượng ý kiến phản hồi với những nội dung cực kỳ xung khắc: hoặc là đồng cảm cao độ, hoặc là nghiệt ngã chối bỏ. Tim tôi đập thình thịch khi đọc mỗi bức thư, nói cho cùng thì đó không chỉ là các phản ứng về một bài viết của tôi - độc giả phán quyết về cuộc đời tôi, người yêu tôi và cuộc sống chung của hai chúng tôi. Đó là một dạng mô hình thí điểm của những gì chúng tôi sẽ được trải nghiệm, một khi Sreykeo cùng tôi về Đức.

Bản thân một số người trong số đó bị AIDS và muốn trao đổi ý kiến. Ngoài ra còn có thư của những đàn ông từng làm quen một cô gái Campuchia hay Thái Lan, nay muốn lên tiếng. Nhiều người viết rằng họ đã khóc khi đọc bài báo. Cả Ed, cậu sinh viên cùng tôi ở Heart of Darkness tối hôm đó, cũng có mặt. Trong bài viết tôi cũng nhắc đến Ed, dĩ nhiên không nêu tên, và cậu nhận ra mình. Cậu vui vẻ: “Tớ đã hình dung ra năm phút nổi danh chớp nhoáng của mình khác hẳn, chứ không phải bị nhắc đến như một gã xài cocain ẩn danh trong một tờ báo lạ hoắc.”

Marc kể trong điện thoại, chưa bài báo nào trước đó gây ra nhiều dư luận đến thế. Tôi đọc các câu bình luận, lưu chúng vào USB và phóng xe đạp về nhà để viết thư trả lời.

Nhiều thư còn đọng trong trí nhớ của tôi, đặc biệt là một thư sau đây, vì tôi đã bị kích động rất lâu sau đó. Qua bút danh, có thể thể đoán người viết là phụ nữ:

“Cảm giác bồn chồn bắt đầu với việc Benjamin chịu hy sinh vì người đàn bà kia, hoàn toàn gạt cuộc đời riêng sang một bên. Liệu có bao giờ người đàn bà kia có thể đền đáp được sự hy sinh ấy, dù chỉ phần nào?? Cô ta sẽ mắc nợ Benjamin từ đầu đến cuối. Cán cân lệch điên rồ ấy đè nặng lên quan hệ giữa hai người, còn đâu nữa sự tự do và tự nguyện mà theo tôi là vô cùng quan trọng trong tình yêu? Thử nghĩ xem có đi được con đường trung dung này không: kiếm thuốc cho cô ta nhưng không cưới, và, để quên ý nghĩ về mại dâm, cũng không ngủ với cô ta nữa? Bản hợp đồng này tôi thấy gần như một cú tống tình (...) Benjamin phải hy sinh đời mình cho cô ta để cô ta bỏ nghề mại dâm. Giả sử một ngày nào đó tình yêu ấy không còn nữa, sẽ có chuyện gì xảy ra (...)????!”

Người viết miêu tả Sreykeo như một áp lực quá nặng nề và khuyên tôi cắt bỏ cô. Sreykeo ngồi cạnh tôi, chọc ngón tay vào sườn tôi, véo đùi tôi và hỏi: “Họ viết gì thế?” Tôi không biết nói với cô thế nào, kể cả khi tìm được những từ tiếng Anh thích hợp - dĩ nhiên cô không hiểu nội dung những bức thư ấy. Tác giả bức thư còn bày tỏ lòng khâm phục tôi - nhưng bây giờ tôi đã quá thuộc kiểu khâm phục này. Ta chớ nên hồ đồ tin ngay, trong đa số các trường hợp chỉ có nghĩa là người ấy thương hại ta mà thôi.

Tôi suy nghĩ nên trả lời ra sao. Đơn giản đó là quan điểm hoàn toàn Tây về quan hệ. Nói một cách giản lược: xã hội là một quần thể các cá nhân chuyển động rời rạc quanh nhau như lá thu rơi xuống hồ nước. Mỗi cá nhân là một doanh nhân trong quan hệ giữa người với người. Họ đầu tư thời gian, mối quan tâm, tình cảm hay tiền vào người khác. Và chờ đợi giá trị cổ đông hay lợi nhuận từ người ấy. Nếu không có lãi, họ sẽ chia tay.

Tôi nhận thấy trong khi nói chuyện về tình yêu người ta hay dùng từ ngữ thông dụng trong kinh tế hay chính trị. Thay cho “chung sống” hay đơn giản là “tình yêu” thì người ta nói “quan hệ” - một khái niệm trong chính trị quốc tế. Tác giả bức thư cũng nói đến “lệch cán cân” là một từ trong nghiên cứu xung đột. Hoặc ta nghe lời khuyên “hãy thử tìm mặt lợi từ quan hệ đó.” Một lời khuyên khá kỳ khôi, khi người ta ngồi cạnh bạn gái người Campuchia trong một quán cà phê internet ở tận cùng thế giới.

Tôi viết toàn chữ in: “NÀY, ĐẦU ÓC CHỊ CÓ BÌNH THƯỜNG KHÔNG ĐẤY? CHỊ HƯỚNG DẪN TÔI CÁCH BỎ VỢ MÀ KHÔNG TỰ THẤY MÌNH LÀ MỘT KẺ KHỐN NẠN SAO?”

Phải tự thú nhận, những lời ấy vừa kém thông minh vừa thiếu tính chuyên nghiệp. Khi câu đó hiện trên mạng, có vẻ như là một phản ứng bột phát trong cơn cáu giận của tôi. Nhưng tôi đã suy nghĩ kỹ rồi mới viết. Giả sử tôi lý sự nghiêm chỉnh thì chẳng khác gì công nhận cách nói khinh mạn của tác giả bức thư về Sreykeo.

Vừa gửi lời đáp đi xong thì điện thoại réo chuông. Bây giờ thì chính Marc hỏi đầu óc tôi có bình thường không. Nói nghiêm chỉnh thì tôi lên mạng với tư cách tác giả viết cho Neon và trong mắt độc giả là một phần của ban biên tập - tôi không được phép quát tháo người đọc!

Trang mạng của Neon có chức năng gửi thư riêng cho người sử dụng. Tôi thấy ở đó nhấp nháy báo có một tin mới. Dòng chủ đề chỉ ghi tên họ của Sreykeo. Tôi giật mình vì hầu như không ai được tôi cho biết tên đầy đủ của cô. Tôi mở thư ra đọc.

“Tôi suy nghĩ rất lâu, liệu có nên viết không và liệu anh có muốn biết những gì tôi định viết ra không. Nhưng chuyện quá quan trọng để tôi gạt đi như một sự ‘tình cờ’ mà không hồi âm. Tôi quen Sreykeo trong chuyến du lịch qua Đông Nam Á. Tôi làm quen cô ấy trong hoàn cảnh tương tự như anh. Tôi còn ở một tuần nữa với cô, trong đó có 3 ngày cô ấy rất mệt và tôi đã chăm sóc cô. Tôi không biết nên xử sự ra sao. Tôi thấy mình phải có trách nhiệm, nhưng một lúc nào đó phải lên đường đi tiếp. Muốn giúp nhưng không biết cách nào. Về đến Đức tôi đã gửi tiền cho cô hai lần qua Western Union, sau đó không biết nên tiếp tục ra sao. Tôi hiểu là mình chẳng biết gì cả. Tôi thấy mình ngây ngô và muốn chấm dứt, dù có áy náy. Tôi không làm chủ và đánh giá được tình huống của mình nữa. ‘Liên lạc’ bỗng nhiên gián đoạn và tôi không tìm được cô ấy nữa. Về đến nhà, tôi mất ròng rã 4 tháng trời để ngộ ra là có thể cô bị HIV. Giờ thì tôi kinh hoàng khi biết sự thật. Việc anh làm là đúng và đáng nể. Tôi không biết có thể nói thêm gì nữa, vẫn còn bàng hoàng khi đọc về cô trong một tờ báo mà mới đây tôi còn không biết tên. Tôi ước được trò chuyện và muốn kết bạn với anh, cho dù nghe rất trái tai.”

Đó là Tim, du khách người Đức mà tôi đã chặn bắt được email. Tôi đọc tin này với nỗi sửng sốt của một người nhận ra là trên hành tinh này không có chỗ trốn nào cả. Anh ta không hề biết là tôi biết hết về anh ta - thậm chí cả số điện thoại của bố mẹ anh. Tôi cũng viết cho anh biết mọi chuyện. Tôi viết, tôi đã biết hết về anh và không muốn kết bạn. Không hay. Vì nói cho cùng thì anh không làm gì sai trái. Có lẽ anh đã khá dũng cảm khi viết email cho tôi. Nhưng tôi không hề có kỳ vọng lúc nào cũng làm điều hay. Trong phim thường có câu: ở một hoàn cảnh khác có lẽ chúng ta đã thành bạn.

Ngoài ra còn một tin nữa với dòng chủ đề là “Dự án viết sách.”

Hết chương 35. Mời các bạn đón đọc chương 36!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/38092


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận