Vậy là bạn có một nhóm người đầu óc đầy thành kiến sâu nặng với mọi tư tưởng của người khác, hoặc khá nhất thì cũng chỉ biết ưa những ý kiến của chính mình. Giả dụ bạn là một người trong nhóm đó, và bạn lên tiếng đề nghị một chính sách mà bạn đã thấy ở đâu đó, hoặc đã tổng kết được từ một tiền lệ lịch sử nào đó, vậy điều gì sẽ xảy ra? Bọn người ấy sẽ xử sự như thể uy tín chuyên môn của họ đang bị đe dọa nghiêm trọng, và họ sẽ trở thành một lũ ngốc đến hết đời nếu không tìm được một lời phản bác nào chống lại đề nghị của bạn. Mà nếu cùng đường thì phản ứng của họ sẽ là: "Vấn đề này ông cha ta đã vẫn giải quyết như từ xưa đến nay, chúng ta là ai mà dám nghi ngờ trí tuệ của tiền nhân?" Rồi họ sẽ ngả sâu vào ghế bành với cung cách của một người vừa nói những lời phán quyết cuối cùng, cứ như thể sẽ là một tai họa tày trời nếu có ai bị bắt quả tang dám thông minh hơn tổ tiên mình vậy! Ấy thế nhưng họ lại luôn sẵn sàng lật ngược những quyết định có lí nhất của mình. Mà chỉ có những quyết định kém thông minh nhất là được họ bám chặt lấy như thể sắp chết vậy. Tôi đã trải qua tình cảnh hỗn độn này của lòng ngạo mạn, đầu óc ngu xuẩn và thái độ ngang bướng ở rất nhiều nơi. Thậm chí tôi đã một lần gặp tình trạng ấy ở chính nước Anh.
MORE: Thật vậy sao? Tiên sinh đã từng tới cố quốc của tôi sao?
RAPHAEL: Thưa vâng. Tôi đã ở đó nhiều tháng trời, ngay sau cuộc huynh đệ tương tàn vốn khởi sự từ cuộc tao loạn ở miền tây và kết thúc bằng vụ tàn sát thảm khốc phiến quân ngày đó. Trong thời gian ở Anh, tôi nhận được rất nhiều ưu ái của Đại đức John Morton10 - Tổng Giám mục xứ Canterbury. Ngài cũng là một Hồng y Giáo chủ, và lúc bấy giờ đang là quan Thượng thư của triều đình Anh quốc. Tôi phải nói vài lời về Ngài để bạn Peter đây được biết, vì tôi chắc túc hạ More đã biết rất rõ về con người ấy. Đại đức Morton là người mà ai nấy đều kính phục, không những về trí tuệ và đạo đức, mà còn vì Ngài là một Hồng y Giáo chủ vĩ đại. Ngài tầm thước, và mặc dù tuổi tác đã cao nhưng dáng người vẫn thẳng. Ngài có gương mặt khiến người ta phải tôn kính mà không sợ hãi. Với ai Ngài cũng giản dị dễ chịu, mặc dù lúc nào cũng nghiêm trang và cẩn trọng. Phải công nhận rằng Ngài thường gay gắt với những người đến cầu cạnh việc làm, nhưng không phải vì ác ý. Ngài xử sự như vậy để thử thách trí thông minh và tính nhạy bén của họ, những phẩm chất mà Ngài cho là không thể thiếu nếu được phát huy một cách kín đáo để phục vụ công chúng. Ngài là một diễn giả uyên bác và rất thuyết phục, và hiểu biết thấu đáo mọi thứ luật pháp. Trí lực Ngài thật đáng khâm phục, và trí nhớ Ngài thật vô song - hai tài năng bẩm sinh mà Ngài đã phát huy đến cao độ nhờ học vấn và luyện tập.
Hiển nhiên là nhà vua rất tin cẩn Ngài, và trong thời gian tôi ở nước Anh thì hình như cả quốc gia đều nhờ cậy ở Ngài vậy. Cũng chẳng có gì quá ngạc nhiên, vì ngay sau khi tốt nghiệp đại học, vẫn còn trẻ măng, Ngài đã được đề bạt sang Tòa án và từ đó suốt đời làm việc tại chốn công đường, từng trải biết bao sự vụ khó khăn và khủng hoảng để tự vun đắp trí thông sáng của mình. Chẳng có cách học nào bằng học từ thực tiễn là thế.
Có lần tôi tình cờ dùng bữa tối với Ngài và một luật sư ở đó. Tôi không nhớ tại sao chúng tôi lại đề cập đến chủ đề ấy, nhưng chỉ nhớ là vị luật sư nọ đang lên tiếng rất hùng hồn về những biện pháp cứng rắn mà họ áp dụng để giải quyết nạn trộm cắp.
“Chúng tôi treo cổ chúng khắp nơi,” ông ta nói, “Tôi đã từng thấy tới hai mươi xác người lủng lẳng trên cùng một cái giá treo cổ. Và chính vì vậy mà tôi thấy lạ. Nếu chẳng có mấy tên chạy thoát, tại sao bọn trộm cắp vẫn cứ hoành hành nhan nhản như thế?”
“Chuyện ấy có gì là lạ,” tôi nói - tôi chẳng bao giờ ngại nói thẳng trước mặt đức Hồng y Giáo chủ. “Phương pháp của các ngài vừa bất công vừa có hại cho xã hội. Để trừng phạt thì như vậy là quá khắt khe, mà để răn đe thì lại hoàn toàn không có hiệu quả. Trộm cắp không phải là tội đáng phải tử hình, và không có hình phạt nào dưới gầm trời này có thể ngăn ngừa được trộm cắp nếu như đó là cách duy nhất để người ta sống sót. Về chuyện này thì người Anh các ngài, cũng như nhiều dân tộc khác, khiến tôi nghĩ đến các thầy giáo bất lực chỉ biết đánh học trò chứ không biết dạy dỗ chúng. Thay vì áp dụng những hình phạt khủng khiếp nọ, ta nên tìm mọi cách để ai cũng có phương tiện kiếm sống, sao cho không ai bị hoàn cảnh thúc ép mà phải trở thành trộm cắp, rồi thành một cái xác không hồn.”
“Nào có phải họ thiếu phương tiện kiếm sống đâu,” ông luật sư bẻ lại. “Có rất nhiều việc mà họ có thể làm. Đồng ruộng lúc nào chẳng thiếu người làm. Họ hoàn toàn có thể sống lương thiện nếu họ muốn thế, nh ưng họ lại lựa chọn con đường phạm tội."
“Các ngài không thể rũ bỏ vấn đề như vậy được,” tôi nói. “Để tranh biện việc này, ta hãy cứ gác lại một bên trường hợp của những thương binh, người đã mất chân cụt tay khi phục vụ triều đình và tổ quốc, chiến đấu tại quê hương hoặc hải ngoại - ví dụ như trong trận dẹp nội loạn11 hoặc cuộc chiến với nước Pháp12 vừa rồi chẳng hạn. Khi một thương binh như vậy trở về nhà, anh ta rơi vào tình cảnh tàn phế không thể làm nghề cũ của mình, hoặc là đã quá già để kịp bắt đầu tập một nghề mới. Nhưng như tôi đã nói, ta hãy gác trường hợp này sang một bên, bởi dù sao thì chiến tranh cũng chỉ là một hiện tượng nhất thời. Ta hãy cùng xét những trường hợp thường nhật cái đã.
“Vậy thì, trước tiên hãy xem đám quí tộc, là những người chỉ biết sống ăn bám trên lao động của người khác, hoặc chính xác hơn là lao động của tá điền, và luôn bóc lột họ đến tận xương tủy bằng cách liên tục tăng mức tô phải nộp. Đó là cách duy nhất để họ kiếm tiền chi tiêu cho cuộc sống xa xỉ của mình. Nhưng xa xỉ một mình chưa đủ, họ còn tập hợp một lũ thực khách lâu la cũng chỉ biết lười biếng ăn chơi như mình, lũ người không bao giờ được dạy dỗ làm một nghề gì thực sự để kiếm sống. Khi chủ qua đời, hoặc khi bản thân ngã bệnh, bọn thực khách này lập tức bị sa thải, vì những quan thầy quí tộc chỉ có cảm tình với lười nhác chứ không ưa gì bệnh tật, hoặc giả con cháu thừa tự của họ không còn đủ tiền bạc để nuôi không những bầy thực khác đông đúc như thế nữa. Một thực khách bị sa thải như vậy sẽ hoặc là rơi vào tình cảnh đói khát tàn bạo, hoặc sẽ phải tàn bạo để khỏi đói khát. Vì anh ta làm gì có lựa chọn nào khác? Tất nhiên, anh ta có thể lang thang cho đến lúc thân tàn ma dại, và trong cảnh ấy sẽ chẳng tìm được một quý tộc nào muốn cưu mang mình. Và cũng chẳng có người trại chủ nào dám mướn anh ta, dám mong đợi một kẻ từ nhỏ đã chỉ biết sống trong nhung lụa, chỉ quen trưng diện và ngúng nguẩy, chỉ biết khinh rẻ mọi người, có thể chịu cầy cuốc vất vả để đổi lấy miếng ăn đạm bạc và đồng lương mạt hạng.”
“Nhưng đó lại chính là hạng người mà chúng ta cần nâng đỡ,” ông luật sư cự lại. “Khi có chiến tranh, họ chính là lực lượng nòng cốt của quân đội, đơn giản là vì họ có tinh thần và biết tự trọng hơn đám thương gia hoặc nông phu.”
“Ngài cũng có thể nói rằng,” tôi đáp, “chỉ vì muốn làm chiến tranh mà các ngài đã tạo ra nạn trộm cắp vậy. Khi nào mà xã hội còn có những kẻ ăn bám như thế thì còn có trộm cắp. Và tất nhiên là ý kiến của ngài rất chính xác: bọn trộm cắp có thể thành những người lính giỏi, và lính có thể trở thành những tay trộm cừ khôi nhất. Hai cái nghề ấy có rất nhiều đặc tính giống nhau. Tuy nhiên, vấn đề này không phải nước Anh mới có, mặc dù tình trạng của các ngài có vẻ khá nghiêm trọng. Đây quả thực là một nạn dịch của cả thiên hạ. Ví dụ như nước Pháp, họ cũng đang bị nạn trộm cắp hoành hành dữ dội. Ở đó, ngay trong thời bình, nếu có thể gọi như thế, xã hội cũng nhan nhản bọn lính đánh thuê mà người ta tuyển về chỉ để thỏa mãn nhu cầu lâu la của các dòng họ quí tộc. Ngài thấy đấy, các chuyên gia đã quyết định rằng vì quyền lợi an ninh quốc gia, họ phải có một đội quân thường trực hùng mạnh bao gồm toàn các cựu binh chuyên nghiệp. Và họ không tin vào lính mộ tân binh đến mức lúc nào cũng tìm cách gây hấn để có chiến tranh, cốt để cho đám lính chuyên nghiệp kia của họ có cơ hội cắt cổ người “cho khỏi chùn tay,” như Sallust13 tiên sinh đã viết rất hay như vậy.
“Vậy là nước Pháp đã phải cay đắng rút ra bài học về hiểm họa của việc nuôi dưỡng những kiêu binh man rợ kia. Nhưng các xứ khác cũng chẳng thiếu những bài học như vậy. Hãy đọc lịch sử của La Mã, Carthage, Syria và nhiều quốc gia khác nữa. Đã biết bao nhiêu lần, các lực lượng quân đội thường trực kia đã tận dụng thời cơ để lật đổ chính vương triều đang thuê mướn mình, tàn phá lãnh thổ và chính các thành bang mà họ có nhiệm vụ phải bảo vệ. Vì vậy mà việc thuê mướn họ là hoàn toàn không cần thiết. Rõ ràng, thực tế đã cho thấy là quân đội chuyên nghiệp của Pháp không phải lúc nào cũng đánh bại được lực lượng tân binh tuyển mộ trong thời chiến của các ngài. Tôi xin phép không dám nói thêm vì sợ có thể các ngài sẽ cho tôi là có ý phỉnh nịnh chăng.”
“Ngoài ra, không thể vơ đũa cả nắm rằng hai loại người mà ngài đã nhắc tới là đám thương gia ở thành phố và đám nông phu ở đồng quê đều sợ hãi bọn tùy tùng của quý tộc kia đến như vậy, trừ phi họ rơi vào cảnh lực bất tòng tâm hoặc tinh thần họ đã bị cảnh nghèo hèn kéo dài làm suy sụp. Thực tế là đám tùy tùng thực khách nọ ban đầu đều rất cường tráng, vì chẳng có quý tộc nào thèm làm hỏng một kẻ kém cỏi, nhưng rồi họ đều dần trở thành bị thịt trong cảnh ăn không ngồi rồi, hoặc chỉ làm nổi những việc mà bất kì một phụ nữ nào cũng có thể làm được. Cho nên sự thực là sẽ chẳng hại gì đến giá trị tu mi nam tử của đám tùy tùng thực khách này nếu họ được huấn luyện làm những việc có ích và sử dụng sức vóc của họ cho đáng mặt đàn ông. Nhưng trong hoàn cảnh nào đi nữa thì tôi cũng không thể chấp nhận việc lấy cớ bảo vệ công chúng để chuẩn bị chiến tranh bằng cách nuôi dưỡng một lực lượng luôn quấy rối hòa bình, trong khi hòa bình lại quan trọng hơn gấp bội phần, và chiến tranh chỉ là việc cùng bất đắc dĩ mới phải làm.
“Nhưng đó không phải là điều duy nhất khiến cho người ta phải trộm cắp. Còn có những yếu tố khác nữa, tôi nghĩ thế, đặc biệt chỉ có ở đất nước các ngài.”
“Xin hỏi đó là những gì?” Đức Hồng y lên tiếng.
“Là những con cừu, thưa ngài,” tôi đáp. “Những con vật hiền lành thường ăn rất ít này giờ đây đã trở thành một bọn ăn thịt người không biết no. Đồng ruộng, nhà cửa, thành thị, tất cả đều bị chúng nuốt chửng. Nôm na hơn, ở những nơi mà vương quốc các ngài đang sản xuất ra những thứ len lông cừu hảo hạng và đắt tiền nhất, các nhà quý tộc và trưởng giả, ấy là chưa kể đến những thầy tu thánh thi n, đã đang ngày càng không thỏa mãn với những thu nhập mà cha ông họ đã từng kiếm được từ điền sản của mình. Họ không còn bằng lòng với cuộc sống sung túc nhàn hạ vốn đã chẳng có ích gì cho xã hội của họ nữa, mà phải tích cực làm hại xã hội bằng cách khoanh hết đất đai họ có thể chiếm cứ được để biến chúng thành đồng cỏ, không còn để lại chút gì để canh tác nữa. Thậm chí họ còn triệt hạ cả nhà cửa và cả từng thị trấn nữa - tất nhiên là họ vẫn nhớ để lại các nhà thờ mà họ dùng để làm chuồng nhốt cừu. Hình như vẫn chưa bằng lòng với việc đã phí phạm đất đai cho cả các khu săn bắn và nuôi dưỡng thú mồi của mình, những con người tử tế này đã đang phá hủy mọi dấu vết cư trú của con người và biến từng mảnh ruộng một thành đất hoang.”
“Vậy điều gì sẽ xảy ra? Từng cá nhân tham lam ấy cứ thế nhào xuống mảnh đất quê hương của mình như một loài nấm độc lan nhanh nuốt chửng hết thửa ruộng này đến thửa ruộng khác, rồi bao bọc hàng ngàn hàng vạn mẫu đất trong một hàng rào duy nhất của mình. Kết quả là hàng trăm ngàn nông dân bị đuổi đi. Họ bị lừa phỉnh hoặc bị đe dọa để tự nguyện dâng nộp ruộng đất của mình, hoặc bị áp bức một cách có hệ thống cho tới khi bắt buộc phải bán xới tất cả để đi nơi khác. Cách nào đi nữa thì những con người khốn khổ ấy cũng phải ra đi, đàn ông đàn bà, chồng, vợ, cô nhi và quả phụ, mẹ trẻ con thơ, đàn đàn lũ lũ cùng với những người vẫn làm công cho họ mà số lượng đông đảo của đám này không hề phản ánh mức độ khá giả của họ chỉ đơn thuần cho thấy một thực trạng là họ không thể cày cấy chăm bón ruộng đất mà không có thật nhiều nhân lực. Họ phải rời bỏ quê hương thân thuộc của mình và không thể tìm thấy nơi nào để làm lại cuộc đời. Họ phải bán xới hết đồ đạc, nhưng cho dù có cố đợi cho đến lúc có người chịu trả giá xứng đáng thì cũng chẳng được là bao. Mà họ lại không thể nấn ná như vậy được, nên đành phải bán rẻ được đồng nào hay đồng nấy để rồi còn phải ra đi. Lang thang cho đến khi đã ăn hết chỗ tiền ít ỏi đó, thử hỏi họ còn có thể làm gì ngoài trộm cắp, để rồi phải lên đoạn đầu đài? Vâng thì họ có thể thà làm kẻ vô gia cư và đi ăn xin, nhưng rồi cũng sẽ vì vậy mà bị bắt bỏ ngục vì tội lang thang lêu lổng nếu không có ai chịu thuê mướn họ vào việc gì. Bởi họ bình sinh chỉ thạo nghề nông trại, mà nông trại đâu có còn nữa để có ai cần đến họ làm gì. Quả thực, mỗi vùng đồng cỏ thả cừu hoặc bò chỉ cần có một người chăn, trong khi muốn trồng ngô cũng trên một vùng ấy thì phải có rất nhiều người làm.”
“Chính vì thế mà giá ngô ở nhiều nơi tăng lên rất cao. Giá len cũng tăng vọt đến mức nhiều nhà làm nghề dệt đan không thể mua được nguyên liệu cho mình, có nghĩa là lại thêm rất nhiều người bị mất việc làm. Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do nạn dịch đã giết chết một số lớn đàn cừu ngay sau khi người ta bắt đầu biến đồng ruộng thành đồng cỏ. Hình như đã có một sự trừng phạt nào đó giáng xuống tội tham lam của bọn địa chủ - chỉ tội là đáng nhẽ chính bọn tham lam này phả i chịu bệnh dịch ấy chứ không phải bầy cừu.”
“Mà cho dù có nhiều cừu đến mấy thì giá cả cũng chẳng giảm, bởi lẽ thị trường đã thành ra, nếu như không phải là độc quyền - tức là chỉ có một người bán, thì cũng là hội quyền. Nghĩa là thị trường cừu đã hoàn toàn bị kiểm soát bởi một hội cự phú chỉ có vài người với nhau, và họ chỉ bán ra khi thấy cần thiết và được giá. Việc này cũng làm cho giá cả các gia súc khác tăng lên, nhất là trong tình hình ngày càng hiếm người chăn nuôi do thiếu đất nông trại cũng như sự suy thoái chung của nông nghiệp. Bởi vì bọn cự phú mà tôi vừa nói đến không hề chăn nuôi cừu hoặc các gia súc khác theo đúng nghĩa của việc này. Họ chỉ bỏ tiền ra mua rẻ những đàn gia súc gày còm của người khác, vỗ béo chúng trong những đồng cỏ riêng của mình, rồi bán lại lấy lãi. Tôi cho rằng người ta vẫn chưa thấy hết được hậu quả của tình hình này. Cho đến nay, họ mới chỉ làm giá cả gia tăng ở những vùng họ bán ra, nhưng nếu họ cứ tiếp tục thuyên chuyển gia súc từ vùng này qua vùng kia nhanh chóng hơn tốc độ sinh sôi của chúng, thì ngay những vùng chăn nuôi con giống kia cũng sẽ đến lúc cạn kiệt và dẫn đến tình trạng khan hiếm ở khắp nơi.”
“Và thế là một số ít con người tham lam đã biến những thuận lợi tự nhiên lớn lao của nước Anh thành một thảm họa của cả dân tộc ấy. Bởi lẽ thức ăn đắt đỏ sẽ buộc người ta phải giảm bớt nhiều người làm công, cũng có nghĩa là biến họ thành ăn mày hoặc trộm cướp. Mà con người ta thì càng có chí tiến thủ bao nhiêu lại càng dễ thành trộm cướp bấy nhiêu.”
“Tệ hơn nữa, cảnh nghèo khổ càng khốn nạn thì thói xa hoa lại càng thêm đàng điếm. Từ gia nhân, thương gia, cho đến cả tá điền, và thực tế là mọi tầng lớp của xã hội, ai cũng say mê đua đòi ăn ngon mặc đẹp. Và thử nghĩ xem đã có bao nhiêu nhà thổ mọc lên, kể cả những nhà thổ trá hình làm nhà nghỉ, khách sạn và trà đình tửu điếm. Rồi thì những trò giải trí vô luân như xóc đĩa, tổ tôm, bài lá, bóng quần, bóng ném... tất thảy chẳng qua chỉ là những phương cách tiêu xài phung phí và đem con người ta vào thẳng con đường tội lỗi và trộm cướp.”
“Hãy xóa bỏ hết những thói chơi bời tệ hại ấy. Hãy ra một luật lệ bắt tất cả những ai đã triệt hạ một nông trại hoặc một thị trấn phải tự mình xây lại nó hoặc trao lại đất đai ấy cho người nào muốn làm việc đó. Hãy ngăn cấm bọn cự phú không để chúng lũng đoạn thị trường và thiết lập những độc quyền của chúng. Hãy giảm bớt số người bị hoàn cảnh buộc phải thất nghiệp. Hãy khôi phục nông nghiệp và ngành sản xuất len sao cho có thật nhiều việc làm chính đáng để thu hút tối đa lao động chưa được sử dụng - trong đó có cả những người còn đang phải trộm cắp, những người đang phải lang thang vô gia cư có nguy cơ trở thành trộm cắp. Cho đến lúc làm được những việc đó, các ngài không có quyền khoe những biện pháp trừng trị trộm cắp của mình, bởi lẽ thứ pháp luật ấy chỉ ra oai ở cái tên mà hoàn toàn vô dụng và có hại cho xã hội. Các ngài để mặc người ta phải lớn lên trong khốn khổ và bị tha hóa một cách có hệ thống kể từ lúc mới ra đời, cho đến lúc người ta phải phạm những tội lỗi theo đúng số phận của mình thì các ngài lại trừng phạt người ta. Nói thẳng ra, các ngài tạo ra trộm cắp rồi lại trừng phạt chúng!”
Rất lâu trước khi tôi ngừng lời, vị luật sư kia có vẻ đã nóng lòng muốn phản bác. Ông ta rõ ràng là một người mà phương pháp tranh luận chỉ là lặp lại những gì đối phương đã nói chứ không phải dùng lí lẽ để đáp lại chúng, cứ như thể chỉ cần có trí nhớ tốt là đủ.
“Thật là một nỗ lực phi thường,” ông ta lên tiếng, “nhất là của một người ngoại quốc chỉ có thể có những thông tin thứ cấp và do vậy thiếu chính xác mà tôi sẽ chứng minh ngắn gọn ngay đây. Tôi sẽ bắt đầu bằng cách nhắc lại tất cả những điểm mà ngài đã nêu lên. Sau đó tôi sẽ cho thấy ngài sai lầm ở chỗ nào do không hiểu hết tình hình của địa phương. Và cuối cùng tôi sẽ phản bác tất cả các luận điểm của ngài. Theo trình tự đó, tôi nghĩ rằng ngài đã nêu ra bốn...”
“Hãy gượm đã,” Đức Hồng y bỗng ngắt lời. “Sau những lời mở đầu như vậy thì nhất định là đáp từ của ông sẽ không ngắn gọn như ông nói đâu. Tôi đề nghị hãy dừng ở đây đã, và ông nên giữ những ý kiến nóng hổi ấy cho buổi gặp mặt sau. Và nếu cả hai vị đều có thì giờ thì ta có thể gặp lại nhau vào ngày mai cũng được chứ nhỉ? Còn bây giờ, thưa Raphael tiên sinh, tôi rất muốn được biết tại sao ông lại phản đối án tử hình đối với tội trộm cắp, và theo ông thì hình phạt gì sẽ có tác dụng và ích lợi hơn cho xã hội. Bởi có lẽ bản thân ông, tôi tin vậy, cũng thấy rằng cần phải ngăn chặn nạn trộm cắp. Nếu nó vẫn nhơn nhơn tiếp diễn mặc dù đã có tội tử hình, thì sức mạnh nào trên thế gian này có thể ngăn chặn nổi nó, biện pháp răn đe nào có thể có tác dụng nếu lòng sợ chết đã bị loại trừ? Chẳng nhẽ mỗi sự giảm án chẳng phải là một khuyến khích phạm tội sao?”
Hết chương 2. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.