Tôi Nghe Tôi Hát Chương 3


Chương 3
Thoát ly

Trong lúc tôi còn đang nấn ná chưa kịp đi Hội An thì quân giải phóng kéo về. Xã Sơn Bình của tôi được hoàn toàn giải phóng. Giải phóng về, tôi được gặp lại cô tôi và những người bạn chiến đấu của ba tôi ngày trước. Tôi rất mừng khi gặp lại cô và các chú.

Theo lời khuyên của các chú, tôi nên nghỉ học ở Hội An để các chú tìm cách đưa tôi ra Bắc học tiếp. Ra ngoài đấy, tôi sẽ được ưu tiên vì là con liệt sĩ. Đối với tôi lúc ấy không gì quan trọng hơn việc học. Tôi chưa trả lời ngay với các chú vì tôi chưa thể tự mình quyết định một việc lớn như thế. Hơn nữa tôi còn chưa thi lấy bằng trung học và còn quá nặng lòng với Hội An cùng ngôi trường Trần Quý Cáp. Giữa lúc còn đang dùng dằng giữa ngã ba đường thì có tin từ quận lỵ đưa sang là tôi sẽ bị bắt nếu tôi còn ở nhà theo việt cộng mà không sang quận để đi học tiếp. Tôi bối rối chưa biết phải quyết định thế nào. Tôi không dám hỏi mẹ vì biết bà sẽ không cho tôi theo cách mạng lúc này vì tôi chưa kịp thi trung học, và thêm nữa bà lo cho tôi sẽ không chịu đựng được gian khổ chốn núi rừng.

Nhưng vào một buổi sáng tôi nghe tiếng súng nổ vang trời ở thôn dưới, tiếng nổ mỗi lúc một gần hơn, nhiều người ở thôn dưới hộc tốc chạy vào hướng núi ngang nhà tôi với vẻ hốt hoảng. Tôi đoán ngay quân lính bên quận đã sang sông tiến qua Sơn Bình. Tôi quơ vội chiếc cặp đựng đầy sách vở và chiếc túi xách đựng quần áo rồi phóng theo dòng người đang chạy trốn. Mẹ tôi chạy theo gọi tôi đứng lại, tôi ngoảnh nhìn lại thấy đầu tóc bà bị xổ tung, hai tay với về phía trước, không ngớt gọi với theo:

-  Con ơi, quay về đi, đừng chạy nữa.

Tôi thét lên:

-  Mẹ đừng chạy theo con nữa. Con đi luôn, không về nữa đâu!

Đạn đang bay cheo chéo trên đầu, tôi sợ bà bị nguy hiểm nên cố chạy thật nhanh. Đạn găm xuống đất, đất bắn cả vào chân tôi. Đạn quất vào bờ tre nghe rát rạt. Cứ chạy thế này trước sau gì tôi cũng bị "dính” đạn. Tôi ngoặt lại phía bờ rào ấp chiến lược rồi tụt xuống cái giao thông hào đang cắm đầy chông nhọn hoắt. Dưới giao thông hào nước và bùn sền sệt. Quần áo tôi lấm lem bùn đất. Tôi men theo giao thông hào một đoạn rồi vọt lên nhắm hướng suối La Nghi chạy xuống. Từ con đường phía bờ suối tôi chạy thêm một đoạn nữa cho đến khi gặp những người cùng chạy trốn tôi mới yên tâm dừng lại. Người tôi mệt lả, vì đã có bao giờ tôi phải chạy hết tốc lực như thế này đâu.

Đến chiều tối mọi người lục tục kéo về khi được tin lính đã rút hết qua quận. Tôi về nghe nhiều người trong xóm nói lại là mấy ông lính tìm tôi dữ lắm. Tôi đoán ngay là họ tìm tôi theo lệnh của V. Mẹ tôi trách sao tôi lại đặt bà trước một chuyện đã rồi như vậy. Tôi nói với mẹ là nếu tôi nói trước chắc chắn mẹ sẽ không cho tôi đi. Mẹ tôi rất buồn.

Thôi, vĩnh biệt Việt Nam Cộng hòa, tạm biệt Hội An với mái trường Trần Quý Cáp và bao bạn bè thân thương cùng những kỷ niệm ngọt ngào của tuổi học trò. Tôi ra đi mà trong lòng mang theo bao điều tiếc nuối.

Vài ngày sau tôi gặp anh Phê người ở Hà Lam, nguyên là học sinh trường Tiểu La, lúc bấy giờ anh đang dạy học trên khu di dân Bà Xá. Phê "tuyên truyền" cho tôi nghe rất nhiều về cách mạng. Sau khi thuyết giảng một hồi Phê đột ngột hỏi tôi:

-  Lý tưởng của Phương hiện tại là gì?

Tôi trả lời anh ]à hai tiếng “lý tưởng" đối với tôi còn mới mẻ quá, nhưng tôi nói chắc với anh một điều là tôi sẽ đi tiếp con đường mà ba tôi đã đi. Anh bảo:

-  Thế là tốt.

Ngay ngày hôm sau tôi gặp chú Phước trong đội công tác và xin chú cho tôi thoát ly. Tôi nói với chú tôi đã quyết định dứt khoát rồi. Vì gia đình tôi đang ở nhờ nhà viên ấp trưởng nên mọi quan hệ của tôi với những người cách mạng phải hết sức dè dặt. Nửa đêm chú Phước đến nhà gọi tôi dậy để chú đưa đi. Tôi vẫn mang theo cái cặp sách vở và vài bộ quần áo. Cùng đi với tôi đêm đó còn có năm người nữa. Tôi chào mẹ và hai em để ra đi mà trong lòng bùi ngùi, lo lắng. Tôi sợ mẹ sẽ gặp rắc rối vì sự ra đi của tôi. Nếu Sơn Bình bị tái chiếm rất có thể mẹ tôi sẽ bị bắt. Hai em tôi còn quá nhỏ, ai sẽ nuôi chúng nó. Tôi nói với mẹ lần sau nếu lính quặn kéo sang mẹ tạm thời đi tránh mặt rồi tính tiếp.

Tôi nói vói chú Phuớc về những lo lắng của tôi, chú bảo cách tốt nhất là nên để mẹ tỏi sống bất hợp pháp chứ không còn cách nào khác. Vậy là sau ngày tôi đi chỉ mấy hôm mẹ tôi phải dắt hai em theo tôi vào rừng ở chung trại với đội công tác. Nhà cửa, của cái gia đình tôi đâu còn gì để mẹ tôi luyến tiếc.

Trại của đội công tác chỉ là một túp lều lụp xụp nằm giấu mình dưới một bụi tre là ngà rậm rạp để tránh sự phát hiện của máy bay. Bốn mẹ con tôi ở đó cùng với vài người nữa trong đội. Hàng ngày chị em tôi xuống suối để bắt ốc và đùa nghịch, có hôm chúng tôi còn bắt được cả cá nữa. Nhũng con cá còn bé tẹo nhưng đó cũng là "chiến lợi phẩm " lớn của chị em tôi. Tôi nhớ có một lần thằng em trai lớn của tôi đang nằm dưới sạp nhìn lên mái lều, bỗng nó phát hiện một vật gì đó sáng loáng được nhét dưới tấm tranh (loại cỏ dùng lợp nhà). Tò mò muốn biết vật gì nó bèn lấy xuống để xem thử. Đó là một vật bằng kim loại hình tròn có đường kính hơi lớn hơn quả chanh, có 3 chân cách đều nhau. Ba chị em chụm đầu lại với nhau để “khám phá” nó. Em tôi dùng tay vặn mãi không ra, nó bèn lấy con dao để nạy thử. Đúng lúc đó chú Sâm đi đâu về nhìn thấy, chú hốt hoảng la lẽn:

-  Chết rồi! Kíp mìn ba càng mấy cháu ơi!

Thằng em tôi hoảng quá vội vàng vứt xuống đất. Lạy ơn trên! Nếu chú Sâm không về kịp thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra với chị em tôi?

Chưa biết hồi nào mới được ra Bắc, trong thời gian chờ đợi tôi cần phải có việc gì đó để làm. Cô tôi đang làm việc ở Hội Phụ nữ huyện Quế Sơn báo tin về cho tôi là ở Ban Giáo dục huyện đang chiêu sinh một lớp giáo viên cấp tốc. Cô đã liên hệ và đăng ký cho tôi rồi. Mừng quá, tôi vội đi ngay. Hồi ấy cơ quan huyện ủy Quế Sơn đóng ở xã Sơn Thạch. Từ xã tôi xuống đấy, đi đường vòng để tránh địch phải mất cả ngày đường. Lớp tôi theo học là lớp giáo viên đầu tiên của huyện Quế Sơn mới giải phóng.

Trong lúc chờ nhập học cô tôi gửi tôi ở tạm nhà chị Sương. Chị cũng sẽ cùng nhập học với tôi. Tối đó hai chị em tôi đang ngồi hát với nhau, giữa lúc tôi đang hát bài Những đồi hoa sim (phỏng thơ Hữu Loan, nhạc Dzũng Chinh) thì một ngưòi thanh niên đường đột bước vào nhà. Có nguồi lạ làm chị em tôi cụt hứng. Anh ta nói vì đi ngang qua nghe có người hát hay quá nên xông đại vào nhà để làm quen. Sau vài câu chào hỏi xã giao, anh cho biết anh sẽ phụ trách lớp giáo viên sắp tới cùng với chú Ngô Quyến, Trưởng ban Giáo dục. Tôi và chị Sương đều mừng vì tình cờ mà chị em tôi được quen anh. Chúng tôi giới thiệu tên để làm quen. Anh tự giới thiệu tên anh là Qu., quê ởxã Phú Phong, một xã vùng sâu của huyện Quế Sơn.

Lớp chúng tôi hồi đó chỉ có khoảng trên dưới 20 người. Số học viên nam đông hơn nữ. Chúng tôi đều là những người chân ướt chân ráo đi theo cách mạng và đều xuất thân là những học sinh đang học dang dở chương trình trung học. Lớp học ít người nhưng rất vui và tràn đầy khí thế lạc quan cách mạng. Ngoài giờ học nghiệp vụ chúng tôi cùng nhau tập hát những bài ca cách mạng với giai điệu hùng hồn mà chúng tôi mới chỉ được nghe lần đầu. Nào là: Dấu chân trên rừng, Bài ca người săn máy bay, Biết ơn chị Võ Thị Sáu... Bài nào cũng lạ, cũng hay. Nhưng làm sao để hát hay những bài ca đó thì thật là khó với chúng tôi. Đã quen hát nhũng bài có giai điệu boléro, slow rock, tango... ngọt ngào nên khi chúng tôi hát những bài ca cách mạng bị phê là thiếu "lửa”, nhạc cách mạng mà hát như nhạc “vàng”.

Vì là lớp học cấp tốc nên chúng tôi chỉ học đúng mười ngày. Ngày bế giảng chúng tôi cũng tổ chức một buổi văn nghệ với toàn những bài ca mà chúng tôi mới học đưọc. Ngay hôm sau chúng tôi được tung về các địa phương mới được giải phóng để nhận nhiệm vụ.

Tôi được phân công về dạy lớp 4 ở trường tiểu học xã Sơn Long. Hồi ấy học trò ở quê thường được đi học rất trễ, có khi bảy, tám tuổi mới được vào lớp 5 (lớp 1 bây giờ). Học trò lớp 4 của tôi có em chỉ kém tôi ba tuổi. Ngoài giờ học, tôi thường tập cho các em những trò chơi thời tôi còn học tiểu học cùng những bài hát thiếu nhi mà tôi biết. Các em yêu thích tôi vì tôi cũng chỉ hơn trẻ con... một tí. Tôi vốn giỏi Toán nên khi dạy môn này tôi giảng giải cho các em theo cách tôi học hồi trước nên các em rất thích thú.

Đang dạy học ở Sơn Long thì tôi được chú Phạm Trọng Hoàng, Bí thư Huyện ủy gọi về gặp chú gấp. Khi đến văn phòng của chú tôi thấy đã có hai người khách một nam và một nữ đang ngồi chờ tôi ở đó. Hai người tự giới thiệu tên là Sơn (nam) và Hưong đang còng tác ở đoàn văn công tỉnh Quảng Nam. Chú Hoàng bảo:

-   Hai anh chị này muốn xin cháu về đoàn văn công tỉnh. Ý cháu thế nào?

Từ trước đến giờ tôi chưa hề có ý nghĩ sẽ theo nghề ca hát. Gia đình tôi tuy đi làm cách mạng nhưng vẫn còn chịu ảnh hưởng phong kiến khá nặng nề. Bản thân tôi không muốn, nhưng mẹ và cô tôi cũng chắc chắn sẽ không đồng ý để tôi đi làm văn công. Tôi nói với chú Hoàng:

-    Đi tham gia cách mạng cháu không từ nan một công việc gì, nhưng cháu chỉ xin chú đừng cho cháu đi văn công.

Chú Hoàng quát lớn:

-  Đồng chí đã đi tham gia cách mạng thì phải chịu sự phân công của Đảng!

Thấy chú Hoàng ra vẻ giận dữ tôi sợ đến run người. Tôi thấy cổ họng mình nghẹn lại, nước mắt chỉ chực trào ra. Anh Sơn và chị Hương ra sức thuyết phục, dỗ dành. Anh Sơn nói:

-   Em suy nghĩ kỹ đi, bao nhiêu người muốn đi văn công mà không được đi, trong khi em được bọn anh chọn lựa thì lại từ chối.

Bí quá, tôi lúng túng không biết trả lời ra sao đành phải nói là chờ tôi xin ý kiến của mẹ và cô tôi. Chú Hoàng lớn tiếng:

-   Đi tham gia cách mạng Đảng phân công tác cho cháu hay mẹ và cô cháu phân công?

Sau câu nói của chú Hoàng tôi không còn kìm nén được nữa, nước mắt tôi trào ra. Thấy tôi khóc, chú Hoàng xuống giọng nói lẫy:

Thôi thi tùy cháu, khôn nhờ dại chịu, từ nay chú sẽ không tham gia ý kiến cho cháu vào bất cứ chuyện gì.

Anh Sơn bảo:

-  Em về suy nghĩ lại, nếu thay đổi ý định thì gửi thư báo cho anh biết.

Tôi ra về mà thấy trong lòng nặng trĩu. Tôi đã làm phật lòng đồng chí Bí thư Huyện ủy. Chuyện không hề đơn giản. Tôi ước gì có công việc nào đó để tôi đi khỏi Quế Sơn, để không còn phải gặp lại chú Hoàng. Tôi thắc mắc không biết ai đã giới thiệu tôi với anh Sơn và chị Hương để hai người tìm đến.

Ở huyện tôi còn được quen thân với chú Kỳ (Cao Đình Trung) một cán bộ hoạt động bí mật nổi tiếng. Cái tên Cao Đình Trung là nỗi khiếp sợ của địch ở Hiệp Đức cũng giống như chú Đặng Xuân Sinh người cùng quê Sơn Bình với tôi. Chú Sinh bị gián điệp khai báo nên hi sinh rất sớm. Chú bị địch cắt đầu rồi cắm cọc bêu đầu tại quận lỵ.

Chú Kỳ rất thương tôi. Chú hoạt bát, vui vẻ nhưng đôi lúc cũng rất nghiêm nghị. Hồi ấy chú Kỳ đang giữ chức Bí thư Huyện đoàn. Những lúc rảnh rỗi tôi thường tìm đến chú để chú cháu tập hát. Tôi rất hợp với chú Kỳ vì chú tuy lớn tuổi nhưng tâm hồn lại rất trẻ trung. Tôi đem chuyện của tôi với chú Hoàng tâm sự với chú Kỳ để xin ý kiến của chú. Chú Kỳ bảo:

-   Nếu cháu muốn thì chú sẽ tìm cách kết nạp Đoàn cho cháu rồi điều cháu về công tác ở Huyện đoàn.

Ngày ấy tiêu chuẩn để vào Đảng, vào Đoàn còn khắt khe lắm. Phải chờ kết nạp Đoàn thì lâu quá!

Học lớp giáo viên tôi có vài người bạn mới rất thân. Kể từ lúc gặp mặt ở nhà chị Sương cho đến về sau này Qu. luôn tìm cách gặp tôi. Tôi cũng quý và xem anh như người anh. Qu. cũng là học sinh Trần Quý Cáp nên mối quan hệ giữa tôi và anh hơi đặc biệt. Nhưng tôi biết tình cảm của anh dành cho tôi không dừng lại ở đó. Tôi dạy học ở Sơn Long nhưng những ngày nghỉ tôi thường sang Sơn Thạch (tiếp giáp với Sơn Long) chơi ở nhà vài người bạn, trong đó có chị Lệ Trình, một người bạn, người chị mẫu mực mà tôi rất yêu quý. Ba mẹ và các em trai của chị xem tôi như người nhà. Cơ quan Qu. đóng gần nhà chị nên anh thường sang nhà chị chơi mỗi khi có tôi sang. Dư luận cũng bắt đầu quan tâm tới mối quan hệ giữa tôi và anh. Thực tế không như lời đồn đại mà chỉ có tình cảm đơn phương từ phía anh. Cùng vào thời gian đó, một anh chàng nào đó mới toanh với tôi lại bắn tiếng nhờ người mai mối tôi cho anh ta. Nghe đâu anh có tên là Th. Trời ạ, anh ta đang sống ở thời đại nào vậy? Tôi chưa biết mặt anh ta nhưng hình như anh đã trông thấy tôi ở một dịp nào trước đó. Nghe nói anh là con của một đồng chí trong Thường vụ Huyện ủy.

Tôi tự thấy việc làm cô giáo có vẻ hơi sớm so với tuổi của tôi. Lại thêm chuyện bị chú Hoàng giận dỗi khiến tôi không an tâm công tác. Giữa lúc tâm trạng đang rối bời thì tôi dược biết Ban Kinh tài tính đang chiêu sinh một lớp kế toán. Tôi vội vã sang Ban Kinh tế huyện để đăng ký xin đi học. Qu. phản đối quyết liệt trước quyết định này của tôi. Anh bảo nếu tôi đi thì lớp học của tôi ai sẽ thay tôi để dạy. Tôi nói với anh đây là cơ hội để tôi chuyển công tác. Tôi đã vào Đảng, vào Đoàn đâu mà sợ bị kỷ luật! Còn một lý do nữa mà tôi biết anh không thể nói ra, đó là anh không muốn xa tôi.

Đoàn học viên của chúng tôi khoảng mươi người nhưng chỉ có hai nữ là tôi và cô Hường. Cô Hường lớn tuổi nhất nên được bầu là đoàn trưởng. Ngày chúng tôi lên đường, Qu. kiếm cớ đi công tác để tiễn tôi một đoạn đường khá xa. Lớp học của tôi ở thôn Phướt Tuy, xã Rình Sơn, huyện Thăng Bình. Từ Quế Sơn nếu theo đường đi bình thường thì chỉ mất chưa đầy một buổi, vậy mà theo đường giao liên dẫn đi chúng tôi phải mất hai ngày hai đêm theo đường vòng qua Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước.

Anh chàng có tên Th. cũng cùng đi học với tôi. Trên đường đi xảy ra một chuyện không đâu nhưng cũng làm ảnh hưởng đến tôi. Chuyện là do đi đường xa nên tôi khá mệt, phải gửi bớt một cái túi xách nhỏ cho một người cùng đi mang giúp. Đến chỗ nghỉ chân ở nhà dân, thừa lúc anh này đi vắng, Th. mở túi xách của tôi ra để lục tìm gì trong đó. Anh bạn này bắt gặp, hoảng quá (vì trách nhiệm) bèn chạy tìm tôi để nói lại. Tôi gặp Th. và mắng anh ta một trận hơi nặng lời. về nằm suy nghĩ lại thấy hối hận, nên ngay tối đó tôi đã tìm đến xin lỗi anh.

Đến địa điểm tập trung phải ngồi lại họp để kiểm điểm rút kinh nghiệm. Chuyện của tôi và Th. lại được đem ra mổ xẻ. Tôi không biết nói sao cho mọi người hiểu là tôi khống hề có “tình ý” gì với Th. Bị dồn vào thế không thể im lặng được nữa, tôi buộc lòng phải nói với Th.:

-  Đồng chí hãy nói cho mọi người biết là tôi mới quen với đồng chí và không hề có chuyện "bồ bịch” như mọi người nghĩ.

Anh cúi đầu lặng thinh không nói gì, nhưng tôi thì thấy lòng nhẹ nhõm vì đã nói ra được điều cần nói.

Vào học chưa được bao lâu thì Th. bị bệnh nặng. Trong đoàn lại nhỏ to xầm xì đổ lỗi tại tôi mà Th. Mới bị bệnh. Anh không thể tiếp tục theo học, phải cáng về nhà trở lại để chữa bệnh.

Sau ba tháng học tôi được điều về Tiểu ban Tài chính thuộc Ban Kinh tài tỉnh do chú Hòe làm trưởng ban. Tiểu ban Tài chính do chú Sửu làm trưởng tiểu ban. Cùng về với tôi còn có hai anh nữa. số anh chị em còn lại được đưa xuống các chợ trong tỉnh để đứng điểm thu đảm phụ. Vì chưa đủ người nên các anh chị được đưa xuống các chợ lớn lúc bấy giờ như cẩm Khê, Cây Sanh, Ngọc Nha thuộc huyện Tam Kỳ và An Xuân thuộc huyện Quế Sơn.

Tôi đưọc phân công làm kế toán kiêm quản lý ấn chí. Nhiệm vụ của tôi là mỗi tháng hai lần xuống các trạm thu đảm phụ để gom tiền và biên lai về cộng lại và đối chiếu, kiểm tra. Nói là làm kế toán nhưng thực tế là suốt ngày tôi chỉ vùi đầu vào làm những bài toán cộng.

Ban đầu cơ quan chỉ có mình tôi là nữ, về sau chú Sửu cưới vợ nên có thêm một người nữa. Vợ chú Sửu tên là H. Vì không thể làm công việc liên quan đến giấy tờ do không có trình độ nên chị được phân công lo com nước cho anh em. Tôi rất buồn cười khi thấy suốt ngày chị cứ loay hoay với bảng chấm cơm trong khi bộ phận văn phòng chỉ có mấy người.

Mỗi lần đi xuống các trạm thu tôi rất ngại. Tôi không sợ địch, không sợ bom đạn, điều tôi sợ nhất là lượng tiền tôi mang về rất lớn nhưng lần nào tôi cũng chỉ đi có một mình. Tôi mang tiền đi mà trống ngực cứ đánh thình thịch mỗi khi gặp người đi đường. Hồi ấy ở dốc Dần Xây (giáp giới giữa xã Phước Sơn và xã Kỳ Phước) địch thường đổ biệt kích nên tôi thường phải đi qua Eo Gió xa hơn rất nhiều.

Đi công tác một mình thui thủi, không có bạn đồng hành tôi vừa đi vừa suy nghĩ mông lung. Những lúc như thế tôi thường nghĩ về Hội An, về mái trường Trần Quý Cáp thân yêu cùng bao bạn bè thân thương của tôi. Tôi  nhớ Tường Vi, nhớ Ngô Tấn Dũng, thằng bạn quái quỷ đã làm tôi mất không ít nuức mắt, nhớ hai anh em Hựu, Vân đã cùng tôi “cởi trần tắm mua” thời thơ ấu... Nhưng nhớ nhất vần là lớp Đệ tứ 6 của tôi. Tôi hình dung đến từng khuôn mặt các bạn và thường tự hỏi không biết giờ này các bạn đang làm gì dưới đó. Tôi mong ngày thắng lợi sớm đến để tôi sớm được trở lại Hội An.

Có một lần chúng tôi được lệnh di chuyển khẩn cấp trong đêm để tránh bom B52 của địch trong trận càn Đồng Dương vào khoảng đầu năm 1966. Chúng tôi phải vượt qua Dương Đế lúc nửa đêm. Từ điểm cao này nhìn xuống đồng bằng tôi thấy có ba vùng sáng từ dưới hắt lèn. Các chú đi trong đoàn chỉ cho tôi rằng vùng sáng gần nhất về phía tay phải là thị xã Tam Kỳ, vùng ở giữa là Hội An, xa hơn là thành phố Đà Nẵng. Tôi không quan tâm Đà Nẵng, Tam Kỳ hay bất cứ đâu mà mắt tôi cứ nhìn đăm đắm về Hội An với nỗi nhớ cồn cào cho đến khi có tiếng người giục đi nhanh tôi mới sực tỉnh như người vừa thoát khỏi con mơ.

Chuyện đi miền Bắc của tôi tạm thời đành gác lại. Miền Nam đang vào thời kỳ nước sôi lửa bỏng. Hậu phương miền Bắc dồn sức cho miền Nam với khẩu hiệu: "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Chiến tranh ngày càng ác liệt, lằn ranh giữa sự sống và cái chết quá mong manh. Cảm xúc về sự thương vong của người thân, bạn bè, đồng đội cứ cạn dần theo mức độ ác liệt của cuộc chiến. Thay vì phải khóc lóc thì chúng tôi lại ca hát để “lên dây cót” cho tinh thần. Những ca khúc cách mạng mang đầy khí thế lạc quan, hùng hồn đã góp phần thúc giục chúng tôi đi tới mà không nề hà gian khổ, hiểm nguy.

Trong một lần đi xuống chợ cẩm Khê về có một chuyện hơi ly kỳ xảy đến với tôi.

Sáng hôm đó tôi dậy thật sớm đi về để tránh sự phát hiện của máy bay. Có một chị đi cùng đường nên hai chị em chuyện trò rất vui vẻ. Đi sau chúng tôi là một người đàn ông. Bỗng ngưòi đàn ông tiến nhanh lên phía trước, đi ngang hàng với chúng tôi. Lúc này trời vẫn chưa sáng hẳn nên chưa nhìn rõ mặt người. Ông ta hỏi tôi:

-  Quê cháu ở đâu?

Tôi trả lời:

-  Dạ quê cháu Ở Điện Bàn, nhưng trú quán ở Quế Sơn.

Ông hỏi tiếp:

-   Ở Quế Sơn cháu có biết Trần Thị Minh không?

Tôi hỏi lại ông:

-   Dạ có phải cô Minh làm ở Hội Phụ nữ không?

-   Đúng rồi. Thế tên cháu có phải là Phương không?

Tôi quá ngạc nhiên khi thấy có một người lạ nói đúng tên mình. Tôi hỏi tiếp:

-  Xin lỗi, chú là ai, mà sao chú biết tên cháu?

-    Nghe giọng nói của cháu chú đoán cháu là dân thành phố, với lại chú cũng có chút linh cảm. Chú đang giữ tấm hình của cháu đây.

Tôi lại càng bất ngờ hơn. Đến chỗ nghỉ chân thì trời đã sáng rõ. Tôi đánh bạo hỏi chú:

-  Chú có phải là Hà Long không ạ?

-   ừ, chú là Hà Long, là bạn của cô Minh của cháu.

Rồi ông lấy tấm hình từ trong ba-lô ra đưa cho tôi xem. Cầm tấm hình mà tay tôi muốn run lên. Trận lụt năm 1964 đã cuốn theo mất của tôi cuốn album ảnh, tôi chẳng còn một tấm hình nào. Tôi xin lại tấm ảnh. ông cho lại tôi mà không một chút đắn đo. Ông và cô tôi đã có một thời yêu nhau. Trong những lần tâm sự cô tôi thường hay nhắc đến ông. ông còn một tên nữa là Huỳnh Cự. Sau này tôi về lại Quế Sơn, trong một lần đi công tác gặp lúc máy bay rải truyền đơn trắng trời, tôi nhặt một tờ lên xem. Trên tờ truyền đơn là một khuôn mặt quen quen. Khi đọc đến tên Huỳnh Cự thì tôi gần nhu không tin vào mắt mình, ông Cự đã đi chiêu hồi và đang hợp tác với cơ quan Tâm lý chiến địch để “chiêu hồi Việt cộng”. Trước đó tôi có nghe cố tôi nói cô được tin ông ta bị kỷ luật vì tội “ái tình bất chính”.

Vùng giải phóng ngày càng mở rộng. Giữa năm 1965 Mỹ đổ quân ồ ạt để cứu vãn trước tình hình ngụy quân, ngụy quyền đang đứng bên bờ vực sụp đổ. Chất độc hóa học và máy bay B52 được Mỹ sử dụng như một cứu cánh. Chiến tranh chuyển sang một cục diện mới. Nhiều vùng giải phóng bị tái chiếm. Hầu hết những cao điểm giáp giới đồng bằng đều bị quân Mỹ chiếm đóng. Nhiều cuộc càn quét với quy mô rộng lớn và ác liệt chưa từng thấy. B52 và chất độc đã biến nhiều làng mạc thành vùng trắng.

Ba xã: Phước Sơn, Phước cẩm, Phước Hà (được gọi tắt là Sơn-Cẩm-Hà) lúc bấy giờ là căn cứ địa của cơ quan đầu não tỉnh Quảng Nam. Trước ngày Mỹ đưa quân sang vùng này tương đối yên bình. Với đặc điểm địa hình đồi núi nên người dân ở đây ít sống tập trung mà thường sống rải rác ở các triền đồi, triền dốc.

Ban Kinh tài đóng trong địa bàn thôn 6 xã Phước Sơn. Ban gồm có bốn tiểu ban: tiểu ban Tài chính, Lương thực, Thương nghiệp và Sản xuất. Mỗi tiểu ban đóng trong một cụm dân cư. Nhưng đế đảm bảo bí mật thường thì chúng tôi ít qua lại thăm chơi, chi trừ khi có việc rất cần.

Hồi ấy việc vào Đảng, Đoàn là cực kỳ khó khăn. Tôi đã xác định lập trường, tư tuởng vững vàng, nhiệm vụ được giao tôi luôn hoàn thành xuất sắc. Nhưng trong đợt kết nạp Đoàn đầu tiên tôi không có tên. Tôi bị nhận xét là lác phong sinh hoạt còn tiểu tư sản quá, đôi lúc thiếu hòa mình với anh em. Sau buổi họp chú Sửu xoa đầu tôi an ủi:

-   Thôi, ráng phấn đấu tiếp đi cháu, chú hi vọng lần sau cháu sẽ được.

Tôi tủi thân quá khóc òa. Anh Suyền Bí thư Đoàn ủy của cơ quan cũng ra sức động viên tôi.

Thế nào là tác phong tiểu tư sản? Tôi biết phải sửa đổi như thế nào? Chịu! Tôi rất bực chị H. khi mỗi lần thấy tôi ngồi bắt chéo chân là chị liền giáng cho tôi một câu:

-  Còn nhỏ tuổi mà có kiểu ngồi như bà địa chủ.

Trời ạ, lại có một kiểu ngồi dành riêng cho địa chủ nữa sao?

Dịp may đến với tôi khi có thêm một nhân vật mới vừa được bổ sung vào Ban Thường vụ Đoàn ủy. Anh là kỹ sư nông nghiệp mới về nhận công tác ở tiểu ban Sản xuất, tên là Huỳnh Phan Lê, người quê Hội An. Anh ở Hà Nội mới vào Nam. Gặp người Hội An tôi có cảm giác như gặp đồng hưong. Khi biết tôi là dân học sinh từ Hội An lên, anh thường tìm gặp tôi để chuyện trò. Anh từng có một thời thơ ấu ở Hội An. Chúng tôi nhắc về phô' cổ với những kỷ niệm riêng của mỗi người như nhắc về miền quê ruột thịt. Sau này chính anh là người đã giới thiệu tôi vào Đoàn. Tôi 8000 và anh rất thân nhau, tuy anh hơn tôi mười tuổi. Anh cùng tuổi với anh Trỗi, anh bảo thế. Hai anh em tôi có mối đồng cảm thật đặc biệt. Lúc rảnh rỗi tôi và anh thường qua lại thăm nhau. Chúng tôi cách nhau một cái thung lũng hẹp. Anh thổi sáo rất hay. Ống sáo với anh như một thứ "khí giới bất ly thân”. Anh còn có biệt tài ghi tốc ký. Chữ tốc ký của anh cứ loằng ngoằng như con giun mà chỉ có anh mới đọc đưọc.

Khoảng giữa năm 1966, trong một lần đi công tác vùng Tây Quế Sơn tôi tranh thủ ghé về thăm nhà. Đúng lúc tôi chuẩn bị mang ba-lô lên đường trở về đơn vị thì Th. xuất hiện trước mặt tôi như từ trên trời rơi xuống. Tôi há hốc mồm vì ngạc nhiên và quá bất ngờ. Anh đi đầu trần, không mang ba-lô. Gặp lại anh tôi mừng đến mức nghẹn ngào muốn rơi nước mắt. Nhưng nhớ lại chuyện cũ tim tôi bỗng như đóng băng. Câu đầu tiên anh nói với tôi là: “Phương lớn quá! Anh suýt nhận không ra”. Tôi hỏi anh đi thoát ly từ bao giờ. Anh nói anh đi sau tôi không lâu. Anh bảo anh lên cứ sớm là vì tôi, chứ không phải do hoạt động của anh bị lộ. Tôi chưa một mảy may suy nghĩ tôi lại có vai trò quan trọng với anh đến thế. Tôi rất muốn hỏi anh chuyện hồi đó, nhưng tôi không thể mở lời. Tôi đã cố chấp quá chăng? Anh tiễn tôi một đoạn đường gần một cây số. Đi bên anh nhưng hai anh em chỉ nói chuyện công việc hiện tại, không ai đả động gì đến chuyện quá khứ. Đơn vị anh là bộ đội chủ lực của khu 5. Sau này, khi được trao trả về Lộc Ninh, tôi gặp chị Kế là láng giềng cũ của anh. Nghe chị kể lại là vào năm 1969 trong một lần anh theo đơn vị đi đánh đồn Nống Sơn anh có về thăm lại xóm cũ. Anh nói với chị Kế là anh rất đau buồn khi biết tin tôi bị thương và bị địch bắt. Anh nói anh sẽ trả thù cho tôi trong trận đánh đồn sắp tới. Anh đã hi sinh ở chiến trường Tây Nguyên vào năm 1971.

Tôi bị sốt rét. Lần đầu tiên trong đời tôi mới biết thế nào là sốt, thế nào là rét. Người run lên bần bật, hai hàm răng va vào nhau không ngớt. Hết rét thì mồ hôi mẹ, mồ hôi con tuôn ra như nước chảy. Đầu đau như búa bổ, có thứ gì trong bao tử cứ nôn thốc, nôn tháo ra bằng hết mới thôi. Thật là khủng khiếp!

Tuy bị bệnh nhưng sức khỏe khá lên một chút là tôi phải đi sản xuất cùng với các anh, các chú trong cơ quan để cải thiện bữa ăn. Chúng tôi trồng rau, trồng sắn, khoai... Có một lần tôi đuợc nhà dân cho một miếng đất nhỏ để trồng sắn. Tôi hăng hái vác cuốc, mang hom đi trồng. Cắm hom xuống rồi nhưng không hiểu sao sắn mọc không đều. Tôi đem chuyện này hỏi ông chủ đất. Ông ta cũng lấy làm lạ nên ra xem thử. Nhổ những cây sắn không mọc lên mới biết là những cây hom đó bị tôi cắm ngược. Tôi không nhịn được cười, nhưng có được một bài học nhớ đời.

Tôi bị bệnh đúng vào lúc cuộc chiến bước vào giai đoạn ác liệt. Cơ quan phải chạy sơ tán khắp nơi, khi thì lên Tiên Lãnh, lúc lại về Phước Tiên, rồi xuống Sơn Hiệp (Hiệp Đức). Sơn-Cẩm-Hà bị B52 rải bom liên tục, chất độc hóa học địch rải khắp nơi. Nhiều vùng đất gần như không còn màu xanh.

Bệnh sốt rét vẫn hàng ngày hành hạ tôi. Người tôi yếu hẳn đi, nước da xanh tái. Vì quá yếu nên tôi không thể cõng nặng. Anh Quý (in li-tô cho cơ quan) đã giúp tôi cõng bớt tài liệu mỗi khi cơ quan di dời.

Sau nhiều đợi càn quét lớn của địch, tình hình Sơn-Cẩm-Hồ tạm yên ắng trở lại. Cơ quan tôi lại quay về thôn 6 xã Phước Sơn. Sức khóe tôi quá yếu đến mức tôi không thể đi lại được, sốt rét kéo dài nên tôi bị thiếu máu trầm trọng. Tôi không có gì để bồi dưỡng, thậm chí đến mắm cũng không mua được để ăn. Tôi cần phải được bồi dưỡng. Nếu muốn thế chỉ còn cách tạm xin nghỉ việc về địa phương để gần gia đình. Tôi mang ý định này để hỏi ý kiến anh Lê. Anh phản đối gắt gao và ra vẻ giận dữ. Anh cho rằng lập trường của tôi không vững vàng, dễ dàng nhụt chí trước thử thách. Thấy tôi có vẻ nhất quyết anh trả lời theo kiểu nói lẫy:

-   Tùy em, em muốn làm gì thì làm. Anh không có ý kiến nữa.

Tôi rất bực mình vì kiểu nói đó của anh.

Tôi làm đan xin nghỉ việc trước sư ngạc nhiên của nhiều người. Chú Hòe không chịu ký đơn ngay, chú bảo cho tôi thêm một tuần lễ để về suy nghĩ lại. Nhưng ý tôi đã quyết. Cuối cùng thì chú cũng ký đơn. Tôi nhận quyết định nghỉ việc cùng với một số tiền trợ cấp chỉ đủ mua hai con gà. Biết làm sao được, khó khăn chung mà.

Đường về nhà tôi nếu sức khỏe bình thường thì đi trong ngày là đến nơi. Nhưng tôi phải đi hai ngày vì mất nhiều thời gian nghỉ dọc đường. Thấy tôi về trong hình hài tiều tụy mẹ tôi rớt nước mắt vì thương con. Tôi nói với mẹ là tôi chỉ tạm nghỉ việc để về nhà chữa bệnh và có điều kiện bồi dưỡng. Sau đó tôi sẽ xin một công việc nào đó ở đồng bằng để làm. Ở trên núi chắc tôi sẽ chết vì sốt rét mất thôi.

Cứ tưởng về địa phương sẽ được tạm nghỉ ngơi, nhưng chú Phước (lúc bấy giờ đang làm Bí thư xã Sơn Bình) cứ năn nỉ tôi giúp chú để vực dậy phong trào thanh niên xã đang rất yếu. Rảnh quá cũng buồn, tôi nhận lời giúp chú. Tôi đưọc bổ sung vào Thường vụ Ban chấp hành Chi đoàn phụ trách thiếu nhi. Công việc này làm tôi rất thích thú vì được thuờng xuyên tiếp xúc với các em thiếu nhi. Các em thích tôi vì tôi luôn tập múa hát cho chúng mỗi khi có dịp.

Bệnh sốt rét vẫn chưa buông tha tôi. Cứ điều trị cắt sốt được một thời gian bệnh lại tái phát. Có một lần anh Lê đi công tác ngang nhà tôi giữa lúc tôi bị sốt đang nằm nhờ trong nhà hàng xóm, vì nhà tôi gần mặt đường, bộ đội ra vào thường xuyên. Đang nằm lơ mơ tôi nghe tiếng sáo văng vẳng điệu Lý con sáo Gò Công rất quen thuộc từ hướng nhà tôi vọng lại. Ban đầu tôi tưởng tiếng sáo trên đài, nhưng định thần lại tôi lại nghĩ ngay đến anh. Tôi vụt chạy về nhà thấy anh đang ngồi thổi sáo và làm ra vẻ không quan tâm đến sự có mặt của tôi. Gặp lại anh sau một thời gian dài xa cách tôi mừng vô cùng. Tôi hỏi anh:

-  Anh đến lâu chưa? Sao không bảo thằng em lên gọi Phương về?

-  Cần gì gọi mà Phưong đã về đấy thôi.

Ý anh muốn nói tiếng sáo của anh đã gọi tôi về. Tự tin đến thế là cùng!

Sau khi ra tù tôi được biết anh đã hi sinh trong một lần đi công tác bị lọt vào ổ phục kích của Mỹ bên bờ sông Tranh vào tháng Mười năm 1969, sau ngày tôi bị thương đúng một năm.

Cuối năm 1966, đầu năm 1967 Quế Sơn bắt đầu ác liệt. Vùng đồng bằng và trung du hầu hết các cao điểm đều bị quân Mỹ chiếm đóng. Vùng Tây bị chúng đổ quân càn quét và trụ lại dài ngày. Trước mỗi trận càn là B52 và chất độc hóa học được địch triệt để sử dụng. Máy bay rải chất độc luôn có sự yểm trợ của những máy bay ném bom. Không ngày nào là không có thương vong, chết chóc, về Sơn Bình chỉ một thời gian ngắn mà tôi phải chạy càn không biết mấy lần. Tôi suýt chết và suýt bị Mỹ bắt nhiều lần. Tôi nhớ có một lần Mỹ đổ quân bất ngờ. Không kịp chạy trốn, tôi và chú Hai Kiện (xã đội trưởng) phải xuống địa đạo cùng một số người nữa. Khi đã tạm thấy bên trên yên ắng, chú Hai Kiện vọt lên khỏi hầm để tìm đội du kích. Tôi nhổm người tính vọt lên theo, nhưng chú ngăn lại. Chú bảo chưa biết tình hình địch thế nào nên tôi đừng vội lên. Đến chiều tối lên khỏi hầm thì tôi được tin chú đã hi sinh ngay sau nhà, cách địa đạo chỉ khoảng một trăm mét do bị đạn từ máy bay trực thăng. Nếu tôi cùng lên hầm với chú thì cái chết đến với tôi là điều chắc chắn.

Còn chuyện phải ăn thức ăn bị nhiễm chất độc là chuyện thường ngày. Máy bay rải chất độc vừa bay qua là chị em tôi rủ nhau tức tốc ra chặt ngọn sắn, cắt rau vào rửa ngay lại bằng nước lạnh. Vậy mà khi luộc rau xong ăn vào vẫn cảm nhận mùi chất độc bốc lên tận óc.

Huyện đoàn Quế Sơn tổ chức cắm trại. Địa điểm là một vùng giáp núi thuộc xã Sơn Tân. Tôi được phân công đưa một số thanh niên đi dự trại. Sở dĩ tôi được phân công vì các anh chị thấy tôi hát được nên đưa tôi đi, đồng thời để lấy điểm thi dua văn nghệ.

Hội trại có sự góp mặt của hai Vị khách, được ban tổ chức giới thiệu là phóng viên của báo tỉnh Quảng Nam. Một người tên HHV. và người kia tên HK. À, thì ra đây là người mà cô tôi đã từng nhắc nhiều với tôi (tôi muốn nói đến HHV.). Từ lâu tôi đã mong muốn gặp được anh để xem dung mạo người này thế nào mà cô tôi lại dành tình cảm đặc biệt với anh đến thế. Dáng dấp thư sinh, theo nhận xét của tôi thì anh hơi “già”.

Tối đó trại tổ chức vãn nghệ. Tôi lên hát hai bài. Xong buổi văn nghệ tôi đứng dậy rồi cúi xuống loay hoay xỏ chân vào chiếc dép cao su tôi đang dùng để lót ngồi dưới đất, ngước mắt lên tôi bắt gặp ánh mắt V. đang cúi xuống nhìn tôi. Anh cười và bảo:

-   Mình nghe chị Minh (cô tôi) nói nhiều về Phương nhưng đến bây giờ mới được gặp mặt.

Rồi anh giới thiệu người cùng đi với anh:

-  Đây là HK. làm cùng cơ quan với mình, K. gọi mình bằng ông.

Một thoáng bối rối, tôi cười rồi đưa tay bắt tay anh và anh K. Tôi đáp lời anh:

-    Phương cũng nghe cô Minh hay nhắc đến anh, nhưng bây giờ mới được gặp và làm quen.

Hôm sau bế mạc hội trại, chúng tôi trở về Sơn Bình. Anh V. và K. cũng về lại trên tỉnh. Những ngày sau đó thỉnh thoảng tôi vẫn nhận đuợc thư V. Thư nào của anh cũng đều viết với giọng điệu lấp lửng. Tôi biết anh muốn gì ở tôi, nhưng dưới mắt anh tôi vẫn chỉ là một cô bé. Tôi không thích kiểu tự xưng hô là "mình" của anh. Lâu lâu có dịp về Quế Sơn công tác cả anh và anh K. đều ghé nhà tôi. Chúng tôi trở thành bạn thân với nhau bởi cùng quê Quế Sơn, bởi tâm hồn đồng điệu.

Vào một ngày giữa năm 1967 tôi rất bất ngờ khi nhận được quyết định của Ban Tổ chức huyện ủy Quế Sơn điều động tôi về nhận công tác ở văn phòng Ban Tuyên huấn huyện. Làm tuyên huấn là ý nguyện của tôi từ lâu, nên khi nhận được quyết định tôi rất mừng. Chỉ trong mấy tháng về lại địa phương, tôi đã nhận được nhiều lời đề nghị của nhiều đơn vị từ trên khu cũng như trên tỉnh, nhưng tôi đều từ chối. Bệnh sốt rét thỉnh thoảng tái phát khiến tôi rất ngại trở lại với núi rừng.

Trưởng ban Tuyên huấn lúc ấy là anh Nguyễn Hữu Ái. Anh Ái là bạn học cùng lớp Đệ thất với tôi (tên anh hồi đi học là Nguyễn Đỡ). Trong lớp anh là một trong mấy anh lớn tuổi nhất. Đưọc gặp lại nhau trong một hoàn cảnh đặc biệt thế này chúng tôi rất mừng, nhưng riêng tôi vẫn cảm thấy có điều gì đó hơi “lấn cấn". Tôi luôn cố tránh những điều khó xử cho anh. Phó ban là chú Ân, chú là bố của Qu. Tổ văn phòng chúng tôi gồm 6 người thường trực: chú Ân, chú Mưu, tôi, Thúy (đánh máy), anh Banh (in li-tô) và Nguyễn Hoàng Vân (cháu gọi anh V. là chú ruột). Tôi mới về chưa được bao lâu thì Vân được anh V. “kéo” lên tỉnh. Vân rất dễ thương và có vẻ hợp với tôi. Những lúc rảnh rỗi tôi và Vân thường ngồi ca hát với nhau. Vân có kiểu chữ viết giống hệt anh V. Chú Mưu là người cực kỳ vui tính, ưa kể chuyện tiếu lâm. Làm việc cùng với chú thật là thoải mái. Anh Banh bị ốm phải về địa phương. Tập là anh em bạn dì với anh Banh lên thay. Điều làm tôi ngại nhất là Qu. làm cùng cơ quan với tôi. Anh ở Đội Tuyên truyền xung kích nên mỗi tháng chỉ về cơ quan một lần vào ngày họp ban. Gặp lại Qu. sau hơn hai năm, hai anh em rất mừng. Anh luôn dành cho tôi ánh mắt nhìn như xoáy vào tim gan, tôi cứ phải cố lảng tránh ánh mắt ấy của anh.

về Ban Tuyên huấn khoảng một vài tháng gì đó thì anh Ái và tôi đi họp trên Ban Tuyên huấn khu. Thời gian họp ngắn ngủi nhưng tôi cũng kịp có thêm vài người bạn mới. Tôi thấy mọi nguời tôi mới quen đều dành nhiều thiện cảm cho tôi. Nhà thơ Vương Linh, Trưởng tiểu ban Văn nghệ "kết" tôi ngay lần gặp gỡ đầu tiên. Chú gợi ý với tôi là chú muốn về huyện Quế Sơn đi thực tế, vì xuống đó có tôi. Và chỉ sau một thời gian ngắn chú đã có mặt ở vùng tây Quế Sơn. Ca sĩ Thanh Đính về sau trở thành người anh, người bạn rất thân với tôi. Anh Tiến (nhà văn Chu Cẩm Phong) và anh Mỹ (Đinh Thành Lê) đều ngoéo tay tôi hứa sẽ về Quế Sơn công tác. Anh Chu cẩm Phong có nhắc đến tôi trong cuốn nhật ký của anh mà sau này khi sách in ra tôi mới được đọc.

Cơ quan huyện Quế Sơn vào những năm 1967-1968 vẫn đóng dưới chân Hòn Tàu, nhưng không bao giờ ở lâu một chỗ. Hang đá là nơi trú ẩn an toàn nhất của chúng tôi. Các cao điểm Dương Là, Liệt Kiểm, cấm Dơi, Núi Lớn, Nổng Nhái, Hòn Chiêng... đều bị Mỹ chiếm đóng.

Làm việc văn phòng nhưng thính thoảng tôi vẫn đi công tác về địa phương. Quế Sơn là một huyện có nhiều đồi núi nên việc đi lại giữa các vùng rất khó khăn và nguy hiểm vì phải qua đèo. Nắm được yếu điểm này nên địch thường xuyên thả hơi cay và chất độc ở các đèo. Để đối phó với hơi cay, mỗi lần qua đèo chúng tôi dùng dầu phộng hoặc mỡ heo bôi quanh miệng, hai lỗ mũi. Hay có thể dùng khẩu trang nhúng dầu phộng rồi đeo. Phương pháp này rất hữu hiệu nên hơi cay không còn đáng sợ với chúng tôi nữa.

Tôi và V. vẫn trao đổi thư từ qua lại, nhưng đều là những lời thăm hỏi, động viên nhau. Tôi thấy V. đã thành “cáo”, trong khi tôi vẫn hồn nhiên như một cô học trò. Chính điều này đã khiến anh cứ bóng gió, xa xôi về tình cảm mà anh dành cho tôi. về sau anh không còn xưng “mình" với tôi nữa. Nhưng trong một lần tôi đi công tác thì có thư của Vân gửi cho tôi. Chú Mưu ở nhà nhận được thư nên tự ý mở ra xem. Ngoài bì thì tên Vân nhưng trong ruột lại là thư của V. Nội dung thư vẫn là những lời lẽ vô thưởng vô phạt nhưng cuối thư anh lại ký tên là Lang Quân. Chú Mưu xin lỗi tôi rối rít vì cái tội tự ý mở phong bì người khác, chú bảo tưởng là thư của Vân thật. Mà sao chú cháu anh viết chữ giống nhau đến thế! Đến tôi cũng còn nhầm nữa là chú Mưu. Tại sao anh lại ký tên là Lang Quân? Đã có lang quân thì phải có phu nhân. Mà ai là phu nhân mới được chứ? Tôi thấy có gì đó không bình thường trong cái tên LQ anh ký dưới mỗi lá thư anh gửi cho tôi. Sau lần đó thỉnh thoảng chú Mưu lại trêu tôi: "Lâu nay phu nhân có nhận được thư của lang quân không?”. Tôi phải chắp tay lạy chú đừng trêu tôi nữa.

Anh K. luôn là người bạn chân thành và rất nhiệt tình với tôi. Có lẽ vì thế mà tôi cảm thấy hiểu anh hơn là với V. Thái độ chân thành, không ba hoa cầu kỳ của anh khiến tôi rất quý mến anh. Tôi luôn có cảm giác thoải mái, dễ chịu mỗi khi trò chuyện với anh và dễ dàng trải lòng cùng anh khi tôi cần người chia sẻ. Có một lần anh ghé ngang nhà tôi trên đường đi công tác thì nhận được tin mẹ anh mất vì bị đạn pháo của địch. Anh khóc nức nở trước mặt tôi như một đứa trẻ khiến tôi cũng phải khóc theo. Nhưng rất may đấy chỉ là tin nhầm.

Vùng tây Quế Son bị rải chất độc liên tục nên người dân bị thiếu đói trầm ưọng. Huyện phải thành lập ngay một ban vận động cứu đói. Địa bàn vận động là vùng đông. Ban vận động chỉ có bốn người: Anh Hồ Hoa, Thường vụ Huyện ủy làm trưởng ban, anh Trình - Bí thư Huyện đoàn, chị Thọ ở Ban Binh vận và tôi ở Ban Tuyên huấn. Anh Hoa phân công chị Thọ về Phú Thọ, Phú Hiệp. Tôi và anh Trình xuống 4 xã vùng sâu.

Cao điểm Núi Quế đang bị lính Mỹ chiếm đóng. Từ cứ điểm này địch có thể khống chế cả 6 xã vùng đông Quế Sơn. Chúng liên tục cho quân càn quét, lùng sục vào ban ngày, ban đêm đưa quân đi phục kích các ngả đường huyết mạch băng qua quốc lộ 1 và bắn pháo cối liên tục. Băng qua quốc lộ 1 là đánh cược số phận với rủi may. Lần đầu tiên tôi và anh Trình xuống công tác ở Phú Phong (Quế Phú bây giờ) nên chả ai rành đường. Chúng tôi phải chờ có người đi để theo cùng. Chúng tôi qua đường đúng vào lúc pháo từ Núi Quế hắn xuống xối xả. Mọi người nằm rạp nép mình vào bờ ruộng. Hú vía! Chẳng ai bị làm sao cả. Chúng tôi cũng nắm được quy luật của địch là cứ hôm nào địch bắn pháo nhiều thì gần như chắc chắn hôm đó địch không đưa quân đi phục kích. Xuống Phú Phong hầu như không ngày nào tôi không phải chạy càn. Có hai đồng chí cán bộ xã được phân công lo việc ăn ở cho tôi và anh Trình. Tôi chỉ còn nhớ tên anh là Vạn, Bí thư Đoàn ủy xã, người còn lại tôi không nhớ tên. Anh Vạn thường đưa tôi và anh Trình về nhà anh ăn cơm. Nhà anh Vạn ngày nào cũng có cá tươi để ăn, vì đêm nào đứa em trai của anh cũng đi bắt cá dưới sông. Sông ở đây là vùng nước lợ nên cá tôm rất nhiều.

Không ban ngày thì cũng ban đêm, ngày nào chúng tôi cũng phải chạy Mỹ đi càn. Còn trong tháng Bảy âm lịch mà trời đã mưa như trút nước. Chúng tôi muốn vận động dân thì phải họp dân. Nhưng tình hình địch và thời tiết không thuận lợi như thế nên chúng tôi không thể nào thực hiện được. Một cuộc càn lớn kết hợp cả trên không và dưới bộ của Mỹ diễn ra giữa lúc tôi và anh Trình đang dự tính quay lên Phú Diên. Anh Vạn đưa cả tôi và anh Trình sang núp hầm bí mật ở xóm Gò. Căn hầm được đào dưới bụi tre. Xóm Gò có địa thế như một hòn đảo, diện tích chưa đầy một cây số vuông. Nếu căn cứ theo địa phận hành chính thì nó thuộc về hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà với nửa xóm phía Bắc Lhuộc về xã Xuyên Tàn huyện Duy Xuyên, nửa xóm phía Nam thuộc về xã Phú Phong huyện Quế Sơn. Anh Vạn không núp hầm mà nhường hầm cho tôi và anh Trình. Dưới hầm đã có sẵn mấy người cán bộ thôn đã xuống trước chúng tôi.

Đến chiều tối anh Vạn lại giở hầm để gọi chúng tôi lên. Ngôi nhà có căn hầm bí mật chỉ cách hầm chưa đầy năm mét bị lính Mỹ lục tung, đồ đạc trong nhà vương vãi khắp nơi. Thương anh Vạn vì nhường hầm cho chúng tôi mà phải ra nằm núp ngoài bãi bới. Trận càn này Mỹ chốt lại bên Xuyên Tân mấy ngày liền.

Trời mưa to nên nước dâng cao tràn qua bờ đập cũng là đường đi nối hai bờ sông Rù Rì. Nếu muốn lên Phú Diên bắt buộc phải lội nước đi ngang qua đuờng đập. Hôm sau anh Trình bị sốt cao. Tôi gửi anh lại cho anh Vạn để tôi theo đoàn người công tác ở vùng sâu Thăng Bình lên lại Phú Diên, vì anh Trình đang sốt không thể lội nước được. Nhưng tôi không ngờ anh khóc òa như một đứa trẻ và nằng nặc đòi theo tôi. Tôi phải thuyết phục anh cùng với sự tác động của gia đình anh Vạn nên anh đành miễn cưỡng ở lại.

Tôi lên lại Phú Diên để bàn với ủy ban xã tổ chức họp dân để vận động. Buổi họp kết thúc, người dân chẳng có ai thắc mắc điều gì. Tôi cùng với cán bộ xã đi xuống từng thôn để làm việc với trưởng thôn. Ở Phú Diên tôi thấy có một điều rất hay là mỗi lần Mỹ cho xe tăng đi càn đều được người dân thông báo từ xa theo kiểu dây chuyền. Nhờ thế mà những người bất hợp pháp với Mỹ có đủ thời gian để chạy tránh hoặc chui xuống hầm bí mật. Đứng ở Phú Diên tôi chưa bao giờ núp hầm bí mật mà chỉ hợp pháp với Mỹ từ xa. Những lần như thế tôi phải mượn áo của mấy bà già, đầu lóc phải bới lên, mặt mày bôi lem một tí, nhìn từ xa làm sao cho thật giống với nữ nông dân lớn tuổi.

Xã Phú Thạnh gần Bà Rén nên địch thường "nống” xuống, vì vậy mà công việc của tôi gặp nhiều khó khăn. Lên Phú Diên được 5 hôm thì tôi được tin anh Trình đã hi sinh do bị Mỹ từ bên Xuyên Tân bắn tỉa, trong lúc cùng anh Vạn lội sông chạy tránh lính bộ Mỹ từ Núi Quế kéo xuống. Tối đó tôi phải gấp rút xuống lại Phú Phong. Chính quyền và nhân dân Phú Phong đã chôn cất anh Trình trước hôm tôi xuống một ngày. Đứng trước mộ anh Trình tôi đã khóc thật nhiều, vì tôi nghĩ nếu anh không bị sốt phải nằm lại mà cùng đi với tôi lên Phú Diên thì anh đã không hy sinh. Tôi sực nhớ lại hôm chia tay anh để lên Phú Diên không hiểu sao anh lại khóc như vậy. Hay là anh có linh cảm chăng?

Tôi ở lại luôn xã Phú Phong để làm việc với ủy ban xã. Lần này tôi xuống sâu dưới thôn 1A, 1B. Đây là vùng cát trắng phau. Vậy mà người dân ở đây vẫn chỉ sống bằng nghề nông từ đời này sang đời khác. Hạt lúa, củ khoai thu hoạch được trên vùng đất này chắc chắn thấm không biết bao nhiêu công sức, mồ hôi của người nông dân đổ xuống. Tôi thật sự khâm phục họ. Vùng này quá gần địch nên ngày nào cũng có lính hoặc xe tăng Mỹ đi qua. Nguy hiểm nhất ở đây là nhà nào cũng đào hầm bí mật một kiểu như nhau. Hầm được giấu phía sau những tấm nan tre làm khung bên trong chuồng bò. Chỉ cần một cái hầm bị địch phát hiện là tất cả đều bị lộ. Tôi không hiểu sao dân ở đây lại không nghĩ ra điều đơn giản này.

Trở lên Phú Hương tôi phải mang về theo cái ba-lô của anh Trình để lại. Anh Trình hi sinh, công việc giờ chỉ còn một mình tôi đảm trách. Nhưng đến Phú Hương chưa được mấy ngày thì tôi được gọi về cơ quan gấp vì Thúy đã bị địch bắt, chú Mưu lại sắp chuyển qua Ban công tác tiền phương, về đến cơ quan chưa đuợc bao lâu, tôi lại được tin chị Thọ cũng đã hi sinh ở Phú Thọ. Anh Trình, chị Thọ hi sinh, tôi về lại văn phòng, vậy là Ban vận động cứu đói coi như tự giải thể.

Vùng trung Quế Sơn đang trong thời kỳ rất ác liệt. Đồn Nổng Nhái là con mắt để theo dõi Hòn Tàu. Vì vậy mà cơ quan Huyện ủy phải sơ tán bớt xuống núi Lộc Đại ở Sơn Trung hoặc ngược lên chân núi Bằng Thùng về phía Sơn Long, hang ông Soán ở thôn Châu Sơn. Nếu thấy tình hình tạm ổn thì chúng tôi xin vào nhà dân để tiện làm việc. Văn phòng Ban Tuyêẽn huấn giờ chỉ còn bốn người: chú Ân, tôi, Trần Tập và chú Mưu đang nằm chờ nhận công tác mới. Tôi phải thay công việc của chú Mưu. Anh Ái đi học trường Đảng trên khu rồi được giữ lại luôn trên đó.

Hàng tháng chúng tôi vẫn tổ chức họp ban theo định kỳ. Các đội tuyên truyền xung kích vẫn hoạt động tốt ở vùng ven. Nhưng trong một lần trên đường về họp ban, Qu. đã bị lọt vào ổ phục kích của Mỹ ở Sơn Trung và đã hi sinh. Tôi rất buồn vì dù sao thì tôi và anh đã có một thời thân nhau. Tình cảm anh dành cho tôi vẫn còn nguyên vẹn. Tôi thấy lòng mình day dứt như tôi đã có lỗi với anh, dù chỉ là tình cảm đơn phương từ phía anh. Tôi nhớ lại có một lần bị sốt rất nặng trong khi Thường vụ Huyện ủy đang lấy chỗ làm việc của cơ quan tôi để họp. Không có chỗ để mắc võng nên tôi đành phải cột võng giăng ngang lối đi ngay dưới bờ đá. Hôm ấy tôi bị sốt rất cao, các chú đang họp phải cử người đi gọi nữ y tá (tên là Phê, cũng chơi thân với tôi). Phê là người cùng xã với Qu. Sau khi được Phê tiêm thuốc tôi nằm mê man. Vừa mở mắt ra tôi thấy Qu. đang ngồi trên bờ đá từ bao giờ và đang nhìn xuống tôi bằng ánh mắt buồn rượi. Tôi ngượng ngùng kéo lại áo quần, do khi sốt quá nóng bức nên tôi xắn áo, xắn quần lúc nào không biết. Tôi quát lên bảo anh đi đi vì quá ngượng. Anh bảo nghe Phê nói tôi bị sốt nặng nên đánh liều (theo nguyên tắc bảo mật anh không được phép về văn phòng sang thăm tôi.

Tính tôi khi đã quen thân với ai thì hết lòng với bạn, dù đó là bạn trai hay gái. Tôi luôn ân cần và quan tâm giúp đỡ bạn trong phạm vi khả năng của mình. Chính tính cách này của tôi đã khiến con trai rất dễ nảy sinh tình cảm hoặc hiểu lầm tình cảm tôi dành cho họ.

Bị sốt rét phải tiêm nhiều thuốc quinine nên cả hai bên mông của tôi bị áp-xe khá nặng. Công việc ở cơ quan nhiều đến mức tôi không thể sắp xếp để đi nhập viện điều trị. Mà muốn đi thì chưa chắc chú Hồng đã cho đi (chú Hồng là Thường vụ Huyện ủy phụ trách Ban An ninh và Tuyên huấn), vết áp-xe bị ăn luồn rất sâu khiến tôi không thể chịu đựng thêm được nữa. Tôi phải lấy lý do lên công tác vùng Tây để có thể nhập viện, vì bệnh viện Quế Sơn đóng trên rừng sâu gần Bình Kiều thuộc xã Quế Tân (nay là xã Hiệp Thuận, huyện Hiệp Đức).

Bác sĩ Vân phụ trách bệnh viện và chị Thu Hà y tá đều là bạn thân với tôi. Tôi vào viện bị anh Vân mắng là tại sao lại để vết áp-xe nặng như thế mới chịu đi điều trị, không biết chăm sóc bản thân. Do bị ăn luồn sâu nên anh Vân phải mổ sâu để xử lý cả hai bên. Qua năm ngày điều trị sau mổ tôi xin anh Vân ra viện, nhưng anh nhất mực không cho. Anh mắng tôi:

-    Em đã vào viện trễ, giờ lại đòi ra viện sớm. vết mổ chắc chắn sẽ bị nhiễm trùng. Anh không chịu trách nhiệm đâu đấy.                                                

Tôi nói với anh:

-   Nhập viện mà em phải đi chui đấy anh ạ. Em phải ra viện, không khéo bị lộ em lại bị kiểm điểm là vô tổ chức đấy.

Anh Vân lộ vẻ tức giận:

-   Không ông lãnh đạo nào lại không cho cán bộ trong tình trạng như thế này đi điều trị.

Tôi trả lời anh ngay:

-  Thế mà có đấy anh ạ!

Tôi nói mà cổ họng nghẹn ngào chực rơi nước mắt.

Cuối cùng thì anh Vân buộc lòng phải cho tôi ra viện. Anh tiễn tôi ra tận Bình Kiều, vì anh sợ tôi đi một mình đường vắng nguy hiểm.

Những ngày vào bệnh viện là dịp để tôi được gần anh Vân và chị Hà. Chị Hà cũng hay hát nh fdd tôi, nhưng chị hát không hay lắm. Tôi không nằm ở khu bệnh nhân mà xuống nằm cùng lán với chị Hà để chị em trò chuyện, hát hò cho vui. Có lần chị Hà nói nhỏ vào tai tôi: "Anh Vân thích em lắm đấy”. Tôi nghe mà chỉ biết cười. Chỉ mấy ngày ở cùng lán nhưng có vài lần tôi thấy anh Vân nhìn tôi bằng ánh mắt khác thường, đôi khi có vài cứ chỉ thân mật khiến tôi hơi ngại ngại. Tôi luôn xem anh như người anh, người bạn lớn và không hề có ý nghĩ gì khác.

Ra viện, tôi đi thẳng lên Sơn Hiệp để làm việc với địa phương. Sơn Hiệp là một xã nghèo, mọi phong trào đều rất yếu. Lên Sơn Hiệp đưọc ba ngày thì tôi nghe tin bệnh viện bị ném bom. Anh Vân hi sinh, chị Hà bị thương vào cột sống, bị liệt tứ chi. Thật không thể tin nổi khi chỉ cách đây mấy ngày ba anh em còn đùa giỡn, hát hò với nhau. Tôi buồn suốt nhiều ngày sau đó vì luôn nghĩ đến anh Vân và chị Hà. Vậy là tôi đã mất thêm hai người bạn thân. Nếu tôi không ra viện mà nán lại thêm vài ngày chắc chắn thể nào tôi cũng hi sinh hoặc bị thương. Chiến tranh là thế, biết đến bao giờ đất nước này mới hết đạn bom, chết chóc. Căm hận quân thù quá đi thôi!

Tôi rất mừng vì vết mổ áp-xe của tôi đã không bị nhiễm trùng.

Thúy bị địch bắt, chưa tìm được người lên thay nên tôi phải tạm thời kiêm luôn công việc đánh máy. Khổ nhất là khi chạy càn tôi phải mang thêm cái máy đánh chữ nặng trịch cùng một mớ tài liệu. Mỹ càn liên miên, không thể ngồi một chỗ ổn định để giải quyết công việc trong khi công văn chuyển về tới tấp. Vì thế chú Ân quyết định mượn nhà dân vài ngày để làm việc. Ngôi nhà dân mà chúng tôi ở nhờ nằm bên mép một con suối nhỏ, phía bên kia là những đám ruộng bậc thang. Cùng lúc đó đoàn tuồng trên tỉnh về Quế Sơn biểu diễn. Chú Ân phân công tôi đón tiếp và lo địa điểm biểu diễn cho đoàn.

Mỹ đóng quân cách cơ quan tôi chỉ khoảng một cây số đường chim bay. Dân vùng này sống thưa thớt nên muốn họp dân là cả vấn đề nan giải. Tôi bàn với địa phương để phối họp tìm địa điểm. Đi mỏi cả chân mà đến buổi diễn chỉ thấy ước chừng khoảng chưa đến một trăm người. Địa điểm diễn rất gần với nhà dân nơi cơ quan Tuyên huấn đang làm việc.

Đoàn tuồng có quân số chưa đến 20 người, phần lớn diễn viên vừa qua lứa tuổi thiếu nhi. Do đặc thù của loại hình nghệ thuật nên đạo cụ mà đoàn phải mang theo rất cồng kềnh. Nào là trống, gươm, đao, áo, mão... Đêm đó đoàn diễn tuồng Trần Bình Trọng. Đã quá lâu không được xem văn nghệ nên ai cũng háo hức. Diễn tuồng ắt phải có đánh trống. Như thế thì với địch khác gì “Lạy ông tôi ở bụi này”.

Chính sự chủ quan, khinh địch này mà chúng tôi phải trả giá chỉ một ngày sau đó. Rất may là đoàn tuồng đã quay lên Sơn Tây ngay sau buổi diễn nên đã tránh được trận tập kích mà chúng tôi hứng chịu.

Hết chương 3. Mời các bạn đón đọc chương 4!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/34185


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận