AGRA – THÀNH PHỐ CỔ XƯA CỦA ẤN ĐỘ
Trên bờ sông thơ mộng Giamna cách Delhi 127 dặm (204km), có một thành phố đã trở thành niềm tự hào của người Ấn Độ: Agra. Từ xưa tới giờ, Agra luôn luôn là thành phố của thủ công nghiệp và thương mại. Nó cũng là thành phố pháo đài và là trung tâm chính trị sôi động. Chính tại nơi đây, Thánh Mahatma Gandhi và Jawahanal Nehru thường tới để tránh sự truy lùng của chính quyền thực dân Anh.
Agra là một trong những thành phố vào loại cổ xưa nhất của Ấn Độ. Trong các thư tịch cổ, Agra có tên là Agra ban (Rừng Agra); còn nhà địa lý Hy Lạp nổi tiếng Ptolémée gọi đô thị này là Thành phố Agra. Cho đến nay, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giả thuyết về nguồn gốc của cái tên Agra. Một trong những giả thuyết được chấp nhận và có vẻ hợp lý cho rằng Agra có nghĩa là thành phố của người Aria (Gra - thành phố, Aria - người Aria). Thế nhưng người Ấn Độ hầu như biết rất ít về giai đoạn cổ xưa của Agra vì thành phố đã nhiều lần bị phá hủy. Chỉ đến Thế kỷ XI, sau khi vùng đất này của Ấn Độ bị Sắc (Vua) Mahmut Gaznevi của người Agan xâm chiếm, Agra mới được phục hồi và bắt đầu hình thành bộ mặt mới của mình.
Trong suốt thời gian trị vì của đế chế Mogol, bắt đầu từ Sắc Babur (Thế kỷ XVI) tới Sắc Auangzep (Thế kỷ XVII), Agra là Thủ đô không chính thức của đế quốc Mogol. Tại đây đã tập trung hầu hết các công trình kiến trúc nổi tiếng nhất của thời đại Mogol.
Trong số đó, nổi bật lên là các công trình Taj Mahal, Thành Đỏ, Lăng Itimatat Daulah, Sihandra...
Babur là người sáng lập ra đế chế Mogol. Sau khi ông lật đổ triều đại Lô Di vào năm 1526, ông đã sống suốt bốn năm trời tại Agra. Con trai của Babur, tức vị Hoàng đế thứ hai của Vương triều Mogol Sắc Humaun (1530 - 1556) cũng đã sống và chết tại Agra, nhưng lại không xây dựng gì thêm ở đây. Chỉ dưới triều vị Hoàng đế thứ ba là Acbar, Agra mới trở thành Thủ đô thực sự của đế chế Mogol. Trong suốt năm mươi năm trị vì của Hoàng đế Acbar, vòng thành của Agra mới được xây dựng và Thành Đỏ mọc lên. Vào những năm cuối đời, Acbar cho xây lâu đài Sihandra ở vùng ngoại ô Agra. Tất cả những công trình thời Acbar đều làm bằng sa thạch đỏ, tạo nên phong cảnh hùng vĩ trang nghiêm. Nhưng đến thời con trai của Acbar, tức Hoàng đế Giahangir (1 605-1627), thì hầu như không để ý tới việc xây dựng thêm cho Agra. Thế nhưng, bù vào đó, Hoàng hậu Nurgiehan, một trong những người vợ của Giahangir lại là người kế tục xứng đáng những truyền thống kiến trúc của đế chế Mogol. Bà đã cho xây dựng Lăng Itimatat Daulah (thường gọi là Nurmahal) để làm lăng mộ nơi chôn cất cha mẹ mình. Từ Nurmahal bắt đầu một truyền thống xây dựng những lăng mộ kiểu kết hợp giữa hai nền nghệ thuật Ấn Độ và Hồi giáo (Ba Tư). Khác với những kiến trúc trang nghiêm và đơn điệu về chất liệu của thời Acbar, công trình kiến trúc mới (Nurmahal) được xây dựng bằng loại cẩm thạch quý nhiều màu sắc khác nhau và được trang trí phong phú cả ở ngoại thất và nội thất. Đặc biệt bắt đầu từ Nurmahat, kỹ thuật khảm tường bằng các loại đá nhiều màu trở thành phổ biến trong kiến trúc Mogol.
Dưới thời Sắc Giahan (1627-1 665), nghệ thuật xây dựng cung điện thành trì và lăng mộ của Ấn Độ đạt tới đỉnh cao. Vị Hoàng đế mới này hầu như không để ý gì tới công việc quốc gia mà toàn tâm toàn ý tập trung vào việc xây dựng đền đài, lăng tẩm. Những vật liệu xây dựng được vận chuyển chảy thành những dòng bất tận về Agra. Trong Thành Đỏ mọc lên hàng loạt lâu đài, đền miếu kỳ vĩ. Thế nhưng, công trình xây dựng giá trị nhất của thời kỳ này lại chỉ là Lăng Taj Mahal.
Mặc dù không xây dựng được gì thêm, nhưng con trai của Sắc Giahan, Hoàng đế Auranglep (1665 - 706) cũng đã có công giữ được tất cả những gì mà tổ tiên đã xây dựng nên ở Agra khỏi sự tàn phá của những cuộc chiến chinh liên miên giữa các thế lực khác nhau.
Sau khi Auranglep chết, quân đội Ba Tư tràn vào xâm chiếm Ấn Độ, họ đã tàn phá Agra. Sau đó vào năm 1803, Agra lọt vào tay người Anh, và theo mô tả của người Ấn Độ, trong suốt hơn một Thế kỷ Agra chỉ còn là một cái bóng của quá khứ. Thế nhưng, sau khi đất nước Ấn Độ độc lập, cái bóng đó đã bùng lên thành bài ca kiến trúc tuyệt vời không chỉ của Ấn Độ và còn của cả nhân loại.
TS. NGÔ VĂN DOANH