Thế Giới Nghịch Phần 92-95


Phần 92-95
Brad Gordon theo đám đông vây quanh Mighty Kong, chiếc tàu lượn siêu tốc khổng lồ trong công viên Cedar Point ở Sandusky, bang Ohio.

Nhiều tuần nay hắn đã ghé qua nhiều công viên giải trí; công viên này là công viên lớn nhất và tốt nhất ở Mỹ. Hắn cảm thấy đỡ hơn; hàm hắn bây giờ gần như hoàn toàn không còn đau nữa.

Chuyện duy nhất làm hắn bận tâm là cuộc nói chuyện trước đó với luật sư của hắn, Johnson. Johnson có vẻ khôn lanh, nhưng Brad vẫn thấy không yên. Tại sao chú hắn không trả tiền mướn luật sư hạng nhất chứ? Trước đây chú hắn luôn làm vậy mà. Brad có một linh cảm mơ hồ là mạng của hắn đang nằm trên lưỡi dao nào đấy.

Nhưng hắn đẩy những suy nghĩ ấy sang một bên khi nhìn thấy đường ray ở xa tít trên đầu, và thấy người ta thét lên khi toa tàu của họ chạy ngang qua. Chiếc tàu lượn siêu tốc này đây! Mighty Kong! Cách mặt đất hơn 122 m, nó làm người ta hét toáng lên cũng phải. Hàng người cầm vé háo hức rộn rã với bao nhiêu mong đợi. Brad chờ đợi, như thói quen hắn vẫn làm, cho tới khi hai cô bé rất dễ thương ngồi vào hàng. Hai con bé là người địa phương, được nuôi lớn trong bình sữa, mạnh khỏe, làn da hồng hào, bộ ngực phổng phao nhỏ nhắn và gương mặt xinh xắn. Một cô bé đeo niềng răng, trông thật đáng yêu. Hắn ở phía sau họ, vui vẻ lắng nghe cuộc trò chuyện vô nghĩa the thé giữa hai người. Rồi hắn thét lên cùng với những người còn lại, khi hắn tham gia vào cú lượn hay tuyệt ấy.

Chuyến tàu lượn làm hắn run rẩy với bao nhiêu adrenalin và hào hứng bị dồn nén. Hắn cảm thấy hơi yếu người một chút khi leo ra khỏi toa tàu và nhìn thấy cặp mông tròn lẳn nhỏ nhắn của hai cô bé khi họ bước ra khỏi chiếc tàu lượn đi về phía lối ra. Khoan đã! Tụi nó sẽ đi tiếp nữa! Tuyệt! Hắn theo họ, vào xếp hàng lần thứ hai.

Hắn cảm thấy như đang mơ, vừa bắt kịp hơi thở vừa để cặp mắt trôi dạt khắp đường cong mềm mại của mái tóc và những đốm tàn nhang trên bờ vai hai nàng, do hai chiếc áo yếm để lộ ra. Hắn bắt đầu mường tượng sẽ như thế nào nếu được gần một trong hai nàng - mẹ kiếp, với cả hai nàng chứ - thì một người đàn ông bước tới nói, “Làm ơn đi với tôi.”

Brad chớp mắt, thấy tội lỗi vì cơn mơ màng. “Ông nói gì cơ?”

“Anh đi với tôi được không?” Đó là một gương mặt tự tin, điển trai, một gương mặt mỉm cười khích lệ hắn. Brad nghi ngờ ngay lập tức. Thường thì mấy tay cớm có cử chỉ thân thiện và lịch sự lắm. Hắn chưa làm gì với những cô gái này cả, hắn chắc chắn như vậy. Hắn chưa chạm vào họ, chưa nói điều gì...

“Thưa anh? Tôi cần anh bước lại đây... Ngay chỗ này...”

Brad nhìn qua một bên và thấy vài người đang mặc quần áo trông như sắc phục, có lẽ là sắc phục bảo vệ, và vài người mặc áo khoác trắng, như những người từ viện điều dưỡng vậy. Và có một đội ngũ truyền hình, hoặc là một đội ngũ quay phim nào đó, đang ghi hình. Và bỗng dưng hắn thấy mình như mắc chứng hoang tưởng.

“Thưa anh,” người đàn ông điển trai nói, “xin anh, chúng tôi rất cần anh...”

“Tại sao các người cần tôi?”

“Anh, xin anh...” Người đàn ông đang giật giật khuỷu tay của Brad, rồi chộp mạnh hơn. “Thưa anh, chúng tôi có ít người lớn lặp lại quá...”

Người lớn lặp lại. Brad run rẩy. Bọn họ biết. Và giờ thì cái gã này đây, cái gã đẹp trai, có duyên, miệng dẻo ngọt này đây đang dẫn hắn về phía những người đang mặc áo khoác trắng. Bọn họ rõ ràng biết chuyện của hắn, và hắn giật người ra, nhưng người đàn ông điển trai giữ hắn lại.

Tim Brad đang đập thình thịch và hắn cảm thấy nỗi sợ hãi cuồn cuộn khắp người. Hắn cúi xuống rút khẩu súng ra khỏi vỏ. “Không! Thả tao ra!”

Người đàn ông điển trai trông vô cùng sửng sốt. Một vài người thét lên. Người đàn ông đưa hai tay ra. “Bình tĩnh nào,” ông ta nói, “mọi chuyện sẽ...”

Khẩu súng trong tay Brad nhả đạn. Đến khi thấy người đàn ông lảo đảo sắp ngã, hắn mới hoàn hồn. Ông ta nắm chặt lấy Brad, bám chặt hắn, và Brad bắn lần nữa. Người đàn ông ngã ngửa ra. Mọi người la hét tán loạn. Một người hét lên, “Hắn bắn bác sĩ Bellarmino rồi! Hắn bắn bác sĩ Bellarmino rồi!”

Nhưng lúc này Brad đang rối trí; đám đông đang chạy tán loạn, hai cặp mông nhỏ nhắn dễ thương ấy đang chạy; mọi thứ đều bị tàn phá; và khi có thêm nhiều người đàn ông mặc sắc phục nữa quát tháo hắn kêu hắn bỏ súng xuống, hắn bắn luôn cả họ. Và thế giới đột nhiên tối sẫm một màu.

Tại buổi họp vào thu của “Tổ chức các nhân viên chuyển giao công nghệ của trường đại học” (OUTT), một hiệp hội chuyên về cấp phép sử dụng những công trình khoa học của các trường đại học, nhà hảo tâm Jack B. Watson đọc một bài diễn văn lớn gây xúc động. Ông ta sử dụng những chủ đề quen thuộc của mình: sự phát triển ngoạn mục của công nghệ sinh học, tầm quan trọng của việc bảo hộ sáng chế gien, không quên đề cập đạo luật Bayh-Dole(1)_, và sự cần thiết của việc bảo tồn nguyên trạng sự thịnh vượng của doanh nghiệp và tài sản của các trường đại học. “Sự thịnh vượng và của cải của các trường đại học của chúng ta phụ thuộc vào những đối tác mạnh về công nghệ sinh học. Đây là chìa khóa dẫn đến tri thức, và là chìa khóa dẫn đến tương lai.”

Ông ta nói với họ những gì họ muốn nghe, và rời khỏi sân khấu giữa tiếng vỗ tay rầm rã như thường lệ. Chỉ một số ít người để ý thấy ông ta đi khập khiễng và cánh tay phải của ông ta không đu đưa thoải mái như cánh tay bên trái.

Ở hậu trường, ông ta nắm cánh tay của một phụ nữ xinh đẹp. “Bác sĩ Robbins đang ở nơi quái nào thế?”

“Anh ta đang chờ anh trong trạm y tế của anh ta,” cô ta nói.

Watson văng tục rồi dựa vào người phụ nữ khi bước ra ngoài đến chỗ chiếc limousine đang đợi sẵn. Trời đêm lạnh lẽo, sương mờ nhạt. “Mấy tên bác sĩ chết tiệt,” ông ta nói. “Anh không làm thêm xét nghiệm khốn kiếp nào nữa đâu.”

“Bác sĩ Robbins không đề cập gì đến xét nghiệm cả.”

Anh tài xế mở cửa xe. Watson leo vào trong một cách ngượng nghịu, chân ông ta kéo lê vào. Người phụ nữ giúp ông ta vào xe. Ông ta thả người nặng nề vào ghế sau, nhăn nhó. Người phụ nữ vào xe ở cửa bên kia. “Anh có đau lắm không?”

“Về đêm thì tệ hơn.”

“Anh muốn uống một viên không?”

“Anh uống rồi.” Ông ta hít một hơi sâu. “Robbins có biết cái bệnh quái quỷ gì đây không?”

“Em nghĩ là có.”

“Hắn có nói em biết không?”

“Không.”

“Cô nói dối.”

“Anh ta không nói cho em biết gì mà, Jack.”

“Chúa ơi.”

Chiếc limousine phóng nhanh vào màn đêm. Watson nhìn ra ngoài cửa xe, thở dốc.

 

Trạm y tế của bệnh viện vào giờ này rất hoang vắng. Fred Robbins, ba mươi lăm tuổi và điển trai như ngôi sao điện ảnh, đang chờ Watson cùng với hai bác sĩ kém tuổi hơn, trong căn phòng khám rộng lớn. Robbins đã sắp đặt những hộp đèn cùng kết quả X-quang, điện di và cộng hưởng từ.

Watson thả người nặng nhọc xuống ghế. Ông ta vẫy tay ra hiệu cho hai bác sĩ trẻ. “Mấy anh đi được rồi.”

“Nhưng Jack...”

“Một mình anh nói tôi nghe thôi,” Watson nói với Robbins. “Mười chín tay bác sĩ hai tháng qua đã khám cho tôi rồi. Tôi chụp cộng hưởng từ và chụp cắt lớp nhiều đến nỗi bây giờ tôi phát sáng trong bóng tối luôn đây. Anh nói cho tôi biết.” Ông ta vẫy tay với người phụ nữ kia. “Em cũng chờ ở ngoài đi.”

Tất cả họ đều đi ra ngoài. Watson ở một mình với Robbins.

“Người ta nói anh là bác sĩ chẩn bệnh giỏi nhất nước Mỹ đấy Fred. Nói cho tôi biết đi.”

“Ừm,” Robbins nói, “quy trình này cũng là quy trình sinh hóa bình thường thôi. Vì vậy nên tôi cần...”

“Ba tháng trước,” Watson nói, “tôi bị đau ở chân. Một tuần sau cái chân đó chỉ lết được thôi. Tôi mang giày chỉ ở mép chân thôi. Chẳng bao lâu thì tôi gặp khó khăn khi đi lên cầu thang. Giờ thì cánh tay phải tôi yếu lắm. Không nặn được kem đánh răng bằng bàn tay. Càng lúc càng khó thở. Chỉ trong ba tháng đấy! Nói cho tôi biết đi.”

“Đây gọi là chứng liệt nhẹ Vogelman,” Robbins nói. “Bệnh này không phổ biến, nhưng không hiếm. Mỗi năm có vài ngàn ca, toàn thế giới có lẽ cũng có năm mươi ngàn ca. Bệnh được mô tả lần đầu vào những năm 1890, do một bác sĩ người Pháp...”

“Anh chữa được không?”

“Vào thời điểm này,” Robbins nói, “không có cách chữa nào thỏa đáng cả.”

“Có cách chữa nào không?”

“Liệu pháp giảm đau và khích lệ, xoa bóp và dùng các loại vitamin B...”

“Nhưng không có cách chữa nào.”

“Hầu như không có, Jack. Không có.”

“Nguyên nhân bệnh là gì?”

“Cái đó thì chúng ta biết. Năm năm trước, nhóm nghiên cứu của Enders tại Đại học Scripps cô lập một gien, BRD7A, gien này mã hóa một protein có tác dụng phục hồi lớp myelin bọc quanh tế bào thần kinh. Họ đã chứng minh được một đột biến điểm trong gien này phát sinh ra bệnh liệt Vogelman ở động vật.”

“Quỷ thật,” Watson nói, “anh muốn nói tôi biết là tôi bị bệnh giảm thiểu gien như bất kỳ bệnh nào khác ư?”

“Phải, nhưng...”

“Người ta tìm ra được gien này cách đây bao lâu? Năm năm trước? Nếu vậy thì đây là gien thích hợp cho liệu pháp thay gien, khởi động quá trình tạo ra protein đã được mã hóa bên trong cơ thể...”

“Liệu pháp thay gien dĩ nhiên rất rủi ro.”

“Tôi quan tâm gì chứ? Nhìn tôi này, Fred. Tôi còn bao nhiêu thời gian nữa?”

“Khoảng thời gian này biến thiên tùy trường hợp, nhưng...”

“Nói huỵch toẹt ra đi.”

“Có lẽ là bốn tháng.”

“Chúa ơi.” Watson hít thở. Hắn đưa tay xoa trán, hít một hơi nữa. “OK, vậy đây là tình cảnh của tôi. Ta hãy làm liệu pháp ấy đi. Năm năm sau nhất định người ta có quy trình chữa chứ.”

“Không có,” Robbins nói.

“Nhất định có.”

“Không có. Scripps đã đăng ký bảo hộ gien này và cấp phép cho Beinart Baghoff, công ty dược phẩm khổng lồ của Thụy Sĩ. Đây là một phần trong giao dịch trọn gói với Scripps, khoảng hai mươi hạng mục hợp tác khác nhau. Người ta không xem BRD7A quan trọng lắm.”

“Anh nói gì vậy hả?”

“Beinart tính phí cấp phép rất cao cho gien này.”

“Tại sao chứ? Đây là một bệnh không có tiềm năng thương mại mà, thật vô lý khi...”

Robbins nhún vai. “Họ là một công ty lớn. Họ làm gì ai mà biết lý do. Bộ phận cấp phép của họ định phí cho tám trăm gien mà họ kiểm soát. Có bốn mươi người trong bộ phận đó. Cả một bộ máy quan liêu. Nói gì thì nói, họ cũng định mức phí cấp phép cao...”

“Chúa ơi.”

“Và trong năm năm qua, không phòng thí nghiệm nào, không nơi nào trên thế giới, nghiên cứu về bệnh này cả.”

“Chúa ơi.”

“Giá quá đắt mà Jack.”

“Vậy thì tôi sẽ mua cái gien khốn kiếp đấy.”

“Không thể. Tôi kiểm tra rồi. Người ta không bán gien này.”

“Thứ nào người ta cũng bán cả.”

“Nếu Beinart muốn bán, họ phải được Scripps đồng ý, mà văn phòng chuyển giao công nghệ của Scripps sẽ không chịu xem xét...”

“Vậy quên đi, tôi sẽ tự cấp phép gien này.”

“Ông có thể làm vậy. Đúng vậy.”

“Và tôi sẽ tự mình sắp xếp vụ chuyển gien. Chúng ta sẽ cho một nhóm người trong bệnh viện này làm.”

“Tôi thật sự ước chi chúng ta làm được Jack à. Chuyển gien cực kỳ nhiều rủi ro, và ngày nay không phòng xét nghiệm nào chịu chấp nhận rủi ro đâu. Chưa có ai vào tù vì chuyển gien thất bại cả, nhưng đã có nhiều bệnh nhân tử vong rồi và...”

“Fred. Nhìn tôi này.”

“Ở Thượng Hải thì ông có thể làm vậy được.”

“Không, không. Ở đây.”

Fred Robbins cắn môi. “Jack, ông phải đối mặt với thực tế. Tỷ lệ thành công dưới một phần trăm. Ý tôi là, nếu trước nay chúng ta nghiên cứu suốt năm năm, thì chúng ta đã có kết quả xét nghiệm trên động vật, xét nghiệm vật chủ, những quy chuẩn nén miễn dịch, đủ các bước để tăng tỷ lệ thành công của ông. Nhưng nếu phải quyết định nhanh thì...”

“Tôi chỉ có thời gian để làm vậy thôi. Quyết định nhanh.”

Fred Robbins đang lắc đầu.

“Một trăm triệu đô la,” Watson nói. “Trả cho bất kỳ phòng xét nghiệm nào chịu làm. Lấy một trạm y tế tư nhân ngoài Arcadia kìa. Chỉ tôi thôi, không ai biết cả. Thực hiện quy trình chữa trị ở đó. Một mất một còn.”

Fred Robbins lắc đầu một cách buồn rầu. “Xin lỗi Jack. Tôi thành thật xin lỗi.”

Những ngọn đèn trên đầu bật sáng trong phòng mổ xác, hết dãy này đến dãy khác. Quả là một cú mở màn đầy kịch tính, Gorevitch nghĩ. Bóng người trong chiếc áo thí nghiệm trông thật nổi bật, nổi bật đến nghiêm nghị: tóc bạc, cặp kính có gọng mỏng. Ông ta là nhà giải phẫu Linh trưởng nổi tiếng thế giới Jorg Erickson.

Sử dụng một máy quay cầm tay, Gorevitch nói, “Bác sĩ Erickson, hôm nay chúng ta làm gì đây?”

“Chúng ta sẽ khám nghiệm một mẫu vật nổi tiếng thế giới, con đười ươi ở Indonesia được cho là biết nói. Người ta nói con thú này đã nói bằng ít nhất hai thứ tiếng. Ừm, để xem ra sao.”

Bác sĩ Erickson quay sang chiếc bàn thép, trên đó là một cái xác được bọc trong tấm vải trắng. Ông ta mở tấm vải một cách khoa trương. “Đây là một con Pongo abelii còn nhỏ chưa trưởng thành, một loài đười ươi ở Sumatra, đặc trưng của nó là có kích thước nhỏ hơn loài đười ươi Borneo. Mẫu vật này là con đực, khoảng ba tuổi, bề ngoài cho thấy sức khỏe tốt, không thấy sẹo hay vết thương nào bên ngoài... Được rồi, chúng ta bắt đầu.” Ông cầm dao mổ lên.

“Bằng nhát cắt ở mặt cắt dọc giữa, tôi để lộ ra hệ thống cơ trước của cuống họng và hầu. Để ý chỗ phồng ở cơ vai-móng ở trên bên dưới, và ở đây, cơ xương ức... Hừm.” Erickson đang cúi xuống cổ con vật. Gorevitch loay hoay ghi hình một cách khó khăn.

“Ông thấy gì hả giáo sư?”

“Tôi thấy có cơ móng trâm và cơ sụn nhẫn-giáp, đây, và đây... Khá là thú vị. Thông thường thì ở loài Pongo chúng ta thấy hệ thống cơ trước rất kém phát triển, và thiếu khả năng điều khiển cơ tinh nhạy của bộ máy ngôn ngữ ở người. Nhưng con vật này dường như là một trường hợp chuyển tiếp vì nó có một vài đặc điểm đặc thù ở hầu của loài pongo, và một vài đặc điểm đặc trưng của cổ người. Để ý cơ xương ức đòn chũm sternocleidomastoid...”

Gorevitch nghĩ, Sternocleidomastoid. Chúa ơi. Họ sẽ phải thuyết minh đoạn băng này. “Giáo sư, ông có thể đọc tên này bằng tiếng Anh không?”

“Không, đây là thuật ngữ La tinh. Tôi không biết từ dịch sang tiếng Anh là gì...”

“Ý tôi là, ông có thể giải thích bằng cách nói của người không chuyên môn không? Cho khán giả của chúng ta?”

“À, dĩ nhiên là được. Những cơ bề mặt này, đa số gắn với xương móng - tức là, trái cổ ấy - những cơ này giống ở người hơn là ở dã nhân.”

“Nguyên nhân có thể do đâu?”

“Rõ ràng là có đột biến nào đó.”

“Còn những bộ phận khác của con vật? Cũng giống với ở người hơn ư?”

“Tôi chưa xem hết toàn bộ con vật,” Erickson nói nghiêm nghị. “Nhưng sớm muộn gì chúng ta cũng biết được. Tôi đặc biệt muốn xem xét có hiện tượng xoay trục quanh lỗ chai ở não không, và dĩ nhiên là độ sâu và cách sắp xếp các rãnh não ở vỏ não vận động nữa, rồi xem xem chất xám có được bảo quản không.”

“Ông có nghĩ mình sẽ tìm thấy trong não con vật này những thay đổi giống như ở người không?”

“Thật sự mà nói thì không,” Erickson nói. Ông ta chuyển sự chú ý sang phần đỉnh sọ, xoa đôi tay đang đi găng quanh phần tóc thưa thớt trên da đầu con đười ươi, sờ phần xương bên dưới. “Anh thấy đó, ở con thú này, xương đỉnh lõm vào bên trong, về phía đỉnh sọ. Đây là điểm đặc trưng thường thấy ở khỉ pongo và tinh tinh. Trong khi đó thì người có xương đỉnh nhô ra. Ở người, đỉnh đầu rộng hơn đáy đầu.”

Erickson bước lùi khỏi bàn. Gorevitch nói, “Vậy thì ông muốn nói con thú này là một sự pha trộn giữa người và dã nhân ư?”

“Không,” Erickson nói. “Đây là dã nhân. Một con dã nhân khác thường, điều này chắc chắn rồi. Nhưng nó cũng chỉ là dã nhân thôi.”

NHÓM ĐầU TƯ JOHN B. WATSON

 

Công bố ngay lập tức

 

John B. “Jack” Watson, nhà hảo tâm nổi tiếng thế giới và là người sáng lập Nhóm đầu tư Watson, hôm nay đã qua đời ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ông Watson được cả thế giới ca tụng vì những hoạt động từ thiện và nỗ lực đại diện cho những con người nghèo khổ và bị áp bức trên thế giới. Ông Watson chỉ mắc bệnh trong một thời gian ngắn, nhưng ông bị một chứng ung thư cực kỳ ác tính. Ông nhập viện ở một cơ sở y tế tư nhân ở Thượng Hải và tử vong sau ba ngày nhập viện. Bạn bè và đồng nghiệp khắp thế giới đều thương tiếc ông.

 

CÂU CHUYỆN, CHI TIẾT TK

Henry Kendall ngạc nhiên khi thấy Gerard có thể giúp Dave làm bài tập toán ở nhà. Nhưng chuyện này sẽ không kéo dài lâu được. Rốt cuộc thì Dave có lẽ cũng sẽ cần chương trình giáo dục đặc biệt. Dave đã thừa hưởng từ loài tinh tinh một nhịp chú ý rất ngắn. Nó cảm thấy càng lúc càng khó theo kịp những đứa trẻ khác trong lớp, nhất là về môn đọc, một môn đau khổ đối với nó. Trong khi đó khả năng thể lực của nó làm nó khác biệt hẳn trên sân chơi. Những đứa trẻ khác không cho nó chơi. Vì vậy mà nó trở thành một tay lướt sóng cừ khôi.

Và giờ đây, sự thật đã được tiết lộ. Trên tạp chí People có một bài báo đặc biệt phản cảm, “Gia đình hiện đại”, trong đó viết, “Gia đình thời thượng nhất không còn là gia đình đồng tính, gia đình nhiều thế hệ, hay gia đình liên chủng tộc nữa. Đó là khuynh hướng của thế kỷ vừa qua, Tracy Kendall nói. Và cô bé nói đúng, vì gia đình Kendall ở La Jolla, bang California, là một gia đình chuyển gien và liên loài - một gia đình tạo ra nhiều phấn khích trong nhà hơn một thùng phi chứa đầy những chú khỉ!”

Henry được triệu tập để điều trần trước Quốc hội, một trải nghiệm mà anh cảm thấy rất đặc biệt. Các nghị sĩ nói chuyện trước máy quay trong hai tiếng đồng hồ, rồi họ đứng dậy ra đi, xin phép có việc gấp ở nơi khác. Rồi các nhân chứng mỗi người nói trong sáu phút, nhưng không có nghị sĩ nào ở đó để nghe bình luận của họ. Sau đó, các nghị sĩ đều thông báo rằng chẳng bao lâu nữa họ sẽ đọc những bài phát biểu quan trọng nói về chủ đề tạo ra những sản phẩm chuyển gien.

Henry được Hội Sinh học Tự do Chủ nghĩa trao danh hiệu Nhà khoa học của năm. Jeremy Rifkin gọi anh là “tội phạm chiến tranh”. Anh bị Hội đồng Nhà thờ Quốc gia chỉ trích gắt gao. Đức giáo hoàng tước quyền thành viên Giáo hội của anh, rồi sau đó mới phát hiện ra anh không phải người Cơ Đốc; họ nhầm với một người Henry Kendall khác. NIH chỉ trích công trình của anh, nhưng người thay thế Robert Bellarmino trong vai trò trưởng khoa di truyền học là William Gladstone, người này có đầu óc phóng khoáng và ít tự đề cao mình hơn Bellarmino. Henry giờ đây thường xuyên đi đây đó để thuyết giảng về kỹ thuật chuyển gien tại các buổi hội thảo đại học khắp cả nước.

Anh là chủ đề gây tranh cãi gay gắt. Đức Cha Billy John Harker ở bang Tennessee gọi anh là “quỷ Sa tăng tái thế”. Bill Mayer, nhà phản động cánh tả khét tiếng, đăng trên tạp chí New York Review of Books một bài báo dài được nhiều người bình luận có nhan đề “Bị trục xuất khỏi Eden: Tại sao chúng ta phải ngăn chặn những trò nhại về chuyển gien này”. Bài báo không đề cập đến chuyện động vật chuyển gien đã tồn tại cả hai thập kỷ. Chó, mèo, vi khuẩn, chuột, cừu và trâu bò đều đã được tạo ra. Khi một nhà khoa học cấp cao ở NIH được hỏi về bài báo, ông ta ho hắng nói, “New York Review là tạp chí nào thế?”

Lynn Kendall điều hành website của tờ TransGenic Times. Trang web này ghi lại chi tiết cuộc sống thường nhật của Dave, Gerard, và hai đứa con của cô là Jamie và Tracy.

 

Sau một năm ở La Jolla, Gerard bắt đầu giả tiếng bấm phím điện thoại. Trước đây nó đã làm vậy rồi, nhưng những âm thanh này rất bí ẩn đối với gia đình Kendall. Rõ ràng đây là tiếng những phím số của một tổng đài ngoài nước, nhưng họ không tìm được là nước nào. “Mày quê ở đâu hả Gerard?” họ thường hỏi nó.

“Tôi không còn chợp mắt được, từ khi anh bước ra khỏi cửa.” Nó đã trở nên đam mê nhạc đồng quê Mỹ. “Những gì anh làm chỉ khiến tôi suy sụp.”

“Nước nào hả Gerard?”

Họ chẳng bao giờ nhận được câu trả lời. Nó nói một ít tiếng Pháp, và nó thường nói giọng Anh. Họ giả định nó xuất thân từ châu Âu.

Rồi một ngày nọ, một nghiên cứu sinh người Pháp của Henry được mời tới ăn tối ở nhà họ, và cậu ta nghe Gerard làm những tiếng bấm số này. “Chúa ơi,” cậu ta nói, “tôi biết nó làm gì rồi.” Cậu lắng nghe trong chốc lát. “Không có mã thành phố,” cậu ta nói. “Nhưng lại có... phải thử đã.” Cậu lôi điện thoại di động của mình ra, rồi bắt đầu bấm số. “Làm lại đi Gerard.”

Gerard lặp lại những tiếng bấm số.

“Một lần nữa.”

“Cuộc đời là một cuốn sách anh phải đọc,” Gerard hát. “Cuộc đời là một câu chuyện anh phải kể...”

“Tôi biết bài này,” cậu nghiên cứu sinh nói.

“Bài gì vậy?” Henry nói.

“Bài trong cuộc thi Eurovision. Gerard, giả mấy tiếng đó đi.”

Cuối cùng, Gerard phát ra những tiếng bấm số ấy. Cậu nghiên cứu sinh thực hiện cuộc gọi. Suy đoán đầu tiên của cậu là thử gọi Paris. Một phụ nữ trả lời điện thoại. Cậu ta nói bằng tiếng Pháp, “Xin lỗi, cô có biết con vẹt xám nào tên là Gerard không?”

Người phụ nữ bật khóc. “Cho tôi nói chuyện với nó,” cô nói. “Nó có ổn không?”

“Nó khỏe.”

Họ để điện thoại sát bên chỗ Gerard đậu, và nó nghe giọng người phụ nữ. Đầu nó gật lên gật xuống một cách háo hức. Rồi nó nói, “Cô sống ở đây à? Ồ, mẹ sẽ thích nơi đây lắm!”

Vài ngày sau, Gail Bond đến thăm. Cô ở chơi một tuần rồi trở về một mình. Gerard dường như muốn ở lại. Bởi nhiều ngày sau, nó hát:

 

Người yêu tôi từng đi chơi thâu đêm,

Cô làm tôi khóc, cô đối xử tệ với tôi,

Cô làm tổn thương tôi khiến tôi vỡ lẽ, đó không phải là lời giả dối,

Tình thế đã xoay chuyển và giờ đến lượt cô khóc,

Bởi vì tôi từng yêu cô, nhưng bây giờ chuyện đã kết thúc rồi...

 

Nhìn chung, mọi chuyện tiến triển tốt hơn rất nhiều so với dự tính của mọi người. Gia đình họ luôn bận rộn nhưng ai cũng hòa thuận nhau. Có hai khuynh hướng đáng lo ngại. Henry để ý thấy Dave có vài sợi tóc bạc quanh miệng. Vì vậy, như hầu hết các con vật chuyển gien khác, rất có thể Dave sẽ chết sớm hơn thường lệ.

Và vào một ngày mùa thu, khi Dave đang dạo bước tay trong tay cùng Henry ở hội chợ trong quận, một ông nông dân trong bộ áo liền quần đi tới nói, “Tôi thích có một con vật như thế này làm việc trên nông trại của tôi.”

Câu nói đó làm Henry rùng mình.

Ghi chú của tác giả

Sau khi hoàn tất việc nghiên cứu tài liệu để viết cuốn sách này, tôi đã đi đến các kết luận sau:

 

1. Ngưng cấp bằng bảo hộ gien. Hai mươi năm trước, có

thể bằng bảo hộ gien được coi là hợp lý, nhưng ngành di truyền học đã thay đổi về nhiều phương diện mà không người nào khi ấy có thể đoán trước được. Ngày nay chúng ta có nhiều bằng chứng cho thấy bảo hộ gien là một việc làm không cần thiết, không khôn ngoan, và gây nhiều tác hại.

Có nhiều chuyện mập mờ xung quanh bằng bảo hộ gien. Nhiều nhà quan sát đều kêu gọi chấm dứt bảo hộ gien với những cảm tính mang tính chất chống tư bản và chống tư hữu. Sự thật không phải như vậy. Nếu là chuyện đầu tư sinh lợi thì ngành công nghiệp hoàn toàn có thể tìm kiếm một cơ chế để bảo đảm lợi nhuận. Một cơ chế như thế ngụ ý sự hạn chế về cạnh tranh liên quan đến một sản phẩm được tạo ra. Tuy nhiên, sự bảo hộ này không có ngụ ý rằng người ta nên cấp bằng sáng chế cho chính các loại gien. Ngược lại, bằng bảo hộ gien mâu thuẫn với truyền thống lâu đời về bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Thứ nhất, gien là chân lý của tự nhiên. Như trọng lực, ánh nắng, và lá trên cây, gien tồn tại trong thế giới tự nhiên. Chân lý của tự nhiên không thể được sở hữu. Bạn có thể sở hữu một xét nghiệm dùng để phát hiện ra một gien, hoặc một loại thuốc ảnh hưởng đến một gien, nhưng không thể sở hữu chính gien ấy. Bạn có thể sở hữu phương thức điều trị một căn bệnh, nhưng không thể sở hữu chính căn bệnh ấy. Bảo hộ gien vi phạm quy tắc căn bản này. Dĩ nhiên, người ta có thể tranh cãi thế nào là chân lý của tự nhiên, và nhiều người được trả lương để tranh cãi như vậy. Và đây là một phép thử đơn giản. Nếu một thứ tồn tại qua hàng triệu năm trước sự xuất hiện của loài Homo sapien trên trái đất, thì đó là một chân lý của tự nhiên. Cho rằng gien là sáng chế của con người là một lập luận vô lý. Cấp bằng bảo hộ gien chẳng khác nào cấp bằng bảo hộ nguyên tố sắt hay các bon.

Bởi vì bằng sáng chế gien bảo hộ một chân lý của tự nhiên, nó trở thành một thứ độc quyền không đáng có. Thông thường, bảo hộ sáng chế cho phép tôi một mặt bảo vệ sáng chế của mình và mặt khác khuyến khích người khác tạo ra những phiên bản riêng của họ. Máy iPod của tôi không ngăn cản bạn làm ra một chiếc máy nghe nhạc kỹ thuật số. Chiếc bẫy chuột đã được đăng ký bảo hộ của tôi làm bằng gỗ, nhưng bạn vẫn được phép làm cái bẫy chuột bằng vật liệu ti tan của riêng bạn.

Đối với bảo hộ gien thì lại không như vậy. Bằng bảo hộ gien bao gồm những thông tin thuần túy đã tồn tại sẵn trong tự nhiên. Vì không có sáng chế nào ở đây cả nên không ai có thể sáng tạo ra sản phẩm khác mà không vi phạm chính bằng sáng chế ấy, do đó sự đổi mới bị ngăn cản. Điều này giống như việc cho phép ai đó đăng ký bảo hộ mũi vậy. Bạn không thể làm ra kính mắt, giấy lụa Kleenex, thuốc xịt mũi, khẩu trang, đồ trang điểm, hay nước hoa bởi lẽ những thứ này đều dựa vào một khía cạnh nào đó của mũi. Bạn có thể bôi kem chống nắng lên cơ thể, nhưng không được bôi lên mũi, bởi vì bất cứ thay đổi nào đối với mũi của bạn cũng sẽ vi phạm bằng sáng chế về mũi. Nếu không trả tiền bản quyền mũi, đầu bếp có thể bị kiện vì đã làm ra những món ăn thơm phức. Vân vân. Tất nhiên, chúng ta ai cũng sẽ đồng ý rằng cấp bằng sáng chế về mũi là một chuyện phi lý. Nếu ai cũng có một cái mũi, thì làm sao mà ai đó có thể sở hữu quyền kiểm soát nó được? Bằng sáng chế về gien phi lý cũng vì lý do này.

Ta không cần phải tưởng tượng nhiều mới thấy được rằng độc quyền hóa việc cấp bằng sáng chế sẽ ngăn cản sự sáng tạo và kìm hãm năng suất làm việc. Nếu cha đẻ của Auguste Dupin có thể sở hữu tất cả những nhân vật thám tử hư cấu, thì chúng ta sẽ không bao giờ có được những cái tên như Sherlock Holmes, Sam Spade, Philip Marlowe, Miss Marple, Thanh tra Maigret, Peter Wimsey, Hercule Poirot, Mike Hammer, hay J. J. Gittes. Nếu có một lỗi nào về cấp bằng sáng chế, thì di sản sáng tạo dồi dào này sẽ bị tước đoạt khỏi tay chúng ta. Tuy nhiên đó lại chính là lỗi trong việc cấp bằng sáng chế gien.

Bằng bảo hộ gien là một chính sách công cộng sai lầm. Chúng ta có không ít bằng chứng cho thấy nó tác động xấu đến việc chăm sóc bệnh nhân và kìm hãm nghiên cứu. Khi Myriad đăng ký bảo hộ hai gien gây ung thư vú, họ tính mức phí gần ba ngàn đô la cho một xét nghiệm, mặc dù chi phí để tạo ra một xét nghiệm gien không bao giờ như chi phí phát triển một loại thuốc. Không có gì đáng ngạc nhiên khi cục sáng chế của châu Âu đã thu hồi bằng sáng chế đó dựa trên một sai sót trong luật. Chính phủ Canada thông báo sẽ tiến hành các xét nghiệm gien mà không trả tiền bảo hộ sáng chế. Vài năm trước, người sở hữu bằng sáng chế về gien gây bệnh Canavan đã từ chối phổ biến rộng rãi xét nghiệm, mặc dù những gia đình có người nhà từng mắc chứng bệnh này đã đóng góp thời gian, tiền bạc và mô để góp phần tìm ra gien này. Giờ đây cũng chính những gia đình này không đủ khả năng chi trả để xét nghiệm.

Đó là một sự việc gây căm phẫn, nhưng chưa phải là hậu quả nguy hiểm nhất của việc bảo hộ sáng chế gien. Vào thời kỳ hoàng kim, nghiên cứu về SARS (Hội chứng suy hô hấp cấp) bị hạn chế vì các nhà khoa học không chắc chắn ai sở hữu bộ gien - ba đơn xin cấp bằng sáng chế cùng lúc được đệ trình. Do đó, nghiên cứu về SARS đã không được thấu đáo đúng mức. Chuyện này nếu làm kinh hãi những người biết suy nghĩ cũng không có gì lạ. Hơn nữa đây là một căn bệnh dễ lây lan với tỷ lệ tử vong là mười phần trăm, đã lây tới bốn mươi tám quốc gia khắp thế giới. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học để chiến đấu với căn bệnh này lại bị cản trở - chỉ vì những e ngại về bảo hộ sáng chế.

Hiện tại, những gien gây viêm gan siêu vi C, HIV, cúm H, và nhiều loại khác gây bệnh tiểu đường đều được một chủ thể nào đó sở hữu. Lẽ ra những gien này không thể được sở hữu. Lẽ ra không ai có thể sở hữu một căn bệnh.

Nếu chấm dứt việc bảo hộ sáng chế gien, có thể chúng ta sẽ nhận được nhiều lời phàn nàn và những lời cảnh báo rằng các nhà kinh doanh sẽ từ bỏ nghiên cứu, rằng các công ty sẽ phá sản, rằng chăm sóc y tế sẽ bị ảnh hưởng xấu và công chúng sẽ chết. Nhưng nếu chúng ta chấm dứt bảo hộ sáng chế gien thì một tình huống khả thi hơn chính là mọi người sẽ gỡ bỏ được nhiều rào cản, và điều này sẽ dẫn đến bùng nổ một loạt sản phẩm mới dành cho công chúng.

 

2. Thiết lập rõ những nguyên tắc chỉ đạo việc sử dụng

mô người. Những bộ sưu tập mô người ngày càng quan trọng hơn đối với nghiên cứu y học, và ngày càng có giá trị hơn. Đã tồn tại những luật lệ liên bang xác đáng để quản lý ngân hàng mô, nhưng tòa án vẫn lờ đi luật lệ liên bang. Từ trước đến nay, tòa án luôn phán quyết những vấn đề về mô người dựa trên luật sở hữu hiện hành. Nhìn chung, tòa đã phán quyết rằng một khi mô của bạn rời khỏi cơ thể bạn, bạn không còn giữ quyền lợi gì đối với nó nữa. Chẳng hạn, tòa so sánh việc hiến mô với việc hiến tặng một quyển sách cho thư viện. Nhưng người ta lại có một cảm giác sở hữu rất mạnh mẽ đối với một phần cơ thể của họ, và cảm giác đó sẽ không bao giờ biến mất chỉ bởi sai sót của luật pháp. Do đó chúng ta cần có những điều luật mới, rõ ràng, dứt khoát.

Tại sao chúng ta cần luật? Hãy xem xét một phán quyết gần đây của tòa trong vụ bác sĩ William Catalona. Vị bác sĩ nổi tiếng về ung thư tuyến tiền liệt này thu thập nhiều mẫu mô từ bệnh nhân của mình để tiến hành nghiên cứu về căn bệnh. Khi bác sĩ Catalona chuyển tới một trường đại học khác, ông cố gắng đem theo những mẫu mô này. Trường Đại học Washington từ chối, nói rằng nhà trường sở hữu những mô đó; thẩm phán ủng hộ nhà trường, viện dẫn ra những chi tiết vặt vãnh chẳng hạn như chuyện một số hợp đồng nhượng quyền có in trên giấy tờ văn phòng của Đại học Washington. Bệnh nhân cảm thấy căm phẫn là chuyện dễ hiểu. Họ đã tin rằng họ trao mô của mình cho một bác sĩ mà họ yêu mến, chứ không phải cho một trường đại học bí ẩn lén lút ở phía sau; họ đã nghĩ mình cung cấp mẫu mô chủ yếu là để phục vụ cho nghiên cứu ung thư tuyến tiền liệt, chứ không phải cho một mục đích bất kỳ nào đó như quyền lợi mà nhà trường đòi hỏi.

Cái ý niệm cho rằng một khi bạn chia tay với mô của mình, bạn không còn bất cứ quyền nào nữa là một ý niệm phi lý. Hãy thử xem xét tình huống sau: Theo luật pháp hiện hành, nếu ai đó chụp hình tôi, tôi có quyền lợi vĩnh viễn đối với việc sử dụng bức ảnh ấy. Hai mươi năm sau, nếu ai đó công bố bức ảnh ấy hoặc đăng nó trên một mẫu quảng cáo, tôi vẫn còn quyền lợi. Nhưng nếu ai đó lấy mô của tôi - một phần thân thể của tôi - tôi lại không còn có quyền gì cả. Điều này có nghĩa tôi có nhiều quyền đối với tấm hình của mình hơn là đối với mô của cơ thể mình.

Những điều luật mới phải bảo đảm bệnh nhân có quyền kiểm soát mô của họ. Tôi hiến mô cho một mục đích cụ thể, và chỉ cho một mục đích ấy thôi. Nếu sau này có người muốn sử dụng mô của tôi cho một mục đích khác, họ cần xin phép tôi lần nữa. Nếu họ không được phép, họ không được sử dụng mô của tôi.

Một luật lệ dạng như thế sẽ đáp ứng được nhu cầu quan trọng về mặt cảm xúc. Mặt khác nó còn thừa nhận rằng có thể có nhiều lý do quan trọng về pháp lý và tín ngưỡng khiến tôi không muốn mô mình được sử dụng cho một mục đích khác.

Chúng ta không nên sợ rằng những quy định thế này sẽ cản trở nghiên cứu. Suy cho cùng, Tổng viện Y tế Quốc gia vẫn có thể thực hiện nghiên cứu trong khi tuân theo những nguyên tắc này. Chúng ta cũng không nên chấp nhận lập luận cho rằng những luật lệ này đặt lên người khác một gánh nặng đầy nhọc nhằn. Nếu một tờ tạp chí có thể thông báo cho bạn biết thời hạn đặt báo đã hết, thì một trường đại học cũng có thể thông báo cho bạn biết khi họ muốn sử dụng mô của bạn vào một mục đích khác.

 

3. Thông qua những điều luật bảo đảm dữ liệu về xét

nghiệm gien được công bố. Điều luật mới là cần thiết nếu chúng ta muốn FDA công bố những kết quả có hại từ những đợt thử nghiệm liệu pháp gien. Hiện tại thì FDA không làm vậy được. Trước đây, một vài nhà nghiên cứu đã cố sức ngăn cản việc báo cáo con số bệnh nhân tử vong vì cho rằng những ca tử vong như vậy là một bí mật kinh doanh.

Công chúng ngày càng ý thức hơn về những khiếm khuyết có trong các hệ thống mà chúng ta sử dụng để báo cáo dữ liệu y tế. Dữ liệu nghiên cứu không được công bố đến các nhà khoa học khác để họ xem xét; việc công khai dữ liệu hoàn toàn vẫn chưa phải là chuyện bắt buộc; rất hiếm khi những khám phá từ nghiên cứu được thẩm tra một cách thật sự độc lập. Kết quả là công chúng đứng trước vô số nguy cơ chưa được biết đến. Sai lệch trong các nghiên cứu được công bố đã trở thành một trò cười. Bác sĩ tâm thần John Davis xem xét những đợt thử nghiệm được các công ty dược phẩm tài trợ với mong muốn cạnh tranh giành thứ thuốc hiệu quả nhất trong năm loại thuốc chống loạn tâm thần. Ông nhận thấy chín trong mười trường hợp, loại thuốc sản xuất bởi công ty tài trợ (trả tiền cho) nghiên cứu được đánh giá là vượt trội so với các loại thuốc khác. Bất kỳ ai trả tiền cho nghiên cứu đều là người có loại thuốc tốt nhất.

Đây chẳng phải là tin tức gì đáng ngạc nhiên. Những báo cáo đánh giá nghiên cứu nào được thực hiện bởi những người có hứng thú về mặt tài chính hoặc về mặt khác đối với kết quả nghiên cứu đều không đáng tin cậy vì về bản chất chúng đã không được tiến hành vô tư. Thực trạng đó có thể giải quyết bằng cách sử dụng một hệ thống thông tin không cho phép nhập vào những thử nghiệm sai lệch và thực hiện các bước cần thiết để bảo đảm chuyện đó không xảy ra ngay từ đầu. Tuy nhiên sai lệch trắng trợn vẫn còn hết sức phổ biến trong y khoa, và trong những lĩnh vực khoa học khác có độ rủi ro cao.

Chính phủ nên hành động. Về lâu về dài, sẽ không có nhóm người nào đưa ra thông tin sai lệch. Trong tương lai gần, sẽ có đủ loại nhóm người muốn uốn nắn sự thật theo cách của họ. Và họ không ngần ngại gọi điện cho các thượng nghị sĩ, dù là đảng Dân chủ hay Cộng hòa. Chuyện này sẽ tiếp diễn cho tới khi công chúng đòi hỏi một sự thay đổi.

 

4. Tránh các quy định ngăn cấm việc tiến hành nghiên

cứu. Nhiều nhóm ủng hộ chính trị khác nhau muốn cản trở một khía cạnh nào đó của việc nghiên cứu gien. Tôi đồng ý rằng chúng ta không nên theo đuổi một số nghiên cứu nhất định, ít ra là không phải bây giờ. Nhưng thiết thực mà nói, tôi phản đối việc ngăn cấm nghiên cứu và công nghệ.

Các quy định cấm một việc gì đó không thể thi hành được. Tôi không hiểu tại sao chúng ta chưa học được bài học này. Từ thời kỳ Cấm rượu(1)_ tới cuộc chiến chống ma túy, chúng ta đã nhiều lần lầm tưởng rằng hành vi có thể bị cấm cản. Lúc nào cũng vậy, chúng ta đều luôn thất bại. Và trong một nền kinh tế toàn cầu, những quy định cấm có thêm nhiều ý nghĩa mới: cho dù bạn có ngăn chặn nghiên cứu ở một quốc gia nào đó, thì nó vẫn tiếp diễn ở Thượng Hải. Rốt cuộc thì bạn đạt được cái gì?

Tất nhiên, niềm hy vọng sẽ mãi trường tồn, và trí tưởng tượng không bao giờ chết: nhiều nhóm người nghĩ rằng họ có thể thương lượng để cho ra đời một điều luật quốc tế cấm một số nghiên cứu nhất định. Nhưng theo những gì tôi được biết, từ trước đến nay chưa hề có một điều luật quốc tế nào cấm cản bất cứ thứ gì cả. Nghiên cứu gien khó có khả năng là thứ bị cấm trước tiên.

 

5. Hủy bỏ đạo luật Bayh-Dole. Năm 1980, nhận thấy những

phát minh trong phạm vi trường đại học chưa được công bố rộng rãi để mang lại lợi ích cho công chúng, để thúc đẩy mọi chuyện, Quốc hội thông qua một điều luật cho phép các nghiên cứu viên làm việc tại trường đại học bán các phát minh của họ kiếm lời, ngay cả khi tiền đầu tư vào nghiên cứu ấy là tiền lấy từ những người dân đóng thuế.

Hệ quả của điều luật này là, đa số các giáo sư khoa học giờ đây đều có những mối quan hệ mang tính kinh doanh - hoặc là với công ty mà họ đã khởi dựng hoặc là với những công ty công nghệ sinh học khác. Ba mươi năm trước, có một sự khác biệt rõ rệt về cách tiếp cận giữa nghiên cứu thực hiện ở trường đại học và nghiên cứu thực hiện ở ngành công nghiệp tư nhân. Ngày nay, sự khác biệt này đã mờ nhạt, hoặc đã mất hẳn. Ba mươi năm trước, chúng ta luôn có những nhà khoa học không vụ lợi sẵn sàng bàn luận bất kỳ chủ đề nào ảnh hưởng đến công chúng. Giờ đây, nhà khoa học nào cũng bị ảnh hưởng bởi tính tư lợi đối với khả năng phán đoán.

Các học viện đã thay đổi về nhiều mặt mà không ai ngờ tới. Đạo luật Bayh-Dole ban đầu công nhận các trường đại học không phải là những thực thể thương mại, và khuyến khích các trường phổ biến nghiên cứu của mình đến những tổ chức là thực thể thương mại. Nhưng ngày nay, các trường lại cố sức kiếm lời càng nhiều càng tốt bằng cách tự mình thực hiện ngày càng nhiều các nghiên cứu, từ đó làm tăng giá trị sản phẩm khi những sản phẩm này được cấp phép ở giai đoạn cuối. Chẳng hạn, nếu các trường nghĩ họ có một loại thuốc mới, họ sẽ tự mình thực hiện quy trình xét nghiệm của FDA, và rất nhiều nữa. Do đó, đạo luật Bayh-Dole, một cách nghịch lý, đã khiến các trường chú trọng hơn đến tính chất thương mại của sản phẩm. Nhiều nhà quan sát nhận thấy hệ quả của điều luật này sẽ làm băng hoại và làm tha hóa các trường đại học trong vai trò là các học viện.

Đạo luật Bayh-Dole luôn đem lại lợi ích không chắc chắn cho những người dân Mỹ đóng thuế, những người, thông qua chính phủ, đã trở thành những nhà đầu tư hào phóng có một không hai. Những người đóng thuế cấp tiền cho nghiên cứu, nhưng khi nghiên cứu có kết quả, các nhà nghiên cứu lại bán nó kiếm lời cho bản thân và cho học viện, sau đó loại thuốc đó lại được bán lại cho những người đã tham gia đóng thuế này. Người tiêu dùng do đó phải trả một khoản tiền lớn để mua loại thuốc mà họ đã đóng góp tiền của để tạo ra.

Thông thường, khi một nhà tư bản mạo hiểm đầu tư vào nghiên cứu, họ luôn nhận được khoản tiền lời đáng kể từ vốn đầu tư đã bỏ ra. Những người dân Mỹ đóng thuế không nhận được một khoản tiền lời nào cả. Đạo luật Bayh-Dole cho rằng công chúng sẽ nhận được một loạt liệu pháp cứu chữa tuyệt diệu và như thế chứng minh được sự hợp lý của chiến lược đầu tư. Nhưng chuyện đó chưa bao giờ xảy ra.

Thay vào đó, mặt hạn chế lại vượt trội hơn so với mặt lợi ích. Tính bí mật giờ đây hiện hữu trong tất cả các nghiên cứu, và cản trở tiến trình y học. Những trường đại học trước đây từng cung cấp nơi trú ngụ cho các học giả muốn thoát khỏi thế giới giờ đây đã bị thương mại hóa - nơi ẩn náu đã mất. Những nhà khoa học trước đây từng mang bên mình một thôi thúc nhân đạo đã trở thành những thương gia biết quan tâm tới những khoản lỗ lãi. Đời sống tri thức là một khái niệm lạ lẫm như chiếc áo ngực làm bằng sừng cá voi vậy.

Tất cả những xu hướng này hoàn toàn rõ ràng đối với các nhà quan sát cách đây mười lăm năm; khi ấy không ai chú ý nhiều. Giờ đây vấn đề ngày càng trở nên rõ ràng hơn đối với mọi người. Một bước đi đúng đắn đầu tiên hướng tới việc phục hồi sự cân bằng giữa giới học thuật và các tập đoàn kinh doanh chính là bãi bỏ đạo luật Bayh-Dole.

---- HẾT ----

 

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ! 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/36893


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận