Suối Nguồn (The Fountainhead) Chương 12

Chương 12
Một cột báo có tựa đề Quan sát và Suy ngẫm do Alvah Scarret viết xuất hiện hàng ngày trên trang nhất của tờ Ngọn cờ New York.

Nó là một chỉ dẫn đáng tin cậy, một nguồn cảm hứng và là khung tham chiếu dư luận cho những thị trấn nhỏ trên khắp cả nước. Trong cột báo này nhiều năm trước đã xuất hiện câu nói nổi tiếng: “Tất cả chúng ta sẽ tốt hơn rất nhiều nếu chúng ta quên đi những ý tưởng khoa trương của nền văn minh xa hoa của chúng ta và quan tâm nhiều hơn đến điều mà người nguyên thủy đã biết trước chúng ta lâu rồi: đó là kính trọng mẹ của chúng ta.” Alvah Scarret là một người đàn ông góa vợ, có hai triệu đô la, chơi gôn rất giỏi và là tổng biên tập những tờ báo của tập đoàn Wynand.

Chính Alvah Scarret là người nghĩ ra ý tưởng về một chiến dịch chống lại điều kiện sống trong những khu nhà ổ chuột và “Những kẻ chủ trọ cá mập.” Ông đăng nó trên tờ Ngọn cờ New York trong ba tuần lễ. Đây là đề tài mà Alvah Scarret ưa chuộng. Nó vừa hấp dẫn người đọc lại vừa có ảnh hưởng xã hội. Nó bổ trợ cho những tấm ảnh của trang phụ trương Chủ nhật – nơi có hình những cô gái nhảy xuống những dòng sông tắm, váy họ tốc lên quá đầu gối. Nó làm tăng lượng số phát hành. Nó làm mất mặt những con cá mập nhà đất vốn sở hữu những dãy nhà bên bờ sông Đông và là những kẻ được chọn làm mục tiêu chiến dịch. Những con cá mập này đã từ chối bán khu nhà này cho một công ty bất động sản không mấy tên tuổi; cuối chiến dịch họ đầu hàng và bán chúng. Chẳng ai có thể chứng minh được là công ty bất động sản đó được sở hữu bởi một công ty do Gail Wynand sở hữu.

Những tờ báo của Wynand không bao giờ lại để một thời gian dài trôi qua mà không có một chiến dịch nào. Họ vừa kết thúc một chiến dịch về chủ đề hàng không hiện đại. Họ đăng những bài miêu tả khoa học về lịch sử ngành hàng không trên phụ trương Tạp chí Gia đình Chủ nhật, với những bức ảnh chụp từ những bức vẽ máy bay của Leonardo da Vinci cho đến những máy bay ném bom mới nhất; được bổ sung bằng hình vẽ về sự quằn quại đau đớn của Icarus[54] trong những ngọn lửa màu đỏ, cơ thể trần truồng của anh ta màu xanh lá cây pha lam, những đôi cánh bằng sáp của anh ta màu vàng và khói màu tím; hình vẽ về một mụ già bị bệnh hủi với đôi mắt bùng cháy và một quả cầu thủy tinh, người đã dự đoán rằng trong thế kỷ XI loài người sẽ bay; thêm vào đó là hình những con dơi, ma cà rồng và ma sói.

Các tờ báo của Wynand đã đăng tải một cuộc thi làm máy bay mẫu; cuộc thi được mở cho tất cả những cậu bé dưới mười tuổi mong muốn gửi ba bản mô tả mới đến tờ Ngọn cờ. Gail Wynand, người có chứng chỉ phi công, đã làm một chuyến bay một mình từ Los Angeles đến New York, thiết lập một kỷ lục về tốc độ xuyên lục địa, bằng một máy bay nhỏ được chế tạo một cách đặc biệt, có giá một trăm ngàn đô la. Ông đã tính toán hơi sai về thời gian đến New York và đã buộc phải hạ cánh ở một vùng đồng cỏ mấp mô; đó là một cú hạ cánh dựng tóc gáy, được xử lý hoàn hảo; và thật tình cờ làm sao, một đám thợ chụp ảnh của tờ Banner lại có mặt ngay trong vùng lân cận. Gail Wynand đã bước ra khỏi máy bay. Một phi công ưu tú hẳn đã bị sốc bởi cú hạ cánh này. Nhưng Gail Wynand đứng trước những máy ảnh, một bông hoa dành dành không hề có dấu bầm dập nằm trên ve áo khoác của ông, bàn tay ông giơ lên với một điếu thuốc lá kẹp giữa hai ngón tay không hề run. Khi được hỏi về mong muốn đầu tiên của ông khi trở lại mặt đất, ông đã nói rằng ông mong ước được hôn người phụ nữ hấp dẫn nhất có mặt ở đó, rồi ông đã chọn bà già ăn mặc tồi tàn nhất từ đám đông và cúi xuống hôn lên trán bà một cách trang nghiêm, giải thích là bà gợi ông nhớ đến người mẹ của mình.

Sau đó, khi khởi đầu chiến dịch nhà ổ chuột, Gail Wynand đã nói với Alvah Scarret: “Tiến hành đi. Vắt kiệt tất cả những gì anh có thể vắt ra từ cái chiến dịch đó,” rồi khởi hành trên chiếc du thuyền của ông để đi một chuyến du hành thế giới, được tháp tùng bởi một nữ phi công hai mươi tư tuổi – người mà ông đã tặng chiếc máy bay xuyên lục địa của mình.

Alvah Scarret đã tiến hành. Trong rất nhiều nước cờ của chiến dịch, ông giao cho Dominique Francon điều tra điều kiện của những ngôi nhà trong những khu ổ chuột và thu thập thông tin về những người ở đây. Dominique Francon vừa mới trở về từ một mùa hè ở Biarritz; cô luôn đi nghỉ suốt cả mùa hè và Alvah Scarret chấp nhận thế, vì cô là một trong những nhân viên yêu thích của ông, vì ông bị cô làm cho bối rối và vì ông biết là cô có thể bỏ công việc của cô bất kỳ khi nào cô muốn.

Dominique Francon đến sống hai tuần trong phòng ngủ của một căn hộ chung cư thuộc khu bờ Đông thành phố. Căn phòng có một cửa sổ mái nhưng không có cửa sổ thường nào; người ta phải leo năm tầng mới lên tới nơi; và nó không có nước. Cô tự nấu ăn trong căn bếp của rất nhiều gia đình ở tầng bên dưới; cô thăm các hàng xóm, cô ngồi trên đầu cầu thang của những lối thoát hỏa hoạn vào các buổi tối và đi xem những bộ phim rẻ tiền với các cô gái xung quanh đó.

Cô mặc những chiếc váy và áo sơ mi sờn rách. Sự mỏng manh không bình thường vốn có của cô đã khiến cô trông như người bị kiệt sức bởi sự thiếu thốn trong điều kiện sống ở đây; những người hàng xóm cảm thấy chắc chắn là cô bị lao. Nhưng cô đi lại như cô đã đi lại trong căn phòng vẽ của Kiki Holcombe – cũng với sự đường hoàng và tự tin lạnh lùng đó. Cô kỳ cọ sàn phòng mình, cô gọt khoai tây, cô tắm trong một bồn bằng thiếc đựng nước lạnh. Trước đây cô chưa hề làm những việc này; cô làm chúng một cách thành thạo. Cô có một khả năng hành động – điều này không hề hòa hợp với vẻ bề ngoài của cô. Cô không ngại môi trường sống mới, cô thờ ơ với những khu ổ chuột cũng như cô đã thờ ơ với những phòng khách thượng lưu.

Hết hai tuần đó, cô trở lại căn hộ trên tầng mái của một khách sạn bên kia Công viên Trung tâm, và những bài báo của cô về cuộc sống trong những nhà ổ chuột xuất hiện trên tờ Ngọn cờ. Chúng là những bài báo xuất sắc, không chút khoan dung.

Cô nghe thấy những câu hỏi hoang mang ở một bữa tiệc tối. “Cưng ơi, em không thực sự viết những thứ đó đấy chứ?” “Dominique, cô không thực sự sống trong chỗ đó đấy chứ?”

“Ồ tôi có sống ở đó,” cô trả lời. “Chính là cái nhà bà sở hữu trên phố 12 Tây, bà Palmer ạ,” cô nói, bàn tay xoay tròn một cách lười biếng trong một chiếc vòng tay bằng ngọc lục bảo quá rộng và nặng đối với cổ tay thanh mảnh của cô, “có một cái cống cứ hai ngày lại tắc một lần và tràn ra, khắp cả sân trong. Nó có màu xanh và tím trong ánh mặt trời, như một cái cầu vồng.” “Khu nhà ông điều hành cho công ty bất động sản Claridge, ông Brooks ạ, có những thạch nhũ hấp dẫn nhất mọc trên tất cả những trần nhà,” cô nói, mái đầu vàng của cô ngả về phía bó hoa dành dành trắng với những giọt nước lấp lánh trên những cánh hoa không xỉn màu.

Người ta đề nghị cô đến nói chuyện ở một buổi gặp mặt của những người làm công tác xã hội. Đó là một buổi gặp mặt quan trọng, với một tinh thần chiến đấu và cấp tiến, được dẫn dắt bởi một số những phụ nữ nổi bật nhất của ngành. Alvah Scarret hài lòng và chúc mừng cô. “Đi đi, cô bé,” ông nói, “Nói thật lực vào. Chúng ta muốn có những người làm công tác xã hội.” Cô đứng trên bục dành cho diễn giả của một cái sảnh ngột ngạt và nhìn vào một mặt phẳng gồm những khuôn mặt – những khuôn mặt háo hức một cách phóng đãng với cảm giác về sự đức hạnh của chính chúng. Cô nói đều đều, không hề có ngữ điệu. Ngoài nhiều điều khác, cô nói “Gia đình ở tầng một phía đằng sau không buồn trả tiền thuê nhà, và những đứa trẻ không thể đến trường vì thiếu quần áo. Người bố có một tài khoản thanh toán ở một quán rượu lậu ở góc đường[55]. Ông ấy khỏe mạnh và có một công việc tốt... Đôi vợ chồng trên tầng ba vừa mua một cái radio với giá sáu mươi chín đô la và chín mươi nhăm xen bằng tiền mặt. Ở phần phía trước của tầng năm, người cha của gia đình chưa hề làm việc cả ngày bao giờ, và cũng không định làm thế. Có chín đứa con, được hỗ trợ bởi xứ đạo địa phương. Đứa thứ mười lại sắp ra đời...” Khi cô nói xong có một vài cái vỗ tay tức giận. Cô giơ tay lên và nói: “Quý vị không phải vỗ tay đâu. Tôi không mong đợi điều đó.” Cô hỏi một cách lịch sự: “Có câu hỏi nào không ạ?” Chẳng có câu hỏi nào hết cả.

Khi trở về nhà cô thấy Alvah Scarret đang đợi mình. Ông trông không hòa hợp với phòng khách của căn hộ trên tầng mái của cô, cái vóc dáng đồ sộ của ông ngất ngưởng trên mép của một chiếc ghế mảnh mai tinh tế, như một cái tượng thằng gù phản chiếu qua cửa kính xuống một tấm nền là thành phố lấp lánh ánh điện. Thành phố giống như một bức tranh tường được thiết kế để chiếu sáng và hoàn thiện căn phòng: đường nét mỏng manh của những ngọn tháp trên một bầu trời đen tiếp nối những đường nét mỏng manh của đồ gỗ; những ngọn đèn lấp lánh trong các khung cửa sổ ở phía xa đổ bóng lên sàn nhà trần trụi, sáng bóng; sự chính xác lạnh lùng của những cấu trúc đầy góc cạnh phía bên ngoài tương hợp vẻ duyên dáng lạnh lẽo cứng nhắc của mọi vật thể bên trong. Alvah Scarret phá vỡ sự hài hòa ấy. Trông ông vừa giống như một bác sĩ nông thôn tốt bụng vừa như một tay cờ bạc bịp vậy. Khuôn mặt nặng nề mang nụ cười nhân đức của một người cha – một nụ cười đã luôn là chìa khóa mở cửa và là thương hiệu của ông. Ông rất thạo việc làm cho vẻ tốt bụng của nụ cười của ông thêm vào, chứ không làm giảm đi, cái vẻ chính trực nghiêm túc của ông; chiếc mũi dài, gầy, khoằm không làm giảm đi vẻ tốt bụng, mà nó lại thêm vào cho vẻ chính trực; bụng ông – vốn nhô ra phía trước hai chân – thật sự có làm giảm cái chính trực ấy, nhưng nó lại thêm vào vẻ tốt bụng.

Ông đứng dậy, tươi cười và cầm tay Dominique. “Tôi đã nghĩ là sẽ ghé vào trên đường về nhà,” ông nói. “Tôi có điều này cần nói với em. Mọi chuyện thế nào, cô bé?”

“Như tôi đã mong đợi.”

Cô kéo mũ ra và ném nó xuống chiếc ghế đầu tiên cô nhìn thấy. Tóc cô ẹp xuống, tạo thành một gợn sóng phẳng ngang trán và đổ thành một đường thẳng tới đôi vai; trông nó mềm mại và căng, như một chiếc mũ bơi bằng kim loại bóng và nhạt màu. Cô đi đến cửa sổ và đứng nhìn ra ngoài, phía trên thành phố. Cô hỏi mà không quay lại: “Anh muốn nói gì với tôi?”

Alvah Scarret quan sát cô một cách thích thú. Từ lâu ông đã từ bỏ tất cả các cố gắng vượt qua việc nắm bàn tay cô khi không cần thiết hay vỗ vào vai cô; ông đã thôi không nghĩ đến chủ đề đó, nhưng ông có một cảm giác lờ mờ, nửa tỉnh táo, mà ông đã tổng kết cho bản thân mình trong mấy từ: Biết đâu đấy.

“Tôi có tin vui cho em đây, cô bé.” Ông nói. “Tôi có một kế hoạch nhỏ, chỉ là một chút sắp xếp lại, và tôi đã nghĩ ra phải kết hợp mấy thứ với nhau để thành lập một Ban Phúc lợi Phụ nữ. Em biết đấy, giáo dục, kinh tế gia đình, chăm sóc trẻ nhỏ, vị thành niên phạm pháp và tất cả những vấn đề khác cần được đảm đương bởi một người. Và tôi thấy không ai làm tốt hơn cô gái nhỏ của tôi đây.”

“Anh muốn nói là tôi?” cô hỏi mà không quay lại.

“Còn ai vào đây nữa. Ngay khi Gail trở về, tôi sẽ xin ông ta duyệt.”

Cô quay lại và nhìn vào mặt ông, hai cánh tay cô bắt chéo vào nhau, bàn tay nắm lấy khuỷu tay.

Cô nói: “Cám ơn, Alvah. Nhưng tôi không muốn làm công việc đó.”

“Em nói không muốn công việc đó là ý làm sao?”

“Là ý tôi không muốn làm công việc đó.”

“Chúa ơi, em có nhận ra rằng đấy là một bước tiến như thế nào không?”

“Tiến tới cái gì?”

“Sự nghiệp của em.”

“Tôi chưa bao giờ nói là tôi dự định có một sự nghiệp.”

“Nhưng em hẳn không muốn cứ viết mãi một cột báo nhỏ ở trang cuối chứ!”

“Không phải mãi mãi. Chỉ đến khi nào tôi chán.”

“Nhưng em hãy nghĩ đến điều em có thể làm trong một cuộc chơi thực sự. Hãy nghĩ đến việc Gail có thể làm cho em một khi em được ông ta quan tâm!”

“Tôi không mong muốn được ông ta quan tâm.”

“Nhưng chúng tôi cần em, Dominique. Giới phụ nữ sẽ hoàn toàn đi theo em, sau tối nay.”

“Tôi không nghĩ như vậy.”

“Tại sao chứ, tôi đã giữ hai cột báo để đăng chuyện về cuộc mít-tinh và bài diễn thuyết của em.”

Cô với lấy điện thoại và đưa ống nghe cho ông. Cô nói:

“Anh nên bảo họ bỏ nó đi.”

“Tại sao?”

Cô lục một đống giấy lộn xộn trên bàn, tìm kiếm những tờ được đánh máy và đưa chúng cho ông.

“Đây là bài diễn thuyết tôi đã viết tối nay,” cô nói.

Ông liếc nhìn mảnh giấy. Ông bóp trán một cái, không nói gì. Sau đó ông chộp lấy điện thoại và yêu cầu đăng một thông báo càng ngắn gọn càng tốt về buổi mít-tinh và không nói tên người diễn thuyết.

“Được rồi,” Dominique nói khi ông ta hạ ống nghe xuống. “Tôi bị sa thải chứ?”

Ông ta lắc đầu một cách buồn thảm. “Cô muốn như vậy chứ?”

“Không nhất thiết.”

“Tôi sẽ ém chuyện này đi.” Ông ta làu bàu. “Tôi sẽ không để cho Gail biết.”

“Nếu như anh muốn vậy. Tôi không quan tâm, thế nào cũng được.”

“Nghe này, Dominique – Ồ, tôi biết, tôi không được phép đặt câu hỏi – nhưng tôi chỉ thắc mắc vì cái quái gì mà em cứ luôn làm những chuyện như thế?”

“Chẳng vì cái quái gì cả.”

“Xem nào, em biết đấy, tôi đã nghe nói về cái bữa tiệc phô trương ấy, nơi mà em đã đưa ra một số nhận xét về chính chủ đề này. Thế rồi em lại đến và nói những điều thế kia trong buổi mít-tinh cấp tiến.”

“Cả hai cái đều đúng, đúng không?”

“Thì, đúng rồi, nhưng nếu em đã chọn việc nói ra thì tại sao em không đảo ngược hai dịp với nhau?”

“Làm thế thì có ý nghĩa gì?”

“Thế việc em làm thì có ý nghĩa gì?”

“Không, chẳng có ý nghĩa gì cả. Nhưng nó làm tôi thích thú.”

“Tôi không hiểu em, Dominique. Em đã từng làm thế này rồi. Em cứ đồng ý làm việc, rồi em làm mọi thứ rất tốt, và khi em sắp sửa có thể tiến một bước dài về phía trước thì em lại phá hỏng tất bằng cách gây ra một việc như thế này. Tại sao chứ?

“Có lẽ đó chính là lý do tại sao đấy.”

“Em có thể nói cho tôi – như với một người bạn, vì tôi thích em và quan tâm tới em – xem em thực sự theo đuổi cái gì?

“Tôi nghĩ điều đấy rất rõ ràng. Tôi không theo đuổi điều gì cả.”

Ông dang hai bàn tay ra, nhún vai bất lực.

Cô mỉm cười vui vẻ.

“Có gì mà trông anh phải thiểu não thế nhỉ? Tôi cũng thích anh, Alvah, và tôi quan tâm đến anh. Thậm chí tôi còn thích nói chuyện với anh – điều này còn hay hơn. Bây giờ hãy ngồi yên nào và thư giãn đi, tôi sẽ mang cho anh một ly rượu. Anh cần một ly rượu, Alvah ạ.”

Cô mang cho ông một cái ly để lạnh với những viên đá kêu lanh canh trong bầu không khí yên lặng. “Em là một đứa bé dễ thương, Dominique,” ông nói.

“Tất nhiên rồi. Tôi chính là như thế.”

Cô ngồi xuống mặt bàn, hai bàn tay xòe ra phía sau lưng, người dựa lên hai cánh tay và đôi chân đung đưa chầm chậm. Cô nói:

“Anh biết đấy, Alvah, sẽ thật khủng khiếp nếu như tôi có một công việc mà tôi thực sự muốn.”

“Thế đấy, trong hết thảy mọi điều! Trong hết thảy những điều ngốc nghếch em nói! Ý của em là sao?”

“Chỉ thế thôi. Rằng sẽ thật khủng khiếp khi có một công việc mà tôi thích và tôi không muốn mất nó.”

“Tại sao?”

“Bởi vì tôi sẽ phải phụ thuộc vào anh – anh là một người tuyệt vời, Alvah, nhưng mà anh không thực sự gây hứng thú cho ai và tôi không cho là sẽ hay ho khi phải cúi mình trước một cái roi trong tay anh – thôi nào, đừng phản đối tôi, đó có thể là một cây roi nhỏ rất lịch sự, và chính điều này lại càng làm cho sự việc trở nên tồi tệ hơn. Tôi có thể phải phụ thuộc vào sếp Gail của chúng ta – tôi chắc rằng ông ta là người vĩ đại, chỉ có điều tôi chắc chắn là tôi không bao giờ thèm để ý đến ông ta.”

“Cái gì làm cho em có thái độ điên rồ như vậy nhỉ? Khi mà em biết rằng Gail và tôi có thể làm bất cứ điều gì cho em, và riêng cá nhân tôi thì...”

“Không phải chỉ có thế đâu, Alvah. Không phải là vì riêng anh. Nếu như tôi tìm thấy một công việc, một kế hoạch, một ý tưởng hay một người mà tôi muốn – tôi có thể phải phụ thuộc vào nó hoàn toàn. Mọi thứ đều có những mối dây dẫn đến những thứ khác. Tất cả chúng ta đã quá ràng buộc lẫn nhau. Chúng ta đều đang trong một cái lưới, cái lưới đó đang chờ, và chúng ta bị mắc vào đó chỉ bởi một ham muốn duy nhất. Anh mong muốn một thứ gì đó và nó trở thành quý giá đối với anh. Anh có biết có ai đang đứng kia, sẵn sàng cướp nó khỏi tay anh không? Anh không thể biết, nó có thể ở rất sâu và rất xa, nhưng có ai đó đã sẵn sàng và anh sẽ sợ tất cả bọn họ. Và anh sẽ luồn cúi, anh sẽ bò, anh sẽ van xin và anh sẽ chấp nhận họ – chỉ để họ cho anh có cái anh muốn. Và hãy nhìn xem, anh đã chấp nhận ai.

“Nếu như tôi đúng trong việc hiểu rằng cô đang phê phán nhân loại nói chung...”

“Anh biết không, điều đó thật kỳ cục – cái ý nghĩ của chúng ta về nhân loại nói chung ấy. Chúng ta đều có một hình ảnh mơ hồ, lung linh khi chúng ta nói đến nhân loại nói chung – như một cái gì đó trang nghiêm, to lớn, và quan trọng. Nhưng trên thực tế, tất cả những gì chúng ta biết về nó chỉ là những người mà chúng ta gặp hàng ngày. Nhìn họ xem! Anh có thấy cái gì to lớn và trang nghiêm ở họ không? Chẳng có cái quái gì ngoài các bà nội trợ cò kè mặc cả bên những chiếc xe đẩy hàng, hay bọn trẻ con rớt rãi lòng thòng viết bậy viết bạ lên vỉa hè, hay bọn gái mới lớn say xỉn? Hay những kẻ tương tự như thế về tinh thần? Thực ra, cũng có thể có chút kính trọng với những người phải chịu đựng khổ sở. Họ còn có một chút tư cách nào đấy. Nhưng anh đã bao giờ nhìn bọn họ khi bọn họ sung sướng chưa? Đấy là lúc anh thấy sự thật. Hãy nhìn những kẻ đang tiêu những đồng tiền mà bọn họ đã bán mình để có chúng – ở các công viên giải trí hay ở các buổi diễn. Cứ nhìn lũ người giàu có và có cả thế giới dưới chân họ. Cứ xem xem họ chọn cái gì để giải trí. Hãy quan sát bọn họ trong các quán rượu hạng sang. Đấy chính là cái nhân loại nói chung của anh đấy. Tôi không muốn động vào chúng.

“Nhưng khỉ thật! Em không nên nhìn nhận vấn đề như thế. Đấy đâu phải là tất cả. Vẫn có cái tốt kể cả trong những người tồi tệ nhất. Ai cũng có cái tử tế mà.”

“Thế lại càng tệ. Thật là xúc động làm sao khi thấy một người có một hành động anh hùng, và rồi sau đó lại được biết rằng anh ta đến các buổi biểu diễn tạp kỹ hổ lốn để giải trí. Hay thấy một người vẽ một bức tranh tuyệt tác và rồi được biết rằng anh ta ngủ với bất cứ con điếm nào anh ta gặp?”

“Thế em muốn gì? Sự hoàn hảo chăng?”

“Hoàn hảo hoặc không gì cả. Cho nên anh thấy đấy tôi chọn cái không gì cả.”

“Điều đó không có ý nghĩa gì cả.”

“Tôi chọn một ham muốn duy nhất mà một người có thể thực sự cho phép chính bản thân mình. Sự tự do, Alvah ạ, tự do.”

“Em gọi đó là tự do?”

“Không đòi hỏi gì. Không mong chờ gì. Không phụ thuộc vào cái gì.”

“Thế nếu em tìm thấy cái mà em muốn thì sao?”

“Tôi sẽ không tìm kiếm nó. Tôi sẽ không chọn việc nhìn thấy nó. Nó sẽ là một phần thế giới đáng yêu của các anh. Tôi sẽ phải chia sẻ nó với tất cả các anh – và tôi sẽ không làm như thế. Anh biết không, tôi không bao giờ mở lại bất kỳ một quyển sách tuyệt hay nào mà tôi đã từng đọc và say mê. Đọc lại những cuốn sách này làm cho tôi đau khổ khi phải nghĩ đến những cặp mắt khác cũng đã đọc nó và rồi phải nghĩ những cặp mắt đó thuộc về ai. Những điều như vậy không thể bị chia sẻ. Không phải với những người như thế.”

“Dominique, thật không bình thường khi có tình cảm quá mạnh như thế về bất cứ cái gì.”

“Đó là cách có tình cảm duy nhất của tôi. Hoặc là tôi sẽ chẳng có tình cảm gì.”

“Dominique, em yêu quý” ông nói với một giọng sốt sắng, quan tâm chân thành, “Tôi ước gì tôi là cha em. Em đã trải qua bi kịch gì trong tuổi thơ của mình thế không biết?”

“À, không hề. Tôi có một tuổi thơ tuyệt vời. Tự do, bình yên và không bị làm phiền quá nhiều bởi bất kỳ ai. Thực tình thì tôi luôn cảm thấy một nỗi buồn chán thường xuyên. Nhưng tôi đã quen với nó.”

“Tôi nghĩ em là sản phẩm không may của cái thời đại này. Đó là điều mà tôi thường nói. Chúng ta ích kỷ, quá suy đồi. Nếu như chúng ta khiêm cung quay lại với những đức hạnh đơn giản...”

“Al vah, sao anh lại có thể nói những điều như thế nhỉ? Nó chỉ dành cho những bài xã luận của anh và...” Cô ngừng lại, nhìn vào mắt ông: hai con mắt ngạc nhiên và có chút thương tổn. Sau đó cô cười to. “Tôi sai rồi. Anh thực sự tin tưởng vào tất cả những cái đó. Nếu như đấy thực sự là niềm tin hoặc cái gì đấy mà mặt anh thể hiện. Ôi, Alvah! Đó chính là lý do vì sao tôi lại thích anh. Đó là lý do tại sao tôi lại đang lặp lại, vào chính lúc này, cái điều mà tôi đã làm tối nay tại buổi mít-tinh.”

“Cái gì?” ông bối rối hỏi.

“Nói chuyện như tôi đang nói với anh đây – với anh như chính anh. Thật dễ chịu khi nói chuyện với anh về những thứ này. Anh biết không, Alvah, người nguyên thủy đã tạc tượng các vị thần của họ giống như hình dáng con người? Thử nghĩ xem bức tượng của anh trông như thế nào nhỉ – tượng anh khỏa thân, có đủ bụng và tất cả mọi thứ.”

“Nào, cái này thì liên quan gì đây?”

“Chả liên quan đến cái gì cả, bạn thân mến ạ. Thứ lỗi cho tôi.” Cô nói thêm: “Anh biết đấy, tôi yêu những bức tượng đàn ông khỏa thân. Đừng có thần người ra thế. Tôi nói là tượng. Tôi có riêng một bức. Đấy là tượng Helios. Tôi có được nó từ một viện bảo tàng ở châu Âu. Tôi đã rất vất vả mới có được nó – tất nhiên là người ta không bán bức tượng. Tôi nghĩ tôi đã phải lòng bức tượng, Alvah ạ. Tôi đem nó về nhà với tôi.”

“Nó đâu rồi? Tôi muốn xem một cái gì đó mà em thích, để đổi gió.”

“Nó bị vỡ rồi.”

“Bị vỡ? Một cái tượng đã được đưa vào bảo tàng? Làm sao lại có chuyện đó?”

“Tôi đã đập nó.”

“Thế nào?”

“Tôi đã ném nó xuống ống thông hơi. Ở phía dưới có một cái nền bê tông.”

“Em hoàn toàn điên rồi à? Tại sao?”

“Để không người nào khác có thể nhìn thấy bức tượng nữa.”

“Dominique!”

Cô lắc mạnh đầu như thể rũ bỏ câu chuyện; mái tóc dày thẳng của cô rối thành một đường gợn, trông giống như một con sóng gợn trên một mặt hồ thủy ngân đang hóa lỏng một nửa. Cô nói: “Tôi xin lỗi, bạn yêu quý. Tôi không muốn làm anh sốc. Tôi nghĩ tôi có thể nói chuyện với anh vì anh là người đã miễn dịch với các cú sốc. Lẽ ra tôi không nên làm vậy. Chẳng ích gì, tôi đoán thế.”

Cô nhẹ nhàng nhảy xuống khỏi bàn.

“Về nhà đi, Alvah,” cô nói. “Đã muộn rồi. Tôi mệt. Hẹn gặp anh ngày mai nhé.”

*

* *

Guy Francon đọc bài báo của con gái ông. Ông đã nghe về những nhận xét của cô tại buổi tiếp tân và tại cuộc mít-tinh với những người làm công tác xã hội. Ông không hiểu gì về chuyện này, nhưng ông biết nó chính là phần tiếp theo của chuỗi sự kiện mà ông biết con gái ông chắc chắn làm. Ý nghĩ này giày vò ông, với cảm giác hoang mang lo sợ mà ông luôn có mỗi khi nghĩ đến con gái. Ông tự hỏi liệu ông có thực sự ghét con gái mình không.

Tuy nhiên bất cứ khi nào ông tự hỏi mình câu hỏi đó, một hình ảnh lại bất giác hiện về trong tâm trí ông... Đó là hình ảnh tuổi thơ con gái ông, là hình ảnh một ngày hè nào đó, đã lâu lắm rồi, tại điền trang thôn quê của ông ở Connecticut. Ông đã quên mọi thứ khác về ngày hôm đó, cũng như quên cái gì đã dẫn đến cái khoảnh khắc ông ghi nhớ. Nhưng ông nhớ mình đã đứng ở hiên nhà và trông thấy cô bé nhảy qua một hàng rào xanh cao ở cuối bãi cỏ như thế nào. Hàng rào đó dường như quá cao đối với cô bé; ông đã nghĩ trong đầu rằng cô không thể nhảy qua được – vào chính cái khoảnh khắc ông nhìn thấy cô đang bay một cách đắc thắng qua bức hàng rào xanh đó. Ông không thể nhớ được khoảnh khắc bắt đầu và kết thúc của cú nhảy; nhưng ông vẫn trông thấy thật rõ ràng và sắc nét, như trên một tấm phim được cắt ra và lưu giữ bất động mãi mãi, cái giây phút khi thân hình đứa con gái ông lơ lửng trong không trung, đôi chân dài của nó xoạc rộng, những cánh tay mảnh khảnh vung lên, bàn tay quạt vào không khí, cái váy trắng và mái tóc vàng của cô bé xòe ra thành hai vạt tóc rộng phẳng trong gió – ông đã nhìn thấy trong một khoảnh khắc, hình ảnh một thân hình nhỏ bé bùng nổ trong sự tự do xuất thần nhất mà ông từng được chứng kiến trong đời.

Ông không biết tại sao khoảnh khắc đó đọng lại trong ông; ông không biết điều quan trọng gì – ông không để ý lúc ấy – đã khiến ông giữ lại khoảnh khắc này trong khi rất nhiều thứ quan trọng hơn đã bị lãng quên. Ông không biết tại sao cái khoảnh khắc đó lại hiện về bất cứ khi nào ông cảm thấy cay đắng cho con mình; và cũng không biết tại sao mỗi lần nghĩ đến cảnh ấy, ông lại thấy một cảm giác dịu dàng nhoi nhói trong ông đến mức không chịu nổi. Ông tự nhủ với mình rằng đấy là tình phụ tử trong ông đang lên tiếng khẳng định mình, bất chấp ý chí của ông. Nhưng về mặt nào đó – xa lạ và không chủ ý – ông muốn giúp đỡ cô mà không biết và cũng không muốn biết cô phải được giúp đỡ để chống lại cái gì.

Chính vì lẽ đó ông bắt đầu để ý thường xuyên hơn đến Peter Keating. Ông bắt đầu chấp nhận cái giải pháp mà ông chưa bao giờ thừa nhận với bản thân cả. Ông tìm thấy sự dễ chịu từ con người của Peter Keating, và ông cảm thấy rằng tính nhất quán đơn giản và ổn định của Keating là sự bù đắp cần thiết cho sự thiếu nhất quán không lành mạnh của con gái ông.

Keating sẽ không thừa nhận rằng anh đã cố gặp lại Dominique – một cách dai dẳng và không có kết quả. Anh có được số điện thoại của cô từ Francon rất lâu rồi, và anh thường gọi điện cho cô. Cô đã trả lời, cười vui vẻ và nói với anh rằng tất nhiên cô muốn gặp anh, rằng cô biết không thể thoát được điều này, rằng không may là cô lại quá bận bịu trong những tuần sắp tới và liệu anh sẽ gọi điện cho cô vào ngày đầu tháng sau không.

Francon đoán được điều này. Ông nói với Keating ông sẽ mời Dominique đi ăn trưa và giúp họ được gặp lại nhau. “Nghĩa là,” ông thêm vào, “tôi sẽ cố hỏi nó xem. Tất nhiên là con bé sẽ từ chối.” Dominique đã làm ông ngạc nhiên: cô chấp nhận lời đề nghị – tức thì và vui vẻ.

Cô gặp họ ở một nhà hàng, và mỉm cười như thể đây là một cuộc hội ngộ mà cô trông đợi. Cô nói chuyện vui vẻ và Keating cảm thấy hưng phấn, thoải mái – anh tự hỏi tại sao anh lại từng e sợ cô. Nửa giờ sau cô nhìn Francon và nói: “Thật là tuyệt khi cha dành chút thời gian của mình để gặp con. Đặc biệt là khi cha bận rộn và có quá nhiều cuộc hẹn đến thế.”

Francon làm ra vẻ sửng sốt. “Chúa ơi, Dominique, con nói thế làm cha nhớ ra một việc!”

“Cha quên cuộc hẹn nào hay sao?” cô hỏi nhẹ nhàng.

“Ố, chết tiệt thật, đúng rồi. Cha hoàn toàn quên khuấy đi mất. Một người quen của cha, Andrew Colson đã gọi cho cha buổi sáng nay và cha đã quên ghi lại và ông ta khăng khăng đòi gặp vào lúc hai giờ, con biết việc này là như thế nào đấy, cha chỉ đơn giản là không thể từ chối gặp Andrew Colson, chết tiệt thật! – lại là hôm nay mới chết...” Ông nói thêm một cách hoài nghi: “Làm thế nào mà con biết?”

“Ồ con chẳng biết gì về cuộc hẹn cả. Nhưng mà không sao đâu cha. Anh Keating và con sẽ thông cảm cho cha, chúng con sẽ có một bữa trưa thú vị cùng nhau, con thì không có cuộc hẹn nào ngày hôm nay cả, vì thế cha không phải lo là con sẽ trốn khỏi anh ấy đâu.”

Francon tự hỏi liệu cô có biết đấy là cái cớ mà ông đã chuẩn bị trước để cô một mình lại với Keating. Ông không chắc chắn lắm. Cô đang nhìn thẳng vào ông, hai con mắt cô dường như chỉ hơi quá vô tư. Ông vui mừng được đi thoát.

Dominique quay sang Keating với một cái liếc nhìn dịu dàng đến nỗi nó không thể có ý gì khác ngoài sự coi thường.

“Bây giờ hãy thoải mái nào,” cô nói. “Cả hai chúng ta biết cha tôi đang theo đuổi cái gì, vì thế nên chả sao cả. Anh đừng có xấu hổ về chuyện này. Tôi không hề xấu hổ về nó. Thật hay là anh đã xỏ mũi được cha. Nhưng tôi biết là việc xỏ mũi cha chẳng giúp ích gì cho anh đâu. Thế nên hãy quên nó đi và ăn bữa trưa của chúng ta.”

Anh muốn đứng dậy và bỏ đi; và biết – trong sự bất lực giận dữ – rằng anh sẽ không làm như thế. Cô nói:

“Đừng nhăn mặt, Peter. Anh có thể gọi tôi là Dominique[56], vì chẳng sớm thì muộn chúng ta cũng đi đến chỗ đó. Tôi chắc sẽ còn gặp anh rất nhiều. Tôi gặp rất nhiều người, cho nên nếu như việc gặp thêm anh làm cho cha tôi hài lòng thì sao lại không chứ.

Cho đến hết bữa trưa, cô nói chuyện với anh như với một người bạn cũ, vui vẻ và cởi mở; với một sự thẳng thắn không bình thường – nó dường như cho thấy chẳng có gì phải giấu giếm, đồng thời lại như nói rằng tốt hơn là đừng cố thăm dò. Sự tử tế quá mức trong cách cư xử của cô gợi ý rằng quan hệ của họ sẽ chẳng có kết quả khả dĩ nào, rằng cô không thể cho anh thậm chí cả sự cư xử hằn thù nữa. Anh biết rằng anh ghét cô khủng khiếp. Tuy vậy, anh quan sát hình dáng khuôn miệng của cô, những chuyển động của đôi môi khi cô nói; anh quan sát cách cô vắt chéo hai chân – một cử chỉ mềm mại và chính xác, như thể người ta gập một thứ gì đó rất đắt tiền – và anh không thể thoát khỏi cái cảm giác ngưỡng mộ đầy hoài nghi mà anh đã trải qua khi anh gặp cô lần đầu tiên.

Khi họ chuẩn bị đi, cô nói: “Anh sẽ đưa tôi đi rạp hát tối nay chứ, Peter? Tôi chẳng quan tâm kịch gì, bất kỳ vở nào cũng được. Hãy gọi cho tôi sau bữa tối. Nói cho cha tôi biết chuyện này. Nó sẽ làm ông ấy hài lòng.”

“Mặc dù, dĩ nhiên, cha cô đừng nên hài lòng thì hơn” Keating nói, “và tôi cũng như thế; nhưng dù vậy tôi vẫn rất vui lòng, Dominique ạ.”

“Tại sao anh không nên hài lòng thì hơn?”

“Bởi vì cô không hề có mong muốn đi xem hát hay gặp tôi tối nay.”

“Không một tí nào. Tôi đang bắt đầu cảm thấy mến anh, Peter. Gọi cho tôi lúc tám giờ rưỡi.”

Khi Keating quay trở lại văn phòng, Francon gọi anh lên phòng ông ta ngay lập tức.

“Thế nào?” Francon lo lắng hỏi.

“Có chuyện gì thế, Guy?” Keating nói, giọng anh ngây thơ. “Tại sao bác lại quan tâm vấn đề này đến vậy?”

“Ồ, tôi... tôi chỉ... thật lòng mà nói, tôi quan tâm đến việc liệu hai người có hợp nhau không. Tôi nghĩ cậu sẽ có ảnh hưởng tốt tới nó. Mọi chuyện thế nào?”

“Cũng chẳng có gì cả. Chúng cháu ăn trưa vui vẻ. Bác khéo chọn nhà hàng đấy, thức ăn thật tuyệt vời... À, phải rồi, cháu sẽ đưa con gái bác đi xem một buổi biểu diễn tối nay.”

“Không!”

“Có đấy!”

“Cậu làm thế nào mà lại được thế nhỉ?”

Keating nhún vai. “Cháu nói với bác rồi, không được sợ Dominique.”

“Tôi không sợ... Ồ, đã là “Dominique” rồi cơ à? Xin chúc mừng, Peter... Tôi không sợ gì cả, chỉ là tôi không thể hiểu được nó. Không ai có thể tiếp cận con bé. Nó chưa bao giờ có đến một cô bạn gái, thậm chí ngay cả ở nhà trẻ cũng không có. Xung quanh nó luôn có một đám đông, nhưng chẳng bao giờ có bạn cả. Tôi cũng chẳng biết nghĩ thế nào về vấn đề này. Giờ nó thế đấy, sống một mình, luôn có một lũ đàn ông xung quanh và...”

“Thôi nào, Guy, bác không được nghĩ chuyện gì bậy bạ về con gái bác.”

“Tôi không nghĩ thế! Đó chính là vấn đề đấy – rằng tôi không nghĩ thế. Tôi ước gì tôi có thể. Nhưng nó 24 tuổi, Peter ạ, và nó vẫn là gái trinh – tôi biết, tôi chắc chắn thế. Cậu có biết cách phát hiện điều này khi nhìn một cô gái không? Tôi không phải là một nhà đạo đức, và tôi nghĩ chuyện đó không bình thường. Thật là trái tự nhiên khi ở độ tuổi nó, với ngoại hình của nó, với cái kiểu sống hoàn toàn không có giới hạn của nó. Tôi cầu Chúa là nó sẽ lập gia đình. Tôi thật sự mong như thế... À, nào, đừng nhắc lại chuyện đó với nó, tất nhiên rồi, và cậu đừng hiểu lầm nhé, tôi không có ý nói thế để gợi ý đâu.”

“Tất nhiên là không rồi ạ.”

“Tiện thể, Peter này, bệnh viện đã gọi điện đến khi cậu ra ngoài. Họ nói Lucius tội nghiệp đã khá hơn. Họ nghĩ ông ta sẽ bình phục.”

Lucius N. Heyer đã bị đột quỵ, và Keating tỏ ra rất quan tâm đến tình trạng của ông, nhưng anh chưa hề đến bệnh viện thăm ông.

“Cháu rất vui khi nghe tin này,” Keating nói.

“Nhưng tôi không nghĩ là ông ta có thể trở lại làm việc. Ông ta đang ngày càng già, Peter ạ... Phải rồi, ông ta đang già đi... Ông ấy đã đến cái tuổi không nên làm việc nữa.”

Ông cầm con dao rọc giấy giữa hai ngón tay và gõ nó xuống mép cuốn lịch để bàn một cách trầm ngâm. “Chuyện này sẽ đến với tất cả chúng ta, Peter ạ, sớm muộn gì cũng vậy... Cần phải tính trước...”

*

* *

Keating ngồi trên sàn, gần những thanh củi giả trong lò sưởi phòng khách, bàn tay anh siết chặt đầu gối, và anh lắng nghe những câu hỏi của mẹ anh về việc Dominique trông như thế nào, cô mặc gì, cô đã nói gì với anh, không biết mẹ cô thực sự đã để lại cho cô bao nhiêu tiền.

Bây giờ anh gặp Dominique thường xuyên. Anh vừa trở về sau một tối cùng cô đi một vòng các hộp đêm. Cô luôn chấp nhận lời mời của anh. Anh tự hỏi liệu thái độ của cô có phải một bằng chứng có chủ tâm rằng cô có thể phớt lờ anh một cách triệt để hơn bằng cách gặp gỡ anh thường xuyên thay vì việc từ chối gặp anh. Tuy vậy mỗi lúc gặp cô, anh lại háo hức lên kế hoạch cho cuộc hẹn tiếp theo. Anh đã không gặp Catherine một tháng nay. Cô bận bịu với công việc nghiên cứu mà chú cô giao phó cho cô để chuẩn bị cho một loạt những bài giảng của ông.

Bà Keating ngồi dưới ánh đèn bàn, đang vá lại một vết rách nhỏ trong lớp vải lót áo vét-tông dùng đi ăn tối của Peter; bà trách móc anh, xen giữa những câu hỏi, về việc anh ngồi xuống sàn nhà trong khi mặc chiếc quần dài đẹp và cái áo trang trọng nhất của mình. Anh không để ý đến những lời chỉ trích hay câu hỏi của bà. Tuy nhiên trong trạng thái bị quấy rầy rất khó chịu này, anh lại cảm thấy một cảm giác thư giãn kỳ quặc; như thể một tràng những lời đay đi đay lại của bà lại đang thôi thúc và bào chữa cho anh.

Anh trả lời nhát gừng: “Đúng rồi... Không... Con không biết... Ồ, đúng rồi, cô ấy đáng yêu. Cô ấy rất đáng yêu... Mẹ ơi, muộn quá rồi đấy. Con mệt rồi. Con nghĩ con sẽ đi ngủ thôi...”

Chuông cửa rung lên.

“Chà,” bà Keating nói. “Có thể có chuyện gì vào giờ này nhỉ?”

Keating đứng lên, nhún vai và thong thả đi ra mở cửa.

Chính là Catherine. Cô đứng đó, hai tay siết chặt một quyển sách bỏ túi to, cũ, và xộc xệch. Trông cô vừa kiên quyết lại vừa lưỡng lự. Cô lùi lại một chút. Cô nói: “Chào anh, Peter. Em có thể vào không? Em phải nói chuyện với anh.”

“Katie! Tất nhiên rồi! Em thật dễ thương! V o ngay đi. Mẹ à, đây là Katie.”

Bà Keating quan sát đôi bàn chân cô gái bước đi như thể cô đang đi trên một sàn tàu tròng trành; bà nhìn cậu con trai và bà biết rằng có chuyện gì đó đã xảy ra và cần phải xử lý thật thận trọng.

“Chào cháu, Catherine,” bà nói nhẹ nhàng.

Keating không nhận thức được điều gì ngoại trừ một nỗi vui mừng chạy xuyên qua người khi anh nhìn thấy cô; nỗi vui mừng ấy nói với anh rằng không có gì thay đổi, rằng anh vẫn an toàn trong cảm giác chắc chắn, rằng sự xuất hiện của cô đã giải tỏa mọi ngờ vực. Anh quên mất không thắc mắc về việc lúc đó đã muộn, về việc cô xuất hiện lần đầu tiên, không được mời, trong căn hộ của anh.

“Chào bác Keating” cô nói, giọng rõ ràng và trống rỗng. “Cháu hy vọng là cháu không quấy rầy bác, đã quá muộn rồi phải không ạ?”

“Ồ, không phiền chút nào cháu ạ,” bà Keating nói.

Catherine nói hấp tấp; cô không tỉnh táo, cô bám vào những âm thanh của từng từ:

“Cháu sẽ cởi mũ ra... Cháu có thể để nó ở đâu, bác Keating? Ở đây trên cái bàn này ạ? Như vậy có được không ạ?... Không, có thể cháu nên để nó trên cái tủ này, nhưng mà nó bị ẩm từ ngoài đường, cái mũ có thể làm hỏng lớp vécni, nó là một cái tủ tốt, cháu hy vọng là cái mũ không làm hỏng lớp vécni...”

“Có chuyện gì vậy, Katie?” Keating hỏi – rốt cuộc anh cũng nhận ra.

Cô ngước nhìn anh và anh nhìn thấy đôi mắt cô đầy sự kinh sợ. Đôi môi cô hé mở, cô đang cố gắng nở một nụ cười.

“Katie!” anh nói hổn hển.

Cô không nói gì.

“Em cởi áo khoác ra đi. Lại đây và sưởi ấm người cạnh lò sưởi đi.”

Anh đẩy một cái ghế dài thấp tới gần lò sưởi và ép cô ngồi xuống. Cô mặc một cái áo len đen và cái váy đen cũ – một bộ đồ ở nhà của nữ sinh mà cô đã không thay cho chuyến viếng thăm của mình. Cô ngồi khom người, đầu gối cô khép chặt vào nhau. Cô nói, giọng cô thấp và tự nhiên hơn, lần đầu tiên cô để nỗi đau chất chứa thoát ra trong giọng nói:

“Anh có một chỗ thật tuyệt... Rất ấm áp và rộng rãi... Anh có thể mở cửa sổ bất cứ lúc nào anh muốn không?”

“Katie em yêu,” anh nói dịu dàng, “chuyện gì đã xảy ra vậy?”

“Chẳng có việc gì cả. Chẳng có gì thực sự xảy ra cả. Chỉ là em phải nói chuyện với anh. Bây giờ. Tối nay.”

Anh nhìn bà Keating. “Nếu như mẹ có thể...”

“Không, không sao cả. Bác Keating có thể nghe câu chuyện này. Có thể nó sẽ tốt hơn nếu như bác cùng ngồi nghe.” Cô quay sang mẹ anh và nói một cách rất giản dị: “Bác thấy đấy, bác Keating, Peter và cháu đã đính hôn.” Cô quay lại phía anh và nói thêm, giọng cô vỡ ra: “Peter, em muốn cưới ngay bây giờ, ngày mai, càng sớm càng tốt.”

Bàn tay bà Keating buông từ từ xuống lòng. Bà nhìn Catherine, mắt bà vô cảm. Bà nói lặng lẽ, với một vẻ nghiêm trang mà Keating chưa bao giờ mong đợi ở mẹ mình:

“Bác không hề biết việc này, bác rất vui cháu ạ.”

“Bác không phản đối ư? Bác hoàn toàn không phản đối?” Catherine hỏi một cách tuyệt vọng.

“Ồ, cô bé, những việc như thế này phải do cháu và con trai ta quyết định.”

“Katie!” anh nói hổn hển, lấy lại giọng nói của mình. “Chuyện gì xảy ra vậy? Tại sao lại càng sớm càng tốt?”

“Ồ! Việc này nghe có vẻ như... như là em đang mắc phải một thứ rắc rối mà các cô gái phải...” Cô đỏ dừ mặt. “Ồ, Chúa ơi! Không! Không phải vậy đâu! Anh biết là không thể là như thế được. Ồ, anh không thể nghĩ rằng, Peter, rằng em... rằng...”

“Không, tất nhiên là không phải như vậy rồi,” anh cười, ngồi xuống sàn nhà bên cạnh cô, luồn một cánh tay quanh người cô. “Nhưng hãy bình tĩnh nào. Có việc gì vậy? Em biết đấy anh có thể cưới em tối nay nếu như em mong muốn anh làm điều này. Chỉ có điều anh muốn biết cái gì đã xảy ra?”

“Không có vấn đề gì cả. Giờ thì em ổn rồi. Em sẽ nói cho anh. Anh sẽ nghĩ là em điên rồ. Em chỉ đột nhiên có cảm giác là em sẽ không bao giờ cưới anh, rằng một điều gì đó khủng khiếp đang xảy ra với em và em phải thoát khỏi nó.”

“Điều gì đang xảy ra với em vậy?”

“Em không biết. Không có việc gì cả. Cả ngày hôm nay em làm việc với những ghi chép nghiên cứu của mình, và không hề có vấn đề gì xảy ra. Không có một cuộc gọi nào và cũng không có khách viếng thăm. Và rồi đột nhiên tối nay, em có cảm giác, giống như một cơn ác mộng, anh biết không, một sự khiếp sợ mà anh không thể miêu tả đựơc, nó hoàn toàn không giống như bất kỳ cái gì bình thường cả. Nó chỉ là cảm giác rằng em đang bị nguy hiểm đến tính mạng, rằng có cái gì đó đang vây chặt lấy em, rằng em sẽ không bao giờ thoát khỏi nó, bởi vì nó sẽ không để em thoát và vì đã quá trễ.”

“Rằng em không thể thoát ra khỏi cái gì?”

“Em không biết đích xác. Tất cả mọi thứ. Cả cuộc đời em. Anh biết đấy, nó giống như cát lún vậy. Thật phẳng lặng và tự nhiên. Không có điều gì khiến anh phải để ý hay đề phòng. Và anh bước lên nó một cách dễ dàng. Khi anh nhận ra thì đã quá muộn... Và em cảm thấy nó sẽ bắt được em, rằng em sẽ không bao giờ cưới anh, rằng em phải chạy, ngay bây giờ, bây giờ hoặc là không bao giờ. Anh đã bao giờ có cảm giác như vậy chưa, chỉ là một nỗi sợ mà anh không thể nào lý giải được?”

“Rồi,” anh thì thầm.

“Anh có nghĩ là em điên rồ không?”

“Không, Katie. Chỉ có điều, chính xác thì cái gì gây cho em ý nghĩ như vậy? Có cái gì cụ thể không?”

“Ồ... bây giờ thì nó có vẻ buồn cười.” Cô rúc rích cười một cách hối lỗi. “Chuyện là như thế này: em đang ngồi trong phòng mình và trời hơi lạnh, chính vì vậy em đã không mở cửa sổ phòng. Trên m t bàn có quá nhiều giấy tờ và sách, em hầu như không có một khoảng trống nào để viết và cứ khi nào em ghi chép khuỷu tay em lại đẩy cái gì đó rớt khỏi bàn. Có hàng đống thứ trên sàn nhà xung quanh em, tất cả giấy tờ, và nó kêu sột soạt khe khẽ, do em để cánh cửa phòng khách mở một nửa và có một một chút gió lùa, em đoán thế. Chú em cũng đang làm việc trong phòng khách. Em đang làm việc khá ổn, em đã ở đó hàng giờ liền và thậm chí không biết là lúc đó mấy giờ. Và đột nhiên cảm giác này xâm chiếm em. Em không biết là tại sao lại như thế. Có thể là vì căn phòng quá ngổn ngang, hay có thể là do sự yên ắng, em không nghe thấy bất cứ cái gì, không một âm thanh trong phòng khách, và chỉ có tiếng giấy sột soạt rất nhẹ, giống như thể ai đó đang bị bóp cổ đến chết. Và khi đó em nhìn quanh và... và em không thấy chú em ngồi trong phòng khách, nhưng em nhìn thấy bóng ông trên tường, một cái bóng lớn, gù gù, và nó không hề động đậy, chỉ có điều là nó quá lớn!”

Cô rùng mình. Việc này dường như không còn ngu ngốc với cô nữa. Cô thì thầm:

“Đó chính là lúc em cảm thấy thế. Cái bóng đó không hề chuyển động, nhưng em nghĩ rằng tất cả giấy tờ thì lại đang di chuyển, chúng đang dâng lên rất chậm khỏi sàn nhà, chúng đang đi về phía cổ họng của em và em sắp sửa chết đuối. Khi đó em gào lên. Và, Peter, chú ấy không hề nghe thấy gì. Chú ấy không nghe thấy. Bởi vì cái bóng không cử động. Sau đó em chộp lấy mũ, áo choàng và em chạy. Khi em chạy qua phòng khách, em nghĩ rằng chú em đã nói: ‘Ồ Catherine, mấy giờ rồi? – Cháu đang đi đâu đấy?’ Đại loại như thế, em không chắc lắm. Nhưng khi đó em đã không ngoái lại và em không trả lời – em không thể. Em thấy sợ ông ấy. Em sợ chú Ellsworth, người chưa bao giờ nói nặng với em một lời... Đó là tất cả mọi chuyện, Peter. Em không thể hiểu được, nhưng em sợ. Không còn quá sợ nữa, không còn nữa khi em ở đây với anh, nhưng em sợ rằng...”

Bà Keating nói, giọng bà khô và quả quyết:

“Ồ, thật dễ hiểu việc gì đã xảy ra với cháu, cháu yêu quý. Cháu đã làm việc quá căng thẳng và quá nhiều, cháu chỉ hơi bị kích động thôi.”

“Vâng... có thể là như vậy...”

“Không,” Keating nói đều đều, “không, không thể là nó được...” Anh đang nghĩ đến cái loa phóng thanh trong hành lang của buổi mít-tinh đình công. Sau đó anh nói nhanh: “Ừ, mẹ đúng đấy. Em đang tự giết mình bằng công việc, Katie. Cái ông chú của em – anh sẽ vặn cổ ông ấy một ngày nào đó.”

“Ồ, nhưng đó không phải lỗi của chú ấy! Chú không hề muốn em làm việc. Chú thường lấy sách của em đi và nhắc nhở em hãy đi xem phim. Chính chú bảo em thế, rằng em làm việc quá nhiều. Nhưng em thì lại thích công việc. Em cứ nghĩ rằng mỗi ghi chép của em, mỗi mẩu thông tin – chúng sẽ được dạy cho hàng trăm sinh viên trẻ khắp nước, và em nghĩ rằng chính mình đang giúp đào tạo con người, chỉ một chút xíu sức lực của chính mình đóng góp cho một sự nghiệp lớn lao – và em thấy tự hào và không muốn ngừng công việc. Anh hiểu rồi phải không? Em thật sự không có điều gì phải phàn nàn về vấn đề này. Và rồi... rồi, như tối nay... em không biết điều gì đã xảy ra với mình.”

“Nghe này, Katie, chúng mình sẽ đi đăng ký kết hôn sáng ngày mai và sau đó chúng mình sẽ tổ chức đám cưới ngay lập tức, ở bất cứ chỗ nào em muốn.”

“Chúng mình hãy làm như vậy nhé, anh Peter,” cô thì thầm. “Anh thật sự không thấy phiền? Em chẳng có lý do thực sự nào cả, nhưng em rất muốn điều đó. Em rất muốn chúng mình cưới nhau. Lúc đó em sẽ biết là mọi chuyện đều ổn cả. Chúng mình sẽ ổn. Em có thể tìm một công việc gì đó nếu như anh... nếu như anh chưa thật sự sẵn sàng hay...”

“Ồ, vớ vẩn nào. Đừng nói như vậy. Chúng mình sẽ ổn. Không có chuyện gì đâu. Chỉ cần chúng mình cưới nhau và mọi việc khác sẽ tự khắc đâu vào đấy.”

“Anh yêu, anh hiểu, đúng không? Anh thực sự hiểu?”

“Anh hiểu, Katie.”

“Bây giờ mọi việc đã được thu xếp,” bà Keating nói, “Bác sẽ pha cho cháu một tách trà nóng, Catherine. Cháu cần một tách trà trước khi về nhà.”

Bà pha trà, và Catherine uống với vẻ biết ơn; cô mỉm cười nói: “Cháu... cháu thường e ngại rằng bác sẽ không tán thành việc này, bác Keating ạ.”

“Làm thế nào mà cháu lại có ý nghĩ ấy chứ,” bà Keating kéo dài giọng, giọng bà không phải là một câu hỏi. “Bây giờ cháu hãy về nhà như một cô gái ngoan và ngủ ngon nhé.”

“Mẹ à, Katie không thể ở đây tối nay được sao? Cô ấy có thể ngủ với mẹ.”

“Thôi nào, Peter, đừng có kích động như vậy chứ. Chú cô ấy sẽ nghĩ sao đây?”

“Ồ, không, tất nhiên là em không nên ở lại đây. Em sẽ hoàn toàn ổn thôi, Peter. Em sẽ về nhà.”

“Không, nếu như em...”

“Em không sợ. Không phải bây giờ. Em ổn rồi. Anh không nghĩ là em sợ chú Ellsworth đấy chứ?”

“Được thôi. Nhưng em đừng đi vội.”

“Nào, Peter,” bà Keating nói, “con không muốn cô ấy đi qua các phố vào lúc muộn hơn thế này đấy chứ.”

“Con sẽ đưa cô ấy về nhà.”

“Không,” Catherine nói. “Em thế này đã là vớ vẩn lắm rồi. Không, em sẽ không để anh đưa em về.”

Anh hôn cô ở cửa và nói: “Anh sẽ đến chỗ em vào lúc mười giờ sáng mai và chúng mình sẽ đi đăng ký.”

“Vâng, Peter,” cô thì thầm.

Anh đóng cánh cửa lại sau lưng cô và anh đứng lại một lát mà không nhận ra mình đang siết chặt hai nắm tay. Sau đó anh bước một cách kiên quyết về phòng khách, và anh dừng lại, để hai tay trong túi quần, đối mặt với mẹ mình. Anh nhìn bà, cái liếc nhìn của anh như một yêu cầu lặng lẽ. Bà Keating ngồi nhìn anh lặng lẽ, không giả vờ lờ cái nhìn đó đi và cũng không trả lời nó.

Sau đó bà hỏi: “Con muốn đi ngủ chưa, Peter?”

Anh đã mong chờ bất kỳ điều gì, ngoại trừ điều này. Anh cảm nhận một thôi thúc mạnh mẽ rằng phải nắm lấy cơ hội này, để quay đi, rời khỏi phòng và đi thoát. Nhưng anh phải biết được bà nghĩ gì; anh phải biện minh cho bản thân mình.

“Nào, mẹ, con sẽ không nghe bất cứ lời phản đối nào đâu.”

“Mẹ không hề có lời phản đối nào,” bà Keating nói.

“Mẹ, con muốn mẹ hiểu rằng con yêu Katie, bây giờ không có cái gì có thể ngăn cản con cưới cô ấy, và mọi chuyện sẽ như thế.”

“Rất tốt, Peter.”

“Con không hiểu mẹ không thích cô ấy ở điểm nào.”

“Mẹ thích hay không thích gì đâu còn quan trọng với con nữa rồi.”

“Ồ có chứ mẹ, tất nhiên là nó quan trọng với con chứ! Mẹ biết điều này mà. Làm sao mẹ lại có thể nói vậy được?”

“Peter, về phía mẹ thì mẹ chẳng có gì là thích hay không thích cả. Mẹ không nghĩ gì cho bản thân mình, bởi vì trên đời này không còn có gì làm mẹ quan tâm, ngoại trừ con. Như thế có thể là lạc hậu, nhưng mẹ là như thế đấy. Mẹ biết mẹ không nên như vậy, bởi vì ngày nay tụi trẻ không đánh giá cao suy nghĩ này, nhưng mẹ không thể không như vậy.”

“Ồ, mẹ, mẹ biết con đánh giá cao điều đó mà! Mẹ biết con sẽ không muốn làm mẹ buồn.”

“Con không thể làm mẹ buồn, Peter, trừ khi con tự làm tổn thương bản thân mình. Và đó là... đó là một điều thật khó chịu đựng.”

“Làm thế nào mà con lại làm tổn thương mình được?”

“Được rồi, nếu như con không từ chối nghe mẹ nói...”

“Con chưa bao giờ từ chối nghe mẹ nói!”

“Nếu như con thật sự muốn nghe ý kiến của mẹ, mẹ sẽ nói rằng đây chính là nấm mồ cho 29 năm đời mẹ, cho tất cả niềm hy vọng mẹ đặt vào con.”

“Nhưng tại sao? Tại sao chứ?”

“Không phải mẹ không thích Catherine, Peter ạ. Mẹ rất thích cô bé. Nó là một cô gái tốt – nếu như nó không để bản thân mình bị suy sụp thường xuyên và cứ tưởng tượng ra đủ thứ như vậy. Tuy nhiên nó là một cô gái đáng trọng và mẹ nghĩ nó sẽ là một người vợ tốt cho bất kỳ ai. Cho bất kỳ một người đàn ông nào tốt bụng, cần cù và đáng kính. Nhưng để mà nghĩ là nó dành cho con, Peter! Cho con!”

“Nhưng...”

“Con là người khiêm tốn, Peter. Con quá khiêm tốn. Đó luôn là vấn đề của con. Con không đề cao bản thân mình. Con nghĩ mình chỉ giống như bất kỳ ai khác.”

“Con chắc chắn không nghĩ như vậy! Và con sẽ không để ai nghĩ về con như vậy!”

“Vậy thì hãy dùng cái đầu của con đi! Con không biết cái gì đang chờ con phía trước sao? Con không thấy con đã đi được bao xa và con sẽ còn tiến được bao xa nữa à? Con có một cơ hội để trở thành – à, không phải là người giỏi nhất nhưng cũng khá gần như đứng đầu trong ngành kiến trúc, và...”

“Khá gần vị trí dẫn đầu? Đó là điều mẹ nghĩ ư? Nếu như con không thể là người thật sự giỏi nhất, nếu như lúc con còn sống mà con không thể là kiến trúc sư đứng đầu cả cái nước này – thì con chẳng thèm dính vào cái nghề này một tí nào!”

“À, nhưng một người không thể đạt được điều đó bằng cách trượt dốc trong công việc, Peter. Một người không thể đứng đầu trong bất cứ cái gì nếu không có dũng khí hy sinh một số thứ.”

“Nhưng...”

“Cuộc sống của con không thuộc về con, Peter, nếu như con đang thực sự hướng đến mục tiêu cao. Con không được phép để cho bản thân mình thỏa mãn bất kỳ ý thích nhất thời nào như bao nhiêu người bình thường khác có thể làm, bởi vì đối với họ, đằng nào thì cũng chẳng ích gì. Peter, không còn là chuyện con hay mẹ, hay chuyện chúng ta cảm thấy thế nào nữa. Đấy là sự nghiệp của con. Để có được sự đánh giá cao của những người khác con phải có sức mạnh để từ chối bản thân mình.”

“Mẹ chỉ không thích Katie và mẹ để thành kiến của riêng mình...”

“Mẹ không thích cô ấy ở điểm nào cơ chứ? Ồ, tất nhiên là mẹ không thể nói rằng mẹ ủng hộ một cô gái thiếu sự quan tâm đến người yêu của mình đến nỗi chạy đến và làm anh ta lo lắng chẳng vì cái gì cả, và đòi hỏi anh ta ném tương lai mình qua cửa sổ chỉ vì cô ta có những ý nghĩ điên rồ. Điều này cho thấy con có thể trông chờ sự giúp đỡ gì từ một người vợ như vậy. Tuy nhiên về phía mẹ nếu như con nghĩ rằng mẹ lo lắng cho bản thân mình – thì, con đúng là mù quáng, Peter ạ. Con không thấy là đối với cá nhân mẹ thì đây sẽ là sự kết hợp hoàn hảo? Bởi vì mẹ sẽ chẳng có vấn đề gì với Catherine cả, mẹ có thể sống hòa thuận với nó một cách tốt đẹp, nó sẽ kính trọng và nghe lời mẹ chồng. Trong khi đó, mặt khác, cô Francon...”

Anh cau mày. Anh biết điều này sẽ đến. Đó chính là chủ đề anh sợ phải nghe nói đến.

“Ồ, chính thế đấy, Peter,” bà Keating nói một cách lặng lẽ và chắc chắn, “chúng ta phải nói về chuyện này. Nào, mẹ chắc chắn là mẹ không bao giờ có thể chế ngự được cô Francon, một cô gái thượng lưu thanh lịch như vậy thậm chí sẽ không chịu đựng được một bà mẹ chồng không có học thức và ăn mặc tồi tàn như mẹ... Cô ấy có thể sẽ đẩy mẹ khỏi căn nhà này. Ồ, chính thế đấy, Peter. Nhưng con thấy đấy, mẹ không hề nghĩ đến bản thân mẹ.”

“Mẹ ơi,” anh nói cộc cằn, “đó là những lời nói ngớ ngẩn – về việc con có cơ hội với Dominique. Cái con mèo cái nanh nọc ấy – con không chắc rằng cô ta thậm chí có thèm nhìn con không nữa.”

“Con đang trượt dốc, Peter. Đã có thời con không bao giờ chấp nhận việc có cái gì đó mà con không thể đạt được.”

“Nhưng, Mẹ, con không muốn cô ta.”

“À, con không muốn, thế hả? Rồi, ra là thế. Có phải đúng như mẹ nói không? Hãy nhìn lại bản thân con đi! Nhìn xem, con đã tóm được Francon, một nhà kiến trúc tài ba nhất thành phố, ở đúng cái yếu huyệt của ông ta! Ông ấy gần như là đang nài nỉ con trở thành đồng sự với ông ta – bất chấp tuổi của con, bất chấp bao nhiêu người khác, lớn tuổi hơn? Ông ấy không cho phép, mà ông ấy đang cầu xin con cưới con gái ông ta! Và sáng mai con sẽ bước vào và trình diện với ông ta một cô gái tầm thường nhỏ bé mà con đã cưới làm vợ! Hãy thử không nghĩ cho bản thân mình một lát và hãy nghĩ đến những người khác xem. Con nghĩ là ông ta sẽ thích chuyện đó? Làm thế nào mà ông ta lại thích thú khi con chỉ cho ông ấy cái cô gái nghèo khổ mà con đã ưng hơn là con gái ông ấy.”

“Ông ấy sẽ không thích.” Keating thì thầm.

“Con có thể chắc chắn là ông ta sẽ không thích đâu! Con có thể chắc chắn là ông ta sẽ đá con ra ngoài đường ngay lập tức! Ông ấy sẽ tìm được khối kẻ muốn chộp lấy cơ hội thế chỗ con. Cái gã Bennett chẳng hạn?”

“Ồ, không!” Keating thở hổn hển một cách tức giận; bà biết rằng mình đã đánh đúng chỗ. “Không thể là Bennett được!”

“Đúng rồi,” bà nói một cách đắc thắng. “Bennett! Sẽ như thế đấy – Francon và Bennett, trong khi con đang nện gót trên hè phố tìm cho mình một công việc! Nhưng con sẽ có một cô vợ! Phải rồi, con sẽ có một cô vợ!”

“Mẹ ơi, làm ơn...” anh thì thầm, một cách tuyệt vọng đến nỗi bà có thể cho phép mình tiếp tục mà không hề kiềm chế bản thân.

“Đây là loại vợ mà con sẽ có. Một cô gái bé nhỏ vụng về không biết cả phải đặt tay đặt chân ở đâu nữa. Một cô gái bẽn lẽn luôn chạy trốn bất cứ người quan trọng nào mà con muốn mời về nhà. Vậy con nghĩ là con giỏi lắm sao, Peter? Đừng có đánh lừa bản thân mình nữa, Peter Keating! Không có một người đàn ông thành đạt nào lại đạt đến thành công một mình đâu. Con đừng có coi thường, một phụ nữ thích hợp sẽ giúp được người chồng rất nhiều. Cái ông Francon của con đã không lấy một cô phục vụ phòng, con có thể cá cả đời mình là ông ta đã không làm như vậy! Hãy thử nhìn nhận mọi việc qua con mắt của những người khác một chút xem. Họ sẽ nghĩ gì về cô vợ của con? Họ sẽ nghĩ về con như thế nào? Con không thể nào kiếm sống bằng cách xây chuồng gà cho mấy thằng kiết xác, đừng có quên điều đó! Con phải chơi một ván cờ lớn như những người vĩ đại trong thế giới này. Con phải noi gương họ. Người ta sẽ nghĩ gì về một người đàn ông cưới một cô gái nhỏ bé tầm thường như vậy? Họ sẽ ngưỡng mộ con? Họ sẽ tin tưởng con? Họ sẽ kính trọng con?”

“Mẹ im đi!” anh kêu lên.

Nhưng bà vẫn tiếp tục nói. Bà nói một lúc lâu trong khi anh ngồi, bẻ những đốt ngón tay răng rắc một cách dữ dội, thỉnh thoảng lại rên rỉ: “Nhưng con yêu cô ấy... Con không thể, mẹ ơi! Con không thể... con yêu cô ấy...”

Bà thả anh khi đường phố đã xam xám với ánh sáng của buổi sớm. Bà để anh loạng choạng về phòng mình, mang theo những thanh âm cuối cùng, nhẹ nhàng và mệt mỏi của bà:

“Ít ra, Peter, con cũng phải làm được thế. Chỉ còn một vài tháng thôi. Hãy yêu cầu cô ấy chờ đợi chỉ một vài tháng. Heyer có thể chết bất cứ lúc nào và sau đó, khi con là một cộng sự, con có thể cưới cô ấy và có thể người ta sẽ bỏ qua. Cô ấy sẽ không phiền lòng phải chờ đợi thêm một thời gian nữa, nếu như cô ấy yêu con... Hãy nghĩ kỹ đi, Peter... Và trong khi con nghĩ, hãy nghĩ thêm một chút thôi, rằng nếu như con cưới ngay bây giờ con sẽ làm tan nát trái tim mẹ của con. Nó không phải là điều quan trọng nhưng con hãy chú ý đến nó dù chỉ một chút thôi. Hãy nghĩ đến bản thân mình trong một giờ nhưng hãy dành một phút để nghĩ đến những người khác...”

Anh đã không cố ngủ. Anh không thay quần áo, anh ngồi trên giường hàng giờ liền; điều rõ ràng nhất trong tâm trí anh là ước muốn được thấy bản thân mình một năm sau nữa, khi mà mọi thứ đã ổn định rồi, dù bằng cách nào.

Anh chưa quyết định gì cả khi anh bấm chuông căn hộ nhà Catherine vào lúc mười giờ. Anh lờ mờ cảm nhận rằng cô sẽ cầm tay anh, rằng cô dẫn anh, cô sẽ khăng khăng – và thế là cái quyết định sẽ được giải quyết.

Catherine mở cửa và mỉm cười một cách hạnh phúc và tự tin như thể chưa có việc gì xảy ra. Cô để anh vào phòng cô; những luồng ánh nắng mặt trời ngập tràn những cột sách và báo được xếp gọn gàng gần bàn. Căn phòng sạch, ngăn nắp, một đống thảm vẫn còn nguyên những đường sọc do chiếc chổi quét thảm để lại.

Catherine mặc một cái áo vải phin cứng với những ống tay dựng đứng lên một cách vui nhộn ngang vai cô; những chiếc cặp tóc mịn màng nhỏ nhắn lấp lánh trên mái tóc cô trong ánh nắng mặt trời. Anh thấy quặn lên một niềm thất vọng, rằng chẳng có hiểm họa nào chờ anh trong nhà cô; đồng thời cũng quặn lên một cảm giác nhẹ nhõm, và thất vọng.

“Em sẵn sàng rồi, Peter,” cô nói. “Lấy cho em cái áo khoác.”

“Em đã nói cho chú em chưa?” anh hỏi.

“Ồ, rồi ạ. Em đã nói chuyện với ông tối hôm qua. Khi em trở về ông vẫn đang làm việc...”

“Chú nói gì?”

“Chẳng gì cả. Chú chỉ cười và hỏi em muốn quà cưới gì. Nhưng mà chú ấy cười rất nhiều!”

“Chú ấy đâu? Chẳng lẽ chú không muốn ít nhất cũng gặp mặt anh à?”

“Chú phải đi tới tòa soạn. Chú nói chú còn nhiều thời gian để biết anh, và còn biết hơn thế nữa. Nhưng chú nói điều ấy rất dễ thương.”

“Nghe này, Katie, anh... có việc này anh muốn nói với em.” Anh ngập ngừng, không nhìn cô. Giọng anh phẳng lì. “Em thấy đấy, việc là như thế này, Lucius Heyer, cộng sự của Francon, đang rất ốm và người ta không nghĩ là ông sẽ qua khỏi. Francon đang gợi ý khá rõ ràng là anh sẽ thế chỗ của Heyer. Tuy nhiên Francon lại có một ý định điên rồ, ông ta muốn anh cưới con gái ông. Nào, em đừng có hiểu nhầm anh nhé, em biết là việc đó không thể xảy ra, nhưng anh không thể nói với ông ta như vậy. Và anh nghĩ... anh nghĩ rằng nếu chúng ta chờ đợi... chỉ trong vài tuần thôi... Anh sẽ được sắp đặt vị trí trong công ty và khi đó Francon không thể làm gì anh khi anh đến và nói cho ông ta biết rằng anh cưới vợ... Tất nhiên là việc này tùy thuộc vào em.” Anh nhìn cô và giọng nói của anh háo hức. “Nếu như em muốn chúng mình cưới nhau ngay bây giờ, thì chúng mình sẽ đi ngay lập tức.”

“Nhưng mà, Peter,” cô nói bình thản, vô tư và ngạc nhiên. “Nhưng tất nhiên là chúng mình sẽ chờ.”

Anh mỉm cười tán đồng và nhẹ nhõm. Nhưng anh nhắm mắt lại.

“Tất nhiên là chúng mình sẽ đợi,” cô nói một cách chắc chắn. “Em đã không biết chuyện này và nó rất quan trọng. Thực sự chẳng có lý do gì phải vội vàng cả.”

“Em không sợ rằng con gái ông Francon có thể chiếm được anh sao?”

Cô cười. “Ôi Peter! Em quá hiểu anh mà.”

“Nhưng nếu như em thích...”

“Không, làm như vậy sẽ tốt hơn rất nhiều. Anh biết không, nói thật là em đã nghĩ sáng nay là nếu như chúng ta chờ đợi thì sự việc sẽ tốt hơn, tuy vậy em đã không muốn nói bất cứ điều gì nếu như anh đã quyết định rồi. Vì anh cũng muốn chờ đợi, nên em lại càng rất muốn thế, bởi vì... anh thấy đấy, chúng em đã nhận được thông báo sáng nay là chú em được mời giảng khóa học này ở một trường đại học rất lớn bên Tây[57], vào mùa hè. Em thấy thật tồi tệ nếu bỏ ông ngang xương với ngổn ngang công việc. Và khi đó, em đã nghĩ có lẽ chúng mình đang vớ vẩn, chúng mình đều quá trẻ. Và chú Ellsworth đã cười rất nhiều. Anh thấy đấy, chờ đợi một chút sẽ khôn ngoan hơn.”

“Ồ, vậy là tốt rồi. Nhưng, Katie, nếu như em cảm thấy như tối hôm qua...”

“Nhưng em không! Em cảm thấy xấu hổ về bản thân mình quá. Em không tưởng tượng được cái gì đã xảy ra với mình tối qua. Em cố nhớ lại nó và em không thể hiểu nổi. Anh biết nó như thế nào rồi đấy, anh cảm thấy thật là ngu ngốc sau đó. Sau đó mọi việc thật rõ ràng và đơn giản vào ngày hôm sau. Tối qua em đã nói nhiều điều thật rất vô nghĩa phải không?”

“Thôi, hãy quên nó đi. Em là một cô gái bé bỏng biết nghĩ. Cả hai chúng ta đều biết nghĩ. Và chúng mình sẽ chờ đợi chỉ một thời gian thôi, sẽ không lâu đâu.”

“Vâng, Peter.”

Anh đột nhiên nói một cách mạnh mẽ: “Bây giờ phải kiên quyết thế này nhé, Katie.”

Và sau đó anh cười to một cách ngớ ngẩn, như thể anh chưa hề nghiêm túc.

Cô mỉm cười vui vẻ trả lời. “Anh thấy không?” cô nói, xòe hai bàn tay ra.

“Thôi được...” anh lẩm bẩm. “Thôi được rồi, Katie. Chúng mình sẽ chờ đợi. Tất nhiên việc đó sẽ tốt đẹp hơn. Anh... anh phải đi gấp đây. Anh sẽ đến văn phòng muộn mất.” Anh cảm thấy mình phải trốn khỏi phòng cô ngay giây phút đó, ngay ngày hôm đó. “Anh sẽ gọi điện cho em. Hãy đi ăn tối ngày mai.”

“Vâng, Peter. Thế thật là tuyệt.”

Anh rời đi, nhẹ nhõm và cô độc; anh tự nguyền rủa mình vì một cảm giác dai dẳng, mơ hồ cứ nói với anh rằng anh đã bỏ lỡ một cơ hội sẽ không bao giờ quay lại; rằng một cái gì đó đang khép vào quanh cả hai người và họ đã đầu hàng. Anh nguyền rủa, bởi vì anh đã không thể nói được cái mà họ lẽ ra đã nên chống lại. Anh vội vã đến văn phòng, nơi anh sắp trễ hẹn với bà Moorehead.

Catherine đứng giữa gian phòng sau khi anh rời khỏi, và cô tự hỏi tại sao cô lại đột nhiên thấy trống trải và lạnh lẽo; và tại sao đến tận giây phút này cô mới nhận ra là mình đã hy vọng anh sẽ ép cô phải theo anh. Sau đó cô nhún vai, mỉm cười tự giễu bản thân mình và quay trở lại công việc trên bàn.

 

Nguồn: truyen8.mobi/t99479-suoi-nguon-the-fountainhead-chuong-12.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận