Thầy Lang (Znachor) Chương 15

Chương 15
Vụ xử án Zê-nôn Vôi-đư-uô diễn ra vào giữa tháng mười tại Vin-nô.

Ở Ra-đô-li-xki người ta biết việc ấy mãi sau khi có bản án, bởi lẽ bị cáo đã tự thú hết, nên tòa không mời một nhân chứng nào cả, ngoài những nạn nhân, mà vì lý do sức khỏe cũng không đến được.

Nếu như báo chí ồn lên thành chuyện giật gân quanh vụ này thì lý do chính là vì bị can đòi tòa phải xử một cách nghiêm khắc nhất. Song tòa đã thấy trong đề nghị ấy của Zê-nôn biểu hiện sự ăn năn, đồng thời lưu ý đến nhiều hoàn cảnh giảm án khác nữa, cộng với sự tin chắc vào ý định chân thành hối cải của bên bị, tòa chỉ xử y hai năm ngồi tù.

Tin ấy đến được chỗ cối xay là do cậu Va-sin, người đã đi Vin-nô giải quyết công chuyện cho cha, nhân dịp ấy đến dự phiên tòa luôn thể. Cũng chính qua cậu mà Ma-rư-sia được biết rằng cậu chủ Trưn-xki không có mặt trong phiên tòa vì đang đi chữa bệnh ở nước ngoài. Va-sin không thể nói chính xác chỗ cậu chủ đang chữa bệnh, mặc dù đã được nghe tại phòng xử án tên gọi của địa điểm kia, nhưng cậu không nhớ nổi vì đó là tên nước ngoài.



Ma-rư-sia cân nhắc xem có nên nhờ Va-sin hoặc ai khác tìm hỏi địa chỉ của Lê-sếch hay chăng. Ở Lu-đơ-vi-kốp chắc không phải chỉ một mình cha mẹ chàng biết cái địa chỉ ấy. Nhưng cô e rằng việc tìm hiểu ấy sẽ gây nên chuyện phiền toái gì thêm nữa chăng, và cô quyết định kiên trì đợi thư chàng.

Quyết định thì dễ, nhưng kiên trì được thì khó hơn nhiều. Tuần này tiếp tuần khác trôi đi mà Lê-sếch vẫn không thư. Những ý nghĩ mỗi lúc một buồn chán hơn nảy sinh trong lòng cô, niềm hi vọng mỗi lúc một tan.

Trong khi đó sức khỏe của Ma-rư-sia hồi phục nhanh chóng không ngờ. Cô đã ngồi dậy được trên giường từ lâu, và những ngày đầu tháng mười một thầy lang cho phép cô đứng dậy.

Vết thương ở thái dương và vết mổ đã lành hẳn. Da chân và da tay ở những chỗ xây sát gần như không thấy sẹo. Sức cô trở lại từ từ, nhưng chắc chắn. Ngay sau hôm dậy được, cô bắt đầu dọn dẹp trong cơ ngơi của thầy lang. Sau một tuần, căn phòng và cái hõm tường nom đã khác hẳn.

- Cháu đừng mệt sức thế, con bồ câu nhỏ, - thầy lang cố làm nguội nhiệt tình của cô gái. - Cháu làm thế để làm gì kia chứ?...

- Thế bây giờ ở đây không đẹp hơn, không sạch hơn hay sao, bác An-tô-ni?

- Chỉ tiếc sức của cháu ấy.

Vả chăng cũng chẳng có mấy thì giờ để dọn dẹp, cọ rửa và giũ bụi. Những cơn lạnh mùa thu lại mang đến cho thầy lang thêm nhiều bệnh nhân. Có những ngày có tới ba mươi người hay hơn nữa. Tất cả đều biết rằng ông An-tô-ni Kô-si-ba bị gọi đến dự thẩm viên và sẽ bị đưa ra xử ở Vin-nô. Người ta kháo nhau rằng ông sẽ bị tù, vì vậy mà phải mau mau lên mà xin lời khuyên của ông.

Chính ông An-tô-ni cũng chờ đợi một bản án tù và muốn chuẩn bị trước cho Ma-rư-sia, song cô gái phẫn nộ khăng khăng bảo rằng không thể có chuyện như vậy được.

- Cháu sẽ đứng ra làm nhân chứng, người được bác cứu sống. Thế còn chưa đủ hay sao?

Thầy lang cũng có tính đến chuyện ấy một phần, ông cũng hi vọng ở những bệnh nhân khác của mình, họ đăng ký rất đông, tình nguyện làm nhân chứng.

Thời gian xử án được ấn định vào cuối tháng mười một, và mọi sự hứa hẹn không đến nỗi nào, giá như Ma-rư-sia không đột nhiên bị ốm. Cái cơ thể đã trở nên quá nhạy cảm, do một thời gian dài phải nằm trong giường, dễ dàng bị mắc bệnh. Cô bị cảm lạnh khi dọn dẹp trong cái hành lang nhỏ lạnh ngắt. Việc xông và uống các thứ thuốc cho ra mồ hôi cũng không giúp được gì nhiều. Cô phải nằm liệt giường.

Không thể nghĩ đến chuyện cô đi dự phiên tòa và ông An-tô-ni Kô-si-ba đành phải đi một mình.

Ngay sau khi đến nơi ông tìm gặp trạng sư Ma-quai, người được ông Ju-đơ-cô ở Ra-đô-li-xki giới thiệu. Sau khi xem xét sự tình, trạng sư đề ra một số tiền thù lao, may mà không lớn lắm, nhưng ông ta nói ngay rằng không thể hi vọng trắng án được.

- Tôi sẽ cố gắng để được bản án nhẹ nhất cho ông.

Rồi ngày xử án đến. Ngay trước khi bước vào tòa nhà của tòa án, ông An-tô-ni đã gặp bác sĩ Pa-vơ-li-xki, điều đó khiến ông có ngay những linh cảm không lành.

Và quả thật, khi khai với tư cách nhân chứng, mặc dù nói toàn sự thật, nhưng bác sĩ Pa-vơ-li-xki đã buộc cho bị cáo những tội nghiêm trọng. Anh ta nói về sự bẩn thỉu trong nhà ông, về mùi hôi hám, về việc đích thân anh ta đã ngăn chặn ông trong việc tiến hành cái nghề nghiệp nguy hiểm này và cuối cùng, về sự đánh cắp chiếc va-li đựng dụng cụ phẫu thuật. Anh ta thừa nhận rằng ông Kô-si-ba đã thành công trong một vài ca mổ, thậm chí cả những ca nặng, nhưng anh ta quy điều ấy cho chuyện may rủi.

Nhân chứng buộc tội thứ hai, đại biểu của bệnh xá, trình bày trước tòa những số liệu thống kê đề cập đến nghề lang băm ở vùng biên giới phía đông. Những số liệu ấy khẳng định rằng tỉ lệ tử vong rất lớn của cư dân nông thôn là do kết quả việc chữa chạy của các t hầy lang. Tiếp đó, ông ta đưa ra nhiều thí dụ về các "phương pháp chữa bệnh" của các thầy lang, những thí dụ ấy khiến cho người nghe kinh sợ, ghê tởm và phẫn nộ.

Các nhân chứng do luật sư bào chữa mời đến, tất cả những bệnh nhân được ông An-tô-ni Kô-si-ba chữa chạy, đến hai mươi mấy người, lại khiến cán cân hơi ngả sang phía bị cáo, bằng những lời khai của họ.

Và chắc bản án kết thúc khác hẳn, nếu như trong vụ này người luận tội không phải là một vị chưởng lý mới xuất hiện lần đầu - tiến sĩ luật khoa Zơ-ghi-e-rơ-xki. Với lương tâm và niềm say mê của kẻ mới nhậm chức, chưởng lý Zơ-ghi-e-rơ-xki đã chuẩn bị sẵn sàng những lời luận tội của mình. Ông ta xem xét vấn đề xuất phát từ lập trường xã hội và quốc thể.

- Chúng ta còn cho phép đến bao giờ nữa, - ông ta kêu lên, - để những điều mê tín kinh khủng thời trung cổ cứ tồn tại trên đất nước chúng ta? Đến bao giờ nữa, chúng ta còn cho phép truyền bá sự ngu muội và những tội phạm vô tri giác của việc hành nghề lang băm?... Bản án này phải là lời đáp cho câu hỏi: liệu chúng ta có phải là một quốc gia văn minh hay không, liệu chúng ta có thuộc về Châu Âu không, không những chỉ về phương diện địa lý mà còn về phương diện văn hoá, liệu chúng ta có muốn dung túng tiếp tục cho sự mông muội hay không?

Ông ta còn nói nhiều và hay ho nữa về sứ mệnh văn minh hóa của Ba Lan đối với phương đông, về sự mê muội thê thảm của dân Bạch Nga, về những đội ngũ hàng nghìn bác sĩ trẻ tuổi sẵn sàng cứu giúp những kẻ đang đau đớn, đang bị thất nghiệp, về thuyết mưu sinh và việc nâng cao nòi giống, về việc quân đội đang cần những mục đích giáo dục của các bản án của tòa án, về việc bản án này phải trở thành lời cảnh cáo đối với những loài lang sói (44) khác đang săn mồi trên sự ngu muội của quần chúng.

Để kết thúc ông ta còn gảy vào sợi dây ái quốc, bản vị bằng cách nói rằng: một bản án quá hời hợt đối với loại hình tội phạm này sẽ cung cấp một bằng chứng và một cơ sở để cho công luận của những vùng khác thuộc đất Ba Lan nghĩ rằng cánh tay công lý ở vùng biên giới phía đông đang dung túng cho sự lạc hậu của những hậu quả xiết bao nguy hại của nó.

Luật sư Ma-quai không có lấy một phần mười tài hùng biện của đối thủ. Vì vậy, bài nói của ông, mặc dù cụ thể, nhưng đã không gây được ấn tượng sau những lời nói sấm sét của viên chưởng lý. Thậm chí ông cũng không tìm cách phản bác những lý lẽ của chưởng lý, lời bào chữa của ông được dựa chủ yếu trên chính nhân cách của bị cáo, một người hoàn toàn không vụ lợi, người mặc dù có chiếm đoạt các dụng cụ phẫu thuật, nhưng hoàn toàn chỉ nhằm mục đích cứu sống một thiếu nữ đang sắp chết mà thôi.

- Ở đây, người ta không đưa ra được một kẻ nào mà sự giúp đỡ với tư cách thầy thuốc của An-tô-ni Kô-si-ba làm hại, cũng không nêu được một cái tên bệnh nhân nào phải chết vì lỗi của bị cáo, - ông kết luận. - Ngược lại, chúng ta đã chứng kiến cả một đoàn những con người đầy lòng biết ơn, được bị cáo chữa lành bệnh. Vì vậy, tôi xin tha bổng.

Nếu như lúc ấy trong lòng ông An-tô-ni có tái hồi một niềm hi vọng nào, thì chắc chắn nó sẽ bị tắt ngấm ngay dưới những đòn của viên chưởng lý.

- Tôi kinh ngạc, ông ta mở đầu. - kinh ngạc và xấu hổ trước lập trường của người bào chữa. Tôi xấu hổ bởi tôi được nghe trong lời bào chữa của ông một điều trách cứ là khi luận tội bị cáo tôi chỉ quan tâm đến hiện tượng mà quên mất con người. Đúng thế. Thưa quí tòa, quả thực đó là một sự khiếm khuyết rất quan trọng về phía người luận tội nhân danh xã hội. Nhưng tôi kinh ngạc vì chính từ miệng người bào chữa lại thốt ra điều nhắc nhở ấy. Phải! Bởi lẽ phải chăng sau khi xem xét kỹ cốt cách đạo đức của An-tô-ni Kô-si-ba chúng ta có thể thành tâm không coi những tội lỗi của bị cáo là đáng phải trừng phạt nặng nề sao?... Kẻ giả danh từ thiện ấy, một hôm nào đó cảm thấy chán việc lao động chân tay trung thực và thèm khát miếng bánh kiếm bằng cách dễ dàng hơn. Từ một kẻ làm công ở cối xay bột, y đã trở thành một tên bịp bợm. Rõ ràng việc nói ra những câu thần chú vớ vẩn nào đó đối với một người nông phu đã hoàn toàn bị mê hoặc, việc khiến anh ta say sưa các thứ thuốc sắc dễ dàng hơn việc vác những bao bột. Và bị cáo đã chọn cách đó. Còn câu chuyện huyền thoại về tính không vụ lợi của y bị chính những người làm chứng vừa rồi thổi tan như mây khói khi họ khai rằng, tuy họ không trả tiền cho những lần thăm khám, nhưng họ lại mang đến... những món quà tự nguyện. Chính Kô-si-ba khi trả lời câu hỏi của ngài chánh án cũng đã nói rằng y sống khá phong lưu. Và điều đó cũng đã là một chứng cứ hùng hồn trong thời buổi khủng hoảng hiện nay, giữa cảnh bần hàn của người dân quê. Những kẻ sống phong lưu ngày nay ở thôn quê chính là những kẻ đã bóc lột người nghèo, những kẻ dùng thủ thuật bịp bợm để cướp bóc của họ chút dự trữ nghèo nàn cuối cùng còn sót lại.

Chưởng lý mỉm cười.

- Phải, thưa quí tòa, đó là một cốt cách của bị cáo, mặt quá khứ của y. Còn tương lai của y sẽ ra sao? Y sẽ làm gì nếu được tự do bước ra khỏi phòng xử án này?... Điều đó thì chúng ta không hề có chút ảo tưởng nào hết. Chính bị cáo đã thổi cho tan tành những ảo vọng đó, khi trả lời những câu hỏi của tôi trong quá trình xử án. Y thừa nhận rằng cho đến tận phút cuối cùng y vẫn hành nghề của y, và nếu được tha, y sẽ lại "chữa bệnh" cho mọi người. Y không hề cảm thấy một chút hối hận nào hết. Y không hứa sẽ cải hối. Còn vấn đề ăn cắp thì sao? Y thừa nhận có lấy, nhưng y công khai tuyên bố rằng sẽ sẵn sàng ăn cắp lần thứ hai nếu như lại nảy sinh những hoàn cảnh tương tự. Đó là một tội phạm không thể, hoặc đúng hơn là không muốn hiểu tội lỗi của mình, một kẻ tội phạm hết sức bướng bỉnh trong niềm tin của mình. Đó chính là con người mà theo lời đề nghị của trạng sư bào chữa, thì tôi phải lưu tâm đến. Con người ấy điếc đặc trước mọi lời nhắc nhở đã trở thành một mối nguy cho xã hội, y cần phải được cách ly ra khỏi xã hội ngay lập tức, và phải được làm vô hại bằng một hình phạt tù nghiêm khắc.

Sau lời đáp của luật sư Ma-quai, tòa vào nghị án kín.

Nửa giờ sau, đã chiều tối, bản án được công bố.

Nội dung của nó là: ba năm ngồi tù.
Chưởng lý Zơ-ghi-e-rơ-xki nhận những lời chúc tụng của bạn bè và người thân ngoài hành lang. Ông An-tô-ni Kô-si-ba bị bắt ngay tại phòng xử án và chuyển sang trại giam. Trạng sư tuyên bố sẽ chống án.

Tin tức về việc xét xử và việc bắt giam ông An-tô-ni Kô-si-ba do những người nông dân tham gia phiên tòa quay về mang đến cho các cư dân ở cối xay. Thoạt tiên không một ai tin, thậm chí Ma-rư-sia còn bật cười:

- Các bác thật là! Các bác nói thế nào ấy chứ! Hoàn toàn vô lý!

- Có thể là ba tháng cũng nên? - Va-sin đoán.

- Không, ba năm mà, - những người nông dân khăng khăng. - Mà bị thế là vì ngài chưởng lý riềng ông ấy ghê quá.

Và họ thuật lại diễn biến của phiên tòa theo cách của họ.

- Các người hãy thương tình với chứ! - Ông lão Prô-cốp thốt lên. - Nếu vậy thì ra kẻ gây thương tích cho người ta, suýt nữa giết người ta, chỉ bị hai năm tù, còn người cứu thì lại ba năm. Sao lại thế được?

- Vậy mà lại thế đấy...

Ma-rư-sia òa lên khóc. Đúng ngày hôm ấy cô mới bước ra khỏi giường, những cơn ho vẫn còn làm cô rất mệt.

- Làm gì bây giờ, ông Mi-en-nhich, làm gì bây giờ? - Cô ngoảnh sang ông lão Prô-cốp. - Cần phải đi Vin-nô, phải nghĩ ra cách gì giúp bác ấy chứ.

- Giúp gì ở đây chứ? Cô có phá nhà tù được đâu.

Va-sin nói một cách chắc chắn:

- Tôi xin nói với cô Ma-rư-sia thế này: không thể có cách nào giúp được hết, nhưng khi có tòa phúc thẩm thì sẽ giúp được. Chắc ông trạng sư này tồi quá đấy thôi. Nhiều điều phụ thuộc vào trạng sư lắm... Nghĩa là phải tìm một ông khác. Phải hỏi xem ông nào quan trọng nhất trong thành phố và đến gặp ông ấy.

Mọi người đều tán thưởng những lời khuyên của Va-sin.

- Nhưng bao giờ mới xử phúc thẩm?

- Cũng không mau đâu, - một trong những người nông dân nói. - Cái hồi tôi mắc vụ mấy cây thông ở khu rừng Vix-kun-xki, thì mãi bốn tháng sau mới mở phiên phúc thẩm.

- Thế cũng còn nhanh chán! - Một người khác nhận xét, - Đôi khi phải chờ đến một năm kia.

Suốt đem Ma-rư-sia khóc lóc, hôm sau cô gói ghém một bọc quà. Cô đặt vào đó các đồ lót của ông An-tô-ni, chiếc áo khoác ngắn, rất nhiều thuốc lá, một ít xúc xích và mỡ lợn.

Zô-nhia gặp cô đúng lúc cô đang gói.

- Cái gì thế này hả? - Chị hỏi - cô định gửi quà cho ông An-tô-ni phỏng?

- Vâng.

- Gửi qua ai?

- Em sẽ hỏi. Rất nhiều trường hợp người ta ghé qua đây trên đường đi Vin-nô chứ.

Zô-nhia ngẫm nghĩ một lúc, rồi rút khăn tay lấy ra hai đồng năm zuốt-ty.

- Đây, thế thì cô gửi cả tiền này cho ông ấy.

- Chị thật tốt bụng, chị Zô-nhia! Ma-rư-sia nói.

Nhưng Zô-nhia lại sừng sộ.

- Đối với một số người thì tốt, còn đối với kẻ khác thì chẳng tốt đâu. Tôi cho ông ấy chứ không cho cô đâu.

Đã từ lâu, Ma-rư-sia nhận thấy Zô-nhia không dành cho cô nhiều thiện cảm gì đặc biệt. Cô bèn đáp, vẻ thân thiện:

- Vậy thì em xin thay mặt bác ấy cảm ơn chị.

Zô-nhia nhún vai:

- Cô là gì với ông ấy, cô cũng như tôi thôi. Cô quyền gì mà cảm ơn thay cho ông ấy. Ông ấy sẽ tự cảm ơn lấy, khi nào ông ấy về. Cảm ơn cả vì việc ấy lẫn chuyện tôi sẽ canh phòng cho những của cải của ông ấy để chúng khỏi bị phí hoài đi.

- Chị Zô-nhia, chị lo chuyện ấy làm gì?

- Thế ai lo?

- Em.

- Cô?... Cô lo cách nào mới được chứ?... Thế cô định ở lỳ đây, ở nhà bố chồng tôi suốt ba năm trời đấy chắc?...

Ma-rư-sia đỏ mặt:

- Sao lại ba năm?... Ở tòa phúc thẩm, người ta sẽ thả bác An-tô-ni ra chứ...

- Hoặc thả hoặc không. Mà ông ấy không phải là chú bác gì của cô cả đâu nhé. Sao cô có thể nghĩ chuyện ở lại đây được nhỉ?... Cô sẽ sống bằng cách gì kia chứ?...

Thấy lệ đầy ứ trong mắt Ma-rư-sia, chị nói thêm:

- Thôi, đừng khóc nữa đi. Chẳng ai đuổi cô khỏi nơi đây đâu mà sợ. Mái nhà đủ để cô che đầu đấy... Cả cái ăn nữa. Thì tôi cũng chỉ nói chứ. Thích thì nói thôi. Đừng khóc, đồ ngốc ạ. Có ai tiếc gì cô không? Nào?

Mặc dù có những lời cam đoan ấy, giờ đây Ma-rư-sia đã hiểu được tình cảnh của mình. Quả thực một khi đã vắng bác An-tô-ni, cô không có quyền ở lại đây nữa. Người ta đã để cho cô hiểu điều đó với một sự tế nhị hơn lệ thường ở những con người giản dị này, song vẫn rất rõ.

Vì vậy, khi nghe tiếng gọi đi ăn trưa, cô không nhúc nhích khỏi chỗ. Cô run lên khi nghĩ rằng cả nhà ông Mi-en-nhích sẽ chằm chằm nhìn cô bên bàn ăn, sẽ đếm từng thìa thức ăn - thứ thức ăn bố thí - cùng mỗi mẩu bánh cô đưa lên miệng... Rồi khi chỉ có họ với nhau, họ sẽ thầm thì gọi đó là đứa tứ cố vô thân, một đứa ăn nhờ ở đậu, cho đến khi họ nói toẹt vào mặt cô điều ấy.

- Mình phải rời bỏ nơi đây, mình phải... Nhưng đi đâu?...

Qua mọi người cô được biết rằng đã có một cô gái khác hiện đang làm việc tại cửa hàng bà Skốp-kô-va. Không thể tính đến việc tìm một việc gì làm trong cả vùng này. Không một ai biết rằng cô đã đính hôn với Lê-sếch, thậm chí sẽ không một ai tin, nếu cô có đủ dũng cảm để nói điều đó thành tiếng. Ngược lại, tất cả - nhất là sau vụ tai nạn - đều biết rằng cô thường gặp gỡ chàng, rằng cả hai thường đi chơi tay đôi với nhau vào rừng...

Với một dư luận tai tiếng như thế, cô không thể hi vọng tìm được bất cứ việc làm nào.

Nhưng còn đi... thì đi đâu?...

Cô lăn ra giường và òa lên khóc. Cô khóc cho số phận cay nghiệt của mình, cho tình yêu duy nhất, mối tình lớn của mình, mối tình không mang lại cho cô thứ gì khác ngoài nỗi đau đớn, ngoài nỗi hổ thẹn, ngoài nỗi bất hạnh...

- Anh Lê-sếch, anh Lê-sếch, tại sao anh lại quên em!... Cô nhắc đi nhắc lại, nước mắt chứa chan.

- Hây, cô Ma-rư-sia, ăn cơm! - tiếng Va-sin vang lên ngoài cửa sổ.

Cô không nhúc nhích, lát sau cậu ta bước vào.

- Sao cô Ma-rư-sia lại khóc? - Cậu hỏi.

- Tôi không biết nữa, - cô trả lời trong tiếng thổn thức.

- Sao lại thế?... Ai đã xúc phạm đến cô Ma-rư-sia phải không?... Nào, cô nói đi!...

- Không, không...

- Vậy tại sao lại khóc?... Đừng khóc...

Cậu loanh quanh tại chỗ bất lực và nói thêm:

- Cô Ma-rư-sia khóc, tôi không đành lòng nhìn. Thôi, đủ rồi mà... đủ rồi... Có thể, có ai nói gì cô chăng?

- Không, không...

Cậu chợt nhớ lại vừa mới thấy Zô-nhia bước ra khỏi nhà ngang. Một cơn tức giận xâm chiếm lòng cậu.

- Được rồi, - cậu lẩm bẩm và bước ra.

Cả nhà đã ngồi vào bàn. Va-sin đứng ngay ở ngưỡng cửa nhà bếp bình tĩnh lên tiếng hỏi:

- Tại sao Ma-rư-sia không có mặt?

- Chị gọi rồi, không hiểu tại sao cô ấy không đến. - Ôn-ga nhún vai.

- Chị không biết à?...

- Không.

- Thế có thể chị Zô-nhia biết chăng?

Zô-nhia quay lưng lại phía cậu.

- Sao lại tôi?...

Va-sin đột nhiên hét lên:

- Thế thì tôi biết, cái mụ chết băm chết vằm kia!

- Con làm sao thế hả, Va-sin, con làm sao thế? - Ông lão Prô-cốp ngạc nhiên thật sự.

- Tôi làm sao hả, tôi làm sao là vì cô ta đang khóc đằng kia kìa! Mà cô ta có thể khóc vì ai, nếu không phải vì cái mụ phù thủy này?... Mụ nói những gì với cô ấy?!

Zô-nhia chống tay vào hông ngẩng cao đầu, thách thức.

- Tao muốn nói gì thì nói nấy. Mày hiểu chưa?!

- Im mồm! - Ông Prô-cốp sốt ruột.

- Thế sao nó lại cứ lên nước với con!... Con không nói gì hết, mà nếu có nói, thì đã sao nào?... Đã sống nhờ chúng ta ở đây, thì cũng xin cô ả đừng có ra bộ danh với dự thế nữa đi.

- Không phải sống nhờ vào bà! - Va-sin không kìm nổi nữa, gầm lên.

- Vậy thì cứ mặc cô ả xéo đi! - Zô-nhia cũng kêu lên trong cơn tức giận.

- Cô ấy hả?... Va-sin cười gằn, cố làm cho tiếng cười của mình đầy vẻ dữ tợn: - Cô ấy hả?... Bà sẽ phải xéo trước. Chưa biết chừng cô ấy còn là một bà chủ lớn hơn ở cái nhà này, mụ khốn kia! Mụ đừng quên rằng cha già rồi, rồi sẽ đến thời của tôi cai trị. Tôi sẽ đuổi bà xéo đi nơi khác, chính bà ấy! Còn nếu bà muốn có miếng bánh mà ăn, thì phải ráng đánh giày cho cô ấy!

Im lặng bao trùm. Quả thực mọi người đều nhận thấy từ trước rằng Va-sin thích Ma-rư-sia. Nhưng lúc này họ được nghe chính mồm cậu nói ra điều đó. Niềm mến mộ đó chắc hẳn không phải thường, một khi nó khiến cho chàng thanh niên vốn thường khi rất hiền lành phải khùng lên như vậy, đến nỗi cậu dám dọa đuổi người chị dâu mà cậu rất mến ra khỏi nhà.

Va-sin đứng đó, mặt nhăn lại, đưa mắt điên cuồng nhìn tất cả những người có mặt.

- Im đi! - Ông lão Prô-cốp lên tiếng, mặc dù trong phòng vẫn hoàn toàn im lặng - Im đi, tao bảo! Này, Va-sin, con hãy gột rửa chuyện ấy ra khỏi đầu đi. Đừng ngốc thế. Cô ấy không phải là để cho con, con cũng không hợp với cô ấy. Con cứ nghĩ đi, rồi con sẽ tỉnh. Còn cô, Zô-nhia, đến gặp con bé, mời nó. Bảo nó đến đây. Mà phải để ý đấy, ông lão giơ một ngón tay dọa, - để ý sao cho nó muốn đến. Zô-nhia, tao muốn nói rằng xúc phạm đến một đứa trẻ tội nghiệp, mồ côi mồ cút như thế là không hay đâu! Chúa sẽ trừng phạt đấy.

- Nhưng tôi có xúc phạm gì đến nó đâu, có Chúa chứng giám, - Zô-nhia đấm tay vào ngực.

- Thôi đi đi. Hãy nhớ rằng An-tô-ni yêu con bé như con đẻ. Sao lại thế được?... Chú ấy đang gặp chuyện chẳng lành, vậy mà tao lại tiếc bánh mì, tiếc chỗ ở dưới mái nhà với cô gái kia sao?... Phải biết sợ Chúa, Zô-nhia ạ. Đi đi... đi đi.

- Sao lại không đi? Tôi sẽ đi.

Zô-nhia chạy xuống nhà ngang. Cơn giận đã qua đi, và cũng có thể cả ý nghĩ rằng cái cô thiếu nữ kia không phải là tình địch của chị, vì nếu phải lựa chọn giữa ông An-tô-ni đã có tuổi với cậu Va-sin trẻ trung giàu có, thì chắc hẳn cô ta sẽ chọn cậu chủ, có thể chính ý nghĩ ấy đã khiến cho chị động lòng và bắt đầu xin lỗi Ma-rư-sia, bắt đầu ấp ủ và hôn hít cô.

- Nào, nào, đừng khóc nữa em, tất cả chỉ vì em mà thôi, đâu phải chị muốn em phải đổ nước mắt vì chị. Em có thích chiếc khăn quàng màu xanh có hoa không? Em thích thì chị cho em đấy... Nào thôi đừng khóc, đừng khóc nữa...

Chị vuốt ve lưng cô, vuốt ve khuôn mặt ướt nước mắt, vuốt ve đôi tay cô, cho đến khi Ma-rư-sia nín hẳn. Lúc họ trở lên bếp, không còn ai đả động gì đến chuyện ấy nữa.

Mặc dù vậy, mặc dù lòng tốt mà cả gia đình ông chủ cối xay dành cho Ma-rư-sia, một khi đã bị đánh thức, sự nhạy cảm không bao giờ còn để cô yên nữa. Cảm giác rằng cô là gánh nặng cho những người kia, rằng cô sống nhờ lòng tốt của họ mà không thể lấy gì đền đáp, lại thường xuyên trở đi trở lại với sức mạnh không gì thay đổi trong cô. Nhiều lần cô đề nghị được tham gia giúp việc trong nhà, nhưng ở đây không thiếu phụ nữ và không ai muốn sẻ việc cho cô cả.

Vì vậy, cô càng bị dằn vặt bởi ý nghĩ không biết mình phải làm gì và càng ngày cô càng thấy rõ hơn là mình bất lực. Không thể nói đến chuyện ra đi trong khi không xu dính túi. Chỉ còn mỗi một niềm hi vọng là Skốp-kô-va sẽ nhận cô trở lại làm việc chỗ bà.

Ngay trước lễ Thiên Chúa Giáng Sinh, rốt cuộc Ma-rư-sia cũng đi lên thị trấn. Cô lên đường khá muộn, để khỏi phải phô mặt tại Ra-đô-li-xki trong ánh sáng ban ngày. Cô không muốn ló mặt ra trước mắt mọi người.

Vì vậy, lúc cô dừng chân trước cửa ngôi nhà bà Skốp-kô-va thì trời đã tối.

Cùng lúc ấy bà Skốp-kô-va vừa về tới.

- Ồ, Ma-rư-sia! - Bà thốt lên với giọng tha thiết gượng gạo. - Cháu ra sao rồi, cháu thân yêu.

Ma-rư-sia hôn tay bà.

- Cảm ơn bác, giờ cháu khỏe hẳn rồi, nhưng suýt nữa thì mất mạng.

- Thế à, thế à... Phải châm đèn cái đã...

- Để cháu thắp cho, - Ma-rư-sia định làm, nhưng bà Skốp-kô-va đã cầm ngay lấy bao diêm.

- Thôi, cứ mặc bác. Ở nhà cứ để bác làm lấy, - bà nói với chủ định rõ ràng. - Bác cũng biết là cháu suýt chết. Biết làm sao, lỗi của cháu mà. Bác đã làm xong nghĩa vụ của bác. Bác đã ngăn trước, rằng chuyện ấy chẳng dẫn đến điều gì tốt đẹp đâu. Nhưng cháu không chịu nghe mụ già Skốp-kô-va mà... Phải, phải... Chắc cháu đến để lấy đồ đạc phải không?

- Đến lấy đồ đạc ạ. - Ma-rư-sia khẳng định và ngoảnh đầu đi để giấu những giọt nước mắt.

- Cháu cứ lấy. Sợ cháu không nhấc nổi đâu. Bác đã gói ghém hết từ lâu và định gửi đến cối xay cho cháu. Nhưng chẳng có dịp nào.

Một bầu không khí im lặng bao trùm.

- Thế cháu ở đấy ra sao? - Bà Skốp-kô-va vừa hỏi vừa dọn dẹp cạnh tủ commốt.

- Cũng tàm tạm ạ.

- Nhưng chắc cháu cũng chẳng phiền gì nếu cứ ở đó với họ chứ.

- Cháu muốn lại được như ngày trước, Ma-rư-sia ấp úng.

- Thì chính bác cũng muốn thế, - bà Skốp-kô-va nhấn mạnh. - Nhưng biết làm sao được, một khi cháu lại muốn khác. Cháu muốn vơ lấy cái chết chóc cái nhục nhã vào mình, cứ muốn mang xấu hổ về cho bác kìa. Chắc hẳn mẹ cháu trong mồ cũng trăn trở không yên... Bác có đến nghĩa địa ở Zađuxki, có đến, bác thắp một cây đèn trên mộ, và mang đến một vòng hoa cúc trường sinh nữa, để an ủi bà. Biết làm sao, bác bảo, bà Ôc-sư-na thân mến, xin đừng đổ lỗi cho tôi, vì không phải một mà mười lần tôi đã nhắc nhủ con bà. Nhưng tuổi trẻ có bao giờ tin vào kinh nghiệm của người già đâu. Bà hãy cầu nguyện cho sự thức tỉnh của con gái bà... Cả tôi cũng sẽ cầu nguyện cho nó tìm được những người đỡ đầu tốt hơn hơn tôi... Thế đấy.

Nước mắt Ma-rư-sia chảy giàn giụa trên má.

- Thưa bác, cháu thề với bác là cháu chưa hề làm điều gì xấu cả, cháu xin thề như thế?

- Cháu ạ. Bác rất muốn tin cháu. Nhưng lòng tin của bác phỏng có giúp được gì? Tất cả mọi người đều thấy cháu đi lại chơi bời với anh chàng nhẹ dạ ấy, kẻ mà cho đến nay đức Chúa nhân từ vẫn còn rộng lượng chưa trừng phạt. Tất cả đều biết rằng anh ta đã làm cháu suýt thiệt mạng, thế mà bây giờ lại bở rơi cháu... Nếu cháu muốn bác khuyên cháu phải tránh xa những anh chàng lịch sự và điên rồ như thế. Để cháu có chút gì mà đi, để cháu không nhớ đến bác với một trái tim quá nặng nề như bác nghĩ về cháu, trong chiếc giỏ này cháu sẽ tìm thấy vài zuốt-ty... Cũng đủ cho cháu bước đầu. Tốt nhất là hãy đi Vac-sa-va. Ở đó, cháu hãy gặp một cha xứ nào đó để xin người khuyên bảo. Trong các thành phố lớn dễ tìm việc làm hơn.

Bà lau mũi rồi nói thêm:

- Bác nghĩ thế đấy. Nhưng chắc là lại vô ích thôi. Cháu sẽ lại không nghe lời bác đâu mà.

Ma-rư-sia nắm lấy tay bà và hôn.

- Chắc chắn cháu sẽ làm thế. Cảm ơn bác, cảm ơn... Không bao giờ cháu quên.

- Vậy thì đi đi, con, hãy đi cùng Chúa. Cầu Đức Mẹ Đồng Trinh Tối Linh ban phước và canh giữ cho con.

Bà ôm chặt Ma-rư-sia, và khi tiễn cô ra đến ngưỡng cửa, bà còn kêu lên:

- Và ở đó nhớ viết thư về cho bác nhé!

- Cháu sẽ viết.

Chiếc làn đan bằng liễu cũng chẳng nặng nề gì, những thứ đồ đạc nghèo nàn bên trong cũng thế, ấy thế mà cánh tay vẫn mỏi dừ bải hoải và cứ phải đổi tay mỗi lúc một thường xuyên hơn.

Đã vài ngày rồi trời giá băng, lúc này những bông tuyết to tướng bắt đầu rơi lả tả, chúng rơi chậm chạp uể oải, nhưng dày đặc đến nỗi cách vài bước chân đã không mon thấy gì ở xung quanh. May mà những hàng cây cao hai bên đường cái quan không để cô phải lạc lối. Nếu Ma-rư-sia mỗi lúc một bước chậm hơn thì không phải vì nỗi lo nhầm đường. Biết bao ý nghĩ chạy qua đầu óc cô, biết bao tình cảm trái ngược nhau dậy lên trong tim. Cô thừa nhận rằng người đỡ đầu trước kia hoàn toàn có lý. Đúng là cần phải đi, đi thật xa, dù phải đến tận Vac-sa-va chăng nữa. Giờ đây cô đã có tiền đi đường, mỗi một ngày chần chừ là hoàn toàn vô nghĩa...

Nhưng phải rời bỏ mảnh đất này, phải từ bỏ vĩnh viễn hi vọng được gặp lại Lê-s ếch, dù chỉ là đứng xa mà nhìn... Và đành bỏ mặc bác An-tô-ni hay sao?!... Thế nào bác chẳng quay về chốn này... Bác tốt với cô biết bao, bác đã đánh thức dậy tình cảm giao hòa trong cô... Dĩ nhiên là cần phải ra đi. Nhưng có lẽ chỉ nên tới Vin-nô thôi. Chắc người ta sẽ cho phép cô đến thăm bác trong nhà tù... Họ sẽ bàn nhau xem nên làm gì... Phải, điều đó là quan trọng nhất, là duy nhất quan trọng trong lúc này. Cô có còn một ai khác nữa đâu?...

Khó khăn lắm cô mới tìm thấy con đưòng nhỏ rẽ vào cối xay. Tuyết rơi dày đặc đến mức nếu không có tiếng nước chảy ào ào vào bánh guồng, không có tiếng ngựa thở phừ phừ cạnh cối, thì hẳn cô đã không nhận ra nổi. Mãi khi đến rất gần cô mới thấy ánh đền sáng và chợt ngạc nhiên: trong các cửa sổ nhà ngang cũng sáng đèn.

- Chắc con bé Natanka xuống đấy làm bài, - Ma-rư-sia nghĩ bụng.

Cô đập đập đôi giày nhỏ cho rơi hết tuyết trong hành lang, mở cửa và đứng lặng người đi.

Căn phòng đột nhiên quay cuồng trước mắt cô, tim cô đập dồn dập, miệng cô bật ra một tiếng kêu nhỏ - rồi cô ngất đi


-------------------------
(44) Nguyên văn: linh cẩu.

Nguồn: truyen8.mobi/t111217-thay-lang-znachor-chuong-15.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận