Gió lùa về se se lạnh, cái rét đêm chuyển mùa đông xuân xứ này hẳn rõ hơn nơi nào hết. Trên đoạn đường nhỏ men đến nhà cô Tịnh, giữa màn đêm yên bình nghe thật rõ tiếng lách tách rả rích cả đêm mưa. Lách cách, ô cửa sổ cứ kêu rên khó nhọc mỗi khi mưa gió làm gầy guộc thêm tuổi tác của ngôi nhà ven biển. Tường Lam nhỏm dậy, rón rén bước từng bước thật khẽ để không làm cô Tịnh thức giấc. Cô rót một cốc nước sắn dây còn ấm, bước đến bên cửa sổ vừa hé mở, nhìn ra màn đêm tờ mờ sáng và ngẫm nghĩ. Vậy ra mình về miền biển này đã được ba hôm rồi. Khí hậu duyên hải vào lúc thời tiết chuyển mùa thì dù sớm trời hay tối đêm, Tường Lam đều phải mặc áo khoác len dày, loại mà cô vốn tưởng chỉ có đi Đà Lạt mới phải đắp vào người. Trời độ sáu giờ sáng, trên mỗi ngóc ngách từ con đường đến những khu vườn đều còn lóng lánh màu sương, Tường Lam đã theo cô Tịnh ra biển. Cô hứng thú với lao động thường ngày của người dân vùng biển cả, cô quan sát mọi người cùng hô hào nhau kéo từng mẻ lưới thật to lên nền cát trải dài. Không khí sớm mai nơi đây thật ồn ào và nhộn nhịp, chợ ven biển buổi sáng luôn tấp nập dân địa phương buôn bán hải sản tươi sống, những cần xé to nào mực nào tôm. Tường Lam giục cô Tịnh mua những con hào thật to còn mình thì tha hồ gom vào túi ni lông những con tôm càng to hơn hai ngón tay cái trong khi chúng còn nhảy lạch bạch trên mâm.
Quá ngọ, Tường Lam muốn theo cô Tịnh ra xưởng nước mắm thay vì ở nhà một mình. Tường Lam sống ở nước ngoài học tập nhiều năm nên với cô tất cả mọi thứ nơi đây thật gần gũi, con người thì bình dị, khác cái phố thị Sài Gòn ngột ngạt. Những gì cô trông đợi nhất ngày về lại là những điều khiến cô không vui. Tường Lam từ nhỏ sống với bà nội, sau khi bố và mẹ cô ly thân, bà nội muốn giải tỏa căng thẳng tranh giành quyền nuôi con giữa họ nên đã quyết định nuôi nấng cô đến khi cô có thể tự đưa ra lựa chọn cho riêng mình. Nguyện ước của bố Tường Lam là con gái mình sẽ phát huy sự nghiệp mà ông gây dựng bấy nhiêu năm qua. Thế nhưng vừa xuống sân bay, thấy ngột ngạt bởi nhịp độ quá dày đặc của Sài Gòn, cô bèn xin phép về thăm cô Tịnh vài hôm rồi mới quay về thành phố tiếp nhận công việc. Xưởng nước mắm của cô Tịnh khá nhỏ, nơi đây chỉ cung cấp nước mắm cho dân địa phương, cô Tịnh nói hai phần ba cư dân Hòn Rơm – Phan Thiết là mối ruột, xưởng luôn đảm bảo sản xuất đủ để cung cấp nước mắm trong hàng tháng ròng cho họ, nghe đến đấy Tường Lam rúc rích cười hỏi, thế con nên để chữ “nhỏ” trong ngoặc kép cô nhỉ? Cô bé là thế, trong mắt cô Tịnh thì Tường Lam vẫn bé bỏng tinh nghịch như ngày nào.
Cô Tịnh chỉ cho Tường Lam xem họ làm thế nào để sản xuất ra một chai nước mắm nhĩ nguyên chất, cô xin cô Tịnh cho phép mình làm thử, đoạn đứng huơ tay múa chân, lúng túng nhìn cô Tịnh chỉ và giải thích cách làm. Bỗng cô xoay người sang một bên và vô tình đụng cái rầm phải một anh chàng lực lưỡng đang khuân thùng các tông to trên vai. Tường Lam luống cuống xin lỗi nhưng anh ta đã bước đi một mạch. Cô quay ngoắt lại nói riêng với cô Tịnh.
- Sao mà anh ta im thin thít không phản ứng gì hết, cháu xin lỗi mà cứ cúi mặt lầm lì đi một mạch, cháu đâu cố ý.
Cô Tịnh chỉ cười Tường Lam trẻ con thế.
- Nhân công họ lo làm việc nên không để ý cháu va phải đâu.
Tường Lam không để ý lúc bấy giờ khóe miệng cô Tịnh cười rất tươi. Tham quan xưởng của cô Tịnh xong thì trời đã xế chiều. Từ chỗ này băng qua đường lộ về hướng bờ biển mà ngắm mặt trời lặn thì còn gì bằng. Tường Lam xin phép cô Tịnh đi dạo một vòng biển. Tay cô tung tăng đôi dép lào, thong thả từng bước đếm ngược, cái cảm giác bước lùi khó hơn bước tới rất nhiều nhưng đó lại là điều thú vị, con người thích làm cái khó, thích được thách thức, những điều đó cuốn hút họ hơn những thứ dễ dàng và sẵn đó. Sầm! Lại một lần nữa, cô đụng trúng anh chàng to cao ban nãy chỗ xưởng nước mắm. Cô lại lúi húi xin lỗi, lúc này thấy anh chàng đứng yên không di chuyển, cô mới ngẩng đầu lên. Chao ôi, quả trứng muối tròn vo màu cam đang lửng lơ đường chân trời giáp với biển, sắc trời hoàng hôn hửng vàng ráng chút ánh xanh. Cô tròn xoe mắt tận hưởng quang cảnh trước mắt, cô từng nghĩ một ngày nào đó sẽ có một người dắt tay mình bước đi trên bãi cát dài rồi vòng tay ra sau lưng ôm lấy mình đứng ngắm hoàng hôn. Con gái thì mơ những điều lãng mạn, còn với ai đó đang đứng cùng cô, hoàng hôn chỉ là dấu hiệu một ngày đã tàn. Tường Lam nhắm mắt lại để hít thở khí trời, khi mở mắt ra thì cô chỉ còn thấy bóng dáng anh chàng kia tan dần trên mặt cát mênh mông.
- Hôm nay cô cháu mình có khách! Cháu phải ngoan ngoãn đừng có trẻ con đấy nhé.
Tường Lam cười xòa.
- Cô sẽ nở mày nở mặt cho xem, cháu đã lớn rồi mà.
Tối đó người ghé qua dùng cơm là mẹ con cô Dung, bạn hàng xóm thân thiết của cô Tịnh, hai người luôn giúp đỡ cô Tịnh những hôm cảm mạo trở trời, cô Tịnh thương Tường Lam như con gái ruột thì cũng xem Thường Xuân như con trai của mình. Thường Xuân là một cậu trai to cao với vóc người vạm vỡ, đôi tay rắn chắc rất hợp với nước da ngăm bánh mật, Tường Lam dù muốn hay không cũng phải thừa nhận anh chàng khá điển trai. Còn Tường Lam thì khá nhỏ con, gương mặt bầu bĩnh với ánh mắt biết cười, nhìn cô, dẫu ai đó đang bực tức gì đi nữa thì cũng phải dịu đi phần nào. Mọi người dùng cơm tối và nói chuyện rôm rả, chỉ có Thường Xuân là trầm lặng ít nói. Cô cạy miệng cả buổi, anh chỉ trả lời được mấy từ Đặng Thường Xuân và cảm ơn. Tường Lam chưa kịp đứng dậy dọn dẹp thì anh đã gom chén bát nhanh nhảu, thoáng chốc tất cả được gói gọn trong đôi tay và thân hình to lớn của anh. Tường Lam hỏi cô Tịnh, anh ta có vẻ tường tận mọi ngóc ngách trong nhà cô nhỉ. Cô Tịnh nói mấy tháng trước mình bị tiền đình phải nằm một chỗ tịnh dưỡng, suốt mấy tháng trời Thường Xuân vừa xoay xở việc ở xưởng vừa lo cơm nước cho mẹ rồi chạy ngay sang nhà chăm sóc cô. Tường Lam gật gù, cảm giác của cô về anh cũng rất tích cực mà cô chẳng hiểu vì sao.
Cô Tịnh đến sát bên Tường Lam khoác thêm cho cô một chiếc áo ấm. Cô thở dài, thời tiết bây giờ thật khó đoán, đã vào mùa xuân mà mưa bão vẫn hoành hành.
- Khuya này có người quen đánh xe về Sài Gòn, nhờ cô chuẩn bị sẵn mấy thùng nước mắm ngon. Khổ nỗi cứ để Thường Xuân ngủ lại xưởng nhiều đêm liền chờ những người khách quen ghé lấy hàng, mà ở xưởng những ngày này rất lạnh, không biết thằng Xuân nó có đủ ấm mà ngủ được không.
Tường Lam buột miệng hỏi cô Tịnh.
- Sao Thường Xuân không có cha? Hoàn cảnh anh ấy có giống con không cô?
- Cha của Thường Xuân mới mất năm ngoái thôi, trước đây cả nhà hắn đều giúp việc ở xưởng của cô. Thường Xuân đi nghĩa vụ về từ năm ngoái, nghe cô Dung nói trước đây hắn vui tính lắm và luôn làm cả tiểu đội cười quên luôn một ngày nặng nhọc. Nhưng khi hắn về được tròn tháng thì cha hắn đột ngột mắc bệnh gan rồi qua đời vài tháng sau đó. Từ nhỏ người ta đã gieo vô đầu hắn là hắn khắc cha nên từ ngày cha hắn mất, hắn ít nói hẳn, nụ cười cũng biến mất, hắn chỉ phụ việc ở chỗ cô chứ không có đi đâu hay gặp gỡ ai.
Mời các bạn theo dõi tiếp!