Chào bạn!
*Nếu tài sản là BĐS trên là tài sản riêng hợp pháp của bố bạn và hiện nay ông là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, không bị hạn chế bởi quyền tài sản hay năng lực dân sự nào theo quy định của luật hiện hành, thì nay bố bạn thiết lập di chúc để định đoạt theo nguyện vọng và ý trí của ông đối với tài sản thuộc quyền sở hữu hợp của ông là quyền của ông mà không phải phụ thuộc vào bất cứ cá nhân nào.
Vì bạn có đề cập về tình trạng sức khỏe của bố bạn hiện nay không được tốt, vậy bạn nên xem xét cụ thể hơn về tình trạng sức khỏe của ông và cụ thể xem ông còn đủ sự minh mẫn và tỉnh táo để thực hiện 1 hành vi nào đó hay không ( Đây được gọi là năng lực hành vi dân sự).
Về tính hợp pháp của di chúc:
Theo quy định tại Điều 652, 653, 654 của Bộ luật Dân sự 2005, di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ điều kiện: người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép; nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật. Di chúc bằng văn bản phải có người làm chứng. Trong trường hợp người lập di chúc không thể tự viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.
Di chúc phải ghi rõ: ngày, tháng, năm lập di chúc; họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; di sản để lại và nơi có di sản; việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu. Nếu di chúc có nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
Cũng theo quy định tại Điều 654 của Bộ luật Dân sự năm 2005, mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc (trừ người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự).
Nếu bản di chúc của bố bạn đáp ứng các quy định nêu trên, thì là di chúc hợp pháp.
*Trường hợp bản di chúc của bố bạn bị vô hiệu toàn bộ hay 1 phần vì không đảm bảo đầy đủ, đúng theo luật định. Khi bố bạn mất đương nhiên toàn bộ tài sản của ông sẽ trở thành di sản thừa kế và được định đoạt theo pháp luật, cụ thể:
- Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau:
+ Không có di chúc; Di chúc không hợp pháp; Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền nhận di sản.
+ Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
Phần di sản không được định đoạt trong di chúc; Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật; Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc nhưng không còn vào thời điểm thừa kế.
- Những người thừa kế theo pháp luật (hàng thừa kế) được quy định thứ tự như sau:
+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
+ Hàng thừa kế thứ hai gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh chị em ruột, cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
+ Hàng thừa kế thứ ba gồm: Cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cô ruột, cậu ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người được hưởng thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Trên đây là toàn bộ quan điểm tư vấn của mình dựa trên cơ sở luật định.
Thân ái!
Lsu Tuấn - VPL Quốc Tế Thăng Long - 188 Nguyễn Lương Bằng - Đống Đa - HN
ĐT: 0985192607 - 0936271111
Email: tuan.thanglonglaw@gmail.com
Weside: thanglonglaw.com.vn