Utopia Địa Đàng Trần Gian Chương 1

Chương 1
Tôi sẽ rất sung sướng được tiếp kiến ông ta.

Một bất đồng tương đối nghiêm trọng1 mới nẩy sinh trong thời gian qua giữa đức ông hoàng đệ - vua Henry VIII của nước Anh chúng ta, một bậc thầy vĩ đại của nghệ thuật cai trị - và ông hoàng Charles của công quốc Castile. Nhà vua đã cử tôi đi sang đất Flanders để thảo luận và giải quyết sự vụ này, cùng với một người bạn của tôi là Cuthbert Tunstall2, một con người xuất sắc mới được cử phụ trách ban nhân sự và tài chính của đoàn luật sư và được tất cả mọi người đều ủng hộ. Tôi sẽ không nói gì về học vấn và đức độ của con người này - không phải vì sợ mình thành thiên vị, mà vì những phẩm chất tốt đẹp của ông thật quá sức mô tả của tôi, và cũng đã quá nổi tiếng chẳng cần đến ai phải mô tả chúng nữa. Tôi chẳng nên cầm đèn mà rọi mặt trời3.

Khi chúng tôi đến thành Bruges, một phái đoàn đại diện của xứ Castile đã chờ đón chúng tôi tại đó theo như lịch định. Họ gồm toàn những nhân vật quan trọng do đích thân thị trưởng Bruges dẫn đầu, một con người tuyệt vời, nhưng hầu hết câu chuyện lại do một nhân vật khác cầm trịch và lên tiếng, đó là ngài George de Theimsecke, hiệu trưởng đại học Cassel. Con người này là một diễn giả bẩm sinh, lại được tu nghiệp thật chu đáo để làm một chuyên gia luật pháp, cho nên quả thực ông ta có đầy đủ các bẩm tính và kinh nghiệm để làm một nhà thương thuyết thượng hạng. Sau vài buổi thảo luận, hai bên vẫn còn một số vấn đề chưa nhất trí được với nhau, cho nên phái bộ chủ nhà đề nghị tạm chia tay để trở về xin ý kiến của triều đình họ tại Brussels. Tôi bèn dùng thời gian tạm nghỉ đó để đi Antwerp thu xếp vài việc riêng.

Ở Antwerp tôi gặp được khá nhiều người, nhưng nhân vật mà tôi thích nhất là một chàng trai bản địa tên là Peter Gilles. Anh này được dân chúng địa phương rất kính trọng, và giữ một trọng trách trong hội đồng bản hạt tại địa phương. Nhẽ ra anh ta xứng đáng được ở ngôi cao nhất tại thành bang ấy, bởi quả thực tôi cũng không biết điều gì ở anh ta đã gây ấn tượng mạnh mẽ đến như vậy: trí tuệ của anh, hay là những phẩm chất đạo đức của anh. Không những là một người tinh tế lịch duyệt, anh còn là một học giả thông tuệ, cực kỳ công bằng với mọi người, mà đối với bằng hữu thì tỏ rõ một tấm lòng trung hậu bản nhiên, một tấm tình nồng nhiệt và thủy chung đến mức có lẽ chỉ có anh mới hội đủ những phẩm chất toàn diện nhất của tình bạn. Anh khiêm nhường hết sức, trung thực tuyệt đối, và mang một phong thái giản dị tinh tế rất riêng biệt. Anh còn là một diễn giả tuyệt vời, có thể rất sắc sảo mà vẫn không làm xúc phạm đến ai. Lúc ấy tôi đã xa nhà hơn bốn tháng trời và đang mong được trở về Anh quốc với vợ con, nhưng phải nói rằng nỗi nhớ nhà của tôi đã được nguôi ngoai phần lớn là nhờ có anh và những cuộc trò chuyện thật hấp dẫn với anh.

Hôm ấy, tôi vừa dự lễ sáng tại nhà thờ lớn Notre Dame, một công trình tráng lệ luôn chật ních giáo dân, và vừa sắp quay gót về khách sạn thì chợt nhìn thấy Peter Gilles đang nói chuyện với một người ngoại quốc đã đứng tuổi có gương mặt sạm nắng với bộ râu dài và một tấm áo choàng khoác hờ hững một bên vai4. Nhìn nước da và trang phục của người ấy, tôi đoán chừng ông ta là thủy thủ. Đúng lúc ấy, Peter cũng nhìn thấy tôi. Anh lập tức bước lại chào, và tôi chưa kịp đáp thì anh đã kéo tôi sang một bên.

“Đại huynh có thấy người kia không?” anh hỏi, ra hiệu về phía người mà anh đang chuyện trò vừa nãy. “Đệ vừa mới dẫn ông ta tới chỉ cốt để tiếp kiến đại huynh đó.”

“Nếu đó là bạn của hiền đệ,” tôi đáp, “tôi sẽ rất sung sướng được tiếp kiến ông ta.”

“Nếu biết ông ta là người thế nào,” Peter nói, “thì chắc chắn huynh sẽ rất thích cuộc hội ngộ này đấy - bởi lẽ không ai có thể kể cho huynh nghe nhiều chuyện về các xứ sở lạ lùng và những cư dân ở đó như người này. Mà đệ biết là huynh rất mê những câu chuyện như vậy.”

“Nếu quả như vậy thì tôi đoán cũng không sai lắm,” tôi nói. “Ngay lúc mới thấy ông ta, tôi đã nghĩ đó là một thủy thủ rồi.”

“Nhưng như thế thì huynh lại lầm to rồi,” Peter đáp. “Đệ muốn nói rằng đây không phải là một thủy thủ kiểu Palinurus5 đâu. Ông ta thực sự giống như một Ulysses, thậm chí như Plato vậy. Huynh sẽ thấy, ông bạn Raphael này của chúng ta - bởi đó chính là tên ông ta, Raphael Hythlodaeus6, thực sự là một học giả. Ông ta biết khá nhiều tiếng Latin và rất thông thạo tiếng Hy Lạp. Ông tập trung vào tiếng Hy Lạp, vì ông quan tâm chủ yếu đến triết học, và thấy rằng sách vở Latin chẳng có gì quan trọng viết về chủ đề này, ngoài một vài tác phẩm của Seneca và Cicero7. Ông muốn đi để thấy thiên hạ, nên đã để cho mấy người anh em cai quản tài sản của mình ở Bồ Đào Nha - chính là quê hương ông - rồi lên đường rong ruổi cùng với Amerigo Vespucci. Chắc huy nh đã biết đến cuốn Bốn Chuyến Du Hành8 của Vespucci mà mọi người đều đang đọc chứ? Chẳng là, ông khách Raphael chính là bạn đồng hành của Vespucci trong suốt ba chuyến du hành về sau, chỉ khác một cái là họ đã không cùng trở về nhà với nhau. Raphael đã nài bằng được Vespucci phải cho ông được ở lại cùng với hai mươi tư người mà Vespucci đã cắm lại trên tòa pháo đài nọ9. Và thế là ông ở lại đó để thỏa cái trí lãng du của mình, niềm đam mê duy nhất của ông. Ông ta không hề băn khoăn rồi mình sẽ chết ở đâu, và lúc nào cũng tâm đắc với hai câu nói, rằng “Người chết không mồ đã có trời xanh làm chiếu,” và “Ta có thể lên thiên đàng từ bất cứ nơi nào” - một thái độ mà xin Thượng đế bao dung đại xá cho, có thể dẫn người ta vào những hoàn cảnh khó lường nghiêm trọng. Thế rồi, khi Vespucci đã rời pháo đài đó, Raphael liền tổ chức nhiều chuyến thám hiểm cùng với 5 người trong số các thủy thủ ở lại với mình. Cuối cùng, nhờ cực kỳ may mắn mà họ đến được đảo Ceylon. Từ đó, ông ta đã tìm đường đến tận Calicut và gặp được vài con tầu Bồ Đào Nha ở đó, để rồi được họ cho quá giang về nhà một cách hoàn toàn bất ngờ.”

“Quả tình tôi phải cám ơn hiền đệ rất nhiều,” tôi nói. “Nhất định là tôi sẽ rất sung sướng được tiếp chuyện một nhân vật như thế. Xin đa tạ hiền đệ đã cho tôi cơ hội này.”

Rồi tôi bước đến chỗ Raphael và bắt tay ông ta. Sau vài câu chào hỏi xã giao như lệ thường sơ kiến, chúng tôi cùng về khu vườn tại khách sạn nơi tôi đang tá túc, cùng ngồi xuống một chiếc ghế băng có nệm cỏ mềm và bắt đầu trò chuyện thoải mái.

Trước hết, Raphael kể cho chúng tôi nghe những chuyện đã xảy đến với ông và bọn người trên pháo đài sau khi Vespucci bỏ họ lại ở đó. Bằng thái độ lễ phép và những hành vi thân thiện, họ dần dần hòa mình được với cư dân bản địa. Chẳng mấy chốc, họ đã có quan hệ không những là hòa hảo mà còn thắm thiết nữa với dân chúng. Đặc biệt, họ giao hảo rất thân với một vị vua mà tên tuổi và quốc tịch tôi đã quên mất cả. Ông vua này hào phóng chu cấp cho Raphael và năm bạn đồng hành của ông đầy đủ lương thực và tiền bạc để thực hiện các chuyến thám hiểm, bao gồm cả việc sử dụng thuyền bè và ngựa xe. Ông vua còn cho họ một người dẫn đường rất đáng tin cậy, ra lệnh cho viên hướng đạo này phải đưa đoàn thám hiểm đến gặp nhiều vị vua khác, và còn viết thư giới thiệu đoàn với các vương quốc đó hẳn hoi. Và thế là sau nhiều ngày lênh đênh, họ đã đến được nhiều thành bang rộng lớn và nhiều vùng dân cư đông đúc có những cơ cấu tổ chức chính trị rất phát triển.

Tất nhiên, khi qua vùng xích đạo, họ đã thấy những hoang mạc mênh mông cháy bỏng dưới nắng trời triền miên. Mọi vật đều ảm đạm và hoang vắng. Không hề có dấu hiệu canh tác nào, không thấy có giống vật nào ngoại trừ các loài rắn và thú dữ, hoặc những giống người cũng hoang dã và dữ tợn không kém. Nhưng đi xa hơn nữa, mọi vật lại dần dần khá hơn. Khí hậu đỡ khắc nghiệt, đất đai trở nên xanh tốt và dễ chịu hơn, con người và các loài vật cũng đỡ dữ dằn hơn. Cuối cùng, họ đến những vùng mà con người sinh sống trong các thành bang lớn nhỏ, không ngừng buôn bán bằng cả đường thủy và đường bộ. Không những họ buôn bán lẫn với nhau và với lân bang, mà còn với cả những xứ sở xa xôi nữa.

“Vậy là tôi đã có dịp đi rất nhiều,” Raphael nói. “Hễ thấy một con tàu sắp giương buồm ra khơi là tôi lại hỏi xin họ cho tôi và các bạn tôi cùng đi, và luôn luôn chúng tôi được người ta hồ hởi mời lên tàu. Những con tàu đầu tiên mà chúng tôi thấy là loại tàu đáy bằng, có buồm làm bằng lá cây papyrus(*) khâu lại với nhau, hoặc bằng mây tre đan, có khi bằng cả da thuộc. Nhưng các con tàu sau này thì đều có sống nhọn và buồm bằng vải bố, nói chung là tương tự như tàu thuyền của chúng ta. Thủy thủ các xứ ấy nói chung hiểu biết rất rõ về gió máy và thủy triều, nhưng họ đều rất quí trọng tôi khi tôi bày cho họ cách sử dụng la bàn dùng nam châm. Họ chưa từng nghe thấy dụng cụ này bao giờ, và vì vậy mà vẫn sợ hãi biển cả, chỉ dám ra khơi xa trong mùa hè mà thôi. Còn nay thì họ tin tưởng vào cái la bàn đến mức những chuyến ra biển mùa đông không còn là gì với họ nữa, mặc dù cái cảm giác an toàn mới mẻ ấy của họ chỉ hoàn toàn là chủ quan. Sự thể là tâm lí quá tự tin ấy của họ có thể còn biến cái phát minh đắc dụng của chúng ta là chiếc la bàn thành mối hiểm họa nữa là đằng khác.”

Nhắc lại những câu chuyện mà ông ta kể về từng vùng đất ấy sẽ mất rất nhiều thời gian; vả lại đó cũng không phải là mục đích của cuốn sách này. Có lẽ tôi sẽ dành một cuốn sách khác cho những câu chuyện đó, tập trung vào những chi tiết có tính giáo dục nhất, ví dụ như những nhận xét của ông ta về nhiều cách tổ chức xã hội rất có lí của nhiều cộng đồng văn minh khác nhau. Có những điểm chúng tôi hỏi ông rất cặn kẽ, và ông cũng trả lời rất chu đáo và nhiệt tình. Chúng tôi không hỏi xem ông có gặp phải loài quái vật nào không, vì quái vật không còn là cái gì mới mẻ nữa. Chẳng bao giờ thiếu những giống vật khủng khiếp vẫn rình ăn thịt người, cướp miếng ăn của người, và nuốt chửng cả từng dân tộc một; nhưng rất khó tìm được ví dụ về những phương cách tổ chức xã hội thông minh và nhân đạo.

Tất nhiên, ông ta đã thấy nhiều điều đáng lên án tại Tân Thế Giới, nhưng cũng phát hiện được nhiều qui củ có thể gợi ý để cải cách xã hội châu Âu. Những chuyện này, tôi xin nói ngay ở đây, có lẽ sau này mới có thể đề cập đến. Ý định hiện nay của tôi chỉ là nhắc lại những gì ông ta nói về luật pháp và phong tục ở Utopia.

Tôi phải bắt đầu bằng cách ghi lại cuộc trò chuyện đã dẫn đến việc ông ta lần đầu tiên nhắc tới nước cộng hòa đó đã. Sau khi đã phê phán một cách rất sắc sảo những sai lầm mà con người đang phạm phải ở cả hai nửa địa cầu - mà hiển nhiên là rất nhiều - Raphael chuyển sang bàn thảo về những đặc điểm tinh tế hơn trong hệ thống luật pháp của hai thế giới cũ và mới. Ông ta nắm vững các dữ kiện của từng quốc gia như thể đã suốt đời sống ở mỗi nước đó chứ không phải ch dừng chân qua đêm mà thôi. Anh bạn trẻ Peter Gilles đặc biệt bị lôi cuốn và ấn tượng rất mạnh.

PETER: Thưa Raphael tiên sinh, tôi thấy rất lạ tại sao tiên sinh không đăng triều phục vụ một đấng quân vương nào đó. Tôi dám chắc rằng bất kì một ông vua nào cũng sẽ không để mất cơ hội được trọng dụng tiên sinh. Với kiến thức và kinh nghiệm như thế, tiên sinh thực chính là người không những có thể làm vui họ, mà còn cho họ những giáo huấn và những lời khuyên bổ ích. Làm thế, tiên sinh lại còn có thể vun đắp cho quyền lợi của chính mình cũng như bạn bè và thân quyến của mình nữa.

RAPHAEL: Tôi chẳng phải lo gì cho ai cả. Tôi nghĩ mình đã hoàn thành nghĩa vụ của mình với mọi người. Hầu hết người ta đều bám chặt lấy tài sản của mình cho đến khi không còn bám được nữa vì già yếu hoặc bệnh tật - mà rồi đến lúc ấy vẫn cứ không chịu buông bỏ một cách thanh thản. Còn tôi, tôi đã chia sẻ tài sản của mình với thân quyến bạn bè ngay từ lúc còn trẻ khỏe. Tôi chắc rằng họ đều thỏa mãn cả rồi, và không ai có quyền mong tôi phải dấn thân thêm nữa để vì quyền lợi của họ mà trở thành nô lệ cho một ông vua nào đó.

PETER: Xin Thượng đế tha tội! Phục vụ chứ không phải làm nô lệ! Đó là điều tôi muốn gợi ý.

RAPHAEL: Chữ thì có khác, nhưng thực chất nào có khác gì.

PETER: Tiên sinh nói vậy thì tôi xin chịu. Nhưng tôi vẫn nghĩ đó là con đường tốt nhất để tiên sinh có thể giúp đỡ người khác, cá nhân cũng như tập thể, đồng thời cũng là để cho cuộc sống của tiên sinh được vui thú hơn.

RAPHAEL: Làm sao có thể được như vậy khi tôi phải hành động trái với bản tính của mình? Hiện tôi đang sống đúng như mình muốn, mà điều đó, nói thật nhé, chưa chắc đã có ai trong đám triều thần dám nói. Hơn nữa, vua chúa lúc nào cũng có thừa người luôn tranh nhau để được yêu. Không có tôi hoặc vài người như tôi, thì họ đỡ vất vả hơn trong cuộc tranh giành ấy.

MORE: Thưa tiên sinh Raphael, rõ ràng là tiên sinh không màng đến tiền tài và quyền lực, và điều đó khiến tôi kính trọng tiên sinh bội phần, cho dù tiên sinh có là một đấng quân vương vĩ đại nhất đi nữa thì cũng không làm tôi kính trọng tiên sinh hơn được. Nhưng chắc cũng chẳng có gì trái với tinh thần triết học đáng trân trọng của chúng ta nếu tiên sinh có thể dấn thân, thậm chí chịu đựng một vài bất cập cá nhân, để đem tài năng và sức lực của mình phục vụ công chúng hay sao? Và cách hiệu quả nhất để thực hiện việc đó là tranh thủ được lòng tin của một ông vua, rồi phò tá ông ta với những lời khuyên thực sự hướng thiện của mình. Bởi lẽ mỗi ông vua là một nguồn ban ân phát tội không ngừng nghỉ như ngọn suối nhuần gội đến tất cả dân chúng vậy. Còn tiên sinh thì vừa thừa thãi tri thức lý thuyết lại vừa sâu dày kinh nghiệm thực tế, đến mức chỉ một trong hai năng lực ấy thôi cũng đã thừa đủ để tiên sinh làm một thành viên lí tưởng của bất kỳ một nội các nào.

RAPHAEL: Bạn nhầm to rồi, ông bạn More thân mến của tôi, trước hết là nhầm v ề bản thân tôi, sau đó là nhầm về bản thân công việc mà bạn vừa nói đến. Tôi không tài giỏi đến mức như bạn nghĩ đâu, mà nếu có đi nữa thì tôi cũng chẳng thể đóng góp gì cho cộng đồng bằng cách tự mình mua thêm việc cho mình đâu. Này nhé, hầu hết vua chúa chỉ quan tâm đến khoa học chiến tranh - là cái mà tôi chẳng biết tí gì và cũng chẳng muốn biết - chứ chẳng mấy để ý đến các khoa học hữu ích trong thời bình. Họ luôn lo lắng và sẵn sàng ve vãn lừa phỉnh để tìm cách mở rộng bờ cõi, chứ không lo thu xếp cai trị cho thật đàng hoàng những gì đã có trong tay. Ngoài ra, các vị trưởng quan trong nội các thì một là đã thừa thông minh để không cần phải hỏi ý kiến ai, hai là thừa ngạo mạn để có thể lắng nghe lời khuyên của ai - mặc dù hiển nhiên là họ đều luôn sẵn sàng hưởng thụ mọi ân huệ của nhà vua bằng cách đồng tình với cả những ý kiến ngu xuẩn nhất của vua vậy. Nói cho cùng, bẩm tính muôn loài là chỉ biết mê đắm những tạo tác của chính mình. Cho nên lũ quạ con là nguồn vui thú của cha mẹ chúng, và đười ươi mẹ bao giờ chẳng thấy con mình là tuyệt sắc giai hầu.

Hết chương 1. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.

Nguồn: truyen8.mobi/t26269-utopia-dia-dang-tran-gian-chuong-1.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận