Tôi Nghe Tôi Hát Chương 2


Chương 2
Hội An và tuổi hoc trò

Thời gian đầu xuống Hội An tôi nhớ nhà đến quay quắt. Chị Hải biết tôi nhớ nhà nên ban đầu chị còn dỗ đành mỗi khi thấy tôi khóc hay buồn, vốn học giỏi khi còn trên quê nên khi vào học ở trường Cẩm Hồ tôi học thong thả, không cần cố gắng nhiều. Người anh rể trong họ của tôi lúc bấy giờ làm việc tại Ty Giáo dục tỉnh Quảng Nam thấy tôi học khá nên đã xin cho tôi thi vào lớp Ba trường Nữ tiểu học. Tôi đã thi đậu vào trường Nữ tiểu học không khó khăn lắm. Vậy là năm học 1957 - 1958 tôi bắt đầu vào học lớp Ba tại trường công lập Nữ tiểu học Hội An. Phải đến hè năm lóp Ba tôi mới đưọc về quê thăm nhà sau hơn một năm xa cách.

Nhà anh chị tôi ở gần Chùa Cầu. Hàng ngày hai buổi học tối đều phải đi ngang qua đấy. Không hiểu sao tôi luôn có cảm giác rợn người khi nhìn thấy hai con khỉ và hai con chó được thờ ở đó. Lâu ngày thành quen, cảm giác sợ hãi cũng bớt đi, tôi thường bồng em xuống chơi dưới đó. Bà Cai Dé là người quản từ của Chùa Cầu. Bà rất hiền lành và luôn sẵn sàng trả lời những câu hỏi hơi quá nhiều của tôi. Bà kể tôi nghe vì sao Chùa Cầu phải thờ hai con khỉ và hai con chó, vì sao bà nuôi quá nhiều mèo đến thế. Đàn mèo của bà có đến hàng chục con. Bà nói bà không nỡ cho bớt vì chúng cần được gần mẹ như con người vậy, hơn nữa là người tu hành bà không thể làm điều thất đức. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy bà xưng mẹ với lũ mèo.

Chị Hải tôi là một người cộc cằn hiếm có, trong khi anh rể tôi (chồng của chị) lại rất hiền lành. Chị dạy con và kể cả tôi bằng roi đòn là chính. Trirớc nhà chị trồng một hàng keo nhưng những cây keo không thể phát triển được vì bị chị bẻ ngọn làm roi để đánh con. Tôi nhớ có một lần Kim Anh, con gái đầu lòng của chị học lớp Tư (lớp 2 bây giờ) bị xếp vị thứ cuối tháng gần chót lóp. Khi đọc thông tín bạ (bây giờ gọi là sổ liên lạc) thấy cô giáo phê “Học kém, hay nói chuyện trong lớp”, như người sắp nổi cơn điên, chị vất cuốn sổ xuống giường rồi ra hàng keo trước nhà lựa một ngọn thật lớn bẻ gãy mang vào. Kim Anh tái xanh mặt mày rồi quỳ xuống van lạy mẹ. Chẳng màng đến lời van xin của con, chị nắm đầu tóc của Kim Anh lôi xệch lên giường bắt nó nằm sấp xuống. Chị nghiến răng lại rồi rít lên: "Nói chuyện trong lóp nè, nói chuyện trong lớp không chịu nghe giảng bài nè...”. Cứ mỗi câu chị thốt ra là một roi được quất thẳng tay xuống người Kim Anh. Có thể nói, từ lưng xuống chân nó không còn sót vùng da thịt nào tránh được đòn của mẹ. Khi cái roi đã gãy xác xơ chị lại bắt nó ngồi dậy rồi hai tay thay nhau tát vào hai bên má của nó. Nhìn Kim Anh bị đánh, nước mắt tôi chảy dài nhưng chỉ dám đứng nhìn từ xa. Nếu không có sự can ngăn của thím Sáu hàng xóm thì không biết Anh sẽ còn bị đòn bao nhiêu nữa. Xắn quần áo của nó lên thì thật là kinh hãi, lằn ngang lằn dọc bầm tím không còn sót chỗ nào trên người.

Tôi cũng từng bị chị đánh nhiều trận nhớ đời. Trận đòn đau nhất là lần tôi mượn của dì Thể, người dì ruột của con Lan bạn học cùng lớp với tôi chiếc xe đạp dì mới mua để chạy thử một đoạn đường. Thật rủi ro cho tôi khi tôi bị người đi xe phía sau húc vào khiến cả hai xe đều ngã lăn xuống đường. Chả có ai hề hấn gì, cả hai xe đều không sao cả. Nhưng sau đó về nhà tôi bị no đòn. Chị Lan đã dùng thanh củi dương liễu to bằng cổ tay tôi rồi bắt tôi đế sấp hai bàn tay lên bàn, cứ thế chị thẳng tay phang xuống hai bàn tay lật úp của tôi không biết bao nhiêu đòn. Sau lần đó hai bàn tay tôi bị sưng vù, bầm tím. Chị bảo đánh như thế để hai bàn tay tôi không còn cầm ghi-đông được nữa. Cầm ghi-đông đâu chưa thấy nhưng cầm bút để viết bài thật là đau đớn, khó khăn. Lần ấy Tường Vi, đứa bạn rất thân của tôi đã ứa nước mắt khi nhìn thấy hai bàn tay của tôi. Vi nói với tôi là sẽ xin gia đình cho tôi được ở trọ nhà Vi. Tôi chỉ biết nói cảm ơn Tường Vi, nhưng đó là điều không thể khi chị Hải tôi vẫn còn ở Hội An.

Vì tính tình hung dữ, cộc cằn của chị mà không một người giúp việc nào ở với chị được lâu. Khi nhà chị Hải không có người giúp việc thì mọi việc nhà gần như dồn hết lên vai tôi. Hôm nào lỡ đi học về trễ năm, mười phút thì y như rằng tôi sẽ bị ăn mấy cái tát hay nhẹ nhàng hơn là những lời mắng nhiếc rất khó nghe. Nhưng phải công bằng mà nói, nhờ thế mà tôi giỏi việc nhà hơn các bạn tôi rất nhiều.

Bạn bè của tôi ở Hội An phần lớn là con nhà viên chức, thương gia, chỉ có tôi là dân ở quê xuống thôi. Nhung cũng vì xuống phố khi còn quá nhỏ nên tôi dễ hòa nhập với bạn bè cùng cuộc sống phố phường. Hựu, Vân là hai anh em ruột ở sát vách nhà tôi. Hựu lớn hơn tôi một tuổi, Vân nhỏ hơn một tuổi. Ba đứa tôi chơi cùng nhau rất thân thiết như con một nhà. Tôi học giỏi nên thường được ba mẹ của Hựu, Vân lấy tôi để làm gương cho hai anh em.

Năm 1960, khi tôi đang học lớp Nhất (lớp 5 bây giờ), vào một buổi chiều đi học về tôi thấy mẹ và hai em trai của tôi từ quê xuống. Tôi rất mừng nhưng linh cảm như có điều gì đó không bình thường, vì ít có khi nào mẹ dắt hai em tôi đi cùng lúc. Tại sao mẹ lại bỏ qua ngồi bên nhà hàng xóm mà không ở nhà chờ tôi về? Tôi biết mẹ rất nhớ và mong gặp tôi lắm kia mà. Tôi hỏi người giúp việc xem chị có biết chuyện gì xảy ra không. Chị bảo thấy mẹ tôi và chị Hải khóc rất nhiều, nhưng không biết chuyện gì. Tôi gọi Tân (em trai kề tôi) vào để hỏi xem. Tân trả lời tôi bằng một câu gọn lỏn: “Cậu chết rồi!” (do ba mẹ tôi khó nuôi con nên bà nội bắt chị em tôi gọi ba mẹ là cậu mợ). Tin ba tôi mất do người anh họ của tôi dưới quê ở Khu Phù Kỳ (nay là xã Điện Quang, huyện Điện Bàn) gửi thư báo cho mẹ tôi.

Tôi quá đau đớn trước cái chết của ba và càng đau lòng hơn khi nghĩ mẹ tôi đã vĩnh viễn không còn hi vọng ngày ba trở về để cùng nhau nuôi chị em tôi khôn lớn. Tôi xin mẹ cho tôi nghỉ học để mẹ tập trung lo cho hai em trai tôi nhưng mẹ nhất quyết không cho. Chị Hai mắng tôi vì cho rằng đó là ý nghĩ điên rồ trong khi tôi đang sức học và lại học giỏi nữa. Tôi rất thương mẹ vì thấy bà quá vất vả với gánh nặng phải lo toan. Tôi hứa với lòng mình sẽ học thật giỏi để ba tôi nơi suối vàng yên lòng về tôi và đó cũng là cách tôi đáp đền công ơn mẹ thiết thực nhất.

Tôi và chị Hải cùng mẹ về quê để làm lễ phục tang và lập bàn thờ cho ba. Nhìn thấy tôi về, bà nội tôi òa khóc rồi dậm chân xuống đất kêu trời thảm thiết. Bà than trách tại sao ba tôi còn quá trẻ mà phải ra đi, bỏ bà cùng vợ dại con thơ ở lại. Bà con làng xóm đến thắp hương cho ba tôi rất đông, những người đồng chí còn lại của ông đến thắp hương đều rưng rưng nước mắt. Họ muốn khóc mà không dám khóc vì trước mặt nhà tôi là nhà của tên Đại diện xã. Nhiều cặp mắt cú vọ luôn theo dõi sát sao mọi động tĩnh trong nhà tôi.

Ba tôi mất nên mẹ tôi chẳng được yên thân với đám cán bộ ở Chi công an bên quận. Thỉnh thoảng lại có người kiếm cớ ghé vào nhà tôi uống nước để tán tỉnh mẹ tôi, thậm chí họ còn mời bà tham gia vào tổ chức Hội phụ nữ Liên đới của bà Ngô Đình Nhu. Bao giờ cũng vậy, mẹ tôi lấy cớ mẹ già, con dại để từ chối. Ở địa phương thì chính quyền xã o ép, gây khó dễ đủ điều. Nếu không vững vàng, vào hoàn cảnh của mẹ tôi lúc đó chắc sẽ dễ dàng chao đảo tinh thần. Nhưng mẹ tôi đã vượt qua hoàn cảnh trước sự khâm phục của mọi người, nhất là bà con bên nội của tôi. Như cây tùng vươn cao giữa ngàn giông bão/ Chúng con làm rễ sâu cho cây mẹ đứng giữa đời. Tôi đã viết tặng mẹ tôi hai câu thơ này.

Ở vùng quê nghèo như xã Sơn Bình, việc buôn bán nhỏ không thể đủ nuôi sáu miệng ăn nên thỉnh thoảng mẹ tôi phải đi buôn hàng chuyến lên tận Khu Dinh điền Bà Huỳnh, Bà Xá nằm trên tuyến đường 14E, cách nhà tôi 20 cây số. Những lúc không có xe đò mẹ tôi phải đi bộ. Đường lên Khu Dinh điền rất vắng vẻ, phần lớn là đường rừng. Thương mẹ quá vất vả nên cứ vào dịp hè được về quê là tôi lại theo mẹ lên trên đó. Đi bộ đường dài đầy sỏi đá, dốc cao đến bỏng rộp cả bàn chân nhưng tôi chưa bao giờ thấy mẹ than thở.

Ngày ấy, đường 14E vẫn còn những đồn lính nên mẹ tôi thường mang hàng tạp hóa lên bán cho lính. Nếu hôm nào có xe "nhà binh” thì tôi xin theo xe ra Đà Nẵng để lấy hàng về bán. Để bán hết hàng có khi tôi phải ở lại hai, ba ngày. Ngày ấy rừng còn rậm rạp, thú rừng rất nhiều, đêm nằm ngủ có thể nghe tiếng vượn hú, voi gầm... Xuống trường đi học, tôi đem chuyện núi rừng kể lại cho các bạn nghe, chúng nó cứ ngẩn tò te mà nghe tôi “ba hoa chích chòe”.

Thỉnh thoảng tôi lại được tin có người tù ở Côn Đảo được thả về. Mỗi lần như thế tôi thường tìm đến các chú, các bác để hỏi thăm về cái chết của ba tôi. Khi biết tôi là con của Trần Tường (họ tên của ba tôi) các chú, các bác tỏ ra rất thương yêu tôi như chính con của mình vậy. Các chú, bác nhắc đến ba tôi với lòng ngưởng mộ và mến phục. Chú Thắng ở gần nhà anh chị tôi còn nói với tôi: “Ba con đã anh dũng hi sinh như một người anh hùng". Tôi được biết ba tôi bị giam trong hầm đá vì đã chống ly khai, chống xé cờ Đảng trong chiến dịch ‘‘khủng bố trắng” của Mai Hữu Xuân, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát ngụy thời bấy giờ.

Những năm ấy, người tù chỉ có hai sự lựa chọn, một là chấp nhận hi sinh để giữ tròn khí tiết, hai là phục tùng bọn chúng để được sống mà trở về. Sống trong hầm đá ban đêm lạnh thấu xương, nhưng ban ngày lại rất nóng nực. Mỗi ngày chúng chỉ cho mỗi người tù một vắt cơm lạt và một lon sữa bò nước uống. Những căn bệnh phổ biến nơi những người tù bị nhốt hầm đá, xà lim là bệnh kiết lỵ và bệnh đen chân. Bệnh đen chân bộc phát ban đầu từ hai bàn chân, sau đen dần lên ống chân rồi đến bẹn, đó cũng là lúc người tù trút hơi thở cuối cùng. Chúng giết những người chống đối một cách từ từ như thế. Tôi quá đau lòng khi nghĩ đến những ngày cuối cùng của ba tôi. Mối căm thù trong tôi cũng được nhen nhóm lên từ đó.

Câu hỏi luôn ám ảnh trong tôi: Cách mạng là gì? Cộng sản là gì? Tại sao vì nó mà quá nhiều người đã phải hi sinh, trong đó có ba tôi? Tôi chưa đủ lớn để hiểu những việc mà ba tôi đã làm. Nhưng với tỏi, ông là thần tượng, vì ba tôi được mọi người kính mến và nể phục. Tuy không hiểu nhưng tôi biết ông đã làm nhũng điều mà lý trí và con tim ông mách bảo. Một người như ông không thể làm điều sai trái.

Xa quê cha, sống nơi đất khách, nhưng gia đình tôi được người dân ở địa phương dành tình cảm ưu ái đặc biệt. Đó là nhờ ba mẹ tôi đã sống rất nghĩa tình với mọi người và vẫn âm thầm giữ mối quan hệ đồng chí với những người đã từng hoạt động với ba tôi thời kỳ chống Pháp.

Tôi có cá tính mạnh mẽ như một đứa con trai. Tuy học giỏi nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn bị cô giáo la rầy vì hay nói chuyện trong lớp. Những dịp nhà trường tổ chức sinh hoạt ngoại khóa tôi luôn dành những việc nặng nhọc, khó khăn về mình. Các bạn tôi đền là những “tiểu thư” con nhà giàu, nên mọi công việc đối với các cô nàng đều rất khó khăn.

Mỗi năm tôi chỉ được về thăm gia đình vào dịp nghỉ hè và Tết Nguyên đán. Tôi rất có năng khiếu ca hát nên mỗi lần địa phương tổ chức văn nghệ mà gặp dịp tôi về là các chú trong ban văn nghệ của xã đều đến xin mẹ cho tôi được tham gia. Tôi nhớ có một lần xã Sơn Bình của tôi tham gia hội diễn văn nghệ ở quận Hiệp Đức, các chú đến xin mẹ tôi cho tôi được đi biểu diễn. Hồi ấy hầu như không có bài hát dành cho thiếu nhi, nên tôi phải hát bài hát của người lớn. Tôi phải đứng hát trên một cái ghế dựa để vừa tầm với cái micro và cũng để khán giả bên dưới nhìn tôi rõ hơn. Tôi hát hai bài. Tiết mục của tôi được giải Nhất vì tôi là thí sinh nhỏ tuổi nhất trong đêm biểu diễn ấy. Về sau này cũng có vài lần tỉnh Quảng Tín tổ chức hội diễn (hội diễn thường tổ chức vào mùa hè) bên Chi Thông tin của quận cử người sang xin mẹ cho tôi đi thi nhưng mẹ tôi nhất quyết không cho.

Một đứa bé chín, mười tuổi bị mồ côi cha, mẹ thì ở xa nên tôi phải tự chãm sóc bản thân, kể cả việc giặt quần áo. Chưa bao giờ chị Hải quan tâm đến việc ăn mặc của tôi, vì chị sinh con sồn sồn năm một. Cứ sinh đứa trước chưa kịp thôi nôi, tôi đã lại thấy cái bụng lùm lùm của chị. Khổ sở nhất là đến mùa thi tôi luôn bị thiếu ngủ vì phải dậy từ ba, bốn giờ sáng để vừa học bài vừa nấu cơm cho cả nhà ăn sáng. Tôi cũng không có thời gian để chơi bời nhiều như các đứa bạn cùng trang lứa. Sau những buổi học về nhà là tôi phải lao ngay vào bếp trong khi các bạn trong xóm tha hồ bay nhảy. Nhìn chúng nó chơi mà tôi phát thèm. Cứ chuẩn bị vào bữa ăn tối là tôi lại thấy nhớ nhà, nhớ mẹ và nhớ hai em đến cồn cào gan ruột. Quá sợ chị Hải nên tôi chỉ dám khóc thầm. Tôi tủi thân khi nhìn anh em Hựu, Vân được ba mẹ cưng chiều, lo lắng đến từng miếng ăn, giấc ngủ. Còn tôi thì ngược lại, phải lo ăn cho đám con lắt nhắt của chị Hải, phải bồng em đến chai cả hai bên hông. Đã có nhiều lần tối nghĩ đến chuyện bỏ học, nhưng rồi tôi lại nghĩ đến ba mẹ, đến lời dặn dò của ba trước ngày ông bị đày đi Côn Đảo.

Tôi học tại Hội An nên có dịp là tôi đi thăm nuôi cô tôi đang bị giam giữ trong nhà lao. Tôi rất thưong cô, vì cô là người thân ruột thịt duy nhất bên nội của tôi. Ngoài cô ra chị em tôi chả có người chú bác nào cả.

Xã Sơn Bình (nay là xã Quế Bình) quê tôi là xã có truyền thống cách mạng mạnh mẽ nhất. Cũng chính vì thế mà chính quyền Ngô Đình Diệm đã dựng lên ở đây một bộ máy đàn áp cực mạnh để hòng dập tắt phong trào. Những người có liên can Cộng sản đều bị chúng bắt về giam giữ và tra tấn rất dã man. Gia đình tôi bị chúng liệt vào diện liên can số 1. Chúng bát người về rồi đem đến ngôi nhà cạnh nhà tôi để tra tấn như một kiểu cảnh cáo khéo cho người nhà của gia đình tôi. Tiếng quát tháo của bọn người hỏi cung, tiếng đòn roi, đấm đá của chúng, rồi tiếng kêu la, than khóc của những người tù như xoáy vào tâm can của người nghe và chứng kiến. Chúng tôi cứ thắc mắc tại sao những người đang bị tra tấn kia, chị em tôi vẫn nhìn thấy họ thường ngày. Họ là những nông dân chân chất, tay lấm chân bùn nhưng tại sao dưới mắt của bọn người kia họ lại đáng sợ đến thế? Ông Kiều già đáng hàng cha chú của chúng lại bị chúng gọi là “thằng già” và còn nhiều người lớn tuổi khác nữa.

Luật 10/59 ra đời, những gia đình có liên can khốn khổ hơn bao giờ hết. Họ bị bắt sống tập trung trong các ấp chiến lược, muốn về vườn để hái trái thơm, trái mít cũng phải xin phép liên gia, ấp trưởng. Nhà tù cấp xã cũng được dựng lên để giam cầm những nghi can với chủ trương “bắt lầm hơn bỏ sót”.

Thi đậu Đệ thất (lớp 6 bây giờ) vào trường Trần Quý Cáp cũng là bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi. Các bạn của tôi có điều kiện hơn tôi rất nhiều, phần lớn chúng nó đều có gia SU' kèm cặp mà thi vào Đệ thất vẫn không đậu, trong khi tôi không hề được học thêm vì không có điều kiện. Hồi ấy thi vào Đệ thất chẳng khác gì thi đại học bây giờ, năm tôi đi thi có tỉ lệ thí sinh một chọi sáu. Vào Đệ nhất con gái chúng tôi cùng học chung với con trai. Tỷ lệ nam sinh chiếm ba phần tư trong lớp. Năm Đệ thất, tôi học giỏi đều các môn nên rất được thầy cô thương mến, nhất là cô Hảo dạy Vãn và thầy Bang dạy Pháp văn.

Không hiểu sao có một "thằng" con trai trong lớp có tên Ngô Tấn Dũng cứ hay trêu ghẹo tôi, hắn gọi tôi là Marốc. Có lẽ hắn thấy nước da ngăm đen của tôi chăng? Mà trong lóp đâu chỉ có một mình tôi da đen, còn con Bê, con Ngữ nữa kia mà. Tôi tủi thân quá bèn lên thưa cô Hảo (là giáo sư cố vấn cúa lớp Đệ thất 4 chúng tôi). Dũng bị cô gọi lên “dũa” cho một trận tơi bời. Sau đó Dũng còn tái phạm mấy lần nữa, sợ tôi lên thưa cô hắn đưa tay lên thu nắm đấm lại rồi dứ dứ trước mặt tôi đe dọa. Tôi tức anh ách vì kiểu đùa dai của hắn, tôi lại lên thưa cô.

Trường tổ chức thi văn nghệ, cô Hảo phân công hắn làm đội trưởng đội văn nghệ của lớp vì Dũng hát rất hay. Tôi nhớ lần đó chúng tôi tham gia tiết mục hợp ca với bài Tiếng trống cao nguyên. Khi lên sân khấu, Dũng đứng chính giữa để lĩnh xướng, tôi và Tuyết Lê đứng hai bên, đứng sau lưng ba đứa tôi là Kim Cư và Nguyễn Thị Bê. Tôi không đứng gần Dũng mà cố tình đứng cách hắn một khoảng cách hơi xa. Đứng trên sân khấu như vậy nên ở dưới nhìn lên thấy tôi chẳng giống ai. Sau buổi diễn tôi bị cô Hảo gọi lên mắng cho một trận nhớ đời. Sau lần ấy hắn còn trêu tôi nhiều hơn đế chọc tức tôi. Tôi lại khóc rồi lên thưa cô. Lần ấy cô đúng ra dàn hòa cho hai đứa, cô đặt tay tôi trong tay Dũng rồi bảo hai đứa bắt tay làm lành để cô chứng kiến. Đúng là sau lần đó Dũng không còn trêu tôi nữa. Sau ngày giải phóng, trở lại Hội An tôi nghe bạn bè nói lại là Dũng đã đi du học ở Tây Đức từ năm 1969. Năm 1984, tôi tình cờ gặp Dũng khi cả hai đang chờ mua vé máy bay đi Hà Nội tại phòng bán vé máy bay ở Đà Nẵng sau khi nghe người bán vé xướng tên. Cả hai chúng tôi đều mừng rỡ và xúc động đến rưng rưng nước mắt. Sau đó tôi sang Đông Đức chữa bệnh, hai đứa vẫn thư từ qua lại với nhau. Dũng đã sang Đông Đức thăm tôi hai lần. Dũng về nước cưới vợ và có một con gái năm nay mười chín tuổi. Tôi và Dũng vẫn liên lạc với nhau thường xuyên.

Năm lên Đệ lục bọn con gái chúng tôi được dồn vào học chung một lớp gọi là Đệ lục 6, cứ thế chúng tôi lên Đệ ngũ 6 rồi Đệ tứ 6. Lên Đệ lục 6 tôi lại đưọc cùng học với Tường Vi, đứa bạn rất thân của tôi khi chúng tôi cùng học chung lớp Nhì trường Nữ tiểu học. Tôi và Vi được ngồi canh nhau suốt ba năm học ở Trần Quý Cáp. Trải qua nhiều năm chơi thân với nhau nhưng tôi và Vi chưa một lần cãi nhau hoặc giận hờn gì nhau. Tường Vi tính tình điềm đạm, ngược lại tôi lại hay tinh nghịch, có lúc hơi thái quá như con trai. Có lẽ hai tính cách này bù trừ cho nhau nên tôi và Vi mới thân nhau đến vậy.

Lên Đệ ngũ, Đệ tứ tôi vẫn là một đứa trẻ con rất hồn nhiên, nhưng do hoàn cảnh nên tôi luôn tự thấy mình già dặn hơn các bạn cùng trang lứa rất nhiều. Vì mặc cảm với nước da đen nên chưa bao giờ tôi dám nghĩ là mình đẹp, trong khi các bạn trong lớp thỉnh thoảng cũng có người khen tôi đẹp gái, có duyên. Nhưng có một điều chắc chán là bọn con trai có nhiều người thích tôi. Tôi ý thức được điều đó qua cách giao tiếp và cách họ ứng xử với tôi từ lời nói đến ánh nhìn đầy trìu mến và sự quan tâm ân cần mà họ dành cho tôi.

Chị Hải bắt đầu lo lắng khi thấy thỉnh thoảng lại có một người bạn trai đến nhà tôi chơi. Chị lo tôi có "bồ”. Trời ạ, làm sao tôi có thể có bồ khi tôi chỉ mới mười ba, mười bốn tuổi. Con trai thích tôi thì họ tới nhà chứ tôi biết làm sao cấm cản họ được. Nhưng bao giờ cũng vậy, tôi buộc lòng phải nói với các bạn là lần sau đừng đến nữa vì chị tôi rất nghiêm khắc. Tôi nhớ có một lần một người bạn mới quen tên là Nhung, anh ta là bạn của anh Long bạn học cùng quê vói tôi, đến nhà tôi choi gặp lúc tôi đang lên cơn sốt nằm run bần bật. Nhung về nhà viết thư báo cho mẹ tôi biết là tôi đang ốm nặng, anh đã xuống nhà săn sóc cho tôi. Mẹ tôi đọc thư thấy hoảng quá bèn cho em tôi mang lá thư xuống cho tôi xem nhưng giấu không cho chị Hải biết. Bịa chuyện đến thế là cùng! Tôi không thèm gặp Nhung, nhưng tôi nhờ anh Long nói lại giùm là tôi rất giận anh ta. Tôi suýt bị mẹ cho nghỉ học vì chuyện không đâu này. Thời gian sau đó tôi trở nên thận trọng hơn trong mối quan hệ với bọn con trai.

Đầu năm 1963 bà nội tôi qua đời. Mẹ tôi là con dâu thảo hiếm có trên đời. Bà tôi trước ngày ra đi đã nằm một chỗ 4 tháng liền, mọi sinh hoạt của bà đều do một tay mẹ tôi phục vụ, mặc dù lúc ấy nhà tôi có người giúp việc. Vì nằm một chỗ lâu ngày nên bà bị lở loét rất nặng. Cứ mỗi lần thay quần áo hay rửa ráy cho bà là mẹ tôi nôn mửa đến nước xanh, nước vàng. Tôi chưa bao giờ nghe mẹ than vãn một lời. Về sau mẹ tói bị bệnh ù tai rất nặng do những lần bị ói mửa đó. Mẹ đã làm cho nội tôi một đám tang lớn chưa từng có ở xã Sơn Bình khiến ai cũng trầm trồ thán phục vì sự thảo hiếu của bà với mẹ chồng.

Xã tôi hồi ấy thinh thoảng lực lượng vũ trang giải phóng về nên hai bên bắn nhau đạn nổ ì xèo. Nhà nào cũng đào hầm tránh đạn. Mỗi lần như vậy mẹ tôi phải dắt ngoại tôi bị mù lòa xuống hầm rất vất vả. Thấy mẹ tôi quá khổ nên dì tôi lúc ấy ở Đà Nẵng đã xin mẹ tôi cho bà ngoại xuống ở với dì.

Ngày 1 tháng Mười Một năm 1963 cuộc đảo chánh lật đổ chế độ độc tài, gia đình trị Ngô Đình Diệm diễn ra. Ở tuổi mười bốn, tôi đã ý thức được phần nào những việc mà ba tôi và cô tôi đã làm. Chế độ ông Diệm đã làm quá nhiều điều khiến dân lành than oán. Việc sát hại người dân vô tội và đàn áp dã man những người Phật giáo hiền lành cũng đủ để đào mồ chôn gia đình họ Ngô rồi. Những ngày sau đó phong trào xuống đường chống chế độ độc tài, gia đình trị Ngô Đình Diệm dâng lên rất mạnh mẽ trong nhân dân và học sinh, sinh viên thành phố. Trường Trần Quý Cáp cũng bãi khóa để xuống đường biểu tình rầm rộ. Viên Giám học Nguyễn Văn Phúc của trường tôi nghe đâu là con nuôi của Ngô Đình Cẩn cũng bị truy lùng gắt gao, nhưng ông ta đã kịp thời trốn thoát để lại chiếc xe hơi trong sân trường. Chiếc xe liền sau đó cũng bị lật ngửa đốt cháy trong tiếng reo hò phấn khích của đám học sinh biểu tình, trong đó có tôi.

Trong dòng người biểu tình tôi tỏ ra hăng hái và hô khẩu hiệu đến khản cả giọng. Tôi luôn mong chờ một sự đổi thay để người dàn quê tôi bớt khổ, để cô tôi được ra tù sớm. Mà quả đúng thật, chỉ sau đảo chính chưa đầy một tháng cô tôi và nhiều người nữa ở nhà lao Hội An được trả tự do.

Niềm vui chưa được bao lâu, cô tôi và nhiều người khác cùng ra tù sau ngày đảo chính đều bị mật thám "dòm ngó". Nguy cơ tái tù đã hiển hiện trước mắt. Vào một đêm quân giải phóng về vũ trang, cô tôi và một số người trong xã Sơn Bình đã khăn gói lên rừng theo quân giải phóng.

Cô tôi đi rồi, lại một lần nữa mẹ tôi gặp rắc rối với chính quyền địa phương. Họ cho rằng mẹ tôi đã ngầm tổ chức cho cô tôi ra đi. Bằng “lợi khẩu” của mình, mẹ tôi dã có cách nói chí lý khiến họ không còn lý do gì để khó dễ với bà. Nhưng sự thật là vào cái đêm cô tôi ra đi còn có một người bạn của cô cũng đang bí mật ẩn tạm tại nhà tôi để chờ đợi cùng đi với cô.

Tết năm 1964 tôi ra nhà dì để thăm bà ngoại. Tại đây tôi gặp lại anh Bút, cháu gọi dượng tôi là chú ruột. Tôi đã quen anh từ ngày tôi còn rất nhỏ khi theo mẹ ra thăm dì ớ La Qua. Có lẽ anh đã nghe dì tôi nói về tôi sao đó nên khi gặp tôi anh tỏ ra thân thiện và cởi mở. Anh bảo anh đang hoạt động bí mật trên địa bàn huyện Điện Bàn. Tôi ngạc nhiên vì sự chủ quan và liều lĩnh của anh. Tại sao anh lại cả gan đem một chuyện động trời như vậy để nói với tôi, một con bé mới chỉ mười bốn tuổi đầu? Nhưng tuổi mười bốn của tôi cũng đã đủ khôn ngoan đế biết giữ miệng giữ mồm. Anh rủ tôi đi chơi ở Non Nước cùng với hai người bạn nữa của anh. Vừa gập một trong hai người bạn của anh, tôi và anh ta đều trố mắt vì ngạc nhiên. Anh ta ở trọ trong nhà thầy Kiệm dạy vẽ của trường Trần Quý Cáp, nhà thầy ngay trước nhà của tôi, chỉ cách một cái hàng rào gai thép. Hàng ngày tôi và anh vẫn nhìn thấy nhau nhưng không làm quen, tuy cả tôi và anh đều biết tên nhau. Anh tên là Anh, người bạn còn lại tên là Kiên. Ra Non Nước chúng tôi mang theo máy ảnh nên tha hồ chụp ảnh.

Một thời gian sau, dì tôi nhắn tôi ra nhà dì gấp. Tôi cứ ngỡ ngoại tôi có vấn đề gì. Nhưng khi gặp dì tôi nghe dì nói là đang rất lo cho tôi, vì anh Bút bị lộ đã nhảy lên núi rồi, anh Anh và anh Kiên cũng đã kịp vào lính. Dì sợ cảnh sát sẽ lần theo những tấm ảnh chụp ở Non Nước để tìm tôi. Tôi hoảng quá về nhà xé hết mấy tấm hình. Những ngày sau đó tôi đã phải sống trong phập phồng, lo âu. Tôi đi học mà đầu óc cứ bị chi phối vì lo sợ bị bắt. Nếu không lận bận cái bằng trung học chắc tôi cũng đã kiếm đường thoát thân.

Dưới chê độ Ngô Đình Diệm ngày 26 tháng Mười là ngày 29bd Quốc khánh, nhưng sau đảo chính đổi lại là ngày 1 tháng Mười Một. Giáp một năm sau ngày đảo chính, nhằm ngày 1 tháng Mười Một năm 1964 học sinh được nghỉ lễ cả tuần. Được nghỉ lâu nên tôi xin chị Hải về quê để thăm gia đình.

Tôi về quê đúng vào những ngày trời mưa dầm dề, tầm tã. Bão chồng lên bão, mưa gió suốt mấy ngày đêm không dứt hạt. Nước sông lên nhanh chưa từng thấy. Bà con ở những vùng đất thấp gồng gánh chạy đua với nước đang dâng quá nhanh nhưng vẫn không kịp. Nhà tôi trước đó có một lần lụt lớn, nước vào nhà một mét rưỡi đã là quá cao so với mọi năm. Nhung lần này nước vào nhà đã trên một mét mà trên trời vẫn đầy mây đen. Mưa vẫn còn như trút nước. Cả nhà tôi phài dầm mình trong nước lạnh đến thấu xương để cứu ba tủ hàng tạp hóa. Đồ đạc, hàng hóa phải đưa hết lên giàn gác gỗ trong nhà nhưng vẫn không kịp với tốc độ nước dâng. Khi không còn có thể cứu hàng đưọc nữa thì chỉ còn cách bỏ tất cả để người được thoát thân. Tôi lội qua bên kia đường khi nước dưới đường đã sâu gần đến cổ. Cuối cùng mẹ con tôi chỉ mang theo được vài món nhu yếu phẩm như: một ít lúa gạo, mắm muối, quần áo...

Dầm trong nước lạnh quá lâu nên hai chân tôi tê cứng gần như không còn cảm giác. Tôi không cần biết dưới chân mình có gì, đầu đội thúng mủng với đồ đạc lỉnh kỉnh, tôi bươn bả trong nước để mong cứu được ít đồ dùng cần thiết trong những ngày chạy lụt nhưng vẫn không kịp với nước dâng. Nhìn lại ngôi nhà của tôi thì nước đã chạm đến mái.

Tối hôm đó, xóm tôi chỉ còn duy nhất một căn nhà trên núi là nước chưa chạm đến. Suốt một ngày quần với nước lụt, tối đến người tôi mệt mỏi, rã rời. Bấy giờ tôi mới biết hai chân mình đầy vết trầy xước, tróc cả móng chân nhưng tôi chẳng còn biết đau đớn mà đầu óc cứ nghĩ đến ngôi nhà và hàng hóa đang nàm trong đó. Bụng đói cồn cào nhưng tôi và mẹ chẳng màng đến ăn uống. Hai em tôi cũng kêu đói bụng nhưng đâu có gì cho chúng ăn! Nước vẫn tiếp tục lên nhanh. Trời đất ơi! Đây không phải là trận lụt bình thường mà là một cơn đại hồng thủy. Nước đã nhấn chìm, cuốn trôi tất cả rồi! Ai cũng bảo thế. Có người còn nói may là mình ở trên cao, có núi mà lên để tránh nước, chứ ở đồng bằng thì làm gì có núi để tránh.

Sáng sớm hôm sau nước vẫn còn tiếp tục lên chậm. Trước mắt mọi ngưòi là một biển nước mênh mông chẳng nhìn thấy bờ. Nước cuồn cuộn chảy xiết, thỉnh thoảng lại thấy vài nóc nhà nổi trôi theo dòng nước. Trên nóc nhà có người đang chới với và cả chó mèo. Nhưng khi nhà trôi đến con nước xoáy thì nó bỗng xoay tròn rồi cả nóc nhà mất hút vào dòng nước. Làng An Toàn bên kia sông giờ đã trở thành biển nước, không còn một dấu hiệu nào còn nổi lên trên mặt nước. Như vậy có nghĩa là bên kia sông chẳng còn ai có thể sống sót. Ngọn đồi cao có một trung đội nghĩa quân ngụy đóng trên đó cũng bị nhấn chìm, không một người nào sống sót.

Nước xuống rất chậm. Không chờ nước rút hết, tôi và mẹ vội về để xem nhà cửa có còn không. Không nhìn thấy cái nóc nhà đâu cả. Nhà tôi đã bị nước cuốn mất rồi! Thôi thì cứ tự động viên mình, qua trận lụt này mà người còn sống được là may mắn lắm. Tuy nghĩ thế nhưng khi nước rút hết nhìn thấy cái nền nhà còn trơ lại mẹ tôi đứng chết lặng, còn tôi thì hai chân như muốn khuỵu xuống. Khóc không được mà nói cũng chẳng nên lời. Rồi gia đinh tôi sẽ sống ra sao trong những ngày sắp tới? Còn việc học của ba chị em tôi nữa. Nhưng trước hết phải lo cái ăn vì nhà tôi không còn một hạt gạo.

Còn một ít mắm, muối, mẹ tôi bảo chị giúp việc gánh vào xóm trong có hai chị em tôi đi theo để đổi gạo, đổi sắn về ăn. Nhưng đến đâu chúng tôi cũng nhận được những cái lắc đầu, thậm chí có người còn bảo: "Sắn không đủ cho heo ăn, có đâu mà đổi”. Dân ở vùng này cả đời họ có biết lũ lụt là gì. Họ không hề biết là dân ở xã dưới vừa bị lũ lụt làm chết người và bị cuốn trôi nhà cửa, của cải. Chị em tôi quay về mà chả mang về được củ sắn, lon gạo nào. Tôi vừa buồn vừa giận khi nghĩ lại những người dân ở xã trên mà chị em tôi vừa gặp sáng nay. Lòng tương thân, tương ái như không hề tồn tại trong những bộ óc hẹp hòi đó. Thế là hôm sau tôi và chị Năm (giúp việc) gánh đôi bầu lội bùn non đến gối xuống nhà cô Tư tôi cách xa nhà tôi hơn chục cây số để nhờ cô mua gạo. Vì phải giúp mẹ khắc phục hậu quả của trận lụt nên tôi xuống trường trễ mất hai tuần. Bạn bè, thầy cô biết hoàn cảnh của tôi nên ai cũng an ủi, động viên để tôi an tâm học hành.

Trận lụt lịch sử đó đã xóa sổ nhiều ngôi làng hai bờ sông Thu Bồn. Chưa có con số cụ thể, nhưng người ta ước đoán số người chết không dưới 2000 người. Ngay thôn An Toàn bên kia sông chỗ tôi ở có hơn 500 dân cũng chỉ sống sót mấy mươi người nhờ bám vào những ngọn cây cao hoặc đi vắng trong những ngày lũ lụt.

Tài sản đã bị cuốn trôi, mẹ tôi gần như chỉ còn hai bàn tay trắng. Đây là cơ hội để gia đình tôi hồi hương. Nhưng bà con làng xóm Sơn Bình nghĩa tình quá, họ biết mẹ tôi mẹ góa con côi nên đã tự nguyện rủ nhau mang tranh, tre đến để mẹ tôi dựng nhà ở tạm. Trong thời gian chờ đợi, gia đình tôi xin ơt tạm nhà viên ấp trưởng ở đối diện (đây cũng là ngôi nhà duy nhất còn sót lại sau trận lụt nhờ được xây kiên cố).

Tết Nguyên đán năm 1965 gia đình tôi hầu như không có Tết. Đám bạn cùng học Trần Quý Cáp với tôi họp lại rồi rủ tôi nhập bọn đi chơi lang thang như một nhóm du ca. Trong sô này có Th. là bạn thân của tôi. Chúng tôi mang theo một cây đàn violon và một cây guitare. Anh Cường đàn violon còn Th. đàn guitare. Đến chỗ nào thấy thích thú thì ngồi quây quần lại với nhau rồi đàn, hát. Trên đường chúng tôi đi qua, truyền đơn chống Cộng được rải trắng đường. Th. đi lùi lại sau cùng để lượm những tờ truyền đơn lên rồi xé nát. Anh hơi liều lĩnh nhưng tận đáy lòng tôi rất mừng khi biết anh cũng có cùng chí hướng với tôi. Nhưng tôi không chủ quan thái quá như anh, vì tôi biết trong đám bạn đi cùng có vài người cũng có tư tưởng chống Cộng.

Đến ngày sắp đi học lại tôi sang rủ Th. cùng đi, vì chúng tôi phải đi bộ gần 20 cây số xuống Quế Sơn mới có xe để đi Hội An. Nhưng không hiểu sao Th. lại làm mặt lạnh với tôi và cố tình đứng cạnh một cô gái tôi có quen như để chọc tức tôi. Anh nghĩ tôi là gì của anh mà anh lại làm như vậy? Tôi quay vội về nhà và nhủ lòng sẽ không bao giờ tha thứ cho sự xúc phạm này. Tôi chỉ tức một điều là tại sao anh lại hành xử với tôi như thế. Tôi thắc mắc mà chẳng biết hỏi ai.

Giữa lúc đó thì bên quận lỵ Hiệp Đức lại rộ lên tin đồn rằng tôi đang cặp bồ với V., một sĩ quan trợ lý cho quận trưởng Hiệp Đức. Thật là oan cho tôi, vì tôi còn quá nhỏ. V. quen tôi trong một lần tôi nghỉ hè về thăm nhà năm 1964. Trong những ngày tôi ở nhà, V. thường xuyên qua tìm tôi để trò chuyện. Mỗi lần sang anh thường mang cho tôi nhiều sách, truyện. Anh đã từng dạy Văn tại một trường trung học ở Quy Nhơn trước khi bị động viên vào trường Sĩ quan Thủ Đức. V. rất hay hát và hát cũng hay.

Hết kỳ nghỉ tôi phải xuống Hội An nhưng tôi phải đi bộ xuống Quế Sơn mới có xe, tôi đi cùng với đứa em trai đang học Đệ thất tại trường Tiểu La dưới Hà Lam. Hồi ấy đuừng lên Hiệp Đức không được an toàn nên xe đò không dám chạy. Vậy mà V. tiễn chị em tôi xuống tận gần cầu sông Trầu (cách quận lỵ Hiệp Đức gần sáu cây số) cho đến khi viên quận trưởng chạy xe theo cùng với một xe GMC chở đầy lính đi theo hộ tống “vớt” anh lên xe quay về. Tin đồn được dịp lan truyền và thổi bùng lên, đến tai những người đồng chí của ba tôi. Họ cho rằng mẹ tôi đã quá dễ dãi với tôi khi để tôi quen thân với lính Cộng hòa. Có lẽ tin đồn này đến tai Th. nên anh ta mới trả đũa tôi bằng việc xúc phạm đến tôi như thế. Tôi quen V. nhưng luôn ý thức rằng giữa tôi và anh có một khoảng cách rất xa, rất vô hình mà chỉ có một mình tôi biết.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/33473


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận