Bốn người phụ nữ cùng dừng lại. Họ chưa bao giờ được thấy giày, dép và ủng bày la liệt như vậy. Có những gian dành riêng cho đàn ông, đàn bà và trẻ em.
- Thật tiếc là không thể chụp ảnh được! - Bà Tudor thốt lên - Thế nhưng, làm sao mà phụ nữ Paris có thể chọn lựa được nhỉ?
- Hãy nhìn đôi ủng xanh lam tuyệt mỹ này! - Bà Dragomir nói quá lên - Nó hoàn toàn phù hợp với áo khoác của bà Tiberescu! Đôi ủng dán.
Ba người phụ nữ kia nhìn đôi ủng, rồi nhìn Elena lại một lần nữa đang hãnh diện vì mặc một cái áo khoác mà người ta không thể tìm thấy ở Rumani. Bà nhìn thấy trong tủ kính dáng người thon thả của mình trong chiếc áo khoác bó sát người bằng da màu lam mà mùa đông năm trước, cha của Jacob, nhà sản xuất da đã tặng. Bà hầu như có dáng dấp phụ nữ Paris. Từ khi tha thứ cho con trai đã lấy một phụ nữ không phải Do Thái và hòa giải với anh cách đây ba năm, cha Jacob đến Bucarest thăm họ mỗi năm hai lần và lần nào cũng mang cho họ những món quà tuyệt vời. Trên máy bay, bà Tudor đã hỏi Elena về nguồn gốc áo khoác. Rõ ràng bà ta muốn làm cho Elena phải thú nhận mình có gia đình ở Ixraen. Elena đã bình thản đáp: "Ở trong một cửa hàng kí gửi/consignata phố Victorei." Câu trả lời đáng tin, vì để cải thiện sinh hoạt, nhiều người Do Thái ở Bucarest đã đem bán những món quà mà họ nhận được từ gia đình ở Ixraen cho những cửa hàng kí gửi được chính phủ cho phép này.
Trong khi những người bạn ngắm nhìn các đôi ủng, bà xem hàng ở gian dành cho trẻ em. Có những đôi giày mỏng đi trong nhà bằng da đỏ hoặc xanh cắt khéo đến mức trông như những đôi giày xinh xinh thực thụ. Bà muốn Alexandru được đi những đôi giày đẹp đẽ này biết bao! Giá cả không tưởng tượng được: mười tám francs. Bỗng nhiên, mắt bà bị hút vào một đôi giày ở phía trước. Đúng hơn đó là đôi giày có cổ, gần như là đôi ủng, loại giày mà ở Rumani người ta gọi là "mocassins". Giày màu xám, và da hình như không thể mềm hơn. Giày có lót lông, và lông lót màu xám nhạt, chắc đó là lông thỏ, và đã tạo thành một đường viền đẹp ở phía trên của giày. Đó là đôi giày trẻ em đẹp nhất mà bà chưa từng thấy. Một đứa trẻ đi đôi giày này sẽ không thể bị lạnh, ngay cả trong mùa đông khắc nghiệt nhất.
- Xem gì đấy? Bà Dragomir hỏi.
Bà chỉ đôi giày có cổ.
- Đôi mocassins.
- Đẹp lắm! Bà Tudor ơi, bà đã xem đôi mocassins kia chưa?
- Đâu? Màu xám hả? Rất xinh. Ôi! Giá bốn mươi francs!
- Bốn mươi francs! Không tin được! Bà Dragomir và Barbaveanu nhắc lại.
Elena đỏ mặt, ngượng ngùng cứ như thể bà đã tự làm đôi giày và dám bán với cái giá điên rồ này.
- Gần như bằng nửa số tiền mình có cho suốt cả tuần! - Bà Dragomir nói tiếp - Đấy là đôi giày hoàng tử!
- Bốn mươi francs cho một đôi giày mà một đứa trẻ chỉ đi có đúng một năm ư? - Bà Tudor kêu lên - Tôi chưa bao giờ thấy gì kì cục vậy. Lãng phí quá! Phương Tây hẳn thối nát thực sự nên mới ném tiền qua cửa sổ như thế. Tôi thấy tởm quá!
Bốn người phụ nữ tiếp tục đi trên đại lộ, về phía sông Seine và tháp Eiffel, chuyến thăm thú du lịch đầu tiên kể từ lúc họ hạ cánh ba giờ trước đây. Bà Dragomir và bà Tudor vừa đi ở phía trước vừa tán chuyện. Elena đi sau cùng bà Barbaveanu. Bà nghĩ mình may mắn vì đ ược ở cùng phòng với bà đi sau chứ không phải với một trong hai bà đi đằng trước. Bà đã tự hỏi sáng hôm sau làm sao thoát khỏi sự giám sát của hai mụ yêu tinh ấy.
Nhưng sự có mặt của họ không làm bà mất hứng. Đó là một ngày tháng Mười hầu như quá dịu mát nên không cần mặc áo khoác bằng da cũng được. Bà ngoái lại và nhìn cái tên cửa hàng giày phía sau. Hàng chữ lớn BALLY trải dài ở phía trên các tủ kính. Bà đang ở Paris. Bà vừa thăm cửa hàng giày dép đặt biệt nhất, và ở trong đó có đôi giày hoàng tử. Bà đi trên một vỉa hè Paris, dọc theo những tòa nhà xây từ thời nam tước Haussman bằng đá đẽo, với ban công bằng sắt rèn, và gặp những người đàn ông và đàn bà đều thanh lịch như nhau, cứ như là bà lạc vào một trong những tạp chí thời trang Pháp Vera. Các tòa nhà hơi xám hơn một chút so với dự đoán của bà - bà cứ tưởng Paris phải có màu vàng nhạt như lúa mì - tuy nhiên, bà thấy có sự tương đồng về kiến trúc với trung tâm của Bucarest, Paris nhỏ của Bancăng. Tất nhiên, bản gốc ở đây. Paris thực thụ. Duy nhất. Elena cảm thấy một sự hứng khởi mà bà mới chỉ trải qua có bốn lần trong đời: đêm tháng Ba năm 1958 khi bà gặp Jacob, buổi chiều tháng Tám năm 1958 khi bà bất ngờ gặp lại anh trong công viên Cismigiu, rạng sáng ngày 21 tháng Hai năm 1962 khi bà đỡ đặt lên trên bụng bà đứa trẻ sơ sinh hoàn hảo với cái đầu to phủ tóc đen, và cái ngày thứ sáu của tháng Sáu năm 1967, một năm rưỡi trước đây, khi Jacob gọi cho bà ở phòng thí nghiệm:
- Lenoush, anh vừa qua phố Magistrale và đã phát hiện ra rằng chính phủ đang xây tòa nhà có những căn hộ để bán".
- Gọi cho họ ngay đi!
- Em yêu, anh đã gọi rồi. Còn một căn hộ ba phòng ở
- Mua đi anh! Mau lên!
Bà thậm chí đã không hỏi giá cả. Bà cũng không biết tòa nhà thế nào. Chẳng quan trọng. Chính phủ xây nhà để bán là cực hiếm - nhất là trong khu trung tâm. Đó là cơ hội duy nhất để họ có căn hộ cho riêng mình và đón Alexandru về. Nó ở nhà ông bà từ năm năm nay. Sáu tháng sau, họ đã dọn đến nhà của họ ở tầng thứ chín của tòa nhà mới tinh trên phố Magistrale.
Bốn điều diệu kì. Bà có mặt ở Paris vào ngày đó, ngày 11 tháng Mười năm 1968 là điều diệu kì thứ năm. Trước khi máy bay cất cánh, bà không tin vào điều diệu kì này. Cho tới tận phút cuối cùng, bà vẫn chờ đợi một nhân viên an ninh xuất hiện trên máy bay và dõng dạc xướng tên: "Tiberescu, Elena!" Ba người phụ nữ kia cũng lần đầu tiên đi máy bay nên đã sợ chết khiếp với ý nghĩ mình bay lên. Elena chỉ mong một điều: rời đất Rumani và lao lên bầu trời.
Khi Ottilia, thủ trưởng của bà nói với Elena vào tháng Sáu rằng bà ấy muốn cử bà đến dự một cuộc hội thảo ở Paris để trình bày những kết quả nghiên cứu chung về tác động đối với chuột của thuốc aspirin trộn với chất triti, Elena đã không tỏ ra vui mừng gì. Ottilia không may thay chỉ có một quyền lực hạn chế. Một chuyến đi nước ngoài là điều rất đáng ao ước nên một phụ nữ có chồng Do Thái, có gia đình ở Ixraen, lại không phải đảng viên cộng sản thì họa có điên mới dám nghĩ tới. Bà biết điều đó qua kinh nghiệm từ chuyến đi không thành đến Budapest vào tháng Ba. Hôm trước ngày khởi hành, chuẩn bị xong vali, bà đi lấy hộ chiếu và đã biết rằng vào phút cuối cùng, có người khác đã thế chỗ bà, một đảng viên không liên quan gì đến công trình nghiên cứu của họ nhưng lại muốn đến Budapest. Budapest đã làm người ta thèm khát đến vậy, nói gì đến Paris! Hiển nhiên là một con đại bàng sẽ lao xuống mồi, tranh cướp với bà vào giây phút cuối cùng. Tuy nhiên, trong hè, bên cạnh một cuốn từ điển, bà vẫn đọc cuốn hướng dẫn bằng tiếng Pháp về Paris của Michelin mà Ottilia đã cho mượn. Giữa tháng Tám, cấp trên của Ottilia nói ông muốn cử đến Paris một phụ nữ trẻ thuộc phòng thí nghiệm của ông, nhưng Ottilia đã thuyết phục được ông đồng ý cử hai người. Ngày 21 tháng Tám, Ceausescu tố cáo quân đội Xô viết xâm lăng Tiệp Khắc hôm trước là một sai lầm nghiêm trọng, và hai ngày sau, cuộc duyệt binh hằng năm kỉ niệm Giải phóng ở Bucarest đã biến thành một cuộc biểu tình rộng lớn đoàn kết với người Tiệp mà Elena và Jacob cũng tham gia bên cạnh hàng nghìn đồng bào của họ. Bà bị lôi cuốn bởi phong trào hi vọng dân tộc này và bắt đầu tin rằng ở nước bà cũng có một sự công bằng. Ba tuần sau, bà nhận được vé máy bay của hãng du lịch nhà nước và đã thực sự tin vào chuyến đi của mình. Nhầm. Sáng hôm sau, bà đến phòng thí nghiệm, nhìn thấy vẻ mặt của Ottilia và hiểu ngay.
- Bị hủy hả?
- Balaban buộc phải dành chỗ của cô cho hai người phụ nữ của một phòng thí nghiệm khác. Chồng họ là đảng viên cộng sản.
- Thế còn tham luận của chúng ta?
- Họ sẽ đọc thay. Họ sẽ chẳng hiểu gì cả, nhưng không sao. Đành chịu vậy, Elena ạ.
Tối hôm ấy, Jacob vừa mở cửa nhà thì Elena đã hét lên đón chào anh: “Em không đi Paris!” Ngay lập tức, Jacob cũng thấy hoàn toàn thất vọng và buồn rầu như vợ.
- Em sẽ đi Paris, Lenoush. Anh thề đấy. Sẽ có ngày, anh đưa em đến đó. Paris sẽ không biến mất đâu.
Khi Alexandru nhảy ra khỏi phòng, hóa trang thành hiệp sĩ, giơ cao một thanh gươm nhựa và hét lên rằng nó sẽ báo thù cho mẹ và giết chết những người đàn bà độc ác ấy, thì Elena đã bật cười và nguôi ngoai. Bà đã xem xét sự bất hạnh của mình một cách thấu đáo. Bà có một người chồng mà bà yêu quý, một cậu con trai nhỏ sáu tuổi tuyệt vời, thông minh và khỏe mạnh, một căn hộ rất tuyệt trong một tòa nhà hiện đại ở trung tâm thành phố, một việc làm thú vị và lương cao, một thủ trưởng tin tưởng bà và lương thiện cùng kí tên bên cạnh Elena dưới những bài báo mà họ cùng viết chứ không tự vơ lấy cho bản thân mọi vinh quang từ những nghiên cứu của họ. Mỗi khía cạnh của cuộc đời bà cũng đủ để gây thèm muốn. Bà cũng cần trả giá cho việc đã lấy người đàn ông mình yêu. Chừng nào bà c hưa bị sa thải - một khả năng không ngừng ám ảnh bà - mọi sự đều suôn sẻ.
Thủ trưởng của bà kín đáo tích cực can thiệp. Bà không biết rõ bà ấy xoay xở ra sao nhưng ngày mùng 8 tháng Mười, ba ngày trước khi lên đường, Ottilia đã trao cho bà một hộ chiếu mới và nói bà sẽ đi Paris. Họ gồm có bốn nhà nghiên cứu cùng đi: Elena, bà Barbaveanu, người bảo trợ của Balaban, và hai phu nhân của các đảng viên cộng sản nhờ chồng đã có được những công việc dễ chịu và lương cao ở Viện Vật lí nguyên tử. Phòng thí nghiệm của Elena là phòng duy nhất đạt được những kết quả khoa học. Bà là người duy nhất trong bốn người sẽ trình bày tham luận tại hội thảo ở Saclay.
Bốn phụ nữ đến bờ sông Seine. Họ đồng thanh thốt lên câu cảm thán khi nhận ra bên phải họ, kích cỡ thực của tháp Eiffel mà họ thường xuyên được chiêm ngưỡng qua ảnh, với cấu trúc kim loại đang vươn lên trời xanh. Để xem rõ hơn, họ qua cầu Bir-Hakeim, đi dọc sông Seine nơi tàu du lịch đang qua lại, rồi vượt qua cầu Iéna để tới tận những chân tháp bằng kim loại khổng lồ có cầu thang máy lên tháp. Giá thang máy quá đắt. Cầu thang bộ không mất tiền, nhưng chỉ mình Elena lên. Ba người kia ngồi trên một băng ghế chờ, hầu như không muốn trèo hàng trăm bậc sau khi đã phải dậy từ bốn giờ sáng để đi máy bay. Elena dừng lại ở tầng một, mệt đứt hơi. Bà tì tay vào lan can và ngắm Paris ở dưới chân. Sông Seine lấp lánh dưới nắng trời như một dải xatanh óng ánh vàng.
Sáng hôm sau, bà mở mắt ngay khi bình minh rọi vào phòng khách sạn trong khi bà Barbaveanu vẫn còn ngủ. Bà dậy, vội vã đánh răng rửa mặt, mặc quần áo, nuốt ba lát xúc xích Hunggari và một tách Nescafé bột pha với nước vòi. Bà Barbaveanu tỉnh dậy đúng lúc Elena xách túi ra khỏi phòng.
"Tôi phải mua một thứ", bà nói với bà Barbaveanu. Bà ta chẳng hỏi han gì cả.
Vẫn chưa đến bảy giờ. Paris trống vắng, ngoại trừ một vài chàng trai mặc sơ mi trắng và áo vét sẫm có vẻ đang trên đường về nhà ngủ sau một đêm lễ hội. Elena thận trọng liếc nhìn, nhưng họ chẳng hề để ý đến bà. Trước khi họ lên đường, người ta đã thông báo với Elena và những bạn đồng hành là ở Paris đã xảy ra một cuộc kiểu như nổi loạn của quần chúng vào tháng Năm, với những cuộc ẩu đả trên đường phố và có nhiều nạn nhân. Người ta khuyên họ hết sức thận trọng, không đi bất cứ đâu một mình, và nhất là không bao giờ đi chơi ban đêm. Nhưng, bà thấy Paris hình như rất yên bình. Bà có ý định khám phá thành phố về đêm vì bà đã đọc trong cuốn hướng dẫn rằng Paris, thành phố ánh sáng, bao giờ về đêm cũng đẹp nhất với rực rỡ ánh đèn.
Bà thường dừng lại để đọc phần giải thích trong sách hướng dẫn, tựa vào bức tường thấp bằng đá viền đôi bờ sông Seine, dạo chơi trong vườn Tuileries, và phải mất nhiều giờ mới đến được địa chỉ mà Jacob đưa cho bà, số 13, phố Francs-Bourgeois. Bà đẩy cửa và bước lên cầu thang A, một cầu thang bằng gỗ, với bậc không đều nhau, không sáng sủa gì, cho đến tầng ba. Chuông reo vang trong im lặng. Có tiếng động của gót chân gõ lên sàn, rồi tiếng kéo chốt cửa. Cửa mở. Một thiếu phụ chừng ba mươi tuổi vẫn còn mặc áo choàng tắm, tóc đen xõa xuống vai, ngạc nhiên ngó Elena.
- Bà muốn gì ạ?
- Chào bà, - Elena đáp bằng tiếng Pháp với nụ cười sốt sắng. - Tôi tên là Elena Tiberescu. Tôi từ Rumani sang. Tôi là vợ của Jacob Steinovici.
Người thiếu phụ cau mày. Một đứa trẻ khoảng ba tuổi chạy đến vừa nấp sau đôi chân mẹ vừa tò mò nhìn Elena.
- Xin lỗi, thiếu phụ đáp. Cái đó không liên quan đến chúng tôi.
Bà ta hình như tưởng rằng Elena muốn bán thứ gì đó.
Bà ta sắp đóng sập cửa lại thì Elena bước lên một bước và nói rất nhanh:
- Bà biết cha chồng tôi! Voicu Steinovici!
Thiếu phụ lại mở cửa ra.
- Vâng, tất nhiên. Ông ấy là bạn tốt nhất của cha tôi ở Iasi. Bà muốn gì cơ?
Elena đỏ mặt, quá cần tiền nên không còn biết sĩ
diện nữa.
- Cha chồng tôi nói rằng bà sẽ cho tôi một trăm francs.
- Trăm francs ư? Tôi không hiểu bà nói gì.
Một đứa trẻ cất tiếng khóc trong một căn phòng.
"Sara ơi! Nó đói!" một người đàn ông kêu lên.
Elena thu hết can đảm:
- Cha chồng tôi chắc đã cố gọi, nhưng ông bà không có nhà. Có thể ông sẽ gọi lại, vậy, ngày mai tôi sẽ quay lại có được không ạ?
- Tùy bà, thiếu phụ nhún vai nói. Tôi vào đây! Bà cao giọng nói và đóng cửa lại.
Vừa xuống dưới nhà, Elena đã quên ngay sự thất vọng. Đầu phố là quảng trường Vosges. Vẻ đẹp của những tòa nhà màu hồng bao quanh một mảnh vườn kiểu Pháp khiến bà phải thốt lên thán phục. Một đài phun nước cho phép bà giải khát. Bây giờ bà không thể trông chờ vào một trăm francs phụ thêm nữa, nên không được tiêu xu nào cho đồ ăn hoặc thức uống. Bà tìm căn nhà mà Victor Hugo đã ở rồi đi dạo trong khu phố. Trong một phố hẹp, bà nhìn thấy một nhóm đàn ông đội mũ rộng và mặc áo khoác dài đen trông rất lạ. Cũng có một vài phụ nữ mặc những cái váy lịch thiệp buông xuống tận mắt cá, và một lũ trẻ ồn ào, con gái váy gấp nếp và con trai sơ mi trắng, quần đen, một cái mũ đen nhỏ trên chỏm với những lọn tóc phía trước tai như cha chúng. Elena lễ phép hỏi một trong những bà mẹ xem đây là lễ hội dân gian nào mà không thấy nêu trong sách hướng dẫn. Bà ta cười và nói một vài câu với một bà khác nhiều tuổi hơn bằng một thứ ngôn ngữ giống như tiếng Đức. Bà này quay về phía Elena và ân cần đáp rằng những người Do Thái trong khu phố tụ tập trên phố sau khi ra khỏi nhà thờ vào ngày nghỉ cuối tuần. Elena trố mắt.
- Đó là trang phục người Do Thái ư? Bà nhút nhát hỏi.
Người đàn bà gật đầu. Elena muốn ôm hôn bà ta. Ngoài Ixraen ra, vẫn còn một nơi mà người Do Thái không cần che giấu bản sắc của họ ư?
Bà dành cả buổi chiều ở bảo tàng Louvre vì không có tiền để mua vé vào thăm một lần nữa, vả lại chương trình chuyến đi cũng rất sít sao. Đúng lúc trước khi bảo tàng đóng cửa, bà vào cửa hàng và mua năm mươi cái ảnh đèn chiếu, mỗi ảnh năm mươi centimes(1). Tổng cộng là hai mươi lăm francs, bằng một phần tư số tiền chính phủ chi cho bà trong một tuần lễ. Một sự điên rồ. Tuy nhiên, cha của Jacob đã mang từ Ixraen sang cho cháu trai một máy đèn chiếu là đồ chơi Alexandru ưa thích. Với năm mươi bức ảnh đèn chiếu này, con và chồng bà sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng La Joconde(1), những bức tranh của Rembrandt và các họa sĩ phái Ấn tượng như thể họ đã đi Paris cùng với bà. Bà ra khỏi bảo tàng vào sáu giờ mười lăm, xây xẩm mặt mày vì đói và khát. Ba lát xúc xích Hunggari mang đi từ Bucarest đã tiêu hóa hết từ lâu. Khi đi ngang cửa hàng bánh ở phố Du Bac, mùi bánh mì nóng khiến bà chóng mặt. Bà dừng lại trước quầy bánh xốp, bánh ngọt, cũng phong phú và ấn tượng như tủ kính cửa hàng giày dép Bally, và không thể nhịn nổi. Bà đi vào và mua một cái bánh sữa nhỏ hai mươi centimes. Rồi bà vội vã về khách sạn. Bà vừa bước qua ngưỡng cửa thì hai nữ gián điệp đã dồn dập hỏi:
- Bà đã đi đâu đấy, bà Tiberescu?
- Bảo tàng.
- Chúng ta không được rời nhau, bà biết đấy! Chúng tôi sẽ buộc phải nêu chuyến đi riêng này của bà vào báo cáo.
Ngày hôm sau, khó khăn hơn mới thoát khỏi họ. Elena kéo họ từ bảo tàng này sang bảo tàng khác cho đến khi các bà Tudor và Dragomir phát chán lên sau khi ra khỏi bảo tàng Rodin. Họ đau chân khủng khiếp.
- Và bây giờ, đi thăm nhà nguyện Sainte-Chapelle, Elena tỉnh bơ nói.
- Để mai!
- Ngày mai chúng ta có một chương trình khác rồi.
Hai bà hội ý với nhau và để bà Barbaveanu giám sát Elena. Elena đưa bà Barbaveanu đến tận phố Francs-Bourgeois. Đến trước số nhà 13, bà bảo bà ta đợi một lát và biến mất vào khoảng tối của cầu thang gác. Bà lên tầng ba và bấm chuông. Thiếu phụ hôm trước mở cửa. Một nụ cười làm sáng bừng khuôn mặt bà ngay khi nhìn thấy Elena.
- Tôi đã sợ là bà không đến nữa! Thậm chí tôi đã không nghĩ tới việc hỏi tên khách sạn của bà. Cha chồng bà đã gọi điện thoại. Một trăm francs của bà đây. Tôi xin lỗi về cách cư xử hôm qua. Tôi đã không biết bà là ai mà! Bà uống trà nhé?
Elena từ chối lời mời. Bà Barbaveanu đang đợi bà dưới phố. Khi xuống cầu thang, tim bà đập rộn ràng. Bà có một trăm bảy mươi lăm francs trong cái túi nhỏ mà bà tự may và đeo lên cổ. Bà giàu có.
Năm ngày còn lại qua như cơn lốc. Bà thích buổi sáng cùng bà Barbaveanu mỗi người ngồi bên một cửa sổ ăn xúc xích - chính phủ Rumani cho họ ở khách sạn ba sao tiện nghi để chứng tỏ mình đối đãi với các nhà nghiên cứu rất chu đáo, nhưng ăn sáng lại không được tính - và ngắm Paris qua ô cửa kính như thể họ ngồi ở ban công nhà hát. Các bé gái nhảy dây trên đường đến trường, các bà già trang điểm kĩ càng tay dắt chó đi dạo, các nhà kinh doanh đến công sở, những chiếc xe tải nhỏ phân phát nhật báo. Vào tám giờ rưỡi, một chiếc xe buýt con đón họ đến Saclay, nơi người ta đón tiếp họ như những nhà khoa học thực thụ, chứ không phải là những phụ nữ Rumani nghèo kiết xác. Buổi sáng đầu tiên, Elena được giới thiệu với một giáo sư tầm cỡ của Lyon, ông ta nói ngay với bà:
- Bà là Tiberescu? Có phải tôi đang có vinh dự được nói chuyện với tác giả của thư mục những bài báo về chất triti và cácbon đấy không? Công việc tuyệt vời làm sao!
Bà không tưởng tượng nổi, có một ngày, một nhà bác học lại tham khảo thư mục mà bà biên soạn vào thời kì bà làm việc ở thư viện khi mang thai bảy năm trước đây. Ý nghĩ về công trình của bà từ lâu đã vượt biên giới trước cả bản thân đã sưởi ấm lòng bà. Tiệm cà phê của trường đại học vào giờ ăn trưa giống như những bức tĩnh vật xứ Flandre mà bà đã chiêm ngưỡng ở Bảo tàng Louvre. Thức ăn trong đó nhiều và đa dạng hơn những hiệu ăn tốt nhất của Bucarest, và người ta có thể ăn thỏa thích. Những cô phục vụ đều trẻ và xinh đẹp với khuôn mặt thon rất Pháp và mũ trắng nhỏ, mặc những cái váy ngắn đến mức người ta nhìn thấy quần lót ngay khi họ cúi xuống. Trái với những bạn đồng hành, Elena không cho đầy hoa quả và bánh mì vào túi xách để ăn thay bữa tối. Chả hay ho gì cả. Dù sao, bà cũng đã ăn đầy đủ trong bữa trưa rồi đợi đến sáng hôm sau để ăn xúc xích và uống Nescafé ấm. Trong bữa ăn, bà cố gắng tranh luận bằng tiếng Pháp với các đồng nghiệp phương Tây và trả lời những câu hỏi của họ về Rumani. Vốn từ ngữ nghèo nàn và sự để ý của những nữ gián điệp đã hạn chế cuộc chuyện trò của bà, nhưng không phải chỉ có thế. Làm sao bà có thể giải thích thực tế đất nước cho những người coi Ceausescu là một anh hùng vì đã giữ lập trường độc lập và can đảm trong cuộc khủng hoảng Tiệp Khắc vào tháng Tám?
Cuộc sống thực sự bắt đầu khi bà trở lại Paris tầm ba giờ. Các bà kia đã không muốn đi theo bà nữa. Bà khám phá mọi thứ, từ đại lộ Champs-Élysées nơi một một cốc giải khát Orangina uống ở bên hè một tiệm cà phê giá hai francs rưỡi, tới quảng trường Tertre nơi bà đã rất khó khăn để từ chối một nghệ sĩ cứ một mực đòi vẽ bà không lấy tiền. Trên những đại lộ lớn, các tủ kính làm lóa mắt bà, chúng trông cứ như những bức họa. Thậm chí bà còn đi tàu đến tận Versailles vào một buổi chiều. Và rồi biết bao bảo tàng, biết bao nhà thờ trong mỗi khu phố. Biết bao công viên, hiệu ăn, cửa hàng bánh, cửa hàng thịt với những tấn thịt đỏ và tươi, cửa hàng thực phẩm, ở đó bà chỉ muốn nếm thử từng món sa lát, từng món terin và nh ất là những ổ bánh nữ hoàng thơm nức mà ở Bucarest người ta gọi là vol-au-vent, cơ man là hiệu sách đầy sách, những tiệm cà phê mà ở ngoài thềm người ta cười nói, uống, hút thuốc, tất cả đều có vẻ nói năng một cách thoải mái. Bà đi ban đêm và ban ngày, nhìn ngắm thỏa thích. Và cũng mua sắm nữa. Bà mua len ở cửa hàng Tati để đan áo cho Jacob và Alexandru, rồi mua cho mình những chiếc áo lót và tất. Ở cửa hàng Prisunic, cửa hàng lớn duy nhất giá phải chăng, bà mua nước thơm Cologne và xà phòng cho mẹ và bà ngoại, cùng đó những thanh sôcôla để lấy lòng những nhân viên hải quan ở sân bay Bucarest. Và bà mua giày. Đôi mocassins.
Bà bước vào cửa hàng chiều thứ sáu, hôm trước khi về nước. Bà đã nghĩ đến chúng từ khi nhận được thêm một trăm francs từ người phụ nữ mà cha chồng bà quen biết. Mắt long lanh, giọng chắc nịch, bà nói bằng tiếng Pháp với người phụ nữ trẻ bán hàng đang tiến về phía bà:
- Tôi muốn mua đôi giày mocassins ở trong tủ kính,
cỡ 32 ạ.
- Đôi mocassins nào, thưa bà? Bà có thể chỉ cho tôi ạ? Chúng tôi có mười đôi khác nhau cơ.
Elena nghe mà không hiểu. Những mười đôi mocassins? Bà chỉ nhìn thấy có một kiểu. Tất cả những đôi khác là giày bình thường. Bà lại chỉ tay về đôi bốt:
- Đôi mocassins lót lông kia kìa, màu xám, giá bốn mươi francs.
Lần này, không thể nhầm lẫn được nữa. Cô bán hàng nhìn bà với vẻ lạ lùng, chứ không phải với sự khâm phục hiển nhiên phải có theo suy nghĩ của Elena, khi một phụ nữ vào trong một cửa hiệu để mua trong vòng năm phút không chút đắn đo, đôi giày trẻ em đắt chưa từng thấy. Không, cô bán hàng nhếch mép cười nhìn bà vẻ chế giễu, như thể đang tiếp xúc với một kẻ ngu ngốc. Cô ta chễ giễu giọng nói của khách hàng ư? Elena thấy má nóng bừng. Cần phải ra khỏi cửa hàng ngay để không chịu nhục thêm một giây nào nữa. Nhưng bà lại muốn mua giày cho con trai.
- À, đôi giày ấm đi sau khi trượt tuyết, cô bán hàng nói. Tôi cứ tưởng bà muốn mua mocassins.
Elena sắp cắt ngang lời cô bán hàng để khẳng định rằng thực sự đó là đôi mocassins thì cô ta vươn tay cầm đúng đôi giày ấy. Elena đỏ mặt, chưng hửng, quá nhút nhát nên không dám tiếp tục tranh luận thấu đáo.
- Không còn cỡ 32, cô bán hàng nhìn nhãn ở đế giày, nói.
- Thế có cỡ 33 không? Bà lập tức hỏi với mong muốn kết thúc sớm việc mua bán này.
Alexandru chỉ đi cỡ 31. Cỡ 33 quá rộng. Nhưng chỉ cần nhét thêm giấy vào trong, và như vậy ít nhất nó cũng đi đôi ủng được hai hoặc ba năm.
Một người đàn ông khoảng năm chục tuổi, ăn mặc chỉn chu, nhận bốn chục francs của bà.
- Bà sẽ rất hài lòng về đôi giày này, thưa bà, - ông nói với bà bằng một giọng trầm - Chúng có chất lượng tuyệt hảo đấy.
Ông ta rõ ràng lịch sự hơn là cô nhân viên trẻ và còn mời bà mua xi và bàn chải nhưng Elena rất tiếc phải từ chối. Bà không còn xu nào nữa. Bà tự hào ra khỏi cửa hàng mang theo túi xách nhựa dày có chữ “Bally”.
Ở sân bay Bucarest, nhân viên hải quan mở vali của bà và nhấc cái hộp ra. Ông mở nắp hộp và bằng hai ngón tay to không có vẻ sạch sẽ gì, cầm đôi ủng nhỏ lót lông lên hít hít như thể đó là một con thỏ sống.
- Đẹp thật!/ Frumos!
Elena run. Có lẽ ông ấy có một đứa con trai đi đôi bốt rất vừa chăng? Hai mụ gián điệp trố mắt nhìn. Họ không biết bà mua lúc nào. Elena chỉ nói với bà Barbaveanu, người cũng có bí mật riêng vì đã mua một miếng vải len màu hạt dẻ đẹp đẽ để may một chiếc áo khoác mới với một cái cổ lông cáo được thừa hưởng từ người mẹ Ba Lan. Elena lấy trong túi ra một thanh sôcôla Suchard và đưa cho nhân viên hải quan.
- Ông có muốn nếm thử sôcôla Pháp không ạ? Bà hỏi với giọng hết sức nhã nhặn.
Bà thở phào khi người đàn ông cất đôi giày vào hộp và đóng lại. Ông ta nhận thanh sôcôla. Bà cảm ơn ông ta.
- Bà Tiberescu này, hẳn bà dạy dỗ con trai như một hoàng tử, bà Tudor nhăn mũi nói với bà khi ra khỏi phòng hải quan.
1. Centimes: Đồng xu (tiền Pháp, Bỉ...)
1. La Joconde: Bức họa nàng Mona Lisa của danh họa Leonardo
da Vinci.