Tài liệu: Núi Hoàng Long

Tài liệu
Núi Hoàng Long

Nội dung

NÚI HOÀNG LONG

 

Vùng Núi Hoàng Long nằm về phía Tây Bắc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, quanh năm không có tuyết phủ trên các ngọn núi cao. Ở đây có nhiều phong cảnh đẹp tuyệt vời, những ai đã một lần đến thăm thắng cảnh Hoàng Long khó lòng nguôi ngoai nỗi nhớ. Ở đây có một hệ thống rừng ôn đới phát triển, với nhiều thác nước cao lớn, quanh năm nước đổ ì ào tạo lên những vũng nước bọt trắng xóa và một màn sương mát dịu. Vùng núi non Hoàng Long còn có nhiều nguồn suối nước nóng, rất có giá trị cho việc điều trị bệnh, đặc biệt bệnh ngoài da. Động thực vật rất phong phú, là nơi trú ẩn của nhiều loại  chim, thú quý hiếm. Đặc biệt loài gấu trúc và khỉ mặt vàng Tứ Xuyên. Loài gấu trúc đang có nguy cơ tuyệt chủng, nếu không có kế hoạch bảo vệ và phát triển, đến nay mỗi loài chỉ còn khoảng 1000 con, sống thành 6 tập đoàn trong những khu rừng cao thuộc miền Tây Trung Quốc, thức ăn chính của loài gấu này là cây trúc.

Loài gấu trúc đã có cách đây khoảng 3 triệu năm, trước khi loài người vượn chuyển biến thành người. Khi đó, gấu trúc phần lớn sinh sống trong những khu rừng rậm nhiệt đới và cận nhiệt đới trên vùng đất hiện nay là miền Nam Trung Quốc, số lượng không nhiều. Đây cũng là nơi sinh sống của loài vượn lớn. Qua nghiên cứu các chiếc răng hoá thạch của gấu trúc thời đó, cho thấy thức ăn thời đó của chúng cũng giống như thức ăn ngày nay vẫn là cây trúc, nhưng tầm vóc trung bình của chúng lúc đó chỉ bằng một nửa tầm vóc gấu trúc trưởng thành ngày nay.

Cách đây khoảng 750.000 năm, gấu trúc có một cuộc di chuyển lên phía Bắc, vượt rặng Tần Lĩnh nằm ngang miền Tây Trung Quốc, từ lưu vực sông Châu Giang và sông Dương Tử ở phía Nam cho đến Chu Khẩu Điếm trong vùng Tây Nam Bắc Kinh. Vào thời gian đó, loài gấu trúc có số lượng nhiều nhất và tầm vóc của chúng cũng lớn hơn bây giờ một chút.

Quá trình tiến hoá đầu tiên và cuộc di chuyển ấy, gấu trúc không chỉ thích nghi với các điều kiện sống trong các khu rừng rậm nhiệt đới và cận nhiệt đới phương Nam mà nó còn phải thích nghi với điều kiện sống và khí hậu ôn hòa hơn của những khu rừng phương Bắc.

Cách đây khoảng 18.000 năm, một tai họa lớn đầu tiên giáng xuống loài gấu trúc là thời kỳ băng hà đã quét sạch nơi sinh sống của chúng tại miền Bắc dãy Tần Lĩnh và làm giảm bớt nhiều các khu vực cư trú của chúng ở miền Nam.

Song thiên nhiên chưa phải là tai họa khủng khiếp đối với loài gấu trúc mà tai họa lớn đối với chúng là do bàn tay con người. Đó là sự sinh sôi nảy nở mau chóng của loài người suốt mấy thiên niên kỷ nay, cần nơi sinh sống; phá rừng trúc làm nương rẫy, buộc loài gấu trúc phải từ bỏ mảnh đất thích nghi của chúng thuộc vùng núi thấp ở Hoa Nam để lùi vào những thung lũng sâu kín bao quanh các cao nguyên Thanh Hải, Tây Tạng ở miền Đông.

Hiện nay, trên toàn đất nước Trung Hoa rộng lớn, chỉ có sáu khu tách biệt nhau thuộc vùng núi miền Tây Trung Quốc là có gấu trúc sinh sống, số lượng ngày một giảm đi. Một trong sáu khu vực ấy nằm ở phía Nam dãy Tần Lĩnh, đó là vùng Núi Hoàng Long, rộng 1.650 km2 có khoảng 240 con gấu trúc. Khu vực rộng lớn nhất, khoảng trên 13.000 km2 nằm trong vùng núi Mẫu Sơn, ngăn cách hai tỉnh Tứ Xuyên và Cam Túc, chỉ có khoảng 350 con.

Tại khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Long ở Tỉnh Tứ Xuyên rộng 10.425 km2 cũng chỉ có khoảng 250 con. Khu vực xa nhất nằm về phía Nam, rộng khoảng 3.300 km2, nằm dọc theo ba rặng núi Đại Trượng Lĩnh, Tiểu Trượng Lĩnh và Đại Lương Sơn, còn khoảng 100 con, thường lẩn khuất sâu trong những cánh rừng trúc rậm rịt. Tổng số toàn quốc hiện nay chưa đầy 1.000 con đang sinh sống trên một diện tích ước tính khoảng 28.725km2.

Núi rừng Trung Quốc là nơi duy nhất trên Thế giới có gấu trúc sinh sống trong điều kiện hoang dã nên Chính phủ Trung Quốc ban hành những đạo luật và thực thi những biện pháp nghiêm ngặt để bảo vệ loài thú quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng này.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/170-02-633386692827500000/95-Di-san-tieu-bieu/Nui-Hoang-Long.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận