ĂNGCO
Ăngco là tên gọi chỉ một vùng đất ở tỉnh Xiêm Riệp nằm ở phía Đông Bắc Campuchia, cách Thủ đô Phnôm Pênh 240km. Gốc của từ Ăngco theo tiếng Phạn là nagara, nghĩa là Kinh đô. Người Khơme phát âm từ Kinh đô là Nokor. Người Pháp đọc và ghi lại là Ăngco. Từ đó, tên riêng Ăngco trở nên thông dụng trong sách vở.
Ăngco là một thời kỳ huy hoàng nhất của dân tộc Khơme kéo dài từ năm 802 tới năm 1431. Nhưng nói tới Ăngco người ta nghĩ ngay tới một đô thị với những đền tháp kỳ vĩ, niềm tự hào của nền nghệ thuật kiến trúc không chỉ của dân tộc Khơme mà còn của cả nhân loại. Lịch sử của Ăngco là lịch sử hình thành, phát triển và hoàn thiện loại kiến trúc đền núi độc đáo có một không hai của người Khơme.
Năm 802, Giaiavacman II, người sáng lập ra triều đại Ăngco, từ Giava trở về và lên ngôi Vua. Ông xây dựng Thủ đô ở Mahendraparvata ở Phnôm Kulên, núi của vị Thần Vua vĩ đại. Ông là người đặt nền tảng cho tục thờ Thần Vua ở Vương quốc và đã xây dựng nhiều công trình kiến trúc lớn ở Bantay Prei Nokor, ở Roluos và đặt chiếc linga thiêng của Quốc gia ở Phnôm Kulên. Trong các công trình kiến trúc của mình, Giaavácman II đã thể hiện mô hình núi Vũ trụ Meru. Đặc biệt, tại Kinh đô Amarendrapura, ông xây một kiến trúc hình Kim Tự Tháp ba bậc với năm tháp trên đỉnh, tiền thân của các núi Khơme sau này.
Sự thể hiện thực sự rõ nét của đền núi Khơme chỉ bắt đầu từ cuối Thế kỷ IX tại Thủ đô lịch sử đầu tiên: Hariharalaya. Đó là ba kiến trúc nổi tiếng Preah Kô (năm 879), Bacông (năm 881) và Lôlây (khoảng cuối Thế kỷ IX). Preah Kô là một nhóm gồm sáu ngôi đền xếp thành hai hàng (mỗi hàng ba tháp), xung quanh có tường và hào nước bao quanh. Cả sáu kiến trúc đều nằm trên một nền phẳng hình vuông. Trong mỗi đền, đều có tượng thờ các vị tổ tiên của Vua Indravácman.
Bacông là một trong những đền núi đầu tiên của Ăngco có hình Kim Tự Tháp sáu bậc bằng đá ong với diện tích ở đáy là 67m x 65m và đỉnh 20m x 18m. Mặt ngoài của kiến trúc được ốp bằng sa thạch. Xung quanh khu tháp có hai lớp rào bằng đá ong (350m x 310m và 150m x 115m) và hào rộng 60m bao bọc. Ngoài cùng là một vòng rào bằng cột đá (990m x 700m). Ở khoảng giữa tường bao phía trong và khu tháp chính có tám đền thờ kiểu Prasát (mỗi mặt hai). Trên các bậc của hình Kim Tự Tháp, tại các góc có các hình voi bằng đá, còn dọc theo các bậc lên xuống ở bốn trục chính là hình các con sư tử ở Bacông, lần đầu tiên trong lịch sử kiến trúc Khơme, tháp thờ chính ngự tại trung tâm của các hệ thống kiến trúc. Cũng ở kiến trúc này, lần đầu tiên, tại bốn hướng đều dẫn vào đền, xuất hiện kiểu kiến trúc cổng phòng (gopura) và các hình rắn vắt qua hào nước làm lan can. Ở Bacông cũng như Preah Kô, một yếu tố mới nữa được xuất hiện là các phòng dài, tiền thân của các hồi lang sau này.
Con trai của Indravácman là Iasôvácman lên ngôi năm 889. Ông cho xây dựng ở Ăngco đền núi của Vương quốc Phnôm Bà Kheng. Đền Núi Bà Kheng xây trên quả đồi cao 60m x 440m.
Khu trung tâm là khối kiến trúc hình Kim Tự Tháp năm bậc (chân 76m x 76m, đỉnh 47m x 47m) với năm ngôi tháp lớn trên đỉnh bố cục theo ngũ điểm (bốn tháp bốn góc và một tháp lớn ở chính giữa). Phía dưới, xung quanh kiến trúc hình Kim Tự Tháp, có 44 tháp thờ bao quanh. Trên các bậc của khối Kim Tự Tháp có 108 tháp thỏ. Đền Núi Bà Kheng là hình ảnh núi Mêru khá cụ thể. Từ mỗi phía nhìn vào khu đền đều đếm được 33 ngọn tháp, con số các Thần ngự trên Núi Meru.
Ở Bà Kheng, lần đầu tiên một loại tháp thờ mới ra đời, tháp kiểu Ăngco. Các tháp nhỏ bằng đá có cấu trúc năm tầng, duyên dáng và có đỉnh hình hoa sen. Các tầng tháp có hình đồ nhiều cạnh gần như tròn, trông xa như một chồi cây. Kiểu kiến trúc tháp này được phát triển và hoàn thiện vào các thời kỳ sau.
Hai người con trai của Iasôvácman là Mácsavácman I và Isanavácman II liên tiếp trị vì đất nước sau khi cha mất. Hai vị Vua này xây một vài ngôi đền nhỏ ở Ăngco như Băcxây Cham Krông và Prasát Cravan.
Vị Vua mới Giaiavácman IV (chú và là người tiếm ngôi Isanavácman II vào năm 925) đã rời đô từ Ăngco về vùng Konke. Kiến trúc quan trọng nhất ở Konke là Prasát Thom. Đây là một kiến trúc hình Kim Tự Tháp lớn mà ở đó Vua Giaiavácman II đã dựng chiếc linga lớn của Vương quốc.
Giaiavácman II mất năm 941. Con trai ông là Hácsavácman II lên ngôi và trị vì được hai năm (942-944). Cháu của Ragiendơeavácman II chiếm ngôi và rời đô về lại vùng Ăngco. Ragiendơeavácman II tu sửa lại cố đô, xây đền Mêbôn Đông thờ tổ tiên và dựng cho mình đền núi vĩ đại Prerúp (năm 961). Đền Prerúp là một kiến trúc hình Kim Tự Tháp ba bậc (kích thước ở đáy 50m x 50m, đỉnh 25m x 25m) với năm tháp gạch trên đỉnh và bốn lối tam cấp ở bốn trục. Toàn bộ khu trung tâm được bao bọc bởi tường đá ong (103m x 120m). Một đặc điểm quan trọng ở Prerúp là ở bên dưới đã xuất hiện hồi lang kín vây quanh, tuy vẫn còn ở dạng các ngôi nhà dài tách rời, mái lợp gỗ hoặc ngói. Ở bốn hướng đều có cổng phòng dạng gopura.
Trong thời gian trị vì của Ragendơravácman II (944-968) và con trai ông Ragendơravácman V (968-1001), ngoài Đền Prerúp ra, còn xuất hiện một kiến trúc tuy nhỏ nhưng thật tuyệt mỹ đó là Đền Bantay Xrây mà nhà nghiên cứu Glaize (Gledơ) đọc ra là Toà thánh của người đàn bà thật tương xứng với vẻ đẹp của kiến trúc này. Bantay Xrây do vị quan tên là Ingiênavaraha xây vào năm 968 trong một khu rừng cách Ăngco chừng 20 dặm về phía Đông. Khu trung tâm của đền là một cụm tháp nhỏ (kiến trúc lớn nhất chỉ cao 9,30m). Bao quanh khu chính là ba vòng tường rào với các cổng phòng gopura ở bốn hướng trục. Kiến trúc Bantay Xrây tuy thỏ nhưng khắp các bề mặt của nó được phủ kín bằng những hình chạm khắc trang trí tuyệt đẹp. Không phải ngẫu nhiên mà ngôi đền nhỏ nhắn này được mệnh danh là Tràng hoa bằng đá của nghệ thuật Khơme.
Bắt đầu từ triều Vua Xuriavácman I (1001- 1050) đế quốc Ăngco bước vào thời kỳ toàn thịnh. Kiến trúc đầu tiên của giai đoạn rực rỡ này là đền núi Tàkeo. Tàkeo là một kiến trúc lớn hình Kim Tự Tháp năm bậc (đáy 120m x 110m, đỉnh 47m x 47m), cao 38m, với năm tháp trên đỉnh. Đền Tàkeo, tầng bậc cuối cùng của kiến trúc không còn là những dãy nhà tách rời như ở Prerúp mà đã được kiến trúc thành hệ thống hồi lang kín hoàn chỉnh có các tháp ở góc và cổng phòng kiểu gopura ở bốn hướng trục.
Một kiến trúc nổi tiếng khác do Xuriavácman I xây dựng là Phimianacát (cung điện trên không). Tuy là dinh thự, Phimianacát có dạng đền núi, gần một kiến trúc hình Kim Tự Tháp ba bậc (kích thước đáy 35m, cao 12m). Khu Tàkeo, tầng dưới của kiến trúc là vòng hồi lang kín bao bọc. Mãi về sau, Phimianacát vẫn còn là dinh thự của các Chúa Khơme. Chính ở đây, theo truyền thuyết, đêm đêm Nhà Vua phải lên lầu ngủ với rắn Thần.
Xuriavácman II lên ngôi và cho xây dựng đền núi Bà Phnôm. Bà Phnôm được xây dựng trong thời gian khá dài (1050-1066) và là cái mốc quan trọng đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của kiến trúc Khơme. Toàn bộ kiến trúc khá lớn (dài 425m, rộng 125m). Khu trung tâm là một khối hình Kim Tự Tháp năm bậc (kích thước đáy 120m x 100m), cao gần 50m, với một tháp thờ trên đỉnh. Khác với các kiến trúc trước đây ở Bà Phnôm đã xuất hiện không phải một mà là hai vòng hồi lang kín đồng tâm bằng sa thạch, bao quanh khu trung tâm. Các vòng hồi lang này đã được lợp bằng đá. Các bia ký nói rằng, đức Vua đặt tại Bà Phnôm chiếc linga bằng vàng. Chu Đạt Quan, trong du ký Chân Lạp phong thổ ký gọi ngôi đền này là tháp đồng. Có thể nói chính Bà Phnôm là tiền thân trực tiếp của đền Ăngco Vát.
Udiaiaditiavacman II trị vì được 16 năm và mất năm 1066. Em trai ông Hacxavácman III kế vị và mất năm 1080. Sau đó các bia ký nhắc tới ông Vua Giaiavácman VI trị vì ở Iaxôtharapura cho tới khi ông Vua nổi tiếng Xuriavácman II lên ngôi vào năm 1113 là thời kỳ không ổn định của đế quốc Ăngco. Vì vậy mà những công trình nghệ thuật đáng kể không thấy xuất hiện trong thời gian này.
Suốt cả nửa đầu Thế kỷ XII, Vương quốc Ăngco được ông Vua hùng mạnh Xuriavácman II trị vì. Vào thời gian này, người Khơme đã sáng tạo ra một công trình kiến trúc hùng vĩ làm rạng danh cho dân tộc mình, và phong phú thêm cho nền văn minh của nhân loại, kỳ quan kiến trúc Ăngco Vát.
Sau khi Xuriavácman II chết năm 1150, đất nước Cămpuchia bước vào thời kỳ rối ren, vị Vua theo Đạo Phật là Đơharanindơravácman II lên ngôi, nhưng rồi bị Iasôvácman II truất ngôi một cách không hợp pháp. Tình hình bất ổn định kéo dài cho đến năm 1177, khi quân đội Chàm kéo sang tấn công tàn phá Ăngco. Chỉ mãi tới khi Giaiavácman VII lên ngôi thì đất nước của người Khơme mới ổn định, và phục hồi được sự huy hoàng trước đó.
Sau khi lên ngôi, Giaiavácman VII cho xây những đền thờ tổ tiên Ta Prom, Pria Khan. Theo bia ký, Ta Prom có niên đại 1186 và là đền thờ mẹ Vua, còn Pria Khan có niên đại 1191 và là đền thờ cha Vua.
Ngoài các đền thờ tổ tiên, Giaiavácman VII cũng xây cho mình một đền núi Bayon. So với Ăngco Vát, Bayon nhỏ hơn, nhưng lại hấp dẫn ở sự thần bí và huyền ảo. Cùng với Ăngco Vát, Bayon được xếp vào danh mục các kiến trúc kỳ vĩ nhất của Cămpuchia.
Một kiến trúc khác thời Giaiavácman VII cũng thể hiện ý niệm tôn giáo rất thành công là Niếc Piên. Ngôi đền Niêc Piên được xây dựng trên hòn đảo giữa hồ vuông. Nhìn vào, ta thấy một tháp điện thờ như mọc lên từ một đóa sen khổng lồ 16 cánh đang bồng bềnh trên mặt nước. Xung quanh hồ chính, có bốn hồ nhỏ ở bốn phương thông với hồ lớn bằng hệ thống cống. Hệ thống Niếc Piên là sự cụ thể hóa hồ linh diệu Anavatapta ở Himalaya. Gtaiavácman VII đã dựng lại ngay tại Thủ đô của mình một bản sau kỳ diệu về vùng đất Thánh mà người Ấn Độ chỉ hình dung một cách mơ hồ. Theo truyền thuyết, Hồ Anavatapta được coi là nguồn của bốn con sông lớn ở Ấn Độ, trong đó có Sông Hằng. Cũng theo truyền thuyết, nước Hồ Anavatapca có thể chữa khỏi mọi bệnh.
Ở Hồ Niếc Piên chính, còn có một nhóm tượng khổng lồ thể hiện Avalôkitesvara dưới dạng ngựa trắng đang cứu vớt các thương nhân khỏi cơn bão biển.
Dù có đưa hồ thiêng Anavatapta vào Ăngco và có ý muốn đồng hóa mình với Bồ tát Avalôkitesvara, Giaiavácman VII cũng không cứu Vương triều Ăngco khỏi sụp đổ. Nụ cười Bayon lóe lên huyền diệu và đẹp như ánh chiều tà. Sau khi Giaiavácman VII chết, đế quốc Ăngco dần dần suy tàn. Vương triều tuy mất, nhưng các công trình nghệ thuật của Ăngco vẫn còn tồn tại mãi tới hôm nay.
TS. NGÔ VĂN DOANH