Trong vụ này, quả thật có một điều huyền bí mà các quan tòa, viên chánh án và viên biện lý của Nhà nước Cộng hòa không sao tìm hiểu được.
Cô Rô-za-li Pruy-đăng, người ở của vợ chồng Va-răng-bô ở Măng-tơ, có mang mà ông bà chủ không biết, đã hạ sinh một cháu bé ở trên gác, vào ban đêm, rồi giết con và đem chôn ngoài vườn.
Đó là chuyện giết con phổ biến thời bấy giờ, mà thủ phạm là những chị đầy tớ. Nhưng có một điều vẫn chưa giải thích được. Cuộc lục soát trong phòng chị Pruy-đăng đã dẫn đến việc khám phá ra một đống đầy đủ quần áo của bé sơ sinh, do chính Rô-xa-li thức đêm cắt, may ròng rã trong ba tháng trời. Tay chủ tiệm tạp hóa, nơi chị đã mua nến bằng đồng lương của mình, cũng đến để làm chứng. Hơn nữa, ông ta quả quyết rằng bà đỡ trong làng đã được cô ta cho biết tình trạng của mình, đã dẵn dò cô mọi điều thiết thực trong trường hợp mà tai nạn có thể xảy ra không ai hay biết. Ngoài ra, bà còn tìm ở Poa-xy một việc làm cho cô Pruy-đăng đề phòng khi cô bị đuổi việc, bởi vì ông bà Va-răng-bô không đùa về chuyện đạo đức bao giờ. Hai vợ chồng ấy, những người hưởng lợi tức thường niên ít ỏi ở tỉnh lẻ, cũng đến dự phiên tòa, họ phẫn nộ vì vết nhơ này đã làm ô uế gia đình họ. Có lẽ họ mong người ta đem chém cô ngay lập tức, không cần xét xử, và họ hành hạ cô bằng những lời khai hằng thù, chúng trở thành lời tố cáo cô nơi cửa miệng họ.
Thủ phạm, một cô gái cao lớn, xinh đẹp, người xứ Nooc-măng-đi, hiểu khá rõ tình cảnh của mình, cô khóc lóc không ngớt, và không chịu trả lời gì cả. Do đó, mọi người đành phải tin rằng cô ta phạm tội ác man rợ ấy trong giây phút tuyệt vọng và điên cuồng, bởi vì mọi bằng chứng cho thấy cô vẫn hy vọng gìn giữ và nuôi nấng đứa con. Viên chánh án còn cố gắng thêm một lần nữa để cho cô hé môi, để mong nghe được lời thú tội, và khi năn nỉ cô bằng một giọng hết sức ngọt ngào, cuối cùng ông cho cô biết rằng những người tụ tập tại đây để xét xử không hề muốn giết cô, thậm chí còn có thể khiếu nại cho cô.
Lúc ấy cô mới quyết định nói. Ông ta hỏi: “Xem nào, trước hết hãy nói cho chúng tôi biết, ai là cha đứa bé?”. Từ trước đến nay, cô khăng khăng giấu giếm điều này. Chợt cô trả lời và đưa mắt nhìn ông bà chủ, những người vừa mới vu cáo cô một cách điên cuồng.
“Ông Giô-dép, cháu ông Va-răng-bô”.
Hai vợ chồng ông chủ giật mình đánh thót, và đồng loạt kêu lên: “Sai! Nó nói láo! Thật là nhục nhã!”. Viên chánh án bảo họ im, và nói tiếp: “Xin cô cứ tiếp tục, và hãy nói cho chúng tôi biết sự việc đã xảy ra như thế nào?”
Rồi thình lình cô bắt đầu nói liên hồi, để xoa dịu con tim khép kín của cô, một con tim khốn khổ, đơn độc và bị giày vò, để trút hết nỗi muộn phiền của cô, trước mặt những con người nghiêm khắc mà cô đã coi như kẻ thù và những quan tòa ngoan cố.
-Vâng, chính ông Giô-dép Va-răng-bô, năm ngoái, khi ông về đây nghỉ.
-Ông Giô-dép làm nghề gì?
-Thưa ông, ông ấy làm hạ sĩ quan pháo binh. Ông ấy về nhà nghỉ hai tháng. Hai tháng hè. Còn tôi, tôi chẳng suy nghĩ chi cả, khi ông ấy bắt đầu để ý đến tôi, và tán tỉnh tôi, và vuốt ve tôi suốt ngày. Tôi đã để yên cho ông ấy. Ông ấy lặp đi lặp lại rằng tôi là một cô gái đẹp, tôi vui tính…rằng tôi hạp nhãn ông ấy…còn tôi, chắc chắn là ông ấy làm tôi hài lòng…Biết sao bây giờ?...Khi người ta cô độc, hoàn toàn cô độc như tôi, thì người ta sẽ tìm những chuyện ấy. Tôi cô độc trên thế gian này, thưa ông…tôi chẳng có ai để mà trò chuyện, để mà kể lể những muộn phiền…Tôi chẳng còn cha mẹ, anh em, chẳng còn ai cả! Khi ông ấy bắt chuyện với tôi, tôi có cảm giác ông như một người anh đi xa mới trở về. Và rồi, một buổi tối nọ, ông ấy rủ tôi đi xuống bờ sông, để tán gẫu mà không sợ gây ồn ào. Tôi đã đến đấy…Chuyện gì xảy ra sau đó?...Ông ấy ôm tôi…Không, không, tôi không muốn, chắc chắn như vậy…Tôi không thể…Tôi muốn òa lên khóc, nhưng không khí thật là êm ả…Hôm ấy có trăng sáng…Tôi không thể…không…tôi xin thề với các ông rằng…tôi không thể…Ông ấy đã làm tất cả những gì ông ấy muốn…và cảnh ấy còn kéo dài suốt ba tuần lễ sau đó, khi ông ta còn ở đấy…Lẽ ra tôi phải đi theo ông ấy đến tận cùng trời cuối đất…Ông ấy đã ra đi. Còn tôi thì không biết rằng mình đã có mang!...Tôi chỉ biết điều đó vào tháng sau.
Cô ta lại òa lên khóc to đến nỗi mọi người phải để cho cô có thời gian trấn tĩnh lại. Đoạn viên chánh án nói tiếp bằng giọng của một linh mục trong lễ thú tội: “Xem nào, cứ nói tiếp đi”.
Cô lại tiếp tục nói: “Khi biết rằng mình đã có mang, tôi liền báo cho bà đỡ Bu-đanh, bà đang ngồi kia kìa, để làm chứng điều ấy; và tôi hỏi bà cách thức xử lí trong trường hợp tôi trở dạ mà bà không đến được. Và tôi chuẩn bị tã lót quần áo cho đứa bé, đêm này qua đêm khác, đến tận một giờ sáng; và tôi tìm chỗ làm khác, vì tôi biết rằng mình sẽ bị đuổi việc, nhưng tôi muốn ở lại nhà này cho đến phút chót, để dè xẻn tiền nong, vì rằng tôi chẳng có tiền bạc là bao, trong khi tôi rất cần nó để lo cho cháu bé…
-Vậy là cô không muốn giết cháu?
-Ồ, chắc chắn là không, thưa ông.
-Vậy thì tại sao cô lại giết nó?
-Đấy là vấn đề. Tôi trở dạ sớm hơn tôi tưởng. Lúc ấy tôi đang ở trong bếp, khi vừa rửa chén bát xong.
Ông bà Va-răng-bô đã đi ngủ. Tôi leo lên gác một cách khó nhọc, hai tay bám lấy tay vịn cầu thang mà đu người lên, và tôi nằm xuống sàn nhà để không làm bẩn giường chiếu, cứ như thế suốt một giờ, hai giờ hoặc cũng có thế là ba giờ, tôi không hề biết, vì tôi đau quá; và tôi, tôi dùng hết sức để đẩy nó ra. Tôi cảm thấy nó vừa chui ra, và tôi nhặt nó lên. À! Vâng, tôi rất hài lòng, chắc chắn như vậy! Tôi đã làm tất cả những gì bà Bu-đanh khuyên tôi. Rồi tôi đặt nó lên giường. Rồi cơn quặn đau lại đến hành hạ tôi thêm nữa, một cơn đau muốn chết đi được! Nếu các vị biết được điều đó, các vị đàn ông ấy, thì các vị sẽ không gây ra đến độ như vậy, nhỉ? Tôi khuỵu người xuống, rồi nằm dài ra sàn nhà; rồi chuyện ban nãy lại lặp lại, thêm một hoặc hai giờ nữa, chỉ một mình tôi…và rồi một đứa bé khác chui ra. Hai đứa bé, vâng, hai đứa…thế đấy! Tôi bế cháu lên, như đã bế đứa đầu, và tôi đặt lên giường, cạnh đứa kia. Hai đứa, có thể được chăng? Hai đứa bé! Trong khi mỗi tháng tôi chỉ có thể kiếm được hai mươi quan! Các ngài xem, có thể được chăng? Một đứa, vâng, có thể được, bằng cách nhịn ăn nhịn mặc…Nhưng không thể hai đứa được! Điều ấy làm tôi quẫn trí! Biết làm gì bây giờ? Tôi không thể chọn lựa được!
Biết làm gì bây giờ? Tôi cảm thấy muốn chết đi được. Tôi lấy chiếc gối để lên trên mà không biết…Tôi không thể nuôi hai đứa được…Và tôi còn nằm lên trên đó nữa. Và tôi, tôi lăn lộn, gào khóc cho đến khi nhìn thấy ánh sáng ban ngày xuyên qua cửa sổ. Hai đứa đã chết dưới gối, chắc chắn rồi. Đoạn tôi bế chúng xuống cầu thang, tôi đi ra vườn, và chôn hai đứa xuống đất, sâu đến độ tôi không thể đào thêm được nữa, một đứa ở chỗ này, một đứa ở chỗ kia, không chôn chung nhau, để chúng không thể nói với nhau về mẹ chúng được, nếu chúng có thể nói. Biết làm sao bây giờ?
Và rồi tôi trở về phòng nằm, tôi đau đến độ không thể ngồi dậy nổi. Người ta đi mời bác sĩ lại. Ông ta hiểu ngay tất cả. Đó là sự thật, thưa quan tòa. Xin các ông cứ làm những gì các ông thích, tôi sẵn sàng chấp nhận.”
Phân nửa bồi thẩm đoàn khịt mũi liên hồi, để khỏi phải khóc. Các bà thì nức nở trong phòng xử. Viên chánh án hỏi thêm:
-Chị chôn đứa kia ở đâu?
Cô hỏi lại:
-Ông muốn đứa nào?
-Nhưng…đứa ở vườn rau…
-À, còn đứa kia ở vườn dâu, bên bờ giếng.
Và cô lại khóc nức nở, cô rên rỉ làm não lòng mọi người. Cô Rô-za-li Pruy-đăng được xử trắng án.