Vũ Điểm Cô Thiên Chương 65. Kho Tàng Chưa Kịp Thấy

Chương 65. Kho Tàng Chưa Kịp Thấy
Đã Nhìn Xác Đầy Đường

Hữu Hạnh Chân Nhân đang lúc khốn đốn chống đỡ thế chém xuống của nhà sư Nhất Đăng thì nghe trước ngực mát lạnh. Lão đạo hoảng hồn vội hoành kiếm đỡ thế chém ngang. Đao kiếm lại một phen va vào nhau phát ra tiếng kêu keng keng nhức óc. Cổ tay cầm kiếm của lão đạo tê rần như bị trăm ngàn con kiến độc cùng lúc thiêu đốt. May mắn, nội công lão đạo thâm sâu nên chẳng đến nổi để tuột mất kiếm. Lão đạo nhắm bề không ổn đành vận khí nhảy ngược ra sau kịp né đi thế đâm tới. Thực chất, nhà sư Nhất Đăng chẳng hề đâm tới. Nhà sư sau khi chém ngang liền thu đao ra sau lưng. Hữu Hạnh Chân Nhân lúc chân chạm đất mới nhận ra nhà sư không đuổi theo công kích, trong lòng liền xấu hổ.

Nhà sư nói:

- Lão đạo lại thua ta một phen nữa rồi!

Hữu Hạnh Chân Nhân giận đến đỏ mặt nhưng cũng đành gật đầu:

- Phải lắm! Ta lại thua tên trọc chết tiệt nhà ngươi! Mau mau dẫn người đi đi!

Một đạo một tăng nói đến đây mới sực nhớ ra Văn Viễn và Vương Y Nguyệt. Hai lão đảo mắt nhìn quanh thì Văn Viễn đã đưa Vương Y Nguyệt chạy đi lúc nào chẳng hay biết. Hai lão dậm chân than trời tự động chia ra hai hướng tìm kiếm. Cả hai quần thảo trong chu vi hai mươi dặm vuông nhưng hình bóng của Văn Viễn cùng Vương Y Nguyệt đều là bóng chim tăm cá. Bọn người giang hồ càng lúc càng đi về hướng tây thêm đông đúc. Hai lão thừa biết Văn Viễn và Vương Y Nguyệt đang lẩn khuất trong đó nhưng chẳng thể chận lại từng người mà dò xét. Kết cuộc hai lão gặp lại nhau chỉ biết hậm hực trong bụng. Hữu Hạnh Chân Nhân vừa thua trận lại còn để sổng mất Văn Viễn, sổng luôn cơ hội cuối cùng biết phép pha chế trà Thập Hoa Phần nên tức giận rủa sả nhà sư thậm tệ. Nhà sư Nhất Đăng không thèm chấp đến, chỉ vái chào lão đạo rồi cũng nhằm hướng tây mà lên đường. Lão đạo mắng chửi hả hê cũng hướng về tây.

Vương Y Nguyệt cùng Văn Viễn quả thật đã hòa lẫn trong nhóm người giang hồ đi đường. Nhưng cả hai thực chất chưa hề đi khỏi, vẫn lởn vởn gần đó để xem xét. Chừng thấy nhà sư cùng lão đạo bỏ đi, cả hai mới thở phào nhẹ nhỏm. Văn Viễn và Vương Y Nguyệt bèn len lỏi giữa đám người giang hồ về hướng tây. Chừng được mười dặm lại gặp một trấn nhỏ khác, Văn Viễn cùng Vương Y Nguyệt bèn tìm mua hai bộ trang phục khác để thay đổi. Cả hai lại tự mua mỗi người một khuôn vải mà che mặt. Khách giang hồ, chuyện đeo mặt nạ hay dùng vải giấu mặt là thông thường, thành thử Văn Viễn và Vương Y Nguyệt điềm nhiên ở giữa mấy trăm khách giang hồ cũng chẳng làm ai chú ý đến. Người nào người nấy đều hăm hở đến núi Hoa Sơn.

Đến ngày hôm sau, cả đoàn người đã đến được trấn Thạch Bích, Văn Viễn nhớ đến chuyện Trần Quang và Sa tiểu thư thọ nạn tại đây không khỏi ngán ngẫm thở dài nuối tiếc. Lúc này đoàn người đã tự động chia ra từng tốp riêng biệt bắt đầu hầm hè nhau. Văn Viễn và Vương Y Nguyệt đã lường trước nên không theo cả bọn mà lẩn vào một góc riêng quan sát. Vương Y Nguyệt hỏi:

- Chàng nói xem, bọn họ sắp làm gì?

Văn Viễn thở dài đáp:

- Một chiếc bánh dầu lớn đến đâu cũng không chia đủ cho lòng tham được! Bọn chúng nhất định đang tính đường ám toán lẫn nhau để dễ bề chiếm đoạt phần hơn bảo tàng! Chúng ta không nên ở đây làm gì!

Văn Viễn bèn cõng Vương Y Nguyệt chạy thẳng ra khỏi trấn Thạch Bích. Hai người vừa đi được chừng năm sáu dặm đã thấy xác người nằm rải rác bên đường. Văn Viễn nhìn tình hình càng lúc càng bất ổn liền gia tăng cước lực. Chẳng ngờ chạy thêm năm dặm, xác người một lúc một nhiều hơn. Văn Viễn kinh hãi dừng lại quan sát. Ông thấy mấy chục xác chết nằm lẫn lộn bên nhau mặc đủ loại y phục, đoán chừng là người của nhiều môn phái khác nhau. Vương Y Nguyệt sợ hãi chỉ biết ngồi trên lưng Văn Viễn chẳng dám đặt chân xuống đất. Nàng từ lúc được Văn Viễn che chở bỗng nhiên hóa ra trâm anh đài các không còn chút bản tánh ngạo mạn của Cầm Điệp Cuồng Sinh ngày trước. Văn Viễn còn nuông chiều hết mực, Vương Y Nguyệt vì đó càng tha hồ bày trò nũng nịu. Thâm tâm nàng đã nguyện cả đời sẽ gắn hình kết bóng với Văn Viễn, nhưng thật bụng, nàng vẫn e ngại Tam Ác Thánh cùng vị chính thất của Văn Viễn. Dẫu vậy, nàng thừa hiểu bản tính của Văn Viễn nhất định không để nàng chịu thiệt thòi. Vương Y Nguyệt càng yên tâm hơn chẳng cần dè chừng nhiều.

Cả hai nhìn ngó các tử thi một lúc liền nhận ra bọn người này đều chết do loạn chiến. Văn Viễn ban đầu đoán chừng do U Minh Cung gây ra. Ông cho rằng giáo đồ U Minh Cung đông đảo lại toàn cao thủ nên hạ sát chừng đấy người chẳng phải khó khăn gì. Tuy nhiên, Văn Viễn cõng Vương Y Nguyệt đi thêm nửa dặm thì xuất hiện trên dưới năm mươi xác giáo đồ U Minh Cung nằm cùng các tay giang hồ lạ mặt. Thân thể kẻ nào cũng mang nhiều vết thương do đủ loại binh khí khác biệt tạo ra. Hiển nhiên, thảm cảnh này là do các bên tự tàn sát với nhau. Văn Viễn loan tin tàng thư ở đỉnh Lạc Nhạn chỉ mong mượn các thế lực khác trong giang hồ hòng kềm chân U Minh Cung, chẳng ngờ thành ra kết cục chưa chạm tới bảo tàng, bọn chúng đã tự chém giết. Văn Viễn càng nhìn càng ngán ngẩm thở dài ảo nảo.

Văn Viễn không dám nán lại lâu. Ông cõng Vương Y Nguyệt chạy thêm ba dặm đã đuổi kịp một nhóm người giang hồ đông đảo hơn trăm tên. Vương Y Nguyệt biết mặt cả bọn liền thì thầm vào tai Văn Viễn:

- Đây là môn đồ của các phái ở mạn bắc, gồm phái Tùng Vân Động chuyên dùng kiếm, Ngọa Hổ Trang dùng đao, Thanh Y Bang dùng gậy sắt! Ba bang phái này liên thủ với nhau! Xem chừng chúng ta theo họ là an toàn nhất!

Văn Viễn nhìn năm mươi người lưng đeo kiếm đoán chừng là môn đồ của Tùng Vân Động đang dẫn đầu, xem giữa chừng bảy chục kẻ cầm gậy sắt trên tay của Thanh Y Bang, Ngọa Hổ Trang thế lực kém nhất chỉ có chừng hai mươi người theo sau cùng. Cả ba phái trên đồng hành luôn miệng cười nói niềm nở, đoán chừng tất cả đều quen biết nhau nên mới thân thiết đến vậy. Văn Viễn an tâm trong bụng nên cõng Vương Y Nguyệt lẽo đẻo theo sau. Ông giữ khoảng cách hai mươi dặm đề phòng có biến xảy ra. Dọc đường lên núi trời vừa trong mây lại trăng thanh gió mát, Văn Viễn và Vương Y Nguyệt càng đi càng lo ngắm nhìn khung cảnh, thỉnh thoảng thì thầm họa thơ thi vị vô cùng.

Đột nhiên phía trước có tiếng hô. Cả đoàn người ba môn phái đều đồng loạt dừng chân tìm chổ nghỉ ngơi. Văn Viễn khả dĩ đành phải dừng theo. Ông không muốn phải ở chung với đoàn người trên nên lựa một cây lớn làm nơi trú ẩn. Văn Viễn đề khí dùng Du Ảnh Biến cõng Vương Y Nguyệt nhảy vọt lên tán cây vừa to vừa rậm rạp, khéo vừa chổ cho cả hai người. Từ tán cây này lại nhìn rõ được đoàn người đang nghỉ ngơi trước mặt. Lúc ở trấn nhỏ, Vương Y Nguyệt đã mua trước một ít lương khô cùng nước uống. Hai người bây giờ thong thả nằm dài trên tán cây mà nhâm nhi. Lưng gối lá xanh êm như nhung gấm, mắt ngó thấy trăng tròn treo giữa trời quang, Văn Viễn nổi hứng toan ngâm một bài từ nhưng sợ bọn người kia nghe thấy nên đành kềm lại.

Lúc này, bọn người kia đang ngồi thành vòng tròn lớn dọn bày thức ăn. Cả bọn tự chia phần nhau mà ăn thoải mái. Văn Viễn nhìn thấy một tên trung niên của Ngọa Long Trang lấy ra mấy vò rượu lớn đem đặt ở trung tâm vòng tròn người. Hắn chấp tay vái lễ, nói:

- Ta có mang theo năm vò Liên Hương Tửu để hầu các đồng đạo đây!

Hắn dứt lời liền mở nắp, hương rượu tức thì tràn ngập bốn bề. Văn Viễn ở trên tán cây cao ngửi thấy phải tấm tắc khen không ngớt:

- Quả thật là rượu ngon, chí ít đã cất qua không dưới mười năm!

Vương Y Nguyệt biết ông sành rượu bèn hỏi:

- Rượu này vì sao lại có tên Liên Hương Tửu?

Văn Viễn hào hứng hạ giọng đáp:

- Rượu này dùng gạo nếp nhất hạng đem ướp cùng nhụy hoa se, phơi trong bóng râm bảy ngày, lại cất vào thùng kín mười ngày, cộng thêm thứ men độc đáo khiến hương hoa sen quyện lẫn trong từng hạt nếp! Sau, chưng cất ra rượu thì thứ hương sen kia mất đi! Phải đem rượu chọn lấy chổ cao ráo thoáng mát mà chôn xuống! Rượu chôn càng lâu thì hương sen càng dậy mùi! Ta ngửi các vò rượu này hương sen đều nồng nàn nên đoán chí ít cũng được chôn dưới đất mười năm, bằng không khó lòng có mùi hương đến vậy!

Vương Y Nguyệt nghe xong tự nhiên thèm nếm thử cho biết. Nàng liền nói:

- Thiếp muốn uống Liên Hương Tửu!

Văn Viễn biết nàng đang chuẩn bị làm nủng thì gãi đầu gãi tai khổ sở:

- Ta…ta sao có thể chìu tiểu thư được! Lẽ nào nàng muốn ta xuống dưới đó trộm rượu của bọn họ hay sao? Chúng ta đang lợi dụng bọn họ để có thể an toàn lên núi, không nên…

Vương Y Nguyệt tức thì giãy nãy:

- Thiếp không biết chàng làm cách nào, giết người cướp rượu cũng được! Thiếp muốn uống Liên Hương Tửu ngay bây giờ!

Mấy lời cuối Vương Y Nguyệt hạ giọng nghẹn ngào tưởng chừng sắp khóc. Văn Viễn càng cuống cuồng tìm cách dỗ dành. Ông đã quen những khi Vương Y Nguyệt bày trò nên biết cách ứng phó, càng nài nĩ van xin thì nàng ta càng làm hăng nhưng chỉ cần kiên trì nài nĩ thì nàng ta không làm khó. Văn Viễn nhiều lúc tự ngẫm, nữ nhân trong thiên hạ đúng là mỗi hoa mỗi vẻ, mỗi nàng mỗi chiêu trò khác nhau, tính ra cứ như bà bà thần tiên là dễ giải nhất, cùng lắm tát mấy cái rồi thôi. Văn Viễn bất giác nhớ đến bà bà thần tiên bỗng nghe đáy lòng chùn xuống. Ông chua chát nghĩ thầm:

- Nàng ấy muốn giết ta bịt miệng, ta còn lưu luyến làm gì?

Vương Y Nguyệt thấy Văn Viễn tự thiên thừ người ra thì càng làm dữ. Nàng toan bật ra tiếng khóc để hành hạ thì Văn Viễn giật mình vội lấy tay che miệng nàng. Ông chau mày nói:

- Nàng ngửi thử xem, trong rượu dường như có mùi khác lạ!

Vương Y Nguyệt về khứu giác cũng nhạy bén không kém gì Văn Viễn. Nàng ta chú tâm ngửi thử liền gật đầu. Văn Viễn thì thầm với nàng ta:

- Là mùi bột Tiêu Hồn! Bọn Ngọa Long Trang muốn giết đồng bọn ư?

Vương Y Nguyệt nghe vậy chẳng còn muốn bày trò nũng nịu. Nàng hồi hộp cùng Văn Viễn dõi mắt nhìn xuống. Tên cầm đầu Ngọa Long Trang kia đang lần lượt phân từng vò rượu lớn cho người của Thanh Y Bang và Tùng Vân Động. Bọn kia gặp lúc khát khô cuống họng vớ được rượu ngon mặt mày rạng rỡ hết cỡ. Từng tên cứ luân phiên bê vò rượu lên miệng ực mấy ngụm liền, loáng chốc, các vò rượu chỉ còn trơ đáy bị ném đi lăn lóc. Kẻ nào cũng chùi mép tặt lưỡi ra chiều tiếc nuối vì chưa thõa mãn được cơn ghiền.

Tin tức bí mật Tử Hà Thần Công dẫn đến kho tàng cùng bí kíp võ công thượng thừa được truyền đi khắp giang hồ, các bang phái mạn bắc là nhận được sau cùng. Tuy nhiên, Thanh Y Bang,Tùng Vân Động, Ngọa Long Trang lại có môn đồ nằm ẩn ở phương nam thành ra bọn họ hầu như lại được biết trước. Vì vậy, cả ba phái trên tức tốc cử người đi hòng kịp chia phần. Cả bọn dọc đường đụng độ không ít nhóm bang phái khác nhưng nhờ ưu thế quân số đông đảo nên vẫn bình yên đến được núi Hoa Sơn chẳng mảy may tổn thất chút nào. Trong ba phái trên, Ngọa Long Trang là yếu thế nhất. Thành ra, Ngọa Long Trang đành mượn hơi hai phái còn lại làm chổ dựa. Cả bọn trước khi lên đường đều uống máu ăn thề cùng sống chết nhưng lẽ đời, trước mối lợi quá lớn kẻ nào chẳng có lòng riêng. Ngọa Long Trang ít người nên ngoài mặt cam chịu lại ngấm ngầm tính kế trong bụng. Suốt dọc đường đi tuy cả đoàn đụng nhiều trận nhưng tính ra đều chỉ là nhỏ lẻ, nhưng một khi lên tề tựu ở đỉnh Lạc Nhạn sẽ phải gặp các bang phái khác ở giang hồ có thế lực mạnh hơn. Lúc đó, kẻ yếu sẽ sống yên bình, vì yếu thì chẳng đủ lực để tranh giành xem như đến góp vui là chính, còn bang nhóm nào càng đông người sẽ thành cái gai của bang nhóm khác. Ngọa Long Trang thấm thía điều này nên đợi khi cả nhóm bình yên đến chân núi Hoa Sơn mới bắt đầu ra tay.

Tên cầm đầu Ngọa Long Trang nhìn người hai phái Tùng Vân Động cùng Thanh Y Bang nốc cạn hết rượu thì cười giả lả. Hắn hào hiệp đưa nốt số rượu còn lại cho họ uống để đã cơn ghiền. Hắn ung dùng ngồi xuống cùng đám người Ngọa Long Trang chờ đợi kết quả. Bột Tiêu Hồn thực chất chỉ là mê dược nhưng nếu dùng quá liều sẽ  làm đối phương bị hôn mê sâu dẫn đến mất mạng. Chừng nửa canh giờ sau, Người của hai phái Tùng Vân Động, Thanh Y Bang bắt đầu ngấm thuốc. Bọn chúng từng tên thay nhau ngã người nằm dài trên đất ngủ ngon lành. Chờ cho cả bọn đã ngủ say li bì, người của Ngọa Long Trang mới đứng lên chia làm bốn tốp thay phiên nhau nhằm vào môn đồ Thanh Y Bang cùng Tùng Vân Động mà chém giết thẳng tay. Văn Viễn và Vương Y Nguyệt ở trên cao quan sát toàn bộ sự việc không khỏi rùng mình sợ hãi bản chất tráo trở.

Hai mươi tên Ngọa Long Trang chém giết xong chưa kịp thu đao thì tự nhiên trợn mắt ngã vật ra đất tắt thở. Sau  lưng bọn chúng đều bị cắm chi chít các loại ám khí nhỏ như kim thêu. Vương Y Nguyệt nhìn trong bóng đêm không tốt nên chẳng thể thấy rõ ràng. Riêng Văn Viễn có nội công cao nên trông rõ mồn một. Ông cả kinh nhận ra có chừng mấy mươi người khác đang ém hơi phục kích hai bên. Bọn người này đợi môn đồ Ngọa Long Trang chết hết mới nhảy khỏi chổ ẩn nấp đến quan sát. Thì ra là giáo đồ của U Minh Cung. Rõ ràng bọ ngựa rình ve chẳng ngờ còn chim sẻ chờ sau lưng. Giáo đồ U Minh Cung phục kích suốt đường đi cứ ung dung đợi các nhóm giang hồ tự tàn sát lẫn nhau mới ra tay dọn tàn cuộc. Trong chớp mắt hơn trăm người đã thành hồn ma vất vưởng, Văn Viễn và Vương Y Nguyệt tự biết thân phận ngoan ngoãn ôm chặt lấy nhau trên tán cây đến thở cũng không dám thở mạnh.

Đột nhiên, một bóng người xuất hiện ngay giữa giáo đồ U Minh Cung. Người này cười ha hả dùng hai tay hết đánh sang trái lại qua phải liên hồi. Bọn giáo đồ U Minh Cung bị tập kích bất ngờ không sao trở tay kịp. Người kia phát chưởng ra kình lực màu tím đánh tán loạn bốn phía. Chớp mắt, giáo đồ U Minh Cung chịu chung số phận với bọn Ngọa Long Trang. Văn Viễn nhận ra ngay điệu cười càng sợ hãi:

- Cố…Cố Thiên Lượng! Chẳng phải hắn đã chết vì độc Tam Bộ Xà rồi ư?

Người kia quả thật là Cố Thiên Lượng. Lão giết sạch giáo đồ U Minh Cung rồi văng mình chạy như bay lên núi. Lão phen trước ở nhà hoang bị Văn Viễn lừa trúng phải độc Tam Bộ Xà. Tuy nhiên, một phần nội lực lão cao cường, một phần Tử Hà Thần Công luyện đến thành tựu tự nhiên phát sinh là luồng dương khí duy trì trong thân thể có tác dụng chống lại độc tính xâm nhập vào cơ thể, độc Tam Bộ Xà tuy là nhất hạng nhưng chẳng thể nhất thời phát tác toàn bộ kinh mạch, Cố Thiên Lượng bỏ thời gian chậm rãi điều khí từng bước đẩy chất độc ra ngoài. Vì vậy, lão vẫn toàn mạng. Hiển nhiên, lão càng hận Văn Viễn đến thấu xương. Lão lúc biết chuyện trên giang hồ xuất hiện tin đồn về địa điểm chứa kho tàng liền đoán ngay là Văn Viễn bày trò. Lão mừng rỡ tột độ vội vàng quay về chân núi Hoa Sơn chờ đợi. Tuy nhiên, chưa thấy Văn Viễn xuất hiện thì các nhóm giang hồ đã tự động tàn sát lẫn nhau, giáo đồ U Minh Cung cũng mật phục khắp chốn, Cố Thiên Lượng ngẫm tính chợ đông chỉ thêm rối thành ra lại làm con chim sẻ lớn, cứ đợi bọn người kia chơi trò bọ ngựa rình ve xong mà ung dung thu dọn cho sạch chổ.

Văn Viễn từ lúc dấn thân vào giang hồ đã gặp không ít địch thủ nhưng thâm tâm ngán ngại nhất chính là Cố Thiên Lượng. Con người này vừa tàn nhẫn vừa quỷ quyệt, lão đã trúng kế Văn Viễn hai lần hiển nhiên đối đầu tiếp theo khó bề lừa được. Văn Viễn cứ nghĩ lão đã chết mất xác ở nhà hoang vì độc Tam Bộ Xà nên mới yên tâm cõng Vương Y Nguyệt lên núi. Giờ gặp lão tại đây còn bình yên vô sự, Văn Viễn càng nghĩ càng sợ đến lạnh người liền quay sang Vương Y Nguyệt mà nói:

- Mau, tại hạ sẽ cõng tiểu thư xuống núi! Nơi này hung hiểm, tiểu thư không thể ở lại đây được!

Vương Y Nguyệt ngơ ngác:

- Chàng…chàng muốn bỏ thiếp một mình ư?

Văn Viễn biết nàng ta nhất định sẽ khóc kể một trận nghiêng trời lệch đất nhưng vẫn phải cương quyết:

- Ta…ta đành phải bỏ nàng lại một mình! Ví như ta không may lọt vào tay lão già họ Cố kia phen nữa, ta chẳng thể bảo vệ được nàng! Ta làm sao để nàng gặp hung hiểm cho được!

Vương Y Nguyệt nghe lời này thì lòng dạ ấm áp như đứng gần lửa nóng. Nhưng nàng ta tự nguyền cả đời sẽ gắn chặt hình bóng với Văn Viễn thành ra Văn Viễn có đem ra lý do gì thì có đánh chết nàng cũng nhất quyết không nghe theo. Nàng bèn tấm tức khóc:

- Chàng là đồ mọt sách nói không giữ lời! Cái lời hứa cả đời này bảo vệ che chở cho thiếp chàng vứt ở đâu rồi?

Văn Viễn mếu máo đáp:

- Nhưng…ta đâu thể để cho tiểu thư vì ta mà bị vạ lây được!

Vương Y Nguyệt khóc ầm lên:

- Thiếp không cần biết! Chàng là đồ mọt sách không giữ lời, là ngụy quân tử là phường háo sắc!

Vương Y Nguyệt đang lúc ấm ức nên vừa khóc vừa mắng chẳng tiếc lời. Văn Viễn sợ bọn khách giang hồ đang trên đường đến đây nghe thấy liền cuống cuồng đáp:

- Thôi! Thôi! Ta cõng nàng theo là được!

Vương Y Nguyệt hể hả trong bụng liền nín khóc. Nàng ta bất thần vung tay tát Văn Viễn một cái như trời giáng:

- Chàng nói đi, trong lòng chàng thiếp có địa vị như thế nào?

Văn Viễn bị trúng một tát chưa kịp hoàn hồn lại nghe nàng ta hỏi thẳng vấn đề tình cảm lại càng luốn cuống. Hiển nhiên, cả hai người đều ngầm kết giao tình ý chỉ là chưa chính miệng nói ra mà thôi. Vương Y Nguyệt thấy Văn Viễn cứ gãi đầu ấp úng thì mím môi mà gắt:

- Chàng mau nói! Chàng không nói thì thiếp sẽ nhảy từ đây xuống dưới mà tự vẫn! Thiếp làm ma cũng bám theo chàng suốt đời suốt kiếp! Chàng có nói hay là không?

Văn Viễn sợ Vương Y Nguyệt làm thật liền đáp:

- Trong lòng ta…vô cùng kính trọng tiểu thư!

Vương Y Nguyệt quát:

- Thiếp không cần chàng kính trọng!

Văn Viễn lại ấp úng thưa:

- Chờ xong mọi chuyện, tại hạ nhất định rước tiểu thư về Bạch gia trang mà đối đãi như thượng khách!

Vương Y Nguyệt khóc òa lên:

- Thiếp không thèm làm thượng khách của chàng!

Văn Viễn líu lưỡi chẳng biết phải nói thế nào đành đáp bừa:

- Tại hạ…tại hạ nhất định sẽ cung phụng tiểu thư suốt đời!

Vương Y Nguyệt càng khóc lớn hơn nữa:

- Ai thèm được chàng cung phụng suốt đời! Đồ mọt sách đáng ghét!

Vương Y Nguyệt nhoài người ra khỏi tán cây làm như toan đâm đầu xuống đất tự vẫn. Vă Viễn hoảng hồn liền nắm tay giữ nàng lại mà nói:

- Ta…ta thật lòng rất yêu thích nàng! Nhưng ta đã có gia thất, nếu…nếu vậy…khác gì ta là kẻ ong bướm phụ bạc kẻ khác! Ta làm sao…làm sao còn mặt mũi…!

Vương Y Nguyệt nghe đến đây thì lòng dạ chẳng khác gì tắm trong mật ngọt thượng hạng. Nàng ta thôi khóc ngã vào lòng Văn Viễn mà thủ thỉ:

- Chàng thật là ngốc! Thiếp không cần danh phận cũng chẳng muốn địa vị chính thất hay làm lẻ! Chỉ cần chàng thật lòng với thiếp là được! Nếu cha mẹ chàng không đồng ý nhận thiếp làm dâu thì thiếp cam phận làm kẻ hầu người hạ, miễn có thể gần gũi bên chàng là được! Thiếp khi đó sẽ cơm dâng nước rót hầu hạ chàng hết mình!

Mấy lời sau cùng Vương Y Nguyệt thẹn quá nên hạ giọng thành nhỏ như tiếng muỗi kêu. Tuy nhiên Văn Viễn đều nghe được. Ông mếu máo nghĩ thầm trong bụng:

- Nàng ta mà chịu ngoan ngoãn cơm dâng nước rót ư? Chỉ cần nàng không bày trò hành hạ ta thì ta đã may phước lắm rồi!

Vương Y Nguyệt ngẩng mặt lên thấy Văn Viễn ra vẻ trầm tư, trong mắt ông còn ánh lên thích thú bèn bật dậy mà quát:

- Chàng nghe thiếp hạ mình chắc hẳn vui lắm phải không? Có phải chàng chưa gì đã tính đường sau này hành hạ thiếp như thế nào đúng không?

Vương Y Nguyệt cứ tuôn một tràng phải không, đúng không như vậy rồi khóc òa than thân trách phận. Vương Y Nguyệt không chỉ công phu nước mắt lợi hại hơn các nữ nhân khác, kể cả bản lãnh nắng mưa thất thường chắc rằng gộp hết nữ nhân thiên hạ mới bì lại với nàng được.

Vừa lúc đó, phía trước tán cây đã nhốn nháo tiếng người đi tới. Văn Viễn sợ bọn chúng nghe được tiếng khóc của Vương Y Nguyệt thì hỏng việc bèn vội vàng kéo nàng vào lòng:

- Ta…ta nào dám có suy nghĩ như vậy!

Bất giác hai người tự nhiên cùng nhớ lại phen ở nhà trọ trong trấn Sa Hà nấp dưới gầm giường phiêu bồng bến mộng.

Bất giác môi chạm môi.

Vương Y Nguyệt ngoan ngoãn nằm trong lòng Văn Viễn mà hoan hỷ đón nhận. Văn Viễn bị cánh môi mỹ nhân hút hết hồn vía chẳng thiết gì đến chuyện xảy ra xung quanh.

Đám giang hồ kia tới nơi thấy bày ra thảm cảnh xác chết nằm chồng chất liền kêu la quát tháo inh ỏi sợ bị tập kích. Đám người này nhanh chân chạy đi, đám người khác lại nối đuôi chạy tới, cứ tuần tự như vậy làm tiếng quát tháo liên hồi náo động cả chân núi Hoa Sơn. Thủy chung, Văn Viễn và Vương Y Nguyệt trên tán cây cao cứ thản nhiên say mộng chẳng còn biết trời trăng gì nữa. Thiên lôi lúc này có đánh liên hồi mấy búa xé rách trời quang thì chưa chắc đã làm tỉnh được hai kẻ say xuân mộng này.

Văn Viễn cùng Vương Y Nguyệt cứ quấn quýt đến mõi mệt rồi gối đầu lên vai nhau hồn nhiên ngủ say. Đám giang hồ bên dưới tán cây cứ từng tốp từng tốp đến rồi đi, thay nhau quát tháo ầm ỉ tưởng chừng bất tận.

Lên núi Hoa Sơn chỉ có hai hướng đi, một là đường phía tây phải đi ngang qua tàn cây Văn Viễn cùng Vương Y Nguyệt đang ẩn nấp, hai là vòng sang hướng nam theo lối các tiều phu cùng thợ săn vẫn hay đi. Các lộ giang hồ đều chăm bẳm đường đi thứ nhất, Vương Y Nguyệt muốn tránh đụng độ không cần thiết nên sáng hôm sau thức giấc bèn chỉ cho Văn Viễn vòng sang hướng phía nam để lên núi. Chung quy núi Hoa Sơn dầu trước hay sau đều là sỏi đá chen lẫn đất, nhiều đoạn chỉ thấy đá lớn nhỏ chen chúc nhau xếp thành nhiều lớp. Đi chừng năm dặm đường mỗi lúc mỗi xấu, cây cối cũng thưa thớt toàn là bụi nhỏ. Văn Viễn cõng Vương Y Nguyệt lẹ làng thoắt ẩn thoắt hiện leo được chừng hai dặm đường núi thì đương trường lại bày ra cảnh tượng chết chóc thắm đỏ máu tanh. Triền núi thoai thoải bên trái nằm la liệt toàn giáo đồ của U Minh Cung. Văn Viễn đoán chừng do Cố Thiên Lượng đã ra tay. Ông quan sát bọn giáo đồ này máu huyết đều đã khô cạn nhất định chết hơn một ngày. U Minh Cung phòng ngừa bọn giang hồ theo lối này để lên núi nên đưa trước giáo đồ phục kích, chưa giết được tên lục lâm nào cả bọn lại chết thảm dưới tay Cố Thiên Lượng.

Văn Viễn lắc đầu ngán ngẩm liền cõng Vương Y Nguyệt đi tiếp. Hai người leo thêm sáu bảy dặm đường núi đã đến được mé sau của Hoa Sơn. Vương Y Nguyệt ngày trước trong lốt Cầm Điệp Cuồng Sinh đã từng lên đây gây loạn một phen nên rất thông thuộc. Văn Viễn theo lời nàng vòng vèo một lúc đã thấy trước mắt đông đúc các nhóm giang hồ tụ tập. Những bang phái lớn đều chọn lấy chổ thích hợp mà đứng riêng rẽ. Các bang phái nhỏ hơn đành tụ tập cùng nhau một nơi để tăng thêm thanh thế. Văn Viễn đoán chừng trước sau cũng nổ ra một trận quyết chiến nên vội vàng cõng Vương Y Nguyệt nấp trên một mỏm đá cao nhìn xuống. Núi Hoa Sơn chia làm ba đỉnh riêng biệt, đỉnh Lạc Nhạn hướng tây, đỉnh Nghinh Phong hướng nam, đỉnh Tùng Vân hướng bắc. Văn Viễn, Vương Y Nguyệt cùng bọn giang hồ chính là đang đứng dưới chân đỉnh núi Lạc Nhạn.

Chu vi chừng hai dặm vuông quanh chân đỉnh Lạc Nhạn tụ tập hơn năm sáu trăm người đủ các hạng. Kẻ mang nét mặt hiền lành phúc hậu lẫn lộn cùng những tên mặt mũi hiểm trá, tính ra nam phụ lão đều đầy đủ. Văn Viễn nhìn thấy nhiều kẻ cầm đầu các nhóm mặt mũi lạ hoặc chưa thấy bao giờ. Vương Y Nguyệt từng đại náo giang hồ mấy năm trước nên mười phần hết bảy rành rẻ vô cùng. Nàng liếng thoắng chỉ dẫn cho Văn Viễn danh xưng từng người một. Văn Viễn nghe xong nửa khâm phục Vương Y Nguyệt kiến thức sâu rộng, nửa lại ngơ ngác không hiểu năm xưa, nàng ta làm cách nào đối phó được nhiều cao thủ đến vậy. Vương Y Nguyệt cười khanh khách đáp:

- Thiếp tuy không có võ công nhưng chỉ cần có đàn trong tay, có gấp đôi cao thủ như vậy cũng đừng hòng làm khó được thiếp!

Văn Viễn chỉ được vài lần thấy Vương Y Nguyệt bộc lộ cầm nghệ giết người, tuy nhiên ông nhận ra giữa nàng và mẹ nhỏ Phùng Nghi Văn của mình có nhiều điểm tương đồng, chí ít cách ra tay tuyệt tận là giống nhau như khuôn đúc. Văn Viễn nghĩ đến đây liền mừng rỡ cười thầm trong bụng:

- Phải lắm! Cha ta mấy mươi năm qua phải có thuật gì đó mới trị được mẹ nhỏ! Ta sau này về dập đầu xin cha chỉ dạy, còn sợ bị tiểu thư đây hành hạ hay sao?

Vương Y Nguyệt nhìn Văn Viễn đột ngột hiện nét háo hức trên mặt dầu chẳng đoán ra nguyên do gì nhưng tự biết chẳng phải chuyện tốt lành. Nàng liền thẳng tay tát một cái. Văn Viễn chưa kịp ngoác miệng cười đã tối tăm mặt mũi. Ông lại tưởng Vương Y Nguyệt biết được ý đồ đen tối của mình thì sợ hãi. Ông ngơ ngác không hiểu Vương Y Nguyệt và bà bà thần tiên ngày trước làm sao có thể nhìn thấy được tâm can mình hay đến vậy. Văn Viễn ngoan ngoãn xoa má chẳng dám suy nghĩ thêm điều gì.

Bọn người giang hồ tụ tập càng lúc càng to tiếng. Ban đầu chỉ là xì xầm bàn tán, về sau bọn chúng chửi rủa luôn miệng. Bọn giáo đồ U Minh Cung đứng ở một góc cũng không kềm nổi hòa theo la thét. Các bang phái cứ lần lượt cử từng nhóm người chia nhau bốn hướng leo lên đỉnh Lạc Nhạn, tuy nhiên, những người được cử đi chẳng thấy kẻ nào trở lại. Văn Viễn tính nhẩm trong hai canh giờ chí ít phải gần năm mươi người hăm hở leo lên núi, kết cuộc như có tà thuật che mắt, bọn chúng cứ loay hoay đi lòng vòng rồi mất dạng sau mấy khối đá lớn.

Căn nguyên đường lên đỉnh Lạc Nhạn bày ra rải rác các khối đá to còn thêm các cây lớn nhỏ được trồng xen kẽ. Văn Viễn căng mắt nhìn đoán chừng đây chính là trận đồ do Đế Khuyết Châu Thương bày ra. Văn Viễn ngầm so sánh với trận hoa mai ở Mai Hoa Trang khác biệt một trời một vực. Điểm kỳ quái của trận pháp nằm ở chổ rất đặc biệt, Văn Viễn cùng Vương Y Nguyệt đang đứng trên mỏm đá nhô cao, tính ra cả hai dễ dàng nhìn xuyên suốt trận đồ dẫn lên đỉnh Lạc Nhạn, tuy nhiên, dầu có cố mở to mắt, Văn Viễn và Vương Y Nguyệt khả dĩ chỉ thấy được mấy khối đá hàng đầu, càng lên cao dường như có lớp sương mù che lãng đãng không sao trông rõ được.

Bọn giang hồ mấy phen cử người đi đều mất dạng thì không dám liều lĩnh. Có kẻ lao nhao nói:

- Tên Đế Khuyết Châu Thương đang trốn trên núi, chúng ta thi nhau mắng chửi hắn nhất định sẽ chịu lộ mặt!

Vậy là cả bọn thi nhau rủa xả Châu Thương chẳng tiếc lời.  Ban đầu chỉ đem đích danh Châu Thương ra chửi, khách lục lâm quá nửa là kẻ lang bạt nên tiếp thu không thiếu ngôn từ đầu đường xó chợ. Bọn chúng chửi hơn nửa canh giờ vẫn chưa thấy bóng dáng Châu Thương thò mặt ra càng điên tiết. Chúng bắt đầu đem tông tổ phái Hoa Sơn ra chửi, cuối cùng là đào mồ cuốc mả mấy đời Châu Thương để mắng sa sả. Văn Viễn và Vương Y Nguyệt không quen nghe phải nhăn mặt khó chịu.

Bỗng nhiên có một tên lớn tiếng:

- Chúng ta càng chửi mắng càng chọc giận tên Châu Thương kia! Hắn nổi gan lì không thèm ló mặt ra thì vô phương có thể lên núi được!

Mấy nhóm giang hồ nghe có lý vội vàng lên tiếng ngăn cản chửi rủa, rốt cuộc lại gây ra trận tranh cãi dữ dội. Tất cả phe phái giang hồ cãi vả chán chê rồi lao vào nhau ẩu đả, chớp mắt đã tạo ra cục diện hỗn chiến bát nháo chẳng còn biết bạn hay thù. Giáo đồ U Minh Cung cũng tham gia chém giết. Đương trường kẻ chết người bị thương nhiều vô kể. Văn Viễn quan sát từ trên cao hối hận cực độ. Ông chẳng ngờ cả bọn chưa thấy được kho tàng đã bày ra cảnh tàn sát tranh đoạt. Văn Viễn nghĩ nát nước chưa tìm được cách cứu vãn chỉ đành dậm chân than trời trách đất.

Giữa lúc các bên đang hăng máu chém giết, từ phía bên trái đương trường phát ra tiếng cười khóc điên loạn. Tiếng cười nửa phần oán trách nửa phần ngạo nghễ khiến người nghe khó bề chịu nổi tự động dùng tay che kín hai tai. Chính là tiếng cười Loạn Tiếu Mệnh. Văn Viễn tức thì phát lộ hàn nhiệt bao bọc lấy Vương Y Nguyệt chống lại tiếng cười kia. Bọn khách giang hồ không xoay trở kịp đều đồng loạt buông hết vũ khí ngồi xếp bằng vận công điều khí. Có nhiều tên nội lực yếu kém liền hộc máu miệng nằm lăn lộn kêu la thảm thiết. Chừng nửa khắc, tiếng cười liên im bặt, giữa đương trường lù lù xuất hiện một bóng người đứng hiên ngang. Bọn giang hồ hoảng vía vội vàng đứng dậy lùi xa:

- Hắc…Hắc Quan Âm!

Người này vận áo lụa đen, đầu đội một chiếc mũ rộng vành có đính màn lụa che kín mặt mũi. Văn Viễn ngó thấy biết ngay là đại tiểu thư đang mượn lốt Hắc Quan Âm để dẹp yên bọn giang hồ loạn chiến. U Minh Cung Chủ lúc này cũng xuất hiện đứng cạnh bên. Lát sau, Cố Thiên Lượng, Hữu Hạnh Chân Nhân, nhà sư Nhất Đăng cũng thay phiên xuất hiện. Ba lão này chia thành ba góc vây quanh đại tiểu thư như che chắn. Văn Viễn nhìn thấy đại tiểu thư lại nhớ khoản thời gian kề cận bà bà thần tiên, tự nhiên nghẹn ngào rơi lệ, ruột gan quặn đau như dao cắt. Ông bất giác chỉ muốn gọi lớn mấy tiếng bà bà thần tiên cho hả dạ.

Đại tiểu thư đanh giọng nói:

- Ta đếm đến ba, kẻ nào chán sống thì cứ đứng nguyên tại chổ, bằng không thì cút đi cho khuất mắt ta!

Bọn giang hồ ngán ngại Hắc Quan Âm chẳng kém gì Tam Ác Thánh nên mười phần hết chín đều sợ đến run rẩy chân tay. Nhưng có mấy kẻ bạo gan liền quát:

- Hắc Quan Âm cũng muốn giành bí ẩn Tử Hà Thần Công ư? Bà ta đuổi chúng ta đi khác gì muốn giúp người của U Minh Cung! Như vậy thật thiếu công bằng!

Một kẻ quát lớn lại thêm mười kẻ hùa theo, thoáng cái đã tạo ra tiếng lao nhao phản đối. Khách giang hồ đứng dưới chân đỉnh Lạc Nhạn tính ra còn được hơn bốn trăm người đều đồng thanh quát tháo khí thế vô cùng dữ tợn.

Nguồn: truyen8.mobi/t116596-vu-diem-co-thien-chuong-65-kho-tang-chua-kip-thay.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận