Truyện Kể Tây Tạng Truyện 24-25


Truyện 24-25
Thầy tu giúp đỡ dân nghèo như thế nào - Chiếc áo lông trắng.

Thầy tu giúp đỡ dân nghèo như thế nào 

Ngày xưa có một thầy tu nghèo, nghèo đến nỗi người khác hếch mũi lên mỗi khi ông đến tu viện. Nếu không có chiếc áo thầy tu bạc phếch, dải đai màu cam thì không ai nhận ra vị thầy tu qua con người cùng khổ đó. Vị thầy tu không chuyên tâm vào kinh kệ. Ngược lại, ở những vùng ông qua bao giờ ông cũng che chở người nghèo chống lại kẻ giàu, và dốc sức giúp đỡ họ hết khả năng có thể.

Một ngày đông nọ, trời giá rét đến nứt đá núi, gió lạnh thấu tủy xương, thầy tu đi qua một làng quê, trên mình vận độc chiếc áo thầy tu tiều tụy. Ông gặp mấy nông dân. Những kẻ khốn khổ đờ người vì giá rét liên tục hà hơi vào đôi tay buốt cóng mà không sao ấm lên được.

- Sao các bác không uống một cốc rượu nhỉ? Thứ ấy sẽ làm các bác ấm bụng, thầy tu thương tình mách.

- Hẳn rồi, một cốc rượu, chúng tôi muốn uống lắm chứ! Những người nông dân thở dài thườn thượt. Nhưng ngạn ngữ cổ nói quả không sai: Túi rỗng thì đừng vào quán rượu! Lấy đâu ra tiền mà uống.

- Gượm đã, thầy tu đề nghị, các bác cứ đi trước, chờ ta ở chùa của làng. Ta sẽ đuổi kịp các bác ngay.

Thầy tu đến một hàng cơm bên đường.

- A! Ông khách quý hóa, chủ quán vồn vã đón ông với nụ cười rộng mở. Tôi có thể phục vụ thầy gì đây, Bạch thầy tu đáng kính?

- Xin mời thầy làm một cốc rượu với chúng tôi! Chủ quán mời ông ngồi vào bàn cùng mấy chủ trại giàu có đang giải khuây quanh vò rượu.

- Xin kiếu các thí chủ, hôm nay ta không thể chậm trễ được. Ta có việc vội. Nhưng ta xin vui lòng mang theo chút rượu, thầy tu nói và lấy từ trong áo ra một vỏ chai không.

Chủ quán rót rượu đầy chai. Thầy tu nhét chai dưới áo, quay người toan bước ra cửa.

- Thế nào? Không trả tiền à? Chủ quán gọi giật lại.

- Ta lấy đâu ra tiền, ta chỉ là một thầy tu nghèo lang thang khất thực. Ông đã ra đến cửa.

- Nếu thầy chỉ là một thầy tu nghèo thì cứ việc uống nước lã! Chủ quán giận giữ la lên. Đổ trả ngay chỗ rượu ấy vào thùng rồi xéo đi chỗ khác!

Thầy tu nghe theo trở lại quầy hàng đổ chai nước giấu dưới áo vào thùng. Các chủ trại giàu quanh bàn ăn cười hô hố. Thầy tu cúi đầu phúc chào, quay đi không nói một lời. Ông rời hàng cơm.

Về đến chùa, các nông dân nghèo đang nóng lòng chờ ông.

Thầy tu lấy từ nếp áo rách tã ra một chai rượu biếu mọi người chia nhau.

- Bạch thầy, thầy lấy đâu ra tiền trả tiền rượu? Một người nông dân hỏi.

Thầy tu cười, lấy trong ống tay áo ra chiếc chai thứ hai rỗng không, và nói:

- Khi vào hàng cơm ta có hai chai trong túi, một rỗng không và một đầy nước. Chai rỗng chủ quán đã rót đầy rượu. Khi ông ta biết ta không có tiền trả tiền rượu, ông ta bắt ta đổ trả rượu vào thùng. Ông ta cáu lắm. Ta thì bụng bảo dạ cánh nhà giàu có uống rượu pha nước một chút cũng chẳng hại gì... Uống đi, các bạn, cho ấm bụng và hồi sức chút đỉnh, nên biết rằng bịp một tên nhà giàu chẳng phải là một cái tội. Đức Phật cũng đồng tình với phương châm ấy. Nếu ta không lừa chủ quán thì các bạn hẳn đã chết vì rét và nếu các bạn chết vì rét, không bao giờ các bạn biết được rượu vang ngon thế nào!

Dứt lời, thầy tu quay mình bước lại trước tượng Phật cung kính cúi đầu.

 

Chiếc áo lông trắng

Ngày xửa ngày xưa, tại một miền xa XÔI có một cô gái trẻ xinh đẹp. Mẹ cô đã qua đời nhiều năm, cô chỉ còn lại trên đời một người mẹ ghẻ. Như thói thường người mẹ ghẻ này không ưa con chồng, chỉ nghĩ làm sao tống khứ được cô đi cho sớm. Cô gái đã cố làm đẹp lòng mẹ ghẻ nhưng nỗ lực của cô chẳng đi đến đâu.

Người mẹ ghẻ có một gã bạn cũ ở thành phố bên cạnh. Đó là một gã đàn ông thô bạo, cau có, không ai muốn gần. Mặt gã đầy râu đen nên mọi người đặt cho gã biệt danh “Râu đen”.

- Thật là một gã kỳ quặc, xóm giềng thì thầm với nhau khi tình cờ gặp gã và họ vội quay đi.

Một hôm Râu đen tỉ tê với người mẹ ghẻ:

- Bà bạn ơi, ta đã trông thấy con gái chồng bà. Giờ nó đã mười lăm tuổi ra dáng một cô gái xinh đẹp lắm rồi. Cho nó làm vợ ta, bà sẽ không hối tiếc đâu.

- Một đứa con gái hẳn phải tự cho là tốt số khi được một người đàn ông như ông ngỏ lời, người mẹ ghẻ rất bằng lòng. Riêng tôi, tôi cũng xin đủ với việc chăm lo cho nó. Miễn là nó không từ chối, con này cứng đầu lắm. Ông không thể hình dung tất cả những gì nó đã bắt tôi phải chịu đựng!

- Bà đừng lo, tôi sẽ dạy cho nó biết đường ăn ở.

Hay tin, cô gái khóc lóc van xin nhưng vô hiệu. Và chẳng bao lâu sau, người mẹ ghẻ gả cô gái tội nghiệp cho Râu đen thật. Về đến nhà, gã nhốt ngay cô vào một căn buồng hẹp, cười gằn độc ác:

- ở đây mà suy nghĩ cho kỹ về cung cách một người vợ đứng đắn cư xử với chồng. Mỗi khi ta đến với mi, phải tươi cười, ta nói cho mà biết, nếu không mi sẽ bị giam không cho ăn uống gì đến khi biết điều thì thôi.

Râu đen bỏ đi, cô gái kéo vội then cửa phía trong, đoạn cô nhìn quanh. Căn buồng chỉ có một cửa sổ nhỏ xíu, tít trên cao. “Không bao giờ ta có thể trốn được qua lối ấy”, cô gái tự nhủ và khóc tầm tã. Cô khóc rất lâu đến thiếp đi. Trong mơ cô thấy một con bồ câu trắng hiện ra hỏi:

- Tại sao cô khóc? Đừng sợ, tất cả rồi sẽ tốt đẹp. Ta sẽ để lại đây cho cô bộ lông của ta, cô chỉ cần dùng nó may một tấm áo. Khi nào không chịu được nữa cô hãy mặc áo vào.

Dứt lời, con bồ câu trắng đậu xuống giường cô gái và lần lượt nhổ lông, hết chiếc này đến chiếc khác, xếp thành một đống xinh xinh, trước khi cô gái kịp hiểu ra thì con chim đã biến mất. Cô gái choàng tỉnh. “Giấc mơ đâu mà kỳ lạ”, cô tự nhủ. Nhưng nhìn về góc giường cô suýt kêu lên sửng sốt. ở đó có một đống lông chim trắng muốt và nhẹ tênh.

Cô gái hiểu rằng mình không chỉ nằm mơ. Cô bắt tay may ngay một tấm áo lông trắng. Cô vừa may xong thì có tiếng đập cửa buồng: Rầm! Rầm!

- Mở cửa ngay, ai cho phép mi đóng cửa? Một giọng giận giữ ra lệnh. Cô gái không nao núng.

- Mở ngay, nếu không ta phá cửa, Râu đen gầm thét. Gã tông vào cửa gỗ rất mạnh khiến cánh cửa kêu lên răng rắc. Cô gái run bắn mình vì sợ. Cô chỉ còn đủ thì giờ mặc vội tấm áo lông thì rắc! Cánh cửa đổ sập mở đường cho Râu đen đâm bổ vào phòng như giông bão. Vừa lúc đó, cô gái biến thành một con bồ câu trắng bay qua cửa sổ.

Rất xa nơi đó có một khu vườn của một ông lão chủ quán sống đơn độc, công việc của ông bao giờ cũng nhiều làm không xuể. Con bồ câu trắng bay đến tận đấy, đậu trên một cái cây và gù gù buồn bã. Chủ quán vốn tốt bụng, nghe tiếng gù buồn thảm bèn chạy ra xem sao. Thấy con chim, ông nói to:

- Con bồ câu trắng đẹp quá! Nó gù mới buồn bã làm sao! Đã xảy ra chuyện gì, ai biết được có phải mi khát hay không? Chờ đấy, ta đem cho mi chút nước.

Con chim vừa nhúng mỏ vào nước thì biến thành một cô gái trẻ đẹp, cúi mình lễ phép trước chủ quán. Kinh ngạc, hai mắt chủ quán như lọt khỏi tròng.

- Con ở đâu ra? Con bồ câu đâu rồi? Ông ngạc nhiên hỏi.

- Con chính là chim bồ câu trắng. Con không còn ai trên đời. Mẹ ghẻ đã gả con cho Râu đen. Con sợ gã vô cùng. Đó là một gã độc ác. Cô gái vừa khóc vừa kể lại với chủ quán cơ sự làm sao mà bộ lông chim trắng đã giúp cô trốn thoát. Chủ quán rất cảm động.

- Con không có chỗ nào để đi nữa sao?

- Không ạ, cô gái lí nhí trả lời, mắt đẫm lệ.

- Vậy con cứ ở lại đây, chủ quán quyết định. Thế là cô gái ở lại quán nấu nướng vừa làm công việc nội trợ. Cô dễ thương lại khiêm nhường nên chủ quán quý cô như con đẻ.

Một ngày nọ, cô xếp dọn những vại đồng thường đựng rượu vang bưng ra bàn cho khách. Tít trên cao sát trần, cô khám phá ra hai cái kệ. Trên một kệ là những cốc vàng, trên kệ kia là những cốc sắt.

- Cha đỡ đầu ơi! Cô gọi chủ quán. Sao không bao giờ chúng ta dùng những cốc sắt và cốc vàng con vừa thấy trên kệ sát trần?

Chủ quán hổn hển chạy lại:

- Con phải chú ý không bao giờ được dùng những cốc này để rót rượu. Cốc vàng dành cho những vị thần bất tử. Cốc sắt là để cho quỷ! Với những người trần mắt thịt chúng ta thì đã có những cốc đồng kia.

Cô gái chẳng hiểu gì hơn nhưng vẫn ngoan ngoãn vâng lời. Cô xếp cốc vào chỗ cũ và tụt xuống. Đúng lúc đó, từ bên ngoài, có tiếng nghe quá quen thuộc.

- Cứ vào đây, có thể họ biết gì đó. Ô này, chủ quán đâu rồi nhỉ?

- Chính là chúng, cô gái nói, nấc lên vì khiếp sợ. Đó là mẹ ghẻ của con và Râu đen. Cha đỡ đầu ơi, chúng ta làm gì bây giờ?

- Chiếc áo lông bồ câu của con ở trong buồng xép, chủ quán nhớ ra. Chạy vào trong ấy nhanh lên! Ông vừa dứt lời thì cô gái đã lao vào buồng và - hấp! - cô mặc áo lông. Lập tức cô biến thành con chim câu trắng bay ra phòng ăn đúng lúc người mẹ ghẻ và Râu đen tra hỏi chủ quán xem liệu tình cờ người ta có thấy lảng vảng trong vùng một cô gái lạ mặt hay không.

- Tôi không biết cô gái lạ nào hết, chủ quán trả lời. ở đây chỉ có con gái tôi. Nó vừa đi thay áo mới.

- Ông cũng không nghe nói đến một con chim câu trắng nữa chứ gì? Râu đen nghiêm giọng hỏi. Nghe nói thế, con chim câu rung đôi cánh, kinh hoảng bay lên tận trần nhà, ẩn mình trên cái kệ phía sau những chiếc cốc sắt. Cả ba ngước mắt nhìn lên, người mẹ ghẻ nhìn Râu đen đầy ngụ ý. Gã này gào lên giận giữ.

- Con chim câu kia của ai?

- Của tôi, chủ quán bình tĩnh đáp. Tôi tìm thấy nó trên một cái cây trong vườn. Tôi cho nó ăn uống nên nó không bay đi.

- Con chim câu đó giống hệt con chim chúng tôi mất, người mẹ ghẻ tuyên bố. Chúng tôi cũng cho ăn, cho uống nhưng nó hoang dại lắm, nó cứ bay đi. Tôi tin chắc đây là con chim của chúng tôi. Ông cho phép chúng tôi quan sát nó chứ?

Cặp đôi xấu xa lao đến cái kệ. Râu đen vươn tay lên cao, nhưng cái kệ ở ngoài tầm với của gã.

- Xin phép các vị, tự tôi sẽ bắt cho các vị, chủ quán lịch sự nói, nó chỉ cho tôi bắt, người khác bắt là nó bay đi ngay. Trong lúc chờ đợi xin mời vào bàn, cho phép tôi được mời quý vị một cốc rượu.

Râu đen càu nhàu mấy câu gì đó, nhưng người mẹ ghẻ đã nhanh nhảu ngồi vào bàn. Chủ quán trèo lên một chiếc ghế đẩu và vuốt ve con chim câu. Nó vẫn nép mình trong một góc, không động cựa, chỉ thấy những chiếc lông rung rinh vì quá sợ.

- Đừng sợ, chủ quán thầm thì. Ta không trao con cho chúng đâu. Rồi ông lấy hai cốc sắt và tụt xuống.

- Ê này, còn con chim câu thì sao? Râu đen cà khịa.

- Tôi đã nựng nó, nó không bay đi đâu. Lát nữa nó sẽ xuống, chủ quán trả lời. Trong lúc chờ đợi, xin cho tôi vinh hạnh được mời quý vị thưởng thức rượu vang của tôi.

Râu đen sốt ruột cựa quậy, nhưng chủ quán đã đặt trước mỗi vị khách một vại sắt. Người mẹ ghẻ hau háu đón lấy, Râu đen thì nôn nóng, cả hai vội vã nốc cạn ly.

Chủ quán quan sát chúng vẻ chế giễu. Rượu vừa uống vào, cánh tay chúng dài ra thành đôi cánh lớn, một cái mỏ khỏe khoắn mọc trên mặt chúng, thân mình chúng mang dáng một con chim to lớn phủ đầy lông đen nhánh. Chúng hốt hoảng nhìn nhau, kêu la tuyệt vọng, rồi chúng vỗ cánh bay qua cửa sổ để ngỏ. Lát sau người ta không còn trông thấy gì nữa ngoài hai chấm đen xa tít phía chân trời.

- Con có thể xuống được rồi, chủ quán nói. Chúng sẽ không bao giờ trở lại đây đe dọa chúng ta nữa.

Và đúng như lời ông nói. Hai người sống bên nhau rất lâu, không còn nghe nói đến người mẹ ghẻ và Râu đen nữa.

Hết truyện 25Truyện tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/27345


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận