Đột ngột tất cả chuyển động. Một chiếc xe tải đi tới và dỡ cọc dựng rạp xuống. Bỗng dưng ai cũng có việc, tựa như tất cả vừa chui dưới đất lên, khuân vác đủ thứ chạy tới chạy lui, kéo dây điện, trải bạt. Bác Omm Chan của Sreykeo chạy đi chạy lại, người quấn một chiếc khăn rằn như mọi khi, tay trái chống sườn, tay phải vung lên chỉ huy mấy đứa con trai.
Tối trước hôm cưới, lúc Sreykeo vừa chạy khỏi thì mẹ cô tìm đến tôi. Tôi cũng không rõ vì sao mỗi lần xin tiền là bà có một dáng điệu dễ nhận: bà tiến lại gần, nói rất nhỏ nhẹ, gần như cầu khẩn, tuy tôi không tránh được nghi ngại rằng ẩn sau đó là một sự tính toán. Kể ra bà cứ thay đổi điệu bộ thì tôi cũng bớt nghi.
Bà đặt tay lên vai tôi và nhờ một người Khmer biết tiếng Anh dịch hộ là bà cần 100 đô la. Bà nói, bà cần chỗ tiền đó để mua mấy thứ lặt vặt chuẩn bị đám cưới. Tôi thấy số tiền 100 đô la quá lớn và quá chẵn. Tại sao bà không hỏi xin 30 hay 70 đô la? Thay vào đó, bà muốn thấy hình ông Benjamin Franklin trên tờ 100. Tôi hầu như chắc chắn rằng bà nói dối.
Một cảm giác tức giận bất lực, khi ta biết bị nói dối mà không chứng minh được. Vậy thì tôi đưa bà tiền. Tôi thoáng suy nghĩ có nên khai thác hoàn cảnh này, nhưng có thể tính đa nghi của tôi vô căn cứ, và nó cũng đã thay đổi đôi chút kể từ khi tôi mua đất và cưới Sreykeo. Tôi nhờ nói lại, bà nên chi tiêu căn cơ và ghi lại những khoản chi, tiền thừa thì trả lại tôi sau đám cưới.
Giữa đêm có người lay cửa. Tôi nhìn lên màn hình điện thoại: ba giờ đêm, trời còn tối mịt. Cô con gái đầu của Omm Chan đợi bên ngoài và gọi Sreykeo sang nhà để trang điểm. Tôi nghe tiếng máy phát điện chạy rùng rùng để cấp điện cho mấy tuýp đèn trong rạp cưới. Côn trùng bay như những đám mây dày đặc quanh đèn. Cạnh rạp là mấy đám lửa đốt trong thùng phuy cưa đôi. Sreykeo đưa cô ta tiền đi chợ mua thịt lợn rồi ngái ngủ lên cầu thang, nơi các thợ trang điểm và làm tóc đợi sẵn. Tôi cũng chẳng hiểu họ làm việc gì mà phải dậy hai tiếng trước khi trời sáng.
Lúc tôi dậy thì đã thấy xung quanh tấp nập người khuân vác bia lon, ghế, vòng hoa. Tôi đi lùng cà phê nhưng không kết quả vì ngôn ngữ bất đồng. Vắng Sreykeo nên không ai phiên dịch cho tôi cả. Sau đó bố mẹ tôi, Tillmann và Sascha cũng xuất hiện. Bố mẹ tôi bị xua về phòng ngay để mặc đồ lễ.
Sascha và Tillmann là phù rể của tôi. Trong đám cưới kiểu Campuchia, chú rể và cô dâu mỗi người có ba trợ lý trong suốt buổi lễ. Phù rể của tôi phải là các bạn Đức. Chúng tôi được gọi vào nhà để thay đồ. Tôi cố cưỡng lại vì chưa có cà phê. Tôi nghiện cà phê, chưa được ngụm nào là tôi sinh cáu bẳn. Nhưng thời gian biểu không cho phép đợi, vì trời sẽ quá nóng để làm đám cưới.
Không thể nhận ra bên trong ngôi nhà nữa. Sàn nhà lấm lem được trải kín thảm màu và chiếu, những bức tường xám xì ẩn sau ván gỗ, lá cọ và rèm xanh lấp lánh kim tuyến, các cột nhà quấn đầy hoa nhựa. Tôi bị kéo vào một phòng nhỏ dùng làm nơi trang điểm.
Ở đây ngự trị một không khí chuyên nghiệp như trạm kỹ thuật trong vòng đua Công thức 1. Vừa vào đến nơi thì có người ấn vào tay tôi một chai nước, một người khác phe phẩy quạt, một cô gái mở khuy sơ mi, một cô khác chải đầu, còn cô thứ ba cắt móng tay. Sreykeo cũng ở trong phòng. Cô ngồi trên giường và trông lạ mắt hẳn. Người ta chải vống một phần tóc cô lên để tạo độ phồng, phần còn lại được uốn thành các lọn xoắn phức tạp. Khái niệm “đẹp” vốn mang nặng tính chủ quan, vì vậy khó áp dụng cho hoàn cảnh này. Có lẽ nên nói đến tính “nghệ thuật” thì hơn. Mặt cô đánh phấn trắng lốp, trông tròn và dẹt như mặt trăng. Lông mày được tỉa thành hai cánh cung mỏng dính, hàng mi phủ đặc phấn. Trông cô hoàn toàn khác hẳn.
Cô chỉ tay lên tóc tôi và nói: “Phải chải tóc anh ép xuống.” Ừ, cứ thử xem, tôi nghĩ. Hồi ấy tóc tôi xoăn tít, gần như người châu Phi. Ngày hôm đó đem lại một bài học mới cho tôi: không có tóc quá cứng, chỉ sợ xịt quá ít gôm. Sreykeo đưa tôi gương sau khi làm tóc xong: quả thực mấy cô gái đã thành công rẽ ngôi được tóc tôi. Tôi gõ gõ lên mái tóc bê tông và thấy nó giống một cái nồi úp lên.
Rồi tôi thấy Tillmann và Sascha trong bộ com lê xám, sơ mi trắng, cà vạt xanh dương. Cả hai cũng rẽ ngôi. Trông như hai tên mafia Ý ở Chicago vào thập kỷ 1920.
Đúng ra tôi phải cùng bố mẹ và phù rể đi từ nhà mình đến nhà cô dâu để rước dâu. Nhưng chúng tôi đến từ nửa kia quả đất, vì vậy phải ngẫu hứng. Chúng tôi tập trung ở một bãi cỏ, nơi hằng ngày bò gặm cỏ và trẻ con chơi bóng chuyền.
Ở đó tôi gặp anh phó nháy lần đầu tiên, từ tận Phnom Penh về với giá 75 đô la để chụp đám cưới. Để mọi người nhận diện thợ nhiếp ảnh, anh mặc quần bò, sơ mi và áo gi lê vàng in chữ Nikon. Anh chạy đi chạy lại, điều khiển mọi người đến vị trí thích hợp - trông đúng là đạo diễn của cả sự kiện. Nụ cười của anh toát ra vẻ cởi mở nhẹ nhàng của thanh niên châu Á. Giá vào ngày thường chúng tôi có thể làm thân, nhưng hôm nay thì không được: anh là đạo diễn đám cưới.
Anh chụp nhà tôi một tấm: tôi đứng giữa, tay khuỳnh khuỳnh giữ một cây gươm chuôi tre, một mắt nheo nheo vì nắng. Bố mẹ tôi đứng hai bên, mỗi người cầm trên tay một hộp bằng bạc. Trước chúng tôi là hai đứa trẻ ăn mặc sặc sỡ. Tận cùng bên phải và bên trái là các bé gái cầm hoa. Hàng sau là Tillmann và Sascha trong com lê xám, mỗi người giương một cây ô vàng che cho tôi. Sascha ngậm một điếu thuốc bên mép. Đúng lúc đó mẹ tôi thì thào: “Nhiệm vụ của bố mẹ ở đám cưới là gì?” Và tôi chỉ biết đoán mò: “Chịu. Có lẽ cầm một chiếc hộp thiếc ngớ ngẩn đứng phơi nắng.”
Có thể nói là ở Campuchia làm đám cưới chỉ để có một album ảnh. Đa số các cặp thành hôn không có chứng chỉ, do đó album thay cho giấy chứng nhận kết hôn. Người ta được coi là vợ chồng sau khi trải qua vô vàn nghi lễ truyền thống - và nhất cử nhất động được ghi lại như một bằng chứng ở dạng ảnh. Nghĩa là trong ngày hôm đó chúng tôi phải mỉm cười chừng 100 lần cho anh phó nháy. Tôi biết tương đối chắc vì chỉ cần đếm lại số ảnh trong album. Đó là một cuốn sổ to, dày cộp, bìa hồng. Bên trong là những tấm hình lồng vào túi nylon. Sreykeo đút vào mỗi túi một nhúm bông nhỏ để ảnh không dính chặt vào nylon trong không khí nhiệt đới nóng ẩm. Một số hình được phó nháy dùng phần mềm xử lý ảnh để thực hiện lời chúc cho đôi uyên ương - anh dùng “cắt và dán” để tạo ra đủ loại cảnh nền. Khi thì chúng tôi đứng trước cầu Cổng Vàng, lúc thì đứng trước biệt thự, lại có khi thấy chúng tôi trên màn hình laptop. Tôi thích nhất hình hai chúng tôi ghép lên giường khách sạn xa xỉ, thậm chí chúng tôi xuất hiện cả ở tranh trên tường.
Chỉ có những hàng chữ tiếng Anh đè trên vài tấm hình làm tôi bối rối. Có lẽ anh phó nháy đã tìm ra trong ổ cứng những câu nào chứa chữ “love” (“tình yêu”) hay “wife” (“vợ”) nhưng không biết ý nghĩa của chúng. Có một dòng chữ là: “Love is sweet, revenge is even better” (“Tình yêu ngọt ngào, nhưng báo thù còn thích hơn”) hoặc “A good husband should be deaf, a good wife should be blind” (“Chồng điếc là chồng tốt, vợ mù là vợ hay”).
Bìa album là hình hai chúng tôi. Sreykeo mặc áo dài xanh lam pha xanh lá cây thêu kim tuyến, cài bờm và hoa phong lan trên tóc. Tôi chải rẽ ngôi, mang đồ vàng óng và buộc dây lưng vải. Lần này thợ nhiếp ảnh ghép hình chúng tôi lên trước phế tích Angkor Wat lấp lánh đèn, bên dưới là tên hai chúng tôi viết bằng tiếng La tinh và tiếng Campuchia. Chắc anh ta không rõ tên tôi viết thế nào nên phải ngẫu hứng - tôi đột nhiên có tên mới là “Pen Chamin Phuyfveu”. Mắt tôi trông như hai quả nho khô và nụ cười khá gượng gạo.
Campuchia là xứ cực nóng, dạo đó cũng gần là mùa nóng nhất của năm và sắp sửa vào thời điểm nóng nhất trong ngày - chúng tôi đứng dưới mặt trời lên tới đỉnh đầu và phải mỉm cười trong lúc mồ hôi làm chảy lớp phấn của Sreykeo và rỏ xuống lưng tôi. Còn tôi vẫn chưa được ngụm cà phê nào. Thợ ảnh hô “cười lên nào!” và “muay, pii, bey!” - một, hai, ba. Tôi vắt óc nghĩ ra một kiểu tra tấn thật chậm cho anh ta và rồi cũng nặn ra được một nụ cười.
Sau khi chụp xong ở bãi bóng chuyền chúng tôi về nhà Omm Chan. Đội hình luôn bị tách rời nhau ra để tránh vũng bùn và cứt bò. Đi trước chúng tôi là một ban nhạc dân gian chơi trống và nhị. Một lần tôi quay nhìn lại và giật mình: sau chúng tôi có đến một trăm người, ai cũng ăn mặc bảnh bao, một số bưng mâm hoa quả. Tôi không biết là có nhiều người đi nối đuôi như vậy, tôi nghĩ bụng có lẽ họ đều là anh chị em họ của Sreykeo.
Tiếp đến là sự kiện giống một vở nhạc kịch hơn là một đám cưới trong mắt người Âu, đó là cuộc ma ra tông nghi lễ kéo dài suốt ngày: vào phòng, uống một ngụm nước, thay đồ, trang điểm lại, ra dự nghi lễ tiếp theo.
Lúc hai chúng tôi đeo vòng hoa lên cổ và tôi trao cho cô thanh kiếm thì tôi mặc com lê xám, cô khoác áo dài màu cam kim tuyến và đội bờm. Sau đó đến thủ tục mỗi người khách cắt một lọn tóc của cô dâu và chú rể; lúc ấy tôi mặc áo quân phục kim tuyến và quần thụng xanh dương, cô mặc áo dài xanh kim tuyến, quần thụng xanh dương và cài phong lan trên tóc. Rồi lại thay đồ. Tôi chui vào chiếc áo choàng màu da cam dài chấm đất, còn cô vận áo dài đỏ, đội vương miện.
Nghi lễ cũng thể hiện sinh hoạt trong một gia đình Campuchia. Sreykeo rửa chân tôi - vợ phải phục tùng chồng. Sau đó tôi đưa cô một tờ 20 đô la, có ý là chồng phải nộp tiền cho vợ, vợ quản lý tài chính và chỉ cho chồng vài đồng tiêu vặt. Sreykeo trao lại một thứ gì cứng cứng quấn trong lá cây. Tôi ngơ ngác nhìn cô và cô chỉ tay vào mồm. Vậy thì tôi đút vào mồm và bắt đầu thận trọng nhai. Chợt mọi người trong phòng la lên “Không!” khiến tôi vội nhổ ra. Trong lá cây có vôi và cau, chứng nhận tôi đã làm chồng và có quyền nhai trầu.
Cao điểm là thủ tục buộc cổ tay. Chúng tôi quỳ cạnh nhau, đặt cánh tay lên một chiếc gối rất đẹp, lòng bàn tay ấp vào nhau như cầu nguyện.
Tôi nhìn lên Archat. Đó là một trong các vị bô lão thông thái được cả làng kính trọng. Ở chùa, họ là người trung gian giữa các nhà sư và người dân thường. Ông là một người nhỏ thó, ngón tay dài và khô, đeo kính gọng sừng, tóc lơ thơ chải lật lên đầu hói. Nhưng cơ thể mảnh khảnh của ông không hề ảnh hưởng đến tư thế trầm lặng mà rất quyết liệt. Riêng sự hiện diện của ông đã làm một người nể sợ. Ông ngâm một bài bằng tiếng Pali, giọng không hề lên xuống hoặc đổi tốc độ.
Tất cả mon men lại gần để nhìn cho rõ.
Ai cũng lom khom tiến lại, hai người một, họ đặt chút tiền vào tay rồi buộc một sợi chỉ đỏ quanh cổ tay chúng tôi. Hai người đầu tiên tất nhiên là bố mẹ tôi. Mọi người vỗ vai, thì thầm một câu thân thiện hoặc nháy mắt véo vào bắp tay. Tất nhiên ai cũng được chụp ảnh.
Không khí trang trọng và nghiêm túc nhưng không mang vẻ ép buộc. Mọi người nói át tiếng nhau, khen chúng tôi mặc đồ đẹp, dạy bảo gì đó hoặc nói một câu quen thuộc. Trẻ con từ phía sau xoa bóp cẳng chân tê dại của chúng tôi. Một đứa lợi dụng tình hình cù vào gót tôi rồi cười phá lên chạy mất. Tôi liếc mắt thấy Omm Chan, hôm nay ngoại lệ không quấn khăn quanh hông mà mặc quần và dĩ nhiên luôn bận bịu: đưa cây quạt sang chỗ khác, chỉnh lại vòng hoa bị lệch.
Sau đó Archat cầm kiếm và xoay đi xoay lại trong tay, vung một vòng, chém vào không khí với vẻ lanh lợi bất ngờ. Mọi người mê mải xem như chứng kiến người thổi sáo gọi rắn. Archat chìa chuôi kiếm cho chúng tôi, ấp tay chúng tôi lên đó, rồi ông vẩy nước thiêng lên người chúng tôi.
Mọi người chuyền tay nhau một ngọn nến, ai cũng hơ tay thoáng qua ngọn lửa, sau đó Archat thổi tắt nến để chúng tôi hít khói vào phổi. Tất cả tung hoa lên đầu chúng tôi.
Đó là khoảnh khắc tôi thấy thanh thản trong người: chúng tôi đã xong bước cuối cùng. Nhiều năm sau tôi vẫn không rõ nhiều mẩu sự kiện nho nhỏ ấy có hợp lại thành một câu chuyện ý nghĩa hay không. Tôi không rõ quan hệ chúng tôi có quyền tồn tại hay không. Dĩ nhiên đám cưới chỉ là một biểu tượng - nhẫn không tạo ra tình yêu và bánh ngọt không làm người ta thành vợ chồng. Thực tế chúng tôi đã cảm thấy là vợ chồng từ khi lập bản thỏa thuận. Giờ thì ai cũng được thực mục sở thị. Người ta cần biểu tượng để nắm bắt được một sự hiển nhiên. Tôi nên nói thế nào nhỉ: đó là một khoảnh khắc đẹp.
Sau nghi thức ấy chúng tôi đứng dậy, Archat đưa Sreykeo một bát cơm và thanh kiếm. Tôi nắm chặt dải lụa quanh eo cô. Chuyện này tôi đã đọc trong Cú sốc văn hóa Campuchia: đây là cử chỉ thể hiện việc tổ tiên người Khmer bám vào công chúa của Rắn Rồng để sau đám cưới đi xuống vương quốc của Thần Rắn dưới đất. Thực ra cô phải đưa tôi tới khuê phòng, nhưng chúng tôi chỉ có chái nhà nhỏ xíu ngột ngạt này.
Tôi áp người lên lưới bảo vệ của cây quạt và hỏi: “Còn gì nữa?“
Cô đáp: “Mình thay đồ.” Thay đồ lần thứ năm? Tôi cười gượng gạo, cứ tưởng là cô kể chuyện tiếu lâm.
Chưa đầy mười phút sau tôi đứng dưới nắng chiều trong bộ com lê màu kem và thắt cà vạt. Sreykeo mặc áo dài xanh lam và cài trên tóc bông hoa đỏ mà lúc sáng tôi găm trên áo vét. Phó nháy lại hô: “Cười nào! Muay, pii, bey!”
Giờ thì tôi đã hiểu ra vì sao chú rể trên các bức ảnh mà tôi từng được xem lại trông như con bò đứng trước lò mổ: đơn giản là họ đã rã rời kiệt quệ tinh thần.
Sau đám cưới Khmer truyền thống là tiếp đến một đám cưới nho nhỏ kiểu Tây. Người ta đặt một bàn trong rạp, trên đó là chiếc bánh ngọt khổng lồ màu trắng, cao ba tầng, nối với hai bánh nhỏ bên cạnh bằng hai cây cầu cong cong. Trên đỉnh là một đôi uyên ương kiểu Tây bằng nhựa.
Chị Sreykeo nói vào mic và người yêu cô ta dịch sang tiếng Anh cho nhà tôi nghe. Rồi anh nói với mẹ Sreykeo và dịch lại: “Mẹ rất hạnh phúc thấy con gái mình thành hôn và xin thứ lỗi những gì sơ suất.” Sau đó anh ta quay qua tôi và hỏi: “Hai em làm quen ở đâu?” Tôi mệt đến nỗi chẳng buồn suy nghĩ: “Heart of Darkness.” Anh nhanh trí cứu nguy tình thế, quay sang đám đông và hô: “Ở Phnom Penh!” Chúng tôi phải hôn nhau, và đám đông hét “muay tiat, muay tiat!” - lần nữa, lần nữa!
Cuối cùng là màn thổi tắt nến trên bánh ngọt, đồng thời hai chúng tôi ước một điều gì. Sau này tôi hỏi Sreykeo ước gì, cô nói: “Mẹ em không nói dối em nữa.” Tôi thì không ước gì vì còn mải tập trung thổi tắt nến cùng lúc với Sreykeo cho đẹp ảnh.
Tôi nằm lả ra ghế, chốc chốc lại cụng ly cùng với các sĩ quan quân đội Campuchia và cố giữ không để ai cho đá vào cốc bia của mình. Cạnh tôi là các thùng loa dội ầm ầm. Một thùng loa bị mất tấm che và tôi sửng sốt phát hiện ra một đứa trẻ đang ngủ trong đó.
“Đêm tân hôn thế nào?” là câu hỏi thường được bạn bè nêu ra. Tôi buộc phải làm mọi người thất vọng. Trái với mọi mong đợi, tôi tin rằng không có gì nhạt nhẽo hơn đêm đầu tiên của một đôi mới cưới. Kể về đêm tân hôn của chúng tôi thì nhanh thôi: chúng tôi chật vật tìm cách rửa hết gôm tóc và làm sạch mồ hôi bằng nước mưa chứa trong một cái lu. Sreykeo phát khóc khi cố chải mái tóc dính bết keo. Sau đó chúng tôi lủi về căn lều tí xíu của mẹ cô và thiếp đi ngay tắp lự trên nền gỗ trong tiếng loa inh tai. Đúng là cầu được ước thấy: chỉ ngủ thôi.
Sớm hôm sau vừa thức giấc, tôi cùng Sreykeo tìm gặp mẹ cô. Nghe có vẻ khó coi, nhưng tôi quan tâm đến việc chỉnh đốn quan hệ mới với bà ngay từ hôm đầu.
Bà ngồi dưới nhà, trong căn bếp tạm bợ. Cạnh bà là hai đứa trẻ đang gạt kiến khỏi bánh ngọt đám cưới để ăn. Bà không đưa tôi danh sách mua đồ như được dặn, do đó tôi hỏi bà chi 100 đô la cho những gì. Bà bắt đầu kể ra và Sreykeo dịch lại: thịt bò, đá để ướp lạnh bia lon, chanh. Tôi ghi lại và cộng các món. Mỗi khi bà lấy hơi, tôi nói là chưa đủ 100 đô la. Một hồi sau bà cạn ý tưởng, chỉ kể ra những thứ nằm ngay trước mắt: nước mắm, muối, ớt. Rốt cuộc bà bảo đã cúng tiền cho các tăng lữ - và tôi biết chắc là nói dối: 10 đô la cúng cho sư là tiền tôi vay của Tillmann vì không có tiền lẻ.
Có lẽ bà đã mua một phần các món đó thật, nhưng tiền thừa thì đem trả nợ. Tôi cảm ơn và chia tay. Có gặng thêm cũng chẳng ích gì, chỉ làm các bên cùng bẽ mặt. Người Khmer sẽ không đồng tình khi tôi bới chuyện mẹ vợ ra trước mặt mọi người. Sau này tôi sẽ hỏi lại.
Tôi đi gặp bố mẹ. Mẹ tôi vừa cười vừa kể là điện thoại di động của bà đổ chuông trong khi ngủ ở nhà Omm Thom. Bà tự hỏi, ai gọi bà ở xứ tận cùng thế giới này, giữa những âm thanh hỗn tạp của thạch sùng, bò, dế và nhạc pop châu Á từ các thùng loa đám cưới. Đó là bà Zauner, người trông lũ mèo hộ mẹ tôi. Bà kể là còi báo động trong chiếc xe Renault của bố mẹ tôi đột nhiên khởi động, khiến bà phải đi tìm chìa khóa xe. Mẹ tôi giật mình thấy nước Đức bỗng dưng xích lại gần đến vậy.
Royal Kanin
Chúng tôi chia tay Omm Thom và đi taxi trở về Phnom Penh, vẫn một chiếc Toyota méo mó. Lần này trong xe tám người: một anh bạn của tài xế đi cùng và ngồi chung ghế lái. Anh ta kể đùa là một người lái còn người kia giậm pê đan, bố mẹ tôi tin ngay. Có lẽ họ cho rằng ở xứ này chuyện gì cũng có thể.
Chúng tôi chen chúc như cá hộp trong đống sắt gỉ, vừa phóng rầm rầm trên đường đất vừa bóp còi như điên, đánh võng tránh các đoàn xe thổ mộ và bán tải đầy người đu bám. Ở Campuchia xe đi bên lề phải, nhưng đa số ô tô nhập từ Thái Lan có tay lái nghịch - chiếc Toyota của chúng tôi cũng thế. Nghĩa là khi vượt xe khác thì tài xế không thể thấy xe đi ngược lại. Có lẽ anh tin vào lá bùa treo trên gương chiếu hậu, chứ tôi thì ít an tâm.
Tôi còn nhớ rõ bố mẹ tôi nói chuyện gì. Bố tôi nói với mẹ: “Về đến nhà, tôi sẽ nấu cho bà một nồi xúp đậu thật ngon.” Mẹ tôi đáp: “Chờ đấy, tôi xem ông có tự nấu bao giờ không.” Rồi họ tranh luận về xúp đậu. Đôi khi tôi cũng lấy làm lạ về bố mẹ. Bao năm nay, mỗi lần tôi đề nghị đi du lịch Campuchia thì họ làm như tôi muốn đẩy họ đến chỗ chết. Vậy mà bây giờ họ thản nhiên tán chuyện về món xúp đậu trong khi tôi chăm chú quan sát để phát hiện ra chiếc xe tải ngược chiều sắp đưa chúng tôi qua thế giới bên kia.
Họ định hôm sau cùng Tillmann qua Bangkok, còn tôi và Sascha bay muộn hơn. Sau khi chuyển đồ đạc cho bố mẹ tôi lên phòng khách sạn ở Phnom Penh, chúng tôi ngồi uống Coca với nhau dưới sảnh.
Tôi không nhớ vì sao mọi người đến với đề tài này. Mẹ tôi kể với Sreykeo rằng hai con mèo của họ không ăn thức ăn thừa, mà được mua đồ ăn riêng - mác Royal Kanin - để tránh bị sỏi thận. Đột nhiên bố mẹ tôi cười phá lên. Thật là trái khoáy khi nói đến Royal Kanin khi vừa từ một làng quê Campuchia về. Bố tôi bồi thêm: Thậm chí hai con mèo còn có hộ chiếu! Mọi người cùng cười. Hộ chiếu cho mèo? Đúng thế. Và sổ tiêm chủng nữa. Sreykeo mỉm cười và chun mũi nghi ngờ. Chắc cô tưởng họ đùa.
Sau đó chúng tôi chia tay nhau. Tillmann ôm Sreykeo và nói: “Anh rất hạnh phúc có thêm em trong gia đình.” Tôi tin là bố mẹ tôi cũng cảm thấy tương tự. Tôi mừng. Một khi được gia đình ủng hộ thì không phải lo phần còn lại của thế giới nghĩ gì.
Tôi bay hôm 14 tháng Tư, ngày Tết Campuchia, từ Bangkok về nhà. Với cảm giác thanh thản tôi mệt mỏi ngó qua cửa sổ. Bố mẹ mến Sreykeo, không ai ốm, mọi chuyện ổn cả. Tôi chỉ sút mất vài cân. Các túi nước vỡ toang trên cửa kính xe buýt khi đi ngang thành phố. Xe tải chở thanh niên trên thùng xe, họ xịt nước ướt hết những người ở gần. 500 mét cuối cùng trước cửa khẩu qua Thái Lan tôi phải đi xe ôm. Tôi nhìn thấy những túi nước hiện rõ trên nền trời xám xịt, ngay trước khi bị ném trúng(1)._
Qua khỏi biên giới tôi lại phải gọi xe ôm đi đến bến xe buýt: giờ là lúc cả một trận mưa rào đổ xuống đầu tôi. Xe buýt đi Bangkok mở máy lạnh hết cỡ, do ướt đến tận da nên chẳng mấy chốc tôi run cầm cập. Tôi mệt nhọc nghĩ: hai ngày sau khi cưới bị chết cóng trong xe buýt máy lạnh - quả là kết thúc đáng buồn của một tài năng trẻ.
Rốt cuộc tôi ngồi trên máy bay và lên cơn sốt cao. Lúc đỗ tại Kuwait tôi gửi SMS đến bố mẹ, báo tin bị ốm và nhờ họ đến sân bay Frankfurt đón.
Mấy tiếng sau, tôi ngồi bên họ trên taxi và ngó qua cửa sổ. Chúng tôi đi trên đường cao tốc, qua những khu công nghiệp buồn tẻ ngoại ô Frankfurt. Tựa như tôi vừa tỉnh mộng. Đột nhiên những gì từ quá khứ trở nên phi thực. Như một cuộc khiêu vũ cuồng loạn, quá cuồng loạn để tin là thật. Tôi cố cưỡng mi mắt sập xuống. Rồi tôi ngó xuống cổ tay trái, đúng, đúng là có thật, những sợi dây đỏ ước nguyện vẫn còn đó. Không phải mơ. Tôi đã thành hôn.
Hết chương 39. Mời các bạn đón đọc chương 40!