Tôi Nghe Tôi Hát Chương 1


Chương 1
Thời thơ ấu

Làng quê tôi nằm trong vùng Gò Nổi, huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Ba tôi là con trai độc nhất của ông bà nội. Ông bà tôi có cơ ngơi khá giả lại giàu lòng nhân ái. Hồi còn nhỏ tôi thường được nghe nhiều người trong làng kể về chuyện ông bà thường tổ chức phát chẩn hàng năm cho người nghèo. Dù được cha mẹ cưng chiều nhưng ba tôi luôn là một người con hiếu thảo.

Mẹ tôi được sinh ra trong một gia đình gia thế có truyền thống yêu nước. Bà ngoại (lớn) của tôi là con gái ông Tán Thừa, một nhà nho yêu nước chống Pháp nổi tiếng hồi đầu thế kỷ 20 ở Quảng Nam. Ông đã lập căn cứ địa ở vùng Tây huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam để chiêu mộ và tập hợp những người yêu nước chống Pháp, về sau vùng này được nhân dân gọi là khu Tán Thừa. Cậu Hai tôi (con trưởng của ông bà ngoại tôi) là con rể của nhà nhân sĩ yêu nước Trần Cao Vân. Cậu Ba tôi là cháu rể ông Hoàng Diệu. Anh Huyển con trai đầu của cậu Hai là một nhà thơ mà như sau này nhà thơ Trinh Đường nguyên là bạn của anh đã nói với tôi anh Huyển là nhà thơ tài năng, uyên bác mà ông rất khâm phục, ông đã đọc vài bài thơ tiêu biểu của anh cho tôi và mẹ tôi nghe trong một lần ông tình cờ đến nhà tôi. Nhưng rất tiếc là anh mất sớm.

Tôi không rõ ba tôi tìm đến chủ nghĩa Mác-Lênin từ bao giờ, chỉ biết ông tham gia Mặt trận Việt Minh từ rất sớm. Sau ngày giành chính quyền, ông được bầu ngay làm Chủ tịch Việt Minh đầu tiên của tổng Đa Hòa, sau đổi thành xã Chương Dương, huyện Điện Bàn. Những ngày sau đó quê tôi bị giặc ném bom rất ác liệt, trong đó có chợ Chương Dương, giữa lúc chợ đang đông người.

Ba tôi được điều động lên tỉnh. Bỏ hết nhà cửa, ruộng vườn, cả nhà tôi phải gồng gánh theo ông tản cư để tránh bị địch khủng bố. Trong điều kiện chiến tranh, thuốc men thiếu thốn các anh chị tôi bị bệnh rồi lần lượt qua đời. Trên đường tản cư mẹ tôi sinh tôi ở làng Đại Bường (nay được gọi là Đại Bình), một ngôi làng thơ mộng nằm bên bờ sông Thu Bồn. Tối là con thứ năm của ba mẹ nhưng cũng xem như con trưởng vì trên tôi không còn anh chị nào.

Tôi ra đời chưa đầy một năm thì ba tôi được cử về làm Chủ tịch huyện Phước Sơn, một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam lúc bấy giờ. Để ba tôi được gần gia đình, cả nhà tôi phải theo ông lên tận vùng Bình Huề thuộc thượng nguồn sông Thu Bồn rồi định cư luôn ở đó. Lên trên đó mẹ tôi tiếp tục sinh thêm hai em trai tôi nữa. Vậy là gia đình tôi cả thảy gồm mười ba miệng ăn tính cả hai bên nội, ngoại. Một đại gia đình đông đúc như thế nhưng mọi người rất đoàn kết và thương yêu nhau. Bà ngoại tôi bị mù lòa nên bà nội tôi là người gần gũi chăm sóc cho ngoại. Hai bà sui hủ hỉ, chuyện trò thân mật cứ như hai chị em ruột.

Đến quê mới ba mẹ tôi chẳng có mảnh đất nào. Hơn nũa gia đình tôi chả ai biết việc nông tang nên mẹ tôi phải theo nghề buôn để nuôi sống gia đình. Cùng phụ giúp mẹ tôi còn có cô ruột của tôi và các chị con dì. Ba tôi chống Pháp nhưng ông lại theo Tây học nên cũng tiêm nhiễm ít nhiều văn hóa phương Tây. Chính vì vậy mà cách sinh hoạt của gia đình tôi khác hẳn với người dân địa phương. Họ có nhiều đất nhưng không biết trồng rau để ăn, trong khi nhà tôi chỉ có một khoảnh đất nhỏ nhưng mùa nào thức ấy nhà tôi có rau ăn quanh năm. Ba tôi là người sống rất mẫu mực và chu đáo trong mọi sinh hoạt với vai trò chủ gia đình nên ông được mọi người rất nể phục. Tôi không biết ông học y từ bao giờ, nhưng ông vẫn thường đi tiêm thuốc giúp người dân địa phương và đã điều trị lành bệnh cho nhiều người. Nhà tôi hồi ấy còn bán cả thuốc tây.

Ngày ấy đường bộ chưa thông thương như bây giờ, nên muốn mua hàng mẹ tôi phải thuê ghe về dưới xuôi. Mỗi chuyến đi mẹ thường cho tôi theo cùng.

Con sông Thu Bồn đã gắn liền với ký ức tuổi thơ tôi khi tôi được cùng mẹ ngược xuôi với những chuyến hàng. Cái mùi ngai ngái khó chịu của dầu rái dùng để trét ghe hòa lẫn với mùi ẩm ướt trong đáy thuyẻn bốc lên 

với người khác rất khó ngửi, nhưng với tôi nó trở thành mùi thân quen đến lạ. Vì chưa có đường bộ nên trên sông thuyền ngược xuôi tấp nập, nào là thuyền buôn, thuyền hán hàng rong, đò ngang, đò dọc... Cứ nghe tiếng rao “Mì đây!” của ghe bán mì rong thì bụng dạ bỗng thấy cồn cào. Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể quên cái cảm giác ngon miệng khi được ăn tô mì Quảng bán rong trên sông ngày ấy. Xuôi ngược trên sông ngang qua Hòn Kẽm Đá Dừng, được nhìn ngắm những đàn khi rú nhau xuống sông uống nước cũng là niềm vui thú của tôi.

Làng Bình Huề tiếp giáp với rừng nên cứ cách vài hôm, vào lúc sáng sớm tôi lại được nghe tiếng tù và gọi bạn đi săn của những người thợ săn. Vũ khí của họ chỉ là giáo, mác và những tấm lưới nặng trình trịch gánh oằn cả lưng. Đến chiều về thế nào cũng có con nai, con hoẵng hoặc con heo rừng... Thỉnh thoảng trên trời có những đàn ong rừng bay qua như những đám mây ong. Nó phát ra âm thanh cứ tưởng như tiếng máy bay nghe từ xa vậy. Những lần như thế tôi thường phóng ngay ra đường để xem đám mây ong nhiều hay ít và rất thích thú.

Tôi còn nhớ lúc tôi được ba, bốn tuổi gì đó, cứ tối đến bà nội tôi xách cái thùng thiếc ra ngồi ngoài sân rồi dùng thanh cùi gõ ầm ầm để dọa "ông ba mươi”. Cách làng tôi ở có khi chỉ vài cây số thỉnh thoảng cọp lại về để tìm bắt súc vật. Ngày ấy có ông Hội Hồng người làng Phú Gia là tay thợ săn nổi tiếng thiện xạ. Có lần ông bắn được cùng lúc ba con voi, dân làng kéo nhau đi xẻ thịt về ăn không hết.

Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc. Hiệp định Geneve được ký kết. Đất nước tạm thời chia cắt làm hai miền. Những người tham gia kháng chiến ở miền Nam tập kết ra Bắc theo tinh thần Hiệp định. Ba tôi được phân công ở lại hoạt động hợp pháp, ông được nhân dân địa phương tín nhiệm bầu làm Chủ tịch xã. Trên cương vị này ông đã ký giấy để những người còn kẹt lại ra đi hợp pháp nhằm tránh rắc rối cho gia đình họ về sau.

Trong một lần xuống phố có tôi đi cùng ông đã bị bọn mật vụ bắt giam và bị chúng tra tấn một trận thừa sống thiếu chết. Có lẽ đây là trận đòn dằn mặt và ngầm cảnh cáo ông.

Do các anh chị cứ lần lượt qua đời nên khỏi phải nói cũng biết ba tôi yêu quý tôi đến thế nào. Đi đâu ba cũng cho tôi theo cùng. Tôi được gần gũi ba hơn là với mẹ, vì mẹ tôi bận rộn việc buôn bán và còn phải chăm cho hai em nhỏ của tôi. Tôi nhớ lúc lên năm những buổi đầu tiên đi học, tôi được ba cõng trên lưng từ nhà đến trường. Hết buổi học ông lại đến cõng tôi về.

Gia đình tôi đã trải qua thời gian nặng nề vì lo lắng cho ba những ngày sắp tới. Không phải chờ đợi lâu, vào một buổi tối mùa hè năm 1955, một bọn người mặc quần áo đen xộc vào giữa lúc gia đình tôi đang ăn cơm tối. Họ lục lọi không sót một góc nhỏ nào, sau đó ba tôi bị còng tay dắt đi trong sự sợ hãi của chị em tôi.

Cả nhà tôi buồn bã, không khí nặng nề như có đám tang. Sáng hôm sau mẹ dắt tôi qua quận để tiếp tế cho

ba. Mặc dù mẹ đã năn nỉ hết lời họ vẫn không cho bà gặp mặt, chỉ có mình tôi được vào gặp ba. Mẹ mua cho ba một tô mì Quảng và một nải chuối rồi để lên cái mâm nhỏ bảo tôi bưng vào cho ba. Thức ăn trên mâm quá nặng đối với một đứa bé 5 tuổi như tôi. Tôi rụt rè bước từng bước chậm chạp về phía người lính gác. Bỗng ông ta hét lên:

- Con bé kia, đi đâu đó?

Tôi hoảng quá khóc thét lên rồi buông tay đánh rơi cái mâm xuống đất làm vỡ tô mì. Mì văng tung tóe dưới chân, văng cả vào cái quản tôi đang mặc. Tôi vừa khóc vừa lượm nải chuối lên. Bỗng tôi nghe tiếng ba gọi, tôi chạy lại nơi có tiếng gọi của ba. Qua cái ô trống nhỏ chỉ gần bằng kích cỡ cuốn vở, khuôn mặt ba tôi hiện ra sưng vù, tím ngắt, hai con mắt đỏ ngầu đến độ không phân biệt được tròng đen và tròng trắng. Chỉ qua một đêm mà khuôn mặt ba tôi đổi thay đến thế. Tôi biết đêm qua ông đã bị bọn họ tra tấn rất nhiều. Trừ ba chị em tôi còn quá nhỏ, những người lớn trong nhà ai cũng khóc vì thương và lo lắng cho ba. Sau đó ba tôi bị đưa xuống nhà lao Hội An.

Cô tôi chưa lấy chồng, nhưng một trong hai bà chị con dì của tôi lấy chồng là Đảng viên, tham gia kháng chiến. Những ngày sau đó cô tôi và chị Ba tôi cũng lần lượt bị bắt giam và bị tra tấn vì liên can đến Cộng sản. Cô tôi bị đòn nhiều nên khi được thả cô phải nằm trên cáng để khiêng về nhà. Bà nội tôi đã khóc hết nước mắt vì thương con, thương dâu (mẹ tôi) phải chịu cực khổ để chống chọi với hoàn cảnh mà nuôi con dại, mẹ glà.

Từ nhà lao Hội An ba tôi lại bị chuyển ra Đà Nẵng. Cô tôi ra tù chưa đưọc bao lâu cũng bị họ bắt giam trở lại. Chị Ba tôi phải bỏ xứ âm thầm trốn đi nơi khác vì bị tên Bình cảnh sát xã ngày đêm lui tới tán tỉnh, chọc ghẹo. Có lần tôi nghe tiếng chị Ba tôi la làng vì bị Bình tấn vào trong buồng định giở trò súc vật. Đây là khoảng thời gian mẹ tối phải vất vả vô cùng vì phải vừa nuôi con dại, mẹ già vừa phải tiếp tế cho ba và cô tôi đang ở tù tại Hội An, Đà Nẵng.

Năm 1957, tôi đang học lớp Tư (lớp 2 bây giờ) mẹ dẫn ba chị em tôi ra thăm ba tại nhà lao Đà Nẵng. Hình như có linh tính sắp phải đi xa nên ông dặn dò mẹ con tôi rất nhiều. Ông bảo tôi phải xuống Hội An ở với chị Hải con bác tôi để đi học. Ba tôi nói trường ở quê chất lượng học tập rất kém. Ông bắt tôi phải hứa vói ông là phải chịu xuống Hội An để học. Tôi hứa chắc với ba dù trong lòng không muốn xa mẹ, xa em tí nào.

Tôi không thể quên được cái ngày xa gia đình để xuống Hội An. Tôi không hình dung được những gì đang chờ tôi phía trước, nhưng biết chắc một điều là tôi sẽ rất nhớ mẹ và hai thằng em trai. Hôm đó tôi theo ghe hàng về xuôi cùng với cô tôi. Mẹ tôi đã phải nén lòng để dỗ dành và động viên tôi ra đi. Tôi khóc rất nhiều và bịn rịn chẳng muốn rời bước. Ghe đang chờ tôi ở bến Khe Gai. Chị Bốn dẫn tôi ra bến để lên ghe. Tôi cũng nhìn thấy chị rung rưng nước mắt.

Vậy là không chờ học hết lớp Tư, tôi phải xuống Hội An và vào học tiếp cho xong năm học tại trường tư thục

Cẩm Hồ. Cùng năm đó ba tôi bị đày ra Côn Đảo. Thời ấy bị đày đi Côn Đảo là đồng nghĩa với biệt xứ và có thể là không trở về. Đến lượt chị Bốn của tôi (em ruột chị Ba, con dì) đi lấy chồng. Vậy là chỉ còn một mình mẹ tôi chèo chống trong bão táp để nuôi năm miệng ăn và tiếp tế cho cô tôi đang ở tù dưới Hội An.

Mẹ tôi là người rất kiên cường. Bà không những đã không gục ngã mà còn luôn sẵn sàng đương đầu với mọi thách thức. Tôi nhớ hồi ấy mẹ tôi làm đơn khiếu nại gửi lên các cấp có thẩm quyền để khiếu nại về sự biệt tích của ba tôi. Cấp quận không được thì bà lên tỉnh. Chị em tôi thường theo mẹ vào Tỉnh đường, vào Ty Công an để gửi đơn không biết bao lần. Những lá đơn chị em tôi đọc đến gần như thuộc lòng. Nhưng đáp lại là những lời hứa suông và sự im lặng đáng ghét.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/33472


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận