Tôi hoàn toàn ảo tưởng rằng có lẽ ít người trong môi trường quanh tôi đọc bài này. Mấy ai biết đến tờ báo này, tôi nghĩ, ngoài vài mống sinh viên? Hôm nay tôi biết là hầu như ai cũng đọc. Kể cả bà chủ nhà tôi thuê. Thậm chí ngoài phố cũng có người bắt chuyện với tôi. Ở toà soạn thì đương nhiên ai cũng biết - chậm nhất là sau khi phó tổng biên tập có lời khuyến cáo trong buổi họp toàn thể.
Bài báo ra mắt gây ra nhiều biến đổi đồng loạt. Mới trước đó ba tuần hầu như không ai xung quanh tôi biết đến Sreykeo, còn những người đã biết thì tâm niệm rằng đó là một quan hệ lạ lùng, khó hiểu mà tôi chẳng may sa chân vào. Hai chúng tôi từng bị coi là “thằng khùng và con đĩ”. Giờ thì tình thế đột nhiên đảo ngược và chúng tôi được tôn lên thành hiệp sĩ của tình yêu - tuy vẫn là một cách nhìn hời hợt nhưng dễ chịu hơn cho chúng tôi. Vì bài báo này mà mẹ tôi biết về quá khứ gái làm tiền của Sreykeo, nhưng bà tiếp nhận tin đó một cách nhẹ nhàng bất ngờ. Tuy nhiên bà vẫn cho tôi biết trong một email là bà vui buồn lẫn lộn.
Tôi hỏi Sreykeo có ý kiến gì khi tôi kể lại chuyện hai chúng tôi trong một cuốn sách. Một nhà xuất bản đã ngỏ ý quan tâm. Lạ thay, cô cho đó là chuyện tự nhiên nhất trên đời và chấp thuận ngay. Michael, tổng biên tập Neon, khuyên tôi cộng tác với một công ty quản lý. Tình cờ anh quen một nữ đại diện. Giờ thì tôi vẫn là một thằng khùng nhẵn túi, nhưng ít nhất cũng có một quản lý.
Em có bao nhiêu anh chị em họ?
Nhân dịp sinh nhật bố, tôi về thăm bố mẹ và kể cho họ biết ý định cưới Sreykeo và sẽ làm đám cưới ở Campuchia. Bố mẹ tôi không bất ngờ lắm. Tôi nhớ là mẹ tôi thốt lên một câu tưng tửng, đại loại như “Được thôi, hiểu rồi.” Có lẽ bố mẹ tôi đã dự tính sự việc này từ lâu, và tôi tin họ vui mừng được biết sắp có chuyện gì xảy ra. Có vẻ gần như họ thấy nhẹ người. Tôi tặng bố cuốn Cú sốc văn hóa Campuchia.
Một thời gian dài tôi dự định xin thị thực cho Sreykeo về Đức cưới để được liên hoan cùng bạn bè. Nhưng ý tưởng đó sớm bị gạt đi. Thứ nhất vì sau khi cưới ở đây sẽ dễ xin thị thực đoàn tụ gia đình hơn là xin thị thực sang Đức kết hôn. Thứ hai, chúng tôi vẫn thích cưới kiểu truyền thống trước. Đối với Sreykeo, đám cưới quan trọng hơn thủ tục thành hôn ở phòng giá thú.
Cô là người Campuchia, và mặc dù tôi sống phần lớn thời gian ở Đức, cuộc sống chung của hai chúng tôi diễn ra tại Campuchia. Tôi phải bắt đầu tư duy như một người Khmer. Lúc đó cuộc sống của chúng tôi sẽ có một nền tảng mới, khi cô cảm thấy mình là vợ tôi. Và cô chỉ có cảm giác ấy khi xung quanh coi cô là vợ tôi. “Xung quanh” nghĩa là làng cô, chứ những người ở Phnom Penh không quan trọng. Thành phố chẳng qua là một chốn bất đắc dĩ để kiếm tiền, cuộc sống của cô diễn ra ở làng.
Theo quan điểm của người Campuchia, đám cưới đem lại hình thức nghiêm túc cho quan hệ giữa hai chúng tôi. Cho đến nay người ta vẫn coi tôi là người tình ngoại quốc mà Sreykeo chỉ chung sống để nhận tiền. Họ coi Sreykeo là bồ của tôi, là người mà tôi ngủ cùng và có thể cũng giúp đỡ nhưng không định kiến thiết một gia đình, do đó cũng không đáng được tôn trọng. Sau khi chúng tôi thành hôn theo kiểu Campuchia, vị thế của tôi trong mắt người làng cũng thay đổi. Họ sẽ nói: “Được đấy, hắn là Tây, những đã làm đám cưới theo kiểu dân mình và liên hoan cùng chúng mình.” Một chút xíu trong tôi sẽ thành người Khmer.
Nhưng còn một lý do nữa mà tôi thấy hầu như hệ trọng hơn tất cả: đám cưới của chúng tôi sẽ khéo léo đẩy bố mẹ tôi đến bước phải sang Campuchia. Hai chúng tôi đều coi trọng việc đó. Một ngày nào đó Sreykeo sẽ sang Đức và sống một thời gian cùng tôi ở nhà bố mẹ. Lúc đó họ sẽ là những sợi dây gắn kết quan trọng nhất của cô, và cô sẽ đối xử với họ như với bố mẹ đẻ. Có lẽ bố mẹ tôi sẽ không hiểu tại sao được cô gọi là “bố” và “mẹ”, kể cả sau khi đọc Cú sốc văn hóa Campuchia. Nhưng có thể họ sẽ hiểu ra sau khi chứng kiến bữa ăn của một gia đình Campuchia?
Cũng rất quan trọng để bố mẹ tôi hình dung được những gì Sreykeo không sao hiểu nổi. Châu Á như một trận đồ bát quái đối với người châu Âu, song châu Âu mới thực là mịt mùng kinh khủng đối với Sreykeo - một châu lục với những người già sống trong nhà dưỡng lão, và nơi cái bụng chửa thường bị coi là đòn ác của số mệnh!
Tôi đã nhiều bận thúc bố mẹ đi du lịch qua Campuchia, nhưng họ không muốn. Tôi cố giải thích cho họ thấy Campuchia không hề mạo hiểm như mọi người vẫn đồn đại. Nhưng bố tôi trả lời xanh rờn: “Vấn đề đâu phải là bố mẹ muốn xem những thứ đó nhưng không dám. Mà bố mẹ không muốn du lịch.”
Bố mẹ tôi khó có thể gọi là người ưa phiêu lưu. Họ thường nói: “Ờ, bà Zauner không ngại mấy chuyện đó, nhưng mình...” Bà Zauner là người hàng xóm vẫn cho mèo ăn khi bố mẹ tôi đi nghỉ ở vùng hồ của Mecklenburg. Bà ấy đã sang Campuchia và kể lại với bố mẹ tôi về “đất nước vô cùng tươi đẹp và con người vô cùng đáng mến.“ Nhưng chẳng ích gì, thậm chí ngược lại. Có lần mẹ tôi nói: “Mẹ nghĩ là ở đó nhộn nhạo lắm.”
Nhưng giờ đây tôi đã có một lý lẽ tuyệt đối áp đảo: “Nếu bố mẹ không dự đám cưới của con, con sẽ giận bố mẹ suốt đời.” Họ chấp thuận. Con cái cưới xin thì mình phải có mặt. Ngay cả khi, như họ nghĩ, phải trả giá bằng tính mạng mình!
Tôi không muốn vẽ một bức tranh lệch lạc về bố mẹ. Cả hai công tác tại một quận tầm tầm của thành phố và rất ham tìm hiểu các nền văn hóa lạ. Nhiều đồng nghiệp của họ là người Nga hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng họ ưa thấy các nền văn hóa lạ đến với mình - chứ không phải ngược lại.
Anh tôi, Tillmann, cũng về nhà dự sinh nhật bố. Sau bữa tối chúng tôi ngồi bên nhau và Tillmann giở cuốn Cú sốc văn hóa Campuchia ra đọc. Anh đọc to một đoạn mà anh thấy đáng chú ý: “Đám cưới ở thành phố là một sự kiện đắt đỏ. Muốn giữ vị thế khả kính của mình và nhất trí mời 35 mâm, bố mẹ của cô dâu chú rể phải chi khoảng 4.000 đô la.” Đơn vị đo quy mô đám cưới ở Campuchia là mâm. Đó là một bàn nhựa tròn màu trắng đã phổ biến khắp thế giới như loài gián hoặc chuột cống, đủ cho cho năm hay sáu người ăn, vậy tổng cộng là 200 khách.
Tôi suýt nghẹn. 4.000 đô la? Đó là con số vượt xa ngân quỹ của tôi hàng năm ánh sáng. Bố mẹ tôi phì cười. Tôi vừa ngạo nghễ tặng bố một cuốn sách để ông tìm hiểu thế giới bao la và học hỏi về một nền văn hóa lạ, giờ thì chính tôi lại là người kêu “đưa đây xem nào” và luống cuống giở ra đọc. Tôi đã hình dung ra một đám cưới như đang thành mốt ở Đức, nghĩa là có cái tên hoa mỹ “trong phạm vi nhỏ.“ Song rõ ràng người Campuchia mong đợi khác hẳn ở một đám cưới so với chúng ta. Bố tôi xông xênh mời: “Bố cho con mượn sách về đọc đấy.”
Quay về Hamburg, tôi gọi điện cho Sreykeo. Tôi nhất quyết phải bàn chuyện phí tổn đám cưới với cô. Cô xác nhận rằng một đám cưới trung bình ở thành phố có giá 4.000 đô la. Quá đắt. Chúng tôi cần mấy năm mới lo đủ số tiền ấy. Sreykeo cố trấn an tôi và giải thích, làm thế nào để một viên chức Campuchia với lương tháng vài chục đô la vẫn có tiền tổ chức đám cưới cho con trai, cho dù khoản chi ấy gấp mấy lần thu nhập cả năm của ông ta cộng lại.
Đám cưới được trang trải nhờ một hệ thống tương tự như có đi có lại. Mỗi khách đến ăn cưới phải đem theo quà mừng. Giá trị món quà đó được ghi chép lại cẩn thận vào một quyển sổ. Sau này, nếu khách đó hoặc con cái làm đám cưới, đôi vợ chồng sẽ phải tặng quà mừng tối thiểu cùng giá trị. Một áp lực tinh thần lớn là quà mừng ở dạng tiền mặt sẽ được đền đáp bằng số tiền tương đương. Ai không làm thế sẽ thành đề tài đàm tiếu cho cả làng. Người ta sẽ mất mặt và không bao giờ được mời đến ăn cưới nữa. Vậy thì không thể làm đám cưới “trong phạm vi nhỏ” được.
Vả lại, ở Campuchia người ta không làm đám cưới để nhận tờ chứng nhận kết hôn. Trong một xã hội không có tòa án thực thụ, các kiểu hợp đồng và giấy tờ ít nhiều chỉ là giấy lộn, do đó chẳng mấy ai cưới ở phòng giá thú. Người ta cưới để làng xóm ghi nhớ. Ký ức của làng xóm về lễ cưới là minh chứng cho cuộc hôn nhân. Người ta thà mắc nợ hàng chục năm chứ không chịu làm đám cưới “trong phạm vi nhỏ”.
Chúng tôi phải quyết định nên cưới ở thành phố hay ở làng. Theo tôi thì ở thành phố hay hơn - để bố mẹ tôi không phải về nhà quê. Họ sẽ ở khách sạn có máy lạnh, có vòi sen, có một phòng cho riêng mình - và khi cần sẽ có một bệnh viện gần đó. Chả là ở Campuchia xảy ra lắm tai nạn hơn ở Đức.
Còn nếu ở nhà quê thì họ phải ra giếng tắm, ở cùng gia đình Sreykeo trong một túp lều gỗ - tôi muốn tránh cho họ những trải nghiệm ấy. Tất nhiên cưới ở thành phố đắt hơn, bù lại thì chúng tôi được tặng nhiều tiền hơn. Nhưng nhà cô không ở thành phố, chúng tôi buộc phải quyết định cưới ở làng thôi. Mức thâm hụt tài chính sẽ ở trong khoảng tính toán được.
Giải quyết xong chuyện địa điểm, chúng tôi phải ấn định thời gian. Ở Campuchia không thể muốn cưới lúc nào là được. Sreykeo hỏi một ông thầy bói tử vi, ông ta so sánh ngày sinh của hai chúng tôi. Tôi sinh năm Dần, cô năm Tuất. Tôi nhờ cô nói lại cho ông thầy bói biết, nếu các sao cho thời điểm cưới vào đúng kỳ nghỉ lễ Phục sinh của bang Hesse thì tiện nhất - vì mẹ tôi là giáo viên. Ông nghe và phán đám cưới phải vào một ngày thứ Tư. Thời điểm cuối cùng có thể chấp nhận được là ngày 12/4, vì ngày 14 sau Tết theo lịch Campuchia bắt đầu mùa nực, vốn được coi là mùa khó chịu nhất trong năm. Đám cưới trong mùa này nhất định sẽ dẫn đến một cuộc hôn nhân không lành.
Chúng tôi gọi điện thường xuyên, và cô thông báo bản hạch toán ghi trong sổ tay: thuê dàn karaoke mất 55 đô la, in thiệp mời 40 đô la, ban nhạc hỉ chơi nhạc dân tộc Khmer đòi 40 đô la. 20 bàn, đồ ăn và dựng rạp tốn 500 đô la. Áo cưới và một nữ nhân viên trang điểm cô dâu chú rể giá 60 đô la. Hoa: 20 đô la, trang trí nội thất: cũng 20 đô la, hoa trên bàn ghi lưu niệm và xếp quà mừng: 5 đô la, bánh ngọt đám cưới: 65 đô la, bia lon: 200 đô la, thợ nhiếp ảnh: 75 đô la, mâm hoa quả làm quà tặng tượng trưng cho nhà vợ: 55 đô la. Tôi hỏi Sreykeo sẽ có bao nhiêu khách đến. “Cả nhà em, và tất cả các anh chị em họ,” cô đáp.
“Em có bao nhiêu anh chị em họ?”
“Em không rõ.”
Hay thật! “Trong phạm vi nhỏ” là thế đấy.
Tôi đã từng xem nhiều ảnh đám cưới ở Campuchia. Mỗi lần đến thăm nhà ai là bị ấn vào tay một album ảnh cưới của con gái hay con trai. Cô dâu luôn luôn được hóa trang đến nỗi không thể nhận ra nữa, ánh mắt chú rể như thể không nhìn vào ống kính máy ảnh mà nhìn vào họng súng. Tôi không rõ vì sao.
Thời điểm lại gần. Thiệp đã gửi đi. Khách từ Đức sang đã mua vé máy bay. Ngoài bố mẹ tôi còn anh Tillmann và Sascha. Sebastian tiếc là phải làm việc, và chị tôi cũng không thể đi vì phải trông con nhỏ.
Trước hôm lên đường tôi ngủ ở nhà bố mẹ. Ít nhất thì bố mẹ tôi cũng đã làm quen với ý nghĩ sắp sang châu Á. Bố tôi thậm chí còn nói là ông thấy khá vui.
Rồi anh sẽ thấy
Sáng sớm tôi một mình ra sân bay trong khi mọi người vẫn đi làm. Tôi đã chọn cho bố mẹ và Tillmann một chuyến bay muộn hơn và thoải mái hơn, chỉ phải đổi máy bay một lần ở Amsterdam. Sascha và tôi bay chuyến rẻ hơn, qua Kuwait. Cậu bị ngủ quên và hớt hải chạy tới quầy làm thủ tục bay, tóc tai bù xù, tay kéo một chiếc va li bìa cứng dễ đến 40 năm tuổi.
Chúng tôi bay đêm. Sascha ngáy khò khò bên cạnh, tôi thì không chợp mắt nổi. Tôi cố thở thật nhẹ, dồn không khí xuống bụng. Hít vào, thở ra, căng và thả cơ. Tưởng tượng ra một nơi mình thấy dễ chịu. Nhưng mấy bài tập dưỡng sinh không ăn thua. Tôi cứng người vì sợ.
Đầu óc tôi tưởng tượng ra hết thảm họa này đến thảm họa khác. Chủ yếu tôi sợ có chuyện gì xảy ra với bố mẹ. Chính tôi hồi về làng lần đầu tiên đã bị một trận thổ tả kinh hoàng nhất như người ta có thể hình dung ra được. Liệu bố mẹ tôi có bị không? Bố tôi vừa mổ khối u xong, bây giờ ông bay đến một nơi không hề có chăm sóc y tế. Một ngôi làng nhiệt đới, đầy những chó, gà, bò, lợn. Và loài vật này sẽ kéo thêm loài vật khác: rận, rệp, chấy, đỉa.
Biết đâu trong đám cưới lại có đánh lộn. Ở châu Á người ta đánh nhau không giống như giữa mấy người say ở quán bia Đức: hai thằng đàn ông đẩy nhau, thụi vào mặt nhau một, hai cú, một người phụ nữ xông vào can và hét “Thôi trò khỉ này đi nào!” Ở Campuchia không ai đấm vào mặt, không ai có tửu lượng tốt, nhưng ai cũng biết đánh nhau kiểu quyền cước. Kết quả sau mỗi trận đánh nhau là số người nằm lăn quay ra đó nhiều hơn số người khởi xướng ban đầu.
Hoặc bố mẹ tôi bị trấn lột? Chúng tôi là bốn người Tây ở một làng toàn những gia đình sống bằng 20 đô la mỗi tháng. Có thể ai đó bị quyến rũ bởi ý nghĩ ở đám cưới có nhiều tiền?
Nhưng ngay cả khi những trường hợp xấu nhất không xảy ra thì đơn giản có thể bố mẹ tôi không ưa Sreykeo? Hoặc hai bên vì lúng túng mà không vào mạch chuyện được với nhau? Đây không chỉ là đám cưới của tôi, mà còn là nơi hai cuộc đời của tôi đột ngột giao nhau và hòa làm một. Sự thực là trong hai năm vừa qua tôi là hai Benjamin: một ở Campuchia và một ở Đức. Sẽ có gì xảy ra khi hai người ghép vào làm một?
Nửa ngày sau chúng tôi gặp bố mẹ và Tillmann ở sân bay Bangkok. Tôi thấy họ tay kéo va li nhỏ, vừa từ tốn đi qua sảnh vừa thích thú ngó quanh. Chuyến bay xuyên lục địa đầu tiên của họ diễn ra suôn sẻ. Tillmann khoái trá kể: bố tôi phết sữa để uống cà phê lên bánh mì vì nhầm là xốt mayonnaise. Và khi máy bay hạ độ cao để xuống Bangkok, mẹ tôi bảo Tillmann: “Trông kìa, có nông dân trên ruộng lúa.” Để rồi một phút sau tự chữa lời: “Ồ không, đó là sân golf.”
Sreykeo đón chúng tôi ở cửa sân bay. Cuộc sống ở làng quê nhuộm da cô đen hơn thường ngày vốn đã không trắng. Cô nói: “Chào mẹ, chào bố!” và chào mẹ tôi đầu tiên với hai tay chắp lại trước trán. Mẹ tôi mỉm cười: “Chào Sreykeo” và vụng về đáp lại động tác chào. Sreykeo nắm tay mẹ. Sau đó cô chào bố tôi. Một giọt nước mắt chảy xuống má, cô quay sang tôi và chùi đi, như mỗi lần khóc. Ai đó hỏi chúng tôi có cần taxi không.
Khi đẩy xe chở va li qua bãi đỗ, tôi xây xẩm mặt mày. Bố mẹ tôi và Sascha đi bên trái tôi, Sreykeo bên phải. Hai thế giới song song bỗng giao nhau. Những gì tôi nhìn thấy có thật không? Sascha vỗ lưng tôi: “Mọi việc đơn giản đến dễ chịu nhỉ?”
Bố mẹ tôi hòa nhập vào châu Á nhanh hơn chính họ tưởng. Họ không để bị ai thúc giục, làm gì cũng khăng khăng từ tốn theo ý mình, nhưng lúc nào cũng tươi cười và lịch sự. Kỳ thực đó là toàn bộ chìa khóa thành công ở châu lục này. Họ và Sreykeo cũng hiểu nhau cực kỳ. Đã có lúc họ hỏi chúng tôi có muốn dành chút thời gian cho nhau, thay vì suốt buổi quanh quẩn bên bố mẹ. “Time for yourself” (thời gian dành cho bản thân) lại là một khái niệm quá Âu mà Sreykeo không hề biết. Trước khi tôi kịp đáp, cô đã trả lời “Chúng con muốn ở bên bố mẹ.” Tựa như cô hy vọng tìm được người bố người mẹ mà cô chưa bao giờ có.
Việc đầu tiên mà họ học được từ Sreykeo là cách mặc cả. Chúng tôi vào Sorya, một trung tâm mua bán có mái vòm lát gương trông rất lạc lõng. Mẹ tôi định mua một chiếc váy hồng cho cháu gái, bà bán hàng đòi mười lăm đô la. Mẹ tôi đã thò tay lấy ví nhưng Sreykeo lấy áo khỏi tay bà và thốt ra một câu kinh ngạc: “Cái váy này giỏi lắm là chín đô la.” Cô vừa nói vừa nhìn nó với ánh mắt khinh mạn, tựa như chưa bao giờ thấy thứ đồ xấu xí như vậy. Bà bán hàng quyết không chịu, nhưng rồi cũng hạ giá xuống mười hai đô la. Sreykeo ném một cái nhìn ngán ngẩm và treo váy trở lại móc rồi rảo cẳng đi tiếp - tuy không quá xa để còn nghe được bà bán hàng gọi với theo câu chào mời lần cuối. Bà kêu mười một, rồi mười, rồi chín đô la. Giờ thì Sreykeo quay lại và cười toe toét khi đem cái váy cho mẹ tôi.
Sascha nhận xét: “Cậu may mắn có được một người thạo tiền nong.” Mẹ tôi cũng rất ấn tượng. Sreykeo chăm sóc gia đình chồng chưa cưới và biết giữ tiền - chẳng phải đó là những tiêu chí cơ bản đặt ra cho một con dâu thảo hay sao?
Hôm sau chúng tôi nhồi nhét nhau vào một chiếc Toyota Camry méo mó để về làng. Mọi người hỏi tôi ở đám cưới làm những gì, và tôi phải nhắc đi nhắc lại là tôi cũng chẳng biết gì hơn họ. Nếu tôi hỏi Sreykeo thì cô đáp: “Rồi anh sẽ thấy, rồi sẽ thấy.”
“Hiểu rồi, nhưng anh muốn biết ngay cơ.”
“Ôi, em không biết kể bằng tiếng Anh ra sao.”
“Thôi được, thử giải thích cho anh biết.”
“Anh mở sách ra mà xem.” Cô ám chỉ cuốn Cú sốc văn hóa Campuchia. Chương nói về đám cưới trong đó viết cụ thể nhưng tương đối ngắn.
Taxi rẽ khỏi đường quốc lộ trải nhựa, đi xuống một lối mòn đá ong. Đầu chúng tôi lắc lư theo nhịp ổ gà. Xe đỗ trước nhà Omm Thom, bác gái của Sreykeo. Không những làm trưởng họ, bác còn là người giàu nhất gia đình, nhà bác có điện, máy thu hình, đầu VCD và quạt máy. Bác dành cho bố mẹ tôi một giường khách trong góc chái bếp, đối diện thềm xi măng kê hai nồi đất bốc hơi lục bục. Giường có màn chắn với diện tích còn lại. Tillmann và Sascha sẽ ngủ trên chiếu trải dưới sàn gỗ.
Omm Thom là người thân thiện nhưng khá bủn xỉn, trước đó phải khó khăn lắm mới thuyết phục được bác cho bố mẹ tôi đến ở. Nhưng không thể khác: bác là người duy nhất trong gia đình có phòng tắm lát gạch men. Khi tắm phải lấy gáo múc nước từ một bể xi măng chứa nước mưa và dội lên người. Trong phòng tắm có cả bồn vệ sinh. Các nhà khác quấn khăn quanh người ra tắm ở giếng và giải quyết chuyện vệ sinh sau bụi cây. Tôi không muốn bố mẹ phải thử.
Chưa quên vụ đau dạ dày ngày trước, tôi dặn Sreykeo cúng thần Neak Ta một con gà. Cô lấy vài cây nhang, khấn và hứa với Neak Ta sẽ dâng một con gà luộc nếu thần phù hộ gia đình tôi trong đám cưới. Suy ngược lại có nghĩa là: nếu có ai đó bị ốm thì sẽ không có gà. Sreykeo là người thực dụng mà.
Sascha, Tillmann và bố mẹ tôi trước tiên phải làm quen với cuộc sống trong một gia đình Campuchia. Các con gái của Omm Thom trải chiếu xuống đất và dọn đồ ăn. Nhưng bố mẹ tôi đâu có biết ngồi bệt. Hai người thử ngồi xếp bằng tròn, chẳng mấy chốc ê xương. Ngồi quỳ thì lại phải chống một tay, không ăn được. Như mọi người Âu, bố mẹ tôi không biết xếp cẳng vào đâu.
Tillmann luôn miệng hỏi: “Làm thế này có ổn không? Ngồi xuống đây được không? Thế này đúng chưa?“ Anh hay lo lắng phạm phải một quy tắc nào đó mà anh chưa quen. Sascha lọ mọ đi khắp nhà tìm một thứ gì tương tự như thùng rác, cho đến khi Omm Thom phì cười và quẳng bao thuốc rỗng của cậu qua cửa sổ.
Ăn xong chúng tôi đi dạo. Giả sử gia đình tôi vận bộ đồ phi hành gia của NASA thì cũng không gây chú ý hơn. Trong một thoáng, tôi ngắm bố mẹ như lưu lại một bức ảnh: xăng đan da, áo sợi bông, đằng sau là làng xóm - và bỗng nhận ra sự dị biệt khủng khiếp giữa phương Đông và phương Tây. Ở đây tất cả là gỗ, đất, tro. Nắng và mưa thế chỗ nhau liên tục cộng với gió cuốn bụi đỏ từ đường mòn thổi vào làng đã phủ lên tất cả một lớp rêu phong. Bố mẹ tôi lò dò từng bước một để tránh giẫm phải vũng bùn, cứt bò hay một chú gà con, trong lúc một bầy trẻ ranh ầm ĩ chạy chân đất vượt lên trước. Người làng ngừng tay làm việc nhìn theo khi chúng tôi đi ngang qua. Nhiều người móm mém, vài người cụt tay. Hai con trâu kéo chiếc xe từ từ diễu qua trước mặt chúng tôi tựa như muốn nhấn mạnh cho chúng tôi biết đã xa nhà đến chừng nào.
Mẹ Sreykeo tiến đến và ngượng ngập chào bố mẹ tôi. Bà gọi họ là “Madame” và “Monsieur” và cố nói mấy câu tiếng Pháp bập bõm mà bà còn nhớ từ trước thời Khmer Đỏ lên cầm quyền. Bà đã chuyển khỏi căn hộ ở La Building và hiện sống trong một túp lều gỗ nhỏ xíu chỉ khoảng vài mét vuông, dựng trên khoảnh đất ngay cạnh miếng đất của chúng tôi. Bốn vách làm bằng lá cọ bạc thếch, mái tôn sóng, cột gỗ đầy kiến và thằn lằn làm tổ. Trên ba cây cột có đánh dấu chữ thập bằng phấn - đã có ba người chết ở đây.
Mấy tháng trở lại đây mẹ Sreykeo đã thay đổi cơ bản, bà bỏ hẳn vẻ mê muội và cau có. Bà mỉm cười. Buổi tối tôi thấy bà múa, nắm tay Rottana chỉ quấn mỗi miếng tã trên người. Con bé rú lên sung sướng khi được xoay vòng. Ở đây tôi học được một điều: nếu có thứ gì thay đổi được con người thì đó là một mảnh đất của riêng mình.
Bố Sreykeo ngồi trên ghế băng trước nhà. Tôi đã thấy mặt ông một lần. Ông sống gần Kompong Chnang cùng bà vợ hai trong một túp lều con con bằng tre, lá cọ và tôn, trên một mảnh đất phù sa bồi cạnh sông. Cứ đến mùa mưa lại phải nhờ mấy người đàn ông khiêng đến chỗ khác. Ông kiếm tiền bằng nghề cắt tóc.
Ông chào bố mẹ tôi với một nụ cười không ra tiếng, tay cầm một điếu thuốc lá Alain Delon. Ông bị tàn tật từ nhỏ, chứng bại liệt làm chân ông teo tóp và cứng ngắc. Muốn mua giày thì ông phải ra hàng giày trẻ con ngoài chợ. Hầu như ông không đi lại được. Ông tựa lên cây nạng bằng tre kẹp dưới nách, đẩy một chân lên trước, cắm nạng xuống đất rồi lê chân kia theo như một khúc thịt chết. Cơ thể tàn tật của ông tương phản một cách kỳ lạ với khuôn mặt cởi mở và đều đặn.
Sascha hỏi xin ông một điếu thuốc. Cậu đội chiếc mũ trắng và đeo cặp kính râm gọng vàng lên cho ông - trông rất hợp. Bây giờ trông ông như một nghệ sĩ nhạc jazz ở New Orleans hồi thập kỷ năm mươi. Ai đó chụp ông bằng máy ảnh số và chỉ cho ông xem bức hình. Mọi người gật đầu ra hiệu là trông ông thực sự ăn ảnh. Rõ ràng ông cũng đồng tình. Ông mỉm cười với Sascha, vớ cây nạng và tập tễnh đi mất, mang theo cả kính râm và mũ. Sascha biết là sẽ không thấy lại mấy đồ ấy, nhưng cậu hài lòng. Đơn giản là bố Sreykeo dùng hợp hơn.
Bố mẹ tôi ngạc nhiên vì sự chú ý của cả làng. Mọi người liên tục quan sát họ, xì xầm về mỗi cử động và im lặng rút ra kết luận. Ví dụ như mẹ tôi chắp hai tay trước bụng khi đi trong làng. Có thể đó là một động tác khá lúng túng vì bà không biết giấu tay vào đâu. Một bà còng nhìn thấy và hỏi Sreykeo: Có phải mẹ tôi bị đau bụng?
Gia đình Omm Thon nhận thấy bố mẹ tôi ngồi bệt một cách khó nhọc trong bữa ăn. Hôm sau chúng tôi ăn ở một gia đình khác, họ đã kiếm được một bàn gấp và bốn ghế - thông tin về những người Đức không biết ngồi bệt đã bay khắp làng. Người ta cũng nhận ra chúng tôi thích ăn gì và không thích ăn gì.
Tôi lựa ra ba cậu em họ lực lưỡng của Sreykeo để họ canh chừng bố mẹ tôi và đêm đến bắc võng ngủ dưới nhà. Mỗi lần bố mẹ tôi ra khỏi nhà lại có thêm ngay một cậu nữa chạy đến và mỉm cười ngượng ngập đi cạnh họ. Bố mẹ tôi cảm thấy được bảo vệ một cách kín đáo.
Tôi sửng sốt thấy họ hòa nhập nhanh, nhất là mẹ tôi. Tôi chưa quên kỳ nghỉ ở Thụy Điển, nơi tâm trạng cả gia đình bị ức chế chỉ vì màn che buồng tắm hay nền nhà bê tông có vết mốc. Mẹ tôi luôn nói: “Không, không thể tin được, biết thế thì tôi đã chẳng đến đây.” Bây giờ, khi buồng tắm bị khóa và mẹ tôi không muốn đánh thức ai dậy thì bà tắm đêm ở giếng, bằng thứ nước có bọ gậy bơi loăng quăng trong đó.
Chúng tôi sẽ cưới trong nhà Omm Chan, đây cũng là chỗ ngủ đêm của Sreykeo và tôi hồi chúng tôi về làng lần đầu. Một nghi thức P 3f9 hật giáo được cử hành vào buổi chiều trước ngày cưới, và em trai Sreykeo - bây giờ đã là nhà sư - sẽ về. Tôi nóng lòng đợi xem có gì xảy ra, song cả nhà ông bác vẫn chơi bài trong nhà. Con bò gặm cỏ, một con lợn dũi mõm vào đống rác. Chẳng có gì báo hiệu là trong mấy tiếng tới đám cưới Campuchia vĩ đại và khó quên của tôi sẽ diễn ra. Tôi hỏi Sreykeo: liệu đã nên dựng rạp, hoặc tôi cần làm việc gì? Cô chỉ nói: “Hôm nay anh như vua. Anh mặc đồ như vua. Anh không việc gì phải động tay động chân. Mọi người sẽ làm tất cả cho anh.” Được thôi, nhưng đám cưới diễn ra ở đâu? Tôi không thấy rạp hay bàn ghế. Câu trả lời của cô không làm tôi bất ngờ: “Rồi anh sẽ thấy!”
Hết chương 37. Mời các bạn đón đọc chương 38!