Thế Giới Nghịch Phần 20-21


Phần 20-21
Cuối cùng cũng tìm được!

                                                 Ellis Levine tìm được mẹ trên tầng hai tiệm Polo Ralph Lauren nằm trên đường Madison và đường số 72, ngay khi mẹ anh vừa ra khỏi phòng thử đồ. Bà đang mặc quần dài trắng bằng vải lanh và một chiếc áo sặc sỡ ôm thân trên. Bà bước đến trước gương, xoay qua hết bên này rồi tới bên kia. Rồi bà thấy anh.

“Chào con,” bà nói. “Con thấy sao?”

“Mẹ,” anh nói. “Mẹ đang làm gì ở đây vậy?”

“Đang mua đồ để đi du lịch biển.”

“Nhưng mẹ đâu có đi biển,” Ellis nói.

“Ồ có chứ,” mẹ anh nói. “Mình đi biển mỗi năm mà. Con thích cái gấu quần này không?”

“Mẹ...”

Bà nhíu mày rồi chải phồng mớ tóc bạc một cách lơ đãng. “Mẹ cũng không chắc mặc cái áo này vào sẽ ra sao nữa,” bà nói. “Nó có làm mẹ nhìn giống món xà lách trộn trái cây không?”

“Mình phải nói chuyện,” Ellis nói.

“Tốt. Con có thời gian đi ăn trưa không?”

“Không đâu, mẹ. Con phải trở lại văn phòng.” Ellis làm kế toán cho một đại lý quảng cáo. Anh rời văn phòng và hối hả ra ngoại ô bởi vì anh vừa nhận được một cú điện thoại hoang mang từ cậu em.

Anh bước đến chỗ mẹ và nói nhỏ, “Mẹ à, mẹ không thể mua sắm lúc này.”

“Đừng có ngớ ngẩn vậy chứ con.”

“Mẹ, mình đã họp gia đình rồi mà...” Cuối tuần trước, Ellis và mấy anh em đã gặp bố mẹ. Một cuộc họp khó khăn, đau đớn trong căn nhà ở Scarsdale. Anh em anh đã đề cập các vấn đề tài chính với mọi người trong nhà.

“Nhìn cũng thấy mày không thể nào nghiêm túc được,” bà nói với anh.

“Con nghiêm túc mà.” Anh siết tay mẹ.

“Ellis Jacob Levine,” bà nói, “mày làm vậy kỳ cục lắm đấy.”

“Mẹ, bố mất việc rồi.”

“Mẹ biết, nhưng mình có nhiều...”

“Lương hưu của bố cũng hết luôn.”

“Chỉ tạm thời thôi mà.”

“Không đâu mẹ, không phải tạm thời đâu.”

“Nhưng trước giờ mình vẫn còn nhiều...”

Không còn nữa. Mẹ đâu còn nữa. Không còn nữa.”

Bà trừng trộ nhìn anh. “Bố mày và tao đã nói chuyện rồi, sau khi chúng mày đi. Ông ấy nói mình sẽ không sao đâu. Nói chuyện bán nhà và chiếc Jag ấy. Toàn là chuyện nực cười.”

“Bố nói vậy à?”

“Ông ta nói vậy đấy.”

Ellis thở dài. “Lúc đó bố không muốn mẹ lo thôi.”

“Tao có lo gì đâu. Mà ông ấy cũng thích chiếc Jag đó lắm. Bố mày năm nào cũng mua một chiếc Jag mới mà. Từ hồi tụi bay còn nhỏ xíu kìa.”

Các nhân viên bán hàng đang nhìn họ trân trân. Ellis dẫn mẹ sang một bên. “Mẹ à, mọi chuyện thay đổi rồi.”

“Ôi, làm ơn đi.”

Ellis ngoảnh đi không nhìn mặt mẹ. Anh không thể nhìn thẳng vào mắt mẹ. Suốt đời mình, anh luôn kính trọng bố mẹ: họ thành đạt, ổn định, cứng rắn. Anh và anh em mình có lúc thăng lúc trầm - anh trai anh đã ly hôn - nhưng bố mẹ anh thuộc thế hệ bền vững. Ai cũng trông cậy ở họ.

Ngay cả khi bố anh mất việc, chẳng ai lo lắng cả. Phải, ở tuổi bố, chẳng có cơ may xin được việc khác. Nhưng họ có tiền đầu tư, chứng khoán, đất đai ở Montana và vùng Caribê, một khoản lương hưu dồi dào. Chẳng có lý do gì phải lo. Bố mẹ anh không thay đổi lối sống. Họ tiếp tục tiêu khiển, du lịch, tiêu tiền.

Nhưng giờ đây anh và anh em mình đang trả tiền thế chấp ở Scarsdale. Và đang tìm cách bán căn hộ chung cư ở Charlotte Amalie, và căn nhà sang trọng ở Vail.

“Mẹ,” anh nói. “Con có hai đứa con đang chuẩn bị vào mẫu giáo. Jeff thì có một đứa đang học lớp một. Mẹ biết học trường tư trong thành phố tốn bao nhiêu tiền không? Aaron có tiền cấp dưỡng. Tụi con có cuộc sống riêng của mình. Tụi con không thể tiếp tục trả tiền cho bố mẹ được.”

“Tụi bay có trả cho tao hay bố mày cái gì đâu,” bà quát.

“Có đấy mẹ. Và con nói cho mẹ biết là mẹ không thể mua mấy bộ đồ này. Làm ơn đi mẹ. Cởi đồ ra trả lại người ta đi mẹ.”

Đột nhiên, anh phát hoảng khi thấy mẹ bật khóc, hai tay đưa lên che mặt. “Mẹ sợ quá,” bà nói. “Chuyện gì sẽ xảy ra với chúng ta đây?” Thân hình bà run lên. Anh quàng tay quanh mẹ.

“Sẽ ổn thôi mà,” anh nói nhỏ nhẹ. “Đi thay đồ đi mẹ. Con dẫn mẹ đi ăn trưa.”

“Nhưng con không có thời gian mà.” Mẹ anh thút thít. “Chính con nói vậy mà.”

“Không sao đâu. Mình sẽ đi ăn trưa. Mình sẽ đến Carlyle. Sẽ ổn thôi mà.”

Bà khịt mũi rồi lau hai mắt. Bà quay lại phòng thử đồ, đầu ngẩng cao.

Ellis bật nắp điện thoại, gọi cho văn phòng thông báo sẽ về trễ

Tại Bữa sáng Cầu nguyện của Quốc hội, thảo luận về công nghệ sinh học ở Washington, bác sĩ Robert Bellarmino sốt ruột chờ bài giới thiệu về mình kết thúc. Nghị sĩ Henry Waters, nổi tiếng dài dòng, vẫn đang thao thao bất tuyệt. “Bác sĩ Bellarmino rất quen thuộc với chúng ta,” ông ta nói, “trong vai trò một bác sĩ có lương tâm, một con người của khoa học và một con người của Chúa, một con người có nguyên tắc trong kỷ nguyên thực dụng, một con người chính trực trong kỷ nguyên theo chủ nghĩa khoái lạc nơi mà chuyện gì cũng có thể xảy ra, nhất là trên kênh MTV. Bác sĩ Bellarmino không chỉ là giám đốc của Tổng viện Y tế Quốc gia, mà còn là một mục sư nhân dân của Nhà thờ Rửa tội Thomas Field ở Houston và tác giả cuốn Điểm xoay chuyển, cuốn sách nói về sự thức tỉnh tâm linh đối với thông điệp chữa bệnh của Chúa Jesus. Và tôi biết - chà, ông ấy đang nhìn tôi và một tiếng nữa ông ấy phải đến phòng nghị sự của Quốc hội rồi, vì vậy cho tôi giới thiệu, người của Chúa và của nền khoa học của chúng ta, bác sĩ Robert A. Bellarmino.”

 Điển trai và tự tin, Bellarmino bước lên bục giảng. Chủ đề của hắn, theo như được in trong lịch trình, là “Sự sắp đặt của Chúa dành cho nhân loại trong Di truyền học”.

“Tôi xin gửi lời cảm ơn đến Nghị sĩ Waters và tất cả các bạn vì đã đến đây. Một vài người có lẽ thắc mắc làm cách nào mà một nhà khoa học - nhất là một nhà di truyền học - lại có thể tìm được tiếng nói chung giữa công trình của mình và lời dạy của Chúa. Nhưng như Denis Alexander chỉ ra, Kinh Thánh không những nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa Vạn Vật, tách biệt với tạo vật của Người, mà còn nhắc nhở chúng ta rằng mỗi thời khắc trôi qua, Người luôn chủ động trong việc duy trì tạo vật. Do đó Thiên Chúa là người tạo ra ADN, là nguyên lý của đa dạng sinh học trên hành tinh chúng ta. Đó có thể là lý do một số nhà phê bình về chuyển đổi gien nói chúng ta không nên làm vậy, bởi vì nó liên quan tới vai trò của Thiên Chúa. Một số học thuyết về sinh thái có quan điểm tương tự, cho rằng thiên nhiên là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Những niềm tin như thế này tất nhiên là niềm tin của tà giáo.”

Bellarmino ngừng một chút để khán giả nhấm nháp từ ấy. Hắn đang tính xem có nên nói thêm về những niềm tin tà giáo hay không, nhất là những tín ngưỡng tự nhiên mang bản chất thần thánh mà một vài người gọi là “vũ trụ học California”. Nhưng không phải hôm nay, hắn nghĩ. Tiếp tục thôi.

“Kinh Thánh nói cho chúng ta biết rất rõ ràng, trong Sáng thế 1:28 và 2:15, Chúa đã trao cho loài người nhiệm vụ này, trách nhiệm phải chăm sóc địa cầu và tất cả những sinh vật trên trái đất. Chúng ta không đóng vai Chúa. Chúng ta phải chịu trách nhiệm trước Chúa nếu chúng ta không phải là những quản gia có trách nhiệm chăm sóc những gì mà Chúa đã trao cho chúng ta, trong tất cả sự huy hoàng và đa dạng sinh học của chúng. Đây là nhiệm vụ mà Chúa đã trao cho chúng ta. Chúng ta quản gia của hành tinh này.

“Chuyển đổi gien sử dụng công cụ mà Đấng Tạo Hóa đã trao cho chúng ta để tạo ra những tác phẩm tốt đẹp trên hành tinh. Mùa vụ không được bảo vệ thì bị sâu bọ ăn, còn không thì cũng mất mùa vì sương giá và hạn hán. Chuyển đổi gien có thể ngăn ngừa chuyện đó, sử dụng ít đất canh tác hơn cho một vụ, ít phải đụng đến đất hoang dã mà vẫn có thể nuôi sống người đói. Chuyển đổi gien cho phép chúng ta ban bố sự hào phóng của Chúa tới tất cả các sinh vật của Người theo ý Người. Những sinh vật được chuyển đổi gien tạo ra insulin tinh khiết cho người tiểu đường, nhân tố đông máu tinh khiết cho người bị chứng máu không đông. Trước đây những bệnh nhân này thường chết vì bị nhiễm trùng. Chúng ta tạo ra được sự tinh khiết này tất nhiên là nhờ ơn Chúa. Có ai nói là không phải như vậy không?

“Những nhà phê bình phê phán rằng chuyển đổi gien không hợp với tự nhiên, bởi vì nó thay đổi cốt lõi cơ bản nhất của một sinh vật, bản chất sâu sắc và sâu thẳm của sinh vật đó. Quan niệm đó thật khó hiểu và mang tính chất ngoại đạo. Sự thật là việc thuần chủng cây cỏ và động vật, như đã diễn ra hàng ngàn năm nay, thực sự đã thay đổi bản chất sâu sắc và sâu thẳm của mỗi sinh vật. Một con chó thuần chủng không còn là một con sói nữa. Bắp không còn là một loại cỏ dại còi cọc gần như không ăn được nữa. Chuyển đổi gien đơn giản chỉ là một bước nữa trong truyền thống được chấp nhận đã lâu này. Nó không đánh dấu một cú nhảy cấp tiến ra khỏi quá khứ.

“Thỉnh thoảng chúng ta nghe người ta nói chúng ta không nên thay đổi ADN, chấm hết. Nhưng tại sao không chứ? ADN không bất biến. ADN thay đổi theo thời gian. Và ADN tương tác không ngừng với sự tồn tại hằng ngày của chúng ta. Chúng ta có nên yêu cầu vận động viên đừng nâng tạ nữa không, bởi vì làm vậy sẽ thay đổi kích cỡ cơ bắp của họ? Chúng ta có nên kêu gọi học sinh sinh viên đừng đọc sách nữa không, bởi vì làm vậy sẽ thay đổi cấu trúc phát triển của trí não? Dĩ nhiên là không rồi. Cơ thể chúng ta luôn thay đổi không ngừng, và điều đó làm thay đổi luôn cả ADN của cơ thể.

“Nhưng trực tiếp hơn nữa - có năm trăm loại bệnh di truyền có thể được chữa khỏi bằng liệu pháp tác động tới gien. Nhiều bệnh gây ra những cơn đau khủng khiếp ở trẻ em, những cái chết non nớt và đau đớn. Những bệnh khác thì đeo đuổi cuộc sống của người ta như một án tù chung thân; người đó phải chờ căn bệnh đến đánh gục họ. Lẽ nào chúng ta lại không nên chữa trị những bệnh này khi mà chúng ta còn có thể? Lẽ nào chúng ta lại không giúp giảm thiểu sự đau khổ bất cứ khi nào chúng ta có thể? Muốn vậy, chúng ta phải thay đổi ADN. Chỉ đơn giản như vậy.

“Vậy chúng ta có thay đổi ADN hay không? Đây là công việc của Chúa hay là sự ngạo mạn của con người? Đây là những quyết định chúng ta không được xem nhẹ. Chúng ta cũng không nên xem nhẹ quyết định về chủ đề rất nhạy cảm ấy, đó chính là việc sử dụng tế bào vi trùng và phôi thai. Nhiều người theo truyền thống Do Thái-Cơ Đốc có quan điểm chống đối rõ ràng việc sử dụng phôi. Nhưng những quan điểm này cuối cùng cũng sẽ xung đột với mục tiêu chữa bệnh cho người đang mắc bệnh và giảm đau cho những người đang phải chịu đau đớn. Năm nay thì chưa, năm tới cũng chưa, nhưng thời điểm đó sẽ tới. Chúng ta cần suy nghĩ cặn kẽ và cầu nguyện nhiều để tìm được câu trả lời. Chúa của chúng ta đã giúp con người đứng dậy đi trở lại được. Điều đó phải chăng có nghĩa chúng ta không nên làm tương tự, khi mà chúng ta có thể? Điều này rất khó, bởi vì chúng ta biết sự chủ quan của con người có nhiều dạng - không chỉ làm những chuyện vượt quá khả năng của mình mà còn ngoan cố trì hoãn. Chúng ta được đặt lên hành tinh này là để thể hiện ánh hào quang của Chúa trong tất cả các kiệt tác của Người, chứ không phải thể hiện cái bản ngã cố chấp của con người. Chính tôi đây, khi đứng trước các bạn ngày hôm nay, cũng không có câu trả lời. Tôi thú nhận là tôi lo lắng trong lòng lắm.

“Nhưng tôi có niềm tin rằng cuối cùng Chúa sẽ dẫn đường cho chúng ta đến một thế giới mà Người muốn chúng ta đến. Tôi có niềm tin rằng chúng ta sẽ được dẫn dắt đến trí tuệ, chúng ta sẽ thận trọng, và chúng ta sẽ không cố chấp trong việc chăm sóc tác phẩm của Người, những đứa con đang đau khổ của Người, và tất cả những sinh vật mà Người đã kiến tạo ra. Và tôi cầu nguyện cho điều này, một cách rất khiêm tốn, nhân danh Chúa. Amen.”

Bài phát biểu có tác dụng, tất nhiên - lúc nào cũng có tác dụng. Bellarmino đã phát biểu nhiều lần trong suốt cả thập kỷ qua và mỗi lần phát biểu thì hắn lại lấn tới một chút, nói cương quyết hơn một chút. Năm năm trước, hắn không dùng chữ phôi thai. Giờ thì hắn dùng, một cách thận trọng và ngắn gọn. Hắn đang đặt nền móng. Hắn đang khiến người khác phải suy nghĩ. Cái ý nghĩ về sự chịu đựng đau đớn làm họ phải bứt rứt. Cũng như cái ý nghĩ giúp người tàn tật có thể đi được trở lại.

Dĩ nhiên, không ai biết chuyện đó có xảy ra hay không. Cá nhân Bellarmino thì không nghĩ sẽ có chuyện đó. Nhưng cứ để họ nghĩ là nó đang tới đi. Để cho họ lo lắng. Họ phải lo chứ: rủi ro cao và nhịp độ phát triển lại nhanh như tên lửa vậy. Những nghiên cứu bị Washington ngăn chặn sẽ được tiến hành ở Thượng Hải, hay Seoul, còn không thì là Sao Paulo. Và Bellarmino, điêu luyện và kẻ cả, cố gắng không bao giờ để chuyện đó xảy ra. Tóm lại, không có thứ gì được phép cản trở phòng thí nghiệm của hắn, nghiên cứu của hắn và danh tiếng của hắn. Hắn rất giỏi bảo vệ ba thứ này.

 

Một tiếng sau, trong căn phòng nghị sự ốp ván gỗ, Bellarmino trình bày trước Ủy ban Di truyền và Y tế do Hạ viện tuyển chọn. Cuộc điều trần này được triệu tập để xem xét liệu việc cho phép Cục Sáng chế cấp bằng sáng chế cho gien người có thích hợp hay không. Hàng ngàn tấm bằng sáng chế như thế này đã được cấp phát. Đây có phải là một ý tưởng hay không?

“Không thể phủ nhận là chúng ta có một vấn đề,” bác sĩ Bellarmino nói mà không nhìn vào sổ ghi chép. Hắn đã học thuộc lòng bài trình bày này để có thể vừa nói vừa nhìn vào máy quay truyền hình, để tạo tác động tốt hơn. “Số bằng sáng chế gien tính theo ngành đặt ra một vấn đề rất lớn cho nghiên cứu trong tương lai. Mặt khác, cấp bằng sáng chế gien cho các nhà nghiên cứu học thuật sẽ gây ra ít mối quan ngại hơn nhiều, bởi vì công trình nghiên cứu được chia sẻ dễ dàng.”

Dĩ nhiên đây là những lời vô lý. Bác sĩ Bellarmino không đề cập đến chuyện từ lâu sự phân biệt giữa công nhân công nghiệp và công nhân học thuật đã mờ nhạt rồi. Hai mươi phần trăm số nhà nghiên cứu học thuật nhận lương từ ngành công nghiệp. Mười phần trăm số nhà học thuật phát triển dược phẩm. Hơn mười phần trăm đã có sản phẩm trên thị trường. Hơn bốn mươi phần trăm đã xin cấp bằng sáng chế trong suốt sự nghiệp của mình.

Bellarmino cũng không đề cập đến chuyện chính hắn cũng hùng hổ theo đuổi mấy tấm bằng sáng chế gien. Trong bốn năm vừa qua, phòng thí nghiệm của hắn đã lập 572 hồ sơ xin cấp bằng sáng chế liên quan đến đủ chứng y học, từ Alzheimer và tâm thần phân liệt đến trầm cảm cuồng tính, lo âu, và các rối loạn thiểu năng chú ý. Hắn đã nhận được bằng sáng chế cho hàng chục gien chi phối nhiều rối loạn trao đổi chất cụ thể, từ chứng thiếu 1-thyroxy-hydrocambrine (liên quan đến chứng chân mỏi gây mất ngủ) đến chứng dư para-amino-2, 4-dihydroxybenthamine (gây ra chứng tiểu thường xuyên trong khi ngủ).

“Tuy nhiên,” bác sĩ Bellarmino nói, “tôi có thể bảo đảm với ủy ban rằng cấp bằng sáng chế về gien nhìn chung là một hệ thống phục vụ cho lợi ích chung. Các quy trình bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chúng ta hoạt động rất tốt. Các nghiên cứu quan trọng được bảo vệ và người tiêu dùng, bệnh nhân Mỹ, là người thừa hưởng nỗ lực của chúng ta.”

Hắn không cho họ biết hơn bốn ngàn bằng sáng chế liên quan tới ADN được cấp mỗi năm - cứ mỗi tiếng trong ngày làm việc thì có hai bằng sáng chế được cấp. Vì chỉ có ba mươi lăm ngàn gien trong bộ gien người, đa số các chuyên gia đều ước tính có hơn hai mươi phần trăm bộ gien đã được tư nhân sở hữu.

Bellarmino không chỉ ra rằng người giữ nhiều bằng sáng chế nhất không phải là một gã khổng lồ công nghiệp nào đó mà chính là trường Đại học California (UC). UC sở hữu số lượng bằng sáng chế nhiều hơn cả Pfizer, Merck, Lilly và Wyeth gộp lại. Họ sở hữu số lượng bằng sáng chế nhiều hơn Chính phủ Mỹ.

“Cái khái niệm ai đó sở hữu một phần bộ gien người là một khái niệm lạ thường đối với nhiều người,” Bellarmino nói. “Nhưng nó chính là điều làm nước Mỹ vĩ đại và làm chúng ta luôn có sự đổi mới mạnh mẽ. Phải, thỉnh thoảng nó gây ra lỗi, nhưng theo thời gian, tất cả những thứ đó sẽ được giải quyết ổn thỏa. Cấp bằng sáng chế gien chính là con đường cần đi.”

Kết thúc bài phát biểu, bác sĩ Bellarmino rời buổi nghị sự và đi về hướng sân bay Reagan, để từ đó bay trở lại Ohio tiếp tục công trình nghiên cứu dang dở về “gien mới” được tiến hành tại một công viên giải trí ở đó. Bellarmino có một đội ngũ truyền hình từ chương trình 60 phút theo hắn đi đây đó để dựng một đoạn phim nói về công trình nghiên cứu gien đa dạng và quan trọng của hắn, và cũng để kể câu chuyện cuộc đời hắn. Thời gian ở Ohio là một phần đáng chú ý của bộ phim. Bởi vì ở đó hắn gặp gỡ những con người bình thường, và như các nhà làm phim nói, sự tiếp xúc với mọi người mới chính là điều thật sự quan trọng, nhất là đối với một nhà khoa học, và hơn cả là trên truyền hình.

Phòng Chuyển giao Công nghệ Đại học Massachusetts

TRUNG TÂM CHÍNH PHỦ, BOSTON

 

 

CÁC NHÀ KHOA HỌC NUÔI TAI THU NHỎ TRONG PHÒNG THÍ NGHIỆM

“Dạng sống cục bộ” đầu tiên tại MIT

Nhiều ứng dụng khả thi trong công nghệ trợ thính

Các nhà khoa học của MIT lần đầu tiên đã nuôi được một chiếc tai người trong dung môi cấy mô.

Nghệ sĩ nghệ thuật trình diễn người Úc Stelarc hợp tác với phòng thí nghiệm Học viện Công nghệ Massachusetts để sản xuất ra một chiếc tai phụ cho chính mình. Chiếc tai có tỷ lệ bằng một phần tư tai thường, lớn hơn nắp chai một chút. Mô tai của Stelarc được cấy lớn dần trong một lò phản ứng sinh học trong môi trường vi trọng lực luân phiên.

MIT tuyên bố chiếc tai phụ này có thể được xem là “một dạng sống cục bộ - nửa được tạo và nửa tự lớn.” Chiếc tai này khớp vừa vặn trong lòng bàn tay.

Năm ngoái, cũng chính phòng thí nghiệm MIT này đã cho ra đời những lát mô ếch được nuôi trên lưới polyme sinh học. Họ cũng đã nuôi lát thịt từ tế bào của một con cừu chưa sinh ra. Và họ tạo ra một thứ mà họ gọi là “da thuộc phi nạn nhân.” Đây là da được phát triển nhân tạo trong phòng thí nghiệm và thích hợp để làm giày dép, ví, thắt lưng, và những hàng hóa bằng da thuộc khác - có lẽ sẽ nhắm vào thị trường đầy năng động của những người không sử dụng sản phẩm động vật.

Nhiều công ty sản xuất thiết bị trợ thính đã tiến hành các cuộc đàm phán với MIT về việc cấp phép sử dụng công nghệ tạo tai của họ. Theo nhà di truyền học Zack Rabi, “Khi dân số Mỹ già đi, nhiều công dân cao tuổi có thể sẽ ưa dùng những cặp tai chuyển đổi gien được làm lớn một chút, hơn là dựa vào công nghệ trợ thính. Một phát ngôn viên của Audion, công ty sản xuất thiết bị trợ thính, lưu ý, “Ở đây chúng ta không nói về tai Dumbo. Kích thước loa tai chỉ cần tăng một con số ít ỏi là hai mươi phần trăm thôi thì hiệu suất của thính giác cũng đã tăng lên gấp đôi. Chúng tôi nghĩ thị trường tai có kích thước lớn là thị trường khổng lồ. Khi nhiều người có cặp tai này, sẽ không còn ai lưu tâm đến tai người khác nữa. Chúng tôi tin tai to sẽ trở thành tiêu chuẩn mới, như cấy ghép ngực silicon vậy.”

Hết phần 21. Mời các bạn đón đọc phần 22!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/36823


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận