AJANTA - MỘT KHO BÁU VỀ NGHỆ THUẬT CỔ ẤN ĐỘ
Vào một ngày đẹp trời năm 1829, một sĩ quan người Anh tới vùng săn bắn ngoại vi của Váchora. Tình cờ gặp một chú bé chăn dê, viên sĩ quan đã nhờ dẫn đến một nơi nào đó để vãn cảnh. Chú bé đưa viên sĩ quan tới những hang nằm trong vách núi bên bờ sông nhỏ Váchôra (Dòng sông Hổ), cách Thành phố Auranggabat của Bang Maharastra 100km về phía Bắc. Nào ngờ chính chú bé chăn dê là người đã có công phát hiện ra một di tích văn hóa nghệ thuật cổ có một không hai ở Ấn Độ. Từ đó, khu Chùa Hang được đặt tên là Ajanta (tên một làng quê nằm cạnh đó 11km) và trở thành nổi tiếng trên Thế giới nhờ những tác phẩm điêu khắc hội họa được cất giữ bên trong 29 Chùa Hang.
Kho báu trong hang động
Khu hang động Ajanta nằm trên vùng núi cao, trong các thung lũng tối, thuộc miền Tây Ấn Độ.
Từ xa xưa, vùng này đã trải qua một thời kỳ phát triển rực rỡ của Đạo Phật, là “thiên đường khép kín với đầy vẻ thanh bình mà chúng ta chưa từng bao giờ nghĩ đến”.
Khu hang động ấy chứa đựng những kiệt tác mỹ thuật, một phần được sáng tạo từ thế kỷ II Tr.CN, một phần từ thế kỷ thứ IV đến thứ VI S.CN. Nó gồm 29 ngôi chùa Phật được tạo nên bằng sự kết hợp hài hòa giữa những thành tựu kiến trúc, điêu khắc và hội họa của nghệ thuật Ấn Độ.
Các hang của Ajanta còn lại đến hôm nay là cả một trang sử rực rỡ nhất của nghệ thuật Phật giáo. Điều kỳ lạ nữa là công trình nghệ thuật độc đáo này không hề bị phá hủy vào những thời kỳ sau đó, khi mà Phật giáo bị Ấn Độ giáo đánh bật ra khỏi đất Phật. Nhờ thế mà giờ đây, tới Ajanta, chúng ta có thể thấy được một cách đầy đủ về kiến trúc, điêu khắc và hội họa của những ngôi chùa Phật giáo cổ. Các lối đi, hành lang, phòng tu, giảng đường,... đều được trang trí một cách sống động và tài tình bởi các bức tranh trên tường được vẽ chủ yếu bằng thuốc màu vàng.
Nội dung và đề tài của các bức tranh không chỉ là câu truyện dân gian hay truyền thuyết về Đức Phật mà còn là những cảnh thể hiện cuộc sống, phong tục của người Ấn Độ thời đó. Nó còn thể hiện Thế giới động vật, thực vật khá phong phú của Ấn Độ. Những bức tranh trên tường Ajanta còn mô tả cuộc sống của các vương giả và cảnh lang thang của người hành khất trên đường phố... Tranh tường Ajanta mô tả không chỉ Thế giới trần tục, mà còn cả Thế giới Thần tiên của các vị Bồ tát và của cả quỷ dữ. Trong số những kiệt tác của Ajanta có thể kể tên một số bức tranh tuyệt tác: Vị Bồ tát Patmapani cầm hoa sen; Thiên nữ Apsara; Vũ nữ quỳ trước mặt Vua; Công chúa đang hấp hối...
Ajanta là một di sản văn hóa được UNESCO bảo trợ, là niềm kiêu hãnh không những của nhân dân Ấn Độ mà còn của cả loài người. Nhiều học giả, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ nổi tiếng Thế giới từng phải thốt lên: ''Các tác phẩm trong hang động Ajanta là những bông hoa rực rỡ nhất, tiêu biểu nhất của nền nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ” hoặc: “Dù nghiên cứu Nhà nước Trung Hoa hay Nhật Bản, dù bắt đầu từ đâu, dù con đường bạn đã đi qua dài ngắn, cuối cùng bạn cũng sẽ phải tìm đến Ajanta'', (Lawrence Binyon, Bảo tàng Anh quốc). Hoặc “Thực tế, kỹ thuật hội họa của nguyên tác tuyệt vời và hoàn chỉnh đến mức không một ai trong nhóm họa sĩ chúng tôi có đủ khả năng miêu tả lại, (Lady Herringham).
Cảm ơn Benoy
Những kiệt tác kể trên nằm sâu trong khoảng hơn 30 hang động hầu như không có ánh sáng. Để bảo vệ di sản vô giá này, Hội đồng khảo cổ học Ấn Độ đã nghiêm cấm việc chiếu sáng để chụp ảnh; sợ rằng ánh sáng sẽ phả hủy màu sắc trên những bức tranh. Vậy mà Benoy Behl, nhà nhiếp ảnh kỳ tài cùng với trợ lý của mình là Sangitika Nigam đã bỏ ra hơn mười năm nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo để ''xông vào bóng tối, giành được ánh sáng và màu sắc đã lôi từ trong hang động ra những viên ngọc quý của nhân loại”. Trước Benoy, đã có nhiều người tìm mọi cách để vẽ lại, chụp lại trong điều kiện gần như không có ánh sáng nhưng đều thất bại hoặc hiệu quả rất thấp. Chỉ có Benoy mới chiến thắng bóng tối, mới ghi lại được “gần như nguyên tác'' để hôm nay, biết bao nhiêu người trên thế giới hiểu sâu hơn, cảm nhận rõ hơn và thưởng thức qua gần một trăm tấm ảnh màu cỡ lớn ghi lại những tác phẩm trong hang động quý giá này. Benoy Behl còn là tác giả của hơn 40 bộ phim tài liệu có giá trị của Ấn Độ. Ông nói một cách khiêm nhường rằng: ''Tôi thật hạnh phúc vì đã mang đến cho các bạn Việt Nam hình ảnh trung thực của những bức tranh ở Ajanta. Các bạn hãy giữ và thưởng thức ngọt ngào, lòng trắc ẩn, tình yêu thương giữa những con người. . . được thể hiện sinh động trong những bức tranh . . . ''
Những truyền thuyết
Các tác phẩm Ajanta chủ yếu miêu tả các truyền thuyết Jatanka, kể về tiền thân, những kiếp trước của người Đức Phật. Những câu truyện được kể bằng tranh theo trình tự từ trái sang phải hoặc ngược lại. Cũng có lẽ theo thủ pháp đồng hiện, diễn tả cả quá khứ, hiện tại và tương lai nhân vật và sự kiện.
Một số câu truyện khiến người xem rất cảm kích là:
- Đức vua Mahajanaka (người hóa thân thành Đức Phật sau này) đang chắp tay trước ngực, nghe thuyết pháp. Vẻ khiêm nhường hiện rõ trên nét mặt và cử chỉ, mặc dù ông là một vị Vua hùng mạnh, với chiến công lẫy lừng giành lại những vùng lãnh thổ mà cha ông đã bị mất.
- Cảnh Đức Vua xúc động sâu sắc bởi nhà hiền triết thuyết pháp và tuyên bố từ bỏ cuộc sống đời thường, từ bỏ cung điện, quyền lực. . . để trở thành nhà tu khổ hạnh, tìm đến sự vĩ đại trong thanh bình, những ý niệm siêu thoát trong cõi tử sinh của loài người.
- Cảnh Hoàng hậu Shivali bàng hoàng khi biết được quyết định của chồng.
- Cảnh các cung nữ buồn rầu khi biết Đức Vua sẽ từ giã Hoàng hậu ra đi.
- Cảnh Hoàng hậu sai cung nữ đi thuyết phục Đức Vua trở về v.v. . .
Tất cả được miêu tả một cách sống động bằng nghệ thuật hội họa điêu tuyệt diệu kỳ.
Người xem liên tưởng tới một sự kiện lịch sử của nước ta vào cuối Thế kỷ XIII: Vua Trần Nhân Tông sau khi lãnh đạo quân dân Đại Việt, ba lần chiến thắng quân Nguyên - Mông một cách oanh liệt đã truyền ngôi cho Thái tử Anh Tông để đi tu ở vùng non thiêng Yên Tử. Anh Tông hết lời ngăn can nhưng không được, bèn sai cung tần mỹ nữ đi theo để khuyên Ngài về. Không lay chuyển được ý chí của Ngài, cung tần mỹ nữ đã nhảy xuống suối ở chân Núi Yên Tử tự vẫn. Trần Nhân Tông thương xót, cho lập chùa siêu độ gọi là Chùa Giải Oan. Con suối ấy cứ đến mùa mưa thì nước đỏ như máu và cũng được gọi là Suối Giải Oan. Trần Nhân Tông đã trở thành vị tổ tiên đầu tiên của Thiền phái Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam. Tuy cách nhau ngàn trùng mà Ấn Độ và Việt Nam có những điển tích giống nhau đến vậy.
Đỉnh cao nghệ thuật Cổ đại
Từ buổi xa xưa ấy, cách đây đã trên dưới hai ngàn năm mà Ấn Độ có những đỉnh cao rực rỡ của nghệ thuật tạo hình, kiến trúc và thủ công mỹ nghệ. Tranh Kinara, nhạc công nửa người, nửa chim (vị Thần âm nhạc) đã cho ta thấy một loại nhạc cụ dây hoàn chỉnh, tiền thân của nhiều nhạc cụ hiện nay của Thế giới. Bức tranh Công chúa Dying Princess héo hon vì chồng đã từ bỏ nàng và cung điện để ra đi. Đây là ''một kiệt tác trong lịch sử hội họa bởi chất lâm ly, trữ tình và hoàn hảo trong việc kể lại những truyền thuyết”. Tranh Apsara tuyệt mỹ, tranh Yashodhara và Rahud mà Binyon phải ghi nhận là: ''Không ở đâu có bức tranh khác gây được cho ta ấn tượng sâu sắc hơn về sự vĩ đại nhưng đồng thời lại rất tinh tế”. Rằng ''Trình độ sử dụng màu sắc, diễn tả ánh sáng, hình thể, bối cảnh một cách điêu luyện, tài tình mà sau đó hàng nghìn năm mới thấy có ở hội họa Châu Âu.
Qua những kiệt tác ở Ajanta, người ta thấy xã hội Ấn Độ thời đó đã rất thịnh vượng, phát triển ở mức cao. Những cung điện, vật dụng, y phục, đồ trang sức, khăn đội đầu, các kiểu tóc. . . đã ''tương đương với các trường phái nghệ thuật hiện nay ở Châu Âu”. “Báo cáo của Chính phủ Ấn Độ năm 1886). Các nhà nghiên cứu thời trang và tạo mốt của nhiều nước thường xuyên đến nghiên cứu. Nhiều loại ''mốt'' trên Thế giới hiện nay, người ta đã thấy có trong trang trí, nghệ thuật ở Ajanta.
Để thăng hoa
Đã có luận thuyết và tư liệu nói về bí quyết của các nghệ sĩ bậc thầy Ajanta. Họ là những nghệ sĩ cha truyền con nối, được các nhà Vua hoặc các vị thủ hiến bảo trợ. Họ sử dụng màu từ các nguyên liệu tự nhiên của địa phương: màu vàng và đỏ từ đất đá trong các hang núi; màu đen từ muội đen; trắng từ chanh; xanh thì phải lấy từ các loại đá vùng Tây Bắc Ấn Độ xa xôi . . .
Trước khi khởi công, các nghệ sĩ phải để ra sáu tuần để chuẩn bị họa phẩm, dụng cụ, phải ăn chay, tĩnh tâm, tập trung tư tưởng, suy tư cao độ (kết hạ).
Đây là thời gian mà các nghệ sĩ thể hiện lòng thành kính của mình, hiến dâng cho đấng thiêng liêng. Từ cõi tâm linh đó, ý niệm đó, họ đã tạo ra sự thăng hoa kỳ diệu, đã sáng tạo ra những kiệt tác vô giá cho nhân loại cho muôn đời được thưởng thức và cảm nhận. Con người tràn ngập cảm xúc thẩm mỹ, như được bay bổng, để đến với những ý niệm vẻ đẹp siêu thoát vĩnh hằng.
Ở đất nước Ấn Độ bao la, có tới hàng ngàn hang động như ở Ajanta. Liệu còn có những di sản, kho báu nghệ thuật của nhân loại bị bỏ quên không? Khu vực Đền ĂngKô cũng từng bị bỏ quên trong rừng sâu hàng chục Thế kỷ. Gần đây, ở Pháp cũng mới tìm ra một hang động cùng với nhiều bức họa giá trị. Khu hang động AJanta cũng bị bỏ quên tới hơn mười Thế kỷ, đến tận năm 1819 mới được toán lính người Anh phát hiện ra. Thật may mắn, nếu không thì những viên ngọc quý trong hang động Ajanta sẽ bị chìm đắm chưa biết đến bao giờ.
TS. NGÔ VĂN DOANH VÀ Đ.T.S.